Đón hàng không mẫu hạm Mỹ, CSVN đi dây giữa Washington và Bắc Kinh

HKMH  USS Carl Vinson đến cảng Đà Nẵng, Việt Nam, ngày 05/03/2018. REUTERS/Kham

Sự kiện Đà Nẵng đón hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson hôm  05/03/2018 vừa được coi là một biểu tượng mạnh mẽ trong quan hệ chiến lược Việt-Mỹ, vừa cho thấy tính phức tạp trong quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh.

Hàng không mẫu hạm Mỹ cùng hai tàu hộ tống với trên dưới 6.000 thủy thủ, phi công… “đổ bộ” vào Đà Nẵng, cảng nằm không xa đảo Cá Voi Xanh nơi công ty Exxon Mobil của Hoa Kỳ đang khai thác và nhất là sát cạnh khu vực quần đảo Hoàng Sa, mà cả Việt Nam lẫn Trung Cộng cùng tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh chắc chắn là theo dõi sát các hoạt động của USS Carl Vinson trong 5 ngày chiếc tàu neo đậu tại Đà Nẵng.

Theo một số các nguồn tin thông thạo được hãng tin Reuters trích dẫn, để trấn an Trung Cộng, từ nhiều tháng qua Hà Nội đã điều các chuyên gia đến Bắc Kinh để giải thích với nước láng giềng phương Bắc về triển vọng tăng cường hợp tác Việt-Mỹ. Các giới chức ngoại giao và quân sự Việt Nam đã liên tục nhấn mạnh đến chính sách đối ngoại độc lập của Hà Nội và mong muốn mở rộng quan hệ quốc tế, duy trì mối bang giao ổn định với Bắc Kinh, bất chấp những tranh chấp ở Biển Đông.

Cần nhắc lại đây không phải là lần đầu tiên Hàng Không Mẫu Hạm Hoa Kỳ hiện diện trong vùng Biển Đông. Từ đầu năm 2018, trước khi ghé cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, chiếc Carl Vinson đã ghé hải cảng Manila vào giữa tháng 2/2018. Phó đề đốc, chỉ huy hải đội tác chiến Carl Vinson John Fuller, trong cuộc họp báo tại Philippines khi đó, đã nhấn mạnh đến “một sự hiện diện có trọng lượng” của Hải Quân Hoa Kỳ, trong tình hình Trung Cộng liên tục mở rộng căn cứ quân sự ở Hoàng Sa, xây dựng đảo nhân tạo tại khu vực Trường Sa. Đấy là những nơi đang có tranh chấp chủ quyền, mà Việt Nam là một trong những bên liên quan.

Tại Bắc Kinh, một số chuyên gia cho rằng sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Mỹ sát cửa ngõ của Trung Cộng là yếu tố để quốc gia Bắc Á này tăng tốc các chương trình xây dựng tại vùng biển mà Trung Cộng đã xem là ao nhà. Dù vậy, về mặt chính thức, từ khi hay tin chiếc USS Carl Vinson sẽ đến thăm Đà Nẵng, Bắc Kinh tỏ ra chừng mực. Bộ Ngoại Giao Trung Cộng hy vọng giao lưu Mỹ-Việt “mang tính xây dựng”. 

Trên thực tế, theo như ghi nhận của một chuyên gia về an ninh quốc phòng tại đại học Lĩnh Nam – Hồng Kông, được Reuters trích dẫn, Bắc Kinh giờ đây hiểu rõ hơn chính sách của Hà Nội cân bằng quan hệ giữa hai nước lớn là Mỹ và Trung Cộng. Vẫn theo chuyên gia này, “ngành ngoại giao của Việt Nam đã thành công trong mục đích trấn an Bắc Kinh”. Trong mắt nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thuộc việc Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, Trung Cộng biết chắc là Việt Nam muốn đẩy mạnh hợp tác quân sự với Mỹ, nhưng sẽ không dám thách thức Bắc Kinh.

Sau cùng, cũng có ý kiến cho rằng, thái độ chừng mực của Trung Cộng trước việc hàng không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Đà Nẵng có thể cho thấy là Bắc Kinh chấp nhận việc Việt Nam ủng hộ sự hiện diện của Hải Quân Hoa Kỳ trong vùng Biển Đông, với điều kiện là sự hiện diện đó “góp phần xây dựng hòa bình và ổn định khu vực” như chính phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng từng tuyên bố.

Thanh Hà (RFI)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt