Đòi Đất Hay Đòi Công Lý?

Đòi đất hay đòi công lý? Hiện nay cuộc đấu tranh đòi lại đất của giáo hội công giáo hoặc của dân oan không chỉ đòi lại gia sản đã mất mà còn đòi lại công lý.

ĐÒI ĐẤT HAY ĐÒI CÔNG LÝ?

Vụ Tổng Giáo Phận Hà Nội và giáo xứ Thái Hà “đòi đất” đã nổ lớn, đã được cả thế giới chú ý và giáo dân Công Giáo trong cũng như ngoài nước đang tiếp tục cầu nguyện, hiệp thông với giáo dân Hà Nội và Thái Hà. Việt Cộng đã hoàn tất 2 công viên tại 2 nơi tranh chấp, chiến dịch bôi nhọ, nhục mạ, vu khống Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đang tiếp diễn, giáo dân Tổng Giám Phận Hà Nội và giáo xứ Thái Hà vẫn tiếp tục cầu nguyện, Việt Cộng vẫn giăng mắc những “khí cụ” theo dõi Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt chung quanh tòa Tổng Giám Mục, Hội Đồng Giám Mục đã xác nhận Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và các linh mục giáo xứ Thái Hà không làm gì trái với giáo luật của Giáo Hội hiện hành. Như vậy, vấn đề cầu nguyện đòi đất vẫn còn tiếp diễn.

Đòi đất hay đòi gì khác nữa?

Trước hết, Tổng Giáo Phận Hà Nội ĐÒI ĐẤT chứ không xin cấp đất. Đòi khác xin, xin là muốn có được cái mình không có. Người ta có quyền cho hay không. Còn đòi là yêu cầu người khác trả lại cái mình có mà bị cướp giựt, bị mượn, bị “mượn tạm”, tóm lại là muốn vật nguyên là sở hữu của mình, do mình làm chủ nay muốn phía bên kia trả lại. Người đang cầm giữ vật đó có bổn phận trả lại cố chủ theo phép công bằng. Tổng Giáo Phận Hà Nội có tất cả gần 100 cơ sở bị Việt Cộng chiếm đoạt trái phép, không phải trưng thu hay tịch thu, không phải mua bán hay chuyển nhượng, như vậy quyền sở hữu vẫn thuộc về Tổng Giáo Phận Hà Nội. Nhưng  theo lời trình bày của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt thì Tổng Giáo Phận không đòi những cơ sở đang GIÚP ÍCH CHO DÂN CHÚNG, Giáo Phận Hà Nội chỉ đòi những cơ sở bị “bọn xấu” đem bán cho người khác lấy tiền bỏ túi. Đây là một hình thức ăn cướp không hơn không kém. Hoặc dùng làm những cơ sở kinh doanh, tệ hơn nữa là nơi tổ chức những trò tồi bại mất thuần phong mỹ tục, có hại cho văn hóa và đời sống của người lương thiện như VC dùng đất Tòa Khâm Sứ cũ để lập sàn nhảy.

Khi xác định như vậy, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã nói thẳng vào mặt Việt Cộng: chúng tôi không để các ông cậy quyền, dùng bạo lực ăn cướp của dân. Nếu cho rằng sở hữu đất đai thuộc quyền của Nhà Nước như thủ tướng Việt Cộng Nguyễn Tấn Dũng nói  thì Nhà Nước cũng không thể chấp nhận cho một số cán bộ nhân danh nhà nước để lấy đất của người khác bán lấy tiền bỏ túi. Trong một bài phát biểu khá dài của Đức Cha Ngô Quang Kiệt mà Việt Cộng không tìm được một sơ hở nào để kết tội Ngài, hoặc bắt bí Ngài hòng dành phần thắng. Chỉ còn cách cắt bớt lời nói của Ngài để vu vạ cho Ngài. Tương tự như vậy, đất của dân oan không phải bị tịch thu để làm công ích mà phần lớn để cho cán bộ Việt Cộng bán lại cho các nhà đầu tư ngoại quốc với giá lời lên đến cả trăm hay hàng nghìn phần trăm. Định chế đất đai thuộc quyền Nhà Nước là một định chế bất công, không thể chấp nhận được.

Đòi lại đất do Việt Cộng chiếm đoạt trái phép để đem bán lại kiếm tiền hoặc giữ làm của riêng là một cách trực tiếp chỉ ra sai trái, gian tà của Việt Cộng. Lối sống rừng rú đó không thích hợp với văn minh của nhân loại, nhất là khi Việt Cộng gia nhập thị trường tư bản, gia nhập WTO, gia nhập Liên Hiệp Quốc v.v… Thế giới bên ngoài thấy rõ điều đó, vì vậy đã ủng hộ cuộc “cầu nguyện đòi đất” của Tổng Giáo Phận Hà Nội. Vô hình chung, Tổng Giáo Phận Hà Nội đã nêu lên cho cả thế giới thấy một vấn đề khuất tất mà bao lâu nay hằng triệu dân oan đã là nạn nhân của những vụ cướp ngày này. Đòi đất đồng nghĩa với đòi lại công bằng, đòi lập lại trật tự mới: người không bóc lột, không ăn cướp của người nhân danh pháp luật và nhà nước.

Hình thức đòi đất hay đòi công lý:

Với phương thức CẦU NGUYỆN với Thiên Chúa để có lại được phần đất đã mất là một hình thức ôn hòa nhất, hợp lý nhất khiến cho Việt Cộng không thể tranh cãi. Đối lại, Việt Cộng đã quen nghề vu vạ, bưng bít nên đã cắt xén lời Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt để nhục mạ Ngài, gây áp lực với Hội Đồng Giám Mục để “xử lý” Đức TGM Ngô Quang Kiệt. Nhưng Hội Đồng Giám Mục đã minh bạch xác nhận Đức TGM Kiệt và các linh mục mà Việt Cộng đã minh danh đòi HĐGMVN “xử lý” đã “Không làm gì vi phạm đến giáo luật của Giáo Hội hiện hành”. Việt Cộng đã tạo cớ cho HĐGMVN xác định lập trường của mình ủng hộ Đức TGM Kiệt và các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế và giáo xứ Thái Hà.

Chiến thuật cắt xén lời phát biểu của Ðức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt để vu vạ cho Ngài, Việt Cộng bị “gậy ông đập lưng ông”, vì cả thế giới đều có bài viết lẫn âm thanh lời phát biểu của Ðức Cha Ngô Quang Kiệt. Một lỗi lầm khác là Việt Cộng đã hấp tấp mang tượng Ðức Mẹ đi chỗ khác để “tạo mặt bằng xây dựng công viên”. Ðồng thời phạt tòa Tổng Giám Mục gần 2 triệu đồng, nay chúng muốn trả lại tượng với mục đích “xoa dịu” tình hình. Tòa Giám Mục đã đòi chúng phải thu hồi lệnh phạt. Ðiều này rất hợp lý vì khi chúng “tịch thu tang vật” nay đem trả, có nghĩa là Tòa TGM không “có tội”.

Luận điệu xuyên tạc.

Những kẻ về hùa với Việt Cộng đã cho rằng vấn đề đòi đất của Tòa Tổng Giám Mục là “hố” vì đối với Việt Cộng, như lời tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng thì không có ai có quyền sở hữu đất đai, ngoài Nhà Nước. Nhưng Ðức Cha Ngô Quang Kiệt đã nói rõ, nếu vì lợi ích của dân chúng, Giáo Hội không đòi, sở dĩ Giáo Hội phải đòi là vì cán bộ VC tham nhũng. Hơn nữa, Ðức TGM Ngô Quang Kiệt cũng đã yêu cầu Việt Cộng trưng bằng chứng các cơ sở nói trên đã bị trưng dụng, tịch thu hay dâng hiến, nhưng VC không thể xuất trình các bằng cớ này được. Do đó, việc đòi đất của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội là một việc làm chính đáng, một việc làm mở ra cho Việt Cộng một con đường sáng, con đường mà nếu Việt Cộng muốn tồn tại phải đi theo, con đường đó là ngưng mọi sự cướp bóc bất động sản của dân chúng, con đường đó là phải công nhận quyền sở hữu của người dân, cũng như của những hội đoàn, tập thể tạo mãi nên. Không thể tự tiện muốn lấy của ai thì cứ nhân danh Nhà Nước để lấy.

Cuộc đấu tranh đi về đâu?

Trong tay Ðức Cha Ngô Quang Kiệt không có một tấc sắt, giáo dân chỉ biết cầu nguyện, nhưng đó là sức mạnh đáng sợ. Sức mạnh đó càng đàn áp, càng mạnh lên. Trong khi đó thì Việt Cộng hiện đang đối đầu với nhiều thế lực đấu tranh ở trong nước, từ lực lượng sinh viên, học sinh chống đối cuộc xâm lăng không tiếng súng của Trung Cộng mà cụ thể là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị Hồ Chí Minh và Phạm Văn Ðồng dâng cho Trung Cộng. Huyền thoại Hồ Chí Minh từ nay đang bị xóa bỏ dần trong tiềm thức người dân miền Bắc, Hồ Chí Minh chỉ còn là một tên tội đồ của dân tộc không hơn không kém.

Cuộc cầu nguyện đòi lại đất đai của Tổng Giáo Phận Hà Nội đã được toàn thể giáo sĩ và giáo dân thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội thấu hiểu và đã tham gia. Các giáo phận Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Vinh, Dòng Chúa Cứu Thế ở Saigon, các giáo phận chung quanh Saigon v.v… cũng đang hưởng ứng cầu nguyện tại chỗ. Nói cách khác, tất cả giáo dân Công Giáo đều đã được thông tin đầy đủ, Việt Cộng không thể bóp méo sự thật. Và từ giáo dân, cuộc cầu nguyện để lấy lại đất đã được đồng bào các tôn giáo khác biết đến. Ðây là vết dầu loang mà cơ quan tuyên truyền và công an Việt Cộng không thể bưng bít được. Ngoài ra, một Nhà Nước mà phải dùng côn đồ xã hội đen để trấn áp những người dân trong tay không một tấc sắt đã đánh động lương tâm của mọi người.

Việt Cộng đã sai lầm trong vấn đề này, hơn nữa, Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ đã nói rõ vấn đề trả lại bất động sản cho Giáo Hội Công Giáo đã được Việt Cộng cam kết với phái đoàn Tòa Thánh Vatican trong chuyến phái đoàn này công du Việt Nam. Ðây cũng là một sự kiện quan trọng rất có hại cho Việt Cộng.

Phải đối đầu nhiều thế lực một lúc, nhất là vấn đề chuyển nhượng lãnh thổ cho Việt Cộng sẽ là mồ chôn Việt Cộng, khi toàn dân đứng lên lật đổ chúng như các “đồng chí” Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Ðông Ðức v.v… đã bị sụp đổ cuối thập niên 80 đầu thập niên 90.

Giáo Hội Công Giáo đòi đất bị Việt Cộng ăn cướp để Việt Cộng từ bỏ hình thức cướp ngày này và phải công nhận quyền tư hữu của người dân. Ðòi đất hay đòi công bằng cũng là một.

Lê Văn Ấn

 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt