Do Thái đã đổ bộ vào Gaza – chuyện gì sẽ xảy ra?
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Ai cũng biết Do Thái cương quyết tấn công Hamas và đòi “xóa sổ” tổ chức khủng bố này trên Dải Gaza. Nhưng nếu điều đó xảy ra thì có thể nhanh chóng kích hoạt cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông, sau đó có thể lan ra thành Đại Chiến thứ Ba đưa đến tai họa khôn lường cho nhân loại!
Nhận xét này rất có cơ sở bởi vì bản chất cuộc chiến Do Thái-Hamas khác với chiến tranh Nga-Ukraine. Với cuộc chiến Nga-Ukraine thì Mỹ và các nước trong khối NATO ủng hộ chứ không tham chiến, còn chiến tranh Do Thái-Hamas thì Mỹ và các đồng minh trực tiếp tham chiến.
Những khó khăn của Do Thái khi đổ bộ vào Gaza:
Hamas đòi “xóa sổ” Do Thái ra khỏi bản đồ Trung Đông được Iran và các nhóm khủng bố Hồi Giáo khác ủng hộ triệt để. Phía Do Thái đòi “tận diệt” Hamas trên Dải Gaza nhân cơ hội quân khủng bố Hamas tấn công Do Thái ngày 7/10/2023.
Muốn “tận diệt” Hamas thì phải điều động bộ binh vào Dải Gaza, lục soát từng căn phòng trên bộ và dưới đường hầm chằng chịt, không thể dùng máy bay oanh tạc là đủ. Cuộc chiến này chắc chắn sẽ gây ra nhiều thường dân vô tội bị chết nhất là trẻ em và người già – biến Dải Gaza thành địa ngục trần gian xác người trôi sông, xác chết đầy đường. Từ một cuộc chiến chính nghĩa của Do Thái tiêu diệt khủng bố để sinh tồn bị mang tiếng chiến tranh phi “nhân đạo” bị dư luận thế giới lên án và đòi hỏi phải ngưng cuộc chiến, hoặc những cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc nghiêng về vấn đề nhân đạo trên Dải Gaza.
Ngày 26 tháng 10 năm 2023, toàn thể 27 nước Liên Minh Châu Âu (EU) đã họp khẩn ra một tuyên bố chung: “Hội đồng châu Âu lo ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo đang xấu đi ở Dải Gaza và kêu gọi nhanh chóng thiết lập các hành lang nhân đạo, an toàn và không có rào cản để viện trợ nhân đạo có thể được chuyển đến những người đang cần hỗ trợ khẩn cấp”.
Tuyên bố cũng đặc biệt nhấn mạnh “Tất cả các biện pháp cần thiết phải được thực hiện để cung cấp hỗ trợ nhân đạo, bao gồm việc thiết lập các hành lang nhân đạo và tạm dừng xung đột giữa hai bên”.
Tuyên bố này có “tạm dừng xung đột giữa hai bên” để yểm trợ cũng là lời kêu gọi của Tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, lập tức bị Đại Sứ Do Thái tại Liên Hiệp Quốc đáp trả đòi ông Guterres hãy từ chức. Phia Mỹ và Anh đã khuyên Do Thái giới hạn việc đổ bộ quân vào Dải Gaza.
Nhưng dường như tất cả yêu cầu, lời khuyên đều thất bại vì Do Thái cương quyết tận diệt Hamas ở Dải Gaza và từng lập lại lời tuyên bố: “chiến tranh là chiến tranh”- thắng hay thua giữa Do Thái-Hamas sẽ được quyết định bởi chiến tranh bất chấp hậu quả. Do Thái còn tuyên bố các nước Trung Đông là chiến tranh với Do Thái chẳng khác gì lấy trứng chọi đá.
Phiến quân Hamas đang dùng người người dân ở Dải Gaza làm bình phong để chống Do Thái đổ bộ vào Dải Gaza giống như chiến tranh du kích của Việt Cộng ngày trước trà trộn vào dân làng gây muôn vàn khó khăn cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa chiếm lại làng xã. Hơn thế nữa, trên Dải Gaza việc phân biệt những kẻ khủng bố và mạng lưới hỗ trợ khủng bố Hamas đối với người dân vô tội là một điều vô cùng khó khăn.
Các nhóm khủng bố trong địa bàn Trung Đông như Hezbollah ở Lebanon. Jihad (một nhóm chiến binh Palestine) (1) và Iran từng tuyên bố nếu Do Thái tấn công bằng bộ binh vào Dải Gaza thì họ sẽ tấn công Do Thái. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thông báo trên mạng xã hội X: “Tội ác của chế độ theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái đã vượt qua ranh giới đỏ có thể buộc bất kỳ ai phải hành động. Washington yêu cầu chúng tôi không làm gì, nhưng họ vẫn tiếp tục hỗ trợ rộng rãi cho Do Thái”.
Các nước lớn Cộng Sản như Nga và Trung Cộng, các nước thiên tả và Hồi Giáo hình như có cùng luận điệu, nặng nhẹ tùy cách dùng chữ. Nói chung họ chống lại việc Do Thái tấn công vào Dải Gaza, có những nước không nhắc đến Hamas như Trung Cộng và Nga, chỉ cho rằng Do Thái đã trả đũa thái quá.
Bên cạnh đó, những trang mạng truyền thông xã hội, làm cho cuộc chiến phi “nhận đạo” càng ngày càng tồi tệ rất bất lợi cho Do Thái – chắc chắn nước thuộc về phe bênh Hamas sẽ khai thác tối đa lãnh vực này.
Những thuận lợi của Do Thái khi đổ bộ vào Gaza:
Vào thứ Bảy ngày 28/09/2023, Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng “giai đoạn thứ hai” trong cuộc chiến của Do Thái chống lại Hamas đã bắt đầu (2). Ông cho biết các hoạt động trên bộ ở Gaza của quân Do Thái có hai mục tiêu: phá hủy toàn bộ khả năng quân sự của Hamas, và trao trả các con tin bị bắt trong cuộc khủng bố của Hamas ngày 7/10/2023. Họ cho “Đây là cuộc chiến tranh giành độc lập thứ hai của chúng ta [Do Thái]”.
Các nhà lãnh đạo Do Thái tỏ ra thận trọng về đưa ra những chi tiết của các hoạt động trên bộ hiện nay vì mọi phương tiện truyền thông liên lạc với Gaza đã bị cắt. Alex Plitaz (thành viên cao cấp Sáng kiến N7 Chương Trình Trung Đông) nói rằng Do Thái sẽ “một chiến dịch bao vây và tìm kiếm, trong đó họ sẽ đi từng tòa nhà để tìm kiếm và tiêu diệt năng lực quân sự của Hamas, bao gồm các cấp chỉ huy, kho vũ khí, các thủ lĩnh chủ chốt và các chiến binh Hamas quyết định ở lại và chiến đấu”.
Lòng cương quyết và đoàn kết cấp lãnh đạo: Hôm thứ Bảy (28/10), Thủ tướng Netanyahu, Bộ Trưởng Quốc phòng Yoav Galant và thành viên nội các chiến tranh Benny Gantz của Do Thái xem Hamas là “đại diện cho một mối đe dọa không thể tồn tại được đối với người dân Do Thái”. Họ cho biết rằng cuộc chiến này “về cơ bản khác biệt” so với những cuộc giao tranh trước đây giữa Do Thái-Hamas. Họ dùng câu “không bao giờ có nữa” nghĩa là ngày 7/10/2023 là ngày nguy hiểm nhất đối với người Do Thái kể từ Holocaust, sẽ không bao giờ lập lại, bằng cách phải “nhổ cỏ” Hamas.
Nếu có ai tấn công vào Do Thái thì Mỹ sẽ nhảy vào cuộc chiến. Dù chưa xảy ra chiến tranh mà Hoa Kỳ đã đem hai Hàng Không mẫu Hạm (HKMH) và 2000 Thủy Quân Lục Chiến chờ sẵn. Việc điều động quân Mỹ có hai mục đích: một là để phản ứng nhanh bảo vệ Do Thái và thứ hai là răn đe các nước trong vùng vịnh, đặc biệt Iran nhảy vào cuộc chiến. Iran là mối lo ngại lớn nhất của Mỹ hiện nay ở Trung Đông, cho nên các giới chức cao nhất của Mỹ từ Bộ Trưởng Ngoại Giao đến Thống Thống đều nói với ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị khi đến thăm Washington vừa rồi là Trung Cộng nên dùng ảnh hưởng của mình thuyết phục và kiềm chế Iran hãy bình tỉnh không được manh động (3). Mặc dù chưa cho quân vào đất Do Thái nhưng Mỹ đã tác chiến như cách đây không lâu hải quân Mỹ đã bắn chặn những hỏa tiễn của quân khủng bố bắn vào Do Thái.
– Anh Quốc đã gửi những khu trục hạm đến vùng vịnh cùng hợp trận với các HKMH của Mỹ.
– Pháp: Sau những nỗ lực ngoại giao của Tổng Thống Pháp Macron đến những nước Trung Đông để giải cứu những con tin người Pháp bị Hamas bắt ngày 7/10 không thành công. Pháp đã quay qua yểm trợ cho Do Thái hết mình, còn ra lệnh tại nước Pháp không cho phép biểu tình ủng hộ Palestine. Pháp còn gửi đến Trung Đông một tàu bệnh viện chứa 2000 giường bệnh và mang theo trực thăng cứu thương.
Chìa khóa cuộc chiến Trung Đông lan rộng:
– Khi Iran bước vào cuộc chiến thì không tránh khỏi Nga và Trung Cộng tham chiến. Chiến tranh thứ ba sẽ bùng nổ. Không biết lúc này Mỹ có đủ sức chịu đựng được một bên tham chiến và một bên phải chi viện cho Ukraine và lo cho tình hình Thái Bình Dương hay không? Theo bà Janet Yellen, Bộ Trưởng Tài Chánh Hoa Kỳ tuyên bố thì Mỹ có đủ khả năng lo cho hai chiến trường Israel và Ukraine cùng một lúc (4)
– Chìa khóa của cuộc chiến Trung Đông nằm trong tay Iran, nếu Iran tham chiến thì mọi việc sẽ bùng phát nhanh chóng. Còn Iran được Trung Cộng và Nga khuyên nhủ không tham chiến thì Do Thái sẽ đạt mục đích chừng 3 tháng như lời Bộ Trưởng Quốc Phòng Do Thái Yoav Galant đã hứa. Điểm đáng chú ý là Trung Cộng và Nga khuyên Iran không phải lòng tốt muốn hòa bình thế giới mà vì biết rằng mình không đủ sức chọi với Mỹ vì Trung Cộng thì hiện tình kinh tế đang xuống dốc phải lo, còn Nga thì đã kiệt sức ở Ukraine.
Hoa Kỳ ngày 29 tháng 10 năm 2023
Lê Thành Nhân
Chú thích:
(3) Ngoại Trưởng Trung Cộng Vương Nghị viếng thăm Hoa Kỳ, chuyện gì xẩy ra?