Điểm báo quốc tế: Trung Quốc – Mỹ, Hai cường quốc cần phải tiến hành cải cách

Trong tương lai, Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ là hai cường quốc hàng đầu của thế giới. Hiện nay Hoa Kỳ đang dẫn đầu không biết vị trí đầu bảng của Hoa Kỳ tương lai sẽ ra sao? Theo nhận định của tờ The Guardian – tại Luân Đôn, thì cả hai quốc gia cần phải tiến hành nhiều cuộc cải cách quan trọng để giải quyết các bất ổn trong nước. Đặc biệt là Trung Quốc, hiện đang gặp nhiều vấn đề về hệ thống nghiêm trọng, có nguy cơ cùng một lúc làm tăng trưởng chậm và làm chế độ lung lay. Chủ đề này đã được tuần san Courrier International trích dịch lại qua hàng tựa “Hai cường quốc cần phải cải cách”.

Trong cùng một tuần, cả thế giới đều biết đến ai là nhà lãnh đạo tương lai của hai cường quốc. Tuy nhiên, sự trùng hợp đó làm nổi dậy hai câu hỏi : Trong hai cường quốc, nước nào đang đi lên thành cường quốc ? Và tại quốc gia nào, khủng hoảng kinh tế và chính trị là sâu sắc nhất ? Điều nghịch lý xảy ra là câu trả lời cho cả hai câu hỏi đó, chính là Trung Quốc.

Đầu tiên hết, tác giả phân tích đến những sự khác biệt giữa hai cường quốc. Theo tác giả, khác biệt thứ nhất nằm ở chỗ sự minh bạch. Từ 5 năm qua, Hoa Kỳ đã rơi vào trạng thái bất ổn. Ai cũng hiểu rõ là những bất ổn đó đến từ đâu. Trong suốt quá trình vận động tranh cử tổng thống, mọi chủ đề đều được phơi bày trước công chúng, từ vấn đề nợ công, Quốc hội rơi vào bế tắc, luật thuế dài dằng dặc, cơ sở hạ tầng và trường học bị bỏ rơi, sự lệ thuộc nhiều vào nguồn dầu cung ứng từ nước ngoài và chi phối tài chính trong đời sống chính trị…

Ngược lại, tại Trung Quốc, không ai đánh giá được hết tầm mức quan trọng của các vấn đề, bởi một lẽ đơn giản là truyền thông trong nước không thể nào đề cập đến. Trong một nền tảng chính trị độc đảng, những ván cờ được che dấu dưới những bài diễn văn tư tưởng đã được mã hóa.

Bên cạnh đó, xã hội và kinh tế Trung Quốc phát triển quá nhanh chóng, có thể nói là nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Trong vòng có 30 năm, dân số Trung Quốc đã tăng thêm 480 triệu người. Hơn 50% dân số sống tại các khu đô thị. Với tình trạng đó, xã hội Trung Quốc đang sắp tiến đến gần hiện tượng gọi là “vòng xoáy Lewis” (một thuật ngữ do nhà kinh tế học Arthur Lewis đưa ra), nghĩa là xã hội sẽ ngày càng khan hiếm lượng nhân công giá rẻ đến từ các vùng nông thôn. Vì vậy, Trung Quốc nên quan tâm nhiều đến nhu cầu nội địa hơn, vì họ không thể nào trông chờ vĩnh viễn vào nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ.

Điểm khác biệt thứ hai thể hiện rõ trong cách thức bầu chọn lãnh đạo. Phương thức “Đại cử tri” tại Mỹ không có gì là bí mật. Còn tại Trung Quốc, lãnh đạo Đảng và Nhà nước được bầu chọn theo mô hình hình tháp, từ thấp đến cao. Ví dụ, trong kỳ Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 18 này, 2270 đại biểu bầu chọn ra 370 thành viên Ủy ban Trung ương Đảng (UBTƯ). Sau đó, các thành viên trong UBTƯ lại bầu chọn tiếp 20 vị thành viên trong Bộ chính trị. Cuối cùng, những người này sẽ chọn ra 7 vị trong Ban thường vụ, những người lãnh đạo chóp bu của Đảng và Nhà nước.

Có điều khác với bầu cử Mỹ, người dân chỉ biết tên người chiến thắng vào giờ chót. Còn tại Trung Quốc, các vị trí chủ chốt vốn đã được phân bổ từ trước thông qua các cuộc mặc cả và các thao túng sau hậu trường đã từ những năm trước như nhà vua chọn thái tử kế vị thời phong kiến.

Cải cách triệt để

Theo tác giả bài viết, mối quan hệ giữa đồng tiền và chính trị là một rào cản có hệ thống, không chỉ ở tại Mỹ mà ngay cả tại Trung Quốc và ngay cả ở những nước Đông Âu.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của tác giả, tại Trung Quốc hơn bất kỳ chỗ nào khác, một cuộc khủng hoảng có thể làm chất xúc tác cho một sự cải cách hoặc là một cuộc cách mạng. Lấy ví dụ nếu là cải cách, theo các nhà phân tích, Trung Quốc sẽ không khai thông cho một nền dân chủ theo kiểu phương Tây. Vì quyền lợi quốc gia, Đảng Cộng sản chỉ cần cải cách theo hướng mở rộng Nhà nước Pháp quyền hơn, minh bạch, an sinh xã hội tốt hơn và phát triển bền vững và tôn trọng môi trường hơn.

Cuối cùng, tác giả cho rằng vì quyền lợi chung của cả thế giới, cả hai cường quốc hàng đầu nên tiến hành các cải cách. Các vụ xung đột xảy ra gần đây trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ mang dáng dấp khiêu chiến đáng ngại đến mức thành sự đối đầu giữa các siêu cường. Tác giả nhắc nhở rằng một quốc gia không hài lòng, mất khả năng giải quyết các vấn đề trong nước thường có xu hướng trút sự giận dữ lên đầu các quốc gia khác.

Quyền lợi hỗ tương cần đạt đến

Cũng liên quan đến chủ đề này, tờ Foreign Policy tại Washington cũng có phân tích, được Courrier International trích dẫn lại qua bài viết đề tựa “Quyền lợi chung cần phải đạt”.

Theo tờ báo, với mô hình lãnh đạo “đồng thuận”, trong mười năm qua, Trung Quốc đã không thể nào tiến hành các cải cách chính trị quan trọng, dù rằng nhiều lần thủ tướng Ôn Gia Bảo đã lên tiếng kêu gọi tính khẩn cấp của việc cải cách hệ thống.

Đồng quan điểm với tờ The Guardian, tờ báo Mỹ cũng cho rằng chỉ có khi nào có một cuộc khủng hoảng xảy ra thì lúc đó, nhà lãnh đạo mới có đủ bản lĩnh để có thể tiến hành một cuộc cải cách cần thiết nhưng cũng đòi hỏi nhiều hy sinh.

Về mặt kinh tế, tác giả cho rằng Bắc Kinh cần phải xem xét lại từ gốc đến ngọn. Nhận thức được mối nguy hiểm, nên chính quyền do hai ông Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo điều hành buộc phải chấp nhận một chiến lược mới là phát triển nguồn tiêu thụ nội địa, bớt lệ thuộc vào khu vực xuất khẩu và ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến cải tiến hơn và rẻ hơn.

Thế nhưng, theo tác giả, trở ngại lớn nhất chính là lối quản lý theo kiểu cũ đã quá ăn sâu vào trong máu của các nhà lãnh đạo từ phường xã cho đến tỉnh thành. Với kiểu thưởng phạt tùy theo mức đóng góp cho sự tăng trưởng của kinh tế nước nhà,  các vị quan chức đã dùng hết quyền hành để phát triển cơ sở hạ tầng và tung ra nhiều dự án tốn kém. Trong ngắn hạn, thì những biện pháp đó cũng thúc đẩy phần nào mức tăng GDP, tạo việc làm cho người dân. Song song với sự phát triển đó, những hành vi trục lợi tại Trung Quốc cũng đã tăng theo.

Tuy nhiên, kết quả lại không như mong đợi : tăng trưởng bừa bãi, cơ sở hạ tầng và công nghiệp chế biến phát triển vô tội vạ, tham nhũng ở mọi tầng xã hội, thiệt hại về môi trường vô hạn, bất bình đẳng gia tăng và căng thẳng xã hội ngày càng cao.

Một trở ngại khác cũng không kém phần quan trọng đó là số lượng doanh nghiệp nhà nước khổng lồ, vốn được hưởng rất nhiều ưu đãi từ chính phủ. Các doanh nghiệp đó được thiết kế như là những công cụ do Đảng điều hành và duy trì một mối liên hệ chặt chẽ với gia đình của các vị lãnh đạo cao cấp. Mối liên hệ tiền bạc và quyền lực chính trị đó là một trong những rào cản chính trong chiến lược kinh tế. Đó là chưa nói đến bộ máy công quyền nặng nề như thế thì khó có thể mà áp dụng được cải cách để chống tham nhũng.

Tuy nhiên, tờ báo cũng nhận định rằng một cải cách cơ cấu tại Trung Quốc cũng sẽ phục vụ một phần lớn cho lợi ích của Hoa Kỳ – nghĩa là những hình thức cạnh tranh bất bình đẳng giữa Trung Quốc với các đối tác thương mại sẽ được thu hẹp lại.

Chính quyền Bắc Kinh sẽ phải mở rộng hơn nữa nền kinh tế, và gia tăng hơn nữa vai trò của nền thị trường và tạo nhiều chỗ hơn nữa cho các nhà đầu tư của Mỹ trong nhiều lãnh vực (như dịch vụ tài chính).

Giúp đỡ Trung Quốc chọn sự tăng trưởng bền vững và ít tàn phá môi trường hơn có thể sẽ giúp cho chính phủ Bắc Kinh tự tin hơn, cởi mở hơn với bên ngoài và tỏ ra có trách nhiệm hơn trong cách ứng xử trên sân khấu quốc tế. Đổi lại, Trung Quốc đầu tư nhiều vào nền kinh tế Mỹ và nắm giữ nhiều công trái của Hoa Kỳ. Do đó, Trung Quốc cũng sẽ có nhiều lợi nếu như Washington làm chủ được nợ công của mình.

Cuối cùng, tờ báo cho rằng quan hệ Mỹ – Trung sẽ bớt căng thẳng hơn nếu như hai quốc gia này cùng nghiêm túc tiến hành các cải cách.

Source: Minh Anh – RFI

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt