Đề nghị “cải cách” sâu rộng tiếng Việt của PGS. TS Bùi Hiền…

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Bùi Hiền và bản viết cải cách tiếng Việt của ông

Ngôn ngữ là nền văn hóa, có ảnh hưởng đến ngàn năm thế hệ. Tiếng Việt  yêu mến của chúng ta có một đặc thù là đoạn tuyệt chữ viết “ngoằn ngoèo” ký tự bằng hình tượng, thay vào đó bằng chữ viết với ngôn ngữ phát xuất từ những ký tự Latin.
Tiếng Việt tự hào thoát ra khỏi ảnh hưởng văn hóa Hán mà Nhật Bản, Đại Hàn, Thái Lan, Miến Điện và các nước vùng Đông Nam Á hiện chưa thoát ra được vì họ đang dùng “ký tự ngoằn ngoèo hình tượng”. Ai cũng biết “nô lệ văn hóa” ảnh hưởng dân tộc ngàn năm hay lâu hơn thế nữa.

Vì thế, đã một lần cha ông ta muốn tách khỏi cai trị văn hóa ngàn năm của Hán Tộc phương Bắc, chuyển từ chữ Hán sang chữ Nôm mà theo tự điển Wikipedia thì chữ Nôm chỉ có thể ra đời sau khoảng thế kỷ thứ 10 khi người Việt thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc với chiến thắng của Ngô Quyền vào năm 938.  Hệ chữ Nôm này, về sau càng phát triển theo hướng ghi âm, nhằm ghi chép ngày một xác thực hơn và đúng hơn với tiếng Việt. Từ thời nhà Lý thế kỷ thứ XI đến đời Trần thế kỷ XIV thì hệ chữ Nôm khá hoàn chỉnh. Theo sử sách đến nay còn ghi lại được một số tác phẩm đã được viết bằng chữ Nôm như đời Trần có cuốn Thiền Tông Bản Hạnh. Đến thế kỷ thứ 18 – 19 chữ Nôm đã phát triển tới mức cao, vượt lên trên chữ Hán. Các tác phẩm như Hịch Tây Sơn, Khoa thi Hương dưới thời Quang Trung (1789) đã có bài thi làm bằng chữ Nôm. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng được viết bằng chữ Nôm…

Tuy chữ Nôm dù là một hệ chữ được dùng để viết tiếng Việt, nhưng nó vẫn mang âm hưởng “nô dịch văn hóa Hán Tàu.” Vì chữ Nôm bao gồm những bộ chữ Hán tiêu chuẩn với ký tự “ngoằn ngoèo bằng hình tượng” của ngôn ngữ Hán Tộc, chưa dứt khoát với “văn hóa chữ Hán”.

Đến thế kỷ thứ 16, đầu năm 1625, Giám mục Alexandre de Rhodes cùng với bốn vị linh mục truyền giáo khác cập bến Hội An, gần Đà Nẵng. Ông bắt đầu học tiếng Việt để giảng đạo và lấy tên Việt là Đắc-Lộ. Người thầy dạy tiếng Việt cho ông là một cậu bé người Việt Nam khoảng 10, 12 tuổi. Theo Wikipedia, thì ông Đắc Lộ kể lại rằng:

“ Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ châu Âu, thế mà, cũng trong vòng 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc, học viết tiếng Latin và đã có thể giúp làm lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn, sự  minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu bé. Sau đó, cậu trở thành thầy giảng giúp việc các cha truyền giáo và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của Thầy (“cậu bé”) và nơi Vương quốc Lào láng giềng”

Giám mục Alexandre de Rhodes (Đa Lộc) và “Cậu Bé” thông minh là người Việt Nam kết tụ thành cha đẻ chữ Quốc Ngữ ngày nay.

Đến năm 1867, chữ Quốc Ngữ được dùng công khai đầu tiên trên tờ Gia Định báo. Mặc định cuộc cách mạng văn hóa tiếng Việt đoạn tuyệt với những nét văn hóa Hán Tộc từ phương Bắc.

Qua 150 năm (1867-2017), chữ Quốc Ngữ được cải thiện, sáng tạo và tài bồi nay trở thành một ngôn ngữ qua các tuyên ngôn, tuyên cáo, thi phú và những lời kêu gọi nức lòng để toàn dân cả nước đứng lên chống ngoại xâm, dành độc lập cho tổ quốc. Chữ Quốc Ngữ dùng trong các lãnh vực kinh tế, ngoại giao, giáo dục, y học, chính trị, quân sự và giao lưu văn hóa bình dân…các công trình nghiên cứu và trí tuệ của dân tộc được lưu truyền trong các thư khố, thư viện v.v.. Chữ viết Quốc Ngữ trở thành một gia tài văn học đồ sộ đáng kính qua hai phạm trù sinh tử: Một là đoạn tuyệt với văn hóa “dùng ký tự ngoằn ngoèo bằng hình tượng” của Hán tộc, và hai là: dựng nên một nền quốc ngữ dùng ký tự Latin, nguồn gốc của ngôn ngữ văn minh mà nhiều nước trên thế giới đang xử dụng. 

Nếu ai đọc qua những bài văn, bài báo bằng tiếng Quốc Ngữ từ cuối thế kỷ thứ 19, sẽ thấy sự khác biệt to lớn về tiến bộ ngôn ngữ như thế nào! Tự Lực Văn Đoàn ra đời đã trong sáng hóa tiếng Việt và đưa nó lên một tầm cao mới. Chữ Quốc Ngữ tiến bộ không ngừng, càng ngày càng sắc sảo hơn, văn vẻ hơn, trong sáng hơn.  Văn chương dễ dàng truyền cảm và hành thông với người đọc nên dễ thuyết phục qua ngôn ngữ viết….Điều để một ngôn ngữ đến điểm đích, tôi thiết nghĩ không xa lắm là chữ Việt có một Hàn Lâm Viện Việt Nam với chữ Quốc Ngữ hoàn hảo.  

Về tiếng nói, cả dân tộc Việt Nam kể cả dân thiểu số đều nói cùng một ngôn ngữ, khi nói ra ai cũng hiểu nhau dù họ là người miền thượng du hay vùng ven biển, người ở cực Bắc hay cực Nam. Về chữ viết, không để ý dễ sai chính tả như dấu hỏi/ngã, t/c, ô/u, g/không g… chẳng qua vì  tùy theo âm điệu của giọng nói từng vùng (dialect) họ có giọng nói khác nhau và khi viết ra thường hay bị lỗi chính tả vì họ nói sao thì viết vậy. Tuy vậy, khắc phục việc sai chính tả không khó, khi viết xong chịu khó dò lại để sửa lỗi chính tả thì sự sai sót về chính tả sẽ không còn.

Về vấn đề nói và viết khác nhau, không phải chỉ xẩy ra ở Việt Nam, mà ngay ở nước Mỹ dùng  tiếng Anh cũng vậy.  Ở Mỹ, phần đông cư dân ở các tiểu bang miền Nam (Texas, Florida, Mississippi, Alabama, Georgia, Kentucky, Tennessee) cũng có giọng nói mang âm hưởng không đúng theo tiêu chuẩn tiếng Anh (English) như các người Mỹ ở miền Bắc. Trong đó có những chữ mà người miền Nam nước Mỹ nói nghe rất buồn cười như chữ “after” (sau) họ nói “atter”, “beer” (rượu bia) thì họ nói là “bare”, hay “business” (việc kinh doanh) thì họ nói “Bidnis” v.v… (1). Nói giọng khó nghe và khó hiểu đến nỗi có người còn xuất bản cuốn tự điển cầm tay bỏ túi để đi du lịch miền Nam nước Mỹ  là “How to talk with Southern American” (Làm sao nói chuyện với người miền Nam nước Mỹ).  Buồn cười hơn nữa có ba động từ rất thông dụng trong tiếng Anh là “to be”,  “to do”  và “to have” thì họ nói âm điệu hoàn toàn sai như  “doesn’t” (thể phủ định ngôi thứ ba của động từ “to do” = làm)  họ phát âm “dudden”. “Isn’t” (thể phủ định ngôi thứ ba của động từ to be = là)  họ phát âm là “Iden”, Wasn’t” (thể phủ định ngôi thứ hai của động từ to be) họ phát âm “Waden” v.v.. (2)

Không những ở Mỹ, mà các nước khác cũng trong tình trạng tiếng nói địa phương tương tự như vậy. Vậy thì ở Việt Nam không phải là ngoại lệ, người xứ Quảng nói “bái” nghe như “boái” v.v… người Trung (Huế, Quảng Bình, Quảng Trị) nói chữ dấu ngã thành dấu nặng như “cửa” thành “cựa” , “ông” thành “ôn” v.v…

Thế thì tiếng nói và chữ viết của tiếng Anh đã có từ bao ngàn năm họ vẫn vấp phải những “hệ lụy dialect”, thì tiếng Việt làm sao thoát ra ngoài thông lệ đó được ?!…. chuyện thường tình. Vì vậy nói về lỗi chính tả để cải cách một ngôn ngữ thì không thuyết phục.

Gần đây trong nước có Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Bùi Hiền, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại Học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội Dung và Phương Pháp Dạy Học Phổ Thông. Đề nghị “cải cách” sâu rộng chữ Quốc Ngữ hiện hành bằng chữ của ông nghiên cứu với những nét chính như sau:

“40 năm nay tôi nghiên cứu về Tiếng Việt, nhưng đó không phải chính, vì tôi nghiên cứu tiếng Nga là chính. Đây là vấn đề bức xúc, vì tiếng Việt với chữ cái Tiếng Việt hơi xa nhau. Nên người ta viết không thống nhất, ngay cả báo chí, truyền hình người viết kiểu này kiểu kia”

Và ông cho rằng nếu viết theo kiểu của ông thì sẽ tiết kiệm được 8%. Có nghĩa là  cần 100 tấn giấy in thì ông tiết kiện được 16 tấn.

TS Bùi Hiền kiến nghị một phương án dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh tiêu chuẩn. Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái Quốc Ngữ hiện hành, và thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z mà trong các chữ cái tiếng Việt chưa có. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có như chữ: C = Ch/ Đ = D/ G = G, Gh/ F = Ph/ K = C, Q, K/  Q = TH/  R = R/ S = S, X/ W =NG/ Z = D, GI, R  v.v..

Với đề xuất này, thì ông cho rằng sẽ giảm được những khó khăn cho người dùng, không gây lẫn lộn, không sai chính tả.

Theo vậy thì “Luật Giáo Dục” viết thành “Luật Záo Zụk”; “Bộ Quốc Phòng” viết thành “Bộ Kuốc Fòng”; “Chu Ân Lai”  viết thành  “Cu Ân Lai” và “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”; “quần chúng” thành chữ “kuần cúng” vân vân và vân vân…

Bản thay chữ của Bùi Hiền

Như vậy với chữ của Bùi Hiền thì mấy câu thơ trong truyện Kiều của Nguyễn Du thành ra như sau: 

Phản ứng dữ dội của quần chúng lan tỏa từ trong ra ngoài nước:

– Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng “Thời nay, tính chất bền vững của các hệ văn tự, trong đó có chữ Quốc ngữ hiện hành nó sẽ còn mạnh mẽ lên gấp nhiều lần vì nó đã đi sâu vào các hoạt động của con người gắn với kỹ thuật số (digital), với Internet. Cho nên càng khó thay đổi! Vì thế, ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ như vừa nghe quả thật là một sự không tưởng, hay nói như một nhà ngôn ngữ học có thâm niên và trách nhiệm, đó chỉ là “cơn bão trong tách trà” gây tranh cãi trong dư luận mà thôi”.

– Nhà phê bình Nguyễn Hòa trong nước “Tôi thấy ngồ ngộ, buồn cười. Và tôi liên tưởng một thời có vị ở Việt Nam hì hục chứng minh Pi không phải là 3.14159265359… Không sành sỏi về Ngôn ngữ học, tôi vẫn thấy kỳ cục khi cho rằng “Hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C-Q-K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr-Ch (tra, cha), S-X (sa, xa)” là bất hợp lý! Như “cuốc” và “quốc” chẳng hạn, đúng là cùng một âm vị nhưng điều đáng quan tâm là lại rất khác nhau về nghĩa”

– TS Phạm Quang Tuấn (thành viên ban biên tập của 2 tạp chí quốc tế International Journal of Refrigeration và Journal of Food Process Engineering): “chữ Quốc ngữ của Việt Nam bây giờ đã là một loại chữ viết rất giản dị và dễ học so với các chữ viết khác trên thế giới, do vậy không cần thiết cải cách.”

– TS. Văn học Trịnh Thu Tuyết: “Đề xuất cải cách làm mất sắc điệu tinh tế của Tiếng Việt”

– Nhà sử học Dương Trung Quốc, thành viên Quốc Hội nhà nước CSVN phản ứng rằng: “Ngôn ngữ và chữ viết không chỉ là một vấn đề khoa học thuần túy mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thói quen sử dụng của xã hội. Việc thay đổi chữ viết là vấn đề rất lớn, và sẽ đòi hỏi tính hệ thống rất cao khi thực hiện. Do vậy, thẳng thắn, đề xuất này là không khả thi. Và nếu được áp dụng, việc này sẽ gây đảo lộn rất lớn trong xã hội”.

– Bà Svetlana Glazunova, giảng viên cao cấp Việt Ngữ ở trường MGIMO trả lời phỏng vấn của báo Sputnik nói rằng:

“Tôi không thể coi đó là việc làm nghiêm chỉnhtiếng Việt ngày nay là sự hình thành đã quen thuộc của các âm tiết trong tiếng Việt, hình ảnh các từ, bảng chữ cái. Đề xuất của Bùi Hiền tối thiểu cũng là điều lạ thường. Khi đã có thực sự sử dụng lâu dài, để thay đổi cái gì đó cần phải có những lập luận rất xác đáng.”

“Là một giáo viên dạy tiếng Việt, tôi không thấy lý do gì để cải cách. Áp dụng đề xuất của ông Bùi Hiền sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn: với cách phát âm các chữ cái mới, hàng chục triệu người học lại bảng chữ cái, tái bản khối lượng lớn các tài liệu. Tất cả để làm gì? Tôi đã thảo luận về đề nghị của ông Bùi Hiền với các sinh viên của tôi, những người dễ dàng đọc báo chí Việt Nam và phản ứng chung là: đề xuất này giống như một trò đùa xấu. Nó có rất nhiều nhược điểm và không có ưu điểm.” 

– Có những phê phán cho rằng “TS Bùi Hiền Đưa vào làm trò chơi giải trí thì được chứ chưa phải lúc đưa vào thí điểm giảng dạy”. Cùng nhiều hình ảnh, câu văn chuyển từ tiếng Việt hiện hành ra tiếng Việt do ông Bùi Hiền thực hiện thấy buồn cười và có vẻ “thô tục”.

– Rất nhiều chỉ trích với những lời nhục mạ, thậm chí con gà của TS Bùi Hiền là bà TS Hương phải lên truyền hình bênh vực cho sự phản ứng dữ dội về đề xuất của TS Bùi Hiền là “ném đá khoa học”…

– Chuyện TS Bùi Hiền xẩy ra thường ngày trên Internet, youtube với những lời lên án nặng nề trên các mạng xã hội… Nhà nước CSVN thấy “xôn xao” nên cho  Bộ Giáo Dục và Đạo Tạo Nhà Nước CHXHCN Việt Nam lên tiếng: “Ý kiến của PGS.TS Bùi Hiền về cải tiến chữ Quốc ngữ là đề xuất trong một hội thảo khoa học của ngành Ngôn ngữ học. Bộ GD&ĐT trân trọng tất cả các công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học. Tuy nhiên, để đưa một đề xuất liên quan đến vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ GD&ĐT không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay”.

Ông Bùi Hiển như người chết đuối nắm được phao liền đáp ứng “Khi Bộ GD&ĐT có ý kiến như vậy tôi thấy cũng đúng thôi, thực tế công trình này của tôi đã chính thức trình lên Bộ đâu nên Bộ cũng chưa có chủ trương. Vì thế, có người hỏi tôi cảm thấy có buồn hay hụt hẫng gì không thì tôi xin khẳng định là tôi thấy bình thường. Công trình nghiên cứu của tôi mới chỉ xong được một nửa, bao giờ hoàn thiện 100%, tôi sẽ trình bày với công luận và các nhà nghiên cứu trong giới để lấy ý kiến góp ý sau”

Về phía ông Bùi Hiền khi bị phản ứng dữ dội:

Sau một thời gian chống chế của ông Bùi Hiền như: “mục đích của tôi là dẹp bớt tất cả loạn chữ trong tiếng Việt, tôi  làm không vụ lợi mà giờ đây ở bước đầu có những thành công nhất định”  (ông tránh chữ cải cách)

Càng chữa cháy thì “xăng dầu cứ ập tới” phản đối gay gắt, kể cả việc sử dụng những từ ngữ nặng nề như “đầu óc có vấn đề”, “thần kinh”, “điên khùng”, “rửng mỡ”…..

TS Bùi Hiền ngao ngán than thở Họ dùng chữ tôi để chửi tôi “… tôi thấy họ rất mâu thuẫn bởi trên mạng xã hội họ chê lên chê xuống, bảo là khó học nhưng buồn cười là sau đêm đầu tiên, nhiều người đã dùng chính chữ của tôi để chửi tôi. Tôi đã dạy họ đâu, tôi cũng chưa giới thiệu hệ thống này nhưng họ lại học lóm mấy tiếng đồng hồ đã viết được đúng kiểu chữ. Họ cũng không cần phải chờ 1 năm như việc học chữ quốc ngữ để có thể chửi tôi. Thế chứng tỏ một điều là chữ này rất nhậy, rất nhanh vào đầu người ta. Tại sao người ta lại không thấy cái lợi đó mà quay sang chửi tôi gây rắc rối?”

Chữ nghĩa bế tắc: Trên mạng xã hội có một câu hỏi rất đơn giản, xin hỏi cụ (TS Bùi Hiền): Con “cá ca” mà theo bảng chữ của cụ là con “cá tra” hay con “cá cha” ? Câu hỏi không có câu trả lời, và cũng không thể trả lời cho đúng. Bế tắc ngôn ngữ!

Một vài suy nghĩ:

Người viết không đồng ý với sự “cải cách” sâu rộng một ngôn ngữ như TS Bùi Hiền đưa ra vì rất nhiều tác hại. Quan niệm rằng chữ Quốc Ngữ là một gia tài văn hóa được tải bồi qua bao thế hệ, được ngấm đậm vào tâm tư tình cảm con người. Chúng ta cần vun đắp thêm những từ ngữ thông dụng vào chữ Quốc Ngữ được phong phú và hợp thời để quần chúng tiện dùng. Như chữ English bây giờ thêm chữ “pho” tức là phở vào tự điển Merrian-Webster và  Oxford Dictionary là một ví dụ điển hình.

Dù không đồng ý, nhưng sự nghiên cứu, tự nguyện đóng góp vô vị lợi của một cá nhân không nên chà đạp, mà cần lý giải phản biện sâu sắc đến nơi đến chốn, đây không phải là chuyện đơn giản. Về phía TS Bùi Hiền cũng chấp nhận những phê bình chính đáng của người khác… Có thế, chúng ta mới sống trong sự văn minh như nữ văn hào Tallentyre  đã nói “Tôi không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ quyền của anh được nói ra điều đó” .

Cuối cùng xin hỏi nhỏ TS Bùi Hiền, năm nay ông 83 tuổi sống và lớn lên tại Hà Nội, vấn đề đặt ra: “tại sao người ta ném đá vào TS như vậy mà người dân không có một mảy may phản ứng gì với ông Hồ Chí Minh khi dùng những kiểu chữ “na ná” như TS đề nghị cải tiến như: “Đường kách mệnh”, “ngiên kứu”, “zữ vững”, “fục tùng” “Chính fủ”, “zân chủ”, “hữu ngị”… Thậm chí ông được đảng Cộng Sản Việt Nam và nhà nước tự phong là “Danh nhân văn hóa thế giới” .

TS thấy điều này cần phải đưa ra “toà án nhân dân” xét xử để đòi công bằng cho TS không?

Ngày 5 tháng 12, 2017

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

=======================================================

(1) http://www.thedialectdictionary.com/view/letter/Southern+US/
(2) http://www.asiteaboutnothing.net/w_southern.html

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt