Dấu ấn tuần qua: Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, hệ quả “tức nước vỡ bờ”…
Tóm tắt bài viết
1) Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế lên đến 60 tỷ USD đối với hơn 1.000 mặt hàng nhập khẩu từ Tàu Cộng. Bắc Kinh đáp trả bằng gói thuế 3 tỷ USD.
2) Bước đi của ông Trump được xem vì “tức nước vỡ bờ” trước những vi phạm nghiêm trọng của Tàu Cộng về công bằng thương mại trong hàng thập kỷ qua.
3) Đây cũng được xem là một phép thử của ông Trump với Chủ tịch Tàu Cộng Tập Cận Bình. Dù có giao tình, ông Trump xưa nay vẫn thẳng thắn với ông Tập cả về vấn đề Bắc Hàn, Biển Đông và nhân quyền.
Tuần qua, những doanh nhân-doanh nghiệp từng bị hàng “made in China” đè đầu cưỡi cổ có lẽ cảm thấy phần nào được an ủi, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố gói thuế quan lên đến 60 tỷ USD đối với hàng hóa Tàu Cộng.
Tuy nhiên, Tàu Cộng và những người phản đối cho rằng ông Trump đang thực hiện những bước đi nguy hiểm, vì có nguy cơ đẩy 2 nền kinh tế đứng đầu thế giới vào một cuộc chiến tranh thương mại có thể dẫn đến “lưỡng bại câu thương”, thậm chí gây nguy hại cho các nền kinh tế khác.
Bước đi kiên quyết
Đỉnh điểm của sự việc là vào ngày 22/3 (giờ địa phương), khi ông Trump ký một Biên bản ghi nhớ của Tổng thống, ra lệnh cho Đại diện Thương mại (USTR) và Bộ Tài chính Mỹ tiến hành các biện pháp chống lại Tàu Cộng dựa trên kết quả của cuộc điều tra theo Điều 301.
Cuộc điều tra này bắt đầu từ tháng 8/2017, dẫn tới kết luận các chính sách của Tàu Cộng cho thấy một loạt hoạt động thương mại không công bằng, như xử dụng những hạn chế về quyền sở hữu nước ngoài buộc các công ty chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, Washington cũng tuyên bố tìm thấy bằng chứng cho thấy Bắc Kinh áp đặt điều khoản không công bằng đối với các công ty Hoa Kỳ, hướng các khoản đầu tư ở Mỹ vào các ngành công nghiệp chiến lược, và hỗ trợ tấn công không gian mạng.
Ông Trump cho biết hiện Hoa Kỳ phải gánh chịu thâm hụt thương mại lên tới 375-504 tỷ USD với Tàu Cộng. “Đây là thâm hụt lớn nhất của bất kỳ nước nào trong lịch sử thế giới. Nó nằm ngoài tầm kiểm soát”, ông Trump nói.
Trong tuyên bố hôm 22/3, Tổng thống Trump kêu gọi Tàu Cộng “ngay lập tức” cắt giảm 100 tỷ USD mức thâm hụt của Mỹ. Và lý do thứ hai, theo tuyên bố của Tòa Bạch Ốc là nhằm chống lại việc “ăn cắp” quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, đồng thời hạn chế các hoạt động đầu tư của Tàu Cộng vào Mỹ.
Theo CNN, Tòa Bạch Ốc tuyên bố chuẩn bị danh sách hơn 1.000 sản phẩm của Tàu Cộng có thể sẽ bị áp mức thuế quan mới. Đây được coi là nỗ lực mới nhất của Washington sau nhiều năm đàm phán thất bại nhằm đưa ra các biện pháp chống lại sự bành trướng thương mại của Tàu Cộng.
Các mức thuế sẽ không được áp dụng ngay. Các ngành công nghiệp Mỹ sẽ có cơ hội bày tỏ ý kiến về thuế đề xuất trước khi nó được ban hành.
Tàu Cộng giẫy nẩy
Gần như ngay sau hành động của Tổng thống Trump, Tàu Cộng đã lên tiếng cảnh báo, kêu gọi Mỹ “hãy lùi lại khỏi bờ vực chiến tranh thương mại”.
“Tàu Cộng không mong muốn sa vào một cuộc chiến tranh thương mại, nhưng không sợ tham chiến. Tàu Cộng hy vọng Mỹ sẽ lùi lại từ bờ vực, ra các quyết định thận trọng, và tránh kéo quan hệ thương mại song phương tới chỗ nguy hiểm”, Bộ Thương mại Tàu Cộng nói.
Tàu Cộng cũng thể hiện lập trường sẵn sàng trả đũa bằng cách tuyên bố kế hoạch thu thêm thuế đối với hàng nhập từ Mỹ trị giá lên tới 3 tỷ USD.
Theo đó, có 128 mặt hàng của Mỹ bị “đưa vào tầm ngắm” để sẵn sàng cho hành động trả đũa, trong đó có trái cây, rượu và ống thép, sẽ bị áp mức thuế nhập khẩu 15% với tổng trị giá 977 triệu USD. Và các mặt hàng còn lại sẽ bị áp mức thuế nhập khẩu 25%, trị giá 2 tỷ USD, gồm trái cây và rượu vang.
Trong một tuyên bố, Bộ Thương Mại Tàu Cộng cảnh báo gói thuế quan đầu tiên sẽ được áp dụng đối với các mặt hàng nhất định nhập khẩu từ Mỹ nếu Washington không đạt được một thỏa thuận được đàm phán với Bắc Kinh.
Tại anh hay tại ả?
Hành động của hai bên đều bị cảnh báo sẽ dẫn tới một cục diện nguy hiểm. Trưởng chuyên gia kinh tế của ING khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Robert Carnell nhận định: “Nếu thuế quan được áp theo đúng kế hoạch, chúng tôi tin rằng Tàu Cộng sẽ trả đũa. Không thể có chuyện họ không trả đũa. Và sau đó, dự báo Mỹ sẽ trả đũa mạnh hơn, và cứ như vậy. Điều này có thể mở rộng trên quy mô toàn cầu rất nhanh. Mặc dù tranh chấp thương mại chủ yếu giữa Mỹ-Trung, nhưng nó có khả năng thâm nhập phần lớn khu vực châu Á”.
Rủi ro chiến tranh thương mại lập tức tác động mạnh trên thị trường chứng khoán thế giới. Ngày 23/3, chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) giảm 2.45%, còn chỉ số Shanghai Composite (Tàu Cộng) giảm 3.39% xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tuần. Chỉ số chứng khoán của các nước khác ở châu Á cũng như tại Mỹ và châu Âu đều sụt giảm do tâm lý lo ngại từ nhà đầu tư. Chỉ số đồng USD giảm 0.3% so với 6 loại tiền tệ thanh khoản nhất thế giới. Trong khi đó, giá vàng tăng lên mức 1339.12 USD/ounce, cao nhất trong vòng 2 tuần.
Tuy nhiên, theo Nhật báo Phố Wall (WSJ), chính Tàu Cộng mới là bên phải chịu trách nhiệm. “Nếu có một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Tàu Cộng, đừng đổ lỗi cho Donald Trump: Tàu Cộng đã bắt đầu nó (cuộc chiến thương mại) rất lâu trước khi ông trở thành tổng thống”, WSJ viết.
Theo WSJ, ngay cả những nhà kinh doanh thương mại tự do và người theo chủ nghĩa quốc tế cũng đồng ý với những thực tế thương mại dai dẳng của Tàu Cộng – bao gồm việc buộc các doanh nghiệp Mỹ chuyển giao kỹ thuật có giá trị cho các công ty Tàu Cộng và hạn chế tiếp cận thị trường Tàu Cộng. Những hành vi này đang làm suy yếu cả đối tác lẫn hệ thống thương mại.
“Cướp” tài sản trí tuệ
Theo báo cáo của Ủy ban Sở hữu trí tuệ (SHTT) thuộc Cục Nghiên cứu Châu Á, thiệt hại hàng năm do trộm SHTT đối với nền kinh tế Mỹ có thể lên đến 600 tỷ USD.
Và theo ước tính của Ủy ban SHTT, Tàu Cộng là nước xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hàng đầu trên thế giới, chịu trách nhiệm khoảng 50-80% thiệt hại từ việc đánh cắp SHTT.
Tàu Cộng xử dụng nhiều chiến thuật để ăn cắp thông tin, như buộc các công ty nước ngoài hợp tác với các công ty trong nước và chuyển giao công nghệ và bí quyết của họ để có thể tiếp cận thị trường Tàu Cộng. Các công ty cũng được yêu cầu chuyển giao sản xuất, nghiên cứu và phát triển của họ, cũng như đặt lưu trữ dữ liệu ở nước này.
Theo Tòa Bạch Ốc, Tàu Cộng cũng đã có khả năng truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính của các doanh nghiệp Mỹ và thường đánh cắp thông tin thương mại của họ.
Sự bất lực của WTO
Chính phủ Mỹ không xử dụng các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giải quyết vấn đề này. Thay vào đó, họ đã chọn hành động đơn phương bằng cách áp dụng Điều 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974 để ủy quyền cho Đại diện Thương mại Mỹ bắt đầu cuộc điều tra về trộm cắp SHTT bởi Tàu Cộng.
Ông Scott Kennedy, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái: “Tòa Bạch Ốc đang nản chí bởi sự chậm chạp của WTO”. Do đó, chính phủ Mỹ đang xử dụng biện pháp đơn phương đẩy nhanh tiến trình để đạt được kết quả trong thời gian có lợi cho ngành công nghiệp của Mỹ.
Chính quyền của Trump nghĩ rằng các nước khác, chủ yếu là Nhật Bản và Liên minh châu Âu, sẽ hỗ trợ các nỗ lực của Mỹ trong việc giải quyết cuộc “xâm lược kinh tế” Tàu Cộng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi một chính sách Liên minh châu Âu thống nhất chống lại sự tiếp quản của công ty Tàu Cộng.
“Tất cả những người buôn bán với Tàu Cộng đều phải đối mặt với vấn đề này”, ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của ông Trump, nói với các phóng viên hôm 22/3. “Một phần của quá trình mà chúng tôi đã trải qua … là phải có một sự tiếp cận rộng rãi đến các đồng minh có cùng quan điểm của chúng tôi và các đối tác thương mại”.
Ngày 23/3, chính quyền Trump đã gửi đơn kiện lên WTO, cáo buộc Tàu Cộng không công bằng với các công ty nước ngoài khi buộc họ cấp phép kỹ thuật cho các công ty Tàu Cộng, và xử dụng các hợp đồng phân biệt đối xử với công nghệ nước ngoài. Mỹ hy vọng các quốc gia khác tham gia vụ kiện.
Phép thử với ông Tập Cận Binh
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1/2017, Tổng thống Trump đã nhiều lần nói về “quan hệ tuyệt vời” giữa ông với những nhà lãnh đạo thế giới, đặc biệt là giao tình với ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Tàu Cộng từ thời Mao Trạch Đông.
“Tôi xem họ là bạn. Tôi dành sự tôn trọng lớn cho Chủ tịch Tập. Chúng tôi có mối quan hệ tuyệt vời. Họ đã giúp chúng ta rất nhiều trong vấn đề Bắc Hàn”, ông Trump nói.
Ông Trump cũng coi Tàu Cộng ngang hàng với Mỹ, thông qua việc chấp nhận tham vọng chiến lược của Bắc Kinh về “quan hệ giữa các siêu cường”.
Dù vậy, tất cả đều không ảnh hưởng đến việc Mỹ tăng cường trừng phạt nhằm vào Bắc Hàn. Và lần này, cũng không ngăn ông Trump “nhẹ tay” vấn đề thương mại với Tàu Cộng.
Điều này cho thấy dù có thể có cảm tình với ông Tập, người đã đón tiếp ông như ông hoàng trong chuyến công du của ông tới Tàu Cộng hồi tháng 11/2017, nhưng ông Trump là người công tư phân minh, chuyện nào ra chuyện đó và rất thẳng thắn.
Ông không thể để tình riêng làm tổn hại đến lợi ích an ninh quốc gia của người Mỹ, bằng việc quyết liệt thúc ép Tàu Cộng phải tuân thủ các lệnh trừng phạt với Bắc Hàn.
Ông cũng không để cảm tình với ông Tập làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của người Mỹ, doanh nghiệp Mỹ.
Điều này tương tự việc chính quyền ông Trump hồi tháng 8/2017 đã thẳng thắn xếp Tàu Cộng vào cùng bảng xếp hạng với Bắc Hàn vào danh sách các quốc gia bức hại tín ngưỡng tồi tệ nhất thế giới, trong báo cáo về Tự do Tín ngưỡng Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trong bài phát biểu công bố báo cáo Tự do Tín ngưỡng Quốc tế ngày 15/8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khi đó đã đề cập đến một trong các vi phạm nhân quyền lớn nhất của Tàu Cộng: Cuộc đàn áp nhằm loại bỏ Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp), môn khí công gồm 5 bài tập và các bài giảng về nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho biết trong năm 2016 đã có “hàng chục học viên Pháp Luân Công đã chết trong các trại giam” của Trung Quốc. Ông nhận định: “Tình trạng đàn áp tín ngưỡng vẫn quá phổ biến”.
Đây là cái ung nhọt lớn mà cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã để lại cho ông Tập Cận Bình, và các nhà quan sát vẫn chờ xem ông Tập sẽ giải quyết “di họa” này như thế nào.
Ức Đàm