Đánh cắp sở hữu trí tuệ: Hoa Kỳ chỉ đích danh Bắc Kinh
Vi phạm bằng sáng chế, làm hàng sao chép, ép chuyển giao công nghệ… những lời phàn nàn về mặt sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ tại Tàu Cộng không hề ít, dù Bắc Kinh luôn tỏ ra nỗ lực và ca ngợi cơ chế pháp lý được tăng cường.
Trường hợp tiêu biểu nhất, được AFP nhắc lại, là vào năm 2015, một nhà điều tra của công ty Microsoft tại Thượng Hải đã đặt mua rất nhiều máy tính từ nhà sản xuất thiết bị tin học MSI. Công ty Tàu Cộng hứa cài hệ điều hành Windows 7… nhưng cuối cùng tất cả chỉ là bản đánh cắp.
Microsoft đã kiện công ty MSI ra tòa và được xử thắng kiện với khoản đền bù ít ỏi 32.000 đô la, không thấm vào đâu so với chi phí thưa kiện. Khi kháng án lên Tòa phúc thẩm, tập đoàn tin học Mỹ đã bị thua kiện vào tháng 12/2017.
Theo một luật sư ẩn danh của Microsoft, trường hợp này có thể trở thành tiền lệ “gây tác dụng ngăn chặn”, có nghĩa là không thể truy tố những kẻ phạm tội tại Tàu Cộng.
Tư pháp Tàu Cộng yếu kém
Đa số doanh nghiệp phương Tây đánh giá tư pháp Tàu Cộng vẫn còn yếu kém, trong khi trên các trang bán hàng trực tuyến, như Taobao, tràn lan các loại hàng sao chép, từ quần áo đến sản phẩm điện tử và kể cả hàng hiệu.
Washington đã kịch liệt lên án về vấn nạn này. Tuy nhiên, trả lời AFP, luật sư Scott Palmer, thuộc văn phòng Sheppard Mullin Richter & Hampton tại Bắc Kinh, nhận xét : “Hướng chính của hành vi phạm pháp đã được chuyển lên mạng, vì vậy, với các thương hiệu, rất khó để phát hiện ra được hàng giả trên các trang bán hàng trực tuyến, như Taobao”, thường giống những trận đồ bát quái. “Người ta chặt một cái đầu thì nó lại mọc tức thì ở nơi khác. Thật đáng thất vọng”, vẫn theo luật sư Scott Palmer.
Một trong những lý do có thể giải thích việc Hoa Kỳ quyết định kiện Tàu Cộng lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là Bắc Kinh tỏ ra không nghiêm chỉnh trước hành vi phạm pháp, luật lệ không thích hợp, tiêu chí nộp bằng sáng chế không nghiêm, thủ tục tố tụng phức tạp…
Có một nghịch lý là, vào năm 2014, Tàu Cộng đã thành lập các toà án dành riêng cho việc xét xử các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, ở Bắc Kinh, Quảng Châu và Thượng Hải. Sau đó, khoảng 15 cơ chế tương tự đã được thành lập. Năm 2017, tư pháp Tàu Cộng xét xử khoảng 213.000 vụ đánh cắp sở hữu trí tuệ, tăng 40% so với năm 2016, trong đó “khoảng 20%” liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài. Theo bà Tao Kaiyuan, phó chủ tịch Tòa án Tối cao, con số này cho thấy Tàu Cộng từ giờ có một cơ chế pháp luật cần thiết và một pháp chế phong phú.
Tuy Tàu Cộng đã có nhiều “tiến bộ nhanh chóng”, nhưng theo nữ luật sư Laura Wen-Yu Young, thuộc văn phòng Wang&Wang LLP tại Thượng Hải, “vẫn còn nhiều tiến bộ khác cần làm”, như bất cập trong vấn đề cấp bằng sáng chế mà không kiểm chứng đầy đủ. Chính điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các vụ đánh cắp sở hữu trí tuệ và gây khó khăn cho các vụ kiện.
Chiếm quyền sở hữu trí tuệ thông qua hình thức chuyển giao công nghệ
Nằm trong tầm ngắm của Hoa Kỳ chủ yếu là hình thức chuyển giao công nghệ mà các doanh nghiệp Mỹ buộc phải tuân theo nếu muốn thâm nhập thị trường Tàu Cộng. Ngày 21/03/2018, một quan chức ẩn danh của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) khẳng định Washington “có những bằng chứng rất chắc chắn về việc Tàu Cộng sử dụng những biện pháp như buộc phải thành lập công ty liên doanh (…) với yêu cầu chuyển giao công nghệ cho các công ty Tàu Cộng”.
Trong ngành công nghiệp ô tô, các nhà sản xuất phương Tây chỉ có thể mở nhà máy ở Tàu Cộng với điều kiện thành lập liên doanh với một tập đoàn nội địa… và chia sẻ công nghệ. Đây chính là “chiếc vé vào cửa”, như ông Carlos Ghosn, chủ tập đoàn Renault của Pháp, từng thừa nhận vào cuối năm 2013.
Chính điều này hạn chế sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài với các đối thủ Tàu Cộng. Và với những quy định hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài “giống như đang chạy việt dã với đế giầy bằng chì”, như nhận định chua chát trên Twitter của ông Elon Musk, nhà sáng lập Tesla. Bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross, trong một bài viết trên Financial Times vào giữa năm 2017, cũng lên án tình trạng đánh cắp công nghệ cao do Bắc Kinh chỉ đạo.
Tại châu Âu, tập đoàn Tàu Cộng đầu tiên nộp bằng sáng chế không ai khác là tập đoàn viễn thông Huawei.
Bình luận của báo chí phương Tây.