Đằng sau vụ La Thăng
Chính trường cộng sản Việt Nam xưa nay vốn hết sức phức tạp và khó lường. Đó là thực tế mà có lẽ người Việt nào cũng nhận ra.
Phức tạp là bởi các màn so đấu giữa các võ sỹ quyền lực đều diễn ra trên những vũ đài bị nhiều lớp màn đen che chắn, công chúng bên ngoài không thể nhìn thấy gì. Khó lường là bởi bàn tay lông lá của Bắc Kinh đã thò vào mọi ngóc ngách của thượng tầng chính trị Việt Nam, không phải mới gần đây mà ngay từ thập niên 1950.
Rốt cuộc thì quyền lực chính trị dưới “thời đại Hồ Chí Minh” cũng chỉ được các phe nhóm thoả hiệp với nhau trong bóng tối. Người dân chỉ còn mỗi nghĩa vụ cao cả là đi bỏ phiếu (mà nếu không đi thì cũng chẳng sao), đại biểu quốc hội hay đại biểu hội đồng nhân dân chỉ còn mỗi trách nhiệm thiêng liêng là hoặc nhất tề giơ tay hoặc đồng loạt “nhấn nút” để đóng cái dấu “dân chủ xã hội chủ nghĩa” vào sự phân chia ngôi thứ vốn đã xong từ lâu.
Trong bối cảnh đó, vụ cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng bị bắt quả thực là bất ngờ đối với dân chúng, không chỉ bởi đây là sự kiện chưa từng có, mà còn bởi những gì diễn ra trên sân khấu chính trị Việt Nam kể từ Hội nghị Trung ương 6 thượng tuần tháng 10 đến nay.
Vậy đằng sau sự kiện chấn động dư luận ấy là gì?
Nguyễn Phú Trọng lấy lại uy thế
Trên thế gian này hiếm có một nhà lãnh đạo quốc gia nào mà quyền lực cứ hết trồi lại sụt như đương kim TBT Ban Chấp hành TW Đảng CSVN. Điều này giải thích cho lý do tại sao khi thì ông ta tuyên bố hùng hồn như một nhà độc tài quyền uy tuyệt đối, khi thì phát ngôn như một diễn viên mới tấp tểnh bước vào nghề tấu hài chính trị.
Suốt gần 5 năm hết loay hoay “nhóm” lại đến hì hục “thổi”, cái “lò” chống tham nhũng của ngài TBT cứ hễ hơi âm ấm một chút là lại rơi vào cảnh nguội ngắt không lâu sau đó. Lý do ư? Chẳng phải chính ông ta đã “tự thú trước bình minh” là “Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà tay đã nhúng chàm thì không thể chống được tham nhũng” hay sao?
Và mãi đến ngày 31/7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng, khi ngài vung tay quả quyết “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”, lần đầu tiên người ta mới nhận thấy sức nóng từ cái “lò” của ngài đã bắt đầu toả ra bên ngoài.
Trước thềm Hội nghị Trung ương 6, “lò” chống tham nhũng của ngài TBT đã khiến bầu không khí chính trị Việt Nam nóng lên từng ngày. Điều đó khiến nhiều người chắc mẩm là trong và sau hội nghị, thể nào cũng được chứng kiến những “khúc củi” bự bị ngài thẳng tay ném vào “lò”.
Khí thế đi lên của nhân vật đứng đầu “cung vua” thể hiện rõ qua bài diễn văn khai mạc Hội nghị, khi ông ta ‘dìm hàng’ “phủ chúa” dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đối thủ đáng kể nhất của ông ta trong bối cảnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ còn sắm vai “ông phỗng” trên sân khấu chính trị: “Đặc biệt là cần chỉ rõ nguyên nhân vì sao một số việc chưa làm được, một số chỉ tiêu đạt thấp hoặc chưa đạt trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, mặc dù tình hình trong nước và quốc tế năm 2017 nhìn chung thuận lợi hơn so với năm 2016.”
Vậy nhưng đó cũng là chỉ dấu duy nhất cho thấy một Nguyễn Phú Trọng quyền uy tột đỉnh trong suốt hơn 1 tuần hội nghị.
Chứng kiến “khúc củi” duy nhất mang tên Nguyễn Xuân Anh bị tống vào “lò”, cùng câu chốt hạ “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm” trong bài diễn văn bế mạc hội nghị, người ta không khỏi có cảm giác là vở tuồng “Đốt Lò” do ngài TBT đạo diễn đã sớm hạ màn. Đặc biệt, phần đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội dưới sự điều hành của chính phủ là một bảng thành tích hiếm hoi mà có lẽ lần đầu tiên “cung vua” ban tặng cho “phủ chúa”, hoàn toàn tương phản với âm hưởng của bài diễn văn khai mạc. Rõ ràng, song song với chiều hướng đi xuống của “cung vua” là vị thế đi lên của “phủ chúa”.
Sau Hội nghị Trung ương 6, khẩu khí của Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chùng xuống, khác hẳn với khí thế mà ông ta đã thể hiện từ ngày 31/7 cho đến ngày khai mạc hội nghị. Thiên hạ thì cứ đoán già đoán non vì sao cái “lò” của ngài Trưởng ban đang hừng hực đột nhiên lại tắt ngóm.
Trong bối cảnh đó, ngày 15/11, Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo công bố việc Hà Nội để thất thu số tiền lên tới 6.000 tỷ VNĐ từ hàng loạt sai phạm trong các dự án nhà ở giai đoạn 2002-2014. Nên nhớ, ông Trọng từng làm Bí thư Hà Nội từ năm 2000 đến 2006, và lâu nay trong dư luận vẫn râm ran chuyện ông ta từng nhận 2 căn biệt thự trong khu đô thị Nam Thăng Long để giúp chủ đầu tư Ciputra trốn thuế. Động thái này vì thế được xem là của các đối thủ nhằm “dằn mặt” ngài TBT.
Tiếp theo, ngày 19/11, một sự kiện hy hữu đã diễn ra trong chương trình thời sự 19h của VTV: tin Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Bắc Kạn được phát trước tin Tổng Bí thư kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Đây là chỉ dấu để những ai am hiểu nội tình Ba Đình nhận ra rằng Nguyễn Phú Trọng đã thất thế.
Và sau cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Nội ngày 29/11, ngài TBT đột nhiên “im hơi lặng tiếng” suốt 8 ngày tiếp theo. Hiện tượng bất thường của người đứng đầu chính thể cộng sản tại Việt Nam khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: “Ông Trọng đang ở đâu?”
Sự kiện ông Trọng bất ngờ xuất hiện trở lại trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 8/12 và vụ Đinh La Thăng bị bắt sau đấy không che dấu được thực tế là suốt hai tháng trước đó, quyền lực của ngài TBT liên tục đi xuống và rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi ông ta tiếp quản ngôi vị số 1 đầu năm 2011. (Chúng tôi sẽ phân tích về “sự biến 8/12” này trong một dịp thích hợp.) Và vị thế của ông ta cũng chỉ mới “trồi” lên được hơn một ngày thì đã “sụt” trở lại: Trong một diễn biến chưa từng có, tối mồng 9 tháng 12, TTX Việt Nam cùng một loạt cơ quan truyền thông nhà nước đã đăng bài “cáo lỗi” vì đưa tin sai về vụ hai cựu Tổng Giám đốc PVN Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu bị khởi tố và bắt giam chỉ vài giờ trước đó.
Mọi khả năng còn để ngỏ
Tuy Đinh La Thăng đã bị bắt nhưng nếu cho rằng số phận viên cựu Bí thư Sài Gòn coi như đã an bài thì e là vội vã. Nhận định này xuất phát từ ít nhất 3 lý do dưới đây:
Thứ nhất, như chúng tôi đã trình bày đầu bài viết, chính trường Việt Nam vô cùng phức tạp và khó lường, trong khi ngài TBT khả kính của chúng ta lại là nhà lãnh đạo quốc gia hiếm hoi trên thế giới mà quyền lực cứ liên tục hết thăng lại giáng. (Đó là xét trên bình diện thế giới, chứ còn trong lịch sử Việt Nam thì ông ta là nhân vật “độc nhất vô nhị”.)
Thứ hai, ngài GS.TS chuyên ngành “xây dựng đảng” có một “tử huyệt” không những đủ khiến ông ta bị hất khỏi chiếc ghế TBT mà còn giúp ông ta sánh ngang với những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc trong lịch sử. Đó là việc ông ta, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đã phê chuẩn “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế từ ngày 2/8/2007 rồi đưa nhân vật cầm đầu “nhóm lợi ích Tàu” tại Việt Nam này vào chễm chệ trong Bộ Chính trị và làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Bí thư Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Thủ đô từ sau Đại hội XII đến nay. (Vấn đề đối với các đối thủ của ngài TBT đơn giản là vì “tử huyệt” này quá ư “nhạy cảm”, “nhạy cảm” hơn bất cứ chuyện gì ở Việt Nam nhiều năm qua.)
Thứ ba, mặc dù đã bị khởi tố và bắt giam, nhưng Đinh La Thăng mới chỉ bị “tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội” và “đình chỉ sinh hoạt đảng”. Quyết định số 63-QĐNS/TW về việc “đình chỉ sinh hoạt đảng đối với đồng chí Đinh La Thăng” do Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ký ghi rõ: “Thời hạn đình chỉ được tính theo thời hạn quy định của pháp luật (kể cả gia hạn, nếu có).” Nghĩa là, Đinh La Thăng hoàn toàn có thể “trắng án” trước khi được khôi phục tư cách đảng viên, tư cách ĐBQH lẫn các chức vụ trong bộ máy, bởi ông ta chưa bị “khai trừ” hay “cách” bất cứ chức vụ nào. (Điều này đã từng xẩy ra với cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến năm 2008 trong vụ bê bối PMU18, sau khi bị giam 18 tháng. Việc Nguyễn Việt Tiến cuối cùng vẫn bị lột hết chức vụ chỉ là vì Nông Đức Mạnh sau khi “thoát hiểm” vụ PMU18 lại trở thành đối tượng trong một tố cáo đặc biệt nghiêm trọng nên chỉ còn biết giương mắt nhìn đệ tử ruột bị đối thủ “làm thịt”.)
Tóm lại, sự kiện Đinh La Thăng bị bắt ngày 8/12 và vụ một loạt cơ quan truyền thông nhà nước đăng bài “cáo lỗi” chỉ một ngày sau đó báo hiệu từ nay đến Hội nghị Trung ương 7 sẽ còn những diễn biến hết sức khó lường. Cán cân quyền lực giữa các phe nhóm có thể thay đổi mau lẹ chỉ trong một sớm một chiều.
Dù vậy cũng không quá khó để hình dung ra ba kịch bản khả dĩ cho Nguyễn Phú Trọng tại kỳ hội nghị trung ương đặc biệt quan trọng sắp tới.
Ông ta hoặc sẽ tạo được vị thế của một Tập Cận Bình “made in Vietnam” trước và trong hội nghị hầu bảo toàn ngôi vị số 1 của mình đến hết nhiệm kỳ, hoặc sẽ buộc phải chia tay khu nhà 1A Hùng Vương song vẫn có tiếng nói quyết định trong việc lựa chọn người kế vị theo ý chỉ của Trung Nam Hải, hoặc sẽ bị thất thế và buộc phải bàn giao chiếc ghế quyền lực nhất Việt Nam cho đối thủ rồi trở về “làm người tử tế”.
Và cả ba kịch bản nêu trên đều phụ thuộc quyết định vào việc ngài TBT múa may thế nào với thanh “bảo kiếm” mang tên Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng Trung ương.
Lê Anh Hùng