Đằng sau những lần về thăm quê hương!
Những lần về Việt Nam có nhiều chuyện vui và chuyện buồn. Chuyện buồn đầu tiên là gặp rắc rối với hải quan tại phi trường. Tuy nhiên chuyện buồn này cũng có thể dễ dàng giải quyết khi biết được thủ tục “đầu tiên” là tiền đâu. Tâm lý chung sau nhiều giờ mệt mỏi trên phi cơ, ai cũng mong có chút thời gian thư dãn, gặp lại người thân đang chờ ngoài kia. Rầy rà với mấy anh chị hải quan chỉ thêm bực mình, nên thôi đành chịu mất năm ba đồng cho xong chuyện. Nhưng cũng có những chuyện buồn mà tiền bạc không giải quyết được. Không những thế hậu quả của nó còn có thể kéo theo đổ vỡ của cả một gia đình.
Câu chuyện tưởng như mơ nhưng lại là câu chuyện có thật đã xảy ra cho một người sau chuyến về thăm quê hương. Câu chuyện tưởng như rất tầm thường nhưng kết luận lại hết sức quan trọng. Nó quan trọng không phải ở chỗ sự việc đã xảy ra rất thực tế, nhưng quan trọng ở chỗ là nếu như nó đã không được giải quyết một cách trưởng thành, hiểu biết, và thông cảm thì hậu quả của nó đã kéo theo hạnh phúc của một gia đình. Câu chuyện đó đã xảy ra nhau sau:
Anh ta là con thứ trong một gia đình có hai anh em trai. Ba của anh qua đời trong trại tù cải tạo khi anh còn rất nhỏ. Năm 1980, anh tìm đường vượt biên và sau 1 tuần thuyền anh lênh đênh trên biển cả, bị hải tặc Thái Lan cướp hai lần, anh đã đến được trại tị nạn Thái Lan. Sống ở trại tị nạn gần một năm, anh đã được định cư tại Hoa Kỳ. Với bản tính cần cù, chịu khó, lại thêm trí thông minh, bốn năm sau anh đã tốt nghiệp kỹ sư Computer và kiếm được một việc làm cách rất dễ dàng. Thời gian đó những ai có bằng về Computer đều dễ dàng kiếm việc, được trả lương cao và đời sống kinh tế rất ổn định.
Việc đầu tiên sau khi ra trường, kiếm được việc làm anh lo chuẩn bị cho ngày thành hôn của mình. Người yêu của anh Mộng Bình không ai khác chính là người mà anh đã gặp trong thời gian còn ở trại tị nạn, nhưng tình cờ sau này lại học cùng trường với anh tại Hoa Kỳ. Sau đám cưới một năm anh lại hạnh phúc được làm cha. Đứa con đầu lòng của anh là một bé trai rất dễ thương. Thượng Đế như ưu đãi anh, hai năm sau đó vợ anh đã sinh cho anh một bé gái. Có trai và có gái. Chồng làm kỹ sư computer, vợ là y tá. Gia đình anh như vậy được gọi là một gia đình tương đối lý tưởng và hạnh phúc: Vợ chồng đều có công ăn việc làm, tài chánh gia đình ổn định, và với bầu khí yêu thương đầm ấm của một gia đình một vợ, một chồng và hai con nhỏ.
Hạnh phúc gia đình anh tưởng như không ai có thể chen vào và phá vỡ nổi. Con trai đầu của anh đang chuẩn bị ra trường y khoa, còn con gái thì hiện là một sinh viên xuất sắc với hy vọng sau này sẽ trở thành một nha sĩ.
Năm trước đây nhận tin mẹ đau nặng anh đã về Việt Nam lo cho mẹ, đồng thời giúp người anh tu sửa lại ngôi nhà của mẹ anh tại Việt Nam. Phí tốn cho lần trở về và tu sửa nhà cửa trên dưới 30.000$. Vợ anh đã rất rộng rãi, tin tưởng và lo đủ số tiền để anh về. Sau một thời gian ở Việt Nam trở lại Hoa Kỳ, anh rất vui vẻ. Đời sống gia đình đầm ấm và hạnh phúc, mọi chuyện đều êm đềm xuôi chảy, bỗng nhiên tính tình anh thay đổi một cách lạ thường. Anh hay thở dài, khó ngủ và thường hay bẳn gắt vợ con những chuyện rất vô cớ. Vợ anh gạn hỏi thì anh chống chế và cho là do sức ép của công việc. Những bẳn gắt, cáu giận của anh cứ ngày càng lên cao khiến vợ anh và các con thấy có gì không ổn. Đặc biệt nhất là sau những ngày tháng nóng nảy ấy, anh nhất định đòi về Việt Nam với lý do không rõ ràng. Anh nói mình phải về thăm mẹ già và đôn đốc việc xây cất nhà cửa. Trước thái độ đứng ngồi không yên của anh, và trước sự đòi hỏi của anh, vợ anh không còn lựa chọn nào khác đành lại thu xếp và chuẩn bị tiền bạc để anh về. Vé máy bay đã mua và ngày về Việt Nam đã được ấn định. Nhưng bất chợt một sự kiện không ngờ đã xảy tới.
Như mọi lần, cứ mỗi cuối tuần chị đều giặt quần áo chồng và trước khi bỏ quần áo vào máy giặt, chị có thói quen luôn luôn lục soát lại các túi áo và túi quần, để xem anh có bỏ quên tiền hay giấy tờ gì quan trọng không, vì đã nhiều lần chị đã tìm thấy tiền bạc hoặc giấy thông tư tin tức của sở làm gửi cho anh ở trong túi áo hoặc ở trong túi quần của anh. Nhưng lần này chị thấy có một phong bì thư đã mở sẵn, tên một người con gái lạ, từ Việt Nam gửi đến đích danh tên chồng chị, qua địa chỉ hộp thư riêng tại ty bưu điện, nên chị liền mở ra đọc. Mắt chị như nhẩy nhót trên những hàng chữ: “Cái bầu đã lớn và em gần ngày sinh rồi sao không thấy anh động tĩnh gì? Nếu anh không về thì gửi tiền về cho em để lo sinh nở và nuôi con chứ. Còn việc anh ly dị với người vợ của anh đến đâu rồi sao anh lặng thinh. Anh đừng nghĩ đến chuyện “quất ngựa truy phong” chơi cho qua đường nha. Anh không nghĩ đến em thì cũng phải nghĩ đến giọt máu của anh chứ. Đừng đùa giỡn. Anh không chạy thoát khỏi bàn tay em đâu!”.
Không còn chịu đựng được hơn nữa, chị tìm đến với một phó tế kinh nghiệm về đời sống gia đình và kiến thức luật pháp để xin ý kiến. Thâm tâm chị là muốn làm lớn chuyện này để rồi đến đâu thì đến. Chị không thể ngờ được một người đàn ông như chồng chị lại phạm vào cái lỗi khốn nạn ấy. Niềm tin của chị lung lay và hầu như sụp đổ. Sau khi xem xong lá thư, vị phó tế đã khuyên chị cần phải bình tĩnh để giải quyết vấn đề.
Trước hết ông khuyên chị hãy bình tĩnh và cần phải hành động theo một tiến trình có suy nghĩ, có lý luận dựa trên tâm lý và luật pháp bằng cách:
1-Nhờ người trong gia đình hay người quen ở Việt Nam dò hỏi xem đó có phải là địa chỉ thật không? Và nếu là địa chỉ thật thì làm quen hỏi xem có người trong nhà mang tên theo tên trên bì thơ không? Nếu có thì liên hệ gì với người ở Mỹ? Nhất là xem coi cái bụng bầu gần ngày sanh ấy có thật sự đúng hay chỉ là giả tạo?
2-Đặt giả thiết mọi chuyện đều đúng, có nghĩa là người thiếu nữ ấy thật sự có bầu, thì bước kế tiếp là chờ coi xem đó có thật sự là con của chồng mình hay con của một ai khác. Điều này có thể thực hiện được qua thử nghiệm DNA.
3-Và sau cùng, theo dõi để tìm cách làm ngăn trở mối liên hệ giữa chồng chị với người phụ nữ tự xưng là tình nhân của chồng chị.
Sau khi đã nhờ người nhà dò hỏi, chị được biết rõ là có một thiếu nữ tên gọi đúng như tên ngoài bì thơ ở địa chỉ đã ghi ngoài bì thơ, và người này nói mình có thân nhân bên Mỹ nhưng không cho biết người thân nhân ấy ở đâu. Điểm đặc biệt nhất là thiếu nữ ấy là một cô gái bán bar và không mang bầu. Như vậy trong trường hợp thứ nhất đã có câu trả lời. Vì người thiếu nữ đó không mang bầu nên những vấn nạn về gửi tiền cho nàng sinh con, nuôi con và việc thử DNA không cần thiết. Còn lại là tìm cách làm ngãng trở mối liên hệ giữa chồng chị với thiếu nữ tình nhân đó.
Theo đúng từng bước đã được hướng dẫn, chị giả bộ đòi về Việt Nam cùng với chồng viện lý để tiện dịp thăm mẹ chồng, cũng như giúp anh sớm hoàn tất công việc tu sửa nhà cửa. Mục đích là không để chồng chị gặp lại người thiếu nữ đó nữa. Thoạt đầu chồng chị nhất định không cho về chung với lý do giá phí tổn đi về quá cao, rất đắt đỏ, và gấp quá không kịp chuẩn bị, không dễ mua được vé máy bay. Sau những màn tranh cãi và giận dữ. Linh cảm một điều gì đó có thể làm lộ tẩy ý định của anh khi về Việt Nam, chồng chị đã hủy bỏ chuyến bay với số tiền phạt là $100.
Tuy không về Việt Nam, nhưng anh vẫn lén lút trấn an người tình ở Việt Nam. Xem ra càng ngày anh càng tỏ ra lúng túng, sợ hãi. Có lẽ anh sợ người tình anh sinh con mà không có tiền bạc rồi làm đổ bể câu chuyện. Nghĩ vậy, nhưng anh cũng không dám gửi tiền bạc về. Nghi rằng vợ anh đã biết chuyện, nên anh lo lắng tìm cách dò hỏi, và cuối cùng vợ anh đã cho anh biết rằng anh không thể về Việt Nam một mình được vì anh đã có bồ tại Việt Nam. Anh thề sống, thề chết, nhất định từ chối hành động ngoại tình của mình.
Sau khi biết được người đã đứng sau lưng phá đám cuộc tình tay ba của mình, anh đã gọi điện thoại đến văn phòng của thày phó tế tranh luận và chửi bới ông này thậm tệ. Kết luận cuộc tranh luận này, vị phó tế đã nói với anh qua điện thoại:
“Tôi không có tội gì trong vấn đề hạnh phúc của anh và gia đình anh. Tôi cũng không xen vào việc gia đình anh, nhưng với lương tâm của một người hiểu biết và quan tâm đến hạnh phúc hôn nhân của gia đình, tôi đã khuyên chị tế nhị theo dõi, đồng thời nếu cần về Việt Nam với anh, chị nên về. Đó là sự tiên liệu khôn ngoan và cần thiết. Bởi vì không ai dám tự cho mình là “vững vàng” trước những cám dỗ tình cảm như vậy. Tóm lại, nếu anh thật lòng về Việt Nam chuyến này chỉ để lo lắng cho bà mẹ, và xem xét lại việc tu sửa nhà cửa mà không hề có một ý đồ gì khác thì tại sao không cho vợ anh cùng về. Biết đâu chị ta chẳng giúp anh một tay. Hay là anh có chủ ý nào khác? Vậy nếu anh trong sạch và vô tội trong lần về này, ngày mai mời anh lên văn phòng tôi. Tôi sẽ đóng cửa văn phòng và quì xuống trước mặt anh để xin lỗi anh. Còn nếu như anh có một ý định gì khác, tôi tin là anh đã biết.” Nghe vậy, anh tự động gác máy.
Sự thật câu chuyện đã bắt đầu trong lần về Việt Nam năm trước. Anh đã theo một số bạn bè rủ rê vào mấy quán bia ôm, mấy nơi đấm bóp để cho biết mùi đời và thư dãn. Đám bạn anh đã gài anh với một cô tuổi bằng con gái của anh mà cái tên đã có trên bì thư gửi qua cho anh. Nhưng trên thực tế, cô này không hề có thai, và vẫn tiếp tục bán bar, tiếp khách như cô đã từng làm đối với anh. Anh chỉ là một nạn nhân của thói ăn chơi đàng điếm, của tính nhẹ dạ, cả nể, và không muốn bị bạn bè chê là thứ chết nhát. Anh là con nai vàng ngơ ngác không hơn không kém trước những cạm bẫy xã hội.
May mắn cho anh, với bản tính thật thà và hiền lành. Cộng thêm còn một chút lương tâm đạo đức, anh đã nhận lỗi và làm hòa với vợ. Mặc dù sự tha thứ và làm hòa đã có, nhưng vết thương lòng vẫn chưa hoàn toàn được lành.
Đừng vội cho rằng đàn bà “forgive but not forget”, nhưng một vết thương như vậy, một tình huống như vậy cũng cần phải có thời gian để lành. Trên thực tế, vợ anh có quyền giận anh và đau khổ vì anh, bởi vì đối với vợ anh, anh vẫn là tất cả. Tình yêu vợ anh dành cho anh là một tình yêu không chia cắt. Riêng anh, anh cũng cần thời gian để minh chứng sự thành thật thống hối của mình. Anh đã làm cho con tim vợ anh bị tan nát, và thiếu một chút nữa cả gia đình anh tan nát, hạnh phúc hôn nhân của anh bị đổ bể.
Trở lại người chồng, sau khi đã có cơ hội làm hòa với vợ, anh đã gọi điện thoại đến văn phòng thày phó tế và lần này chính anh đề nghị:
“Con cám ơn thày đã giúp gia đình con. Con có lỗi trong vụ này, vậy xin thày cho một cái hẹn, để con đích thân đến văn phòng và quì gối xin lỗi thày.”
Dĩ nhiên lời đề nghị của anh không được chấp nhận, vì niềm vui của phó tế đó là giúp đem lại hạnh phúc cho gia đình anh, chứ không chờ lời xin lỗi của anh. Ông đã được trả công rồi!
Quanh câu chuyện này, độc giả có thể rút ra được những bài học khác nhau tùy từng hoàn cảnh. Tuy nhiên, một vài điểm chung có thể sẽ giúp ích cho nhiều người đó là:
Khi du lịch về Việt Nam, nhất là đi với nhóm bạn bè, hoặc một mình thì dù là phái nam hay phái nữ cũng cần tự chủ. Thật sự không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình sau những giây phút yếu lòng. Có thể là nhiễm HIV. Có thể là sẽ làm chồng, làm cha, làm vợ, làm mẹ bất đắc dĩ. Thông thường những phút giây lãng mạn, tình tứ ấy chỉ mang tính nhất thời, mau qua. Chúng chỉ làm cho con tim nặng nề, và lương tâm thêm bất ổn.
Nếu! Nếu như vì yếu lòng mà trót “ăn vụng” thì nhớ phải biết thống hối. Coi đấy như một bài học để đời, đừng huênh hoang, tự cao, tự đại cho mình là “hoàng tử”, là “công chúa” để rồi có ngày thần tượng sụp đổ và kéo theo sự đổ vỡ của cả gia đình. Những mối tình qua đường ấy chưa đủ để thẩm định và đo lường sự chung thủy, tính chất trưởng thành, và chính đáng của tình yêu. Để mình là tác giả của những ngậm ngùi nuối tiếc “anh đã lầm đưa em sang sông”, hoặc “em đã lầm đưa anh sang đây” là việc làm thiếu ý thức, không cần thiết. Hai chữ “lợi dụng” trong những trao đổi tình cảm kiểu này không chỉ làm ta thân bại, danh liệt, mà còn phá vỡ hạnh phúc gia đình của mình nữa. Đáng buồn là nó vẫn tiếp tục xảy ra cho nhiều người đằng sau những lần về thăm quê hương!
Sau đây là phần pháp lý tổng quát, có liên quan đến nội dung của câu chuyện trên đây:
1. Nếu câu chuyện trên đây xẩy ra tại tiểu bang Oklahoma, theo như Đạo Luật Gia Đình của tiểu bang này, điều luật số 21, đoạn 871, quy định bất cứ ai vi phạm tội ngoại tình (Adultery Offense), hoặc còn gọi là hành động chuyển nhượng tình cảm (Alienation of Affection) của mình là người đã có vợ hoặc đã có chồng cho người khác, nếu bị truy tố ra tòa với bằng chứng hiển nhiên, có thể lãnh án tù ở không quá 5 năm, hoặc chỉ bị phạt vạ tối đa là $500 Mỹ kim, hoặc vừa lãnh án tù ở lẫn đóng tiền phạt vạ. Nhưng hiện nay, rất may là đạo luật này đã được đa số các tiểu bang bãi bỏ, trong đó có tiểu bang Oklahoma, ngoại trừ còn một số rất ít, không đáng kể, như tiểu bang Hawaii, Illinois, North Carolina v.v.. vẫn con duy trì đạo luật này.
2. Mặc dầu điều luật phạm tội ngoại tình được bãi bỏ, nhưng hành động ngoại tình vẫn được áp dụng trước công lý, để dùng làm bằng cớ được quyền giữ con cái còn nhỏ tuổi (Custody of Minor Children) và được quyền hưởng tiền cấp dưỡng nuôi con cái (Child Support), cho tới khi con cái tới tuổi trưởng thành, trong các vụ án ly dị trước tòa án hay trong sự thỏa thuận của đôi bên, mà không cần có phiên tòa xét xử.
3. Trường hợp trên đây, vì Hoa Kỳ đã ký hiệp ước bang giao quốc tế với Việt Nam, mà người chồng phạm tội ngoại tình ở đây và giả sử cô bồ nhí ở đây có con với người chồng ngoại tình này ở Hoa Kỳ, thì trước quốc tế công pháp của hai nước đã ký kết với nhau, cô bồ nhí vẫn có thể tiến hành các thủ tục pháp lý, đòi hỏi người chồng ngoại tình ở Hoa Kỳ phải cấp dưỡng cho cô tiền nuôi con hàng tháng, cho tới khi đứa trẻ khôn lớn đến tuổi trưởng thành.
Nói tóm lại, đã có một vài trường hợp xẩy ra trong quá khứ tại Việt Nam, không bị người vợ ở Hoa Kỳ khám phá ra là chồng mình đang có bồ nhí ở Việt Nam, tương tự như câu chuyện vừa kể trên, nhưng tới ngày mấy ông chồng này sắp sửa quay trở về lại Hoa Kỳ đoàn tụ với vợ con, thì bị công an địa phương ở đây, đột nhập vào căn phòng trong lúc hai người đang hưởng giây phút trăng mật, nên đương sự bị buộc vào tội mua dâm. Vì không muốn bị liên lụy đến vấn đề pháp lý và bị ngồi tù, hơn thế nữa hạnh phúc gia đình có thể bị đổ vỡ nếu bị tiết lộ trước công chúng, nên các đương sự đành phải ngậm đắng nuốt cay, đóng tiền phạt vạ khá nặng, để được lên đường trở về Hoa Kỳ an toàn.
Tuy nhiên, trong những trường hợp như thế này, đối với những đương sự nào chưa nhập tịch Hoa Kỳ, vẫn còn là thường trú nhân, thì cần phải thận trọng, vì nếu chính quyền cộng sản thông báo cho Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam biết, là những đương sự này, đã bị bắt giữ về tội mua dâm và đã nhận tội, bằng lòng đóng tiền phạt, để khỏi bị truy tố ra tòa, thì vấn đề xin nhập tịch Hoa Kỳ trong tương lai chắc chắn sẽ bị trở ngại lớn.
Trần Mỹ Duyệt