Đảng Cộng sản Trung Quốc phải “tùy cơ ứng biến” nếu muốn tồn tại
Điểm Báo: Nội dung báo Le Monde, trên mục Quốc tế có một bài quan tâm đến các chính sách cải cách tại Trung Quốc vừa được công bố hồi thứ Sáu tuần vừa qua (15/11/2013). Tờ báo chạy tựa “Tập Cận Bình đẩy Trung Quốc theo hướng cải cách“.
Đầu tiên, bài viết tóm tắt lại những chương trình cải cách được thông qua sau Hội nghị Trung ương 3, bế mạc hôm thứ Ba 12/11/2013. Trên bình diện xã hội, chương trình cải cách bao gồm ba nội dung chính : Nới lỏng chính sách một con , xóa bỏ hệ thống lao cải, và cải cách dần chính sách “hộ khẩu“. Về mặt kinh tế, các cải cách mới quy định các tập đoàn quốc doanh sẽ phải đóng góp lại cho chính phủ 30% lợi nhuận của họ, từ đây cho đến năm 2020, cho phép mở ngân hàng tư nhân và thúc đẩy nhanh hơn tự do hóa tài chính.
Thế nhưng, bài xã luận của báo Le Monde nhận thấy rằng “Bắc Kinh cải cách kinh tế, nhưng không thay đổi chính trị“. Bởi vì, theo nội dung tài liệu do Tân Hoa Xã công bố, một mặt, Tập Cận Bình cam kết sẽ giảm từ từ số các tội có thể lãnh án tử hình và mở một cơ quan khiếu kiện trên mạng. Mặt khác, ông tuyên bố thành lập Ủy ban phụ trách ngăn chặn nạn quan liêu, gây cản trở cho tiến trình cải cách và một Ủy ban An ninh Quốc gia – theo mô hình NSA của Hoa Kỳ. Báo Le Monde nhận định rằng việc thành lập hai cơ chế này dường như củng cố thêm quyền kiểm soát của Tập Cận Bình đối với bộ máy Nhà nước.
Điều này cho thấy, việc mở cửa kinh tế và xã hội không đồng nghĩa với việc Đảng sẽ mở cửa chính trị. Ông hứa hẹn sẽ minh bạch hơn nữa, nhưng đồng thời, ông cũng khóa miệng giới cư dân mạng, đảm bảo nhiều quyền hơn nữa, nhưng ông để cho các kênh truyền hình phát những chương trình “cưỡng chế thú tội“.
Theo Le Monde, giới trí thức, nhất là những người ủng hộ tự do, đón nhận chương trình cải cách với thái độ khá thận trọng. Họ tỏ ra nghi ngờ khả năng thực thi các chính sách đó. “Đảng Cộng sản Trung Quốc có thói quen hứa nhiều. Trước năm 1949, họ cũng đã từng làm như vậy. Thế mà, hiếm khi họ thực hiện. Vì hiện nay họ gặp nhiều vấn đề, nên họ lại đưa ra những lời hứa hẹn. Cần phải dè chừng. Hiến pháp qui định tự do ngôn luận, vậy mà trang blog và tài khoản Vi bác của tôi cũng đã bị kiểm duyệt vào chính ngày bế mạc“, sử gia Chương Li Phản nhận xét.
Đảng cộng sản phải “tùy cơ ứng biến” nếu muốn tồn tại
Nhận định về việc nới lỏng chính sách một con và hủy bỏ hệ thống “trại cải tạo“, báo le Monde có dịp trao đổi với nhà nghiên cứu Nicolas Bequelin, làm việc cho Tổ chức Quan sát Nhân quyền – Human Rights Watch. Đối với Bequelin, “nới lỏng chính sách một con” chưa phải là một sự tiến bộ về nhân quyền, đó chỉ là một sự cho phép ( có nhiều hơn một con). Hệ thống đó vẫn còn tồn tại, nhưng họ cho phép một nhóm người nào đó quyền được sinh con thứ hai. Điều này sẽ dẫn đến những quyết định tùy tiện.
Về hệ thống trại lao cải, ông Nicolas Bequelin cho rằng tình cảnh hiện nay không như những năm 1950. Đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rằng phải “tùy cơ ứng biến” nếu họ muốn sống sót, do bởi chế độ hiện nay đang phải trực diện với một tình trạng mong manh và bất ổn xã hội cao. Trung Quốc bây giờ không còn nằm trong cách thức cải cách chính trị như những năm 1986-1987.
Vậy điều đó có cho thấy là Tập Cận Bình bắt đầu áp đặt dấu ấn của ông hay chưa ? Theo Bequelin, hiện ông Tập Cận Bình đã dần dần củng cố quyền lực của mình. Bây giờ đã có chương trình hành động cho mười năm tới. Mười năm vừa qua coi như thất bại, áp lực xã hội tăng lên và cần phải có một sự thay thế với các chính sách cải cách : Hoặc là kinh tế, hoặc là chính trị. Ở đây, chủ yếu là kinh tế. Điều này cũng chứng tỏ là Đảng phải biết thích hợp, nếu không sẽ nguy khốn. Đây là một đảng theo học thuyết Lênin và thuyết tiến hóa Darwin.