Dân chủ chiến thắng tại Ukraina, bài học nào cho Việt Nam?

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Ukraine là nước có màu xanh lá cây

Ukraina, một quốc gia vùng Trung Á nằm sát biên giới Nga, có diện tích gấp đôi Việt Nam (603,700 km2) nhưng dân số lại bằng một nửa (46 triệu). Tổng sản lượng quốc gia năm 2012 là 173.9 tỉ USD, lợi tức đầu người $7300/năm gấp đôi lợi tức người VN là $3800/năm (1). Hai điều để nhớ về Ukraina là cuốn phim “Câu Chuyện Xô Viết” chứa đựng thảm cảnh người dân Ukraina bị cộng sản Liên Xô tàn sát vô cùng man rợ, và chiếc Hàng Không Mẫu Hạm Varyag, năm 1998 đem bán đấu giá cho Trung Cộng chế biến thành “Tàu Sân Bay Liêu Ninh” làm đồ trang sức hù dọa các nước láng giềng. Năm 1917, khi cộng sản Lenin cướp chính quyền ở Nga, thì Ukraine bị sáp nhập vào Liên Bang Xô Viết (Liên Xô) với tên nước là “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết Ukraina”, dưới sự cai trị của cộng sản đệ tam quốc tế.

Cuộc đổi mới (glasnost) và cải tổ (perestroika) của Mikhail Gorbachev đã kéo theo sự sụp đổ cộng sản Liên Xô năm 1991, Ukraina được độc lập đổi tên nước thành Ukraina, theo thể chế chính trị Cộng Hòa Nghị Viện Bán-Tổng Thống (Unitary Semi-Presidential Republic), dân chúng bầu trực tiếp Tổng Thống, nhưng Thủ Tướng lại do quốc hội bầu và thành lập nội các chính phủ. Nhà nước tam quyền phân lập, Hành Pháp-Lập Pháp-Tư Pháp, hoạt động độc lập. Trong tiến trình từ độc tài toàn trị cộng sản sang dân chủ tại Ukraina, cuộc Cách Mạng Da Cam năm 2004 là vết son lịch sử không riêng gì đối với Ukraina mà còn đối với thế giới.  

Ngày nay, Ukraina là nơi tranh chấp ảnh hưởng giữa khối NATO (gồm Hoa Kỳ và Liên Âu) và  Nga. Khối NATO ủng hộ phe đối lập, nhất là bà Yulia Tymoshenko, một thương gia giàu có, biệt danh “nữ hoàng khí đốt”, một phụ nữ trí thức tài đẹp, biểu tượng của cuộc Cách Mạng Da Cam, bà đã hai lần giữ chức thủ tướng, năm 2005 và 2007-2010, từng đứng thứ ba trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất Thế giới do Tạp chí Forbes lựa chọn vào năm 2005. Năm 2010, bà đại diện cho đảng Tổ Quốc (Fatherland) tranh cử Tổng Thống với ông Victor Yanukovych, thân Nga, đại diện Đảng Của Những Vùng (Party of Regions). Bà thất cử, trở thành lãnh đạo đối lập.   

Cuộc đấu tranh dân chủ bắt đầu:

Nhà đối lập Tymoshenko

Vừa lên nắm quyền tháng 2/2010, TT Yanukovych đề xuất một văn kiện vận động quốc hội Ukraina bỏ phiếu thông qua đạo luật “Ukraina không gia nhập khối NATO”. Lập tức, phe đối lập lên tiếng tố cáo “chính quyền Yanukovych đã tuân theo lệnh của Moskva. Nếu không gia nhập NATO, Ukraina sẽ biến thành một nước chư hầu của người láng giềng (Nga).”

Tháng 10/2011, TT Yanukovych dùng luật rừng, đưa nhà đối lập Tymoshenko ra toà, kết án 7 năm tù và phạt 200 triệu Mỹ kim về tội lạm quyền. Không cho bà Tymoshenko ra nước ngoài chữa bệnh đau lưng mãn tính (chronic). Hoa Kỳ và các nước Liên Âu ủng hộ nhà đối lập Tymoshenko và gây sức ép lên chính quyền của TT Yanukovych.

Trong tù, bà Tymoshenko tuyệt thực chống đối. Ở ngoài, con gái bà, Eugenia lên tiếng tố cáo chế độ hà khắc của nhà tù đối với mẹ cô. Đầu năm 2012, bác sĩ Đức đòi được đưa bà sang bệnh viện Đức để chữa bệnh, nhiều nhà lãnh đạo Liên Âu cũng lên tiếng yêu cầu tương tự. Tất cả yêu cầu không được TT Yanukovych đáp ứng, Liên Âu gây sức ép bằng cách đòi tẩy chay Giải Vô Địch Bóng Đá Châu Âu tổ chức tại Ukraina vào tháng 6/2012.

Ngày 12/05/2012, ngoài đường phố thủ đô Kiev, phe đối lập đứng lên biểu tình đòi trả tự do cho nhà đối lập Tymoshenko, với những khẩu hiệu đòi hỏi một chính phủ công bằng, liêm khiết, một cuộc sống đàng hoàng, một Ukraina tự do.

Cuối tháng 9/2012, sau gần một năm trong tù, bà Tymoshenko dù sức khoẻ yếu kém vẫn kêu gọi người dân đứng lên với những lời tuyên bố đanh thép: “Hỡi tất cả những người đang sống tại Ukraina, thực ra đang sống trên một đất nước đầy tội ác do Yanukovych xây dựng”.

Bà mạnh dạn lên tiếng tẩy chay bầu cử quốc hội Ukraina ngày 28/10/2012, với lời cảnh báo: “Tôi muốn nói với tất cả mọi người rằng, nếu không hiểu ngay từ bây giờ là Ukraina đang bị những thành phần tội phạm và mafia lãnh đạo, thì sau này sẽ không có gì có thể bảo vệ quý vị trước các việc làm của Yanukovych”.

Cuộc đấu tranh leo thang: Liên Âu & Hoa Kỳ vào cuộc, Nga đứng sau lưng Yanukovych

Nhà độc tài Yanukovych

Sau cuộc bầu cử quốc hội Ukraina vào tháng 10/2012, đảng của TT Yanukovych chiến thắng, làm cho phe đối lập thổi bùng ngọn lửa đấu tranh. Tình hình Ukraina lâm vào tình trạng khủng hoảng, trong khi TT Yanukovych đang trong tiến trình đàm phán gia nhập Hội nghị Thượng đỉnh Vilnius (kinh tế tự do mậu dịch) với Liên Âu vào ngày 29/11/2013 thì TT Putin hăm dọa kiểm soát và giới hạn hàng hóa từ Ukraina đến Nga mà theo phóng viên Madeleine Leroyer của RFI tường thuật “Việc tăng cường kiểm soát hải quan là một lời cảnh cáo rất rõ ràng đối với Kiev mà theo Moskva đã có một hành vi ‘tự sát’: Đó là việc ký kết vào ngày 29/11 thỏa thuận liên kết giữa Ukraina và Liên Hiệp Châu Âu”

Về phía áp lực từ TT Putin là như thế, Liên Âu cũng gây sức ép với chính phủ Ukraina là muốn gia nhập kinh tế tự do mậu dịch với Liên Âu thì thả tự do cho bà Tymoshenko sang Châu Âu chữa bệnh. TT Yanukovych bị cảnh “trên đe dưới búa”. Đến ngày 28/11/2013, Putin thắng thế, Ukraina tuyên bố đình chỉ đàm phán hiệp định kinh tế với Liên Âu, và không cho bà Tymoshenko đến các nước Châu Âu chửa bệnh.

Những ngày cuối  tháng 11/2013 hàng ngàn người thuộc phe đối lập biểu tình đòi hỏi rằng “Chúng ta sẽ tiếp tục phản đối cho đến khi nào thỏa thuận (liên kết với EU) được ký kết… Chúng ta sẽ yêu cầu chính phủ hủy bỏ quyết định (không liên kết với Liên Hiệp Châu Âu) và đòi chính phủ phải từ chức”. Võ sĩ vô địch quyền anh Vitali Klischko, được dân Ukraina rất ngưỡng mộ, lãnh đạo đảng Ukraine Liên Minh Dân Chủ Cải Cách (Ukraina Democratic Alliance for Reform) tham gia cuộc biểu tình… Hằng trăm ngàn người tràn về trung tâm thủ đô Kiev đòi chính quyền Ukraina xích lại với Liên Âu và truất phế TT Yanukovych.  Đoàn người biểu tình càng ngày càng đông, bao vây các cơ quan chính phủ tại thủ đô Kiev.

Đoàn biểu tình bị cảnh sát giải tán, hàng chục người bị thương. Lập tức, hôm sau đoàn biểu tình lên đến nửa triệu người chiếm Quãng Trường Độc Lập (Maidan) ở Kiev, phất cờ Cách Mạng Da Cam và cờ Liên Âu (EU).

Trong khi phe đối lập đang biểu tình chống đối việc Nga dùng đòn kinh tế siết chặt TT Yanukovych vào quỹ đạo Moskva, thì một tin đồn từ tạp chí The Economist do nhà báo Lucas đưa ra rằng: “Tôi nghe nói rằng ông Yanukovych ký kết tại Sochi một hiệp định chiến lược với Nga, dự kiến số tiền hỗ trợ trước mắt 5 tỉ đô la cùng với giá khí đốt là 200 đô la và hiệp định tham gia Liên hiệp thuế quan (của Nga). Tôi hy vọng điều này là sai, nhưng e rằng đó là sự thực vì nguồn tin đáng tin cậy”.

Tin đồn này chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa, nâng ngọn lửa biểu tình của phe đối lập hừng hực lên cao. Dân chúng nổi lên đập nát tượng Lenin tại thủ đô Kiev. Ngày 8/12/2013 một biển người tụ tập tại Quảng Trường Độc Lập thủ đô Kiev trong đó có thành phần trí thức, đại diện các tôn giáo, con gái của bà Tymoshenko tham dự và đọc thư của mẹ từ trong tù với lập trường quyết liệt: “Hôm nay chúng ta đang đứng trước một sự chọn lựa: Hoặc là lún sâu thêm vào một chế độ độc tài và tham ô, hoặc là trở về mái nhà Châu Âu”…“Yanukovych phải ra đi ngay”“không đối thoại với một chính quyền tay đã dính máu”.

Cảnh sát điều động đến giải tán biểu tình, bị lực lượng đối lập đẩy lui. Lốp xe, đắp mô, rào chắn kẽm gai, bom xăng của phe đối lập khói bay mù trời thủ đô Kiev. Trước tình hình căng thẳng leo thang, Hoa Kỳ cấp tốc vào cuộc, gửi phụ tá ngoại trưởng đặc trách Châu Âu đến thủ đô Kiev, tổng thống Obama điện thoại nhắc nhở TT Putin không nên ủng hộ Ukraina dùng vũ lực đàn áp, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel gọi người đồng nhiệm Ukraina, Pavlo Lebedev, cho biết Washington chống lại việc chính phủ Ukraina dùng quân đội đàn áp biểu tình. Hoa Kỳ nghiêng hẳn về phe đối lập. Liên Âu kêu gọi hai bên hãy kềm chế.

Đúng như dự đoán của tạp chí Economist nói trên, TT Yanukovych đã sang Nga ký hiệp ước năng lượng giảm giá khí đốt 30%, cho vay 15 tỉ USD, hứa hẹn ủng hộ thắng cử ghế tổng thống năm 2015 tới, thế là lá bài Yanukovych nằm trọn trong tay Putin. Quả thật, đừng nghe những gì cộng sản nói, Putin từng tuyên bố “ai muốn quay lại với Liên Xô, người ấy không có cái đầu”, nhưng cách hành xử của Putin vẫn là bóng ma độc tài Liên Xô, đang tìm mọi cách để kéo dân Ukraina trở về trường phái chính trị của “những người không có cái đầu”!

Cuộc đấu tranh một mất một còn: Yanukovych ngã ngựa, Nga thất bại

Rừng người biểu tình tại Kiev thủ đô Ukraine

Được Putin ủng hộ, TT Yanukovych ra sức đối phó với tình hình căng thẳng bằng cách xử dụng  những thủ đoạn của cộng sản để đối phó với lực lượng dân chủ. Bắt bớ thành phần đối lập, đánh đập thô bạo người biểu tình, hành hung nhà báo, trục xuất giới truyền thông báo chí ngoại quốc, ngăn chận không cho những tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài hiện diện, thuê cổ động viên chống phá đoàn biểu tình, ban bố đạo luật trấn áp để bỏ tù người biểu tình, hăm dọa dùng quân đội đàn áp….Nhưng, ý chí tự do dân chủ của người dân Ukraina không bị lung lay, đoàn người biểu tình đòi Yanukovych từ chức càng ngày càng đông, nhiều cơ quan công quyền bị chiếm, toà nhà tổng thống bị đoàn người biểu tình bao vây…. Đặc biệt, 15/12/2013 đoàn biểu tình gần 200,000 người tại tại Quãng Trường Độc Lập Maidan, có 2 thượng nghị sĩ Hoa kỳ, Christopher Murphy (Dân chủ) và John McCain (Cộng Hòa) tham dự. TNS Murphy kêu gọi người dân Ukraina hãy nhìn về tương lai trong Liên Hiệp Châu Âu và trong tiến trình này sẽ có Hoa Kỳ đi cùng. Còn TNS McCain tuyên bố: “Nước Mỹ đứng bên cạnh các bạn Ukraina.”

Phe đối lập kết tội Yanukovych bán nước, cuộc biểu tình của phe đối lập quyết tiến không lùi, liên tục không ngừng, hàng trăm ngàn người bất chấp thời tiết lạnh giá dưới 10 độ, đã che lều ăn tết tại Quãng Trường Độc Lập đêm 1/1/2014, thể hiện sự quyết tâm đấu tranh không khoan nhượng.

Với những áp lực của các nước trong khối Liên Âu và Hoa Kỳ đối với nhà cầm quyền Ukraina, phong trào đối lập thu hút số đông quần chúng tham gia, người dân biểu tình lan rộng đến các thành phố ở miền Tây. Khắp nơi, bom xăng chống lại cảnh sát đàn áp nổ ra trên đường phố, các cơ sở đảng của Yanukovych ở nhiều địa phương tuyên bố ly khai với chính quyền trung ương hoặc tự giải tán.

Trước tình hình nguy kịch, ngày 24/01/2014, Yanukovych tìm kế hoãn binh tuyên bố cải tổ nội các bằng cách trả tự do cho những người biểu tình đối lập, thay đổi luật trấn áp biểu tình vừa mới ban hành tuần trước, đồng thời đưa ra một quyết định “ngoạn mục” để cứu vãn tình thế là hai chức vụ Thủ Tướng và Phó Thủ Tướng đề nghị dành cho hai lãnh đạo của phe đối lập có uy tín là ông Arseni Iatsenniouk và Vitali Klitschko. Thế nhưng, hai ông này từ chối, biết rằng hai vị trí đó chỉ để làm bù nhìn vì đa số thành viên trong quốc hội Ukraine thuộc đảng của Yanukovych. Phe đối lập tố cáo Yanukovych nhượng bộ đối lập bằng một món quà tẩm thuốc độc.

Những hứa hẹn cải tổ của Yanukovych không đáp ứng đòi hỏi của phe đối lập. Tình hình lúc này mặc dù giảm bớt phần nào sự căng thẳng, nhưng đó là sự lắng dịu đáng sợ, nhiều nhân vật đầu não và thành viên quốc hội từ nhiệm hoặc bỏ nhiệm sở. Cao điểm là ngày 28/01/2014, người đứng hàng thứ 2 trong đảng của Yanukovych, thủ tướng Mykola Azarov viết đơn từ chức: “Tôi quyết định yêu cầu Tổng thống Yanukovych chấp nhận đơn từ chức của tôi… để tạo thêm điều kiện cho một thỏa hiệp chính trị và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”. Theo ông Azarov thì “cần phải duy trì sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, và điều đó quan trọng hơn bất kỳ tham vọng cá nhân nào.”

Sau vài tuần tạm lắng dịu, ngày 18/02/2014 phong trào đối lập lại bùng phát dữ dội, cảnh sát cơ động được điều động giải tán, xả súng bắn vào đoàn người biểu tình, trên 80 người chết và hàng mấy trăm người bị thương.Yanukovych kết án phe đối lập là “âm mưu lật đổ chính quyền một cách vi phạm hiến pháp”.  Trước tình hình bùng nổ dữ dội ngoài dự tính, Hoa kỳ, Quốc Hội Châu Âu đều có những cuộc họp khẩn cấp tìm biện pháp trừng phạt chính quyền Yanukovych, trong khi Putin lâm vào thế bối rối.

Lúc này, khói lửa mịt mù tại thủ đô Kiev, Quãng Trường Độc Lập Maidan biến thành chiến trường, đoàn người biểu tình ùn ùn kéo nhau về thủ đô đòi truất phế TT Yanukovych. Đã đến lúc hết thuốc chữa, ngày 21/02/2014, Viktor Yanukovych loan báo những nhân nhượng quan trọng với phe đối lập, trong đó có việc tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn. Buổi chiều cùng ngày, Yanukovych đã ký thỏa thuận với đại diện các phe đối lập nhằm chấm dứt khủng hoảng. Rồi ông tự động biến mất từ đấy.

Một ngày sau, 22/02, Quốc Hội thông qua Nghị Quyết với “322 phiếu thuận, trả tự do lập tức cho bà Yulia Tymoshenko”, đồng thời thông qua Nghị Quyết “truất phế tổng thống Yanukovych và tổ chức bầu cử tổng thống trước ngày 25/05”.

Bà Yulia Tymoshenko ra khỏi nhà tù, ngồi trên xe lăn với vẻ tiều tụy, bà đã khóc khi nói chuyện với 50,000 người biểu tình phe đối lập tại Quãng Trường Độc Lập thủ đô Kiev. Bà ca ngợi những người biểu tình là những anh hùng của Ukraina.

Ngày 23/02, Quốc hội Urkaina chiếu theo quy định của Hiến Pháp, bỏ phiếu thông qua nghị quyết chỉ định chủ tịch Quốc hội Olexandre Tourchinov làm tổng thống lâm thời. Theo thông báo của ông Tourchinov, trong vòng 48 tiếng đồng hồ các dân biểu Quốc hội phải thành lập một chính phủ mới. Quốc hội Ukraina cũng đã thông qua việc giao trả tư dinh nguy nga của tổng thống Yanukovych cho Nhà nước.

Hiện nay, không biết Yanukovych đang lẩn trốn ở Nga, ông và nhiều thuộc hạ đang bị tân chính phủ ban hành pháp lệnh truy nã về tội danh “giết người hàng loạt”. Các ngôi biệt thư sang trọng của ông đã bị đồng bào tràn ngập vây hãm. Các thành viên quốc hội trong đảng của Yanukovych nhiều người chạy ra nước ngoài hoặc bỏ trốn làm cho đa số thành viên quốc hội thuộc về phe đối lập. Do đó, việc thành lập nội các, và thông qua những đạo luật trong những ngày tới khá thuận lợi. Sự việc xẩy ra chớp nhoáng ngoài dự tính, nhưng quốc hội thân phe đối lập tỏ ra đáp ứng với tình hình một cách sáng suốt, bình tĩnh và hiệu quả.

Ukraina đang lật qua một trang sử mới, tương lai đất nước Ukraina một lần nữa nằm trong tay nhân dân Ukraina quyết định. Hiện được Liên Âu và Hoa Kỳ hứa hẹn viện trợ cứu vãn nền kinh tế phá sản, thành lập một chinh phủ tự do dân chủ, và một nước Nga của Putin nằm sát bên cạnh đang hằn học với phe dân chủ chiến thắng. Cầu mong cho nhân dân Ukraina thành công.

Bài học nào cho Việt Nam?

Cuộc cách mạng của nhân dân Ukraina thành công, đây là hình thức đấu tranh theo “diễn biến hòa bình”. Có năm yếu tố chính quyết định sự thành công của phe đối lập Ukraina, từ đó phe dân chủ Việt Nam rút ra được bài học gì?

1) Trước hiện trạng kinh tế Ukraina phá sản, ngân hàng quốc gia kiệt quệ tài chánh, các định chế tài chánh thế giới không cho vay vì nợ xấu, nhà nước thì quan chức tham nhũng, nạn lạm phát phi mã, đời sống người dân khổ cực, và chính trị đang trên đường trở lại cai trị độc tài kiểu Putin. Điều này có nhiều điểm tương đồng với tình hình kinh tế và xã hội Việt Nam hiện nay.

2) Phe đối lập được sự ủng hộ tích cực của Hoa Kỳ và các nước Liên Âu, đây là thế lực quốc tế đối trọng nặng ký để gây áp lực với Moskva làm cho TT Putin chùn bước. Từ đó Yanukovych không dám thẳng tay đàn áp đối lập và nhất là không dám điều động quân đội thảm sát biểu tình như ở Thiên An Môn năm 1989.  Ukraina có sự hậu thuẫn của Moskva về kinh tế, địa lý và chính trị, thì Việt Nam cũng có sự hậu thuẫn của Trung Cộng khá tương đồng. Hoa Kỳ và Liên Âu muốn Ukraina quay về với Liên Âu chứ không nằm trong quỹ đạo của Nga. Vậy thì, tại Việt Nam khi quần chúng nổi dậy chắc chắn các nước tây phương như Hoa Kỳ, Liên Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn, Úc, và hầu hết các nước trong khối ASIAN sẽ mạnh mẽ ủng hộ, tạo áp lực đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam và Trung Cộng. Vì các quốc gia này muốn Việt Nam theo một chế độ tự do dân chủ thân Tây Phương hơn là một Việt Nam làm chư hầu cho Trung Cộng.

3) Điều then chốt là lòng can đảm và sự cương quyết của người dân Ukraina, họ ý thức rằng sau bao nhiêu năm bị cộng sản Liên Xô cai trị tàn sát dã man, họ đã quá ghê sợ chế độ độc tài. Vừa mới được độc lập năm 1991, nay lại phải rơi vào bàn tay của Nga dưới sự cai trị của TT Putin không khá hơn thời Sô Viết là bao, cho nên họ cương quyết đứng lên phế bỏ TT Yanukovych theo Nga. Mục đích chính của lực lượng đối lập là đòi chính quyền Ukraine phải đi theo Liên Âu từ bỏ còn đường thân Nga, có nghĩa là hướng về tự do do dân chủ, đoạn tuyệt với chế độ độc tài dưới bất cứ hình thức nào. Hiện nay, người dân Việt Nam đều mang nguyện vọng như dân chúng Ukraina, muốn thoát khỏi sự cai trị độc tài tàn bạo của csVN, thêm yếu tố lòng yêu nước chống Trung Cộng xâm lược bảo vệ tổ quốc. Nhưng sự sợ hãi của người dân Việt Nam vẫn còn tiềm tàng trong mỗi một con người, nên chưa dám vùng lên như người dân Ukraina. Có lẽ vì Việt Nam chưa có một lực lượng đối lập có tổ chức như Ukraina chăng?! Điều này Việt Nam cần có những phương sách đẩy mạnh phong trào đấu tranh quần chúng.

4) Một điều kiện thuận lợi phát động cuộc đấu tranh của phe đối lập Ukraine là tình trạng chính trị của Ukraina năm 2014 hoàn toàn khác với Ukraina trước năm 1991 dưới thời cộng sản. Họ đã bắt tay vào sinh hoạt dân chủ sau cuộc Cách Mạng Da Cam năm 2005. Trong quốc hội có rất nhiều thành viên thuộc các đảng đối lập. Ngoài xã hội các đảng chính trị đối lập và các tổ chức xã hội dân sự tự do hoạt động. Dù nền dân chủ tại Ukraina còn non trẻ, nhưng họ đã chính thức sinh hoạt dân chủ từ 19 năm qua. Vì vậy, khi phát động cuộc biểu tình thì những thành phần lãnh đạo các đảng đối lập đứng ra vận động và điều động. Kể cả bà Tymoshenko đang ở trong tù cũng cất tiếng nói đòi đối thoại trực tiếp với TT Yanukovych, gửi thư cổ động phong trào đối lập và nhắn nhủ phải cương quyết đạt mục đích cuối cùng là “TT Yanukovych phải ra đi”. Đây là điều khác biệt lớn đối với chính trị Việt Nam, chưa có một ngày được sinh hoạt dân chủ, các đảng chính trị quốc gia bị đảng csVN “diệt tận gốc, bốc tận rể” gần 80 năm qua. Điều 4 hiến pháp csVN nghiêm cấm không cho tổ chức nào hoạt động chính trị, mọi phương tiện truyền thông đều ngăn cấm…Hiện nay phong trào đối lập ở Việt Nam vẫn còn thưa thớt, tự phát, chưa có tổ chức lớn mạnh. Đây là sự khác biệt lớn lao giữa phe đối lập Ukraina và Việt Nam.

5) Qua cuộc cách mạng Ukraina vừa rồi cho ta một bài học, một kinh nghiệm đấu tranh đối với các nhà độc tài ngoan cố như Victor Yanukovych (nguyên là đảng viên cộng sản). Phải thành thật nói rằng người lãnh đạo/bộ tham mưu của phe đối lập Ukraina rất tài giỏi và nhiều kinh nghiệm.

Họ am tường và thấu hiểu mưu mô của đối thủ Yanukovych và quan thầy của ông; biết khai thác những sơ hở của đối phương, bám chặt nhược điểm của chế độ thân Nga để khai thác từng điểm nhằm vận động quần chúng một cách hữu hiệu, nâng cao tinh thần và ý chí của đoàn người biểu tình.

Mặc dù trong phe đối lập có nhiều đảng chính trị, nhiều tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức tôn giáo, nhưng người lãnh đạo/bộ tham mưu biết vận động, thuyết phục và điều hợp, vì thế tạo sự đoàn kết và lòng tin tưởng lẫn nhau nên đã không lọt vào bẫy của Yanukovych khi đem hai miếng mồi Thủ Tướng và Phó Thủ Tướng ra nhử nhằm chia rẽ phe đối lập.

Người lãnh đạo/ban tham mưu chứng tỏ tài lãnh đạo chỉ huy đoàn người biểu tình đã đánh bại đội quân cổ động viên của Yanukovych mua chuộc chống lại phe đối lập lên đến 60,000 người.

Người lãnh đạo/ban tham mưu đã vô hiệu hóa kế hoạch trì hoãn chiến của Yanukovych như thả tự do cho người đối lập, sửa đổi đạo luật chống biểu tình… chờ thế vận hội Sochi bế mạc để quan thầy Putin có thời giờ bày mưu tính kế. Họ rõ mục đích đâu phải đến, ưu tiên chướng ngại vật nào phải triệt hạ đó là “con bài của Nga- Yanukovych”. Không cho Yanukovych có thời gian đối phó.

Người lãnh đạo/ban tham mưu biết  khai thác quyền lợi của đồng minh Hoa Kỳ và Liên Âu bằng hành động thiết thực để họ yên tâm ủng hộ cho phe đối lập.

Trong thời gian gần 3 tháng, người lãnh đạo/ban tham mưu của phe đối lập đã điều hành cuộc cách mạng đường phố một cách tài tình, tiến thối đúng lúc… lập nên chiến công vô cùng to lớn  cho người dân Ukraina so với sự hy sinh như vậy thì thật đáng ngưỡng mộ.

“Chèo thuyền cũng dân, lật thuyền cũng dân” – chủ động đứng lên từ sức mạnh của dân tộc là cốt lõi của cách mạng. Ước mơ tự do dân chủ trong lòng người dân Ukraina là ngọn đuốc thắp sáng niềm tin, thời cơ đến là đứng lên quật khởi. Quả thật, nếu lòng dân Ukraina không muốn nổi dậy, thì sẽ không có cuộc xuống đường của phe đối lập, chẳng có thế lực quốc tế nào biết đến mà giúp đỡ, và dân tộc Ukraina sẽ đắm chìm trong màn đêm tăm tối của cai trị độc tài và chư hầu của Nga.

Đây là một bài học mà đối lập Việt Nam cần có, nhất định sẽ có một ngày dùng đến. Nếu không, phải trả với giá rất đắt nếu không muốn nói là một thảm họa cho dân tộc.

Hy vọng với sự đứng dậy của nhân dân Ukraina, quê hương truyền thống Cách Mạng Da Cam, sẽ giúp cho dân tộc Việt Nam can đảm đứng lên giải thể chế độ bạo quyền độc tài cộng sản chống Trung Cộng xâm lược như dân Ukraine đã giành được tự do và đưa dân tộc ra khỏi quỹ đạo của Moskva.

Trước khi chấm dứt bài này, xin có lời nhắn nhủ đến nhà cầm quyền csVN hãy noi gương từ chức của thủ tướng Mykola Azarov. Không nên theo con đường Gaddafi của Libya, Assad của Syria hoặc Yanukovych của Ukraina!!!

Lê Thành Nhân (Lethanhnhan@vietquoc.org)

Ngày 26 tháng 02, 2014

======================

(1) https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/vm.html

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt