Dân chủ hóa Trung Quốc là “không thể tránh khỏi”
Nhà ly khai Trung Quốc đang tị nạn tại Mỹ, luật gia khiếm thị Trần Quang Thành ngày 14/05/2013 tại một diễn đàn nhân quyền đã nhận định rằng việc dân chủ hóa đất nước là “không thể tránh khỏi”, nhưng quá trình này là do chính người dân Trung Quốc thực hiện chứ không phải từ bên ngoài.
Nhà ly khai nổi tiếng tuyên bố trong khuôn khổ Oslo Freedom Forum, một diễn đàn thường niên của các nhà đấu tranh cho nhân quyền: “Trung Quốc sẽ thay đổi, điều này là không thể tránh khỏi và trên thực tế đã bắt đầu”. Tuy vậy, trong bài diễn văn viết bằng chữ Braille dành cho người khiếm thị, luật gia Trần Quang Thành nói thêm : “Chúng tôi không thể chờ đợi dân chủ, tự do và bình đẳng từ bên ngoài đến”.
Năm nay 41 tuổi, ông Trần Quang Thành đã nổi tiếng khắp thế giới nhờ cuộc đấu tranh chống những lạm dụng của chính sách mỗi gia đình chỉ có một con. Bị kết án bốn năm tù và sau đó bị quản thúc tại gia, ông đã đào thoát được khỏi làng và trú ẩn tại đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cuối cùng ông cũng được phép đi New York và đang sống ở đó cùng với gia đình.
Tại Oslo, luật gia Trần Quang Thành cũng nêu ra việc thân nhân của ông bị trấn áp, để trả thù cho các hoạt động chính trị của ông, và một lần nữa lên án Bắc Kinh không tôn trọng lời hứa đảm bảo an toàn cho gia đình ông. Nhưng ông cũng hoan nghênh chuyển biến tập thể của người dân Trung Quốc, mà theo ông được biểu hiện qua hơn 200.000 vụ nổi dậy mỗi năm, và việc huy động được các nhóm tranh đấu qua internet.
Luật gia Trần Quang Thành nhận định: “Không có gì phải e ngại một chế độ rệu rã đã đánh mất đi nền tảng luân lý, đạo đức và pháp luật. Ý tưởng cho rằng các giá trị của xã hội dân sự về mặt nhân quyền không thế thích ứng với Trung Quốc hoàn toàn là một sự huyễn hoặc do chế độ độc đoán tuyên truyền”.
Sau khi lên nắm quyền vào tháng Ba, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố muốn “tiếp tục chiến đấu cho chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc và để thực hiện giấc mơ đại phục hưng Trung Hoa”.
Thụy My