Đại sứ Mỹ bác bỏ cáo buộc Mỹ can thiệp vào nội tình Campuchia
Có tin Mỹ nhúng tay vào vụ đảo chánh Hun Sen ở Campuchia. Do sự việc Campuchia quá gắn liền với Trung Cộng, hành xử như mợt tên y nô bộc trung thành với Trung Cộng, nhất là trước hội nghị các quốc gia Đông Nam Á (ASIAN). Campuchia luôn luôn gồng mình bênh vực cho Trung Cộng chẳng khác gì một “phát ngôn nhân” của TC tại các hội nghị ASIAN. Vừa rồi có tin là Campuchia bị đảo chánh… Thủ tướng Campuchia là Hun Sen lên án Mỹ nhúng tay vào vụ này. Hình bên là đại sứ Mỹ tại Campuchia lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Hun Sen.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Campuchia cực lực bác bỏ cáo buộc của Thủ tướng Hun Sen rằng Hoa Kỳ đang mưu toan lật đổ chính phủ của ông. Đại sứ Mỹ nói cáo buộc đó “không chính xác, gây hiểu nhầm và vô căn cứ”.
Phát biểu của Đại sứ William Heidt hôm 12/9 được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi chính phủ Campuchia bắt nhà lãnh đạo đối lập Kem Sokha hôm 3/9, ông bị buộc tội phản quốc vì đã cùng với Mỹ lập âm mưu tước đoạt quyền lực của ông Hun Sen.
Là cựu cán bộ Khmer Đỏ đã cai trị đất nước trong hơn ba thập niên qua, ông Hun Sen ngày càng tăng các luận điệu chống Mỹ giữa lúc đang diễn ra một chiến dịch đàn áp các đối thủ chính trị và giới truyền thông trong thời gian dẫn tới cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.
Tờ Nhật báo Campuchia tiếng Anh đã bị nhà chức trách Campuchia đóng cửa hồi tuần trước. Hơn 10 đài phát thanh cho phát những tiếng nói bất đồng hoặc các chương trình của Đài Á châu Tự do và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã bị buộc phải đóng cửa vì cáo buộc vi phạm các quy định. Hai đài Á châu Tự do và Tiếng nói Hoa Kỳ nhận ngân sách của chính phủ Mỹ.
Ban Quản trị Phát thanh Truyền hình Hoa Kỳ (BBG), cơ quan chủ quản Đài Á châu Tự do và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, hôm 12/9 thông báo đã đình chỉ hoạt động của văn phòng RFA ở thủ đô Phnom Penh vì “chiến dịch hăm doạ của chính quyền Campuchia đã tăng mạnh”.
Ông John Lansing, Tổng Giám đốc Điều hành của BBG, phát biểu: “Bây giờ là thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết để buộc các chính phủ chịu trách nhiệm phải coi tự do báo chí là một quyền con người và một ưu tiên hàng đầu”.
Ông Lansing nói thêm: “Chính phủ Campuchia chỉ càng làm tăng quyết tâm của chúng tôi tiếp tục đáp trả những lời hăm dọa và sách nhiễu bằng những bài tường trình, phân tích trung thực và chính xác và các thông tin quan trọng khác”.
Ông Lansing lên án các hành động của chính phủ Campuchia và nhắc lại lời kêu gọi, yêu cầu Pnom Penh cho phép các nhà báo tác nghiệp trong “các điều kiện an toàn và không bị hạn chế”.
Ông kêu gọi chính phủ Campuchia hãy cho phép các đài phát thanh tiếp tục phát sóng các chương trình của BBG.
Đại sứ Heidt yêu cầu chính phủ Campuchia phóng thích ông Kem Sokah và mở đối thoại giữa chính phủ với phe đối lập để “cứu vãn” cuộc bầu cử sắp tới.
Ông Heidt nói: “Nếu cuộc bầu cử ở Campuchia được tổ chức ngày hôm nay, không một nhà quan sát quốc tế nào có uy tín có thể xác nhận đây là một cuộc bầu cử thật sự tự do, công bằng và phản ánh nguyện vọng của người dân Campuchia”.
Ông Hun Sen, một trong những đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc, đe dọa sẽ giải tán Đảng Cứu quốc Campuchia của ông Kem Sokha, nếu đảng này tiếp tục ủng hộ ông Sokha.
Ông Kem Sokha là đối thủ chính trị đáng kể duy nhất của ông Hun Sen. Cuộc bầu cử năm tới có thể là thách thức lớn nhất mà ông Hun Sen sẽ phải đối mặt.
Tin VOA