Đài Loan: lá bài của Mỹ

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Quốc đảo Đài Loan (Taiwan)

1) Vài nét về hòn đảo xinh đẹp

Đảo Đài Loan nằm phía Tây Thái Bình Dương mà những nhà địa chất ước đoán đã có trên quả đất từ 30,000 năm trước. Những thổ dân đầu tiên trên đảo huyền thoại này đến nay không còn bóng dáng. Các nhà khảo cổ khám phá khoảng 4000 năm trước, người trên đảo này có giọng nói thuộc Ngữ Hệ Nam Đảo, liên hệ họ hàng với người Malaysia, Philippines, Indonesia và người Polyneesia ở phía đông các đảo châu Úc. Không như trí tưởng tượng của nhà cầm quyền Bắc Kinh cho rằng Đài Loan thuộc Trung Hoa từ đời Lưu Bang – Hán Cao Tổ trước công nguyên!

Năm 1594, nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha tìm thấy đảo, trước cảnh hùng vĩ núi cao biển xanh như bức tranh sơn thủy, họ đã đặt cho cái tên “Ilha Formosa” (1) có nghĩa là “Hòn Đảo Xinh Đẹp”.
Ba thập niên sau, vào năm 1624, miền Nam “Hòn Đảo Xinh Đẹp” bị gót giày thực dân Hà Lan đến đô hộ, lập thủ phủ ở Đài Nam (2). Năm 1626, thực dân Tây Ban Nha chiếm phía Bắc (3). Cả Hà Lan và Tây Ban Nha thành lập những cơ sở thương mại, tuyển mộ người Hán ở tỉnh Phúc Kiến (tỉnh gần nhất đảo Đài Loan) của Hoa Lục (Trung Hoa Đại Lục) đến gia công. Đây là thời điểm người Hán có mặt trên đảo Đài Loan.

Khi nhà Thanh cướp ngôi nhà Minh năm 1636, một thủ lĩnh trung thành của nhà Minh tên Trịnh Thành Công (4) lập phong trào “Phản Thanh Phục Minh”, tập hợp lực lượng phục hồi nhà Minh ở phía nam tỉnh Phúc Kiến đưa ra Đài Loan lập căn cứ chống lại nhà Thanh. Năm 1662 quân của Trịnh Thành Công đánh đuổi thực dân Hà Lan, dựng lên một vương quốc độc lập, lấy tên Đông Ninh, đặt thủ phủ tại Đài Nam. 21 năm sau, 1683 họ Trịnh bị Đô Đốc Thi Lang (5) của nhà Thanh đánh bại, đảo Đài Loan bị sáp nhập vào triều đại nhà Thanh.  Vào năm 1895, nhà Thanh thất bại trong chiến tranh Thanh-Nhật còn gọi là “Chiến Tranh Giáp Ngọ”, Đài Loan bị Nhật chiếm đóng.

Giã tâm của Nhật là muốn chiếm đoạt Đài Loan sáp nhập vào nước Nhật sau này, nên chính phủ Nhật tự xem Đài Loan như một phần đất của mình. Do đó, Nhật phát triển Đài Loan từ công nghiệp, hệ thống giao thông, xây dựng bệnh xá, trường học cộng lập…  Bắt đầu năm 1937, người Nhật ồ ạt đến Đài Loan sinh sống và mở công nghiệp, chính phủ Nhật ép người Đài Loan từ chối nguồn gốc của mình bằng cách sử dụng tên Nhật, mặc quần áo kiểu Nhật, ăn đồ ăn của Nhật và tuân thủ các nghi thức tôn giáo của Nhật… Ngôn ngữ và phong tục người Đài Loan bị loại bỏ, trường nào dạy tiếng Hoa bị đóng cửa… Công nghiệp nặng và ngoại thương của Nhật được tăng nhanh ở Đài Loan để cung cấp cho Đệ II Thế Chiến. Năm 1939 người Đài Loan được giáo dục làm người Nhật, trong Đệ II Thế Chiến hàng vạn thanh niên Đài Loan đầu quân vào quân đội Nhật.

Thời ấy, Nhật là chế độ quân phiệt cai trị tàn ác và độc đoán nên không gặp phước lành, cái giá mà Nhật phải trả là vào ngày 06/08/1945 bị hai trái bom nguyên tử của Mỹ thả xuống huỷ diệt hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Tám ngày sau (14/08) Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện, buộc phải trao trả Đài Loan cho Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch tiếp nhận.

2) Ông Tưởng Giới Thạch trải qua “những cuộc bể dâu”

Đại Nguyên Soái Tưởng Giới Thạch

Những năm kháng Nhật, chống Cộng Sản Mao Trạch Đông, nước Trung Hoa dưới sự điều hành của Trung Hoa Quốc Dân Đảng (Koumintang) do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo – Ông Tưởng là Thượng Tướng Đặc Cấp (tương đương với Đại Nguyên Soái hoặc Tổng Thống Lĩnh).

Đại Nguyên Soái Tưởng có lúc “cơm không lành, canh không ngọt” với Tổng Thống Hoa Kỳ Harry Truman và ngoại trưởng George Marshall, vì thế mà sinh họa. Số là vào tháng 6/1947, Marshall tuyên bố Mỹ cấm vận về vũ khí, đạn dược với Tưởng kéo dài đến 10 tháng. Mỹ cấm vận vào lúc cao điểm Tưởng đánh với Cộng Sản Mao thì chẳng khác gì trói tay quân Tưởng để quân Mao dễ dàng đánh chiếm nhiều cứ điểm và thành phố. Được đà ấy, đến cuối năm 1949, Cộng Sản Mao chiến thắng toàn cõi Hoa Lục đẩy Tưởng Giới Thạch và 2 triệu người cùng di tản ra Đài Loan trước sự thờ ơ của Mỹ.

Trớ trêu thay! chính phủ Trung Hoa Dân Quốc là một trong 5 cường quốc đứng ngang hàng với Mỹ để giải giới phe Trục Đức-Ý-Nhật đầu hàng trong Đệ II thế chiến vào tháng 9/1945. Đến tháng 12/1949, Trung Hoa Dân Quốc bị Mỹ bỏ rơi tại Hoa Lục, nhưng lại rất được Mỹ ưu ái khi ra Đài Loan làm con cờ của Mỹ.

Tưởng Giới Thạch và phu nhân Tống Mỹ Linh tháng 2/1941

Nước cờ đầu tiên Mỹ dùng Đài Loan làm cho Tưởng và cả thế giới ngạc nhiên. Cuối năm 1949, trái với thái độ Mỹ ngoảnh mặt làm ngơ để Cộng Sản Mao đánh Tưởng tơi bời, chiếm toàn cõi Hoa Lục mênh mông. khi Tưởng chạy đến đảo Đài Loan nhỏ bé thì Mỹ lập tức xoay 180 độ, rầm rộ cổ động, tuyên bố ủng hộ Tưởng và Trung Hoa Dân Quốc là chính phủ duy nhất đại diện cho nước Trung Hoa. Quốc Hội Mỹ vội vàng thông qua viện trợ khẩn cấp cho Đài Loan 50 triệu USD (khoảng 500 triệu USD ngày nay). Khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào tháng 6/1950, Mỹ quyết định đưa Đài Loan vào hệ thống phòng thủ Thái Bình Dương. Sau đó, Tổng thống Truman tuyên bố Đệ Thất Hạm Thái Bình Dương có nhiệm vụ phối hợp phòng thủ và bảo vệ Đài Loan.
Thế là con cờ Đài Loan nằm trong nệm ấm, chăn êm của Mỹ, dưới cái dù của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ. Hai đơn vị quân đội Mỹ nhanh chóng thành lập và đóng quân trên đảo Đài Loan để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu quân sự là Military Assistance Advisory Group (MAAG) và United State Taiwan Defense Command (USTDC). Lá bài này Mỹ sử dụng gần 21 năm và Tưởng nắm ngọn cờ Tổng Thống không cần bầu cử cho đến khi ông qua đời. Tại Đài Loan, với chính quyền Trung Hoa Dân Quốc thì Tưởng giữ ghế Tổng Thống. Trong nội bộ Trung Hoa Quốc Dân Đảng thì Tưởng giữ chức Tổng Tài (Tổng Bí Thư).

Có lẽ không một ai trong trong chính trường châu Á (có thể nói cả thế giới) có thời gian lâu dài và kinh nghiệm sâu sắc với Mỹ hơn Tưởng Giới Thạch. Ngoài việc ông ghét Cộng Sản đến mức “một mất một còn”, nhưng ông cũng không ưa gì Mỹ. Trong nhật ký để lại, Tưởng cho người Mỹ là ngây thơ, thiếu trưởng thành, kẻ cả .v.v.  Cuộc đời ông lên voi xuống chó đều do bàn tay lông lá của Mỹ. Ông nếm mùi cay đắng, vinh nhục đều do Mỹ vo tròn, bóp méo!

Với tư cách một Đại Nguyên Soái của cường quốc thế giới, được Mỹ yểm trợ, có những binh đoàn Quốc Dân Đảng bách chiến bách thắng, vào cuối năm 1935, quân của Tưởng đã đuổi quân Cộng Sản Mao chạy trối chết trên lộ trình dài 12,000 cây số gọi là “Vạn Lý Trường Chinh” (6) đến vùng rừng núi khô cằn Diên An, tỉnh Thiểm Tây quanh năm tuyết lạnh để mở chiến tranh du kích với số quân khiêm nhường chừng 7 ngàn người, sau khi quân Mao đã chết trên đường “Vạn Lý Trường Chinh” gần 80 ngàn.  Thành tích đó, tháng 1/1942, Đồng Minh bầu Tưởng Giới Thạch làm Thống Soái Tối Cao Quân Đồng Minh Chiến Khu Trung Hoa.

Năm 1946, tức 11 năm sau (1935-1946), ngoại trưởng Marshall tuyên bố ngưng viện trợ súng đạn cho Tưởng thì quân Cộng Sản Mao từ nông thôn, bưng biền tràn ra đánh chiếm những thành phố, đến cuối năm 1949 Mao nhuộm đỏ Hoa Lục. Tưởng Giới Thạch chỉ biết ngửa mặt kêu trời, tìm đường tháo chạy ra đảo Đài Loan kiếm đất cắm dùi.

Tâm trạng của Tưởng và giới chức Trung Hoa Dân Quốc lúc đó không khác tâm trạng quân dân Việt Nam Cộng Hòa của những ngày 30/4/1975, và của người dân Afghanistan hôm nay. Nhưng Tưởng thì có đảo Đài Loan làm đất dung thân, Việt Nam Cộng Hòa chạy ra Biển Đông tìm đường thoát nạn Cộng Sản, còn Afghanistan không biết chạy về đâu để thoát sự hành hạ của quân khủng bố Hồi Giáo cực đoan Taliban?!

Vừa chân ướt, chân ráo đến Đài Loan, dưới sự bảo trợ của Mỹ, Tưởng Giới Thạch lại “lên voi” nắm cờ tiền đồn chống Cộng sáng giá. Vận may đến với Tưởng là thời đó Chiến Tranh Lạnh đang leo thang, cặp đầu sỏ Cộng Sản Mao-Stalin đang say máu quân thù Tư Bản, cương quyết nhuộm đỏ thế giới bằng súng đạn. Đài Loan lập tức thành một tiền đồn quan trọng, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China) mà Tổng Thống Tưởng Giới Thạch vừa thất sủng ở Hoa Lục hôm qua, nay ông lại được dựng lên thành hoàng đế chống Cộng trên võ đài chính trị thế giới.

Người Mỹ dùng Đài Loan như một chốt chặn quân Cộng Sản Mao tràn ra Thái Bình Dương qua eo biển Luzon, đông thời như con cờ trong bàn cờ chiến lược Domino bao vậy Cộng Sản Tàu vào trong đất liền.

Đài Loan nhỏ bé chỉ bằng 1/262 Hoa Lục, nhờ có Mỹ chống lưng mà trở thành một trong 5 nước đại diện thường trực tại Liên Hiệp Quốc, chính thức đại diện ngoại giao cho nước Trung Hoa đối với các quốc gia Âu, Mỹ, Á, Úc, Phi, Trung Đông. Ông Tưởng oai phong lẫm liệt với cương vị Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc được các nước thế giới trải thảm đỏ đón tiếp khi viếng thăm ngoại giao. Các nhà lãnh đạo thế giới thường ghé thăm Đài Loan như Tổng Thống Mỹ Eisenhower vào năm 1960, Tổng Thống Kennedy tiếp ông bà Tưởng Giới Thạch rất long trọng tại Tòa Bạch Ốc tháng 7/1961 v.v.

3) Năm 1971 ông Tưởng bị Mỹ đo ván, hết lên voi nay ngã ngựa!

Con cờ thứ hai Mỹ dùng Đài Loan vào năm 1971, Hoa Kỳ thay đổi chiến lược cơ bản từ “đánh, không đàm” bằng cách lập phòng tuyến Domino bao vây Trung Cộng, chuyển sang “đàm, không đánh”. Kissinger và Nixon đến Bắc Kinh để đàm, tại đây gặp Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông với ý định nhờ Bắc Kinh giúp việc đàm phán với Cộng Sản Hà Nội tại Paris để Mỹ rút nửa triệu quân khỏi Nam Việt Nam, Đài Loan một lần nữa bị Mỹ dùng làm con bài mặc cả. Tưởng Giới thạch lúc đó đang trên lưng voi rơi phịch xuống đất.

Ngày 25/10/1971, được Mỹ bậc đèn xanh, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết 2758 loại Đài Loan, thay Trung Cộng vào ghế đại diện chính thức nước Trung Hoa trước Liên Hiệp Quốc.

Tưởng Giới Thạch cho ra cuốn nhật ký

Lúc này, Tưởng đã 84 tuổi (ông sinh năm 1887) vẫn ngồi ghế Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, thế giới chứng kiến ông đã hai lần ngã ngựa. Lần này ngã quá đau, lại ngã trong độ tuổi gần đất xa trời. Buồn thay và cũng hổ thẹn thay! Sau sự kiện này, ông đến đâu chẳng ai tiếp đón, bạn thân cũng lánh mặt. Thời gian đó cũng là lúc Mỹ ký hiệp định Paris rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Tại “Hòn Đảo Xinh Đẹp” kia, ông già Tưởng Giới Thạch – hơn ai hết – biết chắc Việt Nam Cộng Hòa sẽ rơi vào tay Cộng Sản vì ông đã có thừa kinh nghiệm về lối hành sử của Mỹ, từng cho ông nếm loại mật đắng này vào năm 1949. Tưởng Giới Thạch chỉ biết thở dài ngao ngán cho thân phận của dân tộc Việt Nam lâm vào hoàn cảnh bi đát như người Hoa tháo chạy ra Đài Loan trước đây. Ông lẩm bẩm rồi viết xuống: “làm kẻ thù của Mỹ thì dễ mà làm bạn với Mỹ rất khó”.  Tưởng Giới Thạch từ trần vào ngày 5/04/1975 trước khi miền Nam Việt Nam mất vào tay Cộng Sản 25 ngày.

Đầu năm 1979, Tổng Thống Mỹ Jimmy Carter tuyên bố “từ ngày 01/01/1979 trở đi, Mỹ thừa nhận Trung Cộng (People’s Republic of China). Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China) kết thúc vào ngày 31/12/1979”. Lời tuyên bố lúc đó làm cho Tổng Thống Đài Loan bấy giờ là Tưởng Kinh Quốc chết lặng người, và ông Quốc tự hỏi Đài Loan có thể là Việt Nam Cộng Hòa thứ hai không?

Các tòa đại sứ, lãnh sự của Mỹ và các nước Á, Âu, Mỹ, Úc như bầy ong vỡ tổ thu xếp hồ sơ để dọn văn phòng qua Bắc Kinh. Ngày 26/4, 150 quân nhân Mỹ cuối cùng đồn trú tại Đài Loan, gồm đoàn cố vấn (MAAG) viện trợ quân sự (USTDC) cũng rời Đài Loan (7).

Lúc TT Carter tuyên bố đoạn tuyệt ngoại giao với Đài Loan, ông Tưởng Giới Thạch đã qua đời 4 năm, đó là phước của ông, chết đi để khỏi phải chứng kiến nỗi đau khổ khi phải bắt tay “ngoại giao đoàn các nước đến gặp ông chào từ biệt”. Và ông cũng không còn sống để khỏi bị ray rứt trong cảnh “ngoài miệng thì cười, nhưng trong lòng đang khóc” khi bắt tay với những người bạn chính trị quen biết lâu năm đến an ủi rồi quay lưng sang Bắc Kinh bàn chuyện quốc sự với Mao – kẻ thù không đội trời chung với Tưởng!

4) Đài Loan tự đứng vững.

Qua những thăng trầm trong chính trị, là người duy nhất nối tiếp sự nghiệp của nhà cách mạng Tôn Dật Tiên, Tưởng quá hiểu về thân phận của nước chậm tiến, nên đối với Mỹ ông đã dấu kín tính “quân tử Tàu” để dễ dàng chấp nhận nghịch cảnh khi bạn, khi thù của Mỹ. “Lên voi, xuống chó” cũng chấp nhận trong từng hoàn cảnh. Luôn luôn kiên gan, bền chí!
Bản lãnh của Tưởng là khi Đài Loan bị Mỹ bỏ rơi năm 1971, ông vẫn giữ cho Đài Loan không bị rơi vào số phận của Việt Nam Cộng Hòa, nhờ ông có tầm nhìn xa khi mới đặt chân lên quốc đảo nhỏ bé này, ông biết vận dụng tiềm lực của Đài Loan vốn đã được Nhật canh tân trước đây, phối hợp với hai triệu người từ Hoa Lục di tản sang Đài Loan, phần đông là giới giàu có và trí thức. Từ thập niên 1960 đến thập niên 1970, với viễn kiến của Tưởng là thúc đẩy chính sách chuyển đổi hình thái kinh tế Đài Loan theo hướng công nghiệp hóa và phát triển kỹ thuật cao như một nhiệm vụ chiến lược phải xúc tiến thật nhanh và thật mạnh.  Trong vài thập niên, ông đưa Đài Loan thành một con rồng châu Á chỉ đứng sau nước Nhật.  Vào thập niên 1970 -1980 cả thế giới đã quen dùng sản phẩm của Đài Loan.  Trong những máy móc điện tử sản xuất tại Mỹ, châu Âu hoặc châu Úc trong đó có nhiều bộ phận điện tử mang nhãn hiệu “Made in Taiwan”.  Cho thấy, một quốc đảo Đài Loan nhỏ bé đã phát khởi chuỗi cung ứng điện tử đi khắp thế giới.

Về mặt chính trị, ông Tưởng tuổi già nhưng cũng là một cáo già, ông truyền lại cho hậu thế làm sao đưa Mỹ vào thế Mỹ buông Đài Loan mà không bỏ. Quả như vậy, năm 1979, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua “Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan” (Taiwan Relation Act – TRA). Đạo luật này là cơ sở xác định sự quan hệ chính thức nhưng không mang tính ngoại giao giữa Mỹ-Đài.  Như vậy đoạn tuyệt ngoại giao với Mỹ trên nguyên tắc nhưng trên thực tế vẫn còn giao thương và hợp tác về kinh tế, văn hóa… Nhờ Đạo Luật này mà có đến 60 quốc gia sau khi cách ly ngoại giao với Đài Loan đã lấy danh nghĩa tổ chức dân sự thiết lập đại diện tại Đài Loan, duy trì quan hệ chính trị, thương mại và văn hóa.

Từ đó, Đài Loan leo từng bước giao thương với Mỹ, nay Đài Loan đứng thứ 10 (top ten) trong danh sách thương mại với Hoa Kỳ (8).

Đài Loan nhanh chóng cải thiện về chính trị, nay trở thành một nước dân chủ tiến bộ không thua những nước dân chủ Âu-Mỹ. Trong việc chống đại dịch virus Vũ Hán, Đài Loan có thành tích đáng cho thế giới ngưỡng mộ và học hỏi.

 5) Đài Loan là con cờ của Mỹ nữa không?

Sản xuất chip điện tử bán dẫn ở Đài Loan (hình minh họa)

Khi thế giới đang còn những tham vọng to lớn, hành xử độc đoán, tùy tiện và đang nắm trong tay sức mạnh quân sự như Putin, Tập Cận Bình…, thì muốn thoát khoải ảnh hưởng siêu cường Mỹ 100% là điều rất khó, kể cả các cường quốc như Nhật, Pháp, Anh, Đức v.v. cũng còn lệ thuộc vào Mỹ mặt này hay mặt khác.  Tuy vậy, bớt lệ thuộc vào Mỹ phần nào thì quốc gia có tự chủ phần đó. Đài Loan cũng vậy, cũng phải nhờ vào cái dù nguyên tử của Mỹ để không bị Trung Cộng nuốt chung.
“Sông có khúc, người có lúc” – Quốc gia cũng tùy thời mà lượng thế.  Cái thế của Đài Loan vào thập niên năm 2000 ngày nay khác với cách đây 70 năm.  Nhờ đang nắm trong tay một thứ “bảo bối” (9, 10, 11). Đó là gì? là điều mà chúng ta thường thấy báo chí nhắc đến hằng ngày như:
“Đài Loan sản xuất chip điện tử semiconductor thứ nhì trên thế giới”.
“T
hế giới phụ thuộc bao nhiêu vào Đài Loan về chất bán dẫn?”
Thế giới phụ thuộc vào nhà sản xuất chip ở Đài Loan, khiến mọi người dễ bị tổn thương?”
Thế giới đang phụ thuộc một cách nguy hiểm vào Đài Loan về chất bán dẫn?”
…………

Những tiêu đề báo chí trên đưa lên hàng ngày đủ chứng minh Đài Loan là “vua không ngai” về sản xuất chip điện tử bán dẫn (semiconductor).

Đó là vũ khí cực kỳ quan trọng trong cuộc tương tranh Mỹ-Trung Cộng hiện nay. Tập Cận Bình có chiến lược “Made in China 2025” với tham vọng qua mặt Mỹ để trở thành siêu cường về sản xuất kỹ thuật công nghệ cao trong những năm tới.

TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) công ty sản xuất chip điện tử tối tân và lớn nhất thế giới của Đài Loan

Tuy nhiên “Made in China 2025” có thành công được hay không, điều kiện “ắt có và đủ” là nhờ vào chip điện tử tối tân, và kỹ thuật chất bán dẫn.  Washington nhìn ra lá bùa sinh tử này, nên từ thời TT Trump đến nay TT Biden, đều nghiêm cấm những công ty điện tử Hoa Kỳ và các công ty điện tử trên thế giới có liên hệ kỹ thuật điện tử với Mỹ không được bán chip điện tử cho Trung Cộng.  Vì thế các công ty lớn Trung Cộng nhập chip điện tử từ nước ngoài để sản xuất gặp khó khăn nghiêm trọng như Huawei (Hoa Vi) là một ví dụ.

Đài Loan có rất nhiều công ty kỹ thuật bán dẫn tối tân sản xuất chip điện tử.  Mức độ sản xuất nhiều thứ nhì sau Mỹ. Nếu Trung Cộng đánh chiếm Đài Loan thì toàn bộ cơ sở sản xuất chip điện tử chất bán dẫn tối tân này đều lọt vào tay Trung Cộng. Phải chăng đây là nỗi lo sợ nhất của Mỹ?

Đài Loan đang có “bảo bối” trong tay, buộc Mỹ phải bảo vệ Đài Loan bằng mọi giá. Nếu không “sản phẩm trí tuệ” tối tân này lọt vào tay Trung Cộng dùng đối đầu ngang ngửa với Mỹ.

Các nhà khoa học cho rằng về kỹ thuật bán dẫn, Trung Cộng đi sau Mỹ chừng vài ba thế hệ. Nếu Trung Cộng đánh chiếm được Đài Loan, họ sẽ tóm trọn nhân tài, vật lực, cơ sở sản xuất chip điện tử thì họ sẽ đuổi kịp Mỹ rất nhanh. Lúc đó Mỹ khó ngăn cản giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình với chiến lược “Made in China 2025”.

Hình dạng một chip điện tử bán dẫn

Cuộc chiến Mỹ-Trung trong thế kỷ thứ 21 ngoài quân sự còn nhiều lãnh vực khác khá quan trọng mang tính quyết định như chiến tranh Internet, an ninh mạng, vệ tinh không gian, sản phẩm trí tuệ thông minh (AI), hệ thống định vị GPS, điện thoại di động kỹ thuật 5G, 6G v.v. Tất cả  những thứ đó đều làm từ những chip điện tử tối tân.

Hiện nay Mỹ đang dẫn đầu thế giới về kỹ thuật bán dẫn tối tân này. Sở dĩ nước Mỹ có được như hôm nay là nhờ chính phủ và các công ty điện tử của Mỹ từ lâu đã đào tạo, huấn luyện hàng triệu khoa học gia, kỹ sư điện tử và nhân tài tuyển dụng ở nước Mỹ và khắp thế giới.  Đã bỏ ra bao nhiêu tỉ đô-la để nghiên cứu (research), thiết kế (designe) và thử nghiệm (testing) trong hơn 70 thập niên qua (từ 1947).  Mỹ là siêu cường dẫn đầu thế giới nhờ vào “sản phẩm trí tuệ” chất bán dẫn này. Đây cũng là vũ khí duy nhất mà Mỹ đang thủ đắc để duy trì vị thế siêu cường của mình.

Trong thời đại ngày nay, cả thế giới thu hẹp như trong một thôn làng nhờ kỹ thuật công nghệ điện tử như chúng ta đang dùng hằng ngày qua chiếc phone cầm tay. Đài Loan có “sản phẩm trí tuệ” điện tử như vật “bảo bối”: một phần để phát triển kinh tế, phần khác dùng nó  để bảo vệ an ninh quốc gia. Đài Loan đang trong tư thế không cầu xin cấp cứu mà vẫn được siêu cường Hoa Kỳ đến cứu – Mỹ cứu Đài Loan như bảo vệ một phần lớn sản phẩm trí tuệ của mình.

Các nước chậm tiến không muốn bị đè đầu cưỡi cổ từ thế hệ này sang thế hệ khác thì phải học cách vươn lên của Đài Loan mới mong thoát ra cái cùm “nô lệ” của chính mình.

Hoa Kỳ, ngày 16 tháng 8 năm 2021

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)


Chú thích:

(1) Government Information Office (2011). The Republic of China Yearbook 2011 (PDF). Republic of China (Taiwan): Government Information Office. p. 46. Archived from the original (PDF) on 14 May 2012.
(2)
https://vi.wikipedia.org/wiki/Formosa_thu%E1%BB%99c_H%C3%A0_Lan
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Formosa_thu%E1%BB%99c_T%C3%A2y_Ban_Nha
(4) Sử Ký Tư Mã Thiên
(5)
https://vi.wikipedia.org/wiki/Thi_Lang
(6)
Zhang, Chunhou. Vaughan, C. Edwin. [2002] (2002). Mao Zedong as Poet and Revolutionary Leader: Social and Historical Perspectives. Lexington books. ISBN 0-7391-0406-3. pg 65.

(7) https://vi.wikipedia.org/wiki/Quan_h%E1%BB%87_%C4%90%C3%A0i_Loan_%E2%80%93_Hoa_K%E1%BB%B3#cite_note-19
(8) https://gcaptain.com/top-10-countries-receiving-us-exports/

(9)https://www.cnbc.com/2021/03/16/2-charts-show-how-much-the-world-depends-on-taiwan-for-semiconductors.html
(10)https://www.wsj.com/articles/the-world-relies-on-one-chip-maker-in-taiwan-leaving-everyone-vulnerable-11624075400
(11)https://www.bloomberg.com/news/features/2021-01-25/the-world-is-dangerously-dependent-on-taiwan-for-semiconductors

Tài liệu tham khảo:

CIA World Factbook Taiwan Page 
Office of the U.S. Trade Representative Countries Page 
U.S. Census Bureau Foreign Trade Statistics 
Export.gov International Offices Page 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt