Dựng Bia Tưởng Niệm Liệt Sĩ VNQDĐ tại Guyane, Nam Mỹ (1)
Cách đây 80 năm, ngày 10/02/1930, Việt Nam Quốc Dân Đảng bằng chính sức mạnh của dân tộc mình đứng lên làm cuộc Tổng Khởi Nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược để giành độc lập cho dân tộc. Cuộc Tổng Khởi Nghĩa thất bại hàng ngàn đảng viên ưu tú đã bị bắt và bị đày đi côn đảo… Trong đó có một vùng côn đảo xa xôi tận Nam Mỹ gọi là Guyane thuộc Pháp đã lưu đày biệt xứ 325 chiến sĩ VNQDĐ tham gia cuộc Tổng Khởi Nghĩa 10/02/1930. Những anh hùng dân tộc này đã vĩnh viễn nằm xuống chốn rừng sâu Amazon. Nhân dịp 80 năm tưởng niệm ngày Tổng Khởi Nghĩa của VNQDĐ (1930-2010) Phái đoàn VNQDĐ đã thể hiện tưởng niệm Tổng Khởi Nghĩa một hành động cụ thể bằng cách đến Guyane, Nam Mỹ để dựng bia tưởng niệm 525 anh hùng dân tộc, trong đó có 325 anh hùng VNQDĐ đã bị lưu đày biệt xứ và vĩnh viễn nằm lại nơi đây sau cuộc TKN….Mời quý vị đọc 5 bài phóng sự đặc biệt của trang nhà https://www.vietquoc.org do anh Lê Thành Nhân người có mặt trong phái đoàn tường thuật:
Bài 1: Đến Thăm Nhà Lao An Nam tại Guyane lần đầu tiên (Le Bagne Des Annamites en Guyane)
Phái đoàn Việt Nam Quốc Dân Đảng đi dựng bia tưởng niệm
những nhà yêu nước tại Guyane, Nam Mỹ
(Phóng sự đặc biệt – Bài 1)
Bài 1: Thăm Nhà Lao An Nam tại Guyane lần đầu tiên:
(Le Bagne Des Annamites en Guyane)
Lời mở đầu: một loạt bài phóng sự của anh Lê Thành Nhân là Tổng Bí Thư VNQDĐ, người hướng dẫn phái đoàn “dựng bia tưởng niệm 525 nhà yêu nước Việt Nam” tại Guyane, Nam Mỹ. Những nhà ái quốc này đã bị lưu đày biệt xứ đến vùng rừng thiêng nước độc thuộc rặng Amazon vào tháng 5/1931, đã bỏ mình nơi xứ lạ quê người…79 năm qua họ bị bỏ quên, không mộ bia, không một nén hương, không một lời cầu nguyện v.v…
Ngày 30-01-2010 phái đoàn Việt Nam Quốc dân Đảng đã đến dựng bia tưởng niệm cho các anh hùng Việt Nam đã bỏ mình cho nền độc lập của dân tộc đặc biệt các nhà ái quốc VNQDĐ sau cuộc Tổng Khởi Nghĩa ngày 10/02/1930 đánh đuổi Thực dân Pháp dành độc lập do VNQDĐ lãnh đạo.
Người chết cho tổ quốc không bao giờ bị bỏ quên, người xả thân cứu đồng bào thì đồng bào tưởng nhớ! Hơn 79 năm rồi, từ sau cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái ngày 10/02/1930 do Việt Nam Quốc Dân Đảng lãnh đạo, đã có 325 chiến sĩ yêu nước Việt Quốc (viết tắt Việt Nam Quốc Dân Đảng) bị lưu đày biệt xứ đến chốn rừng sâu nước độc thuộc rừng Amazon tại Guyane, Nam Mỹ, vùng đất nay một tỉnh thuộc Pháp, họ đưa đến nhiều trại tù trong rừng sâu nước độc của những cánh rừng thuộc rặn Amzon. Một trong những trại tù đó có “Nhà Lao An Nam” năm trong rặng Amazon có tên là rừng Inini, nay thuộc quận Monstinery-Tonnegrande, nằm cách thủ phủ Cayenne của tỉnh Guyane chừng 60 cây số.
Ngày 25/01/2010 phái đoàn Việt Nam Quốc Dân Đảng đã đến “Dựng bia tưởng niệm các đồng chí VNQDĐ đã bỏ mình tại Guyane sau cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái 10-02-1930”.
Cuối cùng VNQDĐ không xây dựng được đài tưởng niệm thì quyết định phải dựng bia tưởng niệm các Liệt Sĩ Yên Bái vì lương tâm không cho phép bỏ quên những chiến sĩ yêu nước xả thân cho nền độc lập dân tộc đã chết oan khiên tức tưởi và vong hồn đang vất vưởng nơi chốn rừng hoang u tịch mà 79 năm qua không hương khói, không một lời cầu nguyện!
Cách đây hơn một năm, VNQDĐ đã cử người đến đây tìm kiếm những đồng chí của họ đã hy sinh cho tổ quốc bị lưu đày biệt xứ và bị lãng quên từ 79 năm qua, nhờ vậy mới biết được tung tích, xác nhận được được vị trí Nhà Lao An Nam, Trung Ương VNQDĐ đã viết một lá thư bằng tiếng Pháp gửi đến cho ông Le Cante, quận trưởng Montsinéry-Tonnegrande, yêu cầu giúp đỡ và đề nghị hợp tác dựng đài tưởng niệm hầu biến khu Nhà Lao An Nam thành khu di tích lịch sử sau này. Thư gửi bảo đảm, nhưng không nhận được hồi âm, có lẽ vì yếu tố tố chính trị, ông quận trưởng Le Cante giữ thái độ im lặng. Tuy vậy ông ta thấy có một cái gì đó áy náy trong lòng với sự “im lặng trái đạo lý” và đã nhắn qua người liên lạc rằng “các bạn hãy can đảm đi tới và chúc thành công, ý nói việc làm của các bạn rất đáng ca ngợi, nhưng rất tiết chúng tôi không hợp tác được vì…(!)”
Ngày 25/01, phái đoàn gồm đảng viên lão thành 85 tuổi cụ Nguyễn Thanh Sơn từ Canada, anh Hoàng Chí Linh
từ Frankfurt Đức, chị Lê Quý An từ Đức, anh Nguyễn Tâm Thiện từ Pháp, anh Phục Việt từ Pennsylvania, anh Hoàng Linh từ Nam California và anh Lê Thành Nhân từ Texas, một toán đi từ phi trường Orly, Paris và toán khác từ Canada và Hoa Kỳ trực chỉ phi trường Cayenne, Guyane. Sau chuyến bay dài gần hai ngày, dừng lại nhiều phi trường với hành trang mang theo không những chỉ quần áo mà muốn đến xứ Guyane của rừng Amazon phải chích ngừa đủ mọi thứ, anh Hoàng Linh tâm sự “nội chuyện chích ngừa không tốn gần $500 USD”, ngoài ra cần đem theo áo quần đi mưa, giày lội rừng, mũ an toàn, thuốc chống vắt, muỗi, bọ cạp, rết rừng, va 2nhu74ng loại côn trùng lạ… Đặc biệt tấm bia tưởng niệm do anh Chí Linh, chị Quý An, anh Tâm Thiện đặt làm bằng đồng nặng gần 50 kilograms (100 lbs) phải vận chuyển bằng đường bộ cồng kềnh từ Đức đến phi trường Orly, từ phi Orly đến phi trường Cayenne và từ phi trường Cayenne đến nhà trọ ở quận Montsinéry, sau đó khiên bằng đường bộ hơn 4 cây số đường rừng đến Nhà Lao An Nam để dựng bia tưởng niệm đầy gian nan vất vả!
Hai toán gặp nhau tại phi trường Cayenne, Guyane lúc 4:00 chiều thứ Hai ngày 25/01/2010, từ đây thuê xe về nhà trọ trong quận Montsinéry-Tonnegrande cách phi trường 60 cây số, nằm sâu trong một vùng thôn quê để đi đến địa điểm vào Nhà Lao cho tiện. Vì cây cầu chính trên trục lộ bị gãy phải dùng đường lộ phụ nên đường đi khó khăn dễ lạc phải nhờ ông chủ cho thuê nhà ra đón tại phi trường dưa về chỗ ở. Ông chủ trước đây là một sĩ quan nhảy dù trong quân đội Pháp, khi về hưu đến Guyane lập nghiệp và kết hôn với một bà Ấn Độ. Họ có một căn nhà nhiều phòng dùng cho khách du lịch thám, hiểm rừng Amazon thuê ngấn hạn.
Anh em gặp nhau tại phi trường tay bắt mặt mừng, nhưng thấy trước mắt nhiều công việc phải lo, nào tiếp xúc với chính quyền, nào mời người tham dự, nào phải đi thăm Saint-Lauren Du Maroni là địa điểm đầu tiên các nhà ái quốc bị tàu Martinière chở từ cảng Vũng Tàu Việt Nam đến đây v.v.. tất cả đều bắt đầu cuộc hành trình từ số “zero” đầy thử thách trong 5 ngày tới, và chỉ có 5 ngày thôi nếu không hoàn thành việc dựng bia hoặc gặp bất trắc gì thì khó khăn vì anh em cần trở về đúng chuyến bay để còn đi làm việc, nhất là công việc làm trong thời kinh tế khó khăn này nhiều rủi ro. Do đó, những ngày còn lại thời gian làm việc rất sít sao nên anh em cũng tạm gát qua những hàn huyên tâm sự đến khuya, ai ai cũng phải đi ngủ sớm để ngày mai vào thăm Nhà Lao ra mắt các tiên liệt là các đồng chí hậu duệ đến thăm viếng và dựng bia tưởng nhớ các anh hùng dân tộc vị quốc vong thân nơi xứ người.
Sáng hôm sau vào ngày thứ Ba (26/01/2010), vừa chuẩn bị đi vào Nhà Lao thì ông quận trưởng Montsinéry Tonnegrande gọi điện thoại nói sẽ đến gặp, nhưng chờ hoài không thấy và ông báo lại cho biết đang bận họp cứu trợ động đất ở Haiti. Đến 1:30 chiều thì anh em quyết định vào thăm Nhà Lao mặc dù đã trễ, nhưng không thể để mất một ngày làm gián đoạn chương trình đã dự tính.
Từ nhà trọ đến ngõ vào Nhà Lao chừng 20 cây số, ngõ vào Nhà Lao là lối vào ven rừng nhỏ đầy cỏ mọc hoang dại, nếu không có người đã từng đến đây đánh dấu chỉ dẫn thì không tài nào nhận ra rằng đó là lối vào Nhà Lao An Nam, đây là một lối đi hẹp vào rừng bị che khuất bởi cỏ dại mọc cao đến đầu gối…từ đường lộ dẫn vào Nhà Lao là một còn đường mòn rất nhỏ dài hơn 4 cây số lầy lội (tháng này mùa mưa), nhiều cây ngã chắn lối, nhiều nơi bị nghẽn lối phải rẻ cây đi vòng, nhiều chỗ phải leo lên thân cây ngã cao gần đến ngực để qua đường, đặc biệt lão đồng chí Thanh Sơn 85 tuổi nhưng vẫn cố gắng cùng với anh em một tay cầm gậy tay kia vịn vào vai anh em trẻ cùng tiến bước. Sau gần 2 giờ lặn lội trong rừng, chị Quý An la lớn “đến nơi rồi” khi chị nhận ra được viên đá của nền nhà tù xưa còn sót lại và có thể nơi đây là trung tâm của Nhà Lao gọi là “Le Bagne Des Anammites” chứa 525 người lưu đày biệt xứ trong đó có 325 chiến sĩ VNQDĐ bị bắt từ vụ ám sát tên mộ phu Hervé Bazin và sau cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái 10/02/1930. Rẽ phải chừng 200m thì thấy hai dãy bê tông cốt sắt sừng sững hiện ra, đoàn người đứng trước chứng tích của tội ác khét tiếng của chế độ thực dân: “chuồng cọp”.
Lúc đó mới 3:20 phút, nhưng bầu trời sao bỗng âm u lạ thường như màn đêm buông xuống, một án mây đen kéo đến trùm lên Nhà Lao với không khí lạnh lùng như trách móc, oán hờn của những vong hồn oan nghiệt còn vương vấn đâu đây chưa siêu thoát. Chúng tôi đốt hương, bác Thanh Sơn và anh Lê Thành Nhân khấn nguyện, xin lỗi, tạ tội 79 năm qua không đến viếng thăm các cụ, nguyện hứa từ đây hằng năm sẽ đến hương khói…các anh em chia nhau cắm hương khắp các chuồng cọp, người nào cũng rưng rưng nước mắt trước cảnh hoang dã, lạnh lùng của núi rừng Amazon mà chính nơi này cha ông chúng ta những chiến sĩ yêu nước đứng lên chiến đấu cho nền độc lập của dân tộc đã bị lưu đày biệt xứ bỏ mình vĩnh viễn tại đây.
Hương khói làm ấm lòng các cụ hay sao mà bỗng nhiên đám mây biến mất mặt trời ló dạng, ánh sáng xuyên qua khẽ lá rừng già, mọi người cũng thấy ấm cúng và vui vẻ không còn mang tâm trạng ớn lạnh như khi mới bước vào…máy quay phim, máy chụp ảnh hoạt động liên tục nào chụp những cầu tiêu còn sót lại, chụp chuồng cọp từ nóc đến tận nền, thầm nhủ rằng nơi đây những nhà ái quốc Việt Nam đã trải qua những giây phút nhục hình trong uất hận, cô đơn và tuyệt vọng. Chuồng cọp sau 79 năm đã phủ rêu phong nhưng những nét tàn bạo hiểm ác của nó vẫn còn y nguyên vẹn. Các Nhà Lao cây cối mọc đầy, chỉ còn lại cái nền nhà, cái xe đẩy (wagon) dùng sức trâu ngựa của các chiến sĩ lưu đày giờ đây đã rỉ sét gần hết như muốn phá tan một chứng tích tội ác của chế độ thực dân dùng sức người thay trâu ngựa…Con đường rầy dùng để chuyển sản phẩm làm ra từ Suối Lươn rồi dùng sức tù nhân hằng ngày hì hục đẩy về nộp cho tên cái ngục…. nhìn đâu cũng thấy dấu tích bóc lột độc ác tàn bạo của chế độ Thực Dân đối với người bị lưu đày!
Chụp hình và thâu video xong thì trời đã bắt đầu tối, ánh nắng yếu ớt còn sót lại của buổi hoàng hôn, phái đoàn phải trở về để lo công tác cho ngày mai…
Lê Thành Nhân