Đừng khóc cho Phương Uyên mà hãy sống cùng mơ ước của em

Cô bé đứng trên bục cao, đôi kính cận có cọng dày, tóc vén cao, áo trắng học trò, thân hình mảnh mai trông giống như một cô bé học sinh 15 tuổi đang đứng bảng đen trong lớp học chứ không phải đứng trước tòa án Cộng Sản. Em không sợ hãi, không van xin, trầm tĩnh và tinh khôi như một thiên thần: “Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm”.

Phương Uyên trước phiên tòa

Cạnh em, Đinh Nguyên Kha, áo sơ mi trắng, tóc cắt cao của một thanh niên Việt Nam kiểu mẫu. Nguyên Kha cũng dõng dạc: “Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội”.

Hàng triệu người Việt Nam trong hai ngày qua sống trong tâm trạng vừa vừa phẫn nộ, vừa xót xa nhưng cũng vừa hãnh diện. Phẫn nộ khi đọc bản án của đảng CS dành cho hai em, xót xa khi nhìn vóc dáng mảnh mai, yếu đuối của Phương Uyên, nhưng hãnh diện đến rơi nước mắt vì những câu nói lịch sử của hai em.

Trước ngày ra tòa Cộng Sản, không ít người nghĩ rằng giới lãnh đạo CSVN chắc cũng “giương cao đánh khẽ thôi” vì hai em còn trẻ, nhất là Nguyễn Phương Uyên không những là một cô bé khi bị bắt mới 20 tuổi mà còn là một cán bộ đoàn trường của đoàn Thanh Niên Cộng Sản Đại học Công nghiệp Thực phẩm. Đất nước khó khăn, lòng người ly tán. Chưa bao giờ Việt Nam đứng trước hàng trăm ngàn thử thách như ngày nay. Ngoài biển, như Việt Khang thét lên trong dòng nhạc của em “Giặc Tàu ngang tàng trên quê hương ta, Hoàng Trường Sa, đã bao người dân vô tội, chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu” và bên trong là một căn nhà đang đổ nát, một quốc gia bị phân liệt đến mức tận cùng, một nền kinh tế đang trên đà phá sản, giới lãnh đạo đảng CS dù độc ác, bất nhân, ti tiện, ngu xuẩn bao nhiêu cũng phải biết ngừng tay đao phủ để cứu vớt non sông và cứu vớt chính bản thân đảng. Nhiều người nghĩ thế.

Trước ngày ra tòa Cộng Sản, không ít người có thể đã nghĩ hai em sẽ xin tha, sẽ tự thú, sẽ đầu hàng. Các em còn nhỏ và đời sống còn dài. Cuộc tranh đấu giữa các em và chế độ độc tài như trò chơi cút bắt. Bắt được xin tha, tha xong lại tranh đấu tiếp theo kiểu “vừa đánh vừa đàm” của người lớn. Nhiều anh chị của các em trước đây đã chơi trò chơi đó vì họ nghĩ muốn làm gì trước hết cũng cần phải sống, cần phải có mặt, cần phải có điều kiện để viết, để nói, và muốn thế hãy tạm thời thú nhận, có chết chóc ai đâu, chẳng người nào, cơ quan nào, tổ chức nào, dù quốc tế hay Việt Nam, tin một lời tự thú trong chế độ CS độc tài. Nhiều người nghĩ thế.

Cả hai nhóm người tiên đoán như trên đều lầm.

Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha không khuất phục. Chuyện “thú tội”, “xin khoan hồng” chỉ mới vài năm trước đây nhưng như đã thuộc vào quá khứ xa xôi, một thời kỳ còn chập chững đấu tranh, một phương pháp nay đã lỗi thời. Tranh đấu cho quyền lợi của dân tộc là một tự nguyện phát xuất từ trái tim và lòng yêu nước. Không ai bắt các em phải làm những việc các em không chọn lựa. Nhịp đập chân thành của con tim và tiếng gọi thiêng liêng của lòng yêu nước không cho phép một người gập đầu “xin khoan hồng”, “thú tội” dù chỉ là một hình thức trá hàng. Bảo vệ tổ quốc là một niềm vui, niềm hãnh diện. Nếu đã chọn hy sinh phải hy sinh cho trọn vẹn với lý tưởng của đời mình.

Tình yêu nước trong lòng Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vô cùng trong sáng. Không giống Nguyễn Thị Minh Khai trước giờ bị xử tử hô lớn “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!” để thể hiện tinh thần bất khuất, kiên trung của bà ta đối với đảng, hay Lê Hồng Phong, trong lời trăn trối cuối cùng ngoài Côn Đảo chỉ nguyện trung thành với đảng, Phương Uyên và Nguyên Kha chỉ nghĩ đến những bà mẹ Việt Nam đang buôn tảo bán tần, nghĩ đến các em thơ đang lây lất trên đường phố, nghĩ đến máu các chú bác đã đổ xuống ở Hoàng Sa, nghĩ đến nắm xương của các chú bác đã thành cọc cắm lên hải đảo Trường Sa.

Ngày 16 tháng Năm 2013 là ngày lịch sử.

Như đã có một lần trong lịch sử, ngày 26 tháng Hai năm 1285, Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng hô lớn “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Chàng thanh niên Việt Nam Trần Bình Trọng chỉ mới 26 tuổi.

Như đã có một lần trong lịch sử, ngày 17 tháng Sáu năm 1930, 13 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã dành hơi thở cuối cùng của đời mình trên mặt đất này để gọi tên hai tiếng Việt Nam trước khi bước lên máy chém, tuyệt nhiên không ai trong số họ kể cả Đảng trưởng Nguyễn Thái Học hô Việt Nam Quốc Dân Đảng muôn năm. Đảng chính trị với họ chỉ là chiếc ghe để chèo dân tộc sang bến bờ độc lập chứ không phải mục tiêu, cứu cánh của cuộc đời họ hay của phe nhóm và tổ chức họ giống như đảng CSVN. Nguyễn Thái Học khi sống là Đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng khi chết đã chết như bao nhiêu thanh niên yêu nước khác, thư thái ngâm những vần thơ tuyệt mệnh “Chết vì tổ quốc, chết vinh quang, lòng ta sung sướng, trí ta nhẹ nhàng”. Chàng thanh niên Việt Nam Nguyễn Thái Học chỉ mới 29 tuổi.

Lịch sử mang tính thời đại và tính liên tục. Mỗi thế hệ có một trách nhiệm riêng, dù hoàn thành hay không, khi bước qua thời đại khác, vẫn phải chuyển giao trách nhiệm sang các thế hệ lớn lên sau. Sức đẩy để con thuyền dân tộc vượt qua khúc sông hiểm trở hôm nay không đến từ Mỹ, Anh, Pháp hay đâu khác, mà bắt đầu từ bàn tay và khối óc của tuổi trẻ. Lịch sử Việt Nam đã và đang được viết bằng máu của tuổi trẻ Việt Nam.

Giới lãnh đạo Đảng cũng không “giơ cao đánh khẻ” như có người hy vọng nhưng bằng một bản án nặng nề, bẩn thỉu và hèn hạ nhất đối với hai em Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha.

Mấy ngày nay trên nhiều diễn đàn khá đông người lại tiếp tục tranh cãi chuyện chủ nghĩa Cộng Sản còn sống hay đã chết. Thật ra, chủ nghĩa Cộng Sản sống hay chết tùy thuộc vào góc nhìn và cách phân tích bản chất của chế độ độc tài toàn trị Cộng Sản. Chủ nghĩa Cộng Sản, như một lý tưởng mà không ít người đeo đuổi trong thời trai trẻ, có thể đã chết tại Nga ngay sau khi Cách Mạng Tháng Mười bùng nổ 1917, đã chết tại Trung Quốc khi Mao Trạch Đông lên nắm chính quyền 1949, và chết tại Việt Nam khi Hồ Chí Minh cất tiếng trên quảng trường Ba Đình đầu tháng 9 năm 1945, nhưng từ đó đã bắt đầu một loại chế độ Cộng Sản thức tế với các đặc tính bất nhân, tàn bạo nhất trong các chế độc độc tài của lịch sử loài người. Chế độ đó vẫn còn tồn tại ở Việt Nam biểu hiện qua bản án khắc nghiệt dành cho Phương Uyên và Nguyên Kha.

Bộ máy chính trị toàn trị, kinh tế lạc hậu, xã hội sa đọa, đạo đức suy đồi, hiện tượng sùng bái cá nhân, thói quen suy tôn lãnh tụ, lừa dối nhân dân, bưng bít có chủ trương, đỗ thừa có hệ thống của ý thức hệ Cộng Sản vẫn còn nguyên tại Việt Nam như từ ngày mới nhập cảng từ Liên Xô, Trung Quốc.

Phương pháp đầu độc, tẩy não của đảng CSVN dành cho các em bé Việt Nam hoàn toàn giống phương pháp đầu độc thiếu nhi đang thực hiện tại Triều Tiên. Hình ảnh “Bác Kim” trong lòng thiếu nhi Triều Tiên như Bradley K. Martin mô tả trong tác phẩm “Dưới sự bảo bọc đầy tình thương của cha già dân tộc” (Under the Loving Care of the Fatherly Leader) không khác gì hình ảnh một “Bác Hồ” “tình thương bao la”, “cha già dân tộc”, “nhà thơ lỗi lạc”, “nhà quân sự thiên tài”, “nhà giáo dục vĩ đại” được Đảng nhồi nhét vào tâm hồn trong trắng của bao nhiêu thế hệ Việt Nam.

Những ai còn nghĩ đến “hòa giải hòa hợp” với CS, còn tin vào lòng dạ chí thành của Thứ trưởng Ngoại Giao CS Nguyễn Thanh Sơn khi thắp hương trước phần mộ của các chiến sĩ VNCH ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa hãy đọc lại bản án của đảng CS dành cho hai em Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên một lần nữa và tự hỏi có một phương pháp, một con đường nào, một hy vọng nào để dân tộc Việt Nam có thể sống chung với đảng CSVN. Một người có nhận thức chính trị căn bản nào cũng biết là không.

Những ai còn hoài nghi vào sức mạnh dân tộc Việt Nam hãy đọc lại lời tuyên bố của hai em “Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi.” Là một đoàn viên đoàn thanh niên Cộng Sản chắc chắn Phương Uyên đã được nhồi sọ rằng khi lớn lên phải biết trung thành với đảng, phải biết đi theo con đường đảng đã vạch ra. Tư tưởng Cộng Sản ngoại lai nô dịch dù độc hại bao nhiêu cũng không giết được hạt mầm dân tộc đang âm thầm lớn lên trong tâm hồn hai em, đã chiến đấu trong nhận thức của hai em, đã chiến thắng qua hành động của hai em và biểu hiện hùng hồn qua câu nói lịch sử của hai em. Đảng CS muốn Phương Uyên trở thành sâu bọ đo hai hàng chân trên cành cây mục nát của đảng nhưng em đã vươn lên thành cánh bướm vàng.

Trong nỗi đau khi nghe tin hai em bị kết án nặng nề đã dâng trong lòng hàng triệu người Việt Nam một niềm hãnh diện. Lòng yêu nước đã thắng. Chưa bao giờ ranh giới giữa yêu nước và bán nước rõ ràng hơn hôm nay. Cuộc chiến nào cũng khó khăn nhưng cuộc chiến tư tưởng bao giờ cũng khó khăn nhất. Những câu nói của hai em sẽ vang vọng trong dòng lịch sử ngàn đời không phai. Lịch sử dân tộc, qua bao thời đại, đã được giữ gìn bằng sức mạnh tuổi trẻ. Thời đại hôm nay là thời đại của Đổ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, của hàng trăm thanh niên nam nữ đang ở trong tù CS, của hàng ngàn hàng triệu thanh niên Việt Nam đang sắp sửa tiếp nối hành trình. Lịch sử Việt Nam vừa đau thương nhưng vừa là một bản hùng ca viết bằng nước mắt và nụ cười của bao nhiêu thế hệ.

Ai dạy Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên để nói những câu hào hùng như thế. Không ai dạy. Như một lần tôi đã viết, tuổi trẻ Việt Nam không cần một ngọn hải đăng để rọi sáng đêm tối trời dân tộc nhưng ngay từ trong lòng họ đã bùng cháy lên ngọn đèn tự chủ được thắp sáng bằng tâm thức Việt Nam. Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay không cần chờ đợi một minh quân ra đời hay một lãnh tụ xuất hiện để dẫn dắt họ trên đường cứu nước bởi vì chính họ sẽ là những minh quân của thời đại và con đường dẫn đến điểm hẹn lịch sử được soi sáng bằng trí tuệ Việt Nam. Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay không cần vay mượn một chủ nghĩa, một ý thức hệ, một lý thuyết ngoại lai nào làm kim chỉ nam để giải phóng dân tộc bởi vì chính họ đã được trang bị bằng các đặc tính dân tộc, nhân bản và khai phóng kết tinh và kế thừa từ hơn bốn ngàn năm lịch sử. Các em cũng nhắc cho giới lãnh đạo Đảng biết rằng một ngàn năm sống trong bóng tối Bắc thuộc không làm dân tộc Việt Nam mù mắt thì ba mươi tám năm trong triết học Mác-Lê làm sao có thể thui chột đi tình yêu nước thiết tha trong lòng người dân và nhất là trong lòng tuổi trẻ Việt Nam.

Ngoài bản chất tàn ác, bất nhân, ti tiện, còn lý do nào khác khiến Đảng đã ra tay nặng nề với hai em Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên.

Còn một lý do nữa, bởi vì đảng sợ.

Đúng như Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Human Rights Watch (HRW) phát biểu: “Đưa người dân ra tòa xử chỉ vì phát tán tờ rơi chỉ trích chính phủ là một việc làm lố bịch và biểu hiện sự bất an của chính quyền Việt Nam”.

Đảng cảm thấy “bất an” là phải. Trong suốt 38 năm cai trị đất nước bằng nhà tù sân bắn chưa bao giờ đảng CS bị cô lập trên thế giới và mất chỗ đứng hoàn toàn trong lòng dân tộc Việt Nam như ngày nay. Không giống như trong thời chiến núp bóng dưới chiêu bài “chống ngoại xâm” và lợi dụng lòng yêu nước của nhiều người Việt Nam, ngày nay, chung quanh đảng chỉ có kẻ thù. Những tâm thư, thỉnh nguyện, góp ý kiến về hiến pháp, đổi tên đảng, thay tên nước vừa qua cho thấy, nhiều thành phần, lực lượng trước đây là phên dậu của đảng, là hậu thuẫn của đảng đang quay sang chống đảng. Một người dù mê muội bao lâu cũng có một lần thức tỉnh. Một tiếng nói đúng gióng lên dù trễ còn hơn im lặng suốt đời.

Hành động điên cuồng vượt qua mọi thước đo đạo đức qua hai bản án dành cho hai em Nguyên Kha và Phương Uyên cho thấy không phải sức bén của con dao độc tài mà là hành động tuyệt vọng của đảng CSVN. Quyết định của Nicolae Ceausescu khi ra lệnh công an bắn vào cuộc biểu tình của nhân dân Rumania sáng ngày 17 tháng 12 năm 1989 chỉ để dẫn đến bản án tử hình dành cho vợ chồng ông ta một tuần sau đó. Thật vậy, lịch sử đã nhiều lần chứng minh, khi một chế độ chỉ còn trông cậy vào các phương tiện bạo lực trấn áp để tồn tại, chỉ còn biết sử dụng bộ máy công an kềm kẹp để duy trì quyền cai trị, ngày tàn của chế độ đó chỉ là vấn đề thời gian.

Những ai còn đang đứng bên lề cuộc tranh đấu vì chủ quyền đất nước, vi tự do dân chủ nhân bản hãy bước lên chuyến tàu lịch sử hôm nay để cùng với hai em đi về phía bình minh của dân tộc Việt Nam. Đời người rồi sẽ qua nhưng dân tộc Việt Nam phải còn và mãi mãi sẽ còn. Con tàu đi cứu nước còn nhiều toa rộng, đủ chỗ cho mọi người, mọi thành phần, mọi tôn giáo, mọi quá khứ. Hành động cứu nước cũng rất nhiều để chọn, không nhất thiết phải vào tù ra khám, không nhất thiết phải tìm cho ra được những cây búa lớn để đập vở bức tường chuyên chính, nhưng một bàn tay nhỏ, một bước chân xuống đường chống thực dân đỏ Trung Quốc, một thái độ không hợp tác với nhà cầm quyền CS, một lá thư thăm hỏi các em các cháu trong tù trong những ngày sinh nhật, lễ lớn, một tấm vé tham dự bữa cơm gây quỹ giúp các em đang bị tù hay đang bị khó khăn v.v… cũng mang đầy ý nghĩa.

Bức tường chuyên chính CSVN đã không sụp đổ vì những cơn bão thời đại Liên Xô, Đông Âu, Bắc Phi xa xôi nhưng chắc chắn sẽ sụp đổ vì những giọt nước kiên nhẫn Việt Nam đang nhỏ xuống từ tuổi trẻ Việt Nam, từ đồng bào Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Chúng ta có thể khác nhau ở điểm khởi hành nhưng có cùng một điểm hẹn tự do để đạt đến. Chúng ta có thể mang trên vai những hành lý khác nhau nhưng đều chất chứa bên trong một khát vọng dân chủ để theo đuổi. Đừng khóc cho Phương Uyên mà hãy sống cùng mơ ước của em.

Trần Trung Đạo

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt