Đầu năm Tân Mão nói chuyện “con mèo mà trèo cây cau”
Năm Tân Mão, 2011 là năm của con mèo, một trong 12 con giáp theo phong tục Việt Nam. Ngày tết Tân Mão, 2011 nhằm vào ngày 03/02/2011…Mão là con mèo (tuổi Mão hay tuổi Mẹo là tuổi con mèo), dân gian Việt Nam có câu “con mèo mày trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vằng nhà, chú chuột đi chợ đường xa, mua mắm mua muối giỗ cha con mèo”. Tại Việt Nam, Mèo ăn thịt chuột, nuôi mèo để bắt chuộc trong nhà…nhân năm Tân Mão nói chuyện mèo.
Đầu năm Tân Mão nói chuyện
“con Mèo mà trèo cây cau”
Năm hết Tết đến, các cụ ta ngày xưa thường nói đây là dịp tốt để “ôn cố tri tân”, nhắc chuyện cũ hầu rút tỉa kinh nghiệm cho những hoạt động trong tương lai. Riêng đối với người Việt tha hương tị nạn, xa quê cha đất tổ đã lâu, mỗi độ xuân về với tiết trời se lạnh, mưa phùn lất phất, có lẽ lại càng gợi nhớ đến những phong tục tập quán cổ truyền hoặc kỷ niệm êm đềm xa xưa nơi chôn nhau cắt rốn.
Thuở xưa, vào dịp đầu năm, nhất là trong lúc thức đêm quây quần bên bếp lửa hồng canh nồi bánh chưng, mọi người thường nhắc đến đêm trừ tịch, tập tục đón giao thừa, sự tích bánh chưng bánh dày hoặc kể chuyện liên quan đến ngày Tết như “thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ; nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh” v.v… Một trong những tập tục đầu xuân phổ thông, rất được ưa thích là bàn luận, bình phẩm về con giáp sắp xuống dương trần vì đa số tin rằng đặc tính của vị “vua mới” ảnh hưởng trực tiếp đến chuyện hên xui, tốt xấu trong năm của loài người. Ngoài ra, những con giáp “vua” này cũng trùng với mười hai con giáp tuổi, nên nhiều người – nhất là phái nữ – còn tin tưởng rằng vận mạng của mình trong năm liên quan mật thiết với con giáp “cầm tinh”. Nhiều người còn đi xa hơn, tin rằng “năm tuổi” là thời gian kém may mắn nên cần phải cẩn thận, kiêng cữ kỹ càng để tránh những hậu quả không hay. Ðặc điểm của mười hai con giáp liên quan tới số mạng mỗi người được tóm lược trong bài vè dân gian như sau:
Tuổi Tý con Chuột ở trên nóc nhà
Bắt vịt bắt gà đem dộng xuống hang
Tuổi Sửu con Trâu kềnh càng
Cày chưa đúng buổi lại mang cày về
Tuổi Dần con Cọp gớm ghê
Bắt người ăn thịt đem về non cao
Tuổi Mẹo là con Mèo ngao
Ăn cấu ăn cào ăn vụng thành tinh
Tuổi Thìn Rồng ở thiên đình
Ðằng vân giá vũ ẩn mình trong mây
Tuổi Tỵ Rắn ở bọng cây
Làm thinh ở trỏng không hay điều gì
Tuổi Ngọ Ngựa ô đen sì
Ý mình chạy giỏi xá gì đường xa
Tuổi Mùi là con Dê chà
Ba xừng bốn gạc nó la um xùm
Tuổi Thân con Khỉ ở lùm
Trèo qua trèo lại té ùm xuống sông
Tuổi Dậu con Gà vàng lông
Có mỏ có mòng nó gáy ó o
Tuổi Tuất là con Chó cò
Nằm khoanh trong lò lỗ mũi lọ lem
Tuổi Hợi con Heo ăn hèm
Làm chuồng nhốt lại không thèm thả ra
Mười hai con giáp đó là
Mỗi người một số chắc là như trên
Có xui rồi cũng có hên
Mười hai con giáp lềnh khênh chuyện đời
Thủy chung nhớ lấy ai ơi
Vui buồn giàu có do trời định phân
Xin ai chớ có phân trần
Có điều đáng nhớ, trong mười hai con giáp theo âm lịch, người Trung Hoa không có con Mèo như người Việt mà thay vào đó bằng con Thỏ.
Ðôi lời phi lộ:
Năm nay, theo đúng chu kỳ tạo hóa, thời gian ngự trị của Cọp đã hết, Mèo xuống kế vị làm vua dưới dương trần. Trước khi theo đúng thuần phong mỹ tục “bốn ngàn năm văn hiến” tán chuyện “Con Mèo mà trèo cây cau”, chân thành cầu chúc qúi độc giả cùng qúi quyến được vạn sự như ý, phước lộc song toàn và ai nấy đều dư sức “co chân đạp thằng Bần ra cửa” để “dang tay đón ông Phúc vào nhà”. Phần các bạn nam giới, tu mi nam tử mong sẽ được may mắn, thành công rực rỡ trong nhiệm vụ “O Mèo” cao đẹp. Chúc qúi vị quần bận yếm mang lúc nào cũng “yểu điệu thục nữ”, đẹp đẽ, mềm mại, dễ thương, mịn màng “rờ đến đâu khoái tỉ đến đó” như những nàng Mèo xinh xắn để cõi đời ô trọc này thêm phần… rắc rối!
Mèo nuôi ở nhà tại Việt Nam |
Kính thưa qúi vị độc giả thân mến của diễn đàn https://www.vietquoc.org, trước khi chúng ta cùng dắt tay nhau dung dăng dung dẻ đi sâu vào “quần chúng … Mèo”, dựa vào chiến thuật “tiền lễ hậu binh” trong Tôn Ngô binh pháp, tưởng cũng nên có “đôi lời phi lộ” theo kiểu “mất lòng trước, đặng lòng sau” và cũng để tạo nhịp cầu thông cảm. Tác giả không có tài “thuyết minh” đổi trắng thay đen, biến lúa vàng thành lúa đỏ như “Mẹ” phù thủy nên những điều viết ra dưới đây cam đoan, “limited warranty”, (bảo đảm có giới hạn) bảo đảm 72 phần … dầu đều là những chuyện mắt thấy tai nghe. Xin lập lại là “mắt thấy tai nghe”. Tuy nhiên, nếu qúi vị lấy đó làm phương châm hành động, rủi có phải đổ thóc giống ra mà ăn thì tác giả không chịu trách nhiệm đâu. Lý do vì tuy “mắt thấy tai nghe”, nhưng giữa thời buổi mạt pháp nhiễu nhương, đày rẫy qủi vương … đỏ ra đời, vàng thau lẫn lộn này, ai cấm mắt không thể “thong manh”, tai không có quyền “nghễnh ngãng” phải không qúi vị? Ðến vị Tông Tông khả kính Bill Clinton kia, mặc dầu đã chơi “Ặc … Monica” đến độ xả … láng trên áo cô nàng ngay trong văn phòng làm việc, và ẻn cũng công khai hòa tấu saxophone mòn cả miệng, thế mà đa số dân Hoa Kỳ và nhất là bà xã Hillary vẫn dửng dưng, coi như “no problem”, “ne pas”, “nada”, không nghe, không thấy kia mà! Tới đây, nói gần nói xa, chẳng qua nói thật. Tác giả có thể thề “cá trê chui ống” rằng sẽ nói thẳng, nói thật hết “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, nhưng không bảo đảm những thực thể diễn tỏa đều chính xác không sai một ly ông cụ, vì quan niệm phải trái, đúng sai, đẹp xấu … còn tùy người đối diện phải không qúi vị?
Nhưng dù có tán hươu tán vượn mấy đi nữa, có một thực tế không nên và không thể chối cãi, đó là thiện chí “trước mua vui, sau làm nghĩa” của người viết. Nhân dịp đầu năm đầu tháng “cỏ non xanh rợn … trên giường”, Mèo nó đang dịu dàng, nũng nịu dụi cả thân hình và phần lông mềm mại vào đúng “yếu khu” Rừng Sát, tác giả chỉ muốn qúi vị có những phút giây thoải mái, đầm ấm, thân mật với gia đình, với người thân và tận hưởng cả ngày lẫn “đêm xuân một khắc ngàn … đô la”. Vì vậy, nếu có những vị MC hoặc kẻ mồm miệng không bao giờ biết đến mùi kem chà răng “mao tôn cương” hay “thuyết minh” bậy bạ, xuyên tạc ý hướng cao đẹp đang hiên ngang “hướng thượng” nói trên, mong quí độc giả thân mến của bổn báo đề cao cảnh giác, hãy “đừng nghe những lời “Mẹ” thuyết minh, mà hãy nhìn “Mẹ” chiếu trên TV” để tác giả tránh bị tiếng oan “Thị Màu”!
Sau khi đã “rào trước đón sau”, “cẩn thận như củi lửa” để được “xa lộ an toàn” theo đúng lời bà xã dặn đi dặn lại, nhắc tới nhắc lui “đừng bao giờ làm mích lòng phe ta”, bây giờ là lúc tiến chiếm mục tiêu. Vậy mời qúi vị đội nón sắt, bận áo giáp để sẵn sàng lâm trận cùng những nàng Mèo mũm mĩm, hơ hớ xinh đẹp đang tung tăng nhảy múa, ca hát chào đón chúa Xuân.
Ðể qúi vị có đủ thời gian “thủ thế” và chuẩn bị vũ khí kỹ càng, sau đây là tóm lược chiến thuật, chiến lược cũng như kế hoạch hành … động trong giai đoạn tới. Trước hết chúng ta sẽ tìm hiểu nguồn gốc, đặc điểm, sở trường sở đoản của giống Mèo. Phải “biết … Mèo biết mình” mới hy vọng thủ thắng phải không qúi vị? Sau đó là phần điểm qua sự liên hệ giữa Mèo và người. Cuối cùng là phần quan điểm, bình luận “mao tôn cương” trước khi cùng nắm tay nhau hùng hục tiến chiếm mục tiêu!
Nguồn gốc loài Mèo
Theo sách vở khoa học, thủy tổ của giống Mèo con vật mang tên Miacis đã bị tuyệt chủng chừng 50 triệu năm trước. Căn cứ vào các bộ xương hóa thạch, nhiều “bác vật gia” cho biết Miacis có sọ dẹp, thân lẳn, đuôi dài, chân ngắn thường sinh sống trên cây và ăn những con vật nhỏ. Giống như Mèo ngày nay, Miacis mang móng nhọn, có thể co vào dấu dưới lớp da của bàn chân và chỉ thò ra khi săn mồi, chạy nhẩy hay trèo cây. Bà con của Mèo gồm các loại “Mèo lớn” như sư tử, hùm beo, hổ báo và giống mèo rừng. Những loại Mèo này đều có chung đặc tính thích nhai, xé thịt và săn mồi rất khéo léo. Ngày nay, Mèo là loại gia súc được dân Mỹ ưa chuộng nhất, với “Mèo số” lên tới 58 triệu con, khoảng 2 anh chị da Ðỏ chia nhau nựng một con Mèo!
Mèo trong thời thượng cổ
Tuy Mèo là gia súc được ưa chuộng và rất phổ thông, nhưng nguồn gốc của giống Mèo “nhà”, tên khoa học là Felidae, lại không được rõ ràng lắm. Nhiều bằng chứng xác đáng cũng cho thấy Mèo nhà chỉ mới xuất hiện khoảng 25 thế kỷ trước Tây Lịch tại Ai Cập, trong khi các gia súc khác như ngựa, bò, chó v.v… đã chung sống với loài người từ lâu.
Mèo Ai Cập |
Dựa vào những hình ảnh và di tích khảo cổ, người Ai Cập nuôi mèo trước tiên để trừ loài chuột bọ gặm nhấm chuyên phá hoại mùa màng, thóc lúa. Vì có công giúp người giữ gìn thực thẩm để sinh sống nên chẳng bao lâu, Mèo được dân Ai Cập thờ phụng như thần linh. Vị thần Mèo nổi tiếng của người Ai Cập có tên là Bast, được tôn vinh thành nữ thần của thành phố cổ Bubastis trong vùng lưu vục sông Niles vào khoảng thế kỷ 12 – 13 trước Tây Lịch dưới thời các vua pharaohs. Thần Bast còn có tên là Bastet, Bash hay Pasht, được dân Ai Cập sùng kính như nữ thần của sự sinh sản và bảo vệ nhà cửa. Thần cũng là biểu tượng của sự thu hoạch, thịnh vượng và sắc đẹp. Theo những tranh vẽ và tác phẩm điêu khắc cổ Ai Cập, thần Bast có thân người đàn bà mang đầu Mèo, đeo một cái giỏ và cây đàn sistrum là một nhạc khí nhỏ. Sau này, thần Bast được tôn xưng là thần chiến tranh vì có hình dáng tương tự một con sư tử cái. Tuy nhiên, đối với đa số dân Ai Cập, thần Bast vẫn mang hình Mèo, có nhiều khả năng siêu nhiên và huyền bí cảm thông tới mặt trăng và các vì sao. Có lẽ chính vì các đặc tính linh thiêng này mà Mèo thường được tẩm liệm, ướp xác để chôn chung trong các mộ phần cùng với người, nhất là trong những kim tự tháp là mồ của vua chúa với kỳ vọng nhờ oai lực của Mèo, người chết sẽ được tái sinh. Các nhà khảo khổ ước đoán tại Ai Cập có tới 300,000 xác Mèo ướp. Vì Mèo được thờ phượng như thần linh nên trong thời cổ Ai Cập, giết Mèo là một trọng tội bị phạt án tử hình.
Ngoài Ai Cập, nhiều xương cốt của Mèo đồng thời với đế quốc La Mã cũng được tìm thấy tại vùng Etruria (tức là Tuscany ngày nay). Nhiều tác phẩm nghệ thuật, đồ gốm của người Etruria có hình Mèo sinh sống trong nhà cùng với người. Như vậy, có lẽ tại Âu Châu, Mèo bắt đầu trở thành gia súc, chung sống với người vào thời đại này. Người cổ La Mã và Hy Lạp cũng có những tác phẩm điêu khắc, tượng, bình, tiền đồng v.v… mang hình Mèo. Các tác phẩm văn chương của họ mô tả và ca ngợi Mèo như là khắc tinh của loài chuột bọ chuyên phá hại mùa màng.
Tại châu Á, có nhiều bằng chứng cho thấy Mèo đã trở thành gia súc cùng thời với bên châu Âu. Các bản văn viết bằng tiếng Phạn (Sanskrit) tại Ấn Ðộ trước Tây Lịch đã đề cập tới Mèo. Ở Trung Hoa, nghe nói Ðức Khổng Tử rất thích … Mèo. Như vậy, chúng ta có thể nói vị Vạn Thế Sư Biểu cũng là tổ sư của các đấng nam nhi hảo ngọt, khoái “o Mèo” ngày nay vậy!
Về địa bàn sinh hoạt, ngay cả trước khi loài người biết vượt đại dương, giống Mèo đã có mặt hầu như khắp nơi trên toàn thế giới, ngoại trừ Úc châu vì đại dương ngăn cách và các vùng Bắc, Nam Cực vì thời tiết quá lạnh. Nhưng trong giai đoạn này, các loại Mèo đa số đều thuần giống ít khi bị pha trộn. Về sau, khi vấn đề giao thông thuận tiện hơn, nhiều loại Mèo mới xuất hiện nhờ pha giống. Các sử gia cho rằng giới thương hồ, lính tráng vùng vịnh Ba Tư, Hy Lạp, La Mã đã mang giống Mèo đi reo rắc tại nhiều vùng mới trên thế giới. Mèo trở thành một loại gia súc phổ thông được nhiều người thương mến cũng từ dạo đó.
Các chủng loại Mèo
Ngày nay, đại đa số Mèo đều không còn nguyên giống vì đã pha trộn nhiều lần. Tuy nhiên, căn cứ
Mèo trắng |
vào hình dáng, sắc lông và nhiều đặc điểm khác, các nhà khoa học chia Mèo thành nhiều chủng loại. Người Việt chúng ta có lẽ chỉ quen thuộc với các loại Mèo Xiêm, Mèo Mướp, Mèo Tam Thể, Mèo Bạch, Mèo Mun v.v… hay cùng lắm các ngài “dê cụ” còn biết thêm loại “Mèo … móng đỏ”, nhưng thật ra có rất nhiều giống Mèo, kể chung trên 100 chủng loại. Mèo được phân loại tùy nơi địa phương sinh sống. Thí dụ như giống Lông Dài gồm có các loại Mèo Hoa Kỳ, Bali, Hy Mã Lạp Sơn, Java, Kashmir, Bắc Âu, Á Châu, Ðông Phương v.v… Giống Lông Ngắn nhiều hơn gồm các loại Hoa Kỳ, Bombay, Anh quốc, Miến Ðiện, Ai Cập, Nhật Bản, Ðông Phương, Thái Lan, Ðông Dương v.v… Ðặc biệt giống Lông Ngắn có Mèo Sphynx là loại không có lông, tai nhọn và vểnh, được gây giống bằng cả mèo cha lẫn mèo mẹ đều mang nhiễm thể “sói”.
Mèo Hoang Châu Âu |
Tại bán đảo Ðông Dương, có giống người Mèo thiểu số sinh sống trong rừng núi. Trên miền thượng du Bắc Việt, những người Mèo này chung sống với giống người Mán, người Mường, Thái Trắng, Thái Ðen v.v… tại vùng Lào Kay, Bắc Cạn, Sơn La, Lạng Sơn v.v… Vì là dân thiểu số nên họ sống tương đối đơn giản và gần gũi thiên nhiên. Bên Lào, giống người Mèo tập trung tại khu Long Cheng thuộc cánh đồng Chum, tỉnh Savannakhet. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, sắc dân Mèo này được người Mỹ tuyển mộ và võ trang dưới sự chỉ huy của tướng Vang Pao để đánh lại phe Cộng Sản. Hiện nay, có một số người Mèo thuộc lực lượng Vang Pao di tản đang sinh sống rải rác tại Hoa Kỳ.
Mèo con |
Tới đây, nên có vài phút nghỉ giải lao thay đổi không khí để nói về một loại mèo đặc biệt chỉ có tại Việt Nam. Nghe nói nước ta dưới đời vua Lê chúa Trịnh có loại Mèo biết … nói, bằng chứng là câu chuyện sau đây. Có một anh chàng rất thông minh nhưng nghèo đi hỏi vợ. Nhưng nhà gái chê anh đã nghèo lại chẳng có tài cán gì, làm sao nuôi nổi vợ con, nên không chịu gả. Anh ta bèn thưa với ông nhạc tương lai rằng anh có tài huấn luyện loài vật biết nghe và nói tiếng người. Ðàng gái lấy làm lạ và cho biết nếu anh chứng tỏ cho mọi người thấy tài năng hiếm có này thì sẽ được vợ. Ðến ngày hẹn, anh mang tới một con Mèo. Trước mặt đông đủ họ hàng đàng gái, anh ôm con Mèo, hỏi: “Cái … của cô vợ sắp cưới của tao tròn hay … méo?” Nói rồi, anh xách tai con Mèo lên. Bị đau, con Mèo la ỏm tỏi “Méo, méo, méo!” Anh giải thích:” Ðó qúi vị thấy chưa, tôi đã hỏi con Mèo, nó không những hiểu câu hỏi mà còn trả lời đúng là cái ấy méo. Nếu không tin, cứ cho cô ấy … đưa ra xem có đúng không?” Dĩ nhiên, cô gái không chịu để … xét. Ông già cô ta cũng phục anh là người có mưu trí nên gả con gái cho. Thế là anh chàng được vợ nhờ con Mèo biết nói. Mèo nói có đúng không, chắc cần phải “xét lại”, kiểm chứng với chủ nhân của những cái lá đa, lá mít, lá vông v.v… và v.v… phải không qúi vị?
Danh xưng của Mèo
Dĩ nhiên mỗi sắc dân có một ngôn ngữ riêng nên Mèo được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Ngưởi Ai Cập gọi Mèo là “Miu”; tiếng Latin là “Felis”; tiếng Pháp là “Chat”; tiếng Thụy Ðiển là “Katt”; tiếng Ý là “Gatto” và tiếng Hy lạp là “Gata”. Người Việt Nam với bốn ngàn năm văn hiến gọi là “Mèo” và người Trung Hoa bắt chước gọi là “Mao”. Như vậy, gã Mao Tse Tung trùm Cộng Sản Trung Quốc chuyên ngủ với gái tơ để được sống lâu là giòng giống loài Mèo! Có điều lạ sau này ở Việt Nam xuất hiện một tên du côn đầu đường xó chợ tự nhận là con cháu của Mao cũng chuyên dụ dỗ đàn bà con gái, nhưng lại mang họ Hồ. Do đó, người ta đồn rằng “Mèo già hóa Cáo” hay những con Cáo gian hùng nhất lại giả bộ, đóng vai hiền lành như Mèo! Cáo và Mèo có họ hàng hang hốc với nhau vậy!
Ðặc tính của giống Mèo
Là loài vật chuyên săn bắt nên Mèo có nhiều năng khiếu đặc biệt rất bén nhậy, cần thiết để sinh tồn.
Trước hết là khả năng dò tìm phương hướng và đường lối rất chính xác, tương tự như loài chim. Mèo xử dụng khả năng thiên phú, cộng với góc độ của ánh sáng mặt trời và từ trường của trái đất để định hướng. Khả năng tìm về với chủ cũ này thường được gọi là trung thành. Thật ra, nếu bị bỏ rơi xa nhà cũ, Mèo còn có thể tìm được đường về , nhưng nếu chủ dọn tới nhà mới, Mèo không kiếm được đường đi theo chủ.
Một đặc điểm khác của Mèo ít người biết tới là đa số Mèo trắng có mắt xanh đều bị điếc. Mèo trắng với một mắt xanh bị điếc lỗ tai cùng bên với mắt xanh. Giống Mèo trắng nhưng mắt màu cam không bị tật điếc này.
Người ta thường nói Mèo rất thính mũi, điều này rất đúng. Ngoài việc dùng mũi để ngửi, cơ thể Mèo còn có một bộ phận đánh hơi đặc biệt gọi là cơ phận Jacobson hay “vomeronasal”, nằm ở vòm trên của miệng. Cơ phận này dùng để đánh hơi trong những trường hợp đặc biệt như khi cần ngửi mùi nước tiểu của mèo cái động đực. Trong trường hợp này, Mèo phải há miệng “nếm” trước rồi mới đánh hơi được. Về kiểu “đánh hơi vomeronasal” độc đáo có một không hai này này, chắc là Mèo học được độc chiêu của người phải không qúi vị?
Mắt Mèo rất tinh và có đặc điểm sáng rực trong đêm tối vì võng mô có bộ phận phản chiếu ánh sáng rất mạnh gọi là “tapetum”. Ðồng tử trong mắt Mèo có thể thu nhỏ hay nở lớn tùy theo tình trạng ánh sáng bên ngoài. Ngoài trời nắng, đồng tử thu nhỏ lại trông giống một vạch thẳng đứng trong mắt; trong bóng tối lại nở lớn thành hình bầu dục hay hình tròn. Nhờ đồng tử thay đổi và cặp mắt phản chiếu ánh sáng rất nhậy, Mèo có thể nhìn khá rõ và nhất là phân biệt được những di động trong đêm tối, một đặc điểm rất cần thiết khi ẩn núp săn mồi.
Ngoài cặp mắt, tai Mèo cũng là một bộ phận quan trọng. Tuy nhiên, tai Mèo không những chỉ dùng để nghe mà còn là bộ phận đễ giữ thăng bằng cho cơ thể. Vành tai của Mèo mỏng, hình phễu và gồm những bắp thịt nhỏ rất nhậy cảm và sinh động. Vành tai Mèo được dùng như một antenne radar rất nhậy để thu tiếng động, dẫn vào màng nhĩ. Bên trong, màng nhĩ có những xương nhỏ chuyển những rung động vào não bộ để nghe và giữ thăng bằng. Tai Mèo có thể ghi nhận những tiếng động tai người không nghe được. Vì tai Mèo nhọn, vểnh đứng nên người ta thường ví những mỏm đá nhọn là “đá tai Mèo”.
Về diện mạo, phần lớn Mèo đực hay Mèo cái đều có 24 sợi râu mọc ở hai bên mũi, mỗi bên 12 sợi và chia đều thành 4 hàng, mỗi hàng 3 sợi. Râu của Mèo được dùng như những bộ phận thăm dò cực nhậy. Ðiều đặc biệt là hàng râu trên và dưới cùng có thể chuyển hướng độc lập không giống nhau; ngay cả các sợi râu của hai hàng này cũng di động độc lập như vậy. Do đó, Mèo có thể dò được nhiều vật từ các hướng khác nhau. Nếu quan sát kỹ, ta có thể nói vị trí của những sợi râu, của đuôi và của lông cho ta biết khá rõ tình trạng và đoán được phản ứng của Mèo. Tại Hoa Kỳ, có một loại cá râu vểnh giống râu Mèo nên được là “catfish” (cá Mèo), trông tựa như cá bông lau hay cá trê của ta.
Sức nặng của Mèo tùy theo chủng loại, nhưng trung bình chừng 5 kg. Mèo Mỹ có lẽ được ăn bơ, sữa và đồ ăn đặc biệt nên thường nặng tới 10 kg. Kỷ lục nặng ký về tay một chị Mèo với thân hình bồ … liễu có 25 kg!
Trên phương diện vệ sinh, Mèo cũng như các chủng loại tương tự khác như cọp, sư tử, báo v.v… t
Mèo Phi Châu |
hường hay liếm lông vì đây là cách “tắm” của các loài này. Khi liếm lông, có những sợi bị đứt hay rời dính vào lưỡi rồi đưa vào miệng nhưng Mèo không nhả ra được vì lưỡi Mèo rất nhám, trên lưỡi lại có những “gai” nhọn hướng vào phía trong miệng nên bắt buộc phải nuốt vào. Lâu ngày, những sợi lông này cuốn thành cục trong bụng vì lông không tiêu. Do đó, lâu lâu chúng ta thấy Mèo ăn cỏ hay gặm lá cây, mục đích để tiêu hóa lông đọng trong bao tử. Các sách dậy nuôi Mèo cũng khuyên nên chải lông Mèo thường xuyên để giảm bớt số lông rời bị nuốt vào bụng. Mèo cũng thường hay cào xé mùng mền, ghế gối v.v…, nhưng không phải vì bản tính phá phách, mà chỉ để mài và chau chuốt móng chân. Vì vậy, nuôi Mèo nếu không cẩn thận, không có chỗ cho Mèo giũa móng hay ăn cỏ, Mèo sẽ xé nát đồ đạc trong nhà cũng như nhai các cây kiểng. Ðặc tính liếm lông, cào cấu cũng như giũa móng làm đẹp v.v… cho chúng ta thấy Mèo rất xứng đáng là “đại diện” cho phái nữ. Về phương pháp làm tiêu lông trong bao tử, có lẽ các bạn nam giới dùng cách khác hữu hiệu hơn như “nhậu” chẳng hạn, vì “vấn đề” còn trầm trọng hơn Mèo nhiều, nhưng không thấy ai ăn lá cây hay cạp cỏ! Ðây chỉ là một nhận xét thành thật “ngây thơ cụ”, đừng “suy bụng ta, ra bụng … Mèo” đấy!
Ngoài việc tắm bằng cách liếm lông như trên, Mèo còn có nhiều trò khác lỉnh kỉnh khác khi nói tới vấn đề vệ sinh. Người ta thường nói “dấu như Mèo dấu …” hay “chua như nước đái Mèo”. Sở dĩ Mèo “dấu” như vậy vì vẫn còn thừa hưởng thú tính khi sống ngoài hoang dã. Lúc còn phải tranh sống cùng thiên nhiên và dã thú, Mèo cần che dấu hành tung của mình, vì vậy, cả chất thải ra cũng phải che đậy kỹ lưỡng. Nước tiểu có mùi rất gắt được Mèo dùng để đánh dấu sự hiện diện và lãnh thổ của mình cũng như để địch thủ biết chỗ mà tránh và cũng để bồ bịch biết “hơi” tìm tới. Tại Hoa Kỳ, có nhiều vị “Mèo chủ” thừa tiền rửng mỡ sắm nhà vệ sinh riêng rồi mướn người tập cho Mèo đi “toilet”!
Về việc ăn uống, người ta thường nói “khảnh ăn như Mèo” hay “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”, nhưng thực ra Mèo ăn không ít. Mỗi bữa, Mèo cần tiêu thụ một số lượng đồ ăn tương đương với 5 con chuột. Vì vậy, người Việt ta, nhất là tại thôn quê thường nuôi Mèo để bắt chuột. Nếu ăn hết chuột, Mèo mới ăn … vụng! Chỉ các nước Âu Tây tiền tiến mới bán đồ ăn Mèo, còn các nơi khác Mèo đều “sực” đồ ăn thiên nhiên cả. Về tuổi tác, Mèo thường sống chừng 10, 15 năm, nhưng tương đương với khoảng 60 năm Người. Một con Mèo 1 tuổi đã trưởng thành tương đương với một người 18 tuổi.
Ðể nghỉ ngơi, Mèo cần ngủ chừng 16 tới 18 tiếng đồng hồ một ngày, vì vậy, ngoài những lúc ăn uống, bắt chuột v.v… chúng ta thường thấy Mèo tìm chỗ ấm áp nằm lim dim. Tuy gọi là ngủ nhưng Mèo vẫn biết được mọi chuyện xảy ra chung quanh, thí dụ như bị đụng vào đuôi chẳng hạn, Mèo sẽ tức thời phản ứng. Kiểu “thức thức, ngủ ngủ” này được người Mỹ gọi là “catnap”.
Nói về thịt Mèo, nhiều bợm nhậu thề sống thề chết là rất ngon và nên thử, nhất là thịt Mèo mun! Các vị đầu bếp cũng nói rằng khi lột da, thịt Mèo cũng giống như thịt thỏ, cách nấu cũng tương tự. Ðối với người chơi quần vợt, ruột Mèo là vật liệu tốt nhất để làm giây căng vợt, tiếng nhà nghề gọi là loại giây “gut” rất đắt tiền, chỉ có các đấu thủ nổi tiếng, nhiều tiền mới dùng. Loại giây “gut” này rất mềm dẻo, lại có tính đàn hồi cao nên dễ điều khiển trái banh và có sức bật mạnh nên banh đi vận tốc nhanh. Nhưng giây “gut” lại có nhược điểm mau sờn và dễ đứt, nhất là khi banh ướt. Sau này, có lẽ vì Mèo trở thành gia súc được cưng chiều không bị giết nhiều hoặc bị hội bảo vệ súc vật phản đối nên giây “gut” được làm bằng ruột bò hay ruột trừu.
Giữa Người và Mèo
Ðọc tới đây, chắc có nhiều qúi độc giả thân mến của bổn báo, nhất là qúi “liền bà con gái” nhảy đong đỏng lên mà quở rằng: “Dù có bao nhiêu loại Mèo hay móng Mèo có thể thò ra thụt vô như … đầu rùa, Mèo có lông trong bao tử hoặc gì gì đi nữa, nhưng những chuyện này không ăn nhậu gì đến ngày tư ngày tết và chả dính dáng gì đến cuộc đời ô trọc này, vậy cần gì phải dài dòng văn tự. Hãy thực tế hơn bằng cách nói huỵch tẹt ra xem Mèo có liên quan với người như thế nào, cần gì phải “vòng vo tam quốc” cho hao tốn “thì giờ là vàng bạc?” Thưa qúi vị “quần bận yếm mang”, xin đừng có nóng, chuyện gì cũng phải có đầu có đuôi, trước khi dí chốt đầu vào tử … cấm thành, tụi này cũng phải chuẩn bị, bày binh bố trận đàng hoàng dụ địch vào “mê hồn trận” rồi mới oanh liệt “ngã ngựa” chứ? Vì vậy, cần phải “giáo đầu tuồng” rồi mới tới phần chính kể chuyện “giữa Mèo và người”. Vậy trước khi vào giai đoạn hai gay cấn, mời qúi độc giả thân mến của bổn báo hãy nhẩn nha nghỉ xả hơi dăm phút nữa để chuẩn bị tinh thần lẫn vật chất, lấy thêm “supply” hạt dưa mứt bí, la de nước ngọt hầu sẵn sàng oánh thêm vài ba phùa nữa.
Phần trên, chúng ta đã biết những đặc điểm của Mèo cùng mối liên hệ mật thiết giữa Mèo và các sắc dân Ai Cập, Âu châu, Mỹ châu v.v…. Nay đã đến lúc nói về mối liên hệ “sông liền sông, núi liền núi” giữa Mèo và dân Giao Chỉ chúng ta.
Trước hết, xin có lời chúc mừng các bà các cô vì năm nay nhất định số mạng sẽ rất hanh thông vì hạp tuổi. Thật vậy, trong 12 con giáp, có lẽ Mèo với thân hình mềm mại dễ thương, có cái miệng xinh xinh đỏ chót, lại thên mỹ tục ưa làm đỏm, khoái sửa móng chân móng tay để dễ bề cào cấu v.v… là biểu tượng trung thực nhất để đại diện cho qúi vị đào tơ liễu yếu. Ðiều này tuy là một thực tế khó chối cãi, nhưng thế nào cũng có nhiều vị đực rựa xửng cồ cho rằng Cọp mới phản ảnh trung thực tâm tính và hình ảnh của phái nữ, nhất là… bà xã! Tác giả như thường lệ không phản đối vì theo đúng phương châm “customers luôn luôn là xếp”, chỉ nhắc nhở rằng dù Cọp có “ngon” đến bao nhiêu đi nữa nhưng cũng vẫn là hàng đệ tử của Mèo. Nói có sách, mách có chứng. Người xưa kể rằng thuở tạo thiên lập địa, Cọp tuy to xác nhưng không biết kỹ thuật săn bắt muông thú nên phải nhờ thầy Mèo dậy. Mèo tận tâm chỉ dẫn Cọp mọi mánh lới nhà nghề, kể cả việc “lơn đào” bằng cách dạng chân, xoạc cẳng tè một phát để bồ bịch đánh hơi tìm đến. Nhưng sợ Cọp lớn con lại dữ dằn khi nổi hứng có thể “sơi” luôn cả thầy nên Mèo giấu lại tuyệt chiêu “leo trèo” để phòng thân. Quả nhiên, sau này khi tưởng rằng đã học được hết các ngón nghề, Cọp đuổi bắt thầy Mèo định ăn thịt, nhưng Mèo nhanh chân trèo lên cây cao, Cọp không được truyền nghề leo cây nên chẳng làm gì được. Qua câu chuyện “Mèo là thầy Cọp” này, qúi vị liền ông con trai cần phải cẩn thận, đề phòng cẩn mật bằng năm bằng mười năm ngoái. Vì trong năm qua, nếu qúi vị đã bị Cọp … cái dằn lên vật xuống nhiều lần đến thân tàn ma dại, năm nay rất có thể còn bị thầy Mèo cao tay ấn hơn “vờn như Mèo vờn chuột” cho tan tành xí quách!
Còn qúi bạn liền ông, nếu có bị Mèo quào xể mặt hay liếm trụi lông cũng chẳng nên buồn, vì “tránh Mèo chẳng xấu mặt nào”. Vả lại, số mạng đã an bài vì trời sanh đờn ông lại còn sanh phái nữ phải không các bạn? Tuy nhiên, còn có lô an ủi, vì năm Mèo cũng đem đến khá nhiều lợi thế, chẳng hạn như giới đực rựa có lẽ sẽ được công khai, “danh chính ngôn thuận” nói tới chuyện “Mèo chuột” mà qúi phu nhân dù giòng giõi họ Hoạn (viết hoa, không phải “hoạn”) cũng “há miệng mắc quai”, vì năm Mèo không lẽ lại nói chuyện chó hả? Rõ vô duyên! Nhưng như thường lệ, bần đạo vốn tính cẩn thận, lại cảm thấy có bổn phận khuyên qúi bạn phải coi chừng, chớ thừa thắng xông lên, vung tay quá trớn. Rất có thể trong dịp đầu năm xuất hành, vui chơi quá chén, vớ phải một con Mèo Mun to tổ chảng là có chầu xúi quẩy tận mạng. Hoặc giả “nội tướng” là một tay “hoạn” tốt nghiệp từ lò Bobbit thì có chầu sẽ gặp khó khăn mỗi khi muốn lôi đầu “cụ Hồ”!
Trở lại chuyện Mèo. Tuy là loài gia súc rất gần gụi và thân thiết với loài người nhưng không hiểu tại sao Mèo lại xuất hiện tương đối ít trong các ngành văn học nghệ thuật so với các loài gia súc khác.
Chúng ta đã biết vào thời Thượng Cổ, dân Ai Cập thờ Mèo như vị thần linh đem lại sự sống cho loài người. Tuy Mèo có được tạc tượng hay khắc trên các bức tường đá nhưng cũng không nhiều bằng hình bò, ngựa, sư tử v.v… Thần thoại Hy Lạp cũng không có truyện nào nổi tiếng về Mèo. Tới thời Trung Cổ, người Âu Châu không những đã chẳng thờ kính mà còn coi Mèo là con vật xui xẻo và đáng sợ như phù thủy. Vì vậy, trong ngày lễ kỷ niệm Saint John, nhiều con Mèo bị thiêu sống tại các công trường trong thành phố vì bị coi như dính dáng tới ma qủi. Tại Hoa Kỳ, các đệ tử của đạo Satan (Satanic) có thói quen bắt giết hay hành hạ loài vật. Nhất là vào dịp Halloween, các đệ tử Satanic này thường hay lùng kiếm Mèo đen, nhưng nếu không có thì Mèo nào cũng có thể bị bắt giết. Nhưng có điều hơi lạ, tại Hoa Kỳ, Mèo đen bị coi như phù thủy biến hình nên mang tới điềm xui, nhưng đa số dân Anh lại coi Mèo đen đem lại sự may mắn. Nhắc tới thần dân của Nữ Hoàng Elizabeth hay Victoria, chắc không thể không nói “tình yêu” súc vật. Giống “phớt tỉnh Ăng Lê” này được tiếng là có nhiều hội bảo vệ súc vật và thương trâu bò mèo chó còn hơn cu li tại các thuộc địa. Khi tới xâm chiếm xứ cà ri Ấn Ðộ, các ông bà quan Ăng Lê không quên tạt qua các xứ láng giềng Miến Ðiện hoặc Thái Lan mang về mẫu quốc loại Mèo Miến (Burmese) và Mèo Xiêm (Siamese). Sau đó, các vị này còn rửng mỡ tổ chức những buổi tiệc tùng tại tư gia để khoe … Mèo. Dần dần, các vụ “khoe” này được bành trướng và chính thức hóa. Cuộc triển lãm, khoe Mèo đầu tiên qui mô đầu tiên được tổ chức trọng thể tại lâu đài Crystal Palace tại kinh thành Luân Ðôn vào năm 1871 với sự than dự của các ông hoàng, bà chúa cùng giới thượng lưu. Từ những vụ khoe Mèo, tới khoe bò, khoe chó, khoe ngựa v.v… dần dần đến những vụ khoe … người rất phổ thông, được gọi là thi hoa hậu ngày nay.
Tại Á châu, truyện cổ Trung Hoa từ thời ông Bành Tổ và bà Nữ Oa, kể cả tứ đại tài tử thư cũng không thấy nói nhiều về Mèo. Chỉ nghe nói rằng Ðức Thánh Khổng rất ưa thích Mèo. Kho tàng văn chương bác học Việt Nam có truyện “Trinh Thử” của Hồ Huyền Qui tiên sinh ca tụng loài chuột nhưng không có “Trinh … Mèo”. Có lẽ các cụ ta ngày xưa kiêng cử không muốn đề cập nhiều tới chuyện “Mèo chuột” hay “Mèo mả gà đồng” vì lý do “xâm phạm thuần phong mỹ tục” chăng?
Nhưng trong kho tàng văn chương bình dân Việt Nam, có câu chuyện ngụ ngôn “đem chuông đi cột cổ Mèo” rất hay. Ðại khái câu chuyện kể rằng có một con Mèo rất sát chuột vì có tài di chuyển nhẹ nhàng lại ẩn núp hay nên xuất hiện bất chợt khiến chuột không biết đâu mà đề phòng. Một hôm, cộng đồng chuột họp lại để tìm cách cứu nguy. Sau khi bàn cãi hồi lâu, tất cả đồng ý đem một cái chuông cột vào cổ Mèo để Mèo đi tới đâu sẽ phát ra tiếng chuông khiến chuột biết trước để chạy trốn. Ý kiến quá hay, lại hợp tình hợp lý nữa, không tán thành sao được? Tuy nhiên, khi đem ý kiến ra thực thì bầy chuột cãi nhau như mở bò, không anh nào chịu ngồi lại với anh nào để làm chuyện lợi ích cho cộng đồng. Ngoài ra, anh nào cũng rét không chịu hy sinh quyền lợi riêng hoặc góp công, giúp của cho việc công ích. Vì vậy, công tác “cột chuông” không thực hiện được. Qúi vị cũng đoán được hậu quả sẽ ra sao: Mèo vẫn không bị phát hiện, tự do ẩn núp rình rập, dần dần ăn hết chuột chẳng còn một mống để cãi nhau hay phản đối! Hiện nay, Việt Cộng như một con Mèo đỏ cũng đang rình rập “làm thịt” hết cộng đồng người Việt Quốc Gia tại hải ngoại. Nhưng chúng ta đa số vẫn dửng dưng thờ ơ vì chưa thấy cái hại trực tiếp cho cá nhân hay gia đình mình. Một số khác ý thức được sự nguy hiểm nhưng còn mải cãi cọ, đánh phá lẫn nhau. Kết quả chỉ Mèo đỏ có lợi, có thể dần dần tỉa hết những phần tử đối kháng!
Ðối với giới bình dân Việt Nam, các gia súc đều là những bạn thân thiết gắn liền với đời sống hàng ngày nên có rất nhiều bài ca dao hay câu tục ngữ nói về loài vật. Ngoài những bài ca dao như “Trâu ơi ta bảo trâu này …”, hoặc “Con gà cục tác lá chanh …” v.v… còn có bài “Con Mèo mà trèo cây cau” rất nổi tiếng như sau:
“Con Mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú Mèo”
Tuy được nhắc nhở tới, nhưng Mèo vẫn không được giới bình dân thương yên trừu mến như con trâu cực khổ ngoài đồng, con gà cục tác hay con lợn ủn ỉn. Ngược lại, Mèo còn bị chuột chửi cha! Thật là oan uổng và bất công! Một trong những lý do của sự kỳ thị có lẽ vì Mèo bị coi là lười biếng vì nằm ngủ tối ngày, lại ưa làm dáng! Trong lúc Trâu sát cánh với nông dân cầy sâu cuốc bẫm, Gà có công làm chiếc đồng hồ báo thức, Chó vừa giúp ích giữ nhà, vừa hiên ngang đi vào tận tim gan, bao tử và phèo phổi của dân Việt thì Mèo chỉ được tài ăn vụng! Ðã vậy, cái nghề có lên phải có xuống, cho vào lại phải cho ra, nhưng cái kiểu chú Mèo cho ra thì lại càng “đau khổ” vì cái giống chết tiệt này chuyên chơi cái trò giấu giấu giếm giếm!
Nhưng xét cho cùng, nếu chỉ gán đủ các thói hư tật xấu, “trăm chuột đổ đầu Mèo” thì kể cũng không công bằng. Thật ra. Ngoài tài bắt chuột trừ hại cho nhà nông, loài Mèo còn có lắm điểm hay.
Này nhé, những ai đã từng là đệ tử của thần Ðổ Bác, mê xóc dĩa, bài cào, xập xám v.v… chắc đã hơn một lần ao ước trong nhà có một con Mèo cái. Không phải mỗi lần đi cờ bạc lại ôm đi một chị Mèo để lấy hên, nhưng với hy vọng khi nàng Mèo nở nhụy khai hoa, phe ta may mắn vồ được cái nhau mèo! Theo huyền thoại trong giới đổ bác, nếu anh nào kiếm được cái nhau mèo giấu vào cạp quần thì sẽ rất hên, đặt đâu trúng đó, nhất bản vạn lợi. Tiện đây, đầu năm đầu tháng, tác giả thấy cần có đôi lời nhắc nhở đối với các hảo hán hào hoa phong … thường xuôi ngược trên chốn giang hồ vùng Las Vegas, Atlantic City, Reno hay các sòng bài nổi. Nếu qúi vị có kiếm được nhau Mèo nhưng vẫn bị cháy túi, khi đi bận đồ lớn, lúc về chỉ có mỗi cái quần xà lỏn cho … mát mẻ, hoặc còn phải moi ruột … tượng của bà xã để chiến đấu với “tướng cướp một tay”, thì cũng đừng nên trách tác giả ba xạo. Chẳng qua tại nhau Mèo … Mẽo nó có “effet” ngược đó thôi.
Như trên đã nói, cũng như các loài vật khác, Mèo có nhiều chủng loại như Mèo bạch, Mèo mướp, Mèo mun, Mèo tam thể v.v… nhưng đặc biệt còn có loại Mèo móng đỏ. Loại “cao điểm” của giòng giống nhà Mèo này cũng nhẹ nhàng uyển chuyển, mềm mại thướt tha, dịu dàng êm ái như những Mèo khác, nhưng ngoài đặc điểm có thể “thò ra thụt dzô”, các móng chân móng tay của loại Mèo đặc biệt này đều có màu đỏ, vì vậy có thể làm cho qúi vị chủ nhân danh bại thân … liệt! Nhất là đối với các đấng trượng phu hảo ngọt, thích “Mèo chuột” mà xâm mình uống thuốc liều giám nuôi Mèo loại này thì thế nào cũng bị nội bộ chào xáo. Hậu quả nếu nhẹ thì nhà tan cửa nát, ca bài “Ôi ta buồn ta đi lang thang”, xách va li lên đường du lịch vô hạn định; còn nặng thì có thể lên tới chức công công thái giám, mỗi lần đi … tiện được quyền thơ thới hân hoan ngồi chễm chệ như các vị liền bà con gái; hoặc có nhiều hy vọng được tắm bằng xăng hay dầu lửa cho sạch sẽ trước khi về thăm ông bà ông vải! Trong lịch sử nhân loại có nhiều con Mèo móng đỏ nổi tiếng như Cleopatra, Tây Thi, Bao Tự, Ðiêu Thuyền v.v… đã làm cho các đấng anh hùng thân tàn ma dại. Con Mèo móng đỏ “hiện đại” Monica Lewinsky cũng đang làm ngài Tông Tông xứ Cờ Hoa Bill Clinton xính vính. Loài Mèo như chúng ta biết thường ít tắm, nên được xếp vào loại “người đẹp không bao giờ tắm”. Lúc nào có hứng lắm, các anh chị Mèo cũng chỉ đủ can đảm rủ nhau liếm láp, “tắm khan” theo kiểu bợm ghiền. Nhưng loại Mèo móng đỏ lại hơi khác vì thường hay được con cháu họ Hoạn cho tắm bằng át xít! Kính thưa các vị “nam nhi chi chí” thường hay ăn vụng, bên xứ Hoa Kỳ văn minh này có vô số Mèo móng đỏ cao thấp, mập ốm, trắng đen, nhập cảng hay nội hóa đủ loại xuất hiện trưng bày hàng họ khắp nơi, nhưng nếu chẳng may qúi vị vớ phải con Mèo da màu thì cuộc đời cứ gọi là “đen như mõm chó!” đấy ạ!
Tuy Mèo không có “chỗ đứng” đặc biệt trong văn học, nghệ thuật Việt Nam, nhất là trong giới văn chương bác học, so với những gia súc khác, nhưng đối với giới bình dân, Mèo là con vật khá được ưa chuộng. Bằng cớ là Mèo thường được đem ra ví von với người. Ðối với những kẻ may mắn thuộc loại “chó ngáp phải ruồi” (có nhau mèo chăng?) người ta thường ví như “Mèo mù vớ cá rán”. Nếu trong một tập thể gồm toàn những kẻ nịnh bợ, tâng bốc lẫn nhau kiểu “chị hát em khen hay”, người đời mỉa mai đó là “Mèo khen mèo dài đuôi”. Trong những cuộc tranh đua đôi bên ngang tài, “kẻ tám lạng, người nửa cân”, chưa phân thắng bại, tục ngữ có câu “Chưa biết Mèo nào cắn mỉu nảo”. Chữ “Mỉu” ở đây làm chúng ta liên tưởng đến chữ “Miu” của Ai Cập dùng để chỉ con Mèo! Ðối với hạng “liễu ngõ hoa tường” hay “Trai tứ chiếng, gái giang hồ”, người ta thường gọi là hạng “Mèo mả gà đồng”. Những học trò không có hoa tay, chữ viết nguệch ngoạc thường bị thầy học hay cha mẹ chê viết như “Gà bới, Mèo quào”. Trường hợp một anh chàng đã có vợ, nhưng còn “tòm tem” cô em vợ ở chung, có thể viện lý do chánh đáng “mỡ treo miệng Mèo”. Thông thường, Mèo và chó tuy cùng là gia súc nhưng lại không ưa nhau, gặp mặt là gấu ó nên người ta thường ví “cãi nhau như chó với Mèo”.
Về mặt ăn uống, Người Hoa Kỳ những tay nhà giầu, ăn uống sung sướng được gọi là “Fat cats”. Ðối với người Việt chúng ta, Mèo được coi là ăn ít, đôi khi chỉ liếm láp qua loa còn Cọp nổi tiếng là ăn nhiều, có lúc “sực” hết luôn nửa con bò nên người ta thường ví “Nam thực như hổ, nữ thực như Miêu”. Câu này không rõ có đúng vào thời đại trước, khi các bà các cô còn tụng câu tam tòng tứ đức hay không, nhưng với thời đại văn minh Email “xa lộ điện tử” này, có lẽ cần đổi ngược lại mới đúng! Nếu không tin, qúi vị thử nhìn đa số quí “nữ” hồng hào phốp pháp phom phom đi shopping bên cạnh các đức anh chường tôi nghiệp tong teo như que củi thì rõ. Bà nào bà nấy lúc nào cũng thề sống thề chết là đang “diet” nhưng thân thể phát triển lũy tiến theo chiều ngang giống như cái thùng phuy. Thế mà nói là “thực như miêu” sao được. Trong lúc dó, đức phu quân thả ga cầy hai ba jobs, về nhà lại được hân hạnh cắt cỏ sân ngoài cũng như sân trong đến tóe phở thì còn bụng dạ đâu mà ăn như Cọp được phải không qúi vị?
Kính thưa qúi vị độc giả thân mến của bổn báo, theo đúng kế hoạch dự trù, chúng ta đã tuần tự đánh mạnh, thọc sâu vào quần … chúng Mèo từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, không bỏ sót một mảy lông. Coi như như “Mèo đáo thành công”. Câu chuyện Mèo kể đến đây cũng đã dài phải không qúi vị? “Ngày xuân con én đưa thoi”, thời giờ lại là … đô la, thiết tưởng đã tới lúc tạm chia tay để làm chuyện khác “hợp thời hợp thế” hơn như vụ “Chiếc khăn quàng màu tím nằm dưới đáy rương” của xếp Trương Vô Kỵ tân thời hít hà ao ước được vẽ lông mày cho cô gái Ðồ … Long, hay chải lông … Mèo chẳng hạn. Trước khi “dứt lời”, một lần nữa kính chúc qúi độc giả cùng bửu quyến sang năm mới mọi sự hanh thông, như ý, được Mèo cưng chiều và không bị “quào”. Năm vừa qua cầm tinh con Cọp, tuy mang danh là chúa sơn lâm nhưng vẫn là dã thú. Năm nay, vua Mèo có bản tính hiền lành và gần gũi với người, do đó đời sống thế nào cũng thuận lợi, thoải mái và êm đẹp hơn. Hy vọng những dành dựt, vật lộn, cắn xé đều qua đi cùng với năm Cọp để mọi người chung sống hòa hoãn như bản tính loài Mèo. Cung Chúc Tân Xuân.
Trần Ðỗ Cẩm (Austin, Texas)