Đại Hội VNQDĐ Kỳ III-Chủ Trương và Đường Lối VNQDĐ (Phần 1)
Đại Hội Đại Biểu Việt Nam Quốc Dân Đảng Kỳ III, ngày 7,8,9,10 và 11 tháng 6 năm 2006 tại miền Nam California, Hoa Kỳ đã thông qua Bản Đánh Giá Tình Hình và Chủ Trương, Đường lối của VNQDĐ do Đồng chí Lê Thành Nhân, Tổng Bí Thư Trung Ương trình bày, gồm có 4 phần chính như sau:
Phần 1: Đánh Giá hướng đi của thế giới ngày nay – Toàn Cầu Hóa
Phần 2: Đánh Giá tình hình Việt Nam hiện nay.
Phần 3: Công cuộc đấu tranh của toàn dân giải thể chế độ độc tài CSVN.
Phần 4: Đánh Giá VNQDĐ trước hiện tình, và đề xuất Chủ Trương của Đảng.
Mời qúy vị đọc phần 1: Hướng đi của thế giới ngày nay
Phần 1: Đánh giá hướng đi của thế giới ngày nay.
Nếu chúng ta sống vào đầu thế kỷ thứ 19, thì phải nhìn thế giới lúc bấy giờ là của chủ nghĩa thực dân xâm chiếm thuộc địa để bóc lột tài nguyên và sức lực của các dân tộc bị trị. Nếu chúng ta sống vào thời điểm sau đệ nhị thế chiến năm 1945, thì phải nhìn thế giới đang sống trong Chiến Tranh Lạnh đánh nhau một mất một còn giữa hai khối tự do và cộng sản. Nhưng chúng ta đang sống vào đầu thế kỷ thứ 21, thì chúng ta phải có cái nhìn thế giới đang đi vào Toàn Cầu Hóa (Globalization). Đó là xã hội chúng ta đang sống, đang làm việc, đang hít thở, và đang phấn đấu. Ngày nay những diễn biến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật trên thế giới đang chuyển động trên dòng lưu của Toàn Cầu Hóa (TCH). Vậy để làm sáng tỏ TCH chúng ta sẽ lần lượt nhận định:
Toàn Cầu Hóa là gì?
Sách lược Toàn Cầu Hóa ra sao?
Trở lực hiện nay của Toàn Cầu Hóa như thế nào?
Thế giới sẽ giải quyết những trở lực đó ra sao?
A. Toàn Cầu Hóa là xu thế thời đại:
Những chặng đường lịch sử của thế giới đã qua chứng minh cho ta thấy rằng các nước giàu mạnh về kinh tế, quân sự và chính trị thường đưa ra những sách lược chung cho thế giới, các quốc gia yếu kém, chậm tiến và lạc hậu thường lọt vào quỹ đạo của các thế lực siêu cường. Sự sụp đổ của khối Cộng Sản Liên Bang Sô Viết và các nước Cộng Sản Đông Âu vào đầu thập niên 1990, chấm dứt cuộc Chiến Tranh Lạnh đã kéo dài nửa thế kỷ, đồng thời cũng chấm dứt sự tương tranh đẫm máu trên các chiến trường giành dân lấn đất. Nhờ vào sức mạnh vượt trội về mọi mặt, Hoa Kỳ mặc nhiên trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới trong tình trạng chưa chuẩn bị chu đáo trước sự sụp đổ nhanh chóng của khối cộng sản, đã đưa thế giới vào một khoảng trống to lớn về chính trị và kinh tế cần phải giải quyết.
Khoảng trống này nếu không khỏa lấp được, nó sẽ tạo ra khủng hoảng mới tai họa khôn lường. Trước tình huống đó, bắt buộc những chiến lược gia của các cường quốc trong “Nhóm G-7” (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Ý, Canada – lúc đó chưa có Nga Sô) đứng đầu là Hoa Kỳ phải chuyển hướng sách lược nhằm đưa thế giới vào tình trạng quân bình và ổn định. Từ đó TCH ra đời làm hướng đi cho thế giới. Ngày nay, những năm đầu của thế kỷ 21, TCH đã hội nhập nhanh chóng và rộng khắp trên thế giới. Khi nói đến TCH chúng ta phải đề cập đến bốn phạm trù của sách lược này, đó là Toàn Cầu Hoá Kinh Tế (Globalization of Economic), Toàn Cầu Hoá Chính Trị (Globalization of Politic), Toàn Cầu Hoá Văn Hóa (Globalization of Culture) và Toàn Cầu Hoá Luật Pháp (Globalization of Law). Trong bốn phạm trù này, kinh tế thị trường là mũi nhọn xung kích mở đường cho tiến trình TCH khắp nơi trên thế giới.
1. Trong lãnh vực kinh tế: TCH thực hiện kế hoạch kinh tế thị trường toàn cầu, ở đó các quốc gia trên thế giới phụ thuộc vào nhau về vốn đầu tư; sản phẩm được thông thương xuyên biên giới để phục vụ đời sống con người; trao đổi tin tức và kỹ thuật tối tân để cùng nhau thăng tiến; dùng những định chế tài chính quốc tế để nâng đỡ các quốc gia chậm tiến. TCH lượng giá trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ 21 cuộc sống con người sẽ được nâng cao, số người tư sản trung lưu được tăng lên, nhiều vùng trên thế giới trở nên phồn thịnh, đặc biệt các quốc gia đang lên trong lãnh vực kỹ thuật tin học sẽ giàu mạnh. Hai định chế tài chánh quan trọng như hai cỗ xe chuyên chở TCH đó là Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, IMF (International Monetary Fund). TCH còn lập ra Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, WTO (World Trade Organization) như là một “Chính Phủ Vô Hình” (Invisible Government) với những đạo luật để bảo đảm thương trường quốc tế được công bằng và lưỡng lợi.
2. Trong lãnh vực chính trị: Trước đây, chính trị được khoanh vùng trong một nước, chính quyền mỗi một quốc gia cai quản người dân trong hàng rào biên giới của mình, cho nên những vi phạm nhân quyền mà Liên Hiệp Quốc đã đặt ra đều bị chận lại trong phạm vi lãnh thổ. TCH ra đời thì mọi hoàn cảnh đều thay đổi, kinh tế đã xuyên biên giới tác động sâu rộng vào những sinh hoạt thường nhật của con người, vậy thì chính trị khó có thể đóng cửa biên giới để cai trị độc tài vi phạm nhân quyền được. Dưới điều kiện của TCH, con người đang vươn ra khỏi biên giới để tiếp thu những tư tưởng văn minh và trào lưu chính trị dân chủ từ bên ngoài thúc bách con người đứng dậy đòi hỏi quyền sống, quyền tự do. Đặc biệt là qua những tổ chức thiện nguyện phi chính phủ NGO (Non Government Organization) là tổ chức không biên giới sẽ thu nhận thành viên của bất cứ quốc gia nào, không phân biệt màu da sắc tộc. Đây là cơ hội tốt nhất mà người dân trong chế độ độc tài tham gia NGO để vận động tự do dân chủ cho đất nước mình.
3. Trong lãnh vực văn hóa: Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành tin học qua mạng lưới toàn cầu (internet), điện thư (email), hệ thống truyền hình qua vệ tinh nhân tạo (satellite) đã đem thế giới gần lại với nhau như trong một thôn xóm. Sự trao đổi tin tức nhanh chóng trên thế giới qua những hệ thống thông tin hiện đại làm cho giá trị con người trong thể chế dân chủ được đề cao, sự khác biệt về đời sống và giá trị làm người giữa hai chế độ độc tài và tự do được đánh giá đúng mức, rõ nét. Những giá trị văn minh, văn hoá dưới chế độ tự do dân chủ được hội nhập một cách tự nhiên không gượng ép và cưỡng chế như trong các chế độ độc tài. Những giá trị đó thúc đẩy con người bị bức chế trong chế độ độc tài cảm nhận sự thua thiệt, quyền làm người bị tước đoạt, tự do bị chà đạp, v.v…, từ đó hối thúc họ phải vùng dậy đấu tranh thay đổi đời sống. Hay nói một cách khác, về lãnh vực văn hóa, TCH tác động mạnh mẽ vào tư duy của con người, thúc đẩy sự vùng lên đòi quyền sống, đòi dân chủ, đòi tự do.
4. Trong lãnh vực pháp luật: Cũng giống như chính trị, trước đây luật pháp chỉ có quyền hạn trong phạm vi quốc gia, TCH không thể giới hạn luật pháp trong hàng rào biên giới của một nước nữa, khi mà nền kinh tế vượt biên giới, và nhất là khi thế giới đang chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài thì luật pháp quốc tế là điều cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho giới đầu tư. luật pháp phải minh bạch để bảo đảm cho TCH không bị hiếp đáp bởi các chế độ độc tài hành xử pháp luật tùy tiện. Trong sự tương quan liên đới về quyền lợi giữa các nhà đầu tư, giữa các ngân hàng cho vay nợ nhẹ lãi, giữa giao thương quốc tế muốn được lâu bền thì luật pháp quốc tế bắt buộc phải được đặt ra để bảo đảm nguồn vốn không được thất thoát (như chúng ta đã biết ở Việt Nam qua vụ tham nhũng PMU18 – Project Management Unit 18, ngân hàng thế giới World Bank đã nhúng tay điều tra nhờ dựa những quy luật quốc tế), ngăn chận nạn tham nhũng hoành hành. Trên cơ sở đó, hiện nay thế giới đang có hàng ngàn văn phòng đại diện luật pháp quốc tế để phục vụ cho sách lược TCH.
TCH là bước đi của thời đại, mà hiện nay đã có 149 quốc gia trên thế giới đã gia nhập vào WTO và đang đi trên tiến trình TCH của nhân loại.
B. Sách lược toàn cầu hoá:
Trong gần hai thập niên qua, Hoa Kỳ cùng các cường quốc Tây phương đã mượn diễn đàn Liên Hiệp Quốc vận động các quốc gia trên thế giới để hình thành những đạo luật như: Nhân Quyền, Hạn Chế Vũ Khí Nguyên Tử, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, WTO v.v… hoặc để hoàn chỉnh, nâng cấp những đạo luật đã từng có như Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, v.v…tất cả những định chế này nhằm mục đích để thực hiện TCH trong thế kỷ thứ 21. TCH manh nha từ giữa nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Ronal Reagan, ông chủ trương phổ biến “Những Giá Trị Của Người Mỹ” như kỹ thuật truyền thông, kỹ thuật điện toán vi tính, hệ thống xa lộ điện tử toàn cầu internet, những kỹ thuật hiện đại khác, và những giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền cần được đem đến mọi nơi trên thế giới, ở đó Hoa Kỳ đóng vai nhà thầu cung cấp “Những Giá Trị của Người Mỹ” cho toàn cầu qua ngõ kinh tế thị trường. Trong khi đó tại Anh Quốc, bà Thủ tướng Margaret Thatcher chủ trương “Kinh Tế Thị Trường Là Cẩm Nang của Thời Đại”. TCH thực sự lớn mạnh sau khi khối cộng sản sụp đổ vào đầu thập niên 1990. Qua hơn hai thập niên, với bốn đời Tổng thống Mỹ, chúng ta tận mắt nhìn thấy hầu hết các quốc gia trên thế giới kể cả những nước độc tài cộng sản còn sót lại đều bước chân vào dòng lưu của TCH qua đường “đổi mới” gia nhập kinh tế thị trường, dù còn cái đuôi định hướng XHCN đi nữa thì nền kinh tế thị trường này đã tách lìa một chân ra khỏi đôi chân của chế độ độc tài chủ nghĩa cộng sản.
Ngày nay thế giới khẳng định rằng cuộc chiến thắng vĩ đại của của khối tự do trong Chiến Tranh Lạnh không phải nhờ vũ khí tối tân mà nhờ vào giá trị của “tự do dân chủ và kinh tế thị trường”. Những giá trị chính đáng ấy là nền tảng vững chắc cho xu thế thời đại. Sau Chiến Tranh Lạnh, TCH ra đời tấn công vào thành trì của các nước độc tài còn sót lại bằng cách nâng cao giá trị của xã hội tự do qua các phương tiện truyền thông hiện đại, qua sự giao thương viện trợ, qua đường ngoại giao chuyển hoá, và qua sức mạnh kinh tế, đồng thời họ cũng can thiệp vào vấn đề vi phạm nhân quyền ở bất cứ phần đất nào trên thế giới. Và nếu cần thì sẽ có những biện pháp cảnh cáo hoặc chế tài như đưa vào danh sách các nước đáng quan tâm (CPC), hoặc cấm vận kinh tế v.v…
Khi hỏi rằng Hoa Kỳ và các cường quốc Tây phương thực hiện TCH như thế nào? Câu trả lời tốt nhất là TCH thực hiện dưới hình thức mậu dịch hoán chuyển những hàng hoá kỹ thuật cao khắp nơi trên toàn cầu đồng thời nhập cảng những nhu yếu phẩm từ các quốc gia có nhân công rẻ qua ngõ kinh tế thị trường, ở đó Đạo Luật Thương Mại Thế Giới, WTO được xử dụng như một “vũ khí mới” tấn công vào bất cứ quốc gia nào bước vào sân chơi kinh tế thị trường nhưng vẫn giữ cung cách làm ăn thiếu minh bạch. Họ quan niệm rằng chính trị và kinh tế là đôi chân để vận hành quốc gia, đã vào kinh tế thị trường tự do thì sớm muộn gì chính trị cũng phải dân chủ hóa mới phát triển được. TCH định hình những khối hợp tác cùng chung khu vực, bề ngoài các khối này mang tính hợp tác thương mãi nhưng thực chất đó là sự thành hình của TCH khởi đi từ khu vực như Khối Bắc Mỹ, Khối Nam Mỹ Châu, Khối Liên Hiệp Âu Châu, Khối Châu Á Thái Bình Dương, Khối Bắc Phi, v.v…những quốc gia trong khu vực muốn làm ăn thì phải san bằng những dị biệt cục bộ, hòa mình vào quyền lợi chung của toàn khối để cùng nhau tìm kiếm những phương cách hữu hiệu có lợi cho sự ổn định và phát triển khu vực nói chung và quốc gia nói riêng. Sự định hình này đều nằm trong cái dù của Hoa Kỳ và các nước G7 (Nga Sô mới gia nhập thành G8, nhưng chưa đủ ảnh hưởng sâu rộng khu vực) mỗi nước đều có ảnh hưởng sâu rộng đến khu vực của mình.
C. Những trở lực của toàn cầu hoá:
Trong khi thế giới dùng TCH biểu hiện một giai đoạn văn minh của xã hội loài người, chấm dứt các giai đoạn bộ lạc, giai đoạn quốc gia cực đoan, giai đoạn mâu thuẫn trên thế giới vì ý thức hệ. TCH tạo điều kiện giúp loài người tiến đến hợp tác với nhau, chung sống hòa bình, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, hợp tác lưỡng lợi, đề cao tự do dân chủ, và tôn trọng nhân quyền. Nhưng con đường TCH không phải là đại lộ thênh thang mà đang đối diện với những thách đố nghiêm trọng. Sau khi khối cộng sản Sô Viết tan rã, nhiều quốc gia trên thế giới bị thống trị bởi chế độ cộng sản đã nhanh chóng cởi bỏ nền chính trị độc tài và đổi mới kinh tế tự do để xác định vị trí của mình cho phù hợp với trào lưu mới của thế giới. Trong khung cảnh chính trị đầy phức tạp đó, Hồi Giáo cực đoan, cộng sản Trung Quốc bá quyền, cộng sản Việt Nam, Bắc Hàn, Cu Ba không chịu gia nhập vào tiến trình tự do dân chủ, vẫn duy trì chế độ độc tài đảng trị, nó không những tước đoạt ước vọng tự do dân chủ của chính nhân dân họ, mà là trở lực cho TCH. Hiện nay những trở lực trên đường thực hiện TCH là:
1. Trung Quốc một quốc gia còn lại dưới chế độ cộng sản, lợi dụng TCH, một chân bước vào kinh tế thị trường để làm giàu kinh tế và hiện đại quân sự, nhưng chân kia vẫn giữ chính trị độc tài đảng trị. Mặc dù kinh tế đã mạnh, nhưng Cộng Sản Trung Quốc muốn tách khỏi dòng lưu TCH, đang biến màu từ một nước “cộng sản đỏ” qua một nước “độc tài xám” với thuyết “Ba Đại Biểu” trong quyết tâm tái dựng chủ nghĩa bành trướng Đại Hán bá quyền. Lợi dụng trong lúc Hoa Kỳ và thế giới tự do bận tâm với cuộc chiến chống khủng bố thì Trung Quốc vận động nâng cao uy thế của mình trên chính trường quốc tế bằng những hiệp ước kinh tế và quân sự đầy thiện chí dùng để ngụy trang cho chủ nghĩa bá quyền kiểu mới với mục tiêu ngắn hạn là tạo thế đối lực với Hoa Kỳ ở Châu Á Thái Bình Dương, và lâu dài hất cẳng Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo thế giới.
2. Các thế lực khủng bố mang khẩu hiệu “thánh chiến” để lợi dụng khối Hồi Giáo với dân số trên 1 tỷ người, đang nắm trong tay những kho vàng đen to lớn để chống người Tây phương. Còn may, cuộc hô hào “thánh chiến” này không được sự hưởng ứng của đại khối Hồi Giáo ôn hòa, chỉ những phần tử Hồi Giáo cực đoan quá khích đã chọn con đường khủng bố, họ bất chấp luật lệ quốc tế ngày đêm cố tạo vũ khí giết người hàng loạt để hủy diệt các thành phố đông dân trên thế giới. Bên cạnh đó, những thành phần tôn giáo cuồng tín nổi lên đòi tự trị, gây chiến tranh triền miên như Tigers ở Sri Lanka, Hồi Giáo ở Nam Thái Lan, Muslim ở Phi Luật Tân. Chắc chắn rằng Hoa Kỳ và đồng minh phải giải quyết rốt ráo những hiểm họa này thì nhân loại mới sống trong cảnh thanh bình được.
3. Các quốc gia vẫn bị cai trị dưới chế độ độc tài như Việt Nam, Cu Ba, Lào, Miến Điện mặc dù không có quân khủng bố, cũng không thủ đắc những vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng có những vận động chính trị nghiêng về phía Trung Quốc, và bào chữa cho quân khủng bố. Đặc điểm của các nước này đang bị bám giữ bởi một chế độ độc tài toàn trị vi phạm nhân quyền trầm trọng, đó là nguyên nhân phát sinh bất ổn và mầm mống chiến tranh trong khu vực. Những nước này gây trở ngại cho TCH vì thiếu sự hợp tác lương thiện trong việc ổn định khu vực và lãnh đạo của họ chịu ảnh hưởng của bá quyền Trung Quốc đã làm cho Trung Quốc như hổ thêm nanh, như rồng thêm cánh.
4. Trong những năm gần đây số quốc gia Nam Mỹ như Bolivia, Venezuela, Ecuador, Peru theo chế độ dân chủ và kinh tế thị trường bỗng dưng nổi lên có những thay đổi khác lạ đến nỗi dư luận thế giới quan tâm rằng tư tưởng “Xã Hội Chủ Nghĩa” đang hồi sinh tại các nước Châu Mỹ La Tinh. Những nhà lãnh đạo các nước này có thái độ thiên tả, có những hành động và những lời tuyên bố đả kích Hoa Kỳ và các nước Tây phương, đây là một trở lực đang tiến đến sân sau Hoa Kỳ, một cường quốc đang dẫn đầu TCH.
5. Ngoài những trở lực cho TCH như đã nêu ra ở trên thì tự thân TCH cũng có những cản trở nhất định của chính nó là một số quốc gia lợi dụng TCH để bóc lột nhân công rẻ mạt các quốc gia kém mở mang để trục lợi, khai thác tài nguyên các quốc gia chậm tiến một cách bừa bãi bất kể ô nhiễm môi sinh, lợi dụng ưu thế của mình chèn ép các nước nhỏ để đạt nhu cầu giai đoạn.
Những trở lực trên không những kìm hãm tiến trình TCH trong hiện tại mà còn là nguy cơ đổ vỡ TCH trong tương lai, nếu TCH không được vận hành khôn khéo và thực hiện trên tinh thần trách nhiệm.
D. Giải quyết những trở lực của Toàn Cầu Hoá.
TCH chủ động bởi Hoa Kỳ ở đó cả hai đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa mặc dù có khác nhau về chiến thuật cho phù hợp từng giai đoạn nhưng đều có chung một mục đích là thực hiện TCH, cho đến năm 2001 Tổng Thống George W. Bush xem TCH như một quốc sách. Đi đâu, bất cứ bài diễn văn nào ông cũng hô hào và cổ động cho tự do dân chủ và nhân quyền như lẽ sống của thời đại, ông đã tuyên bố rằng: “khi mà các bạn đứng lên vì tự do của mình, chúng tôi sẽ đứng về phía của các bạn”.
TCH chủ trương tự do dân chủ, tôn trọng nhân quyền qua đối thoại, ngoại giao, viện trợ và hợp tác để tháo gỡ những xung đột trên thế giới, nếu những quốc gia đi ngược lại với xu thế thời đại thì Hoa Kỳ và đồng minh cũng dùng “diễn biến hoà bình” để giải quyết chứ không dùng súng đạn như thời Chiến Tranh Lạnh. Trên chiều hướng đó, TCH đã tích cực hỗ trợ và đã thành công trong việc giải thể nhiều chế độ độc tài cộng sản chuyển sang chế độ tự do dân chủ bằng những cuộc cách mạng màu da cam, màu hồng, màu hoa tulip, hoặc cách mạng nhung như ở các quốc gia vùng Trung Á và Đông Âu. TCH quan niệm rằng giải pháp ngoại giao dùng “diễn biến hoà bình” là thượng sách, nhưng khi biện pháp ngoại giao không đạt kết quả thì một giải pháp quân sự cần để chận đứng những hiểm họa chiến tranh là điều cần thiết, đó là trường hợp xẩy ra ở Afghanistan và Iraq. Muốn thực hiện thành công TCH trước thế kỷ thứ 21, thì phải chuyển biến những vùng đất rủi ro đầy bất trắc và lắm thù hận trở nên hoà bình ổn định để hội nhập vào xu thế của thời đại. Muốn như thế, thì thế giới cần quét sạch những chế độ độc tài cộng sản còn sót lại và khử trừ các thế lực khủng bố của các thế lực tôn giáo cực đoan quá khích.
Để thực hiện TCH, trước mắt Hoa Kỳ và đồng minh một mặt phải đương đầu với trận chiến khủng bố, mặt khác đối đầu với sự lớn mạnh đang đe dọa của Trung Quốc đồng thời tiến hành dân chủ hóa của các nước độc tài cộng sản còn sót lại.
1. Cuộc chiến chống khủng bố:
Biến cố 9/11/2001 là tiếng sét đánh thức con Đại Bàng với đôi chân dương móng vuốt bấu lên quả địa cầu, lịch sử Hoa Kỳ lật qua một trang sử mới, cuộc chiến thắng vẻ vang của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh tại Afghanistan và Iraq đập tan sào huyệt của quân khủng bố Al- Qaeda, tiêu trừ chế độ độc tài cường bạo Saddam Hussein. Hoa Kỳ tự hào đã chiến thắng nhanh chóng quân Taliban trong vòng mấy tháng, đặt chân đến vùng đất Afghanistan mà cường quốc số một cộng sản Sô Viết đã mất 10 năm không thắng nổi, rút cuộc phải tháo chạy. Mục đích hai cuộc chiến này một phần để diệt trừ sào huyệt khủng bố nhưng phần chính là tái phối trí lực lượng trong chiến lược TCH để đặt viên đá dân chủ lên vùng đất Trung Á và Trung Đông, vùng đất sa mạc cằn cỗi chỉ có hai thứ là dầu hỏa và giáo điều cực đoan, một thứ rất đáng giá và thứ kia thì đáng sợ cần hủy diệt. Mục tiêu xa hơn nữa của cuộc chiến Afghanistan là chuyển dần biên giới TCH đến sát cạnh sườn Trung Quốc đồng thời tiêu diệt những bạo chúa cần sa hàng năm chuyển lậu đến Hoa Kỳ hàng ngàn tấn ma dược tác hại con người. Mục tiêu ẩn tàng sâu xa trong cuộc chiến Iraq là để chặt đứt tình hữu nghị keo sơn giữa Iraq-Trung Quốc trong thế đồng tính độc tài với chất vàng đen pha trộn với Hán Tộc bá quyền. Hiện nay, một Iran, trong “trục ma quỷ” đang vùng vẫy giữa hai gọng kềm dân chủ Iraq và Afghanistan, rất hung hăng dựa thế Nga Sô và Trung Quốc liều lĩnh chế bom nguyên tử để xóa Do Thái ra khỏi bản đồ thế giới. Sự ngông cuồng này đang gây rối cho Liên Hiệp Quốc và nếu không khéo giải quyết nó sẽ là một hiểm họa chiến tranh cho nhân loại.
2. Trung Quốc mối đe dọa mới:
Với một Trung Quốc lớn mạnh về kinh tế, hiện đại hoá quân sự là một mối đe dọa cho vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ, đồng thời là một nước cố giữ chính trị độc tài đảng trị nên là trở lực của Toàn Cầu Hóa. Gần 20 năm qua Hoa Kỳ đã có những đối sách với Trung Quốc như sau:
a. Từ thập niên 1990, Tổng thống George Bush và đến Tổng thống Clinton đều dùng “chiến lược đối tác” (Strategy of engagement) làm ăn với Trung Quốc (China first), họ lý luận rằng Liên Sô và các nước Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, là do sức ép liên tục về kinh tế và chính trị từ các nước tự do Tây phương đứng đầu là Hoa Kỳ, trận chiến này gọi là “diễn biến hoà bình” (Peaceful Revolution). Do đó, họ muốn đem áp dụng vào các nước cộng sản còn sót lại tại châu Á, họ cho rằng kinh tế thị trường theo định hướng XHCN sẽ nâng cao mức sống của người dân, từ đó nhiều người sẽ trở thành giai cấp tư sản trung lưu và đó là điểm đột phá mở ra một thể chế chính trị dân chủ. Nhưng không ngờ, nó chỉ đúng ở các nước cộng sản Châu Âu, còn đối với các nước cộng sản Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam chỉ đúng một phần là kinh tế thị trường tạo ra những lớp tư sản trung lưu mới thật, nhưng phần đông trong số trung lưu đó là đảng viên của cộng sản đỏ hoặc thân nhân của họ, cho nên cả mấy chục năm qua cái bọc độc tài cộng sản vẫn còn nguyên chẳng thấy dân chủ đâu cả. Họ đã tính sai! và chính sự sai lầm đó đã biến Trung Quốc ngày nay trở thành mối đe dọa đối với Hoa Kỳ nói riêng và cả thế giới nói chung.
b. Nhận thấy được điều đó, năm 2001, khi George W. Bush trở thành Tổng thống, những chiến lược gia của Washington là thành phần “tân bảo thủ” đã hoạch định chính sách an ninh của Hoa Kỳ như sau:
- Trước biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001: Hoa Kỳ xem Trung Quốc là mối lo ngại an ninh hàng đầu, nên chính sách của Hoa Kỳ là kiềm chế không cho phép Trung Quốc thay đổi nguyên trạng hiện thời tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt tình trạng eo biển Đài Loan; chính sách này gọi là “chiến lược đối đầu” (Strategy of containment). Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bắt đầu lạnh nhạt, và hoàn toàn cắt đứt sau vụ chiếc máy bay thám thính Hoa Kỳ EP-3 đụng chiến đấu cơ của Trung Quốc ngày 1-04-2001 phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam của Trung Quốc.
- Khi thảm họa khủng bố 9/11/2001 xảy ra, các nhà hoạch định sách lược Hoa Kỳ dù có “tân bảo thủ” đến đâu cũng phải xét lại chính sách của mình để triển khai cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đang đặt ưu tiên hàng đầu. Trong tình huống này, các chiến lược gia Hoa Kỳ nghĩ rằng nếu áp dụng thuần nhất “chiến lược đối đầu” hoặc “chiến lược đối tác” với Trung Quốc đều bất lợi. Vì rằng nếu Hoa Kỳ dùng thuần “chiến lược đối tác” thì chẳng khác gì đang nuôi con hổ trước cửa, nhưng nếu cứng nhắc trong “chiến lược đối đầu” thì chẳng khác gì một lúc phải đối đầu với hai con sói khủng bố và bá quyền rất bất lợi, do đó một chiến lược mới ra đời là “Strategy of congagement” (tạm dịch chiến lược vừa đối đầu vừa đối tác), congagement là phối hợp giữa hai chữ containment và engagement, nói lên chính sách vừa “đối đầu” vừa “đối tác” cùng một lúc. Điển hình như trong cuộc chiến chống khủng bố, Hoa Kỳ dùng chính sách ngoại giao “đối tác” để được Trung Quốc hợp tác trong lãnh vực chia xẻ tin tức tình báo và giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân ở Bắc Hàn, nhưng cũng tiếp tục cùng với Nhật Bản ký hiệp ước bảo vệ Đài Loan bao vây Trung Quốc đó là chiến lược “đối đầu”.
- Gần đây, vào ngày 06/02/2006, Ngũ Giác Đài đã công bố Sách Lược Quốc Phòng Bốn Năm của Hoa Kỳ (Pentagon’s Quadrennial Defense). Kế sách của Hoa Kỳ hiện nay chia làm hai trận tuyến trên toàn cầu: Thứ nhất, Chiến Tranh Trường Kỳ (Long War), trận chiến này có thể kéo dài cả hàng chục năm để chống khủng bố, ngăn chận những quốc gia chế vũ khí giết người hàng loạt, ổn định an ninh nội bộ Hoa Kỳ (Homeland Security) và các quốc gia đồng minh. Thứ hai, đối phó với sự đe dọa của Trung Quốc (China Threats). Để thực thi sách lược mới này, Hoa Kỳ bỏ ra một ngân sách quốc phòng hơn 400 tỉ Mỹ Kim cho tài khóa 2006 để thực hiện “Chiến Tranh Trường Kỳ” và tăng cường Hạm Đội 7 ở Châu Á Thái Bình Dương để đối đầu với thế lực bành trướng của Trung Quốc.
3. Còn đối với những nước độc tài cộng sản còn sót lại và các nước đang có khuynh hướng “thiên tả” ở Nam Mỹ, thì Hoa Kỳ và đồng minh đang tạo điều kiện để họ gia nhập vào TCH. Nếu không nó sẽ ảnh hưởng đến các nước Châu Mỹ La Tinh và có thể đến các nước Châu Phi nữa, lúc đó thế giới không còn nằm trong trật tự Toàn Cầu Hóa nữa mà nó trở nên những đóm lửa khắp trên thế giới khó dập tắt được.
Thế giới chúng ta đang sống, nhân loại đang chuyển động trên hướng đi của TCH, những thuận lợi và trở lực đã được đưa ra để đánh giá, phần kế tiếp chúng ta đánh giá Việt Nam đang đứng ở đâu trước Toàn Cầu Hóa hiện nay.
[Bấm chuột vào đây đọc phần 2: Đánh Giá tình hình Việt Nam hiện nay]