Cựu Giám đốc CIA: Bất hòa Mỹ-Trung về Biển Đông là ‘thảm họa’

Cựu giám đốc CIA Michael Hayden

Tờ The Guardian mới đây trích lời Tướng Michael Hayden, cựu giám đốc Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ CIA, cựu giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia NSA, nói rằng Biển Đông đang trở thành một khu vực ngày càng nhiều tranh chấp, và nếu không được giải quyết thoả đáng, việc này có thể mang lại những hậu quả tàn khốc trong những năm tới.
Ông Hayden cũng cho rằng khủng bố không phải là một “mối nguy sinh tử” với nước Mỹ. Ông lo ngại liệu có phải Mỹ quá bận tâm với cuộc chiến chống khủng bố mà không nhìn thấy một vấn đề lớn hơn và nghiêm trọng hơn hay không. Cụ thể, Trung Cộng dường như sẽ còn trỗi dậy trong nhiều năm nữa và Mỹ có vẻ đang ứng phó sai với sự gia tăng sức mạnh đó.

The Guardian trích lời Tướng Hayden nói rằng “Nếu ta đi thêm 10 năm nữa, đó chính là Trung Cộng. Tôi không nói Trung Cộng là một kẻ thù của Mỹ. Tôi đơn giản chỉ nói là nếu chúng ta không ứng phó tốt với sự nổi lên của Trung Cộng, đó sẽ là một thảm họa cho thế giới”.

Ông William Jones, một thành viên của tuần san chuyên về tình báo Executive Intelligence Review ở Leesburg, tiểu bang Virginia, cũng đồng ý về vấn đề này. Ông cho rằng tình hình Biển Đông, nơi có những tranh chấp gay gắt về chủ quyền biển và đảo giữa Trung Cộng, Việt Nam, Philippines, Đài Loan và một số nước khác, đang dẫn đến “giai đoạn tiền chiến tranh”.

Ông Jones nói với Press TV trong một cuộc phỏng vấn: “Đây là một tình trạng hết sức nghiêm  trọng và chúng ta đã thấy điều đó hồi đầu thế kỷ 20, dẫn đến Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, và chúng ta thấy rằng tình hình hiện nay ngày càng có tính đối đầu hơn.”

Dù đang là tâm điểm của nhiều chỉ trích chính trị vì các hành động hung hăng hay xâm lấn ở Biển Đông, song Trung Cộng không xuống thang trên bất cứ lĩnh vực gì. Ngược lại, Trung Cộng phê phán các nước về các nỗ lực quân sự có thể có của họ ở khu vực tranh chấp, kể cả đưa ra cảnh báo đối với Philippines khi nước này mới đây thuê máy bay của Nhật Bản để tuần tiễu ở Biển Đông.

Trong một bài xã luận được tờ Khmer Times của Campuchia đăng tải ngày 13/3, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ của Việt Nam, nhận định “Nếu chúng ta để Trung Cộng tiếp tục thực hiện hành động hung hăng ở Biển Đông đe dọa các nước khác và coi thường luật pháp quốc tế để bảo vệ hòa bình thế giới, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ ném vào sọt rác các nguyên tắc cơ bản và các giá trị nhân loại phổ quát, cũng như Hiến chương Liên Hiệp Quốc”.

Tiến sỹ Trục nói đã đến lúc các bên liên quan như Việt Nam, Mỹ, Philippines và Nhật Bản lên tiếng tại các diễn đàn Liên Hiệp Quốc để ngăn ngừa các hậu quả hủy diệt của căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và bảo vệ luật pháp cũng như công lý.

Ông Trục nói ông tin chính quyền của Tổng thống Obama sẽ cân nhắc đưa vấn đề Biển Đông ra Hội đồng Bảo an LHQ và các diễn đàn khác. “Công lý và công luận cũng quan trọng và hiệu quả không khác gì các vũ khí mà Trung Cộng đã đặt ở Biển Đông, nhưng giải quyết những vấn đề còn tồn tại cần sự đoàn kết, và có hành động chung,” ông nhấn mạnh.

Riêng về những gì Việt Nam cần làm, cựu Trưởng ban Biên Giới Việt Nam cho rằng “Việt Nam cần tăng cường hợp tác và thúc giục các nước thành viên ASEAN thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin. Việt Nam cần nêu các sáng kiến duy trì nguyên trạng, ngăn ngừa xung đột và duy trì hòa bình, ổn định, cũng như tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông”.

Tình hình căng thẳng khác thường trong một thời gian ngắn vừa qua ở Biển Đông đã gây chú ý tới cả Liên hiệp châu Âu. Trong một tuyên bố hôm 11/3, EU kêu gọi chấm dứt quân sự hóa ở Biển Đông, sau khi Trung Cộng đặt hỏa tiễn ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền song trên thực tế bị Trung Cộng kiểm soát.

EU nói họ không đứng về bên nào trong các tranh chấp biển nhưng muốn các bên giải quyết tuyên bố chủ quyền một cách hòa bình.

“Điều động các lực lượng hay thiết bị quân sự tạm thời hay lâu dài trên các thực thể trên biển có tranh chấp mà ảnh hưởng đến an ninh khu vực và có thể đe dọa tự do hàng hải và hàng không là một mối lo ngại lớn”, EU tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh “EU kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, làm rõ cơ sở của tuyên bố chủ quyền của họ, và theo đuổi các tuyên bố đó phù hợp với luật quốc tế, kể cả Công ước LHQ về luật biển và các thủ tục trọng tài của LHQ”.

Theo The Guardian, PressTV, Morning News USA, Khmer Times, Rappler

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt