Cựu BTQP Mỹ Robert Gates giải thích vì sao sa lầy ở Afghanistan

Tiến sĩ Robert Gates: Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng dưới thời George W.  Bush và Barack Obama. Cựu Giám Đốc Tình Báo CIA Hoa Kỳ  -Viện Trưởng Đại Học A&M tại Texas 

Không nhiều người có đủ thẩm quyền như cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates để giải thích hành vi của chính phủ Hoa Kỳ ở Afghanistan.

Ông Robert Gates chỉ huy cả hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan từ năm 2006-2011 dưới thời George W Bush và Barack Obama.

Tháng Sáu năm 2020, ông ra mắt sách Exercise of Power: American Failures, Successes, and a New Path Forward in the Post-Cold War World.

Trong chương sách về Afghanistan, ông nhận xét Mỹ lẽ ra cần rút sớm khỏi Afghanistan.

“Bắt đầu là một trong những chiến dịch quân sự nhỏ nhất, ít tốn kém nhất, ngắn nhất, thành công nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, và rồi đã biến thành một cuộc xung đột kéo dài nhiều thế hệ, cuộc chiến dài nhất trong lịch sử của chúng ta.”

“Mọi thứ trở nên sai lầm vì những lý do tương tự thời hậu Chiến tranh Lạnh: sự kiêu ngạo khi tin rằng chúng ta có sức mạnh để biến đổi một đất nước và nền văn hóa, những sai lầm chiến lược và sự yếu kém của các công cụ quyền lực phi quân sự của chúng ta, những thứ rất cần thiết cho cơ hội thành công.”

Chiến thắng ‘tuyệt vời’ ban đầu

Chiến dịch quân sự sau ngày 9/11/2001 ở Afghanistan nhằm lật đổ Taliban và tiêu diệt al-Qaeda đã thành công lớn.
Ngày 7 tháng 10 năm 2001, Chiến dịch Tự do Bền vững bắt đầu. Tổng thống Mỹ George W. Bush thông báo rằng Mỹ và Anh đã bắt đầu không kích vào các mục tiêu của Taliban và al Qaeda ở Afghanistan.
Ngày 13 tháng 11 năm 2001, Kabul của Taliban thất thủ. Sang đầu tháng 12, Taliban để mất thành trì cuối cùng là Kandahar. Ngày 22 tháng 12 năm 2001, Hamid Karzai tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời.

Robert Gates viết: “Đó là một thành tựu ngoại giao và quân sự đáng kinh ngạc của Hoa Kỳ. 11 lính Mỹ đã thiệt mạng, 35 người bị thương. Mục tiêu của chúng tôi đã đạt được với tốc độ đáng kinh ngạc, chi phí quân sự Mỹ rất nhẹ và ít thương vong đáng kể. Thành công là do việc thực thi sức mạnh quân sự và ngoại giao phi thường.”

Tuy vậy, Hoa Kỳ muốn làm điều to lớn hơn. Theo Tổng thống Bush, “đã giải phóng đất nước khỏi một chế độ độc tài sơ khai, và chúng ta có nghĩa vụ đạo đức là phải để lại thứ gì đó tốt hơn. Chúng ta cũng có lợi ích chiến lược trong việc giúp đỡ người dân Afghanistan xây dựng một xã hội tự do.”

Theo Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld vào ngày 6 tháng 11 năm 2001, đã điện thoại cho Bush: “Theo quan điểm của tôi, cần giới hạn nhiệm vụ của mình là truy bắt những kẻ khủng bố đang tìm đường đến Afghanistan. Chúng ta không nên tốn công vào việc biến đổi Afghanistan.”

Gates không biết Rumsfeld bày tỏ quan điểm thận trọng này mạnh mẽ đến mức nào, nhưng lo ngại của Rumsfeld đã tỏ ra chính xác.

Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfield

Gates giải thích Washington khi đó rút ra bài học liên kết sự ra đi của quân đội Liên Xô và Taliban lên nắm quyền: khoảng trống quyền lực dẫn đến nội chiến và chiến thắng của Taliban.

Hoa Kỳ nghĩ rằng nếu Hoa Kỳ rời khỏi Afghanistan sau khi lật đổ Taliban, điều đó có thể sẽ lại dẫn đến khoảng trống và sự trở lại của các phần tử cực đoan. Quả thực giai đoạn đầu từ 2002 – 2005 tỏ ra sáng sủa.

Tổng thống Karzai dường như đã làm việc được với các nhóm sắc tộc, các trường học được mở cửa cho trẻ em gái, phụ nữ bắt đầu tham gia vào cả quá trình kinh doanh và chính trị, truyền thông mở cửa.

Tình hình đất nước được cải thiện đến mức hàng triệu người tị nạn trở về nhà. Trong thời kỳ này, không bao giờ có hơn 15,000 lính Hoa Kỳ đồn trú tại đây.

Tuy nhiên, Robert Gates cho hay, tình báo Hoa Kỳ không nhận thấy rằng sau khi Taliban bị trục xuất khỏi Afghanistan vào năm 2001, họ đã tập hợp lại ở Pakistan, tái thiết và tái trang bị lực lượng.

Cuộc chạm trán của Mỹ với Taliban đang hồi sinh, diễn ra ở miền đông Afghanistan vào ngày 28 tháng 6 năm 2005. Lúc ấy, 19 lính Mỹ thiệt mạng. Đến cuối năm 2006, quân số Hoa Kỳ đã phải tăng lên khoảng 21,000 người rồi tăng lên 31,000 vào cuối năm 2007.

Phiến quân Taliban

Tăng quân

Từ 2006 trở đi, trong vai trò Bộ trưởng quốc phòng, Robert Gates là người luôn đề xuất tăng quân.

Sau khi tân tổng thống Barack Obama kiểm tra tình hình từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2009, tổng thống đã chấp thuận gửi thêm 17,000 quân và thêm 4,000 cố vấn. Việc này đã nâng mức quân số của Hoa Kỳ tại Afghanistan lên 68,000 người. Sau đó, Obama đồng ý gửi thêm 30,000 lính Mỹ và yêu cầu đồng minh cung cấp thêm 7,000 – 8,000 quân.

Chỉ trong ba năm, 2006-2009, số lượng quân nhân Mỹ ở Afghanistan đã tăng gấp 4 lần lên gần 100,000 người.

Vào ngày 9 tháng 10 năm 2009, giám đốc CIA Leon Panetta nhận xét, “Chúng ta không thể rời đi, và cũng không thể chấp nhận hiện trạng”. Câu nói gợi nhớ về lời than thở của cố vấn cho Gorbachev, Anatoly Chernyaev, về Afghanistan 20 năm trước đó: “Chúng tôi đã bị kéo vào và bây giờ không biết làm thế nào để bò ra.”

Thất bại

Robert Gates nói khó khăn lớn nhất chính là nội bộ Afghanistan.

“Tiền bẩn và tham nhũng từ việc buôn bán ma tuý tràn qua Afghanistan, với các quan chức chính phủ, lãnh chúa và quân nổi dậy, bao gồm cả Taliban, kiếm lợi. Mặc dù có một số thành công hạn chế, các chương trình chống ma tuý, trước tiên là của người Anh và sau đó là người Mỹ, nhìn chung là một thất bại.”

Quân du kích Taliban

Theo Gates, người Mỹ và nước ngoài cũng không chịu chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Ông gọi đó là “sự thất bại trong việc chia sẻ thông tin về chiến lược, dự án và chương trình nào đang hoạt động và điều nào không hiệu quả, không thể phối hợp các dự án do chính phủ Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các quốc gia đóng góp khác thực hiện”.

Đến năm 2007, có lẽ đã có hơn 100 tổ chức nước ngoài cố gắng giúp người Afghanistan phát triển một chính phủ hiệu quả, cải thiện cơ sở hạ tầng…Nhưng họ dường như không thích chia sẻ thông tin về những nỗ lực của mình với những người khác.

Ông Gates viết: “Cơ hội để học hỏi lẫn nhau đã bị mất; chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội áp dụng các bài học kinh nghiệm ở một nơi khác.”

Nhìn lại, Gates nói về những điều tích cực mà quốc tế đã làm được cho Afghanistan.

Năm 2001, có một triệu học sinh tại các trường học ở Afghanistan, tất cả đều là nam. Năm 2017, có 8,4 triệu học sinh, 40% trong số đó là nữ.  Tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 87 trên 1,000 năm 2005 xuống còn 55 trên 1,000 vào năm 2015.

Người Afghanistan đã tiếp tục tổ chức bầu cử theo lịch trình khá nhiều kể từ năm 2004. Một số phụ nữ tham gia vào kinh doanh và chính trị.

Nhưng Gates cho rằng lẽ ra Hoa Kỳ đã nên rút khỏi Afghanistan ngay từ năm 2002.

“Để khuyến khích cải cách, phát triển thể chế, pháp quyền, quyền con người và chính trị, và tự do, tôi tin rằng chúng tôi – và người Afghanistan – lẽ ra tốt hơn nếu quân đội của chúng tôi rút đi vào năm 2002 và sau đó thì dựa vào các công cụ quyền lực phi quân sự, và dựa vào kiên nhẫn.”

“Đầu năm 2002, Afghanistan có một chính phủ đa đảng được quốc tế công nhận, một số quốc gia cam kết hỗ trợ cả về phát triển và an ninh, và như tình hình trên thực tế phản ánh, đã có thời gian 3 năm trước khi Taliban tái chiến.”

“Nếu không có quân đội nước ngoài ở đó và các nhà lãnh đạo chính trị Afghanistan phải tự lực, thì biết đâu chính phủ Afghanistan sẽ có được sự ủng hộ rộng rãi hơn nhiều, ngay cả ở phía nam và phía đông, khi Taliban cố gắng trở lại? Biết đâu các bên Afghanistan, bao gồm cả Taliban, sẽ thỏa hiệp với nhau?”

“Không có cách nào để biết liệu cách tiếp cận này có dẫn đến một kết quả khác hay không, nhưng phương pháp kia có kết quả thế nào thì đã quá rõ. Một trong những bài học lâu dài của Chiến tranh Lạnh và sự sụp đổ của Liên Xô là sự thay đổi lâu dài trong một quốc gia sẽ chỉ đến từ bên trong, mặc dù thay đổi có thể được khuyến khích và thúc đẩy thông qua việc sử dụng các công cụ quyền lực phi quân sự theo thời gian.”

Gates đau buồn: “Lẽ ra chúng tôi nên ghi nhớ điều đó ở Afghanistan sau chiến thắng quân sự ban đầu của chúng tôi.”

Theo BBC

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt