Cướp tàu cá Việt Nam là cách Trung Cộng thể hiện quyền lực và sức mạnh đối với Hoàng Sa

Ảnh minh họa.

Ngày 2/6 vừa qua một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Nam khi đang đánh bắt cá ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Cộng, đã bị tàu của Trung Cộng áp sát, tịch thu toàn bộ số mực đánh bắt được lên đến 2 tấn, ước tính thiệt hại là khoảng hơn 250 triệu đồng. Đây là lần thứ 2 trong vòng khoảng 2 tháng qua, tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Cộng tấn công, trong khi ngư dân Việt Nam hoàn toàn bất lực.

Nói về sự việc mới nhất này, Thạc Sĩ Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam cho biết Trung Cộng đang thể hiện sức mạnh của mình đối với quần đảo tranh chấp: (nghe audio)

“Hành động mà Trung Cộng làm rất nhiều từ xưa nay tức là họ luôn khẳng định Hoàng Sa là của họ không thể tranh chấp với bất cứ quốc gia nào khác nên bất kỳ tàu cá nào đi ngang qua khu vực Hoàng Sa của họ mà họ thấy là đều bắt giữ. Đó là cách Trung Cộng thể hiện quyền lực và sức mạnh đối với quần đảo Hoàng Sa, mặc dù về mặt chứng kiến pháp lý thì Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Cộng”

Năm 1974, Trung Cộng đã đem quân chiếm Quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng Hòa trong một trận hải chiến. Từ đó đến nay Trung Cộng vẫn kiểm soát quần đảo này mặc dù trên các diễn đàn quốc tế Việt  Nam vẫn luôn khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo này.

Đây cũng là vùng ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam, đặc biệt là đối với ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam. Ngư dân hai tỉnh này là những người chịu thiệt hại nhiều nhất từ các vụ tấn công của tàu Trung Cộng. Một ngư dân giấu tên tại khu vực Quảng Ngãi nói với Đài Á Châu Tự Do:

“Mình đi miết đó thôi giờ không đi thì biết làm gì đâu chỉ biết đi biển mà. Trung Cộng thì nó chiếm đóng tại vùng biển Hoàng Sa nó độc quyền nên mình ra là nó phá, vùng biển của mình là mình biết chứ sao không biết được.”

Từ năm 2011, Việt Nam và Trung Cộng đã ký thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước. Tuy nhiên theo Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định rằng, hành động tàu Trung Cộng áp sát và tịch thu toàn bộ hải sản của ngư dân Việt Nam gần đây đã đi ngược với thỏa thuận chung.

“Đương nhiên về mặt lý thuyết chúng ta thấy được như vậy đã đi ngược lại với thỏa thuận rồi còn khẳng định có đi ngược hay không nó tùy thuộc vào quan điểm của quốc gia đó. Trung Cộng với quan điểm của họ là theo tin thần của nước lớn nên họ cho rằng họ không làm gì sai trái và đây là vùng biển của họ nên không cần trao đổi với ai cả.”

Hồi năm 2014, Trung Cộng đưa giàn khoang Hải Dương 981 vào khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa trong nhiều tháng với lý do được ra thực hiện thăm dò dầu khí. Các cơ chế trong việc xử lý xung đột giữa hai nước như thỏa thuận được ký năm 2011 như đường dây nóng cấp chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thông tin không có tác dụng.

Thạc sĩ Hoàng Việt cho biết: “Việt Nam và Trung Cộng có thỏa thuận chung về giải quyết tranh chấp trên biển 2011, chúng ta nhớ lại là vào năm 2014 khi Trung Cộng kéo dàn khoang đặc ngay trong vùng đặc quyền kinh tế kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì tất cả mọi đường dây liên lạc giữa Việt Nam với Trung Cộng thì tất cả không nghe máy hoặc không bắt máy. Nó cho thấy cách của Trung Cộng nó có hai mặt mà cứ rêu rao là họ tuân thủ luât pháp quốc tế nhưng thực tế họ chả bao giờ tuân thủ cả.”

Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch hội nghề cá Việt Nam cho hay ông cần xác minh thêm thông tin sự việc nhưng ông cũng cho rằng hành động của Trung Cộng mới đây là sai nếu vùng nước là thuộc khu vực Hoàng Sa hay Trường Sa.

“Việc Trung Cộng lâu lâu cướp tài sản của bà con ngư dân của chúng ta là có nhưng đối với sự việc này thì tôi cần xác định lại rõ là đang nằm tại vùng biển nào vì tôi chưa nắm được thông tin chính xác, còn việc cướp như thế thì nó hoàn toàn sai trái rồi, nếu tại vùng biển đánh cá của Việt Nam nhất là vùng đánh bắt truyền thống tại khu vực Hoàng Sa cũng như Trường Sa thì khẳng định đấy là vùng biển của chúng ta nên Trung Cộng làm như thế thì nó sai.”

Theo tin từ báo Cộng Sản Việt Nam trong nước loan đi hôm 7/6 cho biết, tàu cá Việt Nam khi đang tại khu vực cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 22 hải lý. Các thuyền viên đang nghỉ trưa thì bị một tàu sắt sơn trắng có cờ Trung Cộng mang số hiệu 46305 áp sát, sau đó 6 người cầm theo vũ khí lên tàu cá Việt Nam tiến hành tra hỏi và tịch thu số lượng hải sản lên tới 2 tấn.

Ngư dân Trần Văn Nhân người có mặt trên chuyến tàu nói với báo Tuổi Trẻ trong nước rằng, trước khi phía Trung Cộng rời khỏi tàu còn cảnh báo ngư dân Việt Nam không được tái phạm nếu không sẽ bị phá ngư cụ và bị xử phạt. Đồng thời khẳng định ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng thuộc chủ quyền của Trung Cộng.

Theo RFA

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt