Cường quốc hải quân Trung Quốc mạnh đến mức nào ?
Điểm báo tây phương:
Báo Le Monde của Pháp đặc biệt chú ý đến Trung Cộng trong lĩnh vực quân sự. Nhật báo Pháp có bài viết dài về sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Cộng, nhất là lực lượng hải quân, khiến Mỹ không thể không quan tâm.
Thực sự thì sức mạnh trên biển của Trung Cộng đã tiến đến đâu và mục đích để làm gì ? Đặc phái viên của Le Monde, Brice Pedroletti, trong bài “Trung Cộng, cường quốc hải quân nổi lên ở phương Đông”, cho thấy “hải quân Trung Cộng đã được hiện đại hóa đáng kể từ năm 2010. Tại Thái Bình Dương cũng như Ấn Độ Dương, hải quân Trung Cộng liên tục tiến hành các cuộc tập trận ngày càng quy mô và hiện đại. Đó là điều báo động Washington”.
Nhắc lại hình ảnh Trung Cộng phô trương sức mạnh hải quân gần đây, hồi tháng 4/2018, chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình trong bộ đồ lính rằn ri, có mặt trên chiến hạm Trường Sa, trực tiếp phát lệnh mở màn cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng có ngoài khơi đảo Hải Nam. Những hình ảnh đó đã được truyền hình trực tiếp cùng với lời tuyên bố đầy tự đắc, tự tôn tự đại của Tập trên cương vị tổng chỉ huy quân đội rằng : “Giờ đây hải quân Trung Cộng đã trỗi dậy với một hình ảnh mới hoàn toàn“. Tác giả bài báo nhận định “tham vọng cường quốc hải quân của Trung Cộng đang vượt ra ngoài lĩnh vực phòng thủ bờ biển hay kiểm soát vùng biển của họ, mà bao gồm cả nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích Trung Cộng ở nước ngoài”.
Theo Le Monde, những tiến bộ nhanh chóng của hải quân Trung Cộng được thúc đẩy mạnh từ năm 2012, năm ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo tối cao trong đảng và quân đội. Từ đó đến nay hạm đội tàu chiến Trung Cộng đã được bổ sung thêm hơn 20 chiếc, trong đó đặc biệt có tàu sân bay Liêu Ninh, được tân trang từ đống sắt tàu cũ mua lại của Ukraina.
Hơn chục ngày sau cuộc tập trận khổng lồ nói trên, ngày 23/04/2018, một chiếc tàu sân bay thứ 2, lần này do Trung Quộc tự đóng, được chạy thử ngoài khơi thành phố Đại Liên (đông Trung Cộng). Hiện tại Hải quân Trung Cộng đã có hơn 300 chiến hạm. Không chỉ tăng trưởng về số lượng, đội tàu này đang được hiện đại hóa, khiến giới quan sát phải sửng sốt.
Bài báo dẫn nhà sử học hải quân thuộc Bộ Quốc Phòng Pháp, Alexandre Sheldon-Duplaix, nhận định, trong lĩnh vực hải quân, “người Mỹ luôn nói rằng người Trung Cộng đi chậm hơn hai chục năm. Nhưng giờ không phải thế. Kết hợp hiện đại hóa với tăng số lượng, ta có thể nói hải quân Trung Cộng đang đứng thứ 2 thế giới, trên cả hải quân Nga”. Nhà nghiên cứu này giải thích thêm : “Trung Cộng vẫn còn yếu về hạng mục tàu ngầm hạt nhân các loại so với Mỹ cũng như Nga cả về kỹ thuật tối tân cũng như số lượng. Tuy nhiên trong hạng mục khu trục hạm, tuần dương hạm, tàu tác chiến, hải quân Trung Cộng đã đạt trình độ gần như ngang bằng với các nước phương Tây”. Trong những thập kỷ tới, Trung Cộng có kế hoạch tiếp tục đóng thêm tới 4 -5 chiếc hàng không mẫu hạm, dựa trên mô hình của Mỹ hiện tại.
Theo tác giả bài báo, điều đáng báo động đối với Mỹ không phải là những tiến bộ về kỹ thuật, công nghệ của hải quân Trung Cộng, mà là ở chiến lược bành trướng quốc tế. Điều này đã được Bắc Kinh nêu rõ trong sách trắng về chiến lược quân sự, theo đó “mối quan tâm lớn” của Trung Cộng là “lợi ích của họ ở nước ngoài và bảo đảm an toàn các tuyến đường thông thương chiến lược trên biển”. Trung Cộng đang khẩn trương khai triển việc mở căn cứ quân sự ở Djibouti. Tất cả mới chỉ là những bước chuẩn bị cho các chiến dịch ở xa biên giới của họ trong tương lai.
Trang bị ồ ạt và lỗ hổng kinh nghiệm
Mặc dù vậy theo các chuyên gia, “mặc dù có sự lột xác kỳ diệu như hiện tại, hải quân Trung Cộng vẫn thiếu sót nghiêm trọng kinh nghiệm tác chiến” ;“Trung Cộng cho đóng các tàu chiến lớn, hiện đại, nhưng thường là không có đủ kiến thức để sử dụng các kỹ thuật mà họ đang sở hữu”, một chuyên gia về hải quân châu Âu nhận định.
Hồi tháng 5 vừa qua, tổng thống Mỹ, Donald Trump quyết định không mời Trung Cộng tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế Rimpac, để cảnh cáo việc Trung Cộng quân sự hóa Biển Đông. Hải quân Trung Cộng như vậy đã mất đi một cơ hội lớn để tích lũy kinh nghiệm tác chiến quy mô quốc tế. Trung Cộng chỉ còn có hải quân Nga, để có thể tập dượt cùng ở trình độ chuyên môn cao. Hai nước này vẫn thường xuyên có các cuộc diễn tập chung, như tại Địa Trung Hải năm 2015, Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) vào năm 2016 hay 2017 ở biển Baltic và biển Nhật Bản.
Theo bài báo, hải quân Trung Cộng đẩy mạnh các chuyến hoạt động xa khơi và các cuộc diễn tập ngày càng hiện đại trong vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Từ năm 2012, Bắc Kinh đã dựng lên một tuyến phòng thủ hải quân ngoài khơi xa, bằng việc bồi đắp, biến 7 bãi đá trong khu vực quần đảo Trường Sa thành các cơ sở quân sự phục vụ cho hải quân. Mục đích là trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, đó sẽ là các chốt ngăn chặn Mỹ vào Biển Đông, đặc biệt là tiếp cận với Đài Loan.
Đáp lại, hải quân Mỹ củng cố mối liên minh trong vùng. Năm nay bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương của Mỹ (Pacom) đổi tên thành USS-Indopacom, tức thêm phần Ấn Độ Dương. Hải quân Mỹ vẫn trêu ngươi Trung Cộng bằng những chiến dịch nhân danh “tự do lưu thông hàng hải” trên Biển Đông, đưa tàu tuần tra trong vùng biển, mà Mỹ coi là của quốc tế nhưng Trung Cộng đòi chủ quyền.
Trong cuộc cạnh tranh ở châu Á này, hải quân Mỹ vẫn còn tiến trước xa so với Trung Cộng. Hải quân Mỹ hiện diện trên quy mô toàn cầu với các hạm đội cùng 18 nghìn lính khai triển ở nhiều vùng biển. Mỹ vẫn còn nhiều căn cứ quân sự lớn ở nước ngoài, với một lực lượng không quân hùng hậu có thể hỗ trợ cho tác chiến trên biển.
Le Monde rút ra nhận xét : “Thực tế, Bắc Kinh chắc chắn không lao vào cuộc đấu để thay thế Washington trong vai trò sen đầm thế giới, nhưng họ đã cho thấy rõ ý đồ muốn phổ biến các chuẩn mực, giá trị theo mô hình toàn trị của họ“.
Theo RFI