“Cưỡi Ngọn Sấm” qua lời giới thiệu của Đại Tướng TQLC Hoa Kỳ, Hồi Hưu Walter Booner
Lời Giới Thiệu của Đại Tướng Walter E. Boomer, Thủy Quân Lục Chiền Hoa Kỳ (hồi hưu)
Chiến thắng lan rộng của Cộng Sản trong khu vực Đông Nam Á năm 1975 và thảm kịch bao trùm lên đầu nhiều người dân miền Nam Việt Nam đáng lẽ ra đã xảy ra từ năm 1972 rồi. Trong tháng Ba năm đó, miền Bắc tung ra một cuộc tổng tấn công với nhiều sư đoàn nhằm áp đảo Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) và tiêu diệt một nền dân chủ còn non trẻ.
Trong lúc Hoa Kỳ đang tiến hành cắt giảm quân số và chương trình Việt Nam hóa chiến tranh của Tổng thống Nixon còn ì ạch thì QLVNCH buộc phải trải mỏng lực lượng dọc theo các đường biên giới với trách nhiệm giữ nền tự do tránh khỏi sự thống trị của Cộng sản. Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Việt Nam với quân số ít ỏi cùng với vài sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ đã được giao nhiệm vụ trấn thủ ngõ vào chiến lược vùng Tây Bắc của đất nước.
Rất ít người Mỹ biết rằng miền Nam Việt Nam đã thành lập được cả binh chủng TQLC. Quân số
TQLC Việt Nam chưa bao giờ vượt con số mười tám ngàn người, tức 2% của QLVNCH. Họ là một sự pha trộn tinh hoa kỳ lạ trong cái tinh thần thượng võ Tây phương và Đông phương. Các cố vấn TQLC Hoa Kỳ đã đóng một vai trò then chốt trong sự thành lập đơn vị này vào năm 1954 và trong suốt 21 năm sau đó đã giúp định hình, đào tạo và nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu tuyệt vời cho họ.
Không nghi ngờ gì là cái binh đoàn nhỏ bé này đã có một tác động quyết định vượt xa tầm cỡ của nó trong cuộc chiến sống còn của đất nước VNCH. Đối với những người trong chúng ta đã được cử đến để cố vấn cho các đơn vị khác nhau của TQLC Việt Nam thì đó là một nhiệm vụ thật đặc biệt, có nhiều lúc bực bội nhưng tựu chung đều mang lại niềm tự hào khi sát cánh chiến đấu bên cạnh họ ngoài chiến trường.
Thành phần QLVNCH rộng lớn hơn, lại không được biết nhiều về lòng dũng cảm của họ ngoài mặt trận, nhưng TQLC thì liên tục được cải tiến dần theo nhịp độ chiến tranh lan rộng và ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, họ đều là những thành phần xuất sắc. Nhiều người trong số các sĩ quan ít ỏi nhưng rất chuyên nghiệp đã được huấn luyện tại Hoa Kỳ. Họ đã cùng học hỏi và sống với chúng ta, giống như chúng ta đã làm khi được giao nhiệm vụ cố vấn cho họ.
Tính kỷ luật và hào khí họ đã thấm nhuần từ trong trại huấn luyện, ở một chừng mực nào đó tương tự như trại tuyển mộ huấn luyện của TQLC Hoa Kỳ tại Parris Island và San Diego. Theo thời gian, TQLC Việt Nam đã giành được sự kính nể bất đắc dĩ của các đồng đội QLVNCH khác và chắc chắn của cả bọn Cộng quân Bắc Việt. TQLC Việt Nam khác hẳn các đơn vị bạn, tương tự như TQLC Hoa Kỳ mà họ phát sinh ra, cũng có nhiều khác biệt với các đơn vị khác. Sự khác biệt này được thể hiện rõ ràng nhất trong cuộc “Tổng tấn công Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.”
Cái gọi là “Cuộc tấn công Tết Mậu Thân” năm 1968 vẫn còn âm vang trong tâm trí của nhiều người Mỹ, nhất là những người có tuổi đủ để nhớ về cuộc chiến Việt Nam. Tuy nhiên vào ngày 30 tháng Ba năm 1972 cộng quân Bắc Việt đã tung ra một cuộc tấn công làm lu mờ “Tết Mậu Thân” với một mức độ lớn hơn nhiều. Ban đầu bị bất ngờ và đụng phải cường độ tiến công trực diện của cộng quân, các đơn vị QLVNCH khắp nơi đã bị áp lực nặng nề đến mức tối đa và trong một vài trường hợp đã bị tràn ngập hoàn toàn bởi số lượng và hỏa lực áp đảo của Cộng quân. Lúc đó TQLC Việt Nam đang được phối trí tại những địa điểm chiến lược phía Bắc miền Nam Việt Nam sát cạnh vùng phi quân sự, cùng với Sư đoàn 3 bộ binh vừa mới thành lập xong.
Hướng về phía Tây, nhìn về trận địa Khe Sanh cũ là hai Lữ đoàn TQLC vào khoảng năm ngàn người. Sư đoàn 3 Bộ binh được giao bảo vệ phía Bắc. Chọi với tuyến phòng thủ mỏng manh này, quân Bắc Việt đã tấn công với ba sư đoàn bộ binh và cái gọi là “Mặt trận B5” gồm bốn trung đoàn bộ binh tăng viện, hai trung đoàn pháo binh và hai trung đoàn thiết giáp. Thành phần trong các sư đoàn Bắc Việt tham chiến có Sư đoàn 304 và Sư đoàn 308 là hai sư đoàn đã từng đánh nhau với Pháp tại Điện Biện Phủ và được mệnh danh là các “Sư đoàn thép.” Việc sử dụng hai đơn vị này chứng tỏ đây là một cuộc tổng tấn công lớn và hai sư đoàn này là mũi nhọn chính của cuộc “Tổng tấn công Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.” Quân Bắc Việt đã tập trung được một lợi thế về quân số là ba chọi một đối với các lực lượng VNCH.
Thật đáng buồn là đến ngày thứ tư của cuộc tàn sát hầu hết SĐ3BB đã bỏ chạy trong hỗn loạn hay đơn giản là đã bị tan tác hết. Trách nhiệm phòng thủ phần đất phía Bắc đè nặng lên TQLC và một Lữ đoàn Nhẩy dù. Thật không hay cho những ai trong chúng tôi còn trấn giữ địa hình. Tình hình của Tiểu đoàn mà bản thân tôi và Đại úy Ray Smith (sau này lên Thiếu tướng) làm cố vấn là điển hình cho hầu hết các cố vấn đồng nghiệp đã phải đối đầu. Sau khi chống cự mãnh liệt lúc ban đầu và chịu tổn thất nặng nề, chúng tôi đơn giản là đã bị tràn ngập bởi làn tấn công toàn diện. Chúng tôi bắt đầu triệt thoái về hướng Đông trong lúc lực lượng Bắc Việt đông hơn gấp bội rượt đuổi theo. Mục tiêu của chúng tôi là cổ thành Quảng Trị.
Điều mà hầu hết chúng tôi không biết là ngay lúc đó một đoàn chiến xa Bắc Việt đang di chuyển xuống phía Nam trong mưu đồ cắt đứt đường rút của chúng tôi. Giữa chúng tôi và nguy cơ bị tiêu diệt là chiếc cầu Đông Hà bắc ngang sông Cửa Việt. Con sông đó là một trở ngại lớn và chiếc cầu hết sức trọng yếu trong kế hoạch của quân Bắc Việt. Đại úy John Ripley (sau này thăng cấp lên Đại tá) trong một hành động đã trở thành huyền thoại trong quân sử của TQLC Hoa Kỳ, đã bò dưới gầm cầu nhiều lần dưới làn đạn để gài mìn nổ. Ông đã giật sập được cây cầu trong lúc toán tiền quân của đoàn chiến xa Bắc Việt đang cố gắng vượt qua.
Đối với chúng tôi, những người đang thoát theo hướng Đông hay đúng hơn đang cố sống sót, đó là một hành động dũng cảm mà chúng tôi mãi mãi ghi ơn. Nếu Ripley không phá sập cây cầu, tôi tin là hầu hết các TQLC Việt Nam và cố vấn Mỹ đều đã bị bắt hoặc bị giết chết cả rồi. Nhân vật đã cố gắng tái tạo lại trật tự trong sự hỗn loạn và ra lệnh cho Ripley phá hủy cây cầu chính là Trung tá Gerry Turley (sau này lên Đại tá). Bị đẩy vào một tình thế gần như siêu thực, lòng quả cảm, sự điềm tĩnh và đầy tính chuyên nghiệp của ông là chất keo kết dính để giữ toàn bộ không bị đổ vỡ. Tác giả Botkin đã cho chúng ta hiểu được tầm cỡ về hành động nầy của Turley và nhận thức được những sự kiện kỳ quái và điên rồ có thể diễn ra trong cuộc giao tranh.
Mặc dù TQLC bị đặt trong những tình huống quẫn bách, cuộc triệt thoái nói chung là có trật tự. Tất cả những khẩu trọng pháo đều được phá hủy không để rơi vào tay kẻ thù. Các Đại đội và Tiểu đoàn tập hợp lại và còn nguyên vẹn với các cố vấn Mỹ sát cánh bên họ. Điều này trái ngược hẳn với các đơn vị như pháo binh SĐ3BB đã mở ngỏ cửa cho quân Bắc Việt tấn công vào và để lại cho chúng hàng chục khẩu đại bác còn nguyên si cùng với hàng tấn đạn dược. Tại sao có sự khác biệt về hiệu năng chiến đấu như vậy? Tôi nghĩ rằng đó là nhờ sự đầu tư toàn diện về huấn luyện giống như mô hình TQLC Hoa Kỳ đầy kinh nghiệm và một thế hệ cố vấn đã hết lòng truyền đạt sự hiểu biết và niềm tin qua cho các bạn TQLC Việt Nam.
Bọn Bắc Việt tưởng chừng như đã thành công. Được trang bị dồi dào gần như vô tận về chiến xa và pháo binh cùng với vũ khí phòng không tối tân nhất của Liên Sô, bọn chúng xâm nhập vào vùng chiến trường phía Bắc với hy vọng sẽ tung cú phủ đầu đánh gục miền Nam. Mất các tỉnh phía Bắc bao gồm Quảng Trị và cố đô Huế sẽ là một thảm trạng về tâm lý chiến đối với chính phủ VNCH. Tuy nhiên tình báo Bắc Việt trước khi xâm lăng đã quên không tính đến sự kiên cường của TQLC Việt Nam. Quảng Trị cuối cùng đã bị thất thủ nhưng rồi TQLC Việt Nam đã chiếm lại được vào ngày 15/9/1972.
Trong trận đánh bẩy tuần tái chiếm cổ thành Quảng Trị, lực lượng TQLC đã chịu 3.658 thương vong. Đó là một trận đánh tàn khốc chống lại một kẻ thù dai dẳng nhưng chiến thắng sau cùng đã đủ chứng minh tính chuyên nghiệp và sự dũng cảm của TQLC Việt Nam. Bắc Việt cuối cùng đã thành công vào năm 1975. Nhưng ít nhất miền Nam đã được ba năm tạm yên nhằm củng cố lại đất nước hầu chống lại quyết tâm của miền Bắc muốn xâm chiếm họ. Buồn thay là ba năm chưa đủ.
Nếu bạn có khuynh hướng cho rằng chiến thắng của Cộng sản không đáng buồn, “Cưỡi Ngọn Sấm” sẽ làm bạn tỉnh ngộ về quan điểm đó. Dệt trong lời kể là câu chuyện của Trung tá Lê Bá Bình: một TQLC, một người yêu nước, một người chồng và một người cha. Bình là sĩ quan Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn TQLC mà John Ripley làm cố vấn.
Câu chuyện của Bình sẽ làm bạn nổi giận, gây cảm hứng và cuối cùng sẽ sưởi ấm trái tim bạn. Đoạn kết bất thành của cuộc chiến và ảnh hưởng bi thảm của nó đối với hàng triệu người miền Nam đã được biểu lộ qua cuộc hành trình của Bình. Ngoài ra “Cưỡi Ngọn Sấm” cũng đã diễn tả chuyện gia đình của nhiều TQLC, Việt Nam cũng như Hoa Kỳ khác mà sự hy sinh và lòng can đảm rất điển hình cho các gia đình quân đội trong quá khứ và hiện tại. Đối với những người trong chúng tôi đã chọn binh nghiệp thì sự hỗ trợ, lời khuyến khích và sự trung thành của họ vẫn mãi mãi là một niềm cảm hứng.
Lịch sử về chiến tranh thường được viết bởi kẻ thắng cuộc và bọn Cộng sản đã cố gắng xóa hết vết tích ghi chép, không nhắc nhở đến các thành tích đáng ca ngợi của TQLC. “Cưỡi Ngọn Sấm” bắt đầu viết trở lại vào lịch sử câu chuyện chưa được kể về những người lính TQLC Việt Nam và gia đình; họ chưa bao giờ đầu hàng, chưa hề bỏ cuộc và chưa khi nào mất niềm tin. Đối với những người đã từng chiến đấu, đã chịu đau khổ và vươn lên quá nhiều để đạt được sự Tự Do cho chính họ với tư cách là các công dân mới của đất nước Hoa Kỳ, thì “Cưỡi Ngọn Sấm” là một câu chuyện xứng đáng được chia sẻ với các thế hệ tiếp nối của nước Mỹ, đặc biệt là người Mỹ gốc Việt.
Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp họ hiểu được cái giá mà cha ông họ đã phải trả nhằm bảo tồn nền Tự Do mà ngày nay họ đang được hưởng. Và sau cùng, trong khi cái danh xưng “Thủy Quân Lục Chiến” đã chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim người Mỹ, công việc kể lại các thành tích và lòng phục vụ của Lê Bá Bình và những nhân vật như ông sẽ làm cho độc giả cũng sẽ trân trọng cái tiếng gọi đó trong lòng những người Việt vậy.
Đại Tướng Walter E. Boomer, TQLC Hoa Kỳ (hồi hưu)
Dịch: Lý Văn Quý, Nguyễn Hiền, Nguyễn Hoàng Diệu, Trịnh Bình An