Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: Một mũi tên nhắm nhiều đích

Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tiếp tục lan rộng,  thì đấy sẽ không còn là cuộc chiến về kinh tế nữa,  mà thực chất sẽ là một cuộc đối đầu cả về chính trị lẫn quân sự để tái xác định vị thế siêu cường số một của Hoa Kỳ.
Thuế quan Mỹ đánh vào hàng Trung Cộng trước mắt nhằm mục đích cắt giảm thâm hụt mậu dịch,  bảo vệ tài sản trí tuệ,  để tạo nền thương mại công bằng (fair trade).  Donald Trump đã hứa nhiều lần ngay lúc còn là ứng cử viên tổng thống năm 2016.  Và nay ông đang cương quyết giữ lời hứa này.
1.  Bộ phận trong tổng thể:

Tuy nhiên,  nếu cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tiếp tục lan rộng,  thì đấy không còn là cuộc chiến về kinh tế nữa,  mà thực chất sẽ là một cuộc đối đầu về chính trị và quân sự để tái xác định vị thế siêu cường số một của Hoa Kỳ,  kiểu “một hòn đá hạ hai con chim”,  trước tham vọng bá quyền công khai toàn cầu của Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại là một phần của chiến lược an ninh (NSS) và quốc phòng của Mỹ (NDS).  Cần nhìn nhận cuộc chiến này trong bối cảnh chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ.  Đặc biệt sau khi Mỹ công khai coi Trung Quốc là “mối đe dọa số một” và tuyên bố khu vực “Indo-Pacific tự do và rộng mở” là địa bàn chiến lược để Mỹ đối phó với Trung Quốc.

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPS/Indo—Pacific Strategy) là mặt trận để Mỹ nhắm vào Trung Quốc.  Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung là một bộ phận trong tổng thể,  là con đường tắt trực tiếp để Mỹ đối phó với Trung Quốc (có tác động tức thì),  trong khi TPP là con đường vòng gián tiếp mà Trump đã từ bỏ,  nhưng có nhiều khả năng sẽ quay lại (vì ý nghĩa chiến lược lâu dài).

Theo HSBC,  trước đây,  Trung Cộng dự tính thương mại với các nước tham gia dự án “BRI” (Belt and Road Initiative) sẽ vượt $2.5 trillion USD/năm trong thập kỷ tới.  Tập Cận Bình đã tự tin tuyên bố đến năm 2030,  hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập thế giới và kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ, với kế hoạch đầy tham vọng “Made in China 2025”.  Nhưng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mà Trump phát động đang đe dọa làm tiêu tan “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình và đang làm lung lay ngai vàng của hoàng đế đỏ.

2.  Trung Quốc loạn “chiêu”:

Trong một diễn biến mới nhất,  Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế mới lên 5. 200 sản phẩm Hoa Kỳ,  nếu Washington tiến hành áp thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.  Cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đang ngày càng nóng lên,  sau khi Mỹ tuyên bố sẽ tiến hành áp thuế hai lần đối với các sản phẩm Trung Cộng. Mới đây nhất,  Mỹ nói về kế hoạch thu thuế các sản phẩm Trung Cộng tổng trị giá 500 tỷ USD.

Hồi đầu,  Bắc Kinh mạnh mẽ tuyên bố: với cuộc chiến thương mại,  Mỹ đang “tự lấy đá ghè chân mình”,  Trung Quốc sẽ “giành chiến thắng đầu tiên”, sẽ “đáp trả cùng cường độ,  cùng quy mô để đánh lại Donald Trump”.  Tóm lại là “Trung Quốc sẽ có phản công một cách tất yếu”.  Tuy nhiên, truyền thông Nga lại bình luận ngược lại,  rằng Bắc Kinh hiện đang rối loạn.  Hãng tin RIA Novosti mới đây có đăng một bài phân tích dài với tiêu đề “Đừng nghe những gì Bắc Kinh nói”.

Bài trên báo Nga viết tiếp,  hãy nhìn vào những biện pháp phản kích cụ thể của Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung giống như cuộc quyết đấu trong thời kỳ trung cổ,  “một thương trả một thương”,  cho đến khi một trong hai bên phải ngã xuống.  Tuy nhiên,  sau giai đoạn tấn công ban đầu,  phản ứng của Bắc Kinh giờ đây đã bắt đầu “loạn chiêu”, không còn trình tự.

Nhà bình luận Dmitry Kiselyov phân tích,  nhìn vào những hành động thực tế gần đây của Trung Cộng cho thấy họ đang cố gắng lôi kéo quan hệ với châu Âu,  đồng thời ký kết các hiệp định thương mại.  Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra hôm 20/7 cũng là cơ hội mà Bắc Kinh muốn dùng để lôi kéo,  mở rộng phe cánh của mình.  Đối với Nga,  Bắc Kinh càng dốc sức để nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược.

Ngoài ra,  Bắc Kinh cũng đã chuẩn bị hạ thuế toàn diện đối với EU cũng như mở cửa cho EU đầu tư vào thị trường Trung Quốc.  Mỹ đương nhiên bị đẩy ra ngoài và không được ưu đãi như vậy.  Một số nước khác có thể được lợi từ các chính sách này.  Giáo sư Nikolay Katlalov công tác tại Học viện Tài chính Nga nhận định: “Trên thực tế,  cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ hiện nay đã vượt quá phạm vi tranh chấp thương mại,  trở thành sự đối kháng sức mạnh giữa hai nền kinh tế lớn trên thế giới.

3.  Xu hướng leo thang:

Để chống lại hành vi thương mại không công bằng,  đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ đối với Mỹ,  vừa qua,  cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung thể hiện xu hướng leo thang.  Lần thứ nhất,  Mỹ đánh thuế 25% đối với các sản phẩm của Trung Quốc có tổng giá trị 50 tỷ USD,  trong đó 34 tỷ đã bắt đầu đánh thuế từ ngày 6/7.  Phía Trung Quốc đồng thời cũng đáp trả với mức tương tự lên hàng hóa Mỹ.

Lần thứ hai,  ngày 10/7,  sau khi Mỹ tuyên bố tiếp tục thu thuế trị giá 200 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc,  Bắc Kinh chỉ biểu thị sự bất ngờ mà không có “đáp trả”. 

Lần thứ ba,  ngày 19/7,  ông Trump cho biết, đã chuẩn bị thu thuế lên đến 500 tỷ USD đối với sản phẩm Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng không “đáp trả”.

Thật ra,  năm 2017,  Mỹ đã nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 505,5 tỷ USD,  trong khi Trung Quốc chỉ nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ với trị giá chỉ khoảng 130 tỷ USD,  do đó phía Trung Quốc khó có thể thu thuế với mức tương đương đối với hàng hóa Mỹ.

Ngoài việc phải đối mặt với áp lực từ Mỹ,  tổng thể tình hình ngoại thương của Trung Quốc cũng không mấy lạc quan.  Đầu tháng 7,  trang tin Handelsblatt (Báo Thương mại) của Đức đưa tin,  Trump đang tìm cách để EU giải trừ thuế quan nhập khẩu ô tô đối với Mỹ.  Nếu EU hủy bỏ thuế quan,  chính phủ Mỹ cũng sẽ không thu thuế mang tính trừng phạt đối với xe ô tô nhập khẩu từ EU.  Gần đây,  EU và Nhật Bản cùng ký kết Hiệp định quan hệ đối tác,  các bên cùng hủy bỏ thuế quan đối với 90% sản phẩm.

Theo các chuyên gia kinh tế độc lập,  do phải nuôi dưỡng bộ máy quan liêu khổng lồ,  Trung Quốc rất khó để miễn thuế đối với các nước lớn. Nếu Trung Quốc không mạnh tay miễn thuế, một khi Nhật Bản, EU và Mỹ cùng đạt được thỏa thuận cuối cùng,  xóa bỏ rào cản thương mại,  điều này có nghĩa là WTO chỉ “hữu danh vô thực”.  Đến lúc này,  địa vị của Trung Quốc sẽ bị cô lập trong các nước phát triển,  rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

4.  Tác động đến Việt Nam

Điều khích lệ là Mỹ và EU mới đây đã đồng ý hoãn lại việc đánh thuế quan và thương lượng để tháo gỡ các rào cản thương mại.  Những dấu hiệu hiện tại chưa cho thấy rõ Việt Nam sẽ bị thiệt hại hay hưởng lợi bao nhiêu trong cuộc chiến thương mại này.  Song nếu cuộc chiến lan rộng nó sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới,  vì giá sản phẩm sẽ tăng cao hơn cho mọi người tiêu thụ.

Tham vọng ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông và toàn cầu khiến Việt Nam lo ngại cho một tương lai bị Hán hóa.  Nếu bằng cách nào đó Mỹ lại cho rằng,  công ty Việt Nam tiếp tay với Trung Quốc tránh né thuế quan của Mỹ bằng cách xuất khẩu qua các kênh Việt Nam, thì chắc chắn Mỹ sẽ trừng phạt trả đũa.  Nên nhớ Mỹ hiện đang có thâm hụt mậu dịch với Việt Nam,  do đó,  Mỹ sẽ gây áp lực giảm con số thâm hụt ấy.

Cách ứng xử khả dĩ nhất của Việt Nam là phải đẩy mạnh hơn nữa những cải cách thể chế cấp thiết mà nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã đề xuất từ vài năm nay.  Và Việt Nam nên gấp rút điều chỉnh guồng máy sản xuất theo hướng thị trường Âu-Mỹ đòi hỏi để nắm được thời cơ mới do cuộc thương chiến thương mại trên toàn cầu gây ra.

Theo các chuyên gia kinh tế,  nếu tiền đồng giảm tới mức 24,500 – 25,000 VNĐ/1 USD,  sẽ gây ra áp lực tiền tệ.  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nếu tiếp tục bảo vệ tỷ giá bằng cách dùng khối dự trữ ngoại tệ như hiện nay,  thì con số ít ỏi trên 70 tỷ USD (tuy là kỷ lục cho Việt Nam) sẽ có thể “bay mất” trong thời gian ngắn,  do nhu cầu dân chúng và giới đầu cơ quốc tế.

Theo giáo sư kinh tế Trần Hữu Dũng (Đại học Mỹ),  cuộc chiến tranh thương mại lần này dường như đi ngược lại các lý thuyết kinh tế.  Các quyết định hầu như không dựa trên một kế hoạch nào được điều tra nghiên cứu rõ ràng.  Vì vậy,  giới chuyên gia kinh tế rất lo lắng, vì cuộc chiến thương mại này rất khó lường, không biết quy mô thiệt hại đối với kinh tế thế giới thế nào, có dẫn đến thế chiến hay không.  Cho đến nay,  chưa thấy một nghiên cứu nào có thể tin được,  vì vậy thái độ thận trọng là hết sức cần thiết.

TS.  Đinh Hoàng Thắng

Bài viết dưới đây của một tiến sĩ gốc Cộng Sản Việt Nam là TS Đinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên trưởng Nhóm Tư Vấn Lãnh Đạo Bộ Ngoại Giao Việt Nam, hiện là thành viên của tổ chức Minh Triết Làm Chủ Biển Đông.

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt