Cuộc sống của điệp viên KGB tại Mỹ, Jack Barsky
Lời người post: Đọc chuyện này thấy CSVN cài người vào Mỹ để phá hoại công cuộc đấu tranh của người Việt hải ngoại như như thế nào?
Chuyện Nga từ lâu nay đã cài điệp vụ “điệp viên chờ thời” tại Mỹ không phải là điều gì bí mật – những người đàn ông, đàn bà không khác gì những người Mỹ bình thường với cuộc sống nếu nhìn từ bên ngoài thì hoàn toàn là bình thường.
Thế nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như một trong số họ lại không muốn trở về?
Jack Barsky là một cậu bé 10 tuổi đã chết vào năm 1955, được chôn tại nghĩa trang Mount Lebonon ở ngoại ô Washington DC.
Song đây cũng là cái tên của một điệp viên kỳ cựu của KGB – người đàn ông Đông Đức 67 tuổi, có tên khai sinh là Albert Dittrich, hiện đang ngồi cạnh tôi.
Đây là một trong những cựu điệp viên cuối cùng của KGB được các đặc vụ săn gián điệp Mỹ tìm thấy. Hiện Barsky vẫn đang tiếp tục sống ở một vùng ngoại ô ở Mỹ.
Câu chuyện điệp viên của Barsky là một cuộc hành trình rất dài và thú vị, bắt đầu từ thời Chiến tranh Lạnh (Cold War)
Vào giữa thập niên 1970, Albert Dittrich khi đó đang theo đuổi ước mơ trở thành giáo sư hóa học tại một trường đại học ở Đông Đức thì được KGB (cơ quan mật vụ Nga) phát hiện tài năng và rồi được gửi đến Moscow để đào tạo trở thành một “người Mỹ chính cống”.
Nhiệm vụ của ông là sống dưới danh tính giả là một công dân sống trong lòng đất nước của “kẻ thù tư bản”.
“Tôi đã được gửi đến Mỹ để trở thành công dân quốc gia này, sau đó thiết lập các mối quan hệ ở nơi đây và nhận lệnh từ các quan chức cấp cao,” ông nói.
“Đó là quyết định mạo hiểm ngốc nghếch,” Dittrich nói về quyết định thời trẻ của mình, nhưng thừa nhận “đó là một hành trình đầy hấp dẫn đối với một thanh niên trẻ tuổi kiêu ngạo và thông minh” như ông – người luôn bị hấp dẫn với việc được di chuyển ra nước ngoài và sống một cuộc sống “bên ngoài pháp luật”.
Danh tính giả – “Biến vào hư không”
Ông đến New York vào mùa thu năm 1978, ở tuổi 29 dưới cái tên William Dyson và mang passport Canada. Hành trình đến Mỹ của ông phải đi qua nhiều nơi từ Belgrade đến Rome qua Mexico rồi sau đó quá cảnh ở Chicago.
Danh tính Dyson lập tức “biến mất vào hư không” khi ông đến Mỹ và bắt đầu cuộc sống mới với cái tên khác – Jack Barsky.
Đó là cách Albert Dittrich trở thành Jack Barsky – một người không quá khứ, không giấy tờ tùy thân – ngoại trừ một giấy khai sinh mà một nhân viên Đại sứ quán Liên Xô tại Washington lấy được. Ông này là người đã để mắt phát hiện ra ngôi mộ cậu bé này khi đi dạo ở nghĩa trang Mount Lebanon.
Barsky vô cùng tự tin, nói giọng Mỹ gần như hoàn hảo và mang trong mình 10.000 USD.
Để tránh bị nghi ngờ về giấy tờ tùy thân cũng như việc không có số an sinh xã hội, ông tạo dựng một câu chuyện bi kịch cuộc đời. Theo đó, ông nói với mọi người rằng mình có tuổi thơ khốn khó lớn lên tại New Jersey và sớm bỏ học từ những năm trung học.
Sau khi làm việc tại một trang trại trong vòng nhiều năm, ông nói mình quyết định tìm kiếm cơ hội đổi đời tại thành phố New York. Ông thuê một phòng ở khách sạn Manhattan, bắt đầu tham gia các hoạt động địa phương và ghi danh vào các loại giấy tờ tùy thân như thẻ thư viện, bằng lái xe và thẻ an sinh xã hội trong vỏ bọc mới.
Vì không có bằng cấp nên Barsky khá khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc đàng hoàng. Mặc dù nhiệm vụ là tiếp cận tầng lớp tinh hoa ở Mỹ, thời gian đầu Basky chỉ có thể làm một nhân viên đạp xe đi giao hàng ở Manhattan.
Nhiệm vụ bất khả thi
“Làm nhân viên giao bưu kiện lại hóa ra lại là công việc giúp tôi rất nhiều trong việc tiếp xúc được với nhiều người trong khi không ai mảy may quan tâm đến việc tôi là ai và đến từ đâu,” ông nói trong bài phỏng vấn với BBC.
Basky chủ yếu quan sát và tự mình tập trung vào việc hòa nhập với cuộc sống ở Mỹ hơn là nghe theo những lời hướng dẫn từ những nhà ngoại giao Xô Viết hoặc là những điệp viên KGB nằm vùng khác.
“Một ví dụ là, cấp trên khuyên tôi nên tránh xa những người Do Thái. Điều này là bất khả thi. Ở New York, số lượng người Do Thái nhiều hơn ở Israel rất nhiều,” ông nói thêm.
Là một tân binh của KGB, Barsky rất háo hức khi bắt tay vào những nhiệm vụ bí mật của một điệp viên thực thụ. Ông cũng dành nhiều thời gian rảnh lang thang trên đường phố New York để cảnh giác và theo dõi trước bất kỳ điệp viên Mỹ nào có thể đang theo dấu chân của mình.
Hàng tuần, Barsky cập nhật thông tin mới về Moscow qua sóng ngắn radio, các văn bản được mật mã hóa hoặc các cuộn vi phim được đặt kín ở một số góc trong công viên New York. Đổi lại ông cũng nhận tiền mặt và passport giả ở nơi đây mỗi khi thiếu tiền hoặc trở về Liên Xô.
Hai năm một lần Barsky trở lại Đông Đức để đoàn tụ với người vợ Gerlinde và con trai Matthias – những người không biết gì về thân phận thực sự của ông. Họ vẫn nghĩ là ông làm một nhiệm vụ tối mật với thù lao hậu hĩnh tại Baikonur Cosmodrome ở Kazakhstan.
Mọi thứ dường như tiến triển thuận lợi với Jack Barsky, ngoại trừ việc ông này chưa có được passport chính thức của Mỹ.
Không phải ông chưa từng cố gắng làm điều đó.
Tuy nhiên, trong lần đi ghi danh passport, trong bảng khai yêu cầu ông phải kê khai tên trường cấp 3 ông từng theo học, Barsky không thể điền vào mục này vì việc xác minh sẽ khiến thân phận ông bị lộ. Sợ bị lộ, ông bỏ ra khỏi phòng ghi danh, giả đò như tức giận về cách làm ăn quan liêu này.
Quá khứ vàng son điệp viên Xô Viết
Vì không có passport tại đất nước nằm vùng, Jack Barsky sẽ chỉ được giao những nhiệm vụ cấp thấp và không thể phát triển sự nghiệp.
Trong quãng thời gian tại đất nước mới, ông từng được giao nhiệm vụ theo dõi thái độ của chính quyền Mỹ trong sự kiện máy bay chiến đấu của Liên Xô bắn rơi một máy bay Hàn Quốc hồi năm 1983 – điều làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô ngày đó.
Jack Barsky sau này cũng được chuyển hướng nhiệm vụ sang sao chép các kỹ thuật mới của nền công nghiệp đang phát triển của nước Mỹ. Với Moscow thì việc ông hiện diện ở Mỹ, đi lại tự do mà giới chức Hoa Kỳ không hay biết gì đã là quá đủ.
Tuy nhiên, quá khứ vàng son của đặc vụ chìm dưới thời Đức Quốc Xã góp phần cho thắng lợi của Liên Xô không còn có vai trò trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh của Basky.
Barsky sau này biết rằng ông là một phần trong chiến dịch “làn sóng điệp viên thứ ba” của Liên Xô tại Mỹ – hai chiến dịch trước đã thất bại. Từ những thông tin mà Barsky sau này nói với FBI, nhiều người tin rằng vẫn còn nhiều những cái tên nằm vùng khác của Liên Xô tiếp tục hoạt động trong thập niên 80 và về sau.
BBC dẫn lời Jack Barsky trong một cuộc phỏng vấn gần đây cho biết, ông dự đoán có khoảng 10-12 điệp viên khác có nhiệm vụ cùng thời với ông. Một số đã trở về nước, số khác có thể vẫn tiếp tục sống bí mật tại Mỹ.
Tối hậu thư của KGB
Vì không thể có passport Mỹ và nhận các nhiệm vụ cao cấp hơn, Jack Barsky sau này tốt nghiệp chương trình học chuyên về computer tại đại học Baruch, sau đó ông trở programmer (viết software) cho một công ty bảo hiểm Met Life ở New York.
Cũng giống như nhiều điệp viên nằm vùng khác, Barsky bắt đầu nhận ra rằng hầu hết những gì ông được nhồi nhét về xã hội tư bản phương Tây – như một hệ thống “ma quỷ” đang trên bờ sụp đổ cả về mặt kinh tế lẫn xã hội – đều là những lời nói dối.
Cuộc sống của ông dần hòa nhập như một người Mỹ bình thường.
Sau những ngày tháng sống trong cô đơn, năm 1985, ông kết hôn với một người nhập cư bất hợp pháp từ Guyana và cả hai đã có với nhau một cô con gái.
Vậy là ông nay có hai gia đình với hai danh tính, và ông biết rằng sẽ đến lúc ông phải lựa chọn một trong hai.
Ông cảm thấy có một mái nhà tại công ty bảo hiểm Met Life nơi mình làm việc.
“Tôi được đào tạo để căm thù con người và nền văn hóa nước Mỹ. Nhưng mọi người và các đồng nghiệp của tôi ở đây đều giúp đỡ tương trợ nhau trong cuộc sống. Tôi không thể ghét bỏ họ được,” Basky chia sẻ.
Một gia đình yên ấm, một cuộc sống bình ổn đã khiến Jack Barsky bắt đầu phân vân về việc tiếp tục là một điệp viên hay từ bỏ tất cả để sống cuộc sống bình yên nơi đây.
Biến cố lớn vào năm 1988 cuối cùng đã khiến ông phải quyết định lựa chọn.
Sau 10 năm hoạt động bí mật, Jack Barsky nhận được ám hiệu nguy hiểm từ KGB, yêu cầu ông cần phải trở về nước ngay lập tức. Moscow khi đó nhận được thông tin nói rằng FBI đã phát hiện ra chân tướng thật sự của ông.
Jack Barsky được lệnh lấy các giấy tờ tùy thân khẩn cấp mang quốc tịch Canada để nhanh chóng rời khỏi nước Mỹ khi khả năng ông bị bắt giữ và giết hại là rất cao.
Tuy vậy, Jack Barsky đã suy nghĩ trong suốt một tuần với câu hỏi trong đầu: Liệu ông có muốn rời xa con gái Chelsea của mình mãi mãi?
Thế nhưng KGB không còn kiên nhẫn khi liên tục thúc giục. Một buổi sáng, trên chuyến tàu trên đường đi làm, Basky nhận được tin nhắn cuối cùng.
Tối hậu thư KGB đưa ra cho ông là chỉ được phép lựa chọn hoặc trở về nhà (Liên Xô), hoặc nhận án tử.
Sau đó Jack Barsky đã đưa ra quyết định cuối cùng đầy khó khăn đó là ở lại nước Mỹ cùng gia đình.
“Tôi gửi một bức thư về Moscow nói rằng tôi sẽ không đào ngũ, tôi cũng không tiết lộ những bí mật. Tôi chỉ muốn biến mất và sống tốt,” cựu điệp viên Liên Xô nói với BBC.
Giấc mơ Mỹ
Jack Barsky bắt đầu sống trong những ngày tháng lo sợ. Nhưng thời gian trôi đi, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn.
“FBI đã không gõ cửa. KGB cũng không làm bất cứ điều gì,” ông kể lại.
Ông dần quên đi những lời đe dọa trước đó và có một cuộc sống bình thường giống như bao gia đình trung lưu khác ở nước Mỹ, trong một ngôi nhà mới thoải mái ở ngoại ô New York.
Sống trong giấc mơ Mỹ – một giấc mơ mà nhiều người mong ước, nhưng cảm xúc của Jack Barsky cho đến hiện tại vẫn còn nhiều nỗi giằng xé.
“Lòng trung thành của tôi với chủ nghĩa cộng sản và nước Nga vẫn còn rất mạnh mẽ. Việc tôi từ chức có thể gọi là một cuộc đào tẩu nhẹ nhàng – mà bắt nguồn từ việc tôi có con ở đây.”
FBI bắt đầu có thông tin về Jack Barsky vào năm 1992 sau khi thu thập được các hồ sơ của KGB từ chuyên viên lưu trữ có tên Vasili Nikitich Mitrokhin – người biết rõ về danh tính của những điệp viên bí mật.
FBI đã theo dõi Jack Barsky trong hơn ba năm, thậm chí trở thành hàng xóm của ông chỉ để theo dõi xem ông có thực sự là một điệp viên KGB hay không, và nếu có, thì ông có còn hoạt động cho KGB hay không.
Cuối cùng trong một cuộc cãi nhau với người vợ, ông đã thú nhận tất cả, rằng mình là một điệp viên nằm vùng, và nội dung cuộc cãi vã đã bị FBI nghe lén.
Chỉ chờ có vậy, Reilly – một mật vụ của FBI đã chặn đón ông trên đường trở về nhà vài ngày sau đó. Jack Barsky bị thẩm vấn và yêu cầu cung cấp tất cả thông tin về hoạt động của ông và KGB.
Cựu điệp viên Liên Xô nghĩ rằng những ngày tháng hạnh phúc bên gia đình đã kết thúc, ông có thể bị giam giữ tại một nhà tù nào đó.
Mặc dù vậy, may mắn đã đứng về phía Jack Barsky, sau khi vượt qua được bài kiểm tra nói dối, ông được thả tự do khi không còn mang lại giá trị cho FBI. Bên cạnh đó, ông cũng được tạo điều kiện để trở thành một công dân Mỹ đích thực.
Mật vụ Reilly sau này cũng trở thành bạn đánh golf với Barsky, thậm chí ông còn đến thăm cha mẹ già của cựu điệp viên Liên Xô và giữ bí mật về thân phận thật sự của ông.
Vì những hoạt động tình báo cho Liên Xô, Jack Barsky cũng phải mất 10 năm thử thách mới được trở thành công dân chính thức của Mỹ.
Ông đã kết hôn lần thứ ba với một phụ nữ trẻ và đi theo Thiên Chúa giáo.
Câu chuyện của Jack Barsky đã thu hút sự chú ý của công chúng nước Mỹ khi ông tiết lộ cuộc sống bí mật của mình trên chương trình thời sự vào năm 2015.
“Cuộc đời với hai thân phận khác nhau đã đeo bám tôi. Không nhiều người quen được với điều này. Tôi không nói rằng mình đã có những ngày tháng phi thường, nhưng ít ra tôi đã vượt qua nó,” cựu điệp viên Liên Xô chia sẻ với BBC.
“Được sống cho đến bây giờ vẫn là một điều cực kỳ may mắn.”
Không có được passport của Mỹ – Jack Barsky đã thất bại trong nhiệm vụ mà KGB giao phó, nhưng trớ trêu thay, đến những ngày tháng cuối đời, ông lại được chính FBI giúp hoàn thành mong muốn của mình.
“Biết đâu một ngày gặp lại cấp trên của mình tôi có thể tự hào để nói sau tất cả, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ,” cựu điệp viên Liên Xô nói.