Cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd nói về 3 trường phái chống Trung Cộng của Mỹ

Cựu Thủ Tức Úc: Kelvin Rudd

Lời người post: Theo tài liệu phỏng vấn của báo Le Monde ngày 12/08 thì cựu Thủ tướng Úc, Kevin Rudd, cho rằng hiện nay trong Toà Bạch Ốc có ba trường phái chống Tung Cộng với “ba mục tiêu khác nhau về tính chất dứt khoát”. Nhưng căn cứ vào những việc làm thực tế của Washington hiện nay thì không phải như vậy, mà sự thật cho thấy rằng Toà Bạch Ốc đang phối hợp cả ba trường phái mà ông Kevin Rudd đưa ra để chống  Trung Cộng. Dưới đây là nội dung bản tin:

Trả lời phỏng vấn nhật báo Pháp Le Monde ngày 12/08/2019, chuyên gia nổi tiếng về Trung Cộng, cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd không ngần ngại cho rằng Mỹ hiện nay không có chiến lược chống Trung Cộng. Lý do là vì ở ngay tại Toà Bạch Ốc, đang tồn tại ba trường phái với những mục tiêu khác nhau về tính chất dứt khoát.

Bài viết chính ở trang Quốc tế tờ Le Monde lấy tựa từ một nhận định của ông Kevin Rudd, theo đó : “Về Trung Cộng, người Mỹ không có chiến lược”. Trả lời phỏng vấn của nhật báo Pháp, cựu thủ tướng Úc, hiện là chủ tịch của Viện Chính Sách Châu Á (Asia Policy Institute), một trung tâm tham vấn về quan hệ giữa Mỹ và Châu Á, trụ sở tại New York, đã không tránh khỏi lo ngại về tình trạng bất đồng ý kiến ngay trong Toà Bạch Ốc hiện nay về đối sách chống Trung Cộng.

Theo ông Rudd, Mỹ hiện nay không có một chiến lược chung về Trung Cộng, vì trong nội bộ chính quyền Mỹ có đến ba khuynh hướng cạnh tranh nhau về mục tiêu cần đạt được sau khi khỏi động cuộc chiến thương mại đánh vào Trung Cộng.

Trường phái “chỉ cần Trung Cộng cải thiện”

Khuynh hướng thứ nhất chủ trương đánh và thắng Trung Cộng về thương mại, buộc được Trung Cộng phải thay đổi cách làm kinh tế.

Những điều mà Washington muốn Bắc Kinh thay đổi là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt hơn, chấm dứt việc ép buộc chuyển giao công nghệ, hủy bỏ chế độ trợ cấp nhà nước cho các công ty Trung Cộng. Đây là quan điểm của bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin, Đại diện Thương Mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và cố vấn kinh tế Larry Kudlow.

Theo những người thuộc xu hướng này, một khi Trung Cộng ký vào thỏa thuận các vấn đề nêu trên, Hoa Kỳ sẽ ngừng chiến, sẽ không có chiến tranh công nghệ hay tài chính.

Đây là một kiểu chính sách đối ngoại hòa hoãn và duy trì hiện trạng quân sự.

Trường phái “containment”

Bên cạnh khuynh hướng đó, theo ông Kevin Rudd, còn có một trường phái thứ hai, mà đại biểu là cố vấn Toà Bạch Ốc Peter Navarro. Phái này đề ra mục tiêu ngăn chặn, không cho Trung Cộng tiếp tục vươn lên.

Để đạt mục tiêu này, cần phải tách rời các nền kinh tế, mà một trong những diễn biến sẽ là chuyển từ cuộc chiến thương mại hiện thời sang một cuộc chiến tài chính.

Trong giả thuyết đó, Hoa Kỳ sẽ tìm cách tách rời Trung Cộng không chỉ ra khỏi thị trường Hoa Kỳ, mà còn ra khỏi các đồng minh của Mỹ, và ra khỏi các thị trường khác trên thế giới, và càng nhiều càng tốt.

Công việc đầu tiên có thể được làm trong chính sách này là hạn chế việc cho các công ty Trung Cộng niêm yết giá trên các thị trường tài chính của Hoa Kỳ và đồng minh, hạn chế các khoản tín dụng mà các ngân hàng Mỹ và đồng minh cung cấp. Sau cùng, Hoa Kỳ có thể sử dụng đến vũ khí đô la.

Theo cựu thủ tướng Úc, điểm tột cùng của chính sách này là ban hành các biện pháp cấm vận như đang áp dụng đối với Iran. Ông Rudd cho là Bắc Kinh có lẽ cũng đã nghĩ đến nguy cơ Mỹ dùng đô la làm vũ khí, và đã bắt đầu thực hiện các mô phỏng tài chính, dựa trên những gì mà Mỹ đang áp dụng đối với Venezuela và Iran.

Theo trường phái thứ hai này, điểm tột cùng của chính sách đối phó với Trung Cộng này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh, với quan hệ Mỹ-Trung giống như quan hệ Mỹ-Xô trước đây, theo một chiến lược gọi nôm na là be bờ để ngăn chặn, tiếng Mỹ gọi là “containment”.

Trường phái “đối đầu trực tiếp”

Còn khuynh hướng thứ ba là một chủ trương cực kỳ dứt khoát, không nhất thiết phải kết thúc trong chiến tranh, nhưng bao hàm một sự đối đầu trực tiếp về chính sách đối ngoại, có thể dẫn tới xung đột.

Theo chuyên gia Rudd, những người thuộc trường phái thứ ba này cũng hiện diện trong chính quyền của tổng thống Trump, cho dù chỉ ở bên lề. Đó là các nhân vật như Stephen Miller, cố vấn đặc biệt của tổng thống, hoặc những người thân cận của phó tổng thống Mike Pence.

Chính sách cứng rắn này bao hàm việc tung sức đẩy lùi sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Cộng, kiên quyết chống lại bất kỳ yêu sách lãnh thổ tương lai nào của Trung Cộng ở Biển Đông, chống lại mô hình hoạt động hải quân hiện nay của Trung Cộng và tăng cường các quy tắc tham chiến của tàu Mỹ khi bị Trung Cộng ngăn chặn.

Chính sách đối phó cứng rắn này cũng có nghĩa là đối đầu trực tiếp với sáng kiến ​​công nghệ năm 2025 của Trung Cộng, nghiêm cấm sự tham gia của các công ty Mỹ và đồng minh vào bất kỳ dự án phát triển công nghệ nào của Trung Cộng, đặc biệt là những dự án có thể được dùng trong lãnh vực quân sự.

Đối với chuyên gia Rudd, nếu chính sách này được áp dụng, người ta sẽ thấy Mỹ tấn công mạnh vào các vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh để làm mất uy tín của nhà nước Trung Cộng.

Theo Trọng Nghĩa (RFI)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt