Cuộc chiến Nga-Georgia…
Lê Thành Nhân (lethanhnahn@vietquoc.org)
Liên tiếp trong mấy ngày qua, báo chí truyền thanh,truyền hình quốc tế không ngừng đưa tin về việc Nga đem quân ồ ạt tấn công Gruzia (tên thật là Georgia). Chúng ta thử tìm hiểu vấn đề khủng hoảng này ra sao?
Liên tiếp trong mấy ngày qua, báo chí truyền thanh,truyền hình quốc tế không ngừng đưa tin về việc Nga đem quân ồ ạt tấn công Gruzia (tên thật là Georgia). Chúng ta thử tìm hiểu vấn đề khủng hoảng này ra sao?
1- Vài nét địa lý và lịch sử của Gruzia:
Gruzia là một nước nhỏ phía Nam giáp ranh với Thổ Nhỉ Kỳ (Turkey), Armenia và Azerbaijan. Phía Tây giáp với biển Hắc Hải (Black Sea), Phía Bắc giáp ranh với nước Nga (Russia). Bị Cộng Sản Nga Sô xâm lược vào tháng 02/1921 và sau đó sáp nhập vào Liêng Bang Sô Viết. Sau khi chế độ Cộng Sản Nga Sô sụp đổ và cuối thập niên 1980, tháng 4/1991 Gruzia được trao trả độc lập. Hiện nay Gruzia theo thể chế dân chủ, tổng thống là ông Mikheil Saakachvili được tái đắc cử lần thứ hai vào 1/2008, thân Mỹ và đã đệ đơn muốn gia nhập khối NATO.
Dân số Gruzia là 4,5 triệu, diện tích 69,700 Km2 (khoảng 1/5 diện tích Việt Nam), tổng sản lượng 20.5 tỷ US đôla/năm, với lợi tức đầu người là $4,700 US đôla/năm, thủ đô tại Tbilissi.
Phạm vi bài này đề cập đến cuộc chiến Nga-Gruzia nên cũng nhắc đến một vài địa danh khá xa lạ đối người Việt (xem bản đồ), đó là South Ossetia được quốc tế thừa nhận thuộc Georgia, nhưng có một nhóm ly khai và thành lập một nước tự trị năm 1992 gọi là Cộng Hoà South Ossetia, được sự hỗ trợ của Nga, quân của Nga đang đóng ở South Ossetia dưới danh nghĩa “bảo vệ hoà bình”. Một phần đất thứ hai là Abkhazia bên bờ Hắc Hải cũng được thế giới xem như là vùng đất của Georgia, năm 1992, một nhóm ly khai nói tiếng Nga lập nước tự trị được được Nga ủng hộ và đóng quân ở đó với danh nghĩa “bảo vệ hoà bình”. Hai vùng này là điểm nóng xẩy ra cuộc chiến trong những ngày qua.
Để làm nền tảng cho bài viết này chúng ta nên lội ngược thời gian để tìm thêm sự kiện là vào tháng 11 năm ngoái, sự thể đã bắt đầu, các nhóm đối lập tổng thống Mikheil Saakashvili đã quy tụ 70,000 người biểu tình trước quốc hội Gruzia đòi hỏi Tổng Thống phải từ chức, viết lại luật bầu cử để bầu cử lại Tổng Thống và Quốc Hội, với những lời lẽ tố cáo ông Saakashvili “kẻ lừa dối”, “thủ tiêu chính trị”, “lạm dụng tư pháp”, “không giải quyết được vấn đề thất nghiệp”, họ còn đi xa hơn nữa là cho TT Saakashvili là tự đánh bóng cá nhân bằng cách vận động gia nhập NATO. Ngày 7/11 Chính phủ Gruzia có biện pháp mạnh để dẹp biểu tình.
Lập tức cuộc khẩu chiến giữa Gruzia và Moscow bắt đầu hai bên tố cáo nhau dữ dội. Gruzia thì cho phe biểu tình là do Nga xúi dục còn Nga thì tố cáo Gruzia do Mỹ và khối NATO đứng sau lưng xúi bẩy, không giải quyết được tình trạng thất nghiệp…. Cuộc tranh chấp được đưa ra pháp đình Liên Hiệp Quốc ngày 23/04/2008 với những cáo buộc của Gruzia về sự can thiệp của Nga đến hai khu vực ly khai Abkhazia và South Ossetia, và ngày 20/04/2008 Nga đã bắn rơi máy bay thám thính không người lái của Gruzia trên không phận Abkhazia.
Cuộc khẩu chiến leo thang đến mức độ trầm trọng, ngày 30/04/2008 giới chức đại diện ngoại giao của Nga tuyên bố “trong trường hợp Gruzia triển khai các biện pháp quân sự ở Abkhazia và Nam Ossetia, Nga cũng sẽ sử dụng các phương pháp quân sự để bảo vệ đồng bào mình”.
Và ngày 1/05/2008 Nga điều động thêm quân đến hai vùng South Ossetia và Abkhazia, hành động này bị thế giới tây phương cho rằng “Nga thiếu khôn ngoan” vì các nước tây phương sẽ làm khó khăn trong việc đàm phán gia nhập WTO của Nga.
Ngày 07/07/2008 những vụ chạm súng lẻ tẻ bắt đầu xẩy ra do quân của Gruzia đã bắn vào quân của South Ossetia tại biên giới. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho rằng hành động này đã đổ thêm dầu vào lửa.
Thế rồi việc đến phải đến ngày 8/08/2008, Tổng thống Saakashvili của Gruzia ra lệnh tấn công thủ phủ Tskhinvali của South Ossetia bằng xe tăng, trọng pháo và bộ binh làm 15 thường dân thiệt mạng. Đại diện chính phủ ly khai của South Ossetia tại Moscow kêu gọi Nga gửi quân yễm trợ vì 90% người dân sinh sống ở South Ossetia là công dân Nga.
Tổng thống Nga Medvedev tuyên bố rằng:”Nga sẽ không để (những kẻ gây ra) cái chết của các đồng bào mình mà không bị trừng phạt”, và theo đúng hiến pháp và luật nước Nga, “tổng thống Nga có nghĩa vụ bảo vệ mạng sống và danh dự của đồng bào mình dù họ ở bất cứ đâu”, lập tức Nga điều động xe tăng, pháo binh, bộ binh và phi cơ chiến đấu tấn công vào các nơi trọng yếu đẩy lùi quân của Gruzia, cuộc chiến lan rộng từ ngày 09/08. Liên tục những ngày sau đó, Nga cho máy bay ném bom thủ đô Tbilissi của Gruzia cảnh chiến tranh hỗn loạn trên đất Gruzia.
Sau ngày đầu giao tranh, quân Nga đã đẩy lùi quân của Georgia và đã chia hai mũi tấn công vào Gruzia, một mũi gồm 10,000 quân bộ binh tiếng từ Bắc xuống và mặt khác 4000 quân tiến từ biến Hắc Hải vào cùng với thiết giáp, pháo binh hạng nặng, và nhiều phi cơ chiến đấu dội bom làm tê liệt hệ thống giao thông của Gruzia. Trước nguy cơ như vậy, tổng thống Saakashvili xin ngừng bắn để di tản thường dân, nhưng Nga cứ tiến tới với hỏa lực tối đa răn đe một nước nhỏ bé đã một thời bị Nga cai trị bây giờ mới rời ra đã cấu kết với thế lực “thù địch” cũ đòi đốt pháo ở sân sau của Nga.
Ngày 12/08 Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố “ngưng chiến…..nhưng còn thòng lệnh cho quân đội Nga nếu có những khiêu khích ở South Ossetia và Abkhazia của quân đội Gruzia thì phải ra tay tiêu diệt”, mặc dù có lệnh ngưng chiến nhưng ngày 13/08 quân Nga vẫn tiếp tục tiến vế hướng Nam vào thành phố Gori và hướng đến thủ đô Tbilissi của Gruzia.
2- Nhận định việc Nga đánh Gruzia
Cuộc chiến 4 ngày thật tàn khốc, Nga dùng hết khả năng đánh nhanh, đánh mạnh, đánh không nương tay có lẻ với những mục đích như sau:
– Thời điểm sẽ đến để Moscow phải chọn sự quyết liệt một là tỏ thái độ hay là co lại để các nước tây phương trong khối NATO đứng đầu là Hoa Kỳ mở rộng biên giới đến sát nách nước Nga. Cách đây không lâu khi Hoa Kỳ đặt những dàn hỏa tiễn ở các nước Đông Âu thuộc các Cộng Sản cũ đã làm cho Nga lên tiếng phản đối quyết liệt nhưng không có kết quả. Việc tấn công một Gruzia thân Mỹ bằng quân sự là hành động “nói cho Mỹ biết” không nên vượt quá giới hạn.
– Cách đây 6 tháng Kosovo tuyên bố độc lập thân Mỹ, Liên Sô đã phản đối kịch liệt nhưng không có hiệu quả, Nga đã hứa sẽ không ngồi yên cho khối Tây Phương và Hoa Kỳ lấn tới. Lần này đánh vào Gruzia một cú cực mạnh để nói cho thế giới tay phương biết thực sự Nga sẽ không thể “nhịn” được đồng thời cũng trả đòn về vụ Kosovo.
– Hành động của Nga vừa rồi nói lên một chiến lược mới của Nga thời hậu Cộng Sản, mặc dù Nga đã trả lại độc lập cho các nước thuộc Liên Bang Sô Viết nhưng không muốn những người này phụ thuộc vào Mỹ và gia nhập khối NATO, đem kẻ cựu thù sát nách mình, mà cần các nước thuộc Liên Bang Sô Viết cũ đứng trung lập để Nga dùng những quốc gia này làm vùng trái độn an toàn hầu có thời gian phục hồi sức lực sau cơn bệnh liệt kháng của chủ nghĩa Max-Lenin.
– Hành động này của Nga bẻ gãy kế hoạch gia nhập khối NATO của hai nước nằm sát cạnh sườn là Gruzia va Ulkraine đã nộp đơn gia nhập khối NATO được Mỹ yểm trợ nhưng vì Đức và Pháp còn do dự nên chưa vào được trong khóa họp vừa rồi cách cách đây 4 tháng.Tuy vậy cánh cửa NATO đã hé mở để đón chào hai nước này trong khóa họp tháng 12/08 tới. Cuộc tấn công của Nga vào Gruzia vừa qua bẻ gãy kế hoạch của NATO muốn hai quốc gia này gia nhập vào liên minh “thù địch” cũ mà nay vẫn còn cháy âm ỷ, chưa tắt hẳn.
3-Phản ứng của khối EU và Hoa Kỳ như thế nào?
Trước hết là khối Liên Hiệp Châu Âu (EU): EU kêu gọi Nga-Gruzia ngưng chiến tức khắc và ngồi vào đàm phán để giải quyết xung đột, EU đã đệ trình kiến nghị lên Liên Hiệp Quốc nhưng Nga từ chối giải pháp này vì chưa được Nga chấp thuận.
Pháp với tư cách là chủ tịch luân phiên của EU rất năng nổ trong việc giải quyết chiến tranh Nga-Gruzia: Ngày 12/08, tổng thống Sarkozy bay đến Moscow, và ngoại trưởng Pháp, Bernard Kouchner, đến Tbilissi để điều đình cả hai bên tìm giải pháp đàm phán chấm dứt chiến tranh, còn đòi gửi quân bảo vệ hoà bình đến Gruzia.
Cho đến ngày 12/08 Liên Hiệp Quốc đã triệu tập 5 buổi họp khẩn cấp để có giải pháp cho Gruzia.
Ngày 13/08 EU họp khẩn cấp để tìm giải pháp cho chiến tranh Nga-Gruzia.
Còn phản ứng của Hoa kỳ đến nay ra sao?
Có lẻ tổng thống Saakashvili của Gruzia thiếu kinh nghiệm làm bạn với Mỹ nên ông tính một nước cờ sai lầm. Sinh năm 1967, năm nay 41 tuổi du học tại Hoa Kỳ tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa tại George Washington University tại Washington DC, sau đó hoạt động nhân quyền ở Na Uy, người có khuynh hướng thân Mỹ. Ông trở thành tổng thống Georgia năm 2004 sau cuộc Cách Mạng Hoa Hồng (Rose Revolution) – Mấy hàng lý lịch có thể nhìn ra ông Saakashvili là người thân của Mỹ, và vì thân nên quá tin Mỹ nên có những hành động khá bồng bột để mang hoạ vào thân. Việc ông đem quân tấn cống vào South Ossetia là mắc mưu Nga, và khi ông bị lâm nguy thì Mỹ có phản ứng chậm chạp, thiếu thiện chí so với nước Pháp. Mặc dù Gruzia là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, quyết tâm ủng hộ Tổng Thống Bush trong mọi vấn đề quốc tế. Năm 2006, Gruzia gửi 2000 quân theo Liên Quân Tự Do (Freedom Operation) đến Iraq để thêm râu thêm ria cho Mỹ đẹp mặt nở mày trên chính trường quốc tế, nhưng hôm nay trước giờ phút sinh tử phản ứng của Hoa Kỳ không như Gruzia mong đợi, trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm thứ ba 12/08, Saakashvili chỉ trích Hoa Kỳ “không có những phản ứng đúng mức để giúp Gruzia….” Tính cho đến hôm nay 13-08 Hoa Kỳ có những phản ứng như sau:
– Bà ngoại trưởng Rice: đòi “Russia chấm dứt hành động quân sự tại Gruzia” – đồng thời làm việc với khối EU để giải quyết khủng hoảng tại Gruzia. Nước Mỹ sẽ viện trợ nhân đạo cho Georgia và ủng hộ chính quyền dân chủ ở đó (chứ không nói ủng hộ TT Saakashvili) đây chỉ là lời tuyên bố.
– Tổng Thống George Bush: “ hành động quân sự của Nga là sự leo thang võ lực thảm thiết và tàn bạo. Ông kêu gọi hai bên ngưng bắn lập tức, rút quân khỏi khu vực xung đột, trở lại tình trạng hiện thực trước ngày mùng 6 tháng 8, cam kết kềm chế hành động quân sự”.
– Giúp đỡ máy bay chở 2000 quân của Gruzia ở Iraq về nước, thật ra đây là trách nhiệm của Mỹ phải làm vì đưa đi thì phải có nhiệm vụ đưa về.
Sáng thứ Tư 13/08, sau 5 ngày ác chiến của quân Nga, TT Bush đọc một bài diễn văn ngắn tại toà Bạch Ốc với “tả phò hữu bật” của bà ngoại trưởng Rice và Bộ Trửơng Quốc Phòng Gates nội dung như sau:
– Sẽ gửi Ngoại Trưởng Rice đến Tbilissi để chứng tỏ sự quyết tâm ủng hộ chính thể dân chủ do dân bầu lên ở Georgia (nhưng không nhắc nhở gì đến ủng hộ TT Saakashvili).
– Hoa Kỳ sẽ đứng cạnh chính phủ dân cử của Georgia, ông nhấn mạnh là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Georgia phải được tôn trọng.
– Đòi hỏi Nga phải làm những gì đã hứa chấm dứt hành động quân sự tại Georgia, và rút ngay những quân đội mà Nga đã vào Georgia trong những ngày gần đây.
– Ra lệnh cho máy bay và tàu chiến chở viện trợ nhân đạo đến Gruzia để cứu trợ
– Ủng hộ giải pháp của tổng thống Pháp Sarkozy.
– Cuối cùng ông thòng một có vẻ răn đe vừa khuyên Nga: “để sửa lại những rạn nứt đối với Hoa Kỳ, Châu Âu và các quốc gia khác trên thế giới, và để chiếm lại uy thế của mình trên chính trường quốc tế, Nga phải giữ những lời hứa và hành động chấm dứt tình trạng khủng hoảng này”
Như vậy là rõ Mỹ đang cùng EU tìm giải pháp đàm phán để chấm dứt chiến tranh, Nhưng việc đàm phán còn xa vời vì:
Nhìn những lời phát biểu của Tổng Thống Bush chúng ta thấy sự khác biệt còn xa với những điều đòi hỏi của Nga muốn như sau:
– Gruzia và South Ossetia cũng như Abkhazia phải ký kết văn bản chính thức từ đây không bao giờ có hành vi xâm lấn các nước này.
– Tổng thống Georgia phải từ chức, quân đội Gruzia phải tránh xa South Ossetia, và
– Nga sẽ không đàm phán với Mikheil Saakashvili, tốt hơn hết ông ta phải ra đi (theo lời ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov).
Nói như vậy là Nga sẽ hỗ trợ một chính phủ khác không phải là chính phủ thân Mỹ và EU hiện nay tại Gruzia, còn EU và Hoa Kỳ thì muốn giữ chính phủ thân EU và Mỹ hiện hữu đấy là chià khóa để giải quyết chiến tranh Nga-Cruzia.
4- Những giá có thể Nga phải trả sau cuộc tấn công Grizia.
– Nước Nga hiện nay chưa gia nhập vào WTO, dĩ nhiên sẽ khó khăn hơn vì khuôn mặt đã trầy trụa khi đem quân tấn công một nước dân chủ non trẻ. Đường vào WTO của Nga còn rất nhiều khó khăn sau biến cố tấn công Gruzia.
– Hình ảnh một nước Nga dưới thời Putin đã điều chỉnh hệ thống chính trị trở lại một chính phủ mạnh, giới hạn việc tự do dân chủ, hiện nay Tổng Thống mới ông Dmitry Medvedev, nhưng thật ra quyền lực lại nằm trong tay Thái Thượng Hoàng kiêm thủ tướng Putin. Sự việc xâm lăng trắng trợn Gruzia nói lên sự chưa lột xác hẳn cái chất độc tài Cộng Sản trong dòng máu người lãnh đạo mới, làm cho khuôn mặt của một nước Nga hôm nay chẳng sáng hơn thời bao cấp bao nhiêu.
– Mỹ sẽ vận động các nước G8 đá Nga ra khỏi khối kinh tế quan trọng này.
– Mỹ và đồng minh vận động các nước trừng phạt kinh tế Nga trong những ngày tới.
Giải quyết vấn đề Gruzia không phải một sớm một chiều, nhưng chiến tranh thế giới thì không thể xẩy ra, chỉ chèn ép nhau trên vấn đề ngoại giao, kinh tế….thế giới vẫn chưa có hoà bình còn căng thẳng, di hoạ cộng sản vẫn còn lảng vãn gây rối. Toàn cầu hóa còn nhiều bất trắc.
Hoa Kỳ ngày 13-08-2008
Lê Thành Nhân