Còn Lại Tình Yêu (Hồi V – cuối)

                                                     HỒI THỨ V
Cảnh sân khấu: 
Trên sân khấu chỉ có mỗi bộ xa lông.
Thiếu tướng đứng, quay lưng lại sân khấu.
Trung úy ngồi ở ghế, tài liệu trên tay.

Trung úy: Thưa thiếu tướng, toàn bộ câu chuyện là như thế. Bức thư không phải do Nguyễn Thái Học viết mà do Đào Xuân Khải viết. Không hiểu vì sao Đội Tảo không đưa bức thư cho bà Minh, có lẽ y nghĩ rằng đây là bức thư giả, không có giá trị gì.
Thiếu tướng: Đào Xuân Khải ra sao?
Trung úy: Khải đã chết năm 1954 ở Điện Biên Phủ.
Thiếu tướng: Còn bà Lê Thị Minh?
Trung úy: Bà ấy đi tu sau khi ông Nguyễn Thái Học chết. 10 năm sau bà ấy mới hoàn tục lấy chồng. Chồng bà ấy hiện còn sống. Hiện chồng bà ấy đang ở đây… Thiếu tướng cho phép tôi dẫn ông ấy vào…
Thiếu tướng: Cám ơn…
Trung úy ra dẫn vào một ông già, đeo băng đen ở tay.


Thiếu tướng: Chào cụ.
Ông già: Không dám.
Trung úy: Thưa cụ, đây là thủ trưởng của cháu. Mời cụ ngồi. Thưa thiếu tướng, đây là cụ Trần Nhật Thường. Cụ Thường trước là bác sĩ…
Cụ Thường: Phải… Bác sĩ… Bác sĩ thú y… Thiến chó… Thiến gà… chữa long móng…
Tôi làm được hết… Tôi đã xây trại gà ở Đông Anh, năng suất cao lắm… Có con gà công nghiệp đẻ ba trứng một ngày… Ông tính, có con gà công nghiệp mà 8 cân nhé, gần một yến thịt… bằng con bê con còn gì.
Trung úy: Mời cụ xơi nước…
Cụ Thường: Không… tôi không uống nước đâu… Các anh có rượu trắng không… Tôi chỉ rượu thôi… uống rượu có 4 cái lợi là thứ nhất, khí huyết lưu thông, thứ hai, tiêu cơm lắm…
Thiếu tướng: Cụ uống thường xuyên à?
Cụ Thường: Vâng, mỗi ngày tôi phải nửa lít… Cái nghề thú y run tay là không được… Thiến chó mà run tay thì nó đớp bỏ mẹ!
Thiếu tướng: Thưa cụ, xin lỗi, cụ sống với cụ bà trước đây có hạnh phúc không?
Cụ Thường: Ôi giời, hạnh phúc chứ… Tôi ấy à… thiến chó… thiến gà, chữa long móng, tôi làm được hết… Rất tài tình… Tôi đã xây trại gà ở Đông Anh, năng suất lắm…
Thiếu tướng: Thưa cụ, ngày trước cụ có biết gì về ông Nguyễn Thái Học không?
Cụ Thường: (ngẩn ra) Nguyễn Thái Học ấy à? Không? Ông ấy có phải là bác sĩ thú ý không… Ngày xưa tôi ở trại gà Đông Anh, có một ông tên là Học thiến gà thạo lắm…
Thiếu tướng: Ông Nguyễn Thái Học khởi nghĩa Yên Báy ấy mà!
Cụ Thường: Thế thì chả biết! Sao lại đi khởi nghĩa… Ở Yên Báy có giống trâu ghê lắm, sợ nhất cái bệnh long móng…
Thiếu tướng: Thưa cụ, thế cụ bà ngày trước có hay nói gì và ông Nguyễn Thái Học không…
Cụ Thường: Không… Chẳng biết… Tôi dạy bà ấy thiến gà mà chẳng làm sao bà ấy học được…
Thiếu tướng: (kiên nhẫn): Thưa cụ, ngày trước cụ có biết gì về cuộc khởi nghĩa Yên Báy không?
Cụ Thường: Sao lại khởi nghĩa mới được chứ? Tôi ghét nhất những chuyện tụ tập rồi đánh nhau… Vỡ đầu ấy chứ… Tai hại lắm…
Thiếu tướng: Thưa cụ, hồi cụ bà còn trẻ, cụ với cụ bà gặp nhau ở đâu?
Cụ Thường: (ngẩn ra) Sao lại gặp nhau? Hồi trẻ, các cô cứ theo tôi hàng đàn… Thiến chó, thiến gà, chữa long móng… Đàn bà… Chịu… Cái nghề của tôi, đàn bà không làm được.
Thiếu tướng: Thưa cụ, cụ về hưu, đời sống thế nào?
Cụ Thường: Sao lại đời sống? Đời sống là cái gì?
Thiếu tướng: (đứng dậy bật cười) Ừ! Đời sống là cái gì?
Cụ Thường: cần nhất là rượu… con người ấy mà, không có cái chất men là toi đấy… Các anh có rượu trắng không?
Thiếu tướng: (hơi ngẩn ra): Trung úy! Anh dẫn cụ Thường về nghỉ đi. Tiền đây (lấy tiền ở ví)… Anh mua cho ông cụ một chai rượu trắng…
Cụ Thường: Thôi, chẳng cần dẫn tôi về đâu… Tôi mua được… Ông đưa tiền đây… Tôi còn khỏe… Tôi biết chỗ mua… Thiến chó, thiến gà… Chữa long móng… Tôi làm được hết (đứng lên). Thôi, chào hai ông… Tôi về nhé!
Thiếu tướng, trung úy: Chào cụ.
Cụ Thường ra.
Thiếu tướng: Thế đấy! Cuộc đời thật tàn nhẫn với quá khứ, có phải không…
Trung úy: Thưa thiếu tướng, tôi không nghĩ thế. Những người anh hùng ngã xuống mãi mãi sống trong tâm trí mọi người.
Thiếu tướng: Ừ… Lẽ đời thật giản dị.
Nữ thư ký vào.
Thư ký: Thưa thiếu tướng… Bên Hội nghiên cứu lịch sử có cuộc hội thảo về phong trào yêu nước những năm 20 liên quan đến Nguyễn Thái Học, họ có mời chúng ta tham gia.
Thiếu tướng: Trung úy, tôi và anh chúng ta cùng đi chứ, chúng ta sẽ nói về nhân cách những người anh hùng dân tộc.
Trung úy: (tươi cười): Vâng! Thưa thiếu tướng! Chúng ta cùng đi.
Thiếu tướng: À này… Anh có còn nhớ bài thơ Nguyễn Thái Học đọc về cái chết không, hôm ông Học gặp bà Minh ở Hỏa lò ấy?
Trung úy: Có… Bài Thơ ấy thế này:
Ngày mai tôi sẽ chết
Cỏ mộ tôi xanh rờn
Nước dưới cầu tuôn chảy
Còn tôi, tôi chẳng còn.
Thiếu tướng: Không, ông Nguyễn Thái Học vẫn còn lại tình yêu trong mỗi chúng ta. Tình yêu thì mãi mãi vẫn còn, không thể mất được! Kìa! Bầu trời sao mà xanh thế!
Trung úy: Vâng! Bầu trời xanh quá!

Màn kéo lại. Dàn đồng ca vang lên một bài hát về sự bất tử của Tình yêu con người
.

Hà Nội, tháng 1 và 2 năm 1989
Nguyễn Huy Thiệp

Bấm vào link đọc Hồi I

 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt