Còn Lại Tình Yêu (Hồi IV)

                                                     HỒI THỨ IV

Cảnh sân khấu: Nhà giam Hỏa Lò tại Hà Nội. Khải vận quân phục nhà binh ngồi ở bàn làm việc. Cửa phòng giam có lính gác.

Khải: (bảo lính): Gọi cho tao thằng Tảo vào đây.
Lính chào đi ra. Khải thích chí hút thuốc xem báo. Lính dẫn Tảo vào, Tảo mặc bộ đồ binh mới.
Tảo: (xu nịnh) Chào ông! Ông cho gọi tôi?
Khải: (vồn vã đứng dậy) Chào ông Tảo! Chào ông Đội! Thế nào ông Đội Tảo, ông có khỏe không? Mọi việc tốt chứ?
Tảo: Thưa ông, cám ơn ông, tôi vẫn bình thường.
Khải: Tôi thành thực chúc mừng ông vì ông đã sớm tỉnh ngộ, rời bỏ bọn nổi loạn Nguyễn Thái Học. Ông thấy không? Cuộc bạo loạn Yên Báy đã bị bóp từ trong trứng, ông đã xem báo hôm nay chưa?
Tảo: Thưa ông chưa.


Khải: (với lấy tờ báo). Đây này. Tin trang nhất (đọc): “Vụ bạo loạn ở Yên Báy đã bị đập tan. Ngày 9 tháng 2 năm 1930, tổ chức nổi loạn của Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính đã tấn công vào trại lính Yên Báy. Hai cơ binh lính khố xanh làm loạn đã hạ thủ các viên đội Damoux, thiếu úy Robern, đại úy Jourdain, các viên đội Chevalier, Renauden, Roland, Cunéo và đại úy Gaiza bị thương nặng. Sau bốn tiếng đồng hồ, quân đội Lê Dương của chính phủ bảo hộ đã tấn công tiêu diệt toàn bộ bọn nổi loạn. Hiện nay, tình hình đã ổn định. Ngày 11 tháng 2 năm 1930 toàn quyền Pasquier đã đáp xe lửa riêng lên Yên Báy phủ dụ dân chúng…”
Đấy, ông thấy chưa… Trứng sao chọi được với đá… Còn đây, tin giờ chót (đọc): “8 giờ sáng ngày 20 tháng 2 năm 1930 tên nồi loạn Nguyễn Thái Học đã bị bắt ở gần đồn Chi Ngãi, tỉnh Hải Dương. Nguyễn Thái Học và tên vệ sĩ của hắn là Sư Trạch đánh trả lại bằng bom xi măng nhưng đã bị những người tuần đinh bắn bị thương ở chân. Hiện nay, Nguyễn Thái Học đã bị tống giam trong nhà giam Hỏa lò chờ ngày xét xử”.
Tảo: (giật mình) Ông Học! Ông Học bị bắt!
Khải: Phải! Bị bắt rồi. Đêm qua, ở Hải Dương đã giải tên Học lên đây và hiện giờ hắn đang nằm trong xà lim tối. Tôi mời ông lên đây cũng chính vì việc ấy đấy (nghiêm khắc): Từ giờ này, ban hành lệnh thiết quân luật trong toàn thành phố 24/24 tiếng đồng hồ (quay ra bảo lính). Mời tất cả các ông đội trong trại lên đây (lính chào quay ra). Ông Đội Tảo, tôi có thể tin tưởng lòng trung thành của ông hay không?
Tảo: Thưa ông… Tôi đã tuyên thệ… Tôi đã thề!
Khải: Điều ấy chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi. Tôi chỉ tin sự ràng buộc vật chất thôi. Ông hãy làm phép so sánh: Khi ông đi với Nguyễn Thái Học, ông đói hay ông no; khi ông đi với chúng tôi, ông no hay ông đói?
Tảo: Thưa ông, tôi đi với Nguyễn Thái Học, tôi đói. Còn tôi sống ở đây, tôi no.
Khải: (cười) Tốt lắm. Thế ông thích no hay thích đói?
Tảo: (cười bẽn lẽn) Thưa ông, là con người, ai chẳng thích sung sướng ạ.
Khải: Cám ơn ông. Ông là một người chân thành, ông sẽ được sung sướng hơn nữa nếu ông biết nghe lời.
Tảo: Vâng… thưa ông… Tôi luôn luôn cố gắng.
Các viên đội trưởng vào, có đến 4, 5 người. Các viên đội trưởng kể cả Tảo đứng dàn thành hàng. Khải đứng trước mặt họ.
Khải: Thưa các ông Đội, từ giờ phút này, tôi ban hành lệnh thiết quân luật trong toàn trại giam. Tất cả súng máy tăng cường ở cổng trại và ở các xà lim. Tôi ra lệnh bắn ngay tất cả những ai có ý định gây rối.
Các viên đội: Rõ!
Khải: Hiện nay, trong nhà giam Hỏa lò chúng ta đang giam tên Nguyễn Thái Học, đầu sỏ bọn nổi loạn (các cai đội ồ, à ngạc nhiên, thích thú, lo sợ, hốt hoảng)… Các ông trật tự… Các ông đều biết Nguyễn Thái Học là thế nào rồi. Trong 3 năm nay, hắn đã làm cho chúng ta mất ăn mất ngủ. Ông chủ mộ phu Bazin đã chết vì hắn, ông Hoàng Trọng Mô đã chết vì hắn… bản thân tôi cũng bị bắn hụt. Về sự nguy hiểm, nếu bọn cộng sản nguy hiểm 10 phần thì Nguyễn Thái Học cũng nguy hiểm đến 9 phần hơn. Điều tệ hại nhất là chúng chiếm được lòng dân, bởi thế các ông phải hết sức cẩn thận.
Các viên đội: Rõ!
Khải: Phải phòng ngừa đồng đảng Nguyễn Thái Học tấn công nhà giam. Tôi sẽ yêu cầu hai tiểu đoàn Lê Dương của người Pháp phòng thủ vòng ngoài cùng với các ông. Trong khu vực xà lim, chỉ có người của phòng nhì mới được ra vào. Người lạ mặt xuất hiện phải bắn ngay, rõ chưa?
Các viên đội: Rõ!
Khải: Bây giờ xin mời các ông giải tán. Mời 2 ông Đội Tảo, Đội Lĩnh ở lại.
Các viên đội chào đi ra, Đội Tảo Đội Lĩnh ở lại.
Khải: Ông Đội Lĩnh, ông Đội Tảo!
Lĩnh và Tảo: Có!
Khải: Hai ông lập ngay cho tôi 2 vọng gác ở ngoài hành lang, trang bị súng máy. Chúng ta chuẩn bị đón quan Thượng Thư Hoàng Trọng Phu, ngài sẽ đích thân đến khuyến dụ Nguyễn Thái Học trước khi xử tử.
Hai viên đội: Rõ!
Ra.
Khải ngồi lại ở bàn làm việc.
Đội Lĩnh xuất hiện ở cửa.
Đội Lĩnh: Thưa ông, đại biểu dân chúng Hà Thành muốn vào gặp mặt ông.
Khải: Cho vào!
Bốn, năm đại biểu đi vào do một phụ nữ to béo, môi son má phấn tươi cười bước vào.
Bà to béo: Lạy quan lớn (tươi cười đon đả). Thưa quan lớn, chúng em là đại biểu nông công thương chính đến chào quan lớn. Em là Trinh, bán hàng ở chợ Đông Xuân. Đây là ông Duật Tiến ở Mã Mây, ông Liêm ở Hàng Mã, cô Văn Minh ở Ngã tư sở…
Khải: (cắt lời) Cám ơn các vị! Các vị cần gì?
Bà Trinh: Thưa quan lớn, chúng em nghe nói quan lớn đã bắt được Nguyễn Thái Học, chúng em rất mừng. Chúng em muốn đến xem mặt ông Nguyễn Thái Học.
Cô Văn Minh: Chúng em gọi là lòng thành có tí lễ mọn của đại biểu phụ nữ dâng quan lớn (rút ở làn ra cái đĩa, đặt tiền và lễ đưa lên, Khải vẫy Đội Lĩnh thu lễ).
Bà Trinh: Quả thật, chúng em rất muốn xem Nguyễn Thái Học là người ba đầu sáu tay thế nào mà dám chống đối…
Cô Văn Minh: Ông Nguyễn Thái Học làm cả giới phụ nữ chúng em phẫn nộ.
Bà Trinh: Thưa quan lớn, người đường cứ bàn tán ồn lên là Nguyễn Thái Học ném bom xi măng chết 100 lính Lê Dương mới bị bắt.
Cô Văn Minh: Nguyễn Thái Học có phép thần thông, nhốt trong xà lim mà vẫn phá ngục ra được.
Khải: (lạnh lùng) Ông Đội Lĩnh! Ông đưa hai bà này lên xe của sở Mật thám, chở hai bà ấy lên Sơn Tây rồi thả hai bà ấy xuống dọc đường cho chừa thói tò mò đi.
Đội Lĩnh và vệ sĩ vào lôi hai bà đi.
Bà Trinh: Thưa quan lớn, chúng em là đại biểu phụ nữ cơ mà… Chúng em là đại biểu nhân dân cơ mà…
Khải: (đểu cáng) Nhân dân làm gì có đại biểu. Xin mời các bà đi ra (quay sang hai người đàn ông) Thế nào? Các ông cũng muốn tò mò xem mặt Nguyễn Thái Học à? Hai người đàn ông (lo sợ): Không! Không… Chúng tôi đến xin quan lớn việc khác.
Khải: Việc gì?
Duật Tiến: Thưa quan lớn, chúng tôi là người nhà của các ông Hải Vân, Dật Công, Bảo Tâm.
Khải: Tôi hiểu rồi. Các ông muốn thả họ ra chứ gì?
Duật Tiến: Thưa quan lớn, đúng thế.
Khải: (cười nhạt) Hai ông Dật Công, Bảo Tâm tôi sẽ thả ra khi nào tôi nhận được 1 vạn tiền Đông Dương cho mỗi một người. Còn ông Hải Vân, số tiền phải là hai vạn.
Duật Tiến: Dạ, lạy quan lớn.
Khải: Các ông có thể về.
Hai người đàn ông: Lạy quan lớn!
Đi giật lùi ra. Đội Tảo xuất hiện.
Tảo: Thưa ông, quan lớn Hoàng Trọng Phu đến.
Khải: Xin mời vào.
Hoàng Trọng Phu tươi cười, bệ vệ bước vào, mặc áo sa, đội khăn xếp, đeo bài ngà, đằng sau có hai thiếu nữ cầm quạt lông theo hầu.
Hoàng Trọng Phu: Chào ông Khải. Tôi xin có lời mừng ông.
Khải: (Chắp tay vái) Lạy quan lớn, rước quan lớn ngồi.
Phu ngồi ở ghế, người hầu đứng sau quạt phe phẩy.
Hoàng Trọng Phu: Tôi nghe nói bắt được Nguyễn Thái Học, tôi rất mừng, vội đến ngay.
Khải: Thưa quan lớn, đấy là nhờ hồng phúc của Hoàng Đế ta, cũng là nhờ sự quyết tâm cố gắng của chính phủ bảo hộ.
Hoàng Trọng Phu: Tôi muốn nói chuyện với Nguyễn Thái Học, ông cho phép chứ?
Khải: Thưa quan lớn, nhiệm vụ của kẻ thuộc hạ là làm đẹp lòng bề trên. Quan lớn cho phép tôi…(quay ra bảo Đội Lĩnh, tác phong khác hẳn).
Ông đưa Nguyễn Thái Học vào đây!
Đội Lĩnh chào đi ra.
Một người hầu dâng cơi trầu cho Hoàng Trọng Phu. Phu ăn trầu. Lĩnh đưa Nguyễn Thái Học vào. Nguyễn Thái Học bị nhốt trong một cái cũi có bốn người khiêng, cổ đóng gông, tay trói, chân xích vào cũi. Bọn lính mở cũi cho Nguyễn Thái Học chui ra.
Hoàng Trọng Phu đứng nhìn.
Hoàng Trọng Phu: Chào ông Học, ông có biết tôi là ai không?
Nguyễn Thái Học: Có, tôi biết! Tôi không biết rõ kẻ thù của mình thì làm sao tôi làm cách mạng được?
Hoàng Trọng Phu đi xung quanh ngắm nghía Nguyễn Thái Học.
Hoàng Trọng Phu: Xem nào… Mình hổ… Lưng gấu. Tướng người sang đây… Thế này mà làm giặc à?
Nguyễn Thái Học: Mời ông đứng lui xa ra. Tôi không kiềm chế được, trót nhổ vào mặt ông thì thực phiền…
Khải: Xin quan lớn giữ mình… Thằng giặc này nó ghê gớm lắm.
Hoàng Trọng Phu: (cười lớn) Ông Học ạ. Tôi rất quí trọng ông là người thanh niên mới có khí tiết (ngồi xuống ung dung)… Hôm nay tôi đến đây, một phần cũng vì tò mò, một phần biết ông là người có tài hùng biện, tôi cũng muốn tranh luận với ông đôi điều.
Nguyễn Thái Học: Tôi bị bắt, sự nghiệp của tôi coi như thất bại, nhưng những lớp người khác sẽ rút ở tôi những bài học cho mình để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Hoàng Trọng Phu: Ông Học ạ, không phải coi thường ông nhưng trong đám làm loạn hiện nay, chính phủ bảo hộ chỉ ngại bọn cộng sản nhà quê chứ đám thanh niên thành thị các ông thì nghĩa lý gì. Các ông làm loạn là vì lãng mạn, còn bọn cộng sản chúng làm loạn là vì miếng cơm manh áo của chúng. Bọn cộng sản còn có chủ nghĩa với lý thuyết, chứ các ông thì lý luận gì?
Nguyễn Thái Học: Lý thuyết nảy sinh khi hành động, trở thành tư tưởng khi nào hành động đạt hiệu quả cao nhất.
Hoàng Trọng Phu: (cười) Đấy là câu chữ… Hoàn toàn là câu chữ. Lý luận thì xám. Các nhà lý thuyết đã nói thế đấy! Các ông còn trẻ quá. Năm nay ông 28 tuổi phải không?
Nguyễn Thái Học: Phải! 28 tuổi.
Hoàng Trọng Phu: Thế là chỉ bằng tuổi cháu đích tôn của tôi. Ông đã hiểu quái gì về cuộc đời đâu mà rối cả lên.
Nguyễn Thái Học: Phải! Có thể tôi chưa hiểu nhiều về cuộc đời nhưng tôi hiểu rõ nỗi nhục của người nô lệ.
Hoàng Trọng Phu: Tôi thông cảm nỗi nhục của ông, ông Học ạ.
Nguyễn Thái Học: Không, tôi không cần sự cảm thông ấy của ông với cá nhân tôi. Nỗi nhục của dân tộc tôi phải được gột bằng máu kẻ thù của người dân tôi.
Hoàng Trọng Phu: Hay lắm, ông Học ạ… ông lý sự lắm… Thậm chí tôi còn buồn cười. Ông dao to búa lớn làm gì. Ông đòi hỏi cái gì cho cá nhân ông?
Nguyễn Thái Học: Tôi không đòi hỏi cho tôi mà cho nhân dân tôi. Tôi đòi hỏi một nền dân chủ, đòi cơm ăn, áo mặc, một nước Việt Nam có sự độc lập về nhân cách chính trị với thế giới. Tôi đòi hỏi một nước Việt Nam giàu mạnh.
Hoàng Trọng Phu: Rất tốt. Như thế là ông đồng lý tưởng với cộng sản (cười) và xin lỗi, ông đồng lý tưởng với Hoàng Đế Bảo Đại, ông cũng đồng lý tưởng cả với tôi. Tôi cũng mong muốn y như ông. Có điều, chỗ khác của chúng ta là ai cai quản, trị vì cái Tổ quốc Việt Nam tội nghiệp này của chúng ta mà thôi.
Nguyễn Thái Học: Các ông xuất phát từ quyền lợi của mình, các ông bán rẻ Tổ quốc cho đế quốc để lo quyền lợi cho mình.
Hoàng Trọng Phu: (cười) Ông Học ạ, ông còn trẻ lắm. Tuy nhiên, ông đã chạm được đến xương sống của sự thật. Chính trị là quyền lợi, quyền lực. Muôn đời vẫn vậy. Kẻ có tham vọng chính trị là kẻ khát khao quyền lực tối thượng. Chúng ta đều vấp phải bi kịch cả thôi. Tất cả các chủ nghĩa đều vươn tới cái gì ông có biết không?
Nguyễn Thái Học: Theo tôi hiểu thì ông và đồng bọn đều lấy “vinh thân phì gia” làm đích phấn đấu.
Hoàng Trọng Phu: Đã đành rồi! Thế ông định hóa thánh ư ông Nguyễn Thái Học? Ông định đưa cả dân tộc Việt Nam lên sống ở Thiên đường và ăn đào tiên của Tây Vương Mẫu hay sao?
Nguyễn Thái Học: Không! Là con người, tôi biết không ai không mong muốn vươn lên những điều sung sướng. Bản thân khái niệm vật dục không xấu. Vươn lên một chủ nghĩa vật dục có văn hóa cao là mục đích sống của con người. Đấy cũng là cương lĩnh của mọi chủ nghĩa yêu nước. Có điều, nhân cách con người phải là nguyên tắc hàng đầu. Vươn lên một đời sống vật dục bất chấp đạo lý, bất chấp đồng loại thì là con thú không phải con người!
Hoàng Trọng Phu: Tôi chịu sự sắc sảo của ông . Có điều, ông có biết con người sống để chuẩn bị cho cái gì không.
Nguyễn Thái Học: Thưa ông, tôi biết, đấy là cái chết. Con người sống là để chuẩn bị cho một cái chết xứng đáng.
Hoàng Trọng Phu: Cám ơn ông, ông đối đáp giỏi lắm. Khi tôi đến đây, tôi có ý định khuyên dụ ông nhưng nói chuyện với ông, tôi biết tôi đã vấp vào một tảng đá. Chúng ta không thể đi cùng một con đường với nhau. Đấy là số phận, là sắp xếp khắc nghiệt của Tạo hóa rồi. Tôi biết ông sẽ bình thản khi chết. Tôi kính trọng ông nhưng coi thường lý tưởng của ông. Từ chân đến đầu, từ đầu đến chân, con người ông toàn là ý chí, tôi không thấy một kẻ hở nào, điều ấy khiến tôi thương hại thực sự…
Nguyễn Thái Học: (bật cười) Thưa ông, tôi cũng thương hại ông, thương hại ông Khải. Các ông sống trong điếm nhục mà lại tưởng mình tự do. Các ông ngập trong ê chề khốn nạn mà lại tưởng mình cao thượng… Các ông không bao giờ được hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành, của tình người ấm áp, hít thở hơi khói nồng nàn của ngọn lửa trại giữa những đồng chí của mình. Các ông không còn nhân tính, không biết những đam mê của tình yêu trong sáng. Các ông không còn biết gì đến nhân cách con người nữa (quay đi). Các ông sống như thú vật, như những con lợn, con chó được mặc áo quần…
Hoàng Trọng Phu: (im lặng một lát) Thế nào ông Khải, ông nghĩ gì về điều ông Học nói?
Khải: Thưa quan lớn, bao giờ tôi cũng quan tâm đến khía cạnh thực dụng của đời sống, còn lĩnh vực tinh thần – đấy là một thứ xa xỉ nhất hạng, hoàn toàn không có giá trị gì với tôi.
Hoàng Trọng Phu: (Nét mặt thoáng đau đớn) Đấy là vì ông còn trẻ, mà ông cũng u ám quá, ông Khải ạ (thở dài). Tôi không trách gì ông Học. Tôi cũng không trách gì ông… Ông Học ạ… Ông cũng có lý của ông. Tôi đã phải cúi gầm mặt xuống khi nghe ông nói (bất ngờ). Cái ác nhất của ông, ông Học ạ là buộc người ta đối mặt với mình, ông làm cho người ta ngượng, làm cho người ta sống trong dày vò… Còn ông Khải, ông sống đúng trong thời điểm tồn tại của ông bây giờ, tôi cũng vậy, tôi cũng chỉ sống đúng trong thời điểm tồn tại của tôi bây giờ… Nhưng bằng con mắt của một trăm năm, của lịch sử nghiệt ngã thì ông Học đúng. Xét cho cùng, cả hai điều ấy đều vô nghĩa như nhau, ông Học sống cho tương lai, còn tôi với ông (vỗ vai Khải) hai chúng ta sống cho hiện tại (cười chua xót). Tất cả đều là cứt…
Khải: Thưa… thưa quan lớn… Tôi không hiểu…
Hoàng Trọng Phu: Là cứt, là cứt cả… Có thể ông Nguyễn Thái Học là cứt khô… còn chúng ta là cứt ướt (ôm ngực hổn hển). Tôi đau quá, đau nhói ở trong lồng ngực… nó đây này… có phải ở trái tim không?
Khải và hai nữ hầu chạy lại đỡ Phu, Phu lã đi.
Nguyễn Thái Học: (mỉm cười) Hãy đưa quan lớn về dinh đi… Ông ta không đủ sức đối thoại nữa rồi.
Trên sân khấu hơi bị cuống lên một tí. Lính chạy vào giữ nguyên Nguyễn Thái Học và dìu Phu ra.
Hoàng Trọng Phu: (vẫy, vẫy tay): Chào… chào ông.
Nguyễn Thái Học: Chào ông (quay đi)
Đội Lĩnh dẫn Minh vào. Minh ôm làn hoa quả.
Đội Lĩnh: (với Khải) Thưa ông… Tiểu thư này cứ nằng nặc đòi vào… Tiểu thư có thư giới thiệu của quan toàn quyền (hai tay đưa thư)
Khải: À… Chào tiểu thư.
Minh: Thưa ông Khải. Tôi đã được phép của quan toàn quyền Pasquier và quan chánh mật thám. Tôi muốn gặp riêng ông Nguyễn Thái Học.
Khải: (liếc xem thử, mỉm cười riễu cợt) Rất hân hạnh… Tiểu thư chỉ được phép gặp 10 phút thôi… (quay lại bảo đội Lĩnh): Tất cả đi ra… Ông Đội Lĩnh, ông ở lại… Thưa tiểu thư, tôi xin phép… Tôi sẽ quay lại sau 10 phút… Tiểu thư chỉ được phép nói chuyện với Nguyễn Thái Học 10 phút thôi…
Cùng với lính ra. Đội Lĩnh dừng lại ở cửa, quay lưng ra phía sân khấu.
Minh: (Chạy lại đỡ Nguyễn Thái Học) Ông Học, ông có nhận ra em không?
Nguyễn Thái Học: (dịu dàng) Có, tôi nhận ra tiểu thư ngay. Tiểu thư là con gái chủ hãng Vân Hải. Hôm ấy, may nhờ tiểu thư đóng giả nhà sư mà tôi thoát được.
Minh: Trời ơi… Ông bị thương ở chân này… Ông có đau không… ông ngồi xuống đi… ông Đội Lĩnh, ông Đội Lĩnh… Em van ông, ông có cách gì băng bó cho ông Học không?…
Đội Lĩnh: (quay lại, ngượng ngập) Không… Thưa tiểu thư, tôi không được phép rời chỗ gác… Tiểu thư cần gì thì nói đi… Tiểu thư chỉ được có 10 phút thôi…
Minh: Trời ơi, các ông dã man quá…
Nguyễn Thái Học: (cười) Tiểu thư đừng bận lòng… vết thương nhẹ thôi… Tôi vẫn đi được.
Minh: (lấy hoa quả bày lên ghế ngồi rồi lấy chiếc khăn trong làn xé ra băng cho Nguyễn Thái Học) Ông ăn đi… Để em băng lại cho ông… Sao ông lại bị bắt thế? Sao ông lại bị bắt?
Nguyễn Thái Học: Vì sơ suất thôi, tiểu thư ạ… Mệnh tôi có hạn. Hồi bé, người ta xem tử vi bảo tôi chẳng sống được lâu đâu… Nhưng không sao, tôi chết đi, những đồng chí của tôi sẽ tiếp tục công việc… Nước mình sẽ không như thế này mãi đâu, tiểu thư ạ.
Minh: (bóc cam) Ông ăn đi, ông xơi miếng cam đi. Em chỉ được gặp ông có mấy phút thôi. Em đã phải đến tận dinh Toàn Quyền xin phép, em phải lấy giấy của sở mật thám mới được vào đây… Thấy ông bị bắt, em xót xa quá… Liệu ông có bị tử hình không?
Nguyễn Thái Học: Có đấy… Tiểu thư ạ, tôi sẽ bị tử hình thôi. Chúng không tha tôi đâu…
Minh: Không, em sẽ đệ đơn xin giảm án… Mọi người sẽ ủng hộ ông và đòi tha ông như đòi tha cụ Phan Bội Châu ấy…
Nguyễn Thái Học: (cười) Không được đâu, tiểu thư ạ. Bây giờ là năm 1930. Hơn nữa, chúng nó biết tôi là kẻ thù không đội trời chung với chúng… Tiểu thư đừng lo, tôi không sợ đâu. Chết cho Tổ quốc là một cái chết xứng đáng, tôi đã tình nguyện chọn cái chết này…
Minh: (khóc) Ông Học… Ông Học…
Nguyễn Thái Học: (dịu dàng) Tiểu thư đừng khóc… Tiểu thư sẽ làm cho tôi buồn đấy. Tiểu thư đừng khóc, ông Đội Lĩnh sẽ cười cho đấy (Đội Lĩnh sụt sịt quay đi). Tiểu thư có biết bài thơ này không, bài thơ của những người hy sinh trong Công xã Paris, họ bị dồn vào nghĩa địa Le Père Lachaise và bị bắn chết:
Ngày mai tôi sẽ chết
Cỏ mộ tôi xanh rờn
Nước dưới cầu tuôn chảy
Còn tôi, tôi chẳng còn…

Minh: Ông Học, ông Học… Ông không sợ ư?
Nguyễn Thái Học: Không… không sợ… Ai chẳng phải chết một lần. Có điều; chết thế nào cho xứng đáng thôi… Tôi chỉ tiếc tôi chết trẻ quá, mà công việc thì dở dang.
Minh: Hôm ở nhà em, em tiếc quá, em không được nói chuyện với ông. Trông thấy ông ăn mặc nhà sư, em cứ không tin.
Nguyễn Thái Học: Hôm ấy tiểu thư đã cứu tôi đấy. Nếu không có tiểu thư đánh lạc hướng mật thám thì hôm ấy tôi bị bắt rồi.
Minh: Hôm ấy em cứ tiếc. Em chẳng nói được gì với ông… Hôm ấy em lại còn định mời ông ăn mứt táo nữa, mứt táo do chính tay em làm… Hôm nay em lại quên không mang đi… Em đoảng quá…
Nguyễn Thái Học: Cám ơn tiểu thư… Tiểu thư tốt quá.
Minh: Ông có cần gì không?… Em có thể giúp ông điều gì không?
Nguyễn Thái Học: Không… Tiểu thư không phải lo gì cho tôi. Ở đây người ta chu đáo lắm (cười). Hơn nữa, chỉ vài ngày nữa thì tôi sẽ lên máy chém rồi.
Minh: (hốt hoảng) Trời ơi… ông nói khủng khiếp quá. Ông không sợ ư?
Nguyễn Thái Học: Có… cũng sợ chứ. Nhưng rồi lại nghĩ: phải sống nô lệ, sống mà để người đời khinh rẻ thì chết còn hơn (cười). Thế là lại không sợ nữa.
Minh: (tư lự) Em rất sợ chết… Em không biết cái chết thế nào nhưng cứ nghĩ mình nằm trong quan tài, không thở được, đất phủ kín lên, xung quanh là đêm tối, gọi mãi mà không có ai thưa cả thì em rất sợ.
Nguyễn Thái Học: (cười) Ừ, sợ thật đấy. Sợ nhất là khi nào mình gọi thì không có ai thưa cả, thí dụ như tôi gọi tiểu thư, thì tiểu thư không nói năng gì cả!
Minh: Không… Em sẽ thưa. Dù ông ở đâu, ở nơi nào, nếu ông gọi em thì em sẽ thưa, em sẽ đến ngay.
Nguyễn Thái Học: Ừ… nếu thế thì tôi sung sướng lắm… Tiểu thư thật tốt quá!
Minh: Bây giờ ông gọi em đi…
Nguyễn Thái Học: Tiểu thư!
Minh: Dạ…
Nguyễn Thái Học: Tiểu thư!
Minh: Dạ… Em đây… Có em đây…
Nguyễn Thái Học: (cười) Tôi rất sung sướng… Bây giờ, tôi mong muốn sống vô cùng. Được sống làm người là điều tuyệt trần sung sướng.
Minh: Nếu ở nước mình, thanh niên ai cũng như ông thì liệu nước mình có được như nước Pháp không ông?
Nguyễn Thái Học: Tôi không biết tiểu thư ạ. Tôi bé nhỏ và chẳng ra gì đâu… Muốn được như nước Pháp, được như các nước văn minh ấy thì chỉ có những người như tôi không đủ đâu. Đất nước trước hết cần những nhà kỹ thuật, nhà sản xuất, những bác học… Nhà chính trị chỉ cần ít thôi, vài người ra trò là đủ… Điều cần nhất là phải có những người tốt bụng, không làm hại ai. Chúng ta phải có cả một dân tộc lương thiện, cả một cộng đồng lương thiện. Được như thế, nước ta còn hơn cả nước Pháp ấy chứ…
Minh: Ông thật là một người tốt… Thế tại sao người ta lại muốn giết ông, hả ông?
Nguyễn Thái Học: (đau đớn) Đấy là vì người ta chưa hiểu thôi, tiểu thư ạ. Có thể là vì người ta dốt nát và đểu cáng nữa. Để có được sự tiến bộ, bao giờ cũng vậy, cần rất nhiều người tốt phải chết đi, phải hy sinh. Lẽ đời là như thế đấy, tiểu thư ạ… Bao giờ những người tốt cũng phải chết để dọn đường cho chân lý đến.
Minh: Không, thế thì ác quá. Chẳng lẽ cứ phải như thế hả ông? Những người tốt thì chết đi. Vậy thì cần chân lý làm gì? Em chẳng cần tương lai nữa. Vì như thế tương lai toàn những người xấu thôi.
Nguyễn Thái Học: Không phải toàn những người xấu đâu, tiểu thư ạ. Cũng rất nhiều những người tốt giống như tiểu thư. Tuổi trẻ nói chung là tốt. Mà đồng bào ta cũng toàn người tốt, họ chỉ bị đói thôi.
Minh: Em chưa gặp ai nói chuyện với em như ông nói chuyện với em. Ông nói với em như nói chuyện với một đồng chí của ông có phải không ông?
Nguyễn Thái Học: (hóm hỉnh) Với đồng chí thì có khi tôi phải ra lệnh đấy, tôi là lãnh tụ mà. Lãnh tụ thì có khi phải lạnh lùng một tí người ta mới sợ, mới nghe lời. Còn tôi nói chuyện với tiểu thư là nói chuyện với con người, như nói với em gái tôi, nói với một người bạn tâm tình. Tôi nói như nói với đồng bào tôi.
Minh: Cám ơn ông… Em cảm thấy sự tin cậy trong ánh mắt ông.
Nguyễn Thái Học: Tiểu thư ạ, bao giờ tôi cũng tin cậy con người. Nếu trong cuộc sống, lúc nào ta cũng nhớ mình là con người thì ta sẽ sống tốt hơn lên, ta sẽ yên tâm về mình…
Minh: Em…em sẽ nhớ…
Nguyễn Thái Học: Còn điều này nữa, mình phải nhớ mình là con người để biết yêu thương. Giá trị duy nhất và vĩnh cửu của đời sống con người là tình yêu thương. Tình yêu thương làm trong sạch tâm hồn, nó nâng đỡ con người lên, nó làm cho con người can đảm. Con người không còn sợ cái chết nữa. Con người liên kết với nhau bằng phương tiện duy nhất và vĩnh cửu là tình yêu thương đấy.
Minh: Em hiểu…
Nguyễn Thái Học: Thế thì rất tốt… Tôi tin tiểu thư là người tốt, tiểu thư sẽ được hạnh phúc. Tôi rất mong tiểu thư hạnh phúc.
Minh: Ông… ông tốt quá…
Nguyễn Thái Học: Chỉ một mình mình tốt thôi thì nguy hiểm lắm, tiểu thư ạ. Người tốt bao giờ cũng yếu đuối và dễ vỡ. Những người tốt phải liên kết lại với nhau, như thế thì bọn xấu mới không làm hại được. Cái ấy gọi là chính trị đấy.
Minh: Em cứ muốn ngồi nghe ông nói mãi… Chao ôi, nếu như em có thể làm được điều gì cho ông thì dù khó khăn thế nào em cũng sẽ cố làm.
Nguyễn Thái Học: Tôi chẳng cần gì đâu tiểu thư ạ. Nếu như ngày mai tôi chết đi, có lúc nào tiểu thư nhớ rằng trong đời mình tiểu thư đã từng gặp tôi, tiểu thư tự nhủ rằng: “Ồ, mình đã từng gặp được một người tốt”, tiểu thư đốt một nén hương tưởng nhớ đến tôi, thế là tôi sung sướng lắm…
Minh: Ông đừng nói thế… Không, ông không chết… ông không thể chết được.
Nguyễn Thái Học: Khi biết rằng mình sẽ sống trong tâm tưởng người đời thì cái chết không còn đáng sợ nữa. Lại nữa, khi mà mình chết đi, mình biết rằng cái chết của mình dọn đường cho những người tốt can đảm hơn lên thì thấy thanh thản. Tiểu thư ạ, trước mắt tiểu thư là cuộc đời, tiểu thư đừng khóc nữa. Không thì chính tôi cũng khóc theo mất. Như thế thì hỏng hết cả. Tôi là lãnh tụ cách mạng cơ mà! Nhiều người trông vào tôi. Tôi phải giữ mình bình tĩnh và can đảm đến phút cuối cùng. Điều ấy không phải cho riêng tôi đâu, tiểu thư ạ. Điều ấy cần thiết cho nhân dân. Nhân dân sẽ can đảm hơn lên để mà tranh đấu…
Minh òa khóc.
Khải vào, lính đàng sau.
Khải: (rung chuông) Hết giờ rồi!
Nguyễn Thái Học: (với Khải) Cám ơn ông… (với Minh) Chào tiểu thư. Vĩnh biệt tiểu thư.
Lính dồn Nguyễn Thái Học vào cũi.
Minh: Không! Không… Không được giết ông ấy!
Bọn lính đẩy Minh ra.
Khải: (bảo lính) Giam vào xà lim tối!
Minh chạy theo nhưng bị một tên lính cầm súng xô ngã.
Minh: Không… không được giết. Không được giết ông ấy!
Bọn lính đưa Nguyễn Thái Học ra. Trên sân khấu còn Khải và Minh. Khải ngồi lại bàn, chậm rãi hút thuốc.
Minh: (lết lại bàn) Ông Khải… ông Khải… Tôi van ông! Không được giết ông ấy!
Khải: Thưa tiểu thư… Bản án đã quyết định rồi. Ngày kia người ta sẽ đưa ông ta lên máy chém.
Minh: Tôi van ông… Tôi lạy ông.
Khải lấy rượu trong tủ và uống, uống như một người không tự kiềm chế được, liên tiếp vài ba cốc.
Khải: Tiểu thư đứng lên đi… Tiểu thư đã có lần mắng tôi rằng tôi cư xử không xứng đáng với một con nhà dòng dõi… Tôi xin tiểu thư chừng mực… Hành động của tiểu thư nông nổi và vô nghĩa. Tôi rất nể quan Toàn quyền cũng như quan hệ cuả tòa sứ với gia đình ta, nếu không tôi đã bắt giam tiểu thư rồi.
Minh: Tôi van ông… Tôi lạy ông… ông cho phép tôi gặp ông ấy một lần nữa, một lần nữa thôi…
Khải: Vô ích!
Minh: Tôi lạy ông, tôi van ông… tôi chỉ xin gặp ông Nguyễn Thái Học một phút thôi cũng được.
Khải: Không được!
Minh: Chỉ một phút thôi… Tôi muốn nói rằng tôi yêu ông ấy.. Tôi van ông… Tôi lạy ông…
Khải: (ngạc nhiên) Tiểu thư yêu hắn? Yêu thằng giặc ấy?
Minh: Ông không hiểu đâu… Tôi yêu ông ấy… Tôi van ông… Tôi lạy ông…
Khải: Tôi không tin… Tiểu thư rồ dại rồi…
Minh: Tôi lạy ông… Chỉ một phút thôi… Tôi chỉ nói một lời thôi là đủ… Tôi xin ông… Tôi xin ông… Đây… (đổ hết tiền trong túi ra, gỡ vòng vàng nhẫn vàng hoa tai, dây chuyền ra). Tôi xin biếu ông hết… Tất cả số tiền này… Cả hoa tai… Tất cả đồ nữ trang tôi có… Tôi van ông… ông chỉ cho tôi nói một lời thôi.
Khải: (gạt tiền và nữ trang ra) Không! Thưa tiểu thư, tôi không cần thứ này…
Minh: Tôi lạy ông… tôi van ông… ông nhận cho… tôi chỉ xin ông một phút thôi.
Khải: Không… tiểu thư ạ… Tôi cần ở tiểu thư điều khác (đi lại phía Minh, Minh lùi lại, lùi sát về phía cửa).
Khải: Tiểu thư yêu ông ấy?
Minh: Phải… Tôi yêu ông ấy… yêu hơn tất cả…
Khải: Tiểu thư yêu ông ấy?
Minh: Phải… Tôi yêu ông ấy… Yêu hơn tất cả… Tôi lạy ông… Tôi van ông… Tôi chỉ xin gặp ông ấy một lần thôi… Tôi sẽ biếu ông tiền bạc.
Khải: (bất ngờ) Tôi không cần! Tôi cần điều khác. Tôi cần chính sự trinh trắng của tiểu thư.
Minh: Ông… ông…
Khải đứng khoanh tay, lạnh lùng
Minh: (nghẹn ngào) Ông… ông quay mặt đi… Ông… ông… ông là một thằng đểu cáng… (quỵ xuống) Ông đóng cửa lại đi…(cởi khuy áo)
Khải: Tiểu thư! Tiểu thư thật cao thượng… (hai tay ôm mặt) Tiểu thư thật cao quý… Tôi không đốn mạt đến nỗi có thể làm điều ấy được (quỳ xuống)
Đội Lĩnh, Đội Tảo vào.
Đội Lĩnh: Thưa “xếp”, người của phòng Nhì đưa Nguyễn Thái Học đi hành hình rồi!
Khải: (không nói năng gì, ngồi xuống ghế)
Đội Lĩnh chạy lại đỡ Minh, vài người lính chạy vào đỡ Minh. Minh tỉnh lại, gào khóc: “Không! Không! Không được… giết ông ấy!”. Những người lính dìu Minh ra. Tiếng gào của Minh vọng vào. Trên sân khấu còn Khải, và Đội Tảo. Yên lặng một lát.
Khải: Ông Đội Tảo! Ông cho thả ông Hải Vân ra… ông ấy có một người con gái thật cao thượng và tôi không nỡ để cô ấy phải đau khổ…
Tảo: Thưa ông, ngay bây giờ ạ?
Khải: Phải, ngay bây giờ.
Tảo: Rõ!
Khải: Khoan đã… ông chờ cho tôi viết bức thư này… Khi nào tiểu thư Minh tỉnh lại thì ông đưa cho tiểu thư bức thư này.
Khải viết thư, viết rất nhanh.
Tiếng đọc ở ngoài sân khấu:
“Thưa cô, trưa ngày mai chúng sẽ tử hình, chúng sẽ chặt cổ, bêu đầu tôi. Ước nguyện của tôi là mong cô được sống cuộc đời hạnh phúc. Cô xứng đáng như thế, bởi cô có một trái tim cao thượng. Ký tên: Nguyễn Thái Học…”
Khải: Ông nói với tiểu thư Minh rằng đây là thư của ông Nguyễn Thái Học gửi cho tiểu thư…
Tảo: (nhận thư) Thưa ông, vâng…
Tảo chào và đi.
Khải ngồi lại, lấy mấy viên thuốc uống.

Màn kéo lại. Nhạc nổi lên, tê tái và gợi cảm.

BẤM LINK NÀY ĐỌC HOI III

BẤM VÀO ĐỌC HỒI V

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt