Còn Lại Tình Yêu (Hồi III)

                                                      HỒI THỨ III
(quang cảnh sân khấu)
Năm 1929
.
Nhà ông Hải Vân, một nhà buôn ở Hà Nội.
Phòng khách sang trọng, bộ xa lông bày ở một bên sân khấu. Ông Hải Vân đang ngồi với hai người bạn là ông Bảo Tâm và ông Dật Công. Ở một ghế bên cạnh, có một thanh niên trẻ hơn đang đọc báo, dáng vẻ hơi bí hiểm.

Hải Vân:
Làn sóng yêu nước đang dâng lên. Kể từ sau ông Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, phong trào đòi dân chủ, đòi độc lập ngày càng phát triển. Thưa ông Bảo Tâm, thưa ông Dật Công, các ông nghĩ gì về điều đó?

Bảo Tâm: Đây là dấu hiệu tốt ông bạn ạ. Nước ta thực sự là một xứ mọi rợ so với thế giới. Khi không có dân chủ, không có độc lập, ở đấy không thể có văn minh được.
Dật Công: Thú thực, tôi không hy vọng ở đám đông. Tất cả những phong trào của đám đông không có ý nghĩa gì với sự tiến bộ của một cộng đồng.

Hải Vân: Tôi sợ rằng ông đã nhầm sang lĩnh vực tiến bộ tinh thần ông Dật Công ạ.
Dật Công: Thế ông tưởng rằng tôi hy vọng ở sự tiến bộ vật chất của dân tộc Việt hả ông Hải Vân? Không! Không bao giờ. Mãi mãi. Vĩnh viễn. Giống da vàng da đen chúng ta muôn đời vẫn là những chủng tộc hết sức thấp kém.
Hải Vân: Ông nhầm rồi, dân tộc Việt có những người con ưu tú hoàn toàn có thể sánh ngang với các cường quốc. Ngay trong thời chúng ta, tôi hy vọng có thể giới thiệu với các ông vài khuôn mặt tiêu biểu. Chỉ ít phút nữa, trong phòng khách này, chúng ta sẽ đón tiếp một nhân vật mà tôi tin rằng đấy là nhân vật của thời đại mới. Tôi chắc cả hai ông đều rất lý thú.
Gã thanh niên chú ý lắng nghe.

Bảo Tâm: Ông định giới thiệu chúng tôi với ai vậy? Tôi hy vọng không phải là một sĩ phu hủ nho của thế kỷ 19 chứ?
Hải Vân: (cười) Không! Bây giờ không còn là thời đại của lòng yêu nước hủ nho nữa rồi. Nó chỉ làm chậm tiến trình phát triển của xã hội thôi.
Bảo Tâm: Thế thì ai? Liệu có phải là những người nông dân của thời cách mạng Tây Sơn không?
Hải Vân: Cũng không nốt. Nông dân không làm cách mạng được! không lãnh đạo cách mạng được. Tôi nhớ hình như đó là tư tưởng của Mã Khắc Tư, ông ta thực sự là một thiên tài đau khổ.
Bảo Tâm: Lý thuyết của Mã Khắc Tư đã làm đảo lộn thế giới. Ở ta, tôi biết có nhiều người đi theo ông ta. Đấy là những người cộng sản. Họ đều hướng vào Nguyễn Ái Quốc. Ông là lãnh tụ của họ.
Hải Vân: Phải! Tôi tin rằng chỉ ít năm nữa, tên tuổi của con người ấy sẽ làm cho cả hệ thống thuộc địa của nước Pháp phải sôi sục lên.
Dật Công: Thế người thanh niên mà ông định giới thiệu cho chúng tôi có phải người thuộc phe phái của ông Nguyễn Ái Quốc không?
Hải Vân: Không.
Gã thanh niên bỏ báo, chú ý lắng nghe.

Dật Công: Thế thì ai? Tôi có thể đoán chắc rằng tương lai của đất nước này trong vài chục năm tới sẽ do những người cộng sản quyết định. Hiện nay, ở nước Nga, lý thuyết của Mã Khắc Tư và Lê Nin đã được thực hiện.
Hải Vân: Trước khi đi đến Cộng sản, dân tộc này sẽ trải qua một cuộc cách mạng tương tự như việc phá ngục Basti ở nước Pháp năm 1789 hoặc chí ít cũng như cách mạng Tân Hợi năm 1911 ở Tàu, dĩ nhiên hình như nó sẽ man rợ hơn, không thể triệt để được. Nó là một thứ gì đấy tôi không thể hình dung nổi, nhưng đau khổ là chắc chắn.
Bảo Tâm: Ai là người sẽ đảm đương cuộc cách mạng này.
Hải Vân: (chỉ người thanh niên): Tôi không biết. Nhưng nó thuộc thế hệ ông này.
Gã thanh niên co người lại. Bảo Tâm và Dật Công quay nhìn. Gã thanh niên có vẻ lúng túng.

Gã thanh niên: Xin lỗi… Cho tôi đứng ngoài cuộc… Tôi không tham gia chính trị.., Hãy buông tha cho tôi.
Dật Công: (cười nói với gã thanh niên) Ông Khải ạ, thế ông tưởng rằng chúng tôi ham mê chính trị hay sao? Không đâu. Chúng tôi chỉ muốn sống tự do thôi. Ác nỗi, chính trị nó không buông tha ai hết, nó đi vào tất cả ngõ ngách cuộc sống, người ta không chấp nhận nó không được. Tôi biết, mối quan tâm duy nhất của ông bây giờ là cô con gái của ông bạn Hải Vân tôi đây, tưởng nó phi chính trị, nhưng nó rất chính trị, có phải không?
Hải Vân: (cười) Không, con Minh nhà tôi thì mối bận tâm duy nhất là bữa ăn sáng. Hình như, ngay đến cả ông Khải nó cũng chưa có chú ý gì đâu.
Minh chạy vào, mặc kiểu đồ bộ trong nhà (màu trắng thanh thoát và sang trọng).
Minh: Ba! Ông Nguyễn Thái Học đến chưa ba?
Hải Vân: (âu yếm) Hỗn nào! Con làm lộ hết bí mật của ba rồi! Nào con hãy chào các bạn của ba đi.
Minh: (bẽn lẽn): Cháu chào các bác…
Hải Vân: Đây là bác Dật Công, con biết rồi, bác ấy dạy học ở trường An-be Xa-rô. Đây là bác Bảo Tâm, chủ hãng dệt Minh Phương. Anh Khải thì ba khỏi giới thiệu nhé!
Khải (tức gã thanh niên, đứng bật dậy, đặt tay lên ngực, lịch sự).
Khải: Tôi là Đào Xuân Khải, luật sư, con trai thượng thư, Khâm sai đại thần Chính phủ…
Minh: (hồn nhiên) Luật sư là được rồi, sao lại còn con trai Thượng thư ở đấy?
Hải Vân: Hỗn nào! Công tử là người có danh vọng. Con là con gái, con phải ý tứ chứ?
Minh: Ba ơi, thế ông Nguyễn Thái Học đến chưa?
Dật Công: Hay lắm! Ông Nguyễn Thái Học đã làm cho tất cả các tiểu thư Hà Nội say mê. Thế nào? Cháu gái của bác, cháu có say mê ông Nguyễn Thái Học không?
Minh: Ông Nguyễn Thái Học có đẹp trai không bác?
Dật Công: (cười) Nào bác đã biết mặt mũi ông ta như thế nào đâu. Chính bác cũng nóng lòng muốn gặp ông ấy đây.
Khải: Chết nỗi… Thế tiên sinh chưa biết Nguyễn Thái Học à?
Hải Vân: Ở đây chưa ai biết ông Nguyễn Thái Học. Cả tôi cũng vậy. Nhưng một người thư ký của tôi là ông Nguyễn Văn Tảo có biết ông Học. Theo đề nghị của tôi, người thư ký này sẽ dẫn ông Học đến gặp chúng ta.
Khải: (vồ vập) Ngay hôm nay ạ?
Hải Vân: Phải! Ngay hôm nay! Ngay bây giờ!
Minh: Hay quá! Con sẽ diện một bộ quần áo đẹp nhất để đón ông Nguyễn Thái Học có được không ba?
Hải Vân: (âu yếm) Con lắm trò lắm, con gái ạ. Ba đồng ý. Con đi thay quần áo đi.
Minh: Cám ơn ba… Ba cho con nói chuyện cả với ông Nguyễn Thái Học nhé.
Hải Vân: (cười) Lại thế nữa…
Bảo Tâm: (cười) Ông Nguyễn Thái Học chỉ nói chuyện chính trị với thời thế thôi. Tiểu thư cũng nói chuyện thời sự với thời thế chứ?
Minh: Không! Cháu sẽ hỏi ông ấy về đời tư!
Bảo Tâm: Rất thú vị! (quay sang Dật Công và Khải). Các ông thấy không, khi một người đàn ông sống có lý tưởng, anh ta được nhân dân kính trọng thì đến lúc nào đấy, anh ta không còn là của riêng mình nữa, anh ta sẽ là con người xã hội.
Minh: Thế có thích không bác?
Bảo Tâm: Tôi cũng muốn hỏi tiểu thư điều ấy. Tiểu thư có thích ông Nguyễn Thái Học không?
Minh: Ông ấy bí hiểm lắm… Ông ấy bắn súng cả hai tay có phải không ạ?
Hải Vân: (cười) Con đọc nhiều sách Lê Văn Trương quá đấy, con gái ạ. Bác Bảo Tâm hỏi con có thích ông Nguyễn Thái Học không?
Minh: Con thích… con thích lắm. Ông ta làm cho cả nước Pháp run sợ.
Hải Vân: (cười) Thôi đi thay quần áo đi. Trước mặt Nguyễn Thái Học, con phải tỏ ra chín chắn mới được.
Minh: Vâng… con đi đây.
Ra.
Dật Công: Bác có cô con gái xinh đẹp quá.
Hải Vân: Cháu là con gái út, tôi cũng khá chiều chuộng. Cũng có nhiều người dạm hỏi, tôi cũng chưa dám trả lời. Cháu nó còn ít tuổi.
Có tiếng chuông bấm. Mọi người quay ra. Nguyễn Văn Tảo (tức Đội Tảo) vào.
Tảo: Xin chào ông chủ! Chào các vị.
Hải Vân: Giới thiệu với các ông: Đây là ông Tảo, thư ký của tôi. Thế nào ông Tảo, ông Nguyễn Thái Học có đến hay không?
Tảo: Đảng trưởng sẽ đến và hầu chuyện ông. Có điều, xin phép ông cho tôi kiểm tra các vị khách trong nhà có được không ạ?
Hải Vân: (ngạc nhiên) Kiểm tra ư? Kiểm tra gì?
Tảo: Tôi muốn biết có ai mang theo vũ khí gì không? Có ai liên hệ với mật thám Pháp hay không?
Hải Vân: Ông có thể tin tưởng các bạn của tôi. Ông Dật Công đây là một nhà giáo, ông ấy đã từng tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Còn ông Bảo Tâm, nhà tư sản, cũng nổi tiếng là người đứng đắn.
Bảo Tâm: Chúng tôi bao giờ cũng có thiện cảm với những người vì quốc gia, vì dân tộc mà đấu tranh.
Tảo: Tôi tin các ông (nghiêng về phía Khải). Còn ông?
Hải Vân: Đây là công tử Đào Xuân Khải, luật sư. Ông ấy viết báo.
Khải: Tôi không tham gia chính trị.
Tảo: Ông có vũ khí gì không?
Khải: Xã hội phức tạp lắm. Bọn côn đồ ngày càng nhiều. Đi đâu tôi cũng mang theo vũ khí tùy thân.
Tảo: Xin phiền ông cho tôi mượn tạm những vũ khí ấy.
Khải bực dọc lấy ở túi quần, túi áo ra những ba khẩu súng ngắn đặt lên bàn.
Tảo: Thưa công tử, với những ba khẩu súng thế này, công tử có thể tấn công cả một đảng côn đồ.
Tảo cất súng đi và ra đứng ở một góc phòng khoanh tay lại.
Ngoài cửa xuất hiện Nguyễn Thái Học trong y phục nhà sư.
Nguyễn Thái Học: Nam Mô A Di Đà Phật…
m
ọi người ngỡ ngàng quay ra.
Hải Vân: Hòa Thượng…
Tảo: Xin giới thiệu với các vị, trước mặt các vị là ông Nguyễn Thái Học, đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Hải Vân, Bảo Tâm, Dật Công, Khải: (đứng dậy tất cả) Chúng tôi rất hân hạnh.
Nguyễn Thái Học: (giơ tay tươi cười, tác phong đĩnh đạc và tự chủ) Chào các ông. Xin lỗi, tôi buộc phải cải trang thế này mới vào thành phố được.
Hải Vân: Chúng tôi rất cám ơn ông và ông đã nhận lời mời. Ông cho phép tôi thay mặt các bạn tôi là các ông Dật Công, ông Bảo Tâm đây… cũng như cả giới trí thức và kinh doanh ở Hà Nội tỏ lòng ngưỡng mộ đến ông và đảng cách mạng Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông.
Nguyễn Thái Học: Cám ơn các ông, với tư cách cá nhân, tôi không biết tôi có xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của các ông hay không. Còn đảng cách mạng của tôi, trước hết đấy là một đảng của quốc dân đồng bào, nó hoạt động vì lợi ích của quốc dân đồng bào – trong đó có những người trí thức và các nhà kinh doanh các ông.
Hải Vân: (giơ tay) Mời ông ngồi,
Nguyễn Thái Học ngồi.
Hải Vân: Thưa ông Nguyễn Thái Học, chúng tôi đã được biết tôn chỉ mục đích của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Việc giành độc lập dân tộc và xây dựng một nước Việt Nam mới mà các ông chủ trương liệu có khác với các phong trào của những phe phái khác không?
Nguyễn Thái Học: Trước hết, tôi mong các ông không nên phân biệt các phong trào yêu nước theo từng phe phái [đảng phái]. Bản thân điều đó gây mâu thuẫn sâu sắc trong dân tộc. Tất cả chúng tôi, dù phe phái nào cũng thế, chúng tôi đều tranh đấu cho Tổ quốc. Bản thân tôi, tổ chức của tôi có thể hy sinh và có thể người chiến thắng cuối cùng không phải chúng tôi, điều ấy không can hệ gì cả.
Dật Công: Thưa ông, độc lập dân tộc có phải là mục đích hy sinh của các ông không?
Nguyễn Thái Học: Đúng. Nhưng về phương diện nào đấy, chỉ quan niệm như vậy e rằng thô thiển. Chúng tôi đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ và giàu mạnh, có được sự độc lập về nhân cách chính trị so với các dân tộc khác, các quốc gia khác. Độc lập về nhân cách chính trị cho phép người ta hiểu khái niệm tự do trong tổng thể cũng như khả năng tương đối của khái niệm này.
Bảo Tâm: Sự can thiệp của người Pháp, của người ngoại quốc vào đất nước ta, cuộc đấu tranh của các ông có phải nhằm vào điều đó không?
Nguyễn Thái Học: (vốn có thói quen diễn thuyết, đứng dậy đi lại và vung tay lên) Chúng tôi đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ và giàu mạnh. Nhân dân tôi phải được mở rộng quyền tự do dân chủ trong đời sống riêng tư và đời sống xã hội. Nhân dân tôi phải được no ấm và đủ việc làm. Tôi không phản đối sự giao lưu của người Pháp và người ngoại quốc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa. Có điều, họ phải tôn trọng sự độc lập về nhân cách chính trị của nhân dân tôi. Áp đặt chính trị thực chất là tiêu diệt dân tộc, tiêu diệt bản ngã dân tộc. Chúng tôi đấu tranh chống lại điều đó.
Dật Công: Thưa ông Nguyễn Thái Học, các cuộc bạo động của các ông, các vụ ám sát cá nhân của các ông, đấy chẳng lẽ được coi là những hành động chính trị lành mạnh và cơ bản hay sao? Chúng tôi e rằng điều này sẽ gây cho nhà cầm quyền Pháp tức tối, xiết chặt bàn tay bạo lực cho dân tộc vốn rất đau khổ của chúng ta mà thôi.
Nguyễn Thái Học: Trước hết, xin ông gạt khái niệm lành mạnh và không lành mạnh ra khỏi phạm trù chính trị. Chính trị đứng cao hơn đạo đức chấp đức. Những hoạt động của chúng tôi chỉ có ý nghĩa thức tỉnh lòng dân. Chúng tôi không bao giờ coi việc giết một tên Tây Bazin nào đó sẽ làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của nước Pháp. Tuy nhiên, khi người ta đã dám giết một tên Tây Bazin thì người ta có thể tấn công một đồn cảnh sát. Khi họ có gan tấn công một đồn cảnh sát thì họ sẽ dám tấn công một công sở. Cứ thế mãi cho đến khi dành chính quyền Cách mạng dứt khoát phải trải qua các bước thực tập từ nhỏ đến lớn.
Bảo Tâm: Thưa ông, người trí thức chúng tôi giữ vai trò gì?
Nguyễn Thái Học: Nếu nhân dân là một quả pháo thì người trí thức sẽ là ngòi nổ. Đấy là trong cách mạng.
Dật Công: Còn trong thời bình?
Nguyễn Thái Học: Một bộ phận ưu tú sẽ là những người bạn trong màn trướng của nhà chính trị, còn đa số là những tên hề và nô lệ của nhà chính trị.
Hải Vân: Còn những nhà kinh tế?
Nguyễn Thái Học: Nhiệm vụ của họ là phải làm giàu cho đất nước cả trong thời bình cũng như trong thời chiến, bất chấp mọi hoàn cảnh.
Bảo Tâm: Nhân dân là gì? Các ông quan niệm thế nào về nhân dân?
Nguyễn Thái Học: (mơ mộng) Nhân dân – đấy là tập hợp của đám đông tạo nên Tổ Quốc. Chúng ta sẽ sống ra sao nếu không có nhân dân, không dựa vào nhân dân?
Cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa xiết bao nếu chúng ta không vì nhân dân mà tranh đấu? Người ta chỉ được nhân dân biết tới khi họ dám hy sinh cuộc đời của cá nhân họ ra cống hiến cho nhân dân mà thôi.
Dật Công: Thưa ông Nguyễn Thái Học, nhân dân cần những gì?
Nguyễn Thái Học: Trước hết, nhân dân cần một cuộc sống bình ổn, cần một bầu không khí dân chủ. Sau nữa, nhân dân cần một cuộc sống đầy đủ. Nhân dân cần một nền chính trị do họ tự nguyện dựng nên, một nền chính trị cởi mở và hợp lòng họ.
Dật Công: Các ông nghĩ gì về người Pháp, về người ngoại quốc?
Nguyễn Thái Học: Chúng tôi phát động một cuộc đấu tranh chống sự áp đặt chính trị của người Pháp, của người ngoại quốc. Chúng tôi đấu tranh cho sự độc lập về nhân cách chính trị của người Việt Nam.
Minh (trong bộ áo dài màu xanh) ôm hoa tươi cười chạy vào.
Minh: Ông Nguyễn Thái Học đến chưa ba?
Nguyễn Thái Học ngỡ ngàng quay ra. Minh đẹp lộng lẫy. Tảo bước lại gần, ngăn cách giữa Minh và Nguyễn Thái Học. Nhân lúc ấy, Khải luồn ra ngoài.
Hải Vân: Xin lỗi… Thưa ông Nguyễn Thái Học, đây là con gái tôi.
Nguyễn Thái Học: (lịch sự và nhã nhặn) Xin chào tiểu thư.
Minh: Ba ơi! Ba có nhầm không ba? ông Nguyễn Thái Học mà lại là nhà sư này hả ba?
Mọi người cười.
Nguyễn Thái Học: (tươi cười) Vâng! Thưa tiểu thư. Tôi đây! Nguyễn Thái Học đây! Tiểu thư hình dung về tôi thế nào?
Minh: (đưa hoa) Ông làm em ngạc nhiên quá. Em tưởng ông phải to béo, ông ăn mặc như một võ sĩ, ông bệ vệ, sang trọng, đằng sau ông có những người cận vệ.
Nguyễn Thái Học: (đưa hoa cho Tảo) Thật buồn cười… (trở nên hóm hỉnh) Thưa tiểu thư, có thể đây là chân dung của tôi trong tương lai, khi cuộc cách mạng này thành công chăng?
Mọi người cười.
Hải Vân: Thưa ông Nguyễn Thái Học… Tôi thành thật xin lỗi vì sự vô ý của con gái tôi. Cháu nó còn trẻ trung và nông nổi.
Nguyễn Thái Học: Không, thưa ông, tuổi trẻ không có lỗi gì. Trong cuộc đấu tranh của chúng ta, những người trẻ tuổi sẽ là những người tiên phong. Chỉ có những người trẻ tuổi mới có thể bước lên máy chém mà vẫn tươi cười, họ sẽ hy sinh chiến đấu cho Tổ quốc đến giọt máu cuối cùng mà không nuối tiếc, Gian-da mà nông nổi ư? Triệu Thị Trinh mà nông nỗi ư? Và chúng tôi: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu, Bùi Tư Toàn, tất cả chúng tôi đều nông nỗi ư?
Hải Vân: (xúc động ôm lấy Nguyễn Thái Học) Cám ơn ông, cám ơn con, con trai ta…
Dật Công: (đỡ ông Hải Vân) Bác ạ, chúng ta thật tự hào về lớp trẻ ngày nay. Nhất định dân tộc Việt Nam sẽ lại tự do độc lập, sẽ hùng cường.
Nguyễn Thái Học: (mỉm cười) Cuộc đấu tranh sẽ không dễ dàng… Để đến ngày Việt Nam Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ và giàu mạnh, trong số chúng tôi sẽ có nhiều người ngã xuống…
Hải Vân: (nói với Minh) Con… con lấy cái tráp trong tủ ra đây cho ba… Thưa ông Nguyễn Thái Học, tất cả giới trí thức và kinh doanh trong thành phố chúng tôi lòng thành xin đóng góp một ít của cải cho một nước Việt Nam mới.
Bảo Tâm lấy một hộp giấy buộc lụa điều trao cho ông Hải Vân đưa cho Nguyễn Thái Học.
Minh cũng lấy cái tráp đen đưa cho ông Hải Vân. Ông Hải Vân mở tráp lấy ra những sợi dây chuyền vàng.
Hải Vân: Thưa ông… Còn đây là tấm lòng thành của gia đình tôi (vốc một vốc dây chuyền, vàng bạc trên tay)… mong ông nhận ở đây tấm lòng của chúng tôi, của nhân dân Hà Nội.
Nguyễn Thái Học: (chặn lại) Cám ơn ông, cám ơn các vị… Cách mạng rất cần tiền để mua vũ khí… Tôi xin thay mặt tổ chức cám ơn các vị. Song, hiện nay, ngay bây giờ thì chúng tôi chưa cần đến… Các vị cho tôi gửi lại. Khi nào cần, sẽ có người của tổ chức tìm đến…
Trong hậu trường vang lên tiếng xe, tiếng còi của cảnh sát. Mọi người bối rối, hoảng hốt.
Tảo: (rút súng) Có động! Mật thám bao vây rồi!
Bảo Tâm: Thôi chết! Thằng Khải! Thằng Khải đi báo mật thám rồi!
Nguyễn Thái Học: Bình tĩnh! Xin các vị bình tĩnh (nói với Hải Vân): Thưa ông, xin ông cho tôi mượn một bộ quần áo dân thường để cải trang. Ở đây, cần một người ăn mặc nhà sư đi ra để đánh lạc hướng mật thám.
Hải Vân: Mời ông đi theo tôi.
Nguyễn Thái Học dừng lại, bình tĩnh bắt tay Bảo Tâm, Dật Công, và ôm hôn họ, sau đó nhanh nhẹn đi ra. Trên sân khấu còn lại Bảo Tâm và Dật Công. Họ nhanh nhẹn cất các đồ nữ trang và hoa trên bàn.
Hải Vân quay trở lại sân khấu. Vang lên tiếng gõ cửa dồn dập. Bảo Tâm mở cửa.
Khải cùng một toán lính Tây và mật thám ùa vào.
Khải: Ông Hải Vân! Nguyễn Thái Học đâu rồi?
Hải Vân: Thưa ông… xin lỗi… các ông có sự nhầm lẫn gì chăng? Đây, là hãng buôn Vân Hải, chúng tôi không có liên hệ gì với ông Nguyễn Thái Học.
Khải: (túm ngực Hải Vân) Tên nhà sư đâu rồi?
Dật Công: (can Khải) Công tử! Xin công tử nể quan hệ của gia đình ta với hãng Vân Hải, của quan toàn quyền Pasquier với hãng Vân Hải…
Khải: (vung can): Lục soát!
Bọn lính và mật thám tản ra.
Khải: (nói Với Hải Vân, Dật Công và Bảo Tâm) Tất cả quay mặt, chống tay vào tường! Các người ghê gớm thật. Chính phủ bảo hộ không bao giờ tha thứ cho việc tiếp tay bọn phiến loạn của các người.
Khải giật những cuốn sách trên giá vứt xuống đất, dáng hùng hổ.
Bọn mật thám và lính vào.
Mật thám: Thưa “xếp”, chúng tôi bắt được một tên nhà sư và một tên phiến loạn.
Hải Vân, Dật Công, Bảo Tâm quay ra.
Khải cầm can vung lên.
Khải: Quay mặt vào tường (nói với mật thám). Dẫn chúng vào đây.
Lính dẫn Minh (trong y phục nhà sư) và Tảo vào. Tảo bị trói, quần áo tả tơi.
Khải: (Giật tấm khăn trên đầu Minh): A… cô Minh!
Minh: Chào công tử! Công tử là người có danh vọng. Xin công tử cư xử xứng đáng. Tại sao công tử cho lính vào lục soát trong một hãng buôn danh giá thế này?
Khải: (cười gàn) Xin lỗi tiểu thư.. Vì sao ư? (lấy tay nâng cằm Minh) Nguyễn Thái Học đâu rồi?
Minh: Không có Nguyễn Thái Học nào cả. Đây là hãng buôn Vân Hải.
Khải: Giỏi lắm… Nguyễn Thái Học trốn rồi phải không? Đây là nhà sư giả! Được rồi! Tiểu thư xinh đẹp ạ. Tiểu thư sẽ biết thế nào là tiếp tay cho phiến loạn. (quay sang Tảo) Nguyễn Thái Học đâu?
Tảo lặng im. Khải túm ngực áo Tảo.
Khải: Nguyễn Thái Học đâu?
Đánh Tảo. Tảo ngã xuống.
Minh: Dã man! Ông cư xử không xứng đáng với một gia đình dòng dõi!
Khải: Thưa tiểu thư, khi Nguyễn Thái Học nói: Chính trị cao hơn đạo đức, bất chấp đạo đức điều ấy có nghĩa là mọi phương tiện đều được sử dụng cho nó. Tại sao tiểu thư không nghĩ rằng những vụ ám sát của Nguyễn Thái Học không phải là những hành động dã man?
Minh: Tôi ghê tởm ông!
Khải: (bảo mật thám): Dẫn nó về Hỏa lò (chỉ Tảo). Dẫn cả những người này nữa (chỉ Hải Vân, Dật Công và Bảo Tâm).. Thưa tiểu thư, Nguyễn Thái Học không thoát khỏi tay tôi đâu! (nham hiểm) Tiểu thư biết không? Bọn này đang chuẩn bị một cuộc phiến loạn ở Hà Nội, Yên Báy, Phúc Yên… Nhưng chúng đã bị mắc bẫy rồi. Trong tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng có đến một phần ba là người của chúng tôi! Tôi sẽ bóp chết cuộc bạo loạn từ trong trứng nước!
Minh: (gào khóc) Ba! Ba ơi! Không được bắt ba tôi (chạy theo nhưng bị Khải đẩy ngã).
Hải Vân: (quay lại) Con! (Mật thám đẩy Hải Vân nhưng ông vẫn quay lại giơ nắm tay lên). Không thành công cũng thành nhân!
Minh: Ba! Ba ơi! (giơ tay lên gọi).
Khải: (ý tứ vòng qua Minh): Chào tiểu thư! Rất may tiểu thư là đàn bà, nếu không tiểu thư cũng bị bắt vào Hỏa lò rồi. Còn Nguyễn Thái Học, chỉ nay mai hắn cũng bị bắt giam như đồng bọn của hắn. Thôi! Xin chào!
(Ra).
Minh: (gào khóc) Ba ơi! Ba ơi!
Màn kéo lại.
BẤM VÀO ĐỌC HỒI II

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt