Còn Lại Tình Yêu (Hồi I)

Lời người post: Để giúp bạn đọc có một hình dung đa diện về Nguyễn Huy Thiệp, một Nguyễn Huy Thiệp sâu sắc, đáo để… lạ lùng, chúng tôi xin giới thiệu kịch bản “Còn lại tình yêu” nói về Nguyễn Thái Học lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng.

NHÂN VẬT TRONG VỞ KỊCH
Thời trước Cộng Sản cướp chính quyền

Nguyễn Thái Học: Lãnh tụ cách mạng Việt Nam Quốc Dân Đảng
Hải Vân: Nhà tư sản
Dật Công: Nhà giáo
Bảo Tâm: Nhà tư sản
Lê Thị Minh: Con gái nhà tư sản Hải Vân
Đào Xuân Khải: Sĩ quan phòng nhì Pháp
Nguyễn Văn Tảo (Đội Tảo): Thư ký hãng buôn, sau phản bội trở thành cai đội.
Hoàng Trọng Phu: Thượng Thư thời Thực Dân Pháp
Đội lĩnh và các cai đội khác (5 người)
Đại biểu các giới ở Hà Nội (4 người, 2 nam, 2 nữ)
Người hầu của Hoàng Trọng Phu (2 nữ)

Thời hiện tại:
Thiếu tướng công an Cộng Sản Việt Nam
Trung úy công an Cộng Sản Việt Nam
Nữ thư ký Cộng Sản Việt Nam
Cảnh vệ, phụ tá, bác sĩ (3 người)
Trần Nhật Thường: Chồng bà Lê Thị Minh

TRANG TRÍ
Vở kịch có 5 hồi, chia thành 2 phần:
Thời hiện tại và thời trước Cộng Sản Việt Nam (CSVN) cướp chính quyền

Hồi 1 và 2: Lấy cảnh sân khấu một phòng làm việc của Bộ Nội vụ CSVN
Hồi 3: Lấy cảnh sân khấu một phòng khách trong một gia đình tư sản thời 1930
Hồi 4: Lấy cảnh sân khấu nhà tù Hỏa Lò, Hà nội nơi giam giữ lãnh tụ VNQDĐ Nguyễn Thái Học.
Hồi 5: Không có trang trí, nền sân khấu chỉ là một màn buông (có thể chỉ treo hình một trái tim ở chính giữa)

ÂM NHẠC: Tùy đạo diễn và nhạc sĩ chọn lọc

THỂ LOẠI: KICH NÓI – HỒI I

HỒI I:

Văn Phòng Bộ Nội vụ
Viên sĩ quan trực ban (một trung úy) đang đọc tài liệu. Tập hồ sơ bên cạnh. Thiếu tướng vào, cầm mấy tờ giấy đánh máy.
Trung úy: (đứng dậy, ân cần): Chào thiếu tướng! Khuya rồi, thiếu tướng chưa đi ngủ ư?
Thiếu tướng: Chưa, dạo này mình cũng ít ngủ. Già rồi, mỗi tuổi mỗi khác.
Trung úy: Thiếu tướng có vẻ mệt mỏi… Vụ án làm thiếu tướng căng thẳng ư?
Thiếu tướng: Không, không sao. Vụ án kết thúc rồi. Một vụ án hình sự. Buôn lậu ma túy. Tôi hài lòng vì công việc có kết quả tốt!
Trung úy: Vâng, thưa thiếu tướng. Thiếu tướng cho phép chúng tôi kết thúc hồ sơ, chuyển sang khởi tố được chưa?
Thiếu tướng: Được… cơ bản là được. Tuy nhiên, tôi vẫn áy náy vô cùng về cái bức thư lạ lùng mà chúng ta khám được trong nhà lão già ấy.
Trung úy: Thưa thiếu tướng, có phải bức thư của Nguyễn Thái Học không?
Thiếu tướng: Đúng rồi… Thư của Nguyễn Thái Học… Tôi đã xem xét kỹ càng, gửi đi kiểm tra… Tôi không tin lão già ấy…
Trung úy: Đúng thế, khi hỏi đến lá thư, tôi cũng thấy lão già hết sức lúng túng…
Thiếu tướng: Không phải lúng túng! (khẳng định, nghiêm khắc) Lão già sợ, rõ ràng là lão già sợ!
Trung úy: Thưa thiếu tướng, tôi không hiểu…
Thiếu tướng: Hôm nay, khi bên K.25 báo cho tôi biết bức thư đúng là đã viết cách đây 59 năm tôi lại càng suy nghĩ… Họ đã xác định chất giấy, nét mực… Rất có thể chính Nguyễn Thái Học đã viết bức thư này.
Trung úy: Thưa thiếu tướng, một bức thư bình thường… Có thể bức thư rơi vào tay lão già một cách ngẫu nhiên thì sao (băn khoăn). Nhưng tại sao lão già lại sợ?
Thiếu tướng: Đấy… chính là điều ấy khiến tôi mất ngủ… Tôi suy nghĩ, suy nghĩ mãi. Tôi tin bức thư rơi vào tay lão già không phải ngẫu nhiên (đi đi lại lại)… Đúng… Không phải ngẫu nhiên… Không phải ngẫu nhiên… Nhất định thế…
Trung úy: Thưa thiếu tướng… Thực ra tất cả những điều ấy không có ý nghĩa gì? Lão già bị bắt vì tội buôn lậu thuốc phiện, chứng cớ rõ ràng, lão già đã nhận tội. Dứt khoát lão già không thoát tù tội. Hơn nữa, thưa thiếu tướng, với một lão già 80 tuổi, tôi tin lão già không sống được đến khi mãn hạn tù đâu?
Thiếu tướng: Đúng rồi… Không có ý nghĩa gì… Rất lôgic! Nhưng anh có phải là một sĩ quan nghiên cứu không, anh không thấy đây là bức thư của Nguyễn Thái Học à? Chính Nguyễn Thái Học đã viết bức thư này!
Trung úy: Thưa thiếu tướng, tôi không hiểu… Thứ nhất là…
Thiếu tướng: Thứ nhất là vì sao lão già lo sợ hoảng hốt khi chúng ta hỏi về bức thư? Thứ hai nữa, vì sao lão già lại giữ gìn bức thư cẩn thận thế? Thứ ba, vì sao lão già có bức thư này? Còn thứ tư, anh biết không, Nguyễn Thái Học, anh có biết Nguyễn Thái Học là ai không?
Trung úy: Thưa thiếu tướng, tôi biết, Nguyễn Thái Học là người lãnh đạo khởi nghĩa Yên Báy năm 1930.
Thiếu tướng: Đấy, chúng ta đều chỉ biết Nguyễn Thái Học là người lãnh đạo khởi nghĩa Yên Báy năm 1930. Ông ta bị xử tử hình khi mới 28 tuổi. Tôi biết thế, một thiếu tướng công an chỉ biết đến thế mà thôi. Bên Viện Sử học, hình như người ta cũng chỉ biết có thế!
Trung úy: Thưa thiếu tướng, tôi vẫn không hiểu… Thứ nhất là…
Thiếu tướng: Thứ nhất là Nguyễn Thái Học đã chết cách đây 59 năm chứ gì?
Trung úy: Thưa thiếu tướng. Ý tôi không hẳn như thế. Nguyễn Thái Học là một nhân vật lịch sử, một anh hùng, tên tuổi vị trí của Nguyễn Thái Học đã ổn định và quá quen thuộc… Tôi không hiểu Nguyễn Thái Học liên quan gì đến vụ án của chúng ta, đến cái lão già buôn lậu thuốc phiện gần kề miệng lỗ?
Thiếu tướng: Anh nói rất đúng (suy nghĩ)… chẳng có liên quan gì cả (chợt tỉnh). Nhưng thôi… Anh cứ mặc kệ tôi! Tôi chưa cho kết thúc vụ án này đâu! Ít ra, tôi cũng muốn giữ lão già lại. Chỉ một mình lão già thôi…
Trung úy: (mỉm cười) Tùy thiếu tướng, chúng tôi bao giờ cũng chấp hành mệnh lệnh thiếu tướng…
Thiếu tướng: Thế này nhé! Vụ án buôn lậu thuốc phiện thế là xong, có thể khởi tố được, tôi không phản đối. Nhưng bức thư của Nguyễn Thái Học, đấy thực sự là một vụ án khác (nhanh nhẹn). Bây giờ trung úy, anh hãy giúp tôi đưa lão già đến đây. Từ khi biết đích xác đây là bức thư được viết cách đây 59 năm, tôi sốt ruột, nôn nóng quá chừng! Gọi cho tôi thêm một thư ký vào đây, tôi muốn đích thân hỏi cung lão già ấy.
Trung úy: Tuân lệnh thiếu tướng.
Trung úy ấn chuông. Ở cửa xuất hiện một chiến sĩ công an.
Trung úy: Mời cho tôi đồng chí thư ký. Sau đó đưa phạm nhân Nguyễn Văn Tảo vào!
Chiến sĩ: (chào) Rõ!
Trung úy: (nhường chỗ) Mời thiếu tướng! Xin thiếu tướng cho phép tôi tham gia hỏi cung.
Thiếu tướng: Cám ơn! Cám ơn anh! Chúng ta sẽ cùng làm việc. Anh biết không? Từ khi được biết bức thư này có thể, có thể thôi, do chính tay Nguyễn Thái Học viết, lòng tôi run lên vì cảm động. Nếu đúng là Nguyễn Thái Học, thì lão già này không thoát được tay tôi đâu.
Trung úy: Thiếu tướng cho tôi xem lại bức thư được không?
Thiếu tướng đưa bức thư, một bức thư viết trên giấy bản.
Trung úy: Nét chữ mực tím, cứng cỏi lắm (đọc).
Thưa cô! Trưa ngày mai chúng sẽ tử hình, chúng sẽ chặt cổ, bêu đầu tôi. Ước nguyện của tôi là mong cô được sống cuộc đời hạnh phúc. Cô xứng đáng như thế, bởi cô có một trái tim cao thượng. Ký tên: Nguyễn Thái Học”.
Thiếu tướng: Trung úy! Anh có thấy tôi quyết định mở ra vụ án là sáng suốt không?
Trung úy: Thưa thiếu tướng, hoàn toàn chính xác. Nếu đúng là Nguyễn Thái Học thì bức thư thật là đáng kể.
Ngoài cửa xuất hiện người nữ thư ký.
Thư ký: Báo cáo thiếu tướng! Tôi, thiếu úy Vũ Kim Dung có mặt theo lệnh thiếu tướng.
Thiếu tướng: Xin mời vào! Đồng chí hãy ghi biên bản cuộc hỏi cung này, tôi tin là sẽ thú vị. Hãy ghi âm lại!
Thư ký: Rõ!
Người thư ký ngồi vào bàn, chờ đợi. Cảnh vệ dẫn phạm nhân vào. Đấy là một lão già 80 tuổi, người cao lớn. Lão già vừa đi vừa ho.
Trung úy: Ông Nguyễn Văn Tảo! Mời ông ngồi!
Tảo: (ho) Khổ thật! Nửa đêm các ông còn dựng dậy hỏi cung! Tôi 80 tuổi, sắp chết rồi! Có điều gì tôi đã khai hết để chết đi cho nó thanh thản, các ông còn hỏi gì nữa! Cả đường dây buôn lậu thuốc phiện từ Sơn La, Lai Châu đến Sài Gòn các ông đã tóm được cả còn gì!
Thiếu tướng: Ông Đội Tảo, còn đấy! Đêm nay tôi muốn hỏi ông điều khác.
Tảo: Được, thưa ông, có gì ông cứ hỏi đi. Tôi xin một điếu thuốc lá được không (ho).
Trung úy mời thuốc Tảo và châm lửa cho lão.
Thiếu tướng: Đội Tảo! Thời trẻ ông sống ở đâu, làm việc gì?
Tảo: Thưa ông, năm 1945 tôi làm ở Sở lục lộ…
Thiếu tướng: (gõ bàn) Không! Năm 1945 ông đã 36 tuổi rồi, trẻ gì nữa. Ông sinh năm 1909 phải không?
Tảo: Vâng, năm 1909.
Thiếu tướng: Tôi muốn hỏi ông thời kỳ trước năm 1945 cơ.
Tảo: Thưa ông, trước năm 1945 tôi là người lương thiện. Tôi chỉ trở nên hư hỏng từ khi có cuộc cách mạng của các ông thôi. Thưa ông, cho phép tôi kể về từ ngày tôi theo cách mạng…
Thiếu tướng: (nghiêm nghị) Đội tảo! Đừng có đùa. Ông hãy tuần tự kể từ khi ông sinh ra cho đến năm 1945, tức là cái thời kỳ ông cho là mình lương thiện ấy.
Tảo: (nghĩ ngợi, chậm rãi): Thưa ông, ông định hành hạ tôi bằng cách kể lại thời thơ ấu ư? Không, không đâu, tôi chẳng dại. Đấy là thời kỳ sung sướng nhất cuộc đời tôi. Kể lại làm gì? Nếu tôi kể lại ông sẽ phát thèm vì một cuộc sống như thế! Hơn nữa, các ông cũng chẳng tin đâu…
Trung úy lấy Hồ sơ, giở ra đọc.
Trung úy: Đội Tảo! Ông nghe đây! Nguyễn Văn Tảo sinh ngày 13 tháng 8 năm 1909 tại thôn Giai Lệ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Xuất thân gia đình địa chủ. Từ 1909 đến 1912 ở Hưng Yên cùng bố mẹ. Từ 1913 đến 1920 ở với người cậu ruột là Trần Văn Định là đốc-tơ ở nhà thương Đồn Thủy. Năm 1927 đăng lính khố xanh… Có đúng không?
Tảo: Thưa ông… đúng… các ông đúng là mật thám, cái gì các ông cũng biết.
Thiếu tướng: Năm 1927, ông đi lính như thế nào?
Tảo: (nghĩ ngợi) Thực ra cũng chẳng phải là đi lính. Năm ấy tôi 18 tuổi, tôi đang học trường Canh nông… Nhà tôi giàu, tôi rất diện… Đoạn ấy các ông ghi nhầm…
Thiếu tướng: Được rồi, ông học trường Canh nông… Thời gian từ năm 1927 đến năm 1930 ông ở những đâu…
Tảo: Thưa ông, nhiều lắm. Phú Thọ, Yên Báy, Lào Cai, Nam Định, nhưng nhiều nhất là ở Hà Nội.
Trung úy: Ông ở Yên Báy? Ông có biết gì về cuộc khởi nghĩa Yên Báy không?
Tảo: Dạ biết chứ, ai sống thời ấy mà không biết nó. Cuộc khởi nghĩa ấy do Việt Nam Quốc Dân Đảng của các ông Nguyễn Thái Học với Nguyễn Khắc Nhu chủ trương. Có điều, hồi ấy người ta không gọi là khởi nghĩa mà gọi là bạo động, là bạo loạn, là giặc cỏ…
Trung úy: Ông có hiểu biết gì về những Quốc Dân Đảng ấy không?
Tảo: (láu cá) Thưa ông, đấy có phải là đảng cách mạng không ạ, có được Tổ quốc ghi công không ạ?
Thiếu tướng: Quốc dân đảng cho đến khởi nghĩa Yên Báy là một tổ chức cách mạng tiến bộ. Những lãnh tụ của nó trong thời kỳ này thực sự là những người anh hùng, những người yêu nước…
Tảo: Thưa ông, có được Tổ quốc ghi công không ạ?
Thiếu tướng: Có. Tổ quốc bao giờ cũng biết ơn những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập tự do của đất nước mình.
Trung úy: Ông thấy đấy, ở ngay Hà Nội cũng có một phố được đặt tên là Nguyễn Thái Học, một phố được đặt tên là Phó Đức Chính, một phố khác được đặt tên là Nguyễn Khắc Nhu.
Tảo: Họ là những người tốt phải không ạ?
Trung úy: Phải. Đấy là những người tốt, những người anh hùng. Tôi xin hỏi lại nhé, ông có biết gì về những người Quốc dân đảng ấy không?
Tảo: (lưỡng lự) Thưa ông, có… Hồi ấy, thậm chí tôi còn được gặp mặt, nói chuyện với ông Nguyễn Thái Học nữa.
Trung úy: Ông không bịa đấy chứ?
Tảo: (bất ngờ) Sao là bịa? Ông khinh tôi quá! Tôi xin thề…
Thiếu tướng: Tôi tin ông. Ông không phải thề. Ông gặp mặt Nguyễn Thái Học mấy lần?
Tảo: Cho tôi điếu thuốc! Cám ơn ông! Tôi nhớ tôi đã gặp Nguyễn Thái Học hai lần ở Hà Nội, một lần ở nhà cậu ruột tôi là Trần Văn Định, ông ấy làm đốc-tơ ở nhà thương Đồn Thủy. Lần thứ hai tôi gặp Nguyễn Thái Học ở nhà ông Lê Hải Vân ở phố Hàng Bạc… Sau này, lúc ấy ông Nguyễn Thái Học bị bắt rồi, tôi có gặp một lần nữa, trước hôm ông ấy bị xử tử hình…
Thiếu tướng: (lấy ra bức thư) Có phải Nguyễn Thái Học đã viết bức thư này và ông chuyển cho người quen không?
Tảo: (đờ đẫn) Bức thư… Bức thư… (lo sợ). Không… Không… Tôi không biết bức thư nào cả… Các ông để cho tôi yên…
Thiếu tướng: Ông Đội Tảo, ông bình tĩnh lại đi… Trung úy, rót cho ông ấy chén nước… Tôi chỉ muốn xác minh rằng đây có phải là bức thư do chính Nguyễn Thái Học viết không?
Tảo: Không… tôi không biết… (trở nên câm lặng)
Thiếu tướng: Ông Đội Tảo. Nguyễn Thái Học là một người anh hùng. Chúng ta còn biết quá ít về ông ta… Ông đã từng gặp Nguyễn Thái Học ba lần, tôi biết, Nguyễn Thái Học tin ông, chính vì thế ông ấy mới viết bức thư này nhờ ông, tin cậy giao phó thư này cho ông…
Tảo: Tin tôi… Vâng, tin tôi… Ông ấy là một người trong sáng, ông ấy đặt lòng tin vào tất cả mọi người…
Thiếu tướng: Đằng nào mọi việc cũng đã kết thúc từ lâu rồi. Ông Đội Tảo, tôi rất muốn ông giúp chúng tôi… Bức thư này gửi cho ai vậy?
Tảo: Không… thưa ông… Tôi không biết! (lì lợm).
Thiếu tướng: Người ấy còn sống không?
Tảo: Không… tôi không biết…
Thiếu tướng: Trong tiểu sử Nguyễn Thái Học tôi biết Nguyễn Thái Học có quan hệ thân thiết với một người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Giang… Có phải Nguyễn Thị Giang… là người phụ nữ trong thư này không?
Tảo: Thưa ông… Không phải… Tôi có tội với ông Nguyễn Thái Học… (mặc cảm tội lỗi)
Thiếu tướng: Ông đừng nghĩ ngợi nữa. Nguyễn Thái Học đã mất rồi, đã mất những 59 năm nay rồi. Ông ấy sẽ tha thứ cho ông, Nguyễn Thị Giang có phải là người phụ nữ trong thư này không?
Tảo: Thưa ông… Không… Nguyễn Thị Giang là vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học… Bà ấy đã tuẫn tiết sau khi ông Học mất…
Thiếu tướng: Bức thư này gửi cho ai?
Tảo: (lưỡng lự) Thưa ông… thưa ông… Tôi mỏi mệt quá…
Trung úy: Ông chịu khó uống mấy viên thuốc này… ông sẽ tỉnh táo ra đấy.
Tảo: Cám ơn ông… cám ơn ông!
Uống thuốc. Mọi người chú ý chờ đợi.
Thiếu tướng: Qua ba lần gặp Nguyễn Thái Học, ông thấy ông Học là người thế nào?
Tảo: (chậm rãi, nhấn mạnh) Thưa ông… Đấy là một hòn ngọc trong suốt… Tôi không biết nói thế nào. Một người tốt đến đau lòng… Cả tin… Cả tin hết mức… Mà nhẹ dạ, nông nổi nữa…
Thiếu tướng: Ông ấy có khiến ông bị xúc động không?
Tảo: Không phải xúc động… Thưa ông… Ông ấy làm người ta can đảm… ông ấy cả tin hết sức…
Thiếu tướng: Thế còn bức thư này? Cũng cả tin ư?
Tảo: Vâng… ông ấy mới 28 tuổi… ông ấy có hiểu gì về phụ nữ đâu.
Thiếu tướng: Không phải gửi cho bà Nguyễn Thị Giang. Bức thư ấy gửi cho ai vậy?
Tảo: (chìm đắm): Thưa ông, người ấy tên là… Minh, là… là… Lê Thị Minh… (ngã vật ra)
Thiếu tướng, trung úy và người thư ký bật cả dậy. Trung úy và người thư ký chạy lại đỡ Đội Tảo. Người thư ký bê lại một cốc nước cho Đội Tảo uống như bị trớ ra. Thiếu tướng bấm chuông gọi. Cảnh vệ xuất hiện.
Thiếu tướng: Đưa người này ra cấp cứu!
Bác sĩ, phụ tá và cảnh vệ đặt Đội Tảo lên băng-ca đưa ra. Sân khấu còn thiếu tướng, trung úy và người thư ký.
Thiếu tướng: Tốt rồi! Tôi không ngờ cuộc hỏi cung lại có kết quả tốt như vậy.
Trung úy: Lão già hơi bị căng thẳng…
Thư ký: Thưa thiếu tướng. Lão già cũng yếu nữa…
Thiếu tướng: Tốt rồi… vấn đề ở chỗ chúng ta đã moi được từ miệng lão những thông tin tuyệt vời. Thứ nhất, bức thư này là của Nguyễn Thái Học. Thứ hai, bức thư này gửi cho một người phụ nữ tên là Lê Thị Minh. Từ những đầu mối này, chúng ta có thể biết được rất nhiều điều.
Trung úy: Thưa thiếu tướng, tôi vẫn không hiểu. Thực tình tôi vẫn không hiểu. Nguyễn Thái Học chết cách đây 59 năm rồi…
Thiếu tướng: (ngạc nhiên) Đồng chí trung úy! Đồng chí nói gì mà kỳ quặc vậy? Nào, chúng ta hãy nghe lão già khốn nạn, một lão già lưu manh, một tên buôn thuốc phiện lậu đã từng can phạm giết người đánh giá nhận định về Nguyễn Thái Học. Đồng chí thư ký, đọc lại biên bản đi. Đọc đoạn cuối ấy. Mở máy ghi âm cũng được!
Thư ký: (mở máy ghi âm)
Hỏi: Qua ba lần gặp Nguyễn Thái Học, ông thấy ông Học là người thế nào?
Đáp: Thưa ông… Đấy là một hòn ngọc trong suốt… Tôi không biết nói thế nào. Một người tốt đến đau lòng… cả tin… cả tin hết mức… Mà nhẹ dạ, nông nổi nữa.
Hỏi: Ông ấy có khiến ông bị xúc động không?
Đáp: Không phải xúc động… Thưa ông… ông ấy làm người ta can đảm… ông ấy cả tin hết sức.
Hỏi: Thế còn bức thư này? Cũng cả tin ư?
Đáp: Vâng… Ông ấy mới 28 tuổi… Ông ấy có hiểu gì về phụ nữ đâu…”
Thiếu tướng: Thôi… Thế nào? Anh bạn trẻ? Có cần nghe lại để hiểu ra công việc chưa?
Trung úy: (mỉm cười, gãi đầu): Thưa thiếu tướng, tôi đã hiểu, đã hiểu…
Thiếu tướng: Anh bạn trẻ ạ, tôi ngần này tuổi đầu rồi… Tôi đã trải qua bao nhiêu thăng trầm cuộc đời… Hãy nghe tôi. Tôi cũng chẳng còn sống lâu nữa đâu… Hay nghe tôi… Mọi sự rồi sẽ qua đi. Các cuộc cách mạng rồi sẽ qua đi, rất nhiều biến cố rồi sẽ qua đi, những người anh hùng và cả những tên đê tiện rồi sẽ chết… Chỉ có tình yêu còn lại. Mãi mãi, chỉ có tình yêu còn lại.
Cảnh vệ xuất hiện.
Cảnh vệ: Báo cáo thiếu tướng: Phạm nhân Nguyễn Văn Tảo, 80 tuổi, đã bị đột tử vì xuất huyết não hồi 23 giờ 10 phút. Đây là biên bản xét nghiệm pháp y.
Trung úy: (cầm biên bản): Cám ơn đồng chí!
Thiếu tướng: Sao lại đột tử?
Trung úy: (nhìn qua biên bản) Thưa thiếu tướng, lão già bị đứt mạch máu não vì căng thẳng, vì xúc động, viên thuốc mạnh quá…
Thiếu tướng: Như thế, nhất định người phụ nữ tên là Lê Thị Minh có một giá trị thật đáng kể, trung úy có thấy thế không?
Trung úy: Thưa thiếu tướng, đúng thế.
Thiếu tướng: Vụ án vừa được mở ra thì đầu mối đã biến mất rồi.
Trung úy: Thưa thiếu tướng, nếu thiếu tướng cho phép, tôi xin tiếp tục vụ án.
Thiếu tướng: Tôi rất vui lòng, anh bạn trẻ ạ. Đây cũng là một công việc đáng làm. Sau này, tôi không chắc anh có một cuộc chơi nào xứng đáng hơn thế nữa đâu.
Trung úy: Thưa thiếu tướng, tôi hiểu.
Thiếu tướng: (ôm lấy trung úy) Con ơi, con hãy nhớ lời ta. Đây là một công việc phải làm. Mọi sự rồi sẽ qua đi, rất nhiều biến cố rồi sẽ qua đi, bao nhiêu số phận rồi sẽ qua đi, những người anh hùng cũng sẽ chết, chỉ có tình yêu thôi, chỉ có tình yêu là còn lại, chỉ có tình yêu mãi mãi còn lại..

Hết hồi I, màn kéo lại 
BÂM VÀO ĐỌC HỒI II

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt