Con cờ Duterte trên bàn cờ Biển Đông
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Biển Đông như lò lửa ở vùng Thái Bình Dương, đặc biệt đối với các quốc gia Đông Nam Á, nơi tranh hùng giữa siêu cường Hoa Kỳ và đại cường Trung Cộng trước thế kỷ thứ 21. Sự tranh quyền này kéo theo các nước tranh chấp lãnh hải như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Mã Lai và Brunei vào vòng chiến cùng các nước Châu Á và châu Úc như Ấn Độ, Nhật Bản, Úc không thể đứng ngoài…Hầu hết các quốc gia trên thế giới ít nhiều đều có quyền lợi xuyên qua Biển Đông. Đối với Việt Nam, dù muốn dù không đất nước ta đã trở thành một mục tiêu tự nhiên cho những hành động tranh chấp quyền lợi của hai cường quốc Trung-Mỹ, vì thế HK lẫn TC đều muốn Việt Nam nằm trong quỹ đạo của họ, nắm được Việt Nam thì lợi ích của vị trí hải cảng Cam Ranh có thể kiểm soát Biển Đông và là cứ điểm trọng yếu nhằm bảo vệ các nước trong khối ASIAN. Dân tộc Việt Nam đã mất Hoàng Sa và Trường Sa về tay Trung Cộng, trong tình trạng hiện nay, có lấy lại Hoàng và Trường Sa được hay không là nhờ vào sức mạnh của dân tộc và sự vận động ngoại giao quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Trong tháng qua, Biển Đông lại có khuynh hướng đổi chiều, tân Tổng Thống Philippines, ông Duterte đã có những lời nói và hành động tách rời đồng minh truyền thống Hoa Kỳ xoay sang Trung Cộng, làm cho Hoa Kỳ thật sự bối rối, khối Đông Nam Á rơi vào lúng túng, đặc biệt trong năm 2017, Philippines là chủ tịch luân phiên của khối ASEAN.
Bài này không phân tích vấn đề Philippines có thể rời đồng minh Mỹ hay không mà chỉ ghi lại những sự kiện quan trọng qua lời nói, việc làm của Duterte và phản ứng của nó.
Khởi đầu, từ thượng tuần tháng 9, 2016 trước khi rời phi trường Philippines dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở thủ đô Vientain, Lào ngày 6 tháng 9, Duterte bằng những lời tuyên bố thô lỗ đã nhục mạ Tổng Thống Mỹ “Obama đi xuống địa ngục, đồ khốn…”, điều này đã làm cho TT Obama hủy bỏ cuộc gặp gỡ với Duterte bên lề Hội Nghị ASEAN tại Lào. Chuyện xẩy ra vì chính phủ Mỹ lên tiếng chỉ trích Duterte vi phạm nhân quyền, bắn giết bừa bãi không cần xét xử những người xử dụng ma túy. Duterte còn so mình với Hitler có thể giết chết 3 triệu người nghiện hút ở Philippines như Đức Quốc Xã đã giết dân Do Thái trước đây…lời tuyên bố “sắc máu” đó đã bị thế giới tây phương chỉ trích thậm tệ !
Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 28 tháng 9, khi nói chuyện với cộng đồng người Philippines tại khách sạn Intercontinental ở Hà Nội, Rodrigo Duterte tuyên bố: “Chúng ta đã lên lịch tập trận chung với Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc không muốn điều này. Tôi muốn nói với quý vị đây sẽ là cuộc tập trận chung cuối cùng với Mỹ”.
Nguồn tin của thông tấn Reuters cho biết, Duterte vẫn còn giữ hiệp ước quân sự với Washington hiện nay, nhưng sẽ không tiếp tục tuần tra trên biển Đông với Hoa Kỳ, và đòi đuổi các cố vấn Lực Lượng Đặc Biệt của Mỹ ở miền Nam Philippines đang giúp tiêu diệt quân khủng bố Hồi Giáo Abu Sayyaf. Duterte còn cho rằng ý niệm về sự xung đột giữa Philippines và Trung Quốc “chỉ là tưởng tượng” – có nghĩa tham vọng của Trung Cộng trên Biển Đông là không thật, chỉ do Mỹ làm lớn chuyện để đưa quân vào Philippines! không biết Duterte không biết hay “giả mù, sa mưa” để theo Trung Cộng nhằm thực hiện lập trường thiên tả của ông ta.
Trong khi đó thì thông tấn ABS-CBN cho biết thêm, ông Duterte nhắc lại kế hoạch mở rộng quan hệ liên minh với Trung Cộng và Nga, và sẽ thăm hai nước này trong năm nay.
Những lời tuyên bố này làm cho Mỹ bối rối, trong lúc đó thái độ của Washington là cố nhịn việc Tổng thống Philippines có những lời “thô lỗ” với TT Hoa Kỳ, giữ thái độ im lặng và quan sát mọi diễn biến để xem lời phát biểu Duterte là thật hay “bốc đồng”. Chỉ có bộ trưởng quốc phòng Ashton Cater lên tiếng trấn an rằng: “Qua nhiều thập niên quan hệ đồng minh giữ chúng ta với Philippines ‘vững như đồng’” (As it has been for decades, our alliance with the Philippines is “ironclad”).
Hiện tượng Duterte thăm Trung Cộng;
Trước khi thăm Trung Cộng, Duterte bắn tiếng là ông ngoại của ông thuộc dòng Hán Tộc. Trước đó, tại Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN ở Vientain, Lào, sau khi phát ngôn thô lỗ với Tổng Thống Obama thì Duterte chụp hình chung với Thủ Tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường trông thái độ giống chủ tớ, Lý Khắc Cường nhướng mắt đắc thắng bên cạnh Duterte cúi đầu khiêm cung. Tấm hình đó nói lên tâm tư tình cảm của Duterte phục Tàu chửi Mỹ, một tấm hình bằng vạn lời nói…
Duterte đến thăm Trung Cộng ngày 18 tháng 10, được Tập Cận Bình đón tiếp long trọng tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân Trung Hoa ở Bắc Kinh với những phát súng đại bác dàn chào và thảm đỏ, cùng các hàng quân oai nghiêm theo nghi lễ nghênh đón đệ nhất quốc khách…Duterte duyệt qua hàng quân với Tập Cận Bình, với bản chất cao ngạo, cái tôi to hơn núi, phát ngôn “thô lỗ” thuộc hàng “mục hạ vô nhân”, nay được lãnh đạo cường quốc kinh tế số 2 trên thế giới đón tiếp còn hơn đón vua Tần Thủy Hoàn sống lại thì Duterte còn gì sung sướng cho bằng. Trong khi bị Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và các nước Tây Phương chỉ trích tồi tệ, thì được Trung Cộng đón tiếp long trọng, nên Duterte sướng rêm người.
Tập Cận Bình đã bắn một mũi tên nhắm hai mục tiêu: Thứ nhất là chiêu dụ con cờ quan trọng của Mỹ trở về dưới trướng Đại Hán. Hai là, bồi thêm kích thích tố cho Duterte chửi Mỹ mạnh hơn để Tập Cận Bình có đồng minh “vô văn hóa” như cách tiếp đón chiếc Airforce One đến phi trường Hàng Châu tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 mà không có cầu thang đi xuống.
Được 5 trong 7 thành viên Bộ Chính Trị Trung Cộng, trong đó có Chủ Tịch và Thủ Tướng tiếp kiến,
Duterte rất ư là tự đắc, nhìn hình ảnh của y làm tôi nhớ lại bản mặt những tên “ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng Sản” cách đây hơn 40 năm ở miền Nam Việt Nam…Duterte đâu có ngờ đàng sau sự tiếp đón long trọng đó đó là một âm mưu thân độc đang dấu trong nụ cười đầy bí hiểm của Tập Cận Bình muốn biến Philippines thành một Tân Cương, Tây Tạng của Đại Hán trong tương lai.
Tập Cận Bình không những dùng thủ thuật ngoại giao “hoành tráng” (trong ngoặt kép) để mờ mắt kẻ háo danh như Duterte, mà còn dùng “ngoại giao nhân dân tệ” để làm đẹp lòng 400 bầu đoàn thê tử đi theo Duterte đã ký hiệp đồng thương mại, và viện trợ đến 24 tỉ USD.
Tất cả đó, đổi lại Rodrigo Duterte tuyên bố ngông cuồng tại Bắc Kinh: “Tôi tuyên bố tách rời khỏi Hoa Kỳ về quân sự cũng như kinh tế…”, người trong hội trường đều là con cháu của Mao vỗ tay vang dội. Tại một diễn đàn khác với cử tọa là doanh nghiệp người Hoa, Duterte tuyên bố “Hoa Kỳ đã thua. Tôi đã đổi lập trường để đi theo dòng ý thức hệ Trung Quốc.” Có lúc lại tuyên bố cường điệu hơn “Tôi sẽ gia nhập vào hàng ngũ ý thức hệ của các bạn. Có thể tôi sẽ tới Nga để gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin. Ba nước chúng ta sẽ cùng đương đầu với thế giới. Trung Quốc, Philippines và Nga.” Và trước đó một ngày, Duterte tuyên bố trong cuộc họp báo đầu tiên ở Bắc Kinh hôm 19 tháng 10: “Tôi sẽ không sang Mỹ nữa. Ở đó tôi chỉ có thể nhận được sự xúc phạm. Cho nên, đã đến lúc nói lời tạm biệt rồi, bạn của tôi (ý nói Hoa kỳ)”
Tập Cận Bình mỉm cười vừa nham hiểm vừa mãn nguyện như đã thắng một nước cờ trên bàn cờ Biển Đông, được Philippines đứng về phía mình thì bãi cạn Scaborought sớm muộn gì vào tay Trung Cộng, như thế Biển Đông nằm gọn trong ao nhà của Đại Hán. Phán quyết PCA của tòa La Haye chẳng còn có giá trị gì nữa. Một đồng minh lâu đời đã ký “hiệp ước bất tương xâm” với Mỹ nay bị Trung Cộng chiếm lấy như một món đồ trong túi áo, quả thật “bất chiến tự nhiên thành”. Dù là một khoảnh khắc của lòng tự hào Hán tộc, nhưng đó là một chiến thắng nhất định để Tập Cận Bình dùng làm vũ khí thanh trừng nội bộ bước lên địa vị độc tôn trong vai trò “lãnh đạo vệ tinh” mà đám Cộng Sản Tàu mới ban cho Tập trong hội nghị Trung Ương vừa rồi.
Đối với Trung Cộng, bằng tất cả những gì có thể làm được để đưa Philippines nằm trong lộ đồ của Bắc Kinh là thượng sách, đó là mục tiêu tối hậu trong cuộc xâm lăng Biển Đông. Được Philippines chẳng khác nào chặt đứt một móc xích chiến lược của Mỹ trong chuỗi an ninh Nhật-Nam Hàn-Đài Loan-Philippines-Úc. Nếu Philippines xoay hướng Bắc Kinh, thì Mỹ khó giữ Biển Đông, mộng ước chia hai Thái Bình Dương của Trung Cộng đã thành sự thật. Khối ASEAN lúc đó không còn tin tưởng vào đồng minh Hoa Kỳ, lần lượt chủ trương dùng chiến thuật “lừng khừng”, điều này rất có lợi cho kế hoạch “mộng bá đồ vương” theo kiểu “tằm ăn dâu” của Trung Cộng.
Với những tuyên bố của Duterte ở Bắc Kinh, Washington không còn im lặng được nữa, phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng đòi Philippines làm sáng tỏ lời tuyên bố. Nhìn lại hậu trường chính trị tại Philippines trong khi Duterte viếng thăm Bắc Kinh thì một loạt phản ứng bất lợi cho Duterte: cựu Tổng thống Ramos một chính khách uy tín được đại đa số người dân Phi tôn trọng, đã công khai tuyên bố “chính quyền Duterte đang thất bại thảm hại”, chánh án Tòa án tối cao Antonio Carpio tuyên bố việc từ bỏ quyền chủ quyền của Philippines sẽ là một “hành vi có thể bị buộc tội phản quốc”, nhiều bài báo tại Manila tố cáo chủ trương thân Trung Cộng của Duterte là sai lầm v.v.., trong một cuộc thăm dò ý kiến, đại đa số dân Philippines vẫn ủng hộ Mỹ nhất thế giới, và nhiều chính khách và sĩ quan cao cấp của Philippines phần lớn được đào tạo ở Mỹ và thân Mỹ nếu không muốn nói là hợp tác chặt chẽ với Mỹ. Nếu Duterte tiếp tục đường lối quay lưng với Mỹ, coi thường giá trị phán quyết PCA về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye, thì dân Philippines sẽ kết thúc vai trò chính trị của ông nhanh chóng. Biết thế, nên trên đường từ Bắc Kinh về Philippines, Duterte đi thẳng về Davao, nơi ông đã từng làm thị trưởng lâu năm, và là nơi cho là an ninh nhất của ông, để mở cuộc họp báo chửa cháy, ông nói: Hoàn toàn không có chuyện Philippines “cắt đứt quan hệ ngoại giao” với Mỹ và “việc duy trì quan hệ với Mỹ là điều tốt nhất cho người Philippines” do những quan hệ lịch sử lâu dài. Rất nhiều người Philippines sống tại Hoa Kỳ và nhiều dân Mỹ có tổ tiên là người Philippines.
Theo báo Philippines Inquirer, tổng thống Philippines giải thích lời tuyên bố “chia tay với Hoa Kỳ” tại Trung Quốc cần được đặt trong văn cảnh, và điều này có nghĩa là “chia tay về chính sách đối ngoại” với Mỹ. Duterte cho biết thêm, “trong quá khứ chính quyền Manila thường xuyên theo đuổi nước Mỹ”, còn hiện tại, ông quyết định chọn một hướng đi khác.
Liên quan đến Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Philippines (Enhanced Defense Cooperation Agreement), có hiệu lực từ tháng Giêng 2016, Duterte cho biết “có thể có thay đổi, tuy nhiên ông Duterte nhấn mạnh ông sẽ tham vấn giới quân sự, giới cảnh sát và toàn dân”.
Sau những lời giải thích đó vào tối 21/10, Washington lập tức lên tiếng, Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hoan nghênh việc ông Duterte đổi thái độ “phù hợp hơn với quan hệ đồng minh 70 năm giữa Hoa Kỳ và Philippines”. Và ngày 24 tháng 10, 2016, Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách về Đông Á-Thái Bình Dương, ông Daniel Russel trong chuyến công du các nước Đông Nam Á tuyên bố rằng: “Mỹ ủng hộ quan hệ nở rộ” giữa Philippines và Trung Cộng.
Từ lời tuyên bố Từ Tòa Bạch Ốc đến các giới chức ngoại giao cao cấp của Mỹ nói là để khỏi phải mất mặt, chứ biến cố “chuyển hướng” của Duterte, đã làm cho kế hoạch “xoay trục châu Á” của Mỹ đảo điên xoay vòng vòng!
Hiện cả Trung Cộng lẫn Mỹ đều theo giỏi rất sát hành động của Duterte thực hư như thế nào? Phía Trung Cộng bỏ ra hàng chục tỷ đô-la không ngoài mục đích dụ Philippines về phe với mình, luôn luôn tỏ thiện chí và lòng hào hiệp ở bước đầu để đưa con mồi Duterte vào bẩy. Còn Mỹ thì ngậm đắng nuốt cay với một thành viên đã ký hiệp ước “bất tương xâm” nay phút chốc lại quay ra phản bội, Mỹ ngồi nhìn thời thế để tạo con cờ. Mỹ không dễ gì để Duterte lộng quyền đi theo Trung Cộng. Nhưng mà trước mắt, rõ ràng Mỹ đã thua Trung Cộng một nước cờ trên Biển Đông… đó là nước cờ Duterte.
Hiện tượng Duterte thăm Nhật Bản:
Vừa mới dịu giọng trong cuộc họp báo tại Davao sau khi từ Bắc kinh về, vậy mà ngày 25 tháng 10, 2016, trước khi chuẩn bị đi thăm Nhật Bản, tại sân bay Ninoy Aquino ở thành phố Pasay, phía nam Manila, trước các phóng viên báo chí, Duterte lại dọa cắt quan hệ với Mỹ, ông nói: “Washington không được đối xử với Philippines “như một con chó bị xích ở cổ”. Ông nói Mỹ có thể “quên đi” hiệp ước phòng vệ hỗ tương đã có từ nhiều thập niên, một khi ông nắm quyền “đủ lâu”, và còn phát biểu thêm: “Tôi mong đến lúc tôi chỉ còn thấy những người lính Philippines, ngoài ra không có bất kỳ binh lính hay quân nhân nào khác trên đất nước của tôi”. Cuối cùng Duterte đã trút cơn thịnh nộ lên Tổng thống Barack Obama, gọi ông Obama là “con của một con điếm”, một danh từ thô tục nhằm nhục mạ thân mẫu của TT Obama.
Tại nước Nhật, Duterte tuyên bố muốn “Mỹ rút khỏi Philippines trước năm 2018”, Phát biểu hôm thứ Tư ngày 26/10 tại một diễn đàn kinh tế ở Tokyo rằng muốn nước ông “sạch bóng các binh sĩ nước ngoài”, cho dù ông phải “tái xét hay huỷ các hiệp ước đã có.”
Vì biết rằng Nhật Bản, một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ, đặc biệt trên chiến trường Biển Đông, cũng là nước có vốn đầu tư lớn nhất ở Philippines, cho nên Duterte tìm cách trấn an cử toạ tham dự diễn đàn kinh tế hôm đó rằng ông chỉ muốn thắt chặt các quan hệ kinh tế với Trung Cộng, chứ không mưu tìm các quan hệ quân sự, mục đích lời nói này để được lòng Nhật và Mỹ nghe cũng lọt tai.
Sau đó, Ngoại Trưởng Philippines Perfecto Yasay đã tìm cách giải thích những phát biểu của ông Duterte, Yasay nói với báo chí Manila tôn trọng tất cả các hiệp định đã ký với Washington, bởi vì “các quyền lợi quốc gia của hai nước vẫn hội tụ về một điểm.”
Trong khi thăm Nhật Bản, Duterte hứa sẽ tập trận chung với Nhật trên Biển Đông, dù biết rằng hiện nay Nhật đang đối đầu với Trung Cộng ở biển Hoa Đông. Và Nhật hứa viên trợ tàu tuần tra, phi cơ dò tìm tàu ngầm cùng hàng chục tỉ USD.
Vài nhận xét:
Cho đến nay, chưa một nhà phân tích nào biết chính xác Duterte đang muốn gì, nhiều bài bình luận có những ý kiến trái ngược, kể cả Mỹ và Trung Cộng cũng chưa nắm chắc ý đồ của Duterte… một vài nhận xét để xem con cờ Duterte đang đi nước nào trên bàn cờ Biển Đông:
- Duterte đang đùa giỡn với thế giới như đùa giỡn với tử thần, đặc biệt với các cường quốc liên hệ xem Philippines là địa điểm chiến lược cần thiết cho quyền lợi tối thượng của quốc gia họ. Đến Trung Cộng thì chống Mỹ tối đa kiếm một mớ tiền lớn, đến Nhật thì đòi hợp tác tập trận với Nhật chống Trung Cộng cũng được vài chục tỷ đô la.
- Nếu cho rằng, Duterte giả vờ nói chống Mỹ để nhận tiền Trung Cộng thì có cần dùng những danh từ thô tục vô văn hóa như vậy không? Và nếu lấy tiền của Trung Cộng rồi phản phé, không chống Mỹ nữa thì liệu Trung Cộng để yên cho Philippines hay không? Và có tháo khoán tài chánh cho Philippines không?
- Nếu Duterte thật sự xoay lưng với Mỹ thì những chính khách, tướng lãnh quân đội và người dân Philippines có để yên cho Duterte làm tổng thống hay có sẽ đưa ông xuống ngựa, đặc biệt đất nước này thường có đảo chánh. Và hình như đất nước nào trong quỷ đạo của Hoa kỳ cũng hay bị đảo chánh!
- Trong những lời hằn học của Duterte cho rằng “Mỹ dẫn dắt Philippines như xích một con chó”, có một vài ý kiến cho rằng có thể Duterte khuyến cáo Mỹ nên thay đổi thái độ với một thuộc địa củ… nếu không, Philippines sẽ đi với Trung Cộng và Nga. Đây là trò mặc cả quá nguy hiểm.
- Nếu Duterte thực sự thiên về Trung Cộng như ông ta đã tuyên bố, mà nhân dân Phi để yên và Trung Cộng và Nga giữ được an ninh cho ông để ông tiếp tục, thì đó là ngày tàn của dân tộc Philippines…Vì tấm gương Việt Nam mà đảng CSVN đã đi với Trung Cộng từ trước, hôm nay hậu quả như thế nào đã quá rõ, tương lai của Philippines sẽ như thế.
- Nếu Duterte đi với Trung Cộng như ông ta từng tuyên bố tại Bắc kinh, thì sao ông lại hứa tập trận chung và đồng minh lâu dài với Nhật Bản, một kẻ thù đối đầu với Trung Cộng hiện nay?
- Sau chuyến thăm Nhật Bản, Duterte đã bay về thăm quê nhà ở thành phố Davao, đã kể lại rằng trong khi mọi người đang say giấc ngủ trên máy bay, ông bất chợt nghe thấy một giọng nói: “Nếu ông không ngừng việc chửi thề, ta sẽ cho máy bay rơi ngay lập tức”. Duterte khẳng định đó là lời nói của Chúa và “hứa với Chúa rằng sẽ không nói tiếng lóng, chửi rủa hay dùng những từ ngữ không hay”. Ông cho rằng “Lời hứa với Chúa cũng chính là lời hứa dành cho người dân Philippines”. Có lẽ sứ mạng “chửi rủa” của ông đến đây đã xong?
- Đó là câu chuyện đến ngày 28 tháng 10, từ đó đến nay không thấy Duterte chửi rủa Mỹ thêm nữa. Trong im lặng của Duterte, Biển Đông đang dậy sóng vì có nước thuộc khối ASEAN theo chân Philippines bổ về Trung Cộng như Malysia.
Lê Thành Nhân