Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan định hình chính sách đối ngoại của Mỹ ra sao?
Ngày 23/11/2020, TT Biden đã chọn ông Jake Sullivan làm Cố Vấn An Ninh Quốc Gia (CVANQG) Hoa Kỳ, một vị trí quan trọng hàng đầu như “quốc sư” để vạch ra chiến lược tương lai của nước Mỹ trong 4 năm tới. Nhiều người không lấy làm ngạc nhiên với sự lựa chọn này, vì ông Sullivan từng là CVANQG cho PTT Joe Biden trước đây. Trong thời Obama, Jake Sullivan được nhiều người biết đến với những nỗ lực vạch Kế Hoạch Hành Động Toàn Diện Chung đối với Iran còn gọi là JCPOA (Joint Comprehensive Plan of Action). Muốn biết thêm về Jake Sullivan thì vào link dưới đây:
https://vietquoc.org/nhung-bo-truong-tuong-lai-cua-nuoc-my-duoi-thoi-joe-biden/
Qua những bài viết mà ông Sullivan thuyết trình, những cuộc trả lời trên các đài truyền hình, các nhận định và lập trường đối ngoại của ông qua những bình luận trên báo chí, chúng ta thử tìm xem ông CVANQG định hình chiến lược của Mỹ trong tương lai ra sao, nhất là đối với Trung Cộng.
1) Chính sách ngoại giao của Mỹ đối với các nước liên minh
Chủ trương của Sullivan là người bảo vệ vững chắc các liên minh (alliances) của Mỹ, điểm này rất ăn khớp với Bộ Trưởng Ngoại Giao Antony Blinken. Cả hai tin rằng cần có các cam kết vững chắc với các liên minh là điều cần thiết cho an ninh quốc tế. Theo Washington Post, ông Sullivan cho rằng ngoại giao của chính quyền TT Trump đối với các liên minh có tính cách giao dịch, và chính quyền Biden sẽ đặt ngoại giao đối với các liên minh trên niềm tin. Vì thế ông đã phát biểu “Hoa Kỳ mạnh hơn khi hợp tác với các đồng minh dân chủ cùng chí hướng để đạt được các mục tiêu chung”.
Nhằm mục đích tích cực hỗ trợ và hợp tác với các liên minh của Mỹ, ông đề nghị chính quyền Biden phải tiến hành một số giai đoạn cần thiết:
– Giai đoạn đầu phải tháo gỡ sự hoài nghi của các đồng minh đối với Mỹ do chính sách “American First” của TT Trump để lại, bằng cách tích cực tham gia với các liên minh trên các lãnh vực trách nhiệm quốc tế, từ biến đổi khí hậu, hợp tác y tế, hiệp ước thương mại, và các hiệp ước quốc tế khác. Sự vắng mặt của Mỹ sẽ để sân chơi cho các thế lực quốc tế khác tràn vào thao túng, tự vạch chương trình theo hướng đi của họ khi vắng mặt Hoa Kỳ.
– Thứ hai, Jake Sullivan cho rằng Mỹ cần phải trở lại tham gia tích cực và có trách nhiệm đối với các thỏa thuận quốc tế mà trước đây Mỹ đã ký kết như Thỏa Thuận Khí Hậu Paris, Hiệp Ước với Iran cùng các đồng minh châu Âu, WHO (World Health Organization).
– Sau cùng, Mỹ nên tiến xa hơn nữa, tạo ra một mặt trận thống nhất đồng minh các nước dân chủ, để “phát triển các ưu tiên rõ ràng”, từ virus Vũ Hán, đến biến đổi khí hậu, nguyên tắc thương mại cũng như các chính sách đối với Trung Cộng.
Liên minh châu Âu (EU) là trở ngại trước mắt đối với sách lược của Sullivan.
Đề án của Sullivan mang chiến lược tâm công so với chính quyền TT Trump dựa trên logic và sự sòng phẳng đối với các liên minh, nhất là Liên Minh Châu Âu (EU).
Gần đây Hội Đồng Châu Âu đã có sự nghi ngờ nước Mỹ và có Chính Sách Quan Hệ Đối Ngoại với Mỹ như sau:
– Người châu Âu vui mừng trước chiến thắng của Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, nhưng không nghĩ rằng ông Biden có thể giúp nước Mỹ “trở lại với tư cách là nhà lãnh đạo toàn cầu”;
– Một “sự thay đổi lớn” về thái độ của châu Âu đối với Mỹ: “Đa số các quốc gia thành viên chủ chốt của EU hiện nay cho rằng hệ thống chính trị của Mỹ đã bị phá vỡ và EU không thể chỉ dựa vào Mỹ để bảo vệ mình”;
– Các nước châu Âu “coi Berlin hơn là đối tác quan trọng Washington DC”;
– Người châu Âu tin rằng Trung Cộng sẽ hùng mạnh hơn Mỹ trong một vài thập niên tới “và muốn đất nước của họ giữ vị trí trung lập” trong cuộc xung đột giữa Mỹ-Trung;
– EU nên phát triển năng lực quốc phòng của riêng mình; và,
– Mặc dù có “cơ hội lớn để phục hưng chủ nghĩa Đại Tây Dương [Mỹ-EU]”, nhưng chính quyền Biden “không thể đương nhiên xem rằng có sự liên kết của châu Âu chống lại Trung Cộng”.
Đó là suy nghĩ các nhà lãnh đạo châu Âu hiện nay, buộc các nhà ngoại giao Mỹ phải tháo gỡ. Muốn tháo gỡ thì cần thời gian, muốn hàn gắn thì cần có thời gian lâu hơn và có những hành động tích cực hơn. Để đạt được việc này, dường như chính sách ngoại giao Hoa Kỳ trong tương lai chỉ được phép dùng quyền lực mềm với EU để “phóng tiền tài thâu nhân tâm”. Thử hỏi Mỹ sẵn sàng hầu bao chưa? Khi nước Mỹ đang cần tài chánh to lớn để vực dậy nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch virus Vũ Hán. Mỹ có đủ tài chánh làm “anh Hai chi” hào sản để bôi trơn những đề án của Sullivan nói trên hay không?
Trước sự nghi ngờ của liên minh châu Âu, thì ngày 25/01/2021, TT Biden lại thêm dầu vào lửa, ký Sắc Lệnh Hành Pháp “Buy American Manufacturing” kêu gọi chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ mua sản phẩm “Made in USA” để bảo vệ công ty và lao động Mỹ. Điều này chẳng khác gì chính sách “American First” của TT Trump. Qua Sắc Lệnh Hành Pháp của TT Biden, EU có dư luận cho rằng Biden chỉ là “bình mới rượu cũ” của Trump (theo RFI 27/01/2021).
2) Chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Trung Cộng
Một vấn đề quan trọng không thể thiếu là chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng trong sách lược của Sullivan. Như đã đề cập ở trên, điểm mấu chốt về sách lược của ông Sullivan là bảo vệ liên minh vững chắc sẽ tác động to lớn đến chính sách của Mỹ đối với Trung Cộng.
Theo Washington Post thì bài phát biểu của Sullivan về liên minh và hợp tác toàn cầu trước Hội Đồng Đại Tây Dương vào tháng 8/2020 kêu gọi “các nền dân chủ cùng chí hướng” hãy hợp tác với nhau, giữa chế độ độc tài và dân chủ phải “chọn một bên”. Điều này khá rõ ràng để thiết lập lằng ranh giữa Mỹ với Trung Cộng và Nga.
Điểm này, ông Sullivan rất trùng hợp với tân ngoại trưởng Blinken cũng thúc giục một chiến lược tương tự là thành hình một mặt trận dân chủ thống nhất để thúc đẩy các lợi ích dân chủ của Mỹ và gây áp lực đối với Trung Cộng.
Điểm đáng chú ý là ông Sullivan không chọn giải pháp đối đầu toàn diện với Trung Cộng, mà ông ủng hộ cách tiếp cận song phương, ở đó Mỹ sẽ “tìm cách cạnh tranh từ thế mạnh”. Như vậy dường như ông cũng “vừa hợp tác vừa đấu tranh” với Trung Cộng. Dù rằng ông khẳng định không trở lại với Trung Cộng trong sự buông lỏng như trước đây.
Qua những ý tưởng trên của người đứng đầu định hình chính sách ngoại giao, chúng ta có thể hình dung chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng dưới thời Biden không cứng rắn như thời Trump. Có thể chính quyền Biden chống Trung Cộng nhưng không ngăn chặn, không dứt khoát dùng biện pháp cứng rắn đối với những hành động khiêu khích và xâm lăng của Trung Cộng. Điều này chúng ta đã thấy được trong phản ứng đầu tiên của ông Biden với Bắc Kinh rất chừng mực, đó là ngày 25/01/2021 khi Thư Ký Báo Chí Tòa Bạch Ốc bà Jen Psaki trả lời về những khiêu khích của Trung Cộng ở Đài Loan và Biển Đông đang xẩy ra để thử thách tân chính phủ Biden mới nhậm chức, thì bà Psaki cho biết “TT Biden sẽ tham khảo với các đồng minh và quốc hội rồi có quyết định!”
Như vậy, TT Biden đối đầu với Trung Cộng cần có sự đồng ý của đồng minh, chứ không tự quyết định rồi vận động đồng minh làm theo. Trong trường hợp đồng minh muốn “giữ thế trung lập” như khối EU nói ở trên, thì Mỹ làm gì? Làm ngơ thì Trung Cộng được nước lấn tới, còn phản ứng mạnh một mình sẽ làm phật lòng đồng minh! Ván cờ “tiến thối lưỡng nan” này rất thích thú cho chiến lược “tằm ăn dâu” của Trung Cộng đã từng sử dụng mấy chục năm qua để lấn áp Mỹ trên nhiều mặt!
Một điểm đáng chú ý khác là trong một bài viết vào tháng 9 năm 2019 trên tạp chí Foreign Affaires, ông Sullivan dường như đồng ý với khái niệm “cạnh tranh chiến lược” trong quan hệ Mỹ-Trung. Mặc dù ông không đồng ý “cạnh tranh chiến lược” một cách mơ hồ, mà Mỹ cần rõ ràng các lĩnh vực nào là cạnh tranh với Trung Cộng. Ông Sullivan đặt vấn đề “Chính xác thì Hoa Kỳ đang cạnh tranh vì cái gì?”.
Hơn nữa, ông Sullivan cũng bác bỏ quan điểm một sự cam kết mang lại những thay đổi về hệ thống chính trị của Trung Cộng là lạc quan quá mức. Thay vào đó, một sự cam kết nên hướng tới việc tạo điều kiện cho sự sống chung với Trung Cộng. Mỗi bên “chuẩn bị sẵn sàng để sống với bên kia như một cường quốc lớn”. Điều này đòi hỏi cả hai lãnh vực hợp tác và cạnh tranh. Theo tờ Washington Post đoán rằng những ý niệm của Sullivan đưa ra có thể dự đoán sẽ chiếm ưu thế trong chính quyền Biden.
Liệu rằng TT Biden có thể đem chính sách của Mỹ-Trung trở lại thời kỳ của các đời tổng thống trước ông Trump? Không thể được! Vì giờ đây đã khác trước, người Mỹ và các chính trị gia của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã thấu rõ tâm địa xấu xa và ý đồ đen tối vô cùng nguy hiểm của Trung Cộng đối với nền an ninh nước Mỹ và thế giới, mà ở đó chính sách của Mỹ mà gần 4 thập niên qua từ thời TT Bush (cha) đến Obama đã thả lỏng giúp cho sự lớn mạnh của Trung Cộng. Do đó, ông Biden và các chính trị gia Mỹ không thể nào để Hoa Kỳ đi vào vết xe đổ làm mất vị thế siêu cường của Mỹ trong tương lai! Nếu đi theo đường cũ thì chẳng khác gì ngựa thồ bịt mắt!
Chính sách của Mỹ đối với Trung Cộng rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Mỹ tính sai một bước là Trung cộng lấn tới một bước, và vị thế siêu cường của Mỹ bị xuống thêm một nấc thang trên chính trường quốc tế!
3) Chuẩn bị sức mạnh và giá trị tại nước Mỹ
Trong chính sách cạnh tranh với thế giới dù là nước dân chủ hay độc tài thì Hoa Kỳ phải chứng minh về giá trị dân chủ trên đất Mỹ. Các quốc gia trên thế giới đang ngờ vực về một nền dân chủ đích thực của nước Mỹ trong những tháng qua.
Ông Sullivan nhấn mạnh rằng việc giảm bớt sức hấp lực về giá trị dân chủ của Hoa Kỳ là vô tình xem Trung Cộng như một giải pháp thay thế lãnh đạo toàn cầu!
Đối với ông Sullivan, việc giải quyết các vấn đề “được ăn cả” cho riêng mình đối với các nước trên thế giới không mang tính tích cực về giá trị công bằng và giá trị dân chủ của nước Mỹ.
Sự bất bình đẳng trong xã hội Hoa Kỳ sẽ làm giảm sức hấp dẫn của nền dân chủ Mỹ đối với quốc tế, vô tình giúp Trung Cộng giảm bớt hình ảnh độc tài chuyên quyền trong mắt cộng đồng thế giới.
4) Chính sách vừa cạnh tranh, vừa hợp tác
Ông Sullivan nhấn mạnh rằng chiến lược của Hoa Kỳ ngày nay không thể áp dụng như thời Chiến Tranh Lạnh (Cold War) – Trung Cộng là một đối thủ ngang hàng có sức mạnh kinh tế từng vượt qua mọi thử thách mà Nga không thể vượt qua được. Thay vào đó, quan hệ Mỹ-Trung là tìm cách để cùng tồn tại và cùng có lợi. Điều này đòi hỏi sự đánh giá rõ ràng về các mục tiêu và sự lo ngại của mỗi bên: Trung Cộng sợ mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ ở Đài Loan, trong khi Mỹ lo ngại Trung Cộng sẽ đẩy các lực lượng quân sự của mình ra khỏi khu vực… Thay vào đó, Trung Cộng cần phải chấp nhận một số vai trò cho các lực lượng của Mỹ trong khu vực, trong khi Hoa Kỳ sẽ phải hạn chế với sự hiện diện quân sự so với những gì hiện có. Điều này phù hợp với một chiến lược rộng lớn hơn, trong đó Mỹ đạt được sự cân bằng giữa việc kiềm chế một cường quốc Trung Cộng đang lên đồng thời bảo vệ các lợi ích của Mỹ.
Trong chính sách thương mại với Trung Cộng, ông Sullivan né tránh dùng “chiến tranh thương mại” như chính quyền Trump đối với các mức thuế đơn phương đánh lên hàng loạt mặt hàng của Trung Cộng. Ông Sullivan cũng như ông Blinken từng chỉ trích cuộc chiến thương mại của TT Trump là một nỗ lực đơn phương và vô ích, phản tác dụng và làm tổn hại đến lợi ích của người Mỹ. Về điểm này, ông Sullivan gợi ý rằng thuế quan có thể có một vai trò nào đó, nhưng chúng phải thực hiện đa phương, cần phối hợp với các đồng minh dân chủ sẽ thành công và giải quyết tận gốc rễ những vấn đề thương mại và sở hữu trí tuệ không công bằng của Trung Cộng.
5) Dư luận về việc Jack Sullivan vào CVANQG?
Kể từ khi tuyên bố ông Sullivan bổ nhiệm ông vào CVANQG, dư luận truyền thông có báo ủng hộ và cũng có báo phản đối việc chọn lựa này. Nhiều bài báo bảo thủ cho rằng Sullivan ủng hộ các lợi ích của Trung Cộng. Như tờ Washington Examiner đã đưa lên tựa đề khiêu khích: “Tại sao chỉ định CVANQG Jake Sullivan được tôn vinh ở Trung Cộng, Iran và Nga”. Bài báo lập luận rằng ông Sullivan có định hướng đúng trong lập trường của mình đối với Trung Cộng, nhưng không đủ mạnh để gán nhãn hiệu Trung Cộng là kẻ thù. Tương tự, một đoạn trên TV Fox News đã chỉ trích một câu nói của ông Sullivan liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Cộng, cho rằng ông ta ủng hộ các tham vọng của Trung Cộng!
Một thực tế vẫn không thể bàn cãi, chính sách của Mỹ đối với Trung Cộng sẽ là chìa khóa quyết định sự thành bại về chính sách đối ngoại của chính quyền Biden trong nhiệm kỳ 4 năm tới.
Chính thức quan hệ Mỹ-Trung đi ra sao? cần xem Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mà ông Sullivan là người chấp bút định hình. Cũng như những phản ứng của chính quyền Biden trước sự xâm lăng của Trung Cộng đang tung ra khắp nơi dọc theo kế sách “Một vành đai, Một con đường”, đặc biệt là tại Biển Đông, Hoa Đông và Đài Loan.
Texas ngày 27 tháng 1, 2021
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Tài liệu tham khảo:
https://foreignpolicy.com/2020/12/07/jake-sullivan-nsc-biden/
https://www.youtube.com/watch?v=MdSlKVehTHw
https://www.globaltimes.cn/content/1206244.shtml
https://www.atlanticcouncil.org/blogs/new-atlanticist/adviser-on-bidens-foreign-policy-start-at-home-and-repair-alliances/
https://www.economist.com/united-states/2020/11/23/joe-biden-will-embrace-allies-and-enlist-them-to-take-on-china
https://uscnpm.org/2020/11/23/antony-blinken-and-the-future-u-s-china-policy/ (by Kirt Campbell & Jake Sullivan)
https://www.washingtonexaminer.com/opinion/why-national-security-adviser-designate-jake-sullivan-will-be-celebrated-in-china-iran-and-russia
https://www.nbcnews.com/think/opinion/china-not-biden-picks-antony-blinken-jake-sullivan-will-dictate-ncna1248683