Có hay không chuyện quân đội Liên Xô tham chiến tại Việt Nam?
Hôm thứ bảy 16-2 vừa qua, một số cựu chiến binh Liên Xô đã họp mặt để kỷ niệm 35 năm ngày Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam để thi hành hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Sự kiện này đã được hai cơ quan truyền thông lớn của Liên Bang Nga là tờ báo “Nước Nga ngày nay” và đài truyền hình Novosti loan tải.
Hơn 3.000 quân Liên Xô tại Bắc Việt
Trong nhiều năm dài, điện Kremli luôn luôn phủ nhận việc Liên Xô có quân đội tham chiến tại Việt Nam. Mãi đến khi Liên bang Xô viết sụp đổ vào năm 1991, giới chức Nga mới công nhận là có hơn 3.000 quân Liên Xô tham gia trận chiến chống quân đội Mỹ tại Việt Nam trước đây.
Để tìm hiểu thêm chi tiết, Biên Tập Viên Trường Văn đã có cuộc trao đổi với 2 nhân vật am hiểu về vấn đề này là cựu Đại tá Bùi Tín, nguyên Phó Tổng Biên tập nhật báo Nhân dân hiện cư ngụ tại Pháp.
Trường Văn: Thưa ông Bùi Tín, chúng tôi vừa đọc trên tờ báo Russia Today một bài viết đề cập đến chuyện những cựu quân nhân của Liên Xô cũ với khoảng 3.000 người phục vụ trong binh chủng phòng không của không quân thì hôm Thứ Bảy vừa qua họ kỷ niệm 35 năm ngày Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam. Từ trước tới nay chính phủ Liên Xô cũng như chính phủ Việt Nam phủ nhận sự có mặt của quân đội Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam, nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 thì sự thật này mới được công khai bày tỏ. Xin ông cho biết về vấn đề này như thế nào?
Bùi Tín: Vâng. Theo tôi được biết thì chuyện này là chuyện có thật, bởi vì tháng 5-1977, sau cái gọi là toàn thắng 2 năm thì có một đoàn đại biểu của Bộ Quốc Phòng cao nhất của Hà Nội do Đại Tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu thì tôi cũng được tham gia cái đoàn đó sang Liên Xô để cảm ơn sự đóng góp của Liên Xô trong cuộc chiến tranh.
Trong chuyến đi này có phát gần một ngàn bằng khen và 800 huân chương quân công và huân chương chiến công cho các chuyên gia Liên Xô. Những chuyên gia Liên Xô đó đúng là ở Phòng Tuỳ Viên Quân Sự Liên Sô thay phiên nhau làm việc ở Hà Nội mà phần lớn họ là những sĩ quan huấn luyện lắp ráp tại chỗ các loại máy bay chiến đâu MIG-21và SU, và huấn luyện lái máy bay cho một số phi công Việt Nam.
Chuyện ấy tôi nghĩ chẳng phải là chuyện bí mật hay giấu giếm gì đâu và chuyện có hàng nghìn quân nhân Liên Xô sang làm việc ở Việt Nam thời đó là chuyện có thật, bởi vì theo tôi được biết mỗi chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam luân phiên nhau từ 3 tói 6 tháng, và đặc biệt có người ở lại một hai năm.
Trường Văn: Thưa ông, ngoài chuyện lắp ráp máy bay MIG và SU thì còn chuyện hoả tiễn phòng không thì như thế nào?
Bùi Tín: Đúng đấy. Việc lắp ráp hoả tiễn, radar và huấn luyện là do các chuyên gia Liên Xô và họ có cả một khách sạn để ở là Khách Sạn Liễu Giai. Cái này là theo hiệp định quân sự giữa hai nước, và sự giúp đỡ của Liên Xô về mặt này là rất nhiều. Chỉ có là họ không trực tiếp lái máy bay chiến đấu thôi chứ còn làm chuyên gia về hậu cần, chuyên gia về hải quân, chuyên gia về tên lửa, chuyên gia về không quân, về các loại binh chủng là đều có. Họ luân phiên nhau phục vụ ở Việt Nam nên tôi nghĩ con số đó là khá đông lên đến ba bốn nghìn người và họ đều được coi là tham gia cuộc chiến đấu ở Việt Nam.
Trong thời gian chiến tranh, tôi thường xuyên có mặt ở các sở chỉ huy không quân để viết về không quân thì tôi đều gặp các chuyên gia Liên Xô. Họ đều mặc đò dân sự. Chỉ có ngày lễ chứ họ ít khi mặc quân phục.
Hiệp định quân sự bí mật
Trường Văn: Trước đây chính phủ Liên Xô không bao giờ công nhận chuyện đó?
Bùi Tín: Vâng. Chuyện này, đấy là do hiệp định quân sự bí mật cho nên người ta không muốn đưa ra công khai, nhưng mà nhân dân thì người ta biết cả. Chiến tranh chấm dứt đã hơn 30 năm nay và chuyện này không còn có gì là bí mật cả. Chuyện này chỉ là không công nhận chính thức thôi. Riêng về cá nhân tôi thì tôi có tham dự đoàn đó và tôi đã biết.
Trong thời gian theo dõi cuộc chiến tranh bằng không quân thì tôi cũng thường xuyên có mặt ở các sở chỉ huy không quân để viết về không quân thì tôi đều gặp các chuyên gia Liên Xô. Họ đều mặc đò civil (dân sự) thôi. Chỉ có ngày lễ chứ họ ít khi mặc quân phục.
Trường Văn: Thưa ông, ngoài khách sạn ở Hà Nội thì các chuyên gia Liên Xô này còn đóng ở những vùng nào trên Miễn Bắc không?
Bùi Tín: Họ có những nhà nghỉ riêng như là ở Sapa, ở Đồ Sơn, ở Thường Sơn, ở Hải Phòng đều có những nhà nghỉ cho họ. Cái này do Cục Đối Ngoại của Bộ Quốc Phòng, tức cả một bộ máy để tiếp đón họ. Còn những người nào phải sang từ một năm trở lên thì có quyền đem theo vợ và con thì đều có khu vực riêng cho họ chứ không phải chỉ có riêng Khách Sạn Liễu Giai mà thôi, mà trong thành nội cũng có những nơi nghỉ cho họ. Một góc trong thành nội, góc Lý Nam Đế – Hùng Vương cũng có một số nhà khách dành riêng cho chuyên gia quân sự Liên Xô.
Trường Văn: Thưa ông, ngoài những nhà khách dành riêng cho họ, những chuyên gia quân sự Liên Xô này còn có mặt ở các nơi bộ đội phòng không và không quân đóng không?
Bùi Tín: Có chứ. Họ đều có những gian nhà riêng dành cho chuyên gia có mặt ở đó. Có những người đi lại, có những người thường xuyên ở những nơi chỉ huy về tên lửa, về không quân. Ngay cả từng chỗ có trạm tên lửa, có bệ tên lửa là cũng có những nhà gần đó cho các chuyên gia Liên Xô ở. Họ có chế độ riêng về ăn, ở, về tiếp đón, đi lại, về tiêu chuẩn ăn uống, nghỉ ngơi, do Bộ Quốc Phòng quy định.
Trường Văn: Thưa, trong những trận không chiến hay những trận oanh kích của không quân Hoa Kỳ thì họ (chuyên gia Liên Xô) có bị thiệt hại về nhân mạng, có bị thương vong hay tử thương gì không?
Bùi Tín: Cái này thì tôi không được biết rõ lắm, nhưng có một số người bị bệnh chết. Khi theo phái đoàn sang Moscow thì tôi thấy có một số bằng khen thưởng cho một số người đã chết. Tôi nghĩ chết tại trận thì tôi chưa được nghe thấy. Có thể là tôi không biết thôi bởi vị họ ở rải rác tại các bệ phóng tên lửa, tại các sân bay mà. Lúc bầy giờ có sân bay Hoà Lạc, sân bay Thanh Hoá, san bay Vinh, rồi có những sân bay dã chiến cả trên vùng núi nữa nên tôi không được biết hết.
Trường Văn: Thưa ông, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc và cho ngay cả bây giờ chính phủ Việt Nam có công nhận là có quân đội Liên Xô tham chiến ở Việt Nam không?
Bùi Tín: Theo tôi được biết thì đến nay chưa có một bài báo nào ở Việt Nam nói công khai chuyện ấy cả. Nhưng mà nhân dân và bộ đội bình thường thì đều biết cả bởi họ tinh lắm. Sự có mặt cả hàng nghìn người thì đó là cái rất rõ.
Sự hiện diện của chuyên gia Liên Xô hồi đó còn rõ hơn là sự có mặt của bộ đội Trung Quốc, của sĩ quan Trung Quốc. Bộ đội Trung Quốc phần lớn ở các vùng, các tỉnh phía Bắc sát Trung Quốc, người ta gọi là ở phía Bắc sông Hồng, chứ không có ở phía Nam. Từ phía Nam của Hà Nội là không có.
Trường Văn: Chúng tôi xin thành thật cảm ơn ông đã dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
Bùi Tín: Vâng. Cảm ơn anh.
Phỏng vấn của Á Châu Tự Do