Chuyện trong tuần (29/8 – 4/9 năm 2022)
1) Mỹ vẫn xem Trung Cộng nguy hiểm hơn Nga
Tờ chiến lược quốc phòng của Washington do Ngũ Giác Đài phát hành đã mô tả cách hành xử của Mỹ để ngăn chặn xâm lược là “ưu tiên thách thức mà Trung Cộng gây ra ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, sau đó là thách thức mà Nga gây ra ở châu Âu.”
Mặc dù Putin và Tập Cận Bình cùng là những nhà đại độc tài lớn của thế kỷ này. Nhưng thật ra hai mối đe dọa của Tập và Putin của thế kỷ 21 mang hai sắc thái khác nhau:
– Nga dùng sức mạnh quân sự là chủ yếu để mở rộng biên cương nước Nga như thời Sa Hoàng. Do đó Putin tuyên bố chiến tranh Ukraine mới khởi đầu… Mặc dù sử dụng sức mạnh quân sự là chính, nhưng Putin cũng sợ và từng tuyên bố “vũ khí nguyên tử của Mỹ có thể tiêu diệt thế giới trong vài giờ”. Việc Nga luôn luôn hù dọa dùng vũ khí nguyên tử đã biểu lộ sự yếu kém sức mạnh quân sự của mình. Mới mấy giàn pháo liên thanh M142 HIMARS, Mỹ đã sử dụng cách đây 20 năm, nay viện trợ cho Ukraine mà Nga đã lo sợ và la lên ơi ới… thì sức mạnh quân sự của Nga chỉ đủ để hù dọa và gây sức ép ở biên giới mấy nước Đông Âu chứ làm được tích sự gì.
– Trung Cộng dùng đa chiều: 1) Chuỗi cung ứng hàng hóa cho thế giới, 2) Xâm lăng bằng quyền lực mềm, 3) Thế kỷ thứ 21 sức mạnh dưới lòng biển nên dùng “dân quân biển” để xâm lược các chuỗi đảo thuộc Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm chiếm ưu thế lâu dài… Mỹ đối phó với Trung Cộng khó khăn hơn đối với Nga.
– Suy ra, Trung Cộng nguy hiểm hơn Nga nhiều, do đó Washington nhìn Trung Cộng nguy hiểm hơn Nga có lý.
2) Thủ Tướng Sogavare của quốc đảo Solomon từ chối tàu hải quân Mỹ vào đảo Solomon
Thủ Tướng Sogavare đã thông báo tạm thời hoãn các chuyến thăm của các tàu hải quân nước ngoài, sau khi từ chối một Tàu Hải Quân của Lực Lượng Bảo Vệ Bờ Biển Hoa Kỳ United States Coast Guard Cutter (USCGC) Oliver Henry.
Phát biểu tại buổi lễ chào đón tàu bệnh viện USNS Mercy (T-AH-19) đến Thủ Độ của Solomon, Thủ Tướng Sogavare nói rằng các vấn đề quan liêu là nguyên nhân đằng sau việc từ chối thông qua ngoại giao cho USCGC Oliver Henry còn gọi là WPC-1140 vào Solomon.
Trước sự việc này, Phát Ngôn Viên Hội đồng An Ninh Quốc gia Hoa Kỳ ông John Kirby cho biết USCGC Oliver Henry dự định dừng lại ở đảo Solomon để tiếp nhiên liệu, nhưng sau khi Hoa Kỳ không nhận được thông tin ngoại giao kịp thời, con tàu đã chuyển hướng đến Papua New Guinea. Ông John Kirby cho biết: “Chúng tôi rất thất vọng về quyết định này” của Solomon.
Phía chính phủ Solomon tuyên bố cần thời gian để xem xét lại tiến trình thông quan ngoại giao của mình, yêu cầu hoãn các chuyến thăm hải quân sắp tới cho đến khi có thông báo mới.
Hiện Solomon yêu cầu tất cả các quốc gia có kế hoạch tiến hành các chuyến thăm hoặc tuần tra hải quân tạm dừng hoạt động tại quần đảo Solomon cho đến khi có cơ chế quốc gia sửa đổi.
Nhắc lại, quần đảo Solomon là dưới sự bảo vệ của cái dù của Úc và New Zealand. Nhưng thủ tướng Sogavare của Solomon đã lén lút ký với Bắc Kinh một mật ước, trong đó không ai được rõ chi tiết, chỉ theo tin hãng Reuters thì thỏa hiệp ngầm này cho tàu chiến Trung Cộng đến đóng đô ở các đảo Solomon.
Sự việc lùm xùm với tàu chiến của Mỹ đến Solomon nằm trong nội dung của bản mật ước này chăng? Nếu quả thật như vậy thì Mỹ, Úc và New Zealand để mất cả vùng bảo vệ Nam Thái Bình Dương về Trung Cộng rồi sao? Như vậy, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ như kín đầu hở đít.
3) Ukraine đang phản công tại thành phố Kherson:
Tại sao Kherson quyết định quan trọng chiến trường Ukraine? Vì Kherson là thành phố chính ở miền Nam Ukraine, khi thành phố này mất thì thành phố biển Odessa có nguy cơ bị mất, như vậy là một chuỗi thành phố cảng tiếp giáp Biển Đen từ Mariupol, Kherson và Odessa đều bị Nga chiếm đóng. Nga sẽ làm chủ Biển Đen (Hắc Hải). Cô lập Ukraine vào trong vùng đất khô cằn sỏi đá quanh năm chỉ có thể trồng bắp và bí lối ra biển. Hơn thế nữa, khi Nga kiểm soát được Biển Đen thì hải quân Nga có thể uy hiếp nhiều nước chung quanh Biển Đen như Romania, Bulgaria, Moldovia, Georgia… Chắc chắn Ukraine và cả khối NATO không muốn trường hợp bất an này xảy ra.
Ngoài ra, Kherson cách Crimea 100 cây số, đóng vai trò cầu nối quan trọng với bán đảo Crimea. Cũng là ngõ vào Crimea ở phía Nam. Nếu Ukraine chiếm lại Kherson cũng có nghĩa là uy hiếp bán đảo Crimea mà Nga đã chiếm của Ukraine vào năm 2014.
Mấy tháng nay, Mỹ và EU ồ ạt viện trợ vũ khí cho Ukraine mục đích để tấn công chiếm lại thành phố Kherson.
Ngày 31/08 quân Ukraine đã chọc thủng phòng tuyến đầu tiên, chiếm được 6 làng. Phi công Ukraine oanh kích chính xác những cây cầu trọng yếu, kho đạn, sở chỉ huy của quân Nga và quân Nga phải bỏ chạy thoát thân.
Chiến thuật của quân Ukraine không phải “công đồn, đả viện” trực tiếp vào quân Nga ở Kherson, mà làm yếu dần lực lượng địch xung quanh thành phố để buộc quân Nga phải rút lui. Từ cuối tháng Sáu, các giàn pháo HIMARS của Mỹ được quân Ukraine sử dụng cắt đứt đường tiếp tế lương thực của quân Nga bằng cách vô hiệu hóa những cây cầu bắc qua sông Dniepr để tiếp tế cho quân Nga về thực phẩm và đạn dược chở từ bán đảo Crimea.
Tình hình chiến sự có vẻ thắng thế về quân Ukraine. Các đoạn video được chia sẻ trên truyền thông xã hội cho thấy khói đen bao trùm ở Kherson. Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Oleksiy Arestovych cho biết quân đội Ukraine đã xuyên thủng tất cả các phòng tuyến của Nga bao quanh thành phố. Ông Arestovych mô tả cuộc phản công là một “hoạt động chậm chạp để nghiền nát kẻ thù”. Ukraine chủ trương giảm thiểu thương vong cho cả hai bên, thường kêu gọi quân đội Nga buông vũ khí đầu hàng và được đối xử rất tử tế.
Đánh giá của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho rằng: Tinh thần binh lính Nga sa sút khi đối mặt với HIMARS; Các cuộc không kích của Ukraine rất hiệu quả; Khả năng quân Nga đưa quân cứu Kherson gần như không tồn tại và lãnh đạo tại thành phố Kherson do Nga cài đặt bổ nhiệm đã bỏ chạy sang Nga.
Những ngày tới sẽ rất quan trọng, và gay go đối với những người lính Ukraine trên tuyến đầu. Giai đoạn đầu của cuộc chiến kết thúc với việc Nga phải rút khỏi thủ đô Kiev vào đầu tháng 4/2022, giai đoạn hai Nga chiếm được Severodonetsk ở Lugansk cuối tháng Sáu đến tháng Tám giới tuyến không thay đổi suốt hai tháng. Theo The Economist, nếu Ukraine chọc thủng được bức tường thành của Nga ở Kherson, sẽ là khởi đầu cho giai đoạn ba của cuộc chiến tranh là Ukraine cố gắng chiếm lại những phần đất đã mất kể cả Crimea.
4) Đài Loan
Mỹ mô tả cuộc tập trận của Trung Cộng hồi tháng trước là một hành động thái quá và đáp trả bằng cách điều hai tuần dương hạm mang hỏa tiễn tự hành qua eo biển Đài Loan, nơi Trung Cộng tuyên bố là vùng biển thuộc chủ quyền của Tàu Cộng. Đồng thời, Mỹ tuyên bố sẽ bán 1.1 tỷ USD vũ khí tối tân cho Đài Loan, Bắc kinh hứa sẽ trả đũa thích dáng. Nhưng không cho biết chi tiết việc trả đũa là làm gì?
Nhưng vũ khí tối tân mà Mỹ bán cho Đài Loan gồm có: 60 hỏa tiễn diệt hạm Harpoon, 100 hỏa tiễn tầm ngắn Sidewinder để bắn chặn các hỏa tiễn và máy bay không người lái; đồng thời thông qua hợp đồng sửa chữa hệ thống radar của Đài Loan.
Trong khi đó tại đảo Kim Môn thuộc Đài Loan nằm ngoài khơi bờ biển Trung Cộng, Đài Loan đã bắn hạ một máy bay không người lái bay lơ lửng trên những tiền đồn đảo Kim Môn trong tình hình cảnh căng thẳng với Bắc Kinh gia tăng. Pháo sáng cảnh báo đã được bắn nhưng máy bay không người lái vẫn duy trì vị trí của mình nên bị bắn hạ.
Trước khi bắn, Đài Loan cho biết họ đã cảnh báo về việc các máy bay không người lái bay lượn trên ba trong số các hòn đảo mà họ chiếm giữ ngoài khơi thành phố cảng Hạ Môn của Trung Hoa Lục Địa.
Đài Loan đã điều động các máy bay phản lực và hệ thống hỏa tiễn để theo dõi nhiều máy bay Trung Cộng băng qua chiến tuyến.
Cuộc tập trận ở quận Pingtung nằm ở cực nam của Đài Loan bắt đầu lúc 08:30 ngày thứ Năm (1/09/2022) và kéo dài khoảng một giờ. Các xe quân sự kéo những giàn pháo đến bờ biển xếp thành hàng cạnh nhau, với các pháo thủ lần lượt bắn pháo ra biển, đài truyền hình buổi sáng phát trực tiếp cho thấy.
Đài Loan đã tổ chức một cuộc tập trận tương tự vào thứ Ba (30/08/2022) tại Pingtung. Cả hai đều có sự tham gia của hàng trăm quân nhân.
Quân đội Đài Loan đã hạ thấp tầm quan trọng của các cuộc tập trận, nói rằng họ đã có chương trình tập trận từ trước và không nhằm đáp trả các trò chơi chiến tranh của Trung Cộng. “Chúng tôi có hai mục tiêu cho các cuộc tập trận, thứ nhất là chứng nhận tình trạng thích hợp của pháo binh và tình trạng bảo trì của chúng và thứ hai là xác nhận kết quả của năm ngoái”.
Cuộc tập trận này chuẩn bị cho chiến tranh chăng? Thiết nghĩ rằng: “Bắc Kinh sẽ không từ bỏ việc xử dụng vũ lực đối với nước láng giềng và như vậy các nước phải chuẩn bị tất cả các biện pháp cần thiết”.
Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm thứ Năm ngày 01/09/2022 đã cùng với cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu về Trung Cộng bác bỏ mô hình “một quốc gia, hai hệ thống” mà Bắc Kinh đề xuất cho hòn đảo này.
Phát ngôn viên Joanne Ou của Đài Loan nói trong một cuộc họp báo rằng: “Toàn bộ tuyên bố của Trung Cộng hoàn toàn đi ngược lại hiện trạng hai bờ eo biển và thực tế của nó”. Và “Trung Cộng đã sử dụng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi như một cái cớ để phá hủy hiện trạng và nhân cơ hội gây rối, cố gắng tạo ra một bình thường mới để đe dọa người dân Đài Loan”.
“Một quốc gia, hai hệ thống” đề cập đến mô hình mà theo đó Hồng Kông và Ma Cao được hứa hẹn về một mức độ tự trị dưới sự thống trị của Bắc Kinh, bây giờ đã chứng minh là sự lừa bịp của Cộng Sản Bắc Kinh.
Ngày 05 tháng 9 năm 2022
Lê Thành Nhân