Chuyện nghe kể
Rít một hơi thuốc lào thật dài, rồi theo làn khói mà hồi tưởng về quá khứ, bác Mai bắt đầu kể: – Các cháu biết không? Hồi cải cách ruộng đất ấy nhé, tay chủ tịch xã chưa xóa mù chữ mà trông oai vệ lắm. Người dân không ai dám nhìn thẳng vào mặt nó cả, cứ phải lấm lét nhìn xuống đất. Mỗi lời nói, cử chỉ của “ông chủ tịch” đều thể hiện vẻ quyền uy tuyệt đối. Ánh mắt của hắn ta sáng như chớp điện, nhìn vào đâu thì có thể bốc cháy tới đó. Ai mà chẳng may làm điều gì mếch lòng “ông chủ tịch” xã thì coi như chết chắc? Cho nên, lúc đó hắn ta như là hiện thân của thánh thần vậy..
Bác Mai cười ngặt ngẽo, cười nhưng nước mắt lại trào ra. Lấy tay lau mắt, miệng vẩu lên vì vẻ nghiêm trọng, rồi bác nhìn tôi, trợn mắt:
– Chú xem. Lúc đó mà không ưa gì ai, “ủy ban cải cách” nó quy cho vào thành phần bóc lột là coi như toi mạng rồi. Nặng thì bị đấu tố và hành hình, nhẹ cũng bị tịch thu gia sản và cấm tiệt mọi mối quan hệ này nọ. Họ giết người đều có chỉ tiêu và quy thành phần, ai mà không sợ kia chứ?…
Chúng tôi nhìn nhau kinh hãi, tuy có đọc ít nhiều về lịch sử, nhưng việc dối diện với quá khứ đau thương khiến ai cũng cảm thấy ớn lạnh.
Đó là một buổi sáng đầu Thu, chúng tôi ngồi trong ngôi quán bình dị, bên ngoài sương mù lãng đãng se lạnh. Đám thanh niên trẻ tuổi ngồi quanh một ông già cùng xóm, nghe kể chuyện ngày xưa.
Thấy mấy cậu trẻ há hốc mồm mà chưa hiểu gì lắm, bác Mai kể tiếp:
– Năm 1954, sau khi thắng Điện Biên Phủ và nắm quyền cai trị miền Bắc, người Cộng Sản bắt đầu chính sách đả phá tôn giáo mạnh mẽ. Còn nhớ noel năm đó, chính quyền địa phương không cho nhà thờ treo khẩu hiệu. Họ nói rằng, nhà thờ phải để cho họ duyệt nội dung thì mới được treo. Rồi họ lại cho “Đoàn thanh niên” vào tận nhà thờ để làm công tác trang trí noel, không cho giáo dân đụng tay vào…
Chúng tôi hỏi dồn:
– Rồi sao nữa hả bác?
Câu chuyện diễn biến gay cấn và kịch tính quá, khiến cho bác Mai cũng tỏ ra xúc động. Bác châm thêm điếu thuốc lào rồi mới lấy lại bình tĩnh để tiếp lời:
– Cha xứ và giáo dân không đồng ý, vậy là hai bên giằng co với nhau. Bên chính quyền lập tức cử đám dân quân mang theo gậy gộc và súng trường kéo đến nhà thờ. Không khí lúc đó căng thẳng lắm, đám dân quân và đoàn thanh niên sát khí đằng đằng, nhà thờ đành phải kéo chuông báo động. Nghe tiếng chuông, giáo dân cầm gậy gộc lũ lượt đổ về để bảo vệ nhà thờ và cha xứ…
Một cậu thanh niên không kìm được, buộc miệng:
– Bọn côn đồ kẻ cướp chứ chính quyền cái gì, tự dưng xông vào nhà thờ mà xúc phạm đức Chúa. Chỉ có quỷ dữ Sa-tăng mới làm như vậy!
Bác Mai xua xua tay:
– Chưa hết đâu. Thấy giáo dân dũng cảm bảo vệ nhà thờ như vậy, họ đành phải rút lui, nhưng tỏ vẻ hậm hực lắm. Mấy hôm sau thì có giấy triệu tập cha xứ ra ủy ban xã để làm việc. Họ nói rằng cha đã phạm tội xúi dục giáo dân làm loạn, chống lại chính quyền cách mạng. Cho là mình không có tội, nên cha xứ không làm theo lệnh triệu tập của họ. Hôm sau nữa thì có công an ở trên huyện về bắt cha đưa đi biệt tích. Sau này người ta mới biết cha bị giam ở nhà tù “Cổng trời” khét tiếng, rồi chết ở đó.
Không khí như chùng xuống. Ai cũng cảm thương và mến phục Cha Xứ đã vì giáo dân mà lâm nạn, lại giận cho kẻ cầm quyền bạo ngược ngang nhiên.
Giọng bác Mai chậm rãi:
– Đức Chúa Jesus dạy rằng “Con người sinh ra trí tuệ là để nhận biết sự đúng sai, lành dữ”. Những kẻ không biết phân biệt đúng sai mà làm việc ác thì chính là quỷ dữ, thể nào chúng cũng gặp quả báo…
Sự thật đã chứng minh, những kẻ trước đây oai quyền hống hách, bây giờ về già cứ giả điên giả dại như mất trí vậy, con cháu chúng cũng chẳng ra gì. Chúng tôi đã gặp rất nhiều những tên đồ tể trước đây như thế trên khắp đất nước Việt Nam này rồi. Kẻ nào bất chấp đạo lý mà làm việc ác thì sẽ bị quả báo. Đạo trời cũng thật công bình lắm vậy.
Lúc bấy giờ, mọi người có mặt ở đó đều chắp tay cầu nguyện: “Xin chúa hãy tha thứ cho kẻ dữ, cứu rỗi linh hồn để họ quay về con đường ngay. Cầu cho tất cả đều được chở che trong ân điển của ngài. A-men!”.
Minh Văn