Chuyên gia thế giới: Hoa Kỳ và đồng minh nên phản ứng mạnh mẽ về thỏa thuận an ninh Trung Cộng-Solomon
Theo các chuyên gia, Trung Cộng đã cố đạt được một thỏa thuận an ninh gây tranh cãi với Quần đảo Solomon bằng cách khai thác tình hình chính trị ở quốc đảo Thái Bình Dương này. Các chuyên gia cho biết thêm rằng Hoa Kỳ và các đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giờ đây cần phải nỗ lực gấp đôi để đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Bắc Kinh trong khu vực.
Được ký kết hồi đầu tuần này, theo thỏa thuận này Solomon sẽ cho phép Trung Cộng điều động cảnh sát, quân đội, vũ khí, và thậm chí cả tàu hải quân để “bảo vệ sự an toàn của nhân viên Trung Cộng và các dự án lớn của Trung Cộng tại Quần đảo Solomon”, dựa trên các tin tức bị lộ ra của hãng tin Reuters về nội dung văn bản ký kết này.
Sự việc đã làm dấy lên lo ngại từ Hoa Kỳ và các đồng minh rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng thỏa thuận đó để thiết lập sự hiện diện quân sự trong khu vực, đồng thời gây bất ổn định vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Quần đảo Solomon chiếm một vị trí chiến lược quan trọng ở Thái Bình Dương và cách Úc chưa đầy 1,931 km.
Hôm 22/04, một phái đoàn ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ đã gặp lãnh đạo của Quần đảo Solomon và cảnh báo rằng Washington sẽ có “những lo ngại đáng kể và đáp trả tương ứng” đối với bất kỳ bước tiến nào nhằm thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực của Trung Cộng ở quốc đảo Thái Bình Dương này.
Một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc cho biết, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đã nhắc lại với phái đoàn viếng thăm do điều phối viên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tòa Bạch Ốc Kurt Campbell dẫn đầu rằng sẽ không có căn cứ quân sự, không có sự hiện diện lâu dài, và không có khả năng gây ảnh hưởng quyền lực nào theo một thỏa thuận an ninh đã ký với Trung Cộng.
Tòa Bạch Ốc không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về phản ứng của Hoa Kỳ đối với một tình huống kiểu như vậy, nhưng giọng điệu thẳng thừng của họ đã cho thấy mức độ lo ngại của Hoa Kỳ để dẫn đến việc cử phái đoàn của ông Campbell tới đảo quốc xa xôi này trong tuần (18-24/04).
Tuyên bố cho biết, “Nếu các bước được thực hiện để trên thực tế thiết lập một sự hiện diện quân sự thường trực, khả năng ảnh hưởng quyền lực, hoặc một hoạt động bố trí quân sự, thì phái đoàn lưu ý rằng Hoa Kỳ sau đó sẽ có những lo ngại đáng kể và đáp trả tương ứng.”
“Hoa Kỳ đã nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến với sự tham vấn của các đối tác trong khu vực.”
Theo Satoru Nagao, một thành viên không thường trực tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, một căn cứ quân sự của Trung Cộng ở Nam Thái Bình Dương sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực trong khu vực này.
“Nếu hải quân Trung Cộng thiết lập một căn cứ ở Nam Thái Bình Dương, thì việc đồng minh theo dõi các tàu hải quân Trung Cộng ở Thái Bình Dương sẽ khó khăn hơn. Trung Cộng có thể khai triển bất cứ lúc nào các tàu hải quân đến gần Hawaii hoặc các khu vực khác giữa Hoa Kỳ và Úc một cách dễ dàng và tấn công Alaska và các bờ biển phía Tây của Hoa Kỳ”, Nagao, sống ở Tokyo, cho biết.
Lợi ích hội tụ
Theo bà Cleo Pascal, một thành viên cao cấp không thường trực tại Tổ Chức Bảo Vệ Nền Dân Chủ có trụ sở tại Washington, thỏa thuận an ninh này là vì lợi ích của cả Sogavare và Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình. Bà cho biết hiệp ước này thực sự là một thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo chứ không phải giữa hai nước.
Nó được “thiết kế để bảo đảm vị thế trong nước của Trung Cộng và sự nắm quyền của Sogavare”, bà cho biết thêm rằng thỏa thuận này không được lòng dân ở quốc đảo 700,000 người này.
Bà Pascal cho rằng, “Nếu các cuộc bầu cử tự do và công bằng được tổ chức vào năm 2023, như đã định, thì [Sogavare] có khả năng sẽ thua. Nếu ông ấy thua, một chính phủ mới có khả năng sẽ hủy bỏ thỏa thuận này, và thậm chí có thể quay trở lại với Đài Loan”.
“Đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Tập Cận Bình ở Trung Cộng, khiến ông ấy phải hứng chịu các cuộc tấn công chính trị tại nước nhà. Và nó sẽ khiến các cuộc điều tra về các hoạt động của Sogavare có nhiều khả năng xảy ra hơn,” bà nói thêm.
Quần đảo Solomon đã chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh vào năm 2019. Sự chuyển đổi này là một trong những lý do đằng sau tình trạng bất ổn trên hòn đảo này hồi tháng 11/2021, dẫn đến việc đốt phá và cướp bóc ở thủ đô Honiara của họ.
Tình hình chính trị trong nước ở Quần đảo Solomon và Trung Cộng có nghĩa là cả Sogavare và Tập đều cần mối liên hệ hợp tác an ninh của họ được duy trì và phát triển sâu sắc hơn, bà Pascal cho biết thêm, “ngay cả khi điều đó có nghĩa là kích động một cuộc nội chiến mới để biện minh cho việc trì hoãn bầu cử và đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Cộng vào hiện trường.”
Ông Brent Sadler, một thành viên cao cấp tại Heritage Foundation có trụ sở tại Washington, nói rằng tình huống xấu nhất đối với đảo quốc này là Sogavare sử dụng thỏa thuận an ninh này để mời quân đội Trung Cộng đến trấn áp các tranh chấp chính trị với các đối thủ của mình.
Ông Sadler nói: “Một khi điều đó xảy ra, sẽ rất khó để thu hồi bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của Trung Cộng ở đó.”
Với tình hình trong nước Solomon như vậy, bà Pascal kêu gọi ông Kurt Campbell sử dụng chuyến thăm của mình để xây dựng mối liên hệ với các tiếng nói đối lập bên trong nước này.
“Nếu họ chỉ gặp gỡ Sogavare, người đang ủng hộ Trung Cộng, thì họ chỉ đang củng cố uy tín của ông ta trong nước mà thôi,” bà Pascal nói, đồng thời nói thêm rằng thay vào đó, phái đoàn của ông Campbell nên gặp lãnh đạo phe đối lập, một số tỉnh trưởng, các lãnh đạo địa phương, các lãnh đạo tôn giáo, và các nhóm phụ nữ đã phản đối thỏa thuận này.
Nếu họ làm điều đó thì “họ đang cho thấy họ thực sự muốn làm việc với đại đa số người dân Solomon để xây dựng nền dân chủ, sự minh bạch, trách nhiệm pháp lý, và pháp quyền. Đó là con đường tiến về phía trước.”
Sự phối hợp giữa Úc và Hoa Kỳ
Các chuyên gia từ lâu đã cho rằng Hoa Kỳ đã nhờ Úc giúp hoạch định chính sách khu vực cho mình, nhưng với diễn biến này, Hoa Kỳ không còn có thể tiếp tục đi sau. Một số người hiện đang kêu gọi một chính sách độc lập của Hoa Kỳ đối với các đảo ở Thái Bình Dương cũng như sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các quốc gia thuộc nhóm Đối Thoại An Ninh Tứ Giác không chính thức (Bộ Tứ) — Úc, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản — để chống lại ảnh hưởng của Trung Cộng trong khu vực này.
Ông Sadler cho biết, Washington gần như không có một “sự hiện diện ngoại giao” nào ở Quần đảo Solomon, và gần đây họ mới bắt đầu giải quyết vấn đề này bằng cách thông báo vào tháng Hai rằng họ sẽ mở lại đại sứ quán tại nước này.
Ông Sadler lưu ý, mặc dù có thể dựa vào Úc để giải quyết các vấn đề liên quan đến các quốc đảo Thái Bình Dương, nhưng chính phủ Biden nên chủ động hơn và sớm phối hợp với Úc ra tuyên bố công khai về các vấn đề, đồng thời nhấn mạnh rằng chỉ có Washington “mới có thể tranh luận vì lợi ích của Hoa Kỳ ngay cả khi có sự tham gia của các đồng minh.”
Ông nói thêm: “Hoa Kỳ cần phải hòa hợp hơn với khu vực phía Nam và Trung Thái Bình Dương so với trước đây.”
Bà Pascal cáo buộc rằng mặc dù chính phủ Úc ở Canberra đã có thể đối phó với sự cưỡng ép của nhà cầm quyền Trung Cộng ở trong nước, nhưng nước này lại không khuyến khích điều tương tự ở các quốc đảo Thái Bình Dương.
Bà nói: “Tôi đã nghe từ nhiều nguồn rằng sự tham gia trực tiếp và hiệu quả hơn của các quốc gia như Hoa Kỳ không được các chuyên gia Thái Bình Dương của Canberra khuyến khích vì điều đó có thể ‘khiêu khích’ Trung Cộng.”
“Đây là một sự hiểu lầm căn bản về cách thức hoạt động của Trung Cộng. Trung Cộng sẽ khuếch trương cho đến khi họ bị ngăn cản. Và kể cả khi đó, thì họ vẫn không dừng lại, mà họ chỉ tìm kiếm những cách khác để tiến lên.”
Ông Nagao thuộc Viện Hudson cho biết cần có sự phối hợp nhiều hơn nữa giữa các quốc gia Bộ Tứ trong khu vực để chống lại nhà cầm quyền Trung Cộng. Ông lưu ý rằng Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào Nam Thái Bình Dương trong vài thập niên qua và đó là lý do tại sao Trung Cộng đang thành công.
“Nhưng thảm họa vừa qua ở Tonga, Hoa Kỳ-Úc-Nhật đã phối hợp hỗ trợ tốt cho Tonga. Nếu Hoa Kỳ-Úc-Nhật và Ấn Độ hợp tác tốt, thì Bộ Tứ có thể đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Cộng,” Nagao nói, khi đề cập đến vụ phun trào núi lửa lớn và sóng thần tấn công Tonga vào tháng Một năm nay.
Chuyên gia này nói thêm rằng công việc của Bộ Tứ ở các đảo Thái Bình Dương chỉ mới bắt đầu và cần được duy trì để có tác động lâu dài.
Tác giả: Venus Upadhayaya phóng viên về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã viết bài đóng góp cho các phương tiện truyền thông chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và giới lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm. Bản tin này có sự đóng góp của Reuters.
Thanh Tâm biên dịch