Chuyện Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Antony Blinken đến thăm Việt Nam…

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến thăm Hà Nội (Ảnh tại phi trường Nội Bài, Hà Nội)

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Từ sau đại dịch virus Vũ Hán bùng phát mạnh ở Việt Nam vào mùa hè năm 2021, hai nhân vật quan trọng của chính quyền Joe Biden tiếp nối đến thăm Việt Nam là Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin và PTT Kamala Harris. Cả hai không dùng quyền lực cứng cũng như quyền lực mềm mà dùng “quyền lực thông minh” như viện trợ tủ lạnh chứa vaccine và viện trợ nhiều triệu ống vaccine ngừa virus Vũ Hán cho Việt Nam trong cơn đại dịch thập tử nhất sinh… Cuối cùng bà PTT Harris có yêu cầu nhà cầm quyền CSVN nâng cấp ngoại giao Mỹ-Việt từ Đối Tác Toàn Diện lên Đối Tác Chiến Lược thì phía Việt Nam đã lờ đi…

Trong lúc đó tại Washington, Đại Sứ Hà Kim Ngọc nói vuốt đuôi theo kiểu ba phải “khi cần đối tác chiến lược là có ngay cần gì phải ký…”. Đó là kiểu ngoại giao rừng rú của các bộ lạc còn sót lại ở trong rừng Amazon. Trên lãnh vực ngoại giao với các nước văn minh mà nói như vậy thì chẳng ra thể thống gì cả? Nhất là nước Mỹ cần những thỏa thuận dựa trên những văn bản (luật thành văn) để Tòa Bạch Ốc (hành pháp) có thể hành động theo những thỏa thuận quốc tế một cách nhanh chóng và hợp pháp mà không cần thông qua Quốc Hội. Ví như khi một nước nào tấn công một thành viên khối NATO thì toàn khối sẽ áp dụng điều 5 là đưa quân tham chiến để bảo vệ một cách nhanh chóng. Hoặc Mỹ-Nhật đã ký “hiệp ước bất tương xâm” thì nước nào tấn công Nhật là Mỹ đưa quân ứng chiến ngay lập tức và ngược lại v.v…

Sau chuyến đi của PTT Kamala Harris vào tháng 8/2021 để nâng cấp ngoại giao không thành công. Kể từ đó nền ngoại giao Việt-Mỹ rơi vào bế tắc. Nhất là sau khi Nga xâm lược Ukraine đã làm cho Nga-Mỹ trở nên thù địch, Việt Nam ngưng vấn đề nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ và thêm những cuộc bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc kết án Nga xâm lăng Ukraine. Hà Nội làm như vậy để giải thích tính “độc lập, cân bằng, tự chủ” của mình (sic) và nhất là chứng tỏ cho Nga thấy là Việt Nam không đi với Mỹ để chống Nga.

Cuối tháng 7/2022, Việt Nam từ chối Hàng Không Mẫu Hạm Hoa Kỳ ghé thăm Đà Nẵng, cũng trong thời gian đó Ngoại trưởng Antony Blinken hủy bỏ chuyến thăm Việt Nam sau khi đã đến thăm Thái Lan.

Mỹ vẫn kiên trì và tiếp tục gửi phái đoàn ngoại giao và đặc sứ đến thăm Việt Nam trong những tháng cuối cùng năm 2022 như phụ tá bộ trưởng ngoại giao Daniel Kritenbrink và đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Khí Hậu John Kerry đểu được Việt Nam đón tiếp rất tẻ nhạt, tin tức trên báo chí tại Việt Nam cũng đưa lên một cách sơ sài không mấy mặn mà!

Từ tháng 8/2021 đến tháng 03/2023, trong 19 tháng đó ngoại giao hai nước Mỹ-Việt bị bế tắc. Nhất là sau chuyến đi Bắc Kinh của Nguyễn Phú Trọng tháng 11/2022 có những văn kiện ký ủng hộ đường lối của Bắc Kinh thì tình trạng ngoại giao Mỹ-Việt trở nên đóng băng – như ông đại sứ Marc Knapper có đề cập: Bang giao Việt-Mỹ hiện đang đứng trước một khúc quanh quan trọng sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng…

Trước tình trạng như vậy, thái độ ngoại giao của Mỹ đối với Việt Nam vẫn kiên trì không đoạn giao để biến Việt Nam thành kẻ thù đối đầu. Dù Mỹ biết rằng Việt Nam đang có chiều hướng đi vào vào quỹ đạo của Trung Cộng và Nga mà miệng lưỡi vẫn luôn tuyên bố đứng trung lập, Mỹ vẫn kiên nhẫn dùng sức mạnh kinh tế và quyền lực thông minh để ve vãn Việt Nam. Sở dĩ Mỹ phải “cắn răng” để làm như vậy, vì Việt Nam đang nằm ở địa chính trị vô cùng quan trọng không thể thiếu và trên nguyên tắc pháp lý đang là chủ nhân ông Biển Đông, một vùng biển yết hầu của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ.

Vào ngày 29/03/2023, một cuộc điện đàm giữa hai ông Joe Biden và Nguyễn Phú Trọng (1). Theo báo chí Việt Nam và tin tức của Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ thì cuộc điện đàm trao đổi vui vẻ những thành quả 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ. Trong cuộc điện đàm đó, Joe Biden hoàn toàn dùng “quyền lực thông minh” hứa hẹn những điều Cộng Sản Việt Nam mong muốn như “Mỹ tôn trọng thể chế chính trị, ủng hộ Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng. Mỹ giúp Việt Nam bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, Mỹ giúp Việt Nam chống dịch, Mỹ giúp Việt Nam làm sạch các nơi có chất độc màu da cam, Mỹ giúp Việt Nam bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long” v.v… Trong cuộc điện đàm Nguyễn Phú Trọng và Joe Biden nhận lời mời thăm cao cấp giữa hai nước. Hai bên giao các cơ quan trách nhiệm thu xếp vào thời gian phù hợp để viếng thăm.

Tin đồn rằng tháng 5/2023 Joe Biden thăm Việt Nam và tháng 7/2023 Nguyễn Phú Trọng thăm Washington DC. Lời đồn này có thể xảy ra, vì tháng 5/2023 TT Joe Biden tham dự hội nghị G7 tại Nhật Bản rồi sau đó tham dự hội nghị khối AUKUS (ba nước Mỹ, Anh, Úc) tại Úc. Nhân chuyến đi đó ông có thể ghé thăm Việt Nam.

Một tuần sau, ngày 7/04 một phái đoàn Quốc Hội do Thượng Nghị Sĩ  (TNS) Jeff Merkley (thành viên Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện) dẫn đầu gồm TNS Chris Van Hollen và các dân biểu Pramila Jayapal, Lloyd Doggett và Ilhan Omar đến thăm Việt Nam. Tại đây các thành viên Quốc Hội Mỹ cũng sử dụng “quyền lực thông minh” như giúp Việt Nam giải quyết những hậu quả chiến tranh để lại. Phái đoàn Mỹ cũng đến thăm đồng bằng sông Cửu Long nơi có những con đập ở thượng nguồn do Trung Cộng dựng lên, ngăn nguồn nước ngọt trở thành một nan đề tàn phá kinh tế các tỉnh miền nam Việt Nam nằm ở hạ nguồn đồng bằng sông Cửu Long.

Nửa tháng sau, ngày 14/04/2023, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Antony Blinken đến thăm Việt Nam, ông đã gặp thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính và Tổng Bí Thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng. Tại đây, ông Blinken cũng làm lễ khai trương xây Tòa Đại Sứ ở một khu đắc địa nhất tại trung tâm Hà Nội. Nói chuyện với sinh viên đại học khoa học Hà Nội. Đi ăn cơm tay cầm và nghe nhạc Jazz ở mấy quán bình dân để chứng tỏ quan chức cao cấp Mỹ hòa đồng với người dân Việt Nam. Ngoại trưởng Blinken có một chuyến thăm hoàn hảo tiếp xúc từ chóp bu Tổng Bí Thư Đảng CSVN đến bàn dân thiên hạ.

Khởi đi từ cuộc điện thoại giữa hai ông già Biden và Trọng đầy quyền lực, thêm những chuyến thăm liên tục của giới chức Quốc Hội và Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ đã làm tảng băng ngoại giao giữa Việt – Mỹ đã bắt đầu tan ra.

Theo trang website của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ (2) thì bang giao Việt-Mỹ từ 28 năm nay (1995-2023) như dìu nhau đi trong vườn hoa dị thảo đầy triển vọng… Nói vậy mà không phải vậy, mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ-Việt từ khi bình thường hóa bang giao năm 1995 đến nay khá phức tạp, có nhiều thăng trầm vì nhà nước Việt Nam thiếu ngoại giao độc lập… Cứ một bước tiến về Washington thì Hà Nội phải quay đầu nhìn về Bắc Kinh xem thái độ ra sao? Đó là sự “nô lệ ngoại giao” của Cộng Sản Việt Nam, cứ như thế thì không bao giờ cao lớn lên vì luôn thủ vai chú lùn thiếu tự chủ và lo sợ.

Từ năm 2013 thiết lập ngoại giao “Đối Tác Toàn Diện” nay đã 10 năm, có những tiến bộ nào mà Washington đạt được để đáp ứng nguyện vọng của người dân Việt Nam? Phải lấy chủ quyền thật sự hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông và xây dựng một thể chế chính trị tự do dân chủ và tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam.

Đã 10 năm từ khi có bang giao “đối tác toàn diện” Mỹ đã đạt được những điều mà người dân Việt Nam không muốn có, như “Mỹ tôn trọng thể chế chính trị hiện nay – tức là thể chế độc tài Cộng Sản Việt Nam” (mà buổi đàm thoại giữa Biden và Trọng ngày 29/03 có nhắc lại), thể chế đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây nên thảm trạng cho dân tộc Việt Nam – chấp nhận thể chế chính trị CSVN thì chẳng khác gì âm thầm bảo hộ cho chế độ độc tài toàn trị đó tồn tại!

Ngoài ra một món quà nữa Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam, cho hàng vạn sinh viên học sinh đến du học Hoa Kỳ, với mục đích sau khi học xong mang về nước ý thức dân chủ. Đó chỉ là là mớ lý thuyết nghe ra có hợp lý, thực tế hoàn toàn trái lại mà chúng ta có thể chứng minh là Kim Jong-un và em gái Kim Yo-jong từ nhỏ học tại Thụy Sĩ (một quốc gia châu Âu rất là tự do, dân chủ) khi về cai trị Bắc Hàn thì độc tài tàn bạo không ai bằng. Trung Cộng rất nhiều cấp lãnh đạo ở quận, tỉnh, thành phố là những thành phần từng du học từ Âu-Mỹ kể cả Phó Thủ Tướng Trung Cộng Lưu Hạc cũng xuất thân từ trường đại học Harvard của Mỹ… Nhưng cho đến bây giờ Trung Cộng có tiến bộ chút nào về dân chủ chưa?

Những điều nói trên cho thấy 10 năm thiết lập “đối tác toàn diện” không đem đến cho ước vọng của người dân Việt Nam,  nó dùng để phục vụ cho lợi ích bang giao và quyền lợi nước Mỹ.

Ngoại trưởng Antony Blinken rời Hà Nội sáng ngày 16 tháng 4 năm 2023, với những dòng chữ trên tài khoản Twitter của ông ta đầy thiện cảm với sự đón tiếp của CSVN. Như vậy có thể đoán ra rằng cuối năm 2023, ông Antony Blinken sẽ lấy tên Việt Nam ra khỏi danh sách “theo dõi đặc biệt” (Special Watch List) về tự do tôn giáo mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã đưa vào cuối năm 2022.

Trước khi ngoại trưởng Antony Blinken đến thăm Việt Nam, tờ South China Morning Post (SCMP) có viết rằng: “Blinken có thể mang lại kết quả trong một số lĩnh vực như an ninh hàng hải, hay cải thiện phần nào trong hợp tác kinh tế, nhưng điều đó sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược chung của Việt Nam, bởi lẽ giữa Hà Nội và Washington dù sao vẫn tồn tại mâu thuẫn nội bộ và cấu trúc”. Đây là tín hiệu của Bắc Kinh muốn gửi qua SCMP xuất bản ở Hồng Kông để nhắn nhủ Việt Nam rằng đi với Mỹ để buôn bán móc hầu bao thì được chứ đừng theo Mỹ!

Ngày 16/04/2023 Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Blinken trở về không mang theo “đối tác chiến lược”. Giới bình luận quốc tế cho rằng chuyến đi của Antony Blinken để sửa soạn cho TT Biden đến thăm Việt Nam và lúc đó mới ký nâng cấp ngoại giao.

Cộng Sản Việt Nam là một chuỗi lịch sử đu dây – so với loài khỉ chắc họ đu dây giỏi hơn nhiều. Trong thời chiến tranh lạnh CSVN đu dây giữa Nga-Trung để nhận viện trợ cả hai bên. Giờ đây CSVN đu gây giữa Trung-Mỹ một bên giúp giữ quyền lực cai trị của đảng và một bên để kiếm đô-la.

Có một điều là cuộc chiến Ukraine đã làm cho thế giới thay đổi toàn diện – mà thay đổi lớn nhất là trục Bắc Kinh-Moscow kết hợp chống Mỹ. Trong tương lai, thế giới chia làm hai đó là điều không thể tránh khỏi. Cho nên, dù có đu dây tài giỏi đến đâu cũng khó tồn tại. 

Đã hết thời đu dây… Việt Nam nên chọn một nền ngoại giao tự chủ chính đáng.

Hoa Kỳ ngày 19 tháng 4 năm 2023
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietuoc.org) 


Chú thích:

(1) https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/03/29/readout-of-president-joe-bidens-call-with-general-secretary-trong-of-vietnam/

(2) https://www.state.gov/u-s-relations-with-vietnam/

 

 

 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt