Chuyện Năm Tỵ Nói Chuyện Rắn

Phiếm Luận: Chuyện Năm Tỵ Bài của: Sĩ Quan Tầu Ngầm Trần Đỗ Cẩm (Austin, Texas 1/2013)

Chỉ trong chớp mắt giống một thoáng chiêm bao, năm lại hết, tết đã tới. Trong tâm tư ngưới Việt tha hương tị nạn, dù người bỏ nước đi trước, vượt biên sang sau hay gia đình đoàn tụ, chắc không sao tránh khỏi nỗi bùi ngùi xúc động mỗi khi quạnh quẽ đón xuân nơi đất khách quê người. Ðể phần nào quên đi nỗi sầu viễn xứ, chúng tôi hân hạnh đóng góp vài mẩu chuyện phiếm về năm con rắn, trước để có dịp viết lại những giòng chữ Việt tuy đơn sơ mộc mạc nhưng đầy trừu mến thương yêu, sau để ôn lại vài sự tích xa xưa do ông bà kể lại để cống hiến độc giả những giây phút giải trí thoải mái vào lúc xuân sang.

Trước hết, nhân dịp đầu năm, thành thực cầu chúc qúi vị cùng bửu quyến được an khang thịnh vượng, vạn sự như ý, phúc lộc đầy nhà.

Theo ngũ hành can chi, năm vừa qua là năm thìn, cầm tinh con rồng. Nếu căn cứ vào “tin tức khí tượng cho tàu chạy ven biển” do các vị chuyên “rờ mu rùa” bàn tán theo sách Lốc Cốc Tử, năm rồng bao giờ cũng rất hên “đại cát đại lợi”, vì chẳng những Rồng là một linh vật đứng đầu trong tứ linh “long, ly, qui, phụng” mà còn là biểu hiệu của chân mạng thiên tử. Tuy nhiên trong năm vừa qua, nếu có vị nào chưa được may mắn khi du hành Las Vegas hoặc không được thuận lợi lúc viếng thăm Wall Street, hãy khoan thất vọng. Chắc chắn qua năm con rắn, mặc dù được coi là “dần thân tị hợi “tứ hành xung”, nhưng “phúc lộc thọ” sẽ ào ào bò, trườn, lê, lết tới. Sở dĩ chúng tôi giám đoán chắc như vậy vì tuy Rồng trông”ngon” thật, bay lộn rất “ngoạn mục”, nhưng chiếu theo luật vận hành của tạo hóa, chẳng qua cũng chỉ ăn hiếp được chú mèo, đến khi xà vương xuất hiện cũng phải bỏ chạy có cờ, nhường ngôi vua phàm trần cho họ hàng loài rắn.

Ðể bài phiếm luận có đầu có đuôi, đề nghị chúng ta hãy tìm hiểu họ hàng hang hốc của loài rắn trước, rồi sau đó sẽ “phiếm” đến những chuyện liên quan tới mãng xà tinh.

Theo khoa học, rắn thuộc loài bò sát tương tự như giống thằn lằn không chân. Ðiều khác biệt là rắn có một hàng vẩy cứng dưới bụng có thể di động được như những chân nhỏ khi trườn lết. Ðặc điểm nữa là xương hàm trên của rắn có thể di chuyển, đổi chỗ để miệng có thể mở rộng khi nuốt những mồi lớn.


Môn học nghiên cứu về rắn, hay “Xà Học”, được giới khoa học gọi là “Herpetology” bắt nguồn từ chữ Hy Lạp “Herpeton” co nghĩa là “loài bò sát”. Sau nhiều cuộc khảo sát kỹ lưỡng, người ta vẫn chỉ dự đoán được rằng rắn xuất hiện trên trái đất cùng lúc với loại khủng long, vào thời đại Triassic khoàng 200 triệu năm trước đây. Việc nghiên cứu về tổ tiên loài rắn tương đối khó khăn vì xương rắn nhỏ nên không tồn tại nhiều trong các hóa thạch vật (fossil) giống các động vật có xương lớn khác như khủng long, voi, cọp v.v… Căn cứ vào những bằng chứng tìm được trong thời Cretaceous cách đây khoảng 130 triệu năm, rắn do loại thằn lằn chuyên sống trong hang dưới đất (burrowing lizard) biến thể. Loại thằn lằn này phải sống trong hang để khỏi bị các giống vật khác ăn thịt và cũng để dễ săn mối. Trải qua nhiều triệu năm, chân và và tai của giống thằn lằn hang này bị biến mất để dễ di chuyển trong hang hóc chật chội; dần dần, theo lịch trình tiến hoá biến thành rắn.

Bù lại, rắn có khứu giác rất nhạy, có thể đánh hơi con mồi từ xa. Vì không có chân nên rắn không thể đi hoặc chạy nhảy, mà phải di chuyển bằng động tác “trườn” (locomotion) giống như bơi cạn! Toàn thân rắn được bao bọc một lớp vảy. Những chiếc vảy này vô cùng cứng rắn, không lớn lên tương ứng theo sự trưởng thành của thân rắn. Vì vậy cứ 2-3 tháng rắn phải thay da để tăng trưởng một lần. Các chiếc vảy này không chỉ giúp rắn bảo vệ mà còn có chức năng như những bàn chân nhỏ để rắn trườn bò. Khi di chuyển, thân dài và nhỏ của rắn uốn cong thành hình chữ S, phía dưới thân thể theo sát bộ phận phía trên để bò lên cùng vị trí ấy. Khi bò, các vảy trườn theo bộ phận lồi ra, rắn dùng đầu nhọn của các chiếc vảy để trèo lên những đám cỏ hoặc đám đất gồ ghề. Một số loại rắn đặc biệt có khả năng lướt nhanh, hầu hết là thuộc chi Chrysopelea. Chúng có khả năng phóng mình rất xa như bay khoảng trên 10 mét trong không khí, do đó có người gọi là rắn bay. Da rắn được vảy phủ kín. Hầu hết rắn di chuyển dựa vào lớp vảy này. Da rắn khá nhẵn hoặc có hạt. Mi mắt rắn trong suốt và thường xuyên đóng kín, được gọi là vảy mắt. Rắn lột da để lớn theo theo chu kỳ. Không giống những loài bò sát khác, cách thức lột da của rắn tương tự như người ta tháo bỏ một chiếc vớ: nó cọ đầu và mũi vào những vật cứng, như đá, cho tới khi da rách và chúng bắt đầu lột.

Tất cả các loài rắn đều ăn thịt. Chúng có thể ăn cả những con rắn khác và những động vật có vú, động vật nhỏ như thằn lằn, chim, trứng các loài khác hay sâu bọ. Một số loài có nọc độc để giết chết con mồi trước khi tiêu thụ. Một số loài khác thì xiết mồi đến chết. Thậm chí có những loài rắn nuốt sống cả con mồi.

Xương hàm dưới của rắn rất linh hoạt. Hai hàm của nó không gắn liền cố định mà di chuyển được và nối thẳng vào xương sọ, cho phép chúng mở rộng miệng để nuốt trọn con mồi dù có lớn hơn nhiều so với đường kính thân rắn.

Sau khi ăn, rắn trở nên lười biếng và thụ động trong khi bộ tiêu hóa bắt đầu làm việc. Lúc này, hệ tiêu hóa hoạt động rất mạnh, nhất là khi phải tiêu thụ con mồi lớn. Ở một số loài rắn, toàn bộ hệ thống tiêu hóa sẽ nghỉ ngơi giữa những bữa ăn để tránh thất thoát năng lượng vì rắn ăn khá ít; trong vòng 48 giờ hệ tiêu hóa sẽ hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng từ con mồi. Ở loài rắn đuôi chuông (rattle snake), năng lượng được chuyển hóa rất nhiều trong khi tiêu hóa, nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên đến 14 độ C so với môi trường xung quanh.

Loài rắn thường không cắn người, tuy nhiên có trường hợp những đứa trẻ bị trăn khổng lồ tấn công trong rừng nhiệt đới. Ngay cả một số loài rắn vốn được xem là hung dữ cũng rất ít khi nào cắn người nếu chúng không bị giật mình hay bị khiêu khích, ngoài ra chúng thường lảng đi nơi khác. Phần lớn rắn không độc hoặc độc của chúng cũng không gây chết người. Thông thường, rắn ăn thịt những loài động vật gặm nhấm. Có một vài ngoại lệ như rắn lục, chỉ ăn sâu bọ. Nói chung, rắn thường ăn một số loại thức ăn cố định như chuột hoặc chuột hoang gerbil.

Rắn sinh sản bằng nhiều cách. Hầu hết rắn đều đẻ trứng, và đa số số rời bỏ trứng của chúng sau khi đẻ. Tuy nhiên, một số loài lại giữ trứng trong cơ thể đến khi trứng nở. Gần đây, giới khoa học xác định được một số loài rắn đẻ con, giữ con của chúng trong nhau thai hoặc một thứ tương tự túi noãn; đây là một điều khác thường trong giới bò sát. Việc giữ trứng trong cơ thể cho đến lúc nở thành con là cách giúp rắn mẹ kiểm soát nhiệt độ của trứng và bảo vệ con khỏi những đe dọa của môi trường chung quanh.

Những cái chết do bị rắn cắn thường không mấy phổ cập. Trên toàn thế giới chỉ có khoảng 450 loài rắn có độc (250 trong số đó có nọc độc đủ giết người). Hàng năm tại Hoa Kỳ, có khoảng 6,000 bị rắn cắn, còn ít hơn số người chết vì sấm sét.

Rắn độc xử dụng nước bọt; chất độc tiết qua những chiếc nanh trong miệng để làm tê liệt hoặc giết con mồi. Đa số loài rắn không độc xiết con mồi đến chết. Nọc độc rắn có thể là độc tố thần kinh hoặc độc tố máu. Độc tố thần kinh tấn công hệ thần kinh trong khi độc tố máu làm hư hại hệ tuần hoàn.

Rắn độc sử dụng độc tố máu thường có nanh tiết chất độc ở trước miệng, giúp chúng dễ dàng chích thẳng chất độc vào nạn nhân. Rắn sử dụng độc tố thần kinh, như loài rắn cây đước độc tính cao, có nanh nằm ở phía sau miệng đồng thời nanh cong về phía sau.

Vì tiến trình phức tạp của loài rắn bắt đầu cách đây hàng trăm triệu năm nên đến bây giờ có khá nhiều chủng loại hoặc “gia đình” (families) rắn sinh sống tại những vùng khác biệt trên trái đất. Có loại xuất hiện từ lúc các đại lục còn như dính liền, nên hiện nay có mặt hầu như khắp nơi trên thế giới. Nhiều loại rắn mới chỉ có trong từng vùng vì mặt đất đã bị tách rời do đại dương ngăn cách. Các nhà khoa học hiện phân loại chừng 14 hoặc 15 chủng loại (families) rắn khác nhau, tổng cộng chừng 2400 giống (species). Có hai loại rắn chỉ có một giống, một loại có hai giống và một loại khác có ba giống, trong khi loại rắn Colubridae có tới trên 1,500 giống. Ðại cương, rắn được chia thành những chủng loại như: rắn nước chuyên sống dưới nước, rắn cây chuyên sống trên cây, rắn hổ, rắn lục, trăn v.v…Tổng cộng có kho ảng 1,000 loại rắn khác nhau trên thế giới. Riêng tại Vi ệt Nam có gần 200 loại gồm rắn độc, rắn nước và rắn biển .v…

Rắn Thay Da

Ðặc tính chung của rắn là không có chân. Thân rắn có vẩy cứng cách nhau bằng một lớp “keratin” mềm rất đàn hồi để rắn có thể trườn nhanh và dễ dàng. Vẩy trên mình rắn được dùng như một lớp khiên để che chở toàn thân. Ngược lại, vẩy bụng lại nằm ngang để rắn có thể di chuyển. Vì lớp vẩy bao phủ toàn thân nên rắn thường phải “lột da” để thân thể phát triển lớn hơn. Mỗi khi lột da, rắn tiết ra một chất nhờn đặc biệt dưới lớp vẩy, các mạch máu trong mình, nhất là ở đầu, đều phồng căng lớn để làm bong lớp da cũ, bắt đầu từ dưới hàm. Lúc đó, rắn sẽ cọ đầu vào những vật cứng như thân cây, tảng đá v.v… để lột da, bắt đầu từ lớp da đầu. Trong lúc lột da, rắn coi như bò ra từ cái vỏ và lộn lớp da cũ từ trong ra ngoài.

Một đặc điểm nữa là sọ rắn có thể co dãn vì gồm những xương nối với nhau bằng những sợi gân đàn hồi. Mép rắn nằm sâu vào phía trong nên hàm trên và hàm dưới có thể mở rộng tối đa cũng như di chuyển độc lập. Ngay cả óc rắn cũng có thể di chuyện tới lui hoặc ngang dọc. Nhờ đặc tính đàn hồi này mà rắn có thể nuốt những con mồi rất lớn. Răng rắn rất nhọn, nghiêng về phía trong miệng để giữ chặt con mồi không bị vuột. Vì phải há miệng rất lớn mỗi khi nuốt mồi nên sọ rắn phải chịu một áp lực rất lớn, nhưng nhờ lớp xương sọ có thể đổi chỗ nên rắn vẫn không hề hấn gì.

Ngoài ra, răng rắn còn có thể mang nọc độc dùng dể giết chết con mồi hay để tự vệ. Thông thường, nanh mang nọc độc của rắn thường nằm ở hàm trên. Khi bị rắn cắn, nọc độc từ một hạch trên đầu rắn sẽ được “bơm” qua nanh để chuyền vào vết thương. Người ta thường nói “miệng hùm, nọc rắn” để chỉ những nơi nguy hiểm, độc địa. Vậy nọc rắn “độc” ra sao? Nên nhớ: nọc rắn vẫn có thể chảy khi đầu rắn đã bị chặt đứt, và số lượng cũng vẫn bằng với lúc rắn còn sống! Ngoài ra, nọc rắn lúc còn nhỏ cũng độc như rắn lớn.

Khi cố tình tấn công, rắn nhả ra nhiều nọc độc hơn là lúc tự vệ, thí dụ như khi có người vô ý dẫm vào đuôi. Ðúng ra, nọc rắn không hẳn được tuôn ra từ miệng, mà từ những hạch đặc biệt nằm ở phía trong mắt. Nanh của loại rắn lục (viper) rất dài đến độ phải “xếp” lại rắn mới có thể khép miệng được và có thể di chuyển như cây kim để chích ngay nọc độc vào con mồi. Ðối với loại rắn có nanh độc nằm phía trong miệng, rắn phải cắn và giữ chặt con mồi rồi mới tiết nọc độc sau. Nghe đồn dạo ở Việt Nam, một số lính Mỹ chiến đấu trong rừng mệnh danh một loại rắn hổ địa phương là rắn “hai bước”, “ba bước” hoặc “năm bước” để chỉ người bị rắn cắn chỉ đi thêm được vài ba bước là ngã ra chết.

Ðặc điểm quan trọng khác của rắn là tài đánh hơi. Tuy rắn có lỗ mũi nhưng được dùng để thở hơn là đánh hơi. Sở dĩ rắn nhạy hơi là nhờ một cơ cấu đặc biệt gọi là cơ quan Jacobson gồm hai rãnh nhỏ nằm ở hàm trên. Cơ quan này có nhiều thần kinh nhỏ nối với phần não bộ chuyên về khứu giác. Khi rắn le lưỡi qua lại trước mặt, những phân tử”mùi hơi” của mục tiêu sẽ được hút v ào lưỡi rồi truyền đến cơ quan Jacobson lên tới óc.

Thị giác của rắn cũng khá tinh, nhưng chỉ phân biệt rõ ràng khi đối tượng di động hoặc đổi chỗ. Có người cho rằng rắn “không bao giờ ngủ” vì lúc nào cũng mở mắt. Ðiều này không đúng. Rắn có ngủ nhưng mắt vẫn mở vì không có mí mắt để khép lại. Tuy rất khó quan sát, nhưng ta có thể biết rắn ngủ khi thấy đồng tử thu nhỏ lại, hoặc dấu đầu vào khúc mình rắn khoanh tròn. Một phương pháp nữa là khoa tay trước mắt rắn; nếu không thấy mắt di chuyển và lưỡi thè ra là lúc rắn đang ngủ. Thính giác của rắn coi như không được bén nhạy vì không có vành tai để âm thanh dội lại.

Các nội tạng của rắn đều dài theo thân mình. Gan rắn dài nhưng không chia ra từng miếng, mật rắn nằm giữa bao tử và ruột. Phổi trái tương đối nhỏ trong khi phổi phải lại rất dài vì chứa những túi dự trữ dưỡng khí giúp rắn không cần thở trong lúc bận nuốt mồi lớn.

Ðại đa số rắn thường đẻ trứng. Trứng rắn hình bầu dục. Sau khi thụ tinh chừng hai tháng, rắn đẻ trứng, vỏ mềm tại nơi có nhiệt độ và ẩm độ thích hợp. Trứng nở trong vòng từ 4 đến 12 tuần lễ tùy theo loại rắn, trong thời gian này, trứng phồng lớn. Rắn con dùng răng tự cắn vỏ trứng để chui ra ngoài. Trăn cái ấp trứng bằng cách truyền thân nhiệt qua trứng. Nhiều giống rắn sinh sống tại vùng lạnh, trên cây hoặc dưới nước không đẻ trứng mà giữ trong mình cho tới khi nở rồi đẻ ra con.

Ðặc biệt có loại rắn “Brahminy Blind Snake” được gọi là “parthenogenic” nghĩa là “toàn cái”. Loại rắn này đẻ trứng không có giống đực, sau nở ra toàn rắn cái. Có loại rắn cái không cần “chịu đực” mỗi lần đẻ trứng mà vẫn sinh con. Lý do vì loại rắn này có thể “giữ” tinh trùng đực lâu đến bảy năm! Khi đẻ trứng, rắn cái chỉ cần dùng lại tinh trùng cũ mà không cần tới rắn đực! Rắn con ngay từ lúc mới nở đã phải tự lực cánh sinh, săn mồi và tự vệ vì rắn bố và mẹ không ở bên cạnh để săn sóc. Trong vòng một năm rắn tới tuổi trưởng thành.

Hình dạng và màu sắc không những dùng để phân biệt chủng giống mà nhiều khi còn cho biết môi trường sinh sống của rắn. Con trăn rừng dài nhất đo được 33 feet. Con trăn nước (green anaconda) dài nhất bị bắt tại Brasil dài 18 thước 9. Những loại trăn lớn này di chuyển nặng nề, cần ăn nhiều nên chỉ sống tại những nơi dễ kiếm mồi lớn. Ngoài ra, vì là loài “máu lạnh” nên rắn cần môi trường bên ngoài để hâm nóng thân thể tới nhiệt độ thích hợp mới có thể hoạt động được. Do đó, những loại trăn, rắn lớn chỉ sống tại vùng nhiệt đới.

Rắn cũng có nhiều màu sắc khác nhau để có thể “ngụy trang” hoặc thu hút và bảo vệ thân nhiệt tùy theo môi trường sinh sống. Nhiều loại rắn còn đổi màu khi tăng trưởng. Vẩy rắn thật ra chỉ là những chỗ da dầy và cứng hơn những chỗ khác, vì vậy vẩy cũng chính là da rắn. Sự cấu tạo này khác với vẩy cá có thể tách rời khỏi da. Vẩy rắn được dùng như lớp giáp để che chở thân rắn khi trườn cũng như để tự vệ. Trong vẩy rắn có hạch đặc biệt làm thành màu sắc của rắn. Thật ra. vảy rắn gồm hai lớp, phân cách bằng một lớp tế bào mỏng, trong suốt. Rắn còn nhỏ thường lột da nhiều hơn rắn lớn để thân thể tăng trưởng. Rắn cái thường lột da trước khi đẻ trứng hoặc đẻ con. Rắn bị thương cũng lột da thường xuyên để tự chữa.

Rắn thường ăn các động vật khác, nhưng vì không có tay chân nên phải nuốt trọn con mồi. Hàm rắn có thể tạm thời di chuyển, da rất đàn hồi để có thể nuốt mồi lớn hơn đầu. Nhiều trăn, rắn lớn có thể nuốt trọn con nai nhỏ hoặc cả cá sấu. Có rắn lại ăn cả loại rắn khác. Loại trăn thường cuốn chặt con mồi đến nghẹt thở truớc khi nuốt. Rắn độc truyền nọc độc để giết con mồi trước khi nuốt trọn.

Chúng ta thường thấy hình ảnh “phù thủy rắn” là ông già Ấn Ðộ gầy nhom, miệng thổi cây kèn sặc sỡ trước mặt một con rắn hổ nghển cổ, phùng mang, đầu đong đưa qua lại theo tiếng nhạc, trông rất ghê rợn. Những tay “thầy rắn” này được người Tây Phương mệnh danh la “Snake Charmers”. Tuy màn trình diễn trông có vẻ nguy hiểm, nhưng có nhiều giả tạo trong đó. Trước nhất là tiếng kèn rên rỉ và đầu rắn đong đưa theo điệu nhạc như khiêu vũ. Thật ra, rắn không nghe được tiếng nhạc nên biết đâu mà “nhảy”? Rắn chỉ theo dõi những di động của cây kèn sặc sỡ hoặc của chính ông thày rắn trong tư thế chuẩn bị tấn công. Ðầu rắn ngóc cao, mang bạnh lớn, đầu đảo qua lại, mắt theo dõi những di động của cây kèn như bị thôi miên vì rắn coi cây kèn như địch thủ. Các thày rắn thường dùng loại rắn hổ mang “đeo kính” (naja naja) rất dài, đôi khi tới 20 feet, mang bạnh ra trông rất dữ dằn. Tuy nhiên, để giảm bớt nguy hiểm, có thể rắn đã được “ngâm lạnh” hoặc cho ăn thật no để tở nên chậm chạp, hoặc đã bị nhổ mất nanh độc hay khâu miệng. Do đó, nhiều tay thầy rắn còn nhảy chung với rắn, hôn rắn hoặc ngậm cả đầu rắn vào trong miệng. Tuy đã bị “giải độc” nhưng cứ nhìn những con rắn đeo kính” này “phùng mang múa mỏ” lắc lư theo điệu kèn rền rĩ của các tay “fakir” cũng đã đủ ớn phải không qúi vị?

Sau đây là vài chuyện khó tin nhưng có thật về rắn.

Người Cắn Răn: Vào khoảng tháng 5/1997, anh Valentin Grimalo đang buớc bên lề cỏ dọc theo xa lộ tại thị xã Edinburg thì bị một con rắn cắn. Lập tức, Valentin nắm lấy con rắn, dùng miệng cắn đứt đầu rắn rồi lột da dùng làm giây cột bên trên vết thương để nọc độc không truyền vào tim. Theo tờ báo Beaver County Times, sau đó có người lái xe chở anh tới bệnh viện chữa trị. Anh hoàn toàn bình phục.

Rắn Bắn Chết Người: Chỉ có người đi săn, giết rắn, làm sao rắn có thể bắn chết người? Thế mà vài năm trước đây tại Iran, có một anh thợ săn bị rắn bắn chết bằng “shotgun”. Bạn anh thợ săn cho biết: nạn nhân toan bắt sống một con rắn bằng cách dùng báng súng đè đầu rắn xuống khiến mình rắn co lại, cuốn quanh báng súng. Chẳng may đuôi rắn cuốn trúng cò khiến súng khai hỏa trúng đầu anh thợ săn.

Hẩu Xực: Ðây là chuyện hoàn toàn có thật. Vào năm 1973, một người đàn ông 42 tuổi tại Trung Hoa cho biết anh đã ăn chừng 10,000 con rắn sống trong vòng hai thập niên. Anh cho biết nếu bữa nào không “xực” ít nhất một con rắn thì cảm thấy rất buồn bực, khó chịu. Ăn nhiều rắn như vậy, chắc cuộc đời anh ta “lên hương” lắm? Không đúng như vậy, vì chẳng một bà hay cô nào giám lại gần tay “xực” rắn này, nên suốt đời anh ta mồ côi vợ. Chắc không có cô nào chịu nổi khi được anh mời về nhà ăn bữa tiệc rắn đầu tiên.

Tiếp theo là một số ngộ nhận về rắn.

– Rắn nào cũng nguy hiểm: ngược lại, đa số rắn đều vô hại. – Rắn không biết ngửi: tuy rắn không thính mũi, nhưng “khứu giác” quan trọng hơn là lưỡi và cơ quan Jacobson. – Rắn thường trơn trợt: rắn trông bóng láng nhưng thật ra da rắn rất khô và ấm. – Vẩy rắn dùng để giữ thân nhiệt: đúng ra, vẩy rắn không thấm nước, dùng để giữ độ ẩm khiến rắn không bị chết khô ngoài nắng. – Rắn có khả năng thôi miên: rắn chỉ nhìn trừng trừng khiến người và vật sợ hãi. – Thân rắn lạnh: tuy thuộc loài máu l ạnh nhưng thật ra, rắn có thể giữ thân nhiệt rất cao, đến hàng trăm độ F. Nhưng rắn không thể tự sinh ra thân nhiệt như con người mà hải nhờ tới môi ytrường bên ngoài. – Vẩy rắn rất dầy và nặng: đúng ra. vẩy rắn rất mỏng như giấy. – Rắn rất dữ: ngược lại, rắn rất nhát, chỉ tấn công khi bị bắt buộc. – Rắn không có xương sống: rắn có khoảng 300 đốt xương sống và xương sườn. Con người chỉ có 33 hay 34 xương sườn.

Tới đây xin kể một số kỷ lục về rắn.

– Rắn ngắn nhất: loại rắn “kim” tại vùng đảo St. Lucia, Martinique, Barbados, chỉ dài khoảng 10 phân. – Rắn già nhất: con trăn đực tên “Popeye” chết năm 1977 tại sở thú Philadelphia, già 40 năm 3 tháng 10 ngày. – Rắn nhanh nhất: rắn hổ Phi Châu có thể di chuyển 14 – 19 km một giờ. – Rắn độc nhất: rắn biển giống Hydrophis Belcheri có nọc độc mạnh gấp hàng trăm lần rắn độc thông thường. Giống rắn đất độc nhất là rắn hổ Úc Ðại Lợi. – Rắn dài nhất: trăn dài 10 thước bị giết tại đảo Celebes, Nam Dương vào năm 1912. Rắn độc dài nhất là loại rắn hổ vùng Ðông Nam Á đo được 5 thuớc 71 tại sở thú Luân Ðôn. – Rắn nặng nhất: trăn nước Nam Mỹ và Trinidad. Kỷ lục nặng khoảng 500 lbs, dài chừng 9 thước.


Ngay từ thời Thượng Cổ, đã có nhiều tương quan và huyền thoại giữa người và rắn, có lẽ vì hình dạng dài và uyển chuyển của rắn được coi như xương và tủy sống là trung tâm của mọi hoạt động của con người. Gần đây, nhà phân tâm học nổi tiếng Karl Jung của Thụy Sĩ cũng phân tách rằng rắn với nhiều điều kỳ bí là biểu tượng của vô thức con người. Những nhà khảo cổ tìm thấy nhiều hình dáng “uốn éo” giống như rắn trong nhiều hình vẽ, tượng hoặc đồ gốm thời cổ. Nhiều hình vẽ con rắn khổng lồ cuốn quanh cả vũ trụ, dưới gốc cây hay khoanh tròn trên bụng đàn bà chửa, tượng trưng cho oai lực tạo nguồn sống cũng như bất tử. Rắn cũng chui ra từ trong hang dưới đất nên nhiều khi còn được coi là sinh vật của âm giới. Hình ảnh rắn ngậm đuôi trong miệng và lột da cũng tượng trưng cho sự tái sinh và trường thọ. Vì vậy, loài người đã sùng bái và thờ rắn từ lâu.

Người vùng Babylon và Ai Cập có nhiều tranh vẽ hoặc tượng những vũ công nhảy múa trong các buổi tế lễ theo dáng di chuyển của rắn. Người vùng Sumer tin tưởng rắn là thần vật bảo vệ “trục vũ trụ”. Dân Ba Tư thờ thần rắn biết bay trên trới tên Azhi Dahaka, được coi như thần sáng tạo những trăng sao trên trời. Tưởng cũng nên nói người Âu Châu thời cổ sắp chung rồng và rắn vào cùng một loại trong đó rồng là một loại “rắn” sống trên trời, có cánh biết bay. Tên “dragon” tức là rồng bắt nguồn từ Hy Lạp chữ “drakon” có nghĩa là rắn.

Qua tới Ai Cập, hình ảnh rắn lại được thể hiện rõ ràng và phổ cập hơn. Ðiển hình nhất là vương miện của các vị vua (Pharaoh) đều có hình của thần rắn hổ. Khăn đội của của vua Ai Cập cũng được mở rộng tới vai, trông giống như rắn hổ phùng mang. Thần rắn hổ tên Uraeus thường được thấy khoanh tròn trên trán của vua chúa có liên quan tới thần Horus khi tái sinh thành những “Pharaoh”. Nữ hoàng Cléopatra dùng rắn hổ cắn vào người để tự tử vì tin rằng Uraeus sẽ đưa nàng về chốn vĩnh hằng. Người Ai Cập còn tin rằng thần rắn Apep là chúa của bóng tối và hủy diệt vì lúc nào cũng muốn nuốt chửng mặt trời. Thần mặt trời Ra và thần bóng tối Apep tranh dành nhau quyết liệt, gây ra những lần nhật thực và đêm tối, nhưng lần nào thần Ra cũng thắng vì mặt trời vẫn xuất hiện mỗi ngày. Apep còn có hình dạng như một con cá sấu, có tên là Typhon tức là rồng. Trong thần thoại Hy Lạp, rắn Typhon là con út của thần Gaea và Tartarus. Typhon cao hơn núi, có cánh, đôi mắt nẩy lửa, chân có móng vuốt như rồng và thân rắn. Typhon kết hôn với nàng Echinda sanh ra bốn con là Hydra, Ceberis, Chimera và con sư tử Nemean. Người Ai Cập còn thờ thần rắn Nehebkau có chân và tay như người.

Tại Phi Châu, bộ lạc Ewe tin rằng con rắn khổng lồ tên “Anyiewo” thường hiện ra kiếm ăn vào lúc trời mưa, thân rắn phản chiếu lên trời thành cầu vồng bảy sắc . Người Dogan thuộc Trung Phi tin rằng có thần Lebe là một con rắn. Tại Dahomey, có thần rắn tên Danh hiện thân thành cầu vồng cuốn vòng quanh vũ trụ, đuôi ngậm trong miệng. Thần Danh hay Da, như vậy được coi là phúc thần bảo vệ trật tự toàn vũ trụ. Khi thần Danh hiện thân thành cầu vồng, phần nam tính mang màu đỏ, phần nữ tính màu xanh. Phần trên trái đất, Danh có 3,500 khúc, cũng bằng phần dưới để cùng nâng trái đất. Tại Nigeria, có thành phố cổ Benin rất huy hoàng tráng lệ không thua các đền đài Ai Cập, được kiến trúc theo hình dạng một con rắn.

Ở mạn Trung Ðông, người Hebrew dùng rất nhiều danh từ để nói về rắn. Thí dụ như “akshub” là rắn khoanh tròn, “epheh” là rắn phun nọc, “livyathin” (Leviathan) là rắn biển, “pethen” là rắn cuốn, “shephiyphon” là rắn mổ, “tsepha” hay “tsiphoniy” là rắn le lưỡi. Trong sách Exodus, rắn được đồng hóa với cây gậy, gọi là gậy Aaron. Tiên tri Moses c ủ a d â n Do Thái có cây gậy khi liệng xuống đất biến thành rắn, khi cầm lên lại thành gậy. Moses dùng cây gậy rắn này để rẽ nước dẫn dân qua biển và đập vào đá để biến thành nước. Có lẽ con vật dáng sợ nhất trong Thánh Kinh mang tên Leviathan, là một con rắn hay rồng biển chuyên phá hoại trật tự và những sáng tạo trên đời. Leviathan cuối cùng bị Thiên Chúa đập nát đầu. Cùng cặp với Leviathan là Behemoth.

Vùng Trung Mỹ, dân Mayan thờ thần “rắn có lông” (feathered snake) tên Kulkulcan hay Queztalcoatl. Kim tự tháp “El Castle” thờ thần Kulkulcan có 365 bậc tượng trưng 365 ngày trong một năm, 52 cửa tượng trưng một thế kỷ Mayan có 52 năm và 18 sân thượng tượng trưng cho 18 tháng trong một năm Mayan. Dân Aztec cũng thờ thần rắn có lông này.

Tới Nam Mỹ, tại Columbia có thần rắn Chiminigagua cư ngụ trong một hồ đầy rắn. Ba Tây có nữ thần rắn Iara, còn được gọi là “mae d’agua” có nghĩa là “mẹ của nước”. Dân Inca có nữ thần rắn Chalchiuhtlicue mặc áo rất đẹp dệt bằng vỏ sò và da rắn, là thần sinh sản. Tại Paraguay có thần Mboi-Túl mình rắn, đầu vẹt là thần che chỏ các loài vật và cây cỏ. Tại Âu Châu, trong các đền thờ cổ La Mã, người ta tìm được dấu tích của thần Chimera là một sinh vật rất kỳ lạ thân sư tử, đầu dê, đuôi rắn. Thần y khoa Aescepulus hay Askepulus hiện thân trong thần thoại La Mã là một con rắn. Dân Celtic có huyền thoại Thánh Patrick đuổi rắn ra khỏi Ái Nhĩ Lan, ngoại trừ một con rắn lớn tên là Luogh Derg Monster bị nhốt dưới đáy hồ Lough Derg. Người ta thường thấy tượng thánh Patrick đạp đầu một con rắn, tượng trưng cho quyền lực Thiên Chúa chiến thắng qủi Satan. Tại Tô Cách Lan hiện nay vẫn còn đồn đại hồ Loch Ness có một con rắn biển lớn mà dân chúng thường thân mật gọi là Nessie. Nhiều người quả quyết đã nhìn thấy và chụp được cả hình Nessie, nhưng những cuộc thăm dò tìm kiếm đáy hồ Lock Ness mới đây bằng những dụng cụ thu hình tối tân không tìm ra dấu vết.

Tại Á Châu, người Nhật tin rằng vùng biển bao quanh các đảo đều có rất nhiều “người rắn” đầy quyền lực. Nữ thần cai trị các sông là Sarawati kết hôn với một rắn chúa. Thần rắn Susa-No-Wo cũng được nhắc tới rất nhiều trong việc tranh chấp với nữ thần mặt trời Amataratsu omi kami.

Dân Ấn Ðộ từ lâu vẫn coi rắn hổ vẫn được coi là thần vật. Mãng xà vương Naga, con của Kadru và Daksha rất được dân chúng tôn thờ và sùng bái. Naga – tiếng Phạn có nghĩa là rắn – cư ngụ trong các cung điện của đô thị ngầm Bhogavati và cai quản các nguồn nước như sông ngòi, suối v.v… Naga biết hát và nhảy múa, đôi khi có nhiều đầu như Mulchalinda hay Naga Kanya. Sesha là vua của các Nagas có tới 1,000 đầu và bận y phục màu tím. Thần Shiva có rắn gọi là “naga bushana” cuốn quanh cổ. Thần Vishnu ngủ trên một con rắn cuốn tròn trên mặt nước. Hai con rắn khác, một ngóc đầu lên, một quay đầu xuống tượng trưng cho tình trạng thức và ngủ. Thần Vishnu khi ngồi cũng được rắn Naga Kanyan chín đầu phùng mang che chở. Trong kinh Phật cũng nói tới rắn 1,000 đầu tên Ananda khoanh tròn quanh trục trái đất. Sau thời gian tịnh tâm dưới gốc bồ đề, Phật Tổ ngồi tại một gốc cây khác để tham thiền không để ý gì đến chung quanh. Trong lúc đó, bỗng nhiên giông bão nổi lên. Một con rắn lớn tên Muchalinda từ gốc cây bò ra, cuốn quanh Phật 7 lần để che chở và dùng mang che đầu Phật cho khỏi ướt.

Dân Cam Bốt tin rằng vương quốc Khmer do vua rắn sáng lập. Con đường dẫn đến ngôi đền chính tại Ankhor Wat của Cam Bốt được khảm bằng nhiều “naga” bảy đầu và cũng có nhiều hình rắn được tạc trên tường. Ngay cả xứ Tây Tạng không có rắn cũng thờ thần Naga có tên là Lu. Tên Nagajurna tiếng Tây Tạng gọi là Lu-truh. Trong tiếng Phạn, Naga có nghĩa là rắn hổ mang l à chúa tể của loài rắn với những chiếc răng sắc nhọn mà dù là con voi to lớn bị cắn phải cũng sẽ trở nên bất động và chờ tử thần đến đưa đi. Rắn hổ mang còn tượng trưng cho thần Siva tối cao nắm giữ trong tay quyền lực hủy diệt và tái sinh.

Truyền thuyết kể rằng, vị vua đầu tiên sáng lập ra vương quốc Chân Lạp là Kampu. Ngài là một quốc vương tài giỏi, yêu thương dân chúng, được thần dân tôn sùng và kính trọng. Một lần, trên đường sang đất nước Indonesia xinh đẹp, ngài gặp nữ vương con gái vua rắn Naga kiều diễm, thông minh vượt trội, vừa dịu hiền, vừa quyết đoán. Quốc vương tuy mới gặp nhưng đã đem lòng yêu mến và quyết lấy nàng làm vợ. Sự dũng mãnh, oai phong và tài giỏi của quốc vương Kampu thể hiện trong các kỳ thi thử sức đầy gay go, quyết liệt của vua rắn Naga đã giúp ngài làm vừa lòng vị nhạc phụ tương lai khó tính và đưa nữ vương lên ngôi hoàng hậu. Quốc vương Kampu và Hoàng hậu Naga cùng nhau sáng lập và xây dựng nên đất nước Campuchia.

Các vị vua của đất nước xứ chùa tháp đều cho xây dựng các cung điện và đền thờ khổng lồ bằng đá, mà rắn Naga được xem là vị thần canh giữ chốn thiêng liêng. Rắn Naga luôn xuất hiện trên cầu thang, các lối đi, trên ngưỡng cửa hoặc trên các mái tháp để xua đuổi tà ma. Rắn Naga còn tượng trưng cho sự phồn thực và là loài có khả năng bảo vệ nguồn nước cho người Campuchia.

Đến thăm các các ngôi đền cổ ở Campuchia, du khách sẽ thấy nhiều cầu vòng có hình rắn Naga. Những chiếc cầu vòng này tượng trưng cho cầu nối giữa cõi nhân gian và cõi Niết Bàn. Rắn Naga nhiều đầu tượng trưng cho chiếc cầu nằm trải dài dưới chân những ngôi đền núi là thế giới con người đến đỉnh của ngôi đền tượng tr ưng cho c õi thần linh.

Theo quan niệm của con dân xứ Angkor, rắn 3 đầu tượng trưng cho tam tài là thiên, địa, nhân; 5 đầu theo thuyết ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Thần Naga bảy đầu tượng trưng cho sự đắc đạo trong tu hành và 9 đầu chính là con đường dẫn lên thiên đàng. Rắn Naga 7 đầu còn tượng trưng cho bảy sắc dân trong xã hội Campuchia cổ xưa, cũng như biểu trưng cho năng lực của người nam, sự vĩnh hằng, sự vô tận và sự bất tử. Rắn Naga 7 đầu còn phù hợp với 7 sắc cầu vồng. Cũng có rắn Naga 6 đầu, biểu trưng cho người nữ, trái đất, thể xác và sự chết.

Trong các ngôi chùa của “đất nước xứ chùa tháp”, rắn Naga ngự trên các mái chùa, các đầu đao để xua đuổi tà ma và bảo vệ đạo Phật. Ngoài ra cũng có hình tượng rắn Naga được chạm trổ bằng xà cừ uốn lượn quấn quanh những cánh cửa chùa, trên những chiếc tủ đựng kinh sách, trên những chiếc xe tang đưa người chết đến nơi hỏa thiêu tượng trưng cho vị thần đưa linh hồn người tốt lên cõi Niết Bàn. Truyền thuyết rắn Naga đã ăn sâu vào thế giới tâm linh của người Campuchia. Tại Thủ đô Phnompenh của “đất nước xứ chùa tháp” xinh đẹp có một khách sạn 5 sao mang tên thần rắn Naga, đó là Khách sạn NagaWorld. NagaWorld nằm giữa vùng địa thế ven bờ đẹp như tranh vẽ của sông Mekong và biể n hồ Tonlé Sap tràn đầy sức sống. Theo truyền thuyết, tên của NagaWorld bắt nguồn từ thần thoại rắn 7 đầu hay còn gọi là thần Naga. Rắn thần dũng mãnh được tin là luôn ẩn cư trong lòng sông và canh giữ kinh thành PhnomPenh. Người ta bảo rằng chỉ có thể thấy ngài xuất hiện khi cầu vồng tỏa sắc và nếu được như thế sẽ rất may mắn.

Ðặc biệt người Hy Lạp có rất nhiều thần thánh và huyền thoại liên quan tới rắn. Loại nữ trang cổ Hy Lạp thông dụng nhất mang hình rắn khoanh tròn. Thần Zeus được coi như vị thần tối cao, xuất hiện mỗi mùa xuân dưới dạng môt con rắn khoanh tròn cùng với nữ thần cai quản trái đất Rhea cũng mang hình rắn. Rắn, như vậy được người Hy Lạp coi là biểu tượng của đất và nước.

Chính thần Zeus khi bị cha là Chronos đuổi giết đã biến hình thành một con rắn để trốn thoát.. Sau này Thần Zeus trở thành thần tối cao vì đã chinh phục được con rắn khổng lồ Typhon, tương tự như chuyện Yahweb chinh phục Leviathan trong thánh kinh. Người ta cũng tin rằng có một con rắn lớn tên Python nằm giữa trung tâm trái đất để giữ cho khỏi bể. Theo huyền thoại, Python là con của Gaia được nặn bằng bùn và đất đọng lại sau trận lụt lớn Deucalion. Vì Python quá hung dữ không ai giám lại gần nên dân chúng xin thần Appolo trợ gúp. Thần Appolo từ núi Olympus hiện xuống, dùng cây cung bạc, bắn mũi tên vàng giết chết Python, do đó thần Appolo còn được gọi là Pythian Appolo.

Về thiên văn, người Hy Lạp dùng tên Draco có nghĩa là Rồng để đặt cho một chòm sao rất dài trông như con rắn trên trời. Theo truyền thuyết, rồng Draco là vật nuôi trong nhà của thần Zeus. Vì Zeus bắt cóc nàng Europa nên người em của nàng là Cadmus tìm đến cứu chị. Draco bị Cadmus giết chết nên thần Zeus biến Draco thành bất tử bằng cách đưa lên trời trở thành chòm sao. Ngoài Draco, còn có chòm sao khác mang tên Hydra cũng mang hình tượng rắn.

Nữ thần bảo hộ thành phố Athen là Athena rất nổi tiếng thường mang một tấm khiên có hình con rắn. Athena mà người La Mã gọi là Minerva, còn được gọi là Pallas Athena. Ngày nay, Minerva rất thông dụng để đặt tên cho con gái tại các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha vùng Nam Mỹ. Athena là con của thần Zeus (Jupiter), ngay khi được tạo ra từ trán cha đã khôn lớn và mặc áo giáp. Athena thường đội nón sắt, tay cầm giáo và mang khiên. Lớp áo giáp của Athena giống như của cha, có tên là “aegis”, làm bằng một lớp da dê viền rắn, khi lay động phát ra tia chớp để giết quân thù. Ngày nay, tên “Aegis” được đặt cho hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn của các chiến hạm hải Quân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Athena khác xa thần chiến tranh là Ares (Mars). Nàng tượng trưng khía cạnh tinh khôn, sáng suốt của nghệ thuật chiến tranh hơn là một chiến sĩ. Athena không những mưu lược khi xung trận mà còn rất hữu dụng trong hòa bình. Nàng là người sáng chế ra chiếc cầy và cách đóng ách vào bò để dạy dân cầy đất.

Athena còn được coi là nữ thần bảo hộ các thành phố lớn. Tên của nàng được dùng để đặt cho thủ dô Athen của Hy Lạp vì một hôm, thần Zeus cho biết sẽ dùng tên của vị thần nào tạo ra được sự lợi ích nhất cho dân chúng để đặt cho thành phố lớn nhất. Thần Poseidon tặng dân loài ngựa. Athena dùng mũi giáo đâm xuống đất tạo ra cây olive được dân chúng rất thích. Vì vậy thần Zeus trao tặng thành phố này cho Athena. Do đó, người ta còn thất nhiều hình tượng nữ thần Athena tay cầm cành olive biểu tượng cho hòa bình và sung túc. Athena là nữ thần còn trinh trắng nên được gọi là Parthenos (gái trinh) và được thờ ở đền Parthenon.

Huyền thoại đáng kể nhất còn liên quan tới ngày nay là chuyện ông Asclepius (người La Mã gọi là Aescepulus hay Askepulus) chuyên dùng rắn để chữa bệnh cho dân chúng nên sau này được tôn xưng ông tổ sáng lập ra ngành Y Khoa, trước cả tổ sư Hippocrates. Nguyên thần Apolo có một bà vợ tên Coronis là một cô gái rất xinh đẹp của thành phố Thessaly, nhưng vì bà này không trung thành nên bị Thần giết chết. Ðứa con trai sơ sinh của hai người được gửi cho Chiron là một quái vật đầu người, mình ngựa nuôi dưỡng.

Ðược Chiron truyền Y Thuật nên Asclepius trở thành một danh y hành nghề cứu nhân độ thế. Cách chữa bệnh của ông rất lạ đời: ông thường cho các bệnh nhân vào nằm ngủ qua đêm trong một đền thờ Rắn Thần để đến khuya, bầy Rắn bò ra liếm vào mình con bệnh, đến sáng hôm sau bách bệnh đều tiêu tan! Vì lý do đó, dân chúng Hy Lạp thời cổ dùng hình ảnh biểu con rắn cuốn quanh cây gậy để làm biểu tượng của danh y Asclepius. Y thuật của ông cao siêu đến độ có một lần ông cãi mệnh trời, cải tử hoàn sinh cho một vị hoàng tử. Vì vậy, thần Zeus tức giận dùng một tia sét để đánh chết Asclepius. Y thuật của ông sau này được các đệ tử truyền qua La Mã và được Hippocrates hệ thống hóa. Hiện nay bên Hy Lạp vẫn còn các đền thờ Thần Rắn. Hình ảnh con rắn cuốn quanh cây gậy, gọi là caduceus, tiếng Hy Lạp là Kerykeion đã trở thành biểu tượng của ngành y khoa hiện đại, các tân bác sĩ trước khi ra trường chữa bệnh đều phải thề trước tượng tổ Hippocrates này.

Ðọc mãi những chuyện rắn trong khoa học và huyền thoại cũng phát chán phải không qúi vị? Ðể thay đổi không khí cũng như “văn phong” và chứng tỏ sự oai lực của giống mãng xà, chắc không gì bằng kể lại mẩu chuyện rắn trong Thánh Kinh. Câu chuyện này rất nổi tiếng, không những vì đã vượt thời gian và không gian đến nỗi mọi người Ðông Tây đều biết, mà còn liên quan mật thiết đến nguồn gốc loài người.

Chuyện kể rằng khi Thiên Chúa sáng tạo xong trời đất muôn vật, thấy vũ trụ tuy “trăm hoa đua nở” nhưng vẫn thiếu sinh khi nên dùng đất – ôi! cát bụi lại trở về với cát bụi – để nắn thành người đàn ông, đặt tên là Adam. Thiên Chúa cho Adam ở trong vườn Ðịa Ðàng là nơi đầy hoa thơm cỏ lạ, không chút ưu phiền. Tuy nhiên, tuy được cư ngụ tại một nơi không bao giờ sợ bị “lay off” cũng chẳng phải lo về những chuyện trần tục như “trả bills”, “bảo hiểm”, “thị trường chứng khoán… trồi sụt” v.v…, nhưng ông tổ Adam thân mến của chúng ta vẫn cảm thấy “buồn man mác, nhớ bâng khuâng” vì thiếu một bóng hồng thân yêu. Một hôm, sau khi ca đi ca lại mãi bản vọng cổ “hỡi ơi nhìn trời hiu quạnh, nhìn trăng, trăng lạnh, nhìn rốn…”, cụ tổ Adam chịu đời không thấu bèn than thở cùng Thiên Chúa về cuộc sống cô đơn, thiếu… ướt át của mình.

Thiên Chúa thông cảm cảnh “phòng không chiếc bóng” của cụ Tổ nên bẻ một khúc xương sườn của ông Adam – với hàm ý rằng nếu ngươi muốn “liên hệ” với phái đẹp, ta sẽ cho ngay, nhưng trước hết ngươi phải tập làm quen với mùi đau khổ cái đã – để tạo thành một người đàn bà, đặt tên là Eva. Thiên Chúa cho phép hai người được tự do đi lại, “vacation” 24/24 và được phép ăn bất cứ của ngon vật lạ nào trong vười Ðịa Ðàng, ngoại trừ một loại trái cây gọi là Trái Cấm. Kể từ khi có người đẹp Eva bầu bạn, cuộc đời ngài Adam lên hương và phấn khởi thấy rõ. Chỉ có mỗi một việc tận hưởng “tứ khoái”. Không phải “cầy” hai ba “jobs” để n àng “shopping” thì không khoái tỉ sao được! Hai ông bà tà tà cùng nhau “kề vai cọ… vế”, an hưởng hạnh phúc. Cho tới một ngày kia, có một con rắn do qủi Satan là kẻ thù của Thiên Chúa biến hình, cám giỗ và xúi bà Eva cứ việc bẻ trái cấm mà ăn, vì ai ăn được trái cấm sẽ được trẻ đẹp mãi mãi, không bao giờ cần viếng thăm thẩm mỹ viện, và nhất là còn có nhiều quyền lực hơn cả Thiên Chúa!

Bà Eva nghe lời ngon ngọt của qủi dữ bèn năn nỉ ỉ ôi cùng ông Adam để bẻ Trái Cấm. Lúc đầu ông Adam còn nhớ đến lời răn của Chúa nên nhất định từ chối. Về sau, bị bà Eva dùng chiến thuật “nước chảy đá món, trường kỳ kháng chiến”, và nhất trúng độc chiêu độc chiêu “bế môn tỏa cảng”, ông Adam chịu đời không thấu, đành bẻ Trái Cấm để hai người cùng ăn. Bà Eva vì muốn mau được “trường kỳ” trẻ đẹp và có nhiều quyên lực hơn Thiên Chúa nên “ngốn” hết rất nhanh. Nhưng đúng lúc ông Adam đang nuốt trái cấm còn mắc ngang cổ, bỗng Thiên Chúa hiện ra trách phạt hai người đã không theo lời răn. Vì vậy, các đấng “đực rựa” con cháu của cụ tổ Adam ngày nay còn mang một “cục nợ” chình ình tại cần cổ được gọi là “trái táo Adam” (Adam’s Apple). Từ đó, cả ông Adam lẫn bà Eva bị trục xuất khỏi vườn Ðịa Ðàng, đầy xuống trần gian sinh con đẻ cái tạo thành nhân loại đầy khổ ải ngày nay để tiếp tục trả “nợ tổ tông”.

Qua câu chuyện lý thú về thủy tổ loài người kể trên, tác giả mạn phép có một đôi lời bàn theo kiểu Mao Tôn Cương. Trước nhất, ngay từ th ơời tạo thiên lập địa, chúng ta thấy ông tổ Adam của giới đàn ông con trai có cuộc sống “đầy đủ tiện nghi”, không phải đi làm, cắt cỏ, cào lá, sửa xe v.v… tối ngày chỉ ăn chơi phè phỡn r ôồi xách vợt đi dợt Tennis trong vườn Ðịa Ðàng. Tuy sung sướng là vậy nhưng cụ Adam vẫn cảm thấy “đời vắng em rồi, dzui mí ai?” Vì vậy, đến ngày nay, nếu có vị tu mi nam tử nào có chết dở sống dở vì các đấng liền bà con gái tưởng cũng là chuyện thường vì chỉ theo gương ông Tổ.

Thứ hai, con rắn thật là khôn ngoan, qủi quyệt và rất rành “tâm lý”. Biết được các đấng trượng phu hào hoa phong… thấp có thể bách chiến bách thắng nhưng khó qua được cửa ải “quần hồng” nên rắn ta đã khôn ngoan “lòn cửa hậu”. Rắn biết “chăm phần chăm” rằng một khi tướng bà đã “OK”, mọi chuyện sẽ chắc ăn như cua gạch. Cho dù tướng ông có phản đối đi nữa, nhưng khi đã lọt vào… đồ bát quái của nữ tướng, dù có cứng rắn đến đâu cũng sẽ bị nhũn như con… chi chi. Trong lịch sử Ðông Tây kim cổ, có thiếu gì chuyện phản ảnh qui luật “lệnh ông không bằng cồng bà” này. Chẳng hạn như nàng Thúy Kiều với “làn thu thủy, nét xuân sơn” đã làm đấng anh hùng Từ Hải oai dũng “râu hùm, hàm ém, mày ngài, vai năm thước rộng, thân mười thước cao” bị chết đứng. Gần đây, những câu chuyện “cửa hậu” tại Việt Nam hoặc oai lực của rồng cái biết hút xì gà Monica Lewinsky làm Tông Tông Bill Clinton xiểng niểng tại Hoa Kỳ đã hùng hồn chứng tỏ oai lực này.

Thứ ba, câu chuyện trái cấm vườn Ðịa Ðàng này cũng chứng tỏ biệt tài “ăn nhậu” của qúi bà. Mặc dù có câu “nam thực như hổ, nữ thực như miêu”, nhưng lúc ăn trái cấm, bà Eva đã “nhẩm xà” phần nhiệm của mình rất nhanh. Trong lúc đó, ông Adam vẫn còn ì ạch nhai nuốt đến nỗi bị Thiên Chúa bắt gặp tại trận chưa nuốt kịp, trái cấm còn kẹt trên cổ. Báo hại cho đến ngày nay, các vị đực rựa còn được “ân hận” mang cục nợ này mà chẳng được tích sự gì!.

Có lẽ vì vai trò không đẹp của rắn trong Vườn Ðịa Ðàng nên hầu hết các sắc dân trên thế giới đều dùng rắn để ví von với những hình tượng mang ý nghĩa xấu.

Trong tiếng Pháp, “serpent” là conrRắn, nhưng người Pháp cũng dùng chữ “serpent” để chỉ loại người hiểm độc. Thí dụ như “langue de serpent” là ăn nói độc địa; “serpent caché sous fleurs” tức “rắn ẩn dưới hoa” là sự nguy hiểm nằm dưới bề ngoài đẹp đẽ không ngờ “réchauffer un serpent dans son sein” tức “ủ rắn trong ngực” là nuôi họa vào thân hay nuôi ong tay áo. Trong văn học Pháp cũng có giai thoại hai văn hào nổi tiếng có điều xích mích. Một ông làm bài thơ kể chuyện ông kia đi chơi núi bị rắn độc cắn, nhưng kỳ lạ thay không hề hấn gì, mà ngược lại, con rắn lại bị chết!

Người Anh cũng có nhiều câu nói không đẹp về rắn. Thí dụ như “”snake in the grass” đồng nghĩa với “serpent sous fleurs”; “speak with forked tongue” là miệng lưỡi ăn nói độc địa như lưỡi rắn; “lower than a snake’s belly” để chỉ loại người đê tiện, hèn hạ, xảo trá, hèn hạ như không còn gì thấp hơn. Những câu nói này đều rất đúng nếuđem áp dụng vào đám đầu xỏ Việt Cộng.

Người Trung Hoa khi gặp nhau cũng thường chào hỏi bằng câu “Vô xà hồ?” nghĩa là không gặp chuyển chẳng lành gì chứ?

Sau khi đọc những chuyện “rắn rết cùng với ông Adam và bà Eva, chắc qúi độc giả cảm thấy cũng có đôi phần lý thú? Vậy “thừa thắng xông lên” và cũng để được tiếng vui xuân vẫn không quên chiến sĩ, nay xin “phiếm” thêm về phái nữ cho đúng câu “kính nữ đắc thọ”.

Vào dịp đầu năm, các bà các cô thường có “thuần phong mỹ tục” đi xin xâm, hái lộc, coi bói, xem tướng v.v… nên thiết tưởng nên kể vài mẫu chuyện đến tướng số của phái nữ có liên quan tới rắn. Chả là ngày xửa ngày xưa, theo quan niện “nam nữ thụ thụ bất thân” nên nhiều khi cho tới khi thành gia thất, đôi trai gái vẫn chưa hề được gặp mặt nhau chứ đừng nói đến chuyện “xào khô, xào ướt” hoặc cằm tay cầm chân, bẻ giò bẻ cẳng hôn hít chùn chụt như thời vệ tinh nguyên tử bây giờ. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà các cụ ta nhắm mắt lấy mò, vì các vị nam phụ lão ấu từ thời Hồng Bàng đã luôn luôn thực hành câu “lấy chồng xem tông, lấy vợ xem giống”. Tuy nhiên, “xem” đây không phải là “vạch trần” ra mà coi như thời đại văn minh bây giờ.

Với quan niệm tam tòng tứ đức “công dung ngôn hạnh” thời xưa, sức mấy mà coi được cái… giống của qúi vị liệt nữ! Ðiều quan trọng khi cưới vợ là phải chọn được cô nào có tướng “vượng phu ích tử”, tránh các vị liền bà mang tướng “thương phu trích lệ” hoặc lưỡng quyền cao là tướng sát phu v.v… Vì vậy, phải nhờ những vị chuyên rờ mu rùa “xem mặt mà bắt hình dong” theo kiểu “cái miệng làm sao, cái ngao làm vậy”. Kinh nghiệm mấy ngàn năm của các đệ tử thầy Qủi Cốc về tướng số nữ giới được cô đọng thành một bài thơ tứ tuyệt không tiện “ngâm” trong lúc đầu xuân, chỉ biết trong đó có những chữ “hồng diện, trường mi, chiết yêu, trường túc” để mô tả những “quái” tướng của các vị liễu yếu đào tơ.

Rất tiếc, vào dịp đầu xuân tết nhất, dù có uống mật gấu tác giả cũng không giám công khai diễn nôm nguyên văn cũng như nguyên nghĩa… đen chùi chũi như mõm chó của bài thơ, chỉ giám lạng quạng giải thích phần nào. “Hồng diện”có nghĩa là mặt màu hồng, do dó “đào” đẹp còn được gọi là “hồng phấn mỹ nhân” hay “hồng nhan tri kỷ”. “Trường mi” là lông mi dài, được mệnh danh là “mi thanh mục tú”. “Chiết yêu” là lưng hay eo thon, do đó tục ngữ ta có câu “những người thắt đáy lưng ong, vừa khéo “chiều” chồng, vừa khéo nuôi con”. “Trường túc” là chân dài, được đánh giá là “trường túc bất tri lao”.

Nếu nghiệm ra, bài thơ tướng số nói trên đúng phóc không chỗ chê. Chúng ta hãy nhìn kỹ những mỹ nhân đông tây kim cổ, từ Cléopatra, Marie Antionette đến Tứ Ðại Mỹ Nhân hoặc các vị liền bà con gái trong các tuồng chưởng như Hân Tố Tố, Chu Chỉ Nhược, Hoàng Dung, Triệu Minh Quận Chúa v.v… cho đến tận ngày nay, phái yếu luôn luôn chú trọng tới chuyện “má hồng” (hồng diện) bằng cách tô son điểm phấn. Mục “tô lục chuốt hồng” này còn lan cả đến môi đưa tới các mục “xâm”, có vị còn đi quá xa “chơi” luôn phần “hình nhi hạ” nữa! Còn vụ lông mi dài “trường mi” thì khỏi phải nói! Ngoài các mục xâm, cấy, mang lông mi giả, có vị còn xài thuốc “thoa đâu mọc đó. Eo thon “chiết yêu” có lẽ được các vị nữ lưu chú ý nhất cùng với mục “ngực nở”, vì vậy mới có những chuyện nhịn ăn, hút dầu hút mỡ để vòng số 2 nhỏ đi được vài “inches”. Riêng vụ chân dài “trường túc” rất quan trọng đối với các bà các cô Giao Chỉ tương đối “ngắn đòn”, vì vậy những giầy cao gót cỡ 10 phân được các vị này nồng nhiệt chiếu cố.

Ðến đây, thế nào cũng có một số qúi vị độc giả thân mến lên tiếng trách móc rằng cái “vốn trời cho” của qúi vị liền bà con gái có liên quan gì đây đến chủ đề rắn mà tác giả khai thác kỹ đến như vậy? Qúi vị khoan nóng tính, hãy bình tĩnh rót ly trà, nhâm nhi miếng mứt để coi “hồi sau sẽ tiếp”. Chẳng lẽ với 4,000 năm văn hiến, số mạng các bà các cô là sinh vật quan trọng nhất trên quả địa cầu chỉ bao gồm trong 4 câu thơ… ngắn ngủn như vậy, phái yếu sẽ chẳng hài lòng.

Thật ra, các cụ ta không những chỉ căn cứ vào bài thơ trên mà còn xem kỹ tướng ăn, tướng ngồi, tướng đứng, tướng đi để chọn con dâu tương lai. Một trong những “quái tướng” được các cụ để ý là tướng đi “vặn mình xà” hay gọi tắt là “xà hành”. Tướng đi độc đáo này chỉ có những bà những cô “chiết yêu, trường túc” mới đủ công lực để trình diễn. Tác giả vì không được hân hạnh thuộc giới “quần vận yếm mang” nên khó bề diễn tỏa. Tuy nhiên, qúi vị hãy để trí tưởng tượng làm việc, hình dung khúc mình “giây” của con rắn lúc di chuyển, thân hình đong đưa, khi sang đông, lúc về tây, lên thác xuống ghềnh, trông thật uyển chuyển và mềm mại, thật “đã con mắt” phải không qúi vị? Nay nếu lại có cả một tòa thiên nhiên “dầy dầy sẵn đúc” đặt trên cái “foundation” ẹo qua ẹo lại đó, thật là hết xảy, không bút mực nào tả xiết! Muốn biết thêm chi tiết về thế đi hào hứng “vặn mình xà” này, cứ tìm hỏi các đấng đực rựa dạo trước thường đóng đô rửa mắt tại Brodard hay Givral đường Tự Do hoặc Nguyễn Huệ của thủ đô Sài Gòn xa xưa sẽ rõ.

Sang qua mặt y dược, người Á đông đã dùng một số loài rắn như cạp nong (rắn mai gầm) (Bungarus fasciatus Schneider ), rắn hổ (Elapidae) rắn cạp nia (rắn mai gầm bạc) v.v..làm thuốc từ lâu. Người Việt Nam ta thường quan niệm rắn càng độc lại càng “nên thuốc”, tương tự như “càng đẹp càng độc” hay “hồng nhan họa thủy” khi luận về liền bà con gái!

Thịt rắn chứa nhiều protein, acid amin, thường dùng dưới dạng ngâm rượu thuốc gồm 1 bộ 3 con gọi là tam xà (1 hổ mang, 1 cạp nong, 1 rắn ráo), hoặc bộ 5 con gọi là ngũ xà (1 hổ mang, 1 cạp nong, 1 cạp nia, 2 rắn ráo). Cũng có thể làm thành dạng viên chữa đau nhức khớp xương, tê bại, nhọt độc. Nọc rắn rất độc do có các enzym và protein độc, thường được dùng dưới dạng thuốc chích, thuốc mỡ chữa tê thấp, giảm đau cho bệnh nhân ung thư, hạn chế phát triển khối u. Mật rắn chứa các loại acid mật chữa phong thấp, khớp xương, đau lưng, sốt kinh giản ở trẻ em, ho, hen suyễn, dùng dưới dạng siro, rượu thuốc Xác rắn (xà thoái) chữa động kinh, co giật ở trẻ em, đau cổ họng, ghẻ lở. Dùng 6-12g một ngày, dưới dạng thuốc sắc hay sao vàng tán bột uống, ngâm cồn bôi ngoài. Mỡ rắn được dùng để chữa phỏng lửa.

Qua tới phần tướng số để lấy hên đầu năm, người sinh vào những năm 1917, 1929, 1941, 1953, 1965, 1977, 1989, 2001 người tuổi rắn (Tỵ).

Nói chung người tuổi Tỵ ưa thích hài hước, song cũng có trường hợp ngoại lệ. Một số người lãnhđạm, lạnh lùng, một số khác lại thường trêu đùa, chế giễu người khác, nhưng khi gặp lúc nguy cấp họ có thể hâm nóng bầu không khí bằng cách pha trò vui vẻ, ngay cả khi họ chịu áp lực nặng nề cũng chẳng chút hốt hoảng.

Người sinh năm Tỵ có thể trở thành nhà triết học, thần học, nhà chính trị và cũng có thể là một nhà tư tưởng sâu sắc. Họ là người bí ẩn nhất trong số mười hai con giáp và có trí tuệ đặc biệt bẩm sinh. Người tuổi Tỵ nho nhã, lịch sự, rất thích đọc sách nghe nhạc, thích ăn ngon và xem kịch. Những cô gái xinh đẹp nhất, nổi bật nhất, các chàng trai cá tính mạnh mẽ thường sinh vào năm Tỵ, cho nên nếu bạn sinh năm Tỵ, chắc hẳn bạn sẽ có một vận mệnh tốt đẹp.

Nhìn chung, nữ giới tuổi Tỵ vốn là một mỹ nữ. Cô tự tin, ung dung và thong thả. Họ yêu thích thời trang, ăn mặc đúng mốt. nhưng không mấy quan tâm đến vấn đề bình đẳng nam nữ cô còn hiền lương, thẳng thắn, trong sáng, thuần khiết, lễ phép. Nam giới tuổi Tỵ thường hướng tới cuộc tình cháy bỏng, mãnh liệt. Vì vậy, trong suốt cuộc đời, họ luôn được phái nữ vây quanh, là một mẫu phong lưu điển hình.

Về sức khỏe, người tuổi Tỵ dễ bị rơi vào căng thẳng khi cuộc sống của họ không theo đúng thứ tự. Họ thích một cuộc sống bình yên, họ chọn sự yên tĩnh chứ không chọn sự náo nhiệt và thích loại công việc dễ xử lý hơn là loại công việc bận rộn.

Về Sự nghiệp, người sinh năm Tỵ rất giàu tính sáng tạo và làm việc chăm chỉ vô cùng. Họ đặc biệt giỏi về giải quyết vấn đề và tự hạn định thời gian cho mình rất chặt chẽ. Họ cũng có thể trở nên quyến rũ và mê hoặc để thu hút mọi người quanh họ.

Sang mặt tình duyên những người tuổi Tỵ là người chịu trách nhiệm trong các mối quan hệ và họ sẽ là người quyết định xem có nên tiếp tục mối quan hệ đó hay không. Một khi đã lựa chọn được người bạn đời, họ sẽ không ngại công khai điều đó. Người bạn đời của họ sẽ giống như một phần thưởng mà họ giành được sau bao lâu mong ước, họ trở nên ghen tuông và thậm chí là bị ám ảnh khi họ bảo vệ người ấy. Quan trọng là không bao giờ được phản bội người tuổi Tỵ, vì một con rắn bị phản bội sẽ trả thù rất ghê gớm.

Tuổi Tỵ hạp với tuổi Dậu, Sửu, nhưng xung khắc với tuổi Dần, Thân và Hợi

Ngoài ra, sách “Tử Vi Ðẩu Số” do Qủy Cốc Tử sáng tác từ thời cụ Bành Tổ cũng có khá nhiều lời bàn … Mao Tôn Cương rất lý thú về vận mạng của những người mang cốt rắn. Liền bà con gái tuổi Tỵ thường rất đẹp, khôn ngoan lanh lợi, hấp dẫn như Marilyn Monroe hay ít ra cũng “xexy” nhu Monica Lewinsky! Các nàng này ưa thích thời trang, ăn diện rất “hiện đại” và đúng “mode”. Tuy nhiên, loại phụ nữ “rắn” này lại thích cuộc sống trong tổ ấm gia đình và có máu ghen khủng khiếp khiến Hoạn Thư cũng phải chạy mặt! Các chàng tốt số vớ được cô vợ tuổi Tỵ cần đề cao cảnh giác, nếu lạng quạng với đào nhí hay thích mục bia ôm sẽ có ngày bị hổ mang … bành mổ thác hoặc biến thành bà con với anh chàng Bobbit chẳng mấy hồi! Liền ông con trai tuổi Tỵ cũng rất quyến rũ, chải chuốt theo kiểu “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bảo”. Phái nữ sa vào tay loại “lady killer” này cần “thủ” kín, nếu sơ ý cởi mở sẽ bị “mổ” tan tác!

Sách “Giải Ðiềm Ðoán Mộng” cũng nói “duy hùng duy bi, nam tử chi tường; duy hủy duy xà, nữ tử chi tường”, nghĩa là các bà có mang nằm chiêm bao thấy gấu là điềm sinh con trai, thấy rắn l à dấu hiệu sinh gái. Vì vậy, trong truyện “Nhị Ðộ Mai” (Hoa Mai Hai Lần Nở) mới có câu thơ:

Hiếm hoi mới được mộng xà
Vân Tiên là gái, mặt hoa khuynh thành”

Ngược lại, nằm mơ thấy hoa lan lại sinh con trai như trong thơ “Bần Nữ Thán” (Gái Nghèo Than Thân) nói về chuyện lân gia hàng xóm sinh con đẻ cái:

Kìa như động bích lân gia
Kẻ đà bốc phượng, người đà mộng lan”

Sau khi du lịch vòng quanh thế giới để xem rắn, mời qúi vị trở về xứ Giao Chỉ “ta về ta tắm ao ta” để nghe chuyện rắn “quê hương”. Chẳng nơi nào đẹp và “nhiều chuyện” bằng nơi chôn nhau cắt rốn phải không qúi vị? Trong văn chương Việt Nam, có nhiều câu tục ngữ ca dao cùng huyền thoại hay ho liên quan tới rắn. Trong kho tàng cổ tích dân gian có truyện Trạng Quỳnh vẽ rắn khiến vua quan Tàu phải lắc đầu thán phục. Nguyên Trạng Quỳnh được vua ta cử đi sứ sang Tàu để bàn chuyện giao hảo giữa hai nước. Vua quan Tàu muốn làm nhục sứ nước Nam nên bày ra cuộc thi vẽ, với điều kiện khi dứt ba tiếng trống, phải vẽ xong một con vật. Dĩ nhiên, vua Tàu đã chọn sẵn một họa sĩ chuyên vẽ súc vật tài giởi nhất trong nước đã tập dượt thuần thục vẽ rất nhanh một con vật. Trạng Quỳnh biết ý định thâm độc của vua Tàu, nhưng vẫn bình tĩnh coi như không. Ðến ngày thi, mỗi bên được cấp một tờ giấy, môt ngọn bút lông và một nghiên mực. Khi tiếng trống đầu tiên vừa dứt, Trạng Quỳnh đã nhúng cả mười đầu ngón tay vào nghiên mực rồi vẽ vẽ ngoằn ngoèo trên giấy trong lúc họa sỉ Tàu còn chưa vẽ được gì. Khi nộp bức tranh, vua Tàu bắt bẻ cho rằng Trạng Quỳnh vẽ chẳng ra hình thù gì cả. Ông biện bạch thưa là đã vẽ xong mười con rắn đang bò khi mới dứt một tiếng trống. Thế là vua Tàu bị đuối lý, đành phải để Trạng Quỳnh thắng cuộc thi vẽ.

Tục ngữ cũng có câu “cõng rắn cắn gà nhà” để chỉ phường Việt gian bán nước, cam tâm là đầy tớ cho ngoại bang, cúi đầu khom lưng cõng chủ về để làm hại đồng bào. Câu này rất đúng trong trường hợp bọn Việt Cộng trước đây cõng con rắn trắng Nga Sô, hiện lại cõng con rắn đỏ Trung Cộng về cắn đồng loại. Ấy vậy mà con cháu cáo Hồ ngoài miệng vẫn ngon ngọt hô hào tự do độc lập, nhưng lại chủ trương độc tài đảng trị kìm kẹp dân chúng, thật là một bọn “khẩu Phật tâm xà”. Ðối với con rắn độc Cộng sản, chúng ta cần phải tiêu diệt hoặc tránh xa, không thể nghe lời dụ giỗ đường mật của chúng ca bài “giao lưu” hay “hòa hợp hòa giải” vì như Esape đã nói “nếu bạn sưởi ấm con rắn trong lòng, khi hồi sức, nó sẽ cắn bạn ngay”. Bọn Việt Cộng cũng chuyên nghề “vẽ rắn thêm chân”, bày vẽ nay luật này, mai lệ nọ để làm khó dễ hầu móc túi nhân dân với thủ tục “đầu tiên”.Nói tóm lại, bọn Cộng Sản nguy hiểm và độc như “miệng hùm, nọc rắn”, không thể khinh thường được. Ngoài tục ngữ ca dao, văn chương Việt Việt Nam còn có chuyện rắn rấy ký thú liên quan tới ông Bảng Nhãn Lê Qúi Ðôn (1726 – 1784), người xã Diên Hà, tỉnh Sơn Nam (Thái Bình ngày nay)tỉnh, con của Tiến sĩ Hình Bộ Thượng thư Lê Phú Thứ đời Dụ Tông thời chúa Trịnh Cương. Ô ng nổi tiếng là thần đồng. Lên năm tuổi học Kinh Thi, mỗi ngày thuộc cả chục dòng sách. Mười một tuổi, mỗi ngày học Sử ông thuộc tám, chín chương. Mười bốn tuổi đã thông hết Ngũ kinh, Tứ thư, Sử, Truyện. Trong một ngày có thể làm 10 bài phú, không phải nghĩ, không viết nháp. Mười tám tuổi thi Hương đậu Giải Nguyên. Hai mươi bảy tuổi thi Hội, thi Ðình đậu Tam Nguyên Bảng Nhãn. Ông để lại nhiều tác phẩm giá trị với đủ thể loại (triết, văn, sử, địa, ngôn ngữ …kể cả khoa học nữa) nên người đời sau tôn ông là một nhà bác học.

Ông còn có tục danh là Lê Danh Phương, tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Ðường. khi còn nhỏ là một đứa bé tuy thông minh nhưng rất tinh nghịch, khó dậy, rắn mắt và cứng đầu cứng cổ. Tương truyền thuở nhỏ, một hôm ông đang cởi truồng tắm s ông với các bạn, bỗng gặp một quan Thượng hỏi thăm nhà. Ông liền đứng dạng chân và dang tay ra bảo quan Thượng:

– Nếu ông biết được cháu đang ra dấu chữ gì, cháu sẽ chỉ nhà cho ông. Quan Thượng cũng tha thứ cho sự nghịch ngợm của tuổi trẻ nên bỏ đi. Ông cười ầm lên và bảo với các bạn:

– Ông ấy làm quan to mà không biết chữ các bạn ơi!

Quan Thượng bực mình quay lại nói:

– Trẻ con đừng hỗn láo. Mày mới học lỏm được chữ Ðại ( ) mà đã dám đi trêu chọc người rồi.

Ông càng cười to hơn:

– Thế thì ông không biết chữ thật! Có cái chấm ở dưới nữa thì là chữ Thái ( ) chứ sao lại chữ Ðại !?

Khi quan Thượng vào nhà ông Lê Phú Thứ, mới biết cậu bé ấy là con của bạn mình. Ông kể lại câu chuyện dọc đường. Ông Thứ liền gọi con ra trách mắng và đánh đòn. Quan Thượng thấy bé Đôn thông minh nên xin tha, với điều kiện phải ứng khẩu một bài thơ tạ lỗi. Ông xin quan Thượng ra đầu đề. Quan Thượng nói:

– Cha cháu vừa nói cháu là đứa bé “rắn đầu rắn cổ”, vậy cháu cứ lấy đó làm đề bài. Ông Lê Qúi Đôn ngẫm nghĩ một lát rồi đọc bài thơ “Rắn Ðầu Biếng Học” như sau:

Chẳng phải liu điu cũng giống nhà,
Rắn đầu biếng học lẽ không tha.
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,
Ráo mép chí quen phường láo lếu,
Lằn lưng chẳng khỏi vệt dăm ba.
Từ nay Trâu, Lỗ xin chăm học,
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.

Bài thơ này không những ngụ ý xin lỗi cha mẹ về tội “rắn đầu” của mình mà mỗi câu thơ đều mang tên một loại rắn như liu điu (rắn nhỏ), hổ lửa, mai gầm, rắn ráo, thằn lằn, hổ mang v.v… Trâu là nước Trâu, quê hương của thày Mạnh Tử Lỗ là nước Lỗ, quê của “Vạn Thế Sư Biểu” Khổng Tử. Quan Thượng phải tấm tắc khen là kỳ tài! Sau khi làm bài thơ này, quả nhiên ông Lê Qúi Ðôn giữ đúng lời hứa, chăm chỉ học hành, thi đỗ Bảng Nhãn, làm quan nhất phẩm triều đình. Ông còn để lại nhiều áng văn chương và bộ sử rất giá trị.

Ngoài chuyện văn chương thi phú của ông Bảng Nhãn Lê Qúi Ðôn có liên quan tới rắn, lịch sử nước ta còn có một huyền thoại về rắn dính dáng tới đệ nhất khai quốc công thần Nguyễn Trãi đời nhà Lê. Ông Nguyễn Trãi thi đỗ Tiến Sĩ vào năm 1400, là con của Bảng Nhãn Nguyễn Phi Khanh. Khi cha bị giặc Minh bắt giải về Kim Lăng, ông theo cha lên tận ải Nam Quan không chịu trở về. Ông Phi Khanh bảo con:”Con phải về nhà lo việc trả thù cho cha, rửa thẹn cho nước, chứ đi theo khóc lóc mà làm gì?” Nghe lời cha, ông Nguyễn Trãi trở về, ngày đêm lo việc trả thù nhà, nợ nước. Gặp lúc Bình Ðịnh Vương Lê Lợi đem quân về đóng ở Lỗi Giang thuộc vùng Thanh Hóa, Nghệ An, ông vào yết kiến và được dùng làm quan Tham Mưu. Về sau, ông Nguyễn Trãi giúp vua Lê lập được nhiều công lớn trong việc đánh đuổi giặc Minh. Chính ông đã bày mưu dùng mỡ viết trên lá cây hàng chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần, Lê Lai vi tướng” (Lê Lợi là vua, Nguyễn Trãi là quan, Lê Lai là tướng) rồi để kiến ăn, đục thành chữ. Ông cho thả những lá cây này theo dòng nước chảy tới chỗ đông dân cư. Dân chúng thấy được những lá cây có hàng chữ này, nghĩ đây là điềm trời báo trước nên tin tưởng và nô nức theo Bình Ðịnh Vương rất đông. Khi dẹp xong quân xâm lăng dành lại nền độc lập cho xứ sở, ông Nguyễn Trãi làm bài “Bình Ngô Ðại Cáo” là một áng văn chương tuyệt tác để tuyên cáo cho thiên hạ được rõ về chiến công của vua Lê. Ðến khi về già, ông Nguyễn Trãi cáo quan về trí sĩ tại Côn Sơn thuộc vùng Chí Linh, Thanh Hóa, lấy biệt hiệu là Ức Trai để hưởng thú thanh nhàn. Tục truyền một hôm ông làm vườn, chẳng may lưỡi cuốc chém phải một ổ rắn, giết chết bầy rắn con, chỉ còn rắn mẹ bị thương chạy mất. Ðêm đó khi Ức Trai tiên sinh ngồi đọc sách tại thư phòng, bỗng có một giọt máu từ trên xà nhà nhỏ xuống trúng vào chữ “Ðại” (có nghĩa là “đời” hay “thế hệ”). Vết máu thấm qua 3 trang giấy. Ông Nguyễn Trãi ngước nhìn lên, thấy một con rắn cụt đuôi còn vấy máu từ trên xà nhà phóng mình ra ngoài chạy mất. Cụ tưởng rằng đây chỉ là một chuyện ngẫu nhiên nên chẳng để ý. Mấy hôm sau có một cô bán chiếu rất xinh đẹp đi ngang mời cụ mua chiếu. Thấy cô hàng có duyên, cụ liền ứng khẩu bài thơ có ý trêu chọc:

“Ả ở nơi nào bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh nay được bao nhiêu tuổi?
Ðã có chồng chưa? Ðược mấy con?”

Cụ Nguyễn Trãi lúc đó là một vị quan lớn, dù đã trí sĩ, nhưng thân phận rất cao, nên bài thơ có tính cách bỡn cợt và hơi trịch thượng. Không ngờ gặp phải cô hàng chiếu tên Nguyễn Thị Lộ đanh đá cũng chẳng vừa gì. Thị Lộ bèn trả lời bằng cách ứng khẩu một bài thơ họa nguyên vận như sau:

“Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Cớ sao ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh mới độ trăng tròn lẻ,
Chồng còn chưa có, hỏi chi con?”

Câu cuối của bài thơ tuy ngụ ý cô hàng chưa có chồng nên hỏi chi đến chuyên con cái, nhưng cũng có ý trả đũa sự khinh miệt của cụ Nguyễn, vì “hỏi chi con” còn hàm ý coi cụ Nguyễn như “con”, “hỏi làm chi vậy hả con?” Cụ Nguyễn thấy cô hàng chiếu vừa xinh đẹp, lại có tài thi phú mẫn tiệp nên sau này cưới về làm nàng hầu. Sử chép vào tháng bảy năm Nhâm Tuất (1442), nhân dịp đi duyệt binh ở Chí Linh, vua Lê Thái Tông ghé Côn Sơn thăm lão thần Nguyễn Trãi. Nhà vua thấy Thị Lộ có tài sắc nên truyền chỉ bắt nàng đi theo hầu. Chẳng may trên đường về khi tới huyện Gia Ðịnh thuộc tỉnh Bắc Ninh thì vua băng hà. Triều đình đổ tội cho Thị Lộ giết vua, ghép cho Nguyễn Trãi tội âm mưu rồi xử “chu di tam tộc”. Sau này, có người cho rằng Thị Lộ chính là con rắn mẹ biến hình để trả thù xưa. Giọt máu nhỏ vào chữ Ðại thấm qua ba trang giấy ngụ ý báo trước món nợ sẽ phải trả bằng máu của ba đời giòng họ Nguyễn.

Mãi đến 22 năm sau, vua Lê Thánh Tông xét lại vụ án vì vợ nhà vua tên là Nguyễn Thị Hằng là cháu bốn đời của bà Châu Thị, vợ cả của ông Nguyễn Trãi. Vua thấy nhiều điều oan ức nên truyền hủy bỏ bản án trước, phục chức cho ông Nguyễn Trãi. Có người cho rằng đại thần Lê Sát vì thấy ông Nguyễn Trãi được vua Lê Thái Tổ trọng vọng nên sinh lòng đố kỵ, lợi dụng cơ hội để sát hại công thần. Ðó là vụ án lịch sử Lệ Chi Viên.

Kể xong một số truyện rắn trong dã sử, tới đây tác giả thấy nên đổi đề tài, xoay qua những chuyện cổ tích. Theo các ông bà thuở xưa, rắn có thể tu luyện thành tinh và lột da sống đời. Những “mãng xà tinh” này đều có viên ngọc trong đầu gọi là ngọc rắn, nếu người nào có viên ngọc này sẽ có thể nghe được tiếng nói của loài vật. Ngày xưa, có một anh học trò nghèo tên Công Dã Tràng vì cứu được một gia đình rắn nên được rắn chúa trả ơn bằng cách nhả cho môt viên ngọc. Một hôm, Dã Tràng ngậi viên ngọc rắn trong miệng đi vào rừng, chợt nghe bầy kiến xôn xao bảo nhau phải dời tổ lên cành cây cao vì trong vòng ba ngày sẽ có mưa lụt lớn. Nghe được tin này, Dã Tràng bèn tức tốc báo cho quan huyện sở tại để ra thông tri cho dân chúng chuẩn bị tránh nạn hồng thủy. Quả nhiên ba ngày sau trời đổ mưa tầm tã là vỡ đê gây lụt lớn. Nhưng dân cư trong vùng không bị thiệt hại vì đã đề phòng trước.

Quan huyện tâu với triều đình vì Dã Tràng có ngọc rắn nghe được tiếng loài vật nên đã biết truớc có nạn lụt. Nhà vua rất thích, cho với Dã Tràng vào cung, ban cho một chức quan nhỏ để có thể cùng Dã Tràng du ngoạn đó đây, cùng nghe tiếng loài vật. Môt hôm, vua ngự thuyền rồng cùng Dã Tràng ra biển nghe tiếng cá. Chợt nhà vua nghe thấy một cặp cá vừa thong dong bơi lội, vừa thân mật trò chuyện với nhau. Thích quá, vua há miệng ra cười khiến viên ngọc rắn rơi xuống biển. Dã Tràng tiếc ngọc, nhảy xuống biển mò nên bị chết đuối. Tuy đã chết nhưng Dã Tràng vẫn muốn tìm viên ngọc nên biến thành con dã tràng là một loài cua nhỏ, hàng ngày bò lên bãi biển lấy cát mong lấp biển nhưng vẫn không bao giờ tìm lại được viên ngọc. Vì vậy, người đời thường ví những ai làm những việc không thể thực hiện được la “uổng công đã tràng”. Trong dân gian cũng có câu:

“Dã Tràng xe cát biển Ðông,
Nhọc mình mà chẳng nên công cán gì”

Tưởng cũng nên nói bên Tàu cũng có khá nhiều chuyện rắn liên quan. Thí dụ như chuyện Lưu Bang chém rắn. Nguyên dưới triều bạo chúa Tần Thủy Hoàng, Lưu Bang là đình trưởng tại huyện Phong Bái. Một hôm quan huyện sai Lưu Bang dẫn một toán dân phu đi xây thành tại Ly Sơn, tất cả bàn nhau bỏ trốn vì công việc quá nặng nhọc, sớm muộn gì cũng sẽ chết. Ði đến gần hẻm núi Mang Ðãng, bỗng gặp một con rắn trắng cực lớn nằm cản ngang đường. Mọi người đều nhốn nháo sợ hãi, riêng Lưu Bang vẫn điềm nhiên nói: “Ðại trượng phu không vì trở ngại mà lùi bước”. Nói xong liền cầm kiếm chém con rắn đứt làm hai, giúp mọi người thoát nạn.

Sau này, khi cùng Hạng Vũ diệt xong nhà Tần, Lưu Bang tuy được phong làm Hán Vương, nhưng vì Hạng Võ nghe lời quân sư Phạm Tăng, muốn diệt trừ hậu hoạn nên bị đưa đi trấn nhậm vùng Quan Trung là nơi địa thế vô cùng hiểm trở, ra vào chỉ có một đường lát bằng gỗ dài, chừng 300 dậm gọi là Sạn đạo. Tuy bị đày vào nơi hiểm địa, Lưu Bang cùng với quân sư Trương Lương và Nguyên Soái Hàn Tín giốc chí chiêu binh mãi mã để chờ ngày tiêu diệt Sở Bá Vương Hạng Võ. Khi lực lượng đã mạnh, Hàn Tín dùng kế nghi binh “Minh tu Sạn đạo, ám độ Trần Thương”, giả bộ cho quân sửa sang lại Sạn đạo, nhưng kỳ thực lại cho quân lẻn qua hẻm núi Trần Thương để đánh bọc hậu quân Sở.

Dọc đường, quân Hán bị một con rắn khổng lồ mắt to, sáng như hai ngọn đèn, miệng đỏ đe dọa, nhưng bị tướng Ngập Hấp chém chết. Thấy xác rắn quá lớn, mọi người đều khiếp sợ. Hàn Tìn nói: “Thời thượng cổ tại núi Côn Lôn chu vi ba vạn dậm, thế mà có con rắn lớn quấn quanh núi ấy”. Câu chuyện rắn này làm chúng ta liên tưởng tới huyền thoại có con rắn cực lớn quấn quanh trái đất để nâng đỡ. Cuối cùng, khi Hán Sở tranh hùng, Lưu Bang với sự trợ giúp đắc lực của quân sư Trương Lương và Nguyên Soái Hàn Tín đã đánh bại Hạng Võ trong trận Cửu Lý Sơn khiến Hạng Võ phải tự sát tại bến Ô Giang cùng người đẹp Ngu Cơ. Do đó, điềm chém rắn ngày trước đã ứng nghiệm vào việc Lưu Bang diệt nhà Tần và Sở, mở nghiệp nhà Hán.

Trong truyện chưởng Cô Gái Ðồ Long cũng kể Trương Vô Kỵ học được nghề y của Tiết Thần Y nên sau này cứu sống được vợ của một danh sư bị “linh chi xà” cắn.

Nãy giờ nghe kể chuyện Rắn từ Ðông sang Tây, chắc qúi vị độc giả thân mến của bổn báo nếu không khát nuớc, thế nào cũng cảm thấy đói bụng. Vì vậy đã tới lúc bàn tới chuyện ăn uống liên quan tới rắn.

Tuy da số chúng ta thường coi rắn là một sinh vật đáng sợ, cần phải tránh xa, nhưng người Việt thuộc vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh lại hay bắt rắn để làm món… nhậu! Những ai từng có dịp qua lại vùng Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long, Sa Ðéc, Cao Lãnh… chắc khó quên những quán nhậu thịt rắn nổi tiếng, có nhiều món rất ngon, giá cả lại rất “bình dân”. Tại Tây Ðô Cần Thơ có quán nhậu Vĩnh Ký nổi tiếng về món rắn và rùa. Tại Long Xuyên có quán Ba Vị vang danh không kém. Các vị đệ tử thần Lưu Linh thường có câu “nhất rắn nhì rùa” để ca tụng hai món mồi “bắt” nhất của dân làng nhậu.

Dạo còn phục vụ trong quân chủng Hải Quân, tác giả có dịp hành quân vùng Cao Lãnh, Ðồng Tháp Mười, thường thấy rắn đủ loại, kể cả trăn, được đem bán ngoài chơ Tân Châu, Hồng Ngự, An Long, Phuớc Xuyên v.v… cùng với lươn và chuột, nhất là vào mùa nước nổi. Dân vùng này nói là khi nước dâng lên ngập các cánh đồng, rắn và chuột bị ngộp nước phải bò ra khỏi hang để leo lên cây hay những gò đất cao. Lúc đó họ chỉ việc chèo xuồng dùng chĩa để đâm hay dùng dây thòng lọng bắt bỏ vào giỏ. Theo lời bàn tán của các tay nhậu nhiều kinh nghiệm thường kể trên bàn rượu, tuy loại rắn bông súng là món nhậu phổ thông nhất, nhưng ngon nhất phải kể tới thịt rắn hổ vì “rắn càng độc, thịt càng ngon” tương tự như “đàn bà càng đẹp lại càng độc”! Nói đến vùng đất miền Nam Việt Nam là nói đến rừng rậm có nhiều chim muông và thú dữ, cá tôm đầy đồng, ruộng lúa bạt ngàn… trong đó loại bò sát như rùa, rắn nhiều vô kể: rắn nước, bông súng, ri cá, rắn gáo… Rắn có nọc độc như: rắn hổ mang, hổ đất, nơi rừng rậm hoang vu là môi trường lý tưởng cho chúng sinh sống và phát triển .

Vào mùa nắng chúng ở những bụi rậm, gốc cây, gò đống ngoài đồng hoặc đào hang trú ẩn để sinh đẻ, người ta dùng thuật bắt rắn ngay được bằng tay không, dù rắn độc mấy cũng không hại được. Còn vào mùa nước lên, chúng leo lên cây để tránh nước, đây cũng là cơ hội để con người tha hồ mà bắt. Rắn quấn khoanh tròn theo nhánh cây nằm yên như bất động, người bắt rắn chỉ cần mũi chĩa phụp vào là đúng mục tiêu, rắn chỉ cựa quậy không sao thoát khỏi, con nào ngoan cố kiếm đường tẩu thì rơi xuống nước liền bị đập vào lưng nằm ngay đơ bất tỉnh, người bắt rắn để ăn đập cho chết luôn, còn người bắt rắn để bán, thường đập cho rắn bất tỉnh. Sau đó họ bắt bỏ vào bao, rắn có sức chịu đòn mạnh lắm, thấy nó phơi mình chớ không chết đâu (người ta nói nó làm bộ chết, nếu ai không biết sơ ý sẽ chết vì nó).

Rắn hổ mang là món ăn quý, ngày xưa thường dùng để đi lễ quan trên và đãi khách. Bắt rắn về, người ta cắt cổ lấy máu nó hòa với rượu uống trị bệnh phong thấp đại tài, sau đó đem đốt trên lửa rồi cạo vẩy (gọi là làm lông), mổ bụng, lấy mật có người dám nuốt sống, người ta nói mật rắn hổ cũng trị được nhiều chứng bệnh lại bổ khỏe nữa. Người ta lấy mật rắn hổ đất đem phơi khô để dành trong gia đình có ai mới vừa sinh con đem mật này mài, hay ngâm với nước cho uống sau này không bị bệnh hen xuyễn. Làm rắn xong phải bỏ đầu, bỏ đuôi vì họ cho rằng trong đó có chất độc.

Rắn có nhiều cách nấu, nhưng thông thường ở vùng quê người ta hay nấu cháo với đậu xanh ăn ngon lại bổ khỏe. Nồi cháo được bắc lên đồng thời cho rắn vào, đợi khi nước vừa sôi, họ vớt rắn ra dùng tay lột từ trên xuống, phần da và thịt rắn tróc nguyên lớp chỉ còn trơ phần xương. Xương này chặt thành từng đoạn để vào nồi nấu cháo cho ngọt nước, phần thịt xắt nhỏ thành từng miếng mỏng đem xào cho thêm nhiều gia vị càng thơm ngon, khi nồi cháo gạo và đậu xanh nhừ mới cho phần thịt, hành, tiêu vào rồi nêm lại lần nữa, nồi cháo kể như hoàn thành. Ăn cháo rắn hổ ngon không chê vào đâu được, tối ngủ thấy mình mẩy mát lạnh, sức khỏe tăng lên.

Cần nhớ khi làm rắn hổ chớ dùng thớt gỗ me để chặt rắn, người ta nói thớt me kỵ thịt rắn hổ ăn sẽ chết. Điều thứ hai khi nấu thịt rắn hổ phải nấu ngoài trời để tránh bồ hóng rớt vào nồi cháo ăn cũng chết người, đó là những điều cấm kỵ mà ông bà mình nói lại cần tránh là tốt nhất.

Đó là cách làm của người nhà quê, đơn giản mà ngon, không cầu kỳ như ở thành thị. Người ta nấu món rắn có tên “long hổ hội”, gồm một con rắn hổ mang (rắn Cạp nong càng quý) và một con mèo đen (đen tuyền) nấu với chân giò heo, thêm vài vị thuốc bắc, món này ăn tuyệt chiêu không dễ gì kiếm đ ư ợc, may ra chỉ có các đại gia Vi ệt Cộng mới c ó dịp thưởng thức!

Người ta còn có cách ăn thịt rắn công phu hơn. Có nhà bắt rắn về nuôi trong một óng tre vài lóng, một đầu để mắt, đầu kia để trống bỏ rắn vào bịt lại. Đằng mắt tre xuyên chừa một lỗ nhỏ, giã hành thun tẩm que tre để vào lỗ. Rắn sợ hành co mình lại, một tuần sau thay que cũng tẩm hành mà đẩy vào thêm, rắn càng co mãi, lâu dần ngắn bằng con chạch, vảy trắng da, rất béo ngon.

Ngoài việc được dùng làm món nhậu khoái khẩu, rắn còn được dùng để ngâm “rượu thuốc”. Dân nhậu còn kháo nhau rằng thịt rắn độc không những ngon mà còn “nên thuốc” nữa. Chẳng vậy mà tại vùng biên giới Miên – Việt như Tịnh Biên, Châu Ðốc, Tân Châu, Hồng Ngự còn có hai loại rượu thuốc rất nổi tiếng, có tác dụng “bách chiến bách thắng”. Ðó là rượu con “cắc kè bay” tức là ba xi đế ngâm với con cắc kè có mang xòe ra như cặp cánh. Loại thứ hai là rượu thuốc ngâm rắn hổ mun. Hai loại rượu này được nổi tiếng là rượu “bà khen”. Dân nhậu sau khi lai lai ba sợi, lúc ba ngù giải thích rằng đấng trượng phu nào uống các loại rượu này, nhất là mấy vị lão ông sồn sồn thuộc loại gần… rã bành tô, thế nào cũng được bà xã chẳng những đã không phản đối mà còn… khen hay!

Nhiều ông còn thề sống thề chết trên bàn rượu rằng nhờ nhậu “bà khen” mà đã gần thất tuần vẫn còn có con còn ẵm ngửa! Có điều không rõ vì ba ngù tối ngày, các vị này có “sua” là con của mình không? Chẳng hiểu rượu “bà khen” này có sánh được với loại “nhất dạ ngũ giao sinh lục tử” hay rượu “Mao xếng xáng” không, nhưng tới đây tác giả cảm thấy cần phải có đôi lời cảnh giác, nhất là đối với qúi vị nam nhi gần tới tuổi “retire” súng ống trong tình trạng rỉ sét, đạn dược cũng gần cạn. Nếu qúi vị đọc tới đây thấy bùi tai quá, nên vội vàng đi kiếm rắn ở xứ Cờ Hoa này ngâm rượu để uống với mục đích cao cả để được “bà khen”, rủi lỡ bị “bà chê”, tác giả sẽ không chịu trách nhiệm đâu.

Hiện nay tại Việt Nam có nhiều hãng chế tạo rượu ngâm rắn để bán cho du khách và Việt kiều. Bên Trung Hoa cũng bầy bán công khai những bình rượu thuốc ngâm rắn gọi là “Tam Xà Tửu” (rượu ngâm ba loại rắn) hay “Ngũ Xà Tửu (rượu ngâm năm loại rắn). Nghe đồn, đây cũng là đặc sản”bà khen” của các chú Ba.

Như trên đã nói, rắn không những là món mồi rất bắt và được “bà khen”, nhưng còn được phái nữ, tuy đa số rất sợ, nhưng lại vẫn chú ý theo dõi nữa. Lý do vì trong muôn loài sinh vật, kể cả con người, chỉ có rắn là có thể trẻ mãi, cải lão hoàn dồng. Trong số qúi vị độc giả, chắc đã có nhiều người thấy các con vật như chó, mèo, voi, cọp v.v… chết già, nhưng chắc chưa có ai thấy rắn chết vì… có tuổi. Lý do vì khi gần hết xí quách, rắn ta chỉ việc nằm thẳng cẳng, tự lột da là trở thành đào tơ hơ hớ ngay. Có lẽ học được cái quái chiêu “lột da sống đời” này của rắn mà lắm bà nhiều cô đã áp dụng với hy vọng được trẻ mãi. Tác giả thuộc giới đực rựa nên chỉ được nghe đồn hiện nay có phương pháp “lột da” (peeling) giống như rắn nên cho dù phái đẹp tuổi đã sồn sồn nhưng vẫn có thể trẻ đẹp, da dẻ mịn màng như mới “mười mí”! Nếu da mặt chẳng may bị “xếp pli” nhăn nheo như tờ giấy lộn vì phong sương của cuộc đời, chỉ cần ủi, căng và nhất là “lột” như rắn là kéo lại được tuổi thanh xuân ngay. Kỹ thuật “peeling” ra đời là một tin mừng cho nữ giới, nhưng qúi bà qúi cô cũng nên cẩn thận vì nghe nói chỉ công hiệu khi lột da mặt. Nếu qúi nữ giới “thừa thắng xông lên” da chỗ nào cũng đòi lột để trở thành “brand new”, rủi bị “ép phê ngược” thì nguy lắm.

Bài phiếm luận đầu Xuân con rắn đến đây đã khá dài, và tưởng cũng đã có “đủ cả đầu đuôi” nên tác giả chẳng giám “họa xà thiêm túc” (vẽ rắn thêm chân). Tuy chủ đề là rắn, nhưng đã được mở đầu và kết thúc bằng loại sinh vật “độc” nhất mà cũng “ngon” nhất trên địa cầu, đó là phái nữ. Ðiều này đã chứng tỏ lòng kính trọng của tác giả đối với con cháu bà Eva, không hề giám “hạ bệ” như chẳng may có ai lầm tưởng. Nhân dịp đầu xuân, với thiện chí cao đẹp mong ước đã giúp vui qúi độc giả được một vài giây phút thoải mái bên ly “tam xà tửu”, tác giả bèn nổi hứng vác nàng Kiều của cụ Nguyễn Du ra mà “lẩy” rằng:

“Lời quê góp nhặt giông dài
Mua vui cũng được một vài weekend!”

Với mục đích mua vui trong mấy ngày xuân, giám mong qúi độc giả vui lòng lượng thứ những sơ sót hoặc “đụng chạm” ngoài ý muốn. Mến chúc qúi vị và bửu quyến năm mới An Khang Thịnh Vượng.

TRẦN ÐỖ CẨM
(Austin, Texas Jan. 2013)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt