Chuyện Bích Hạnh!! Chuyện của tôi!!

Chuyện làm nghề giáo dưới chế độ Việt Cộng….phải nói láo theo Đảng, sự thật không được đề cập đến, muốn được chân nhà giáo phải đút lót ra sao? Hãy nghe “anh giáo” Trần Xã Đoài cùng tâm sự với cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh vừa bị Cộng Sản Việt Nam cho nghỉ việc.

Cô Giáo bị thôi việc vì khuyến khích học sinh tìm hiểu sự thật.

Cách đây vài tuần, một nữ thạc sỹ, giảng viên môn văn vừa bị Sở Giáo dục Cộng Sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam bị đuổi dạy vì cáo buộc vi phạm kỷ luật.

BH
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, 28 tuổi bị đuổi dạy vì khuyến khích học sinh tìm hiểu sự thật

Báo Dân Trí trích quyết định của Sở Giáo dục Cộng Sản Việt Nam nói rõ cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, 28 tuổi, bị buộc nghỉ dạy vì “đã vi phạm nghiêm trọng trong việc xuyên tạc đạo đức nhà giáo; sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách Nhà nước; xuyên tạc đường lối của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhập khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục”.

Cô giáo Hạnh trước khi bị cho nghỉ việc đã được nhận vào giảng dạy tại trường Trung học Phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm theo diện ‘thu hút nhân tài’ của tỉnh Quảng Nam.

Cô Bích Hạnh cho biết trong một số tiết dạy hồi năm ngoái, cô đã đề cập với các em học sinh một số bài viết trên các trang mạng hải ngoại như talawas và tienve.org với mục tiêu ‘hướng dẫn các em biết cách tự học, tự đọc, tự tìm tòi phân tích thông tin’.

Tuy nhiên sau đó, cô Hạnh đã bị điều tra làm rõ về việc “tuyên truyền tư tưởng phản động”.

“Lúc chuyện xảy ra, tôi đang làm trưởng lớp 10 toán, và bị quyết định nghỉ chức “chủ nhiệm” nữa. Thế nhưng, tôi vẫn được giảng dạy bình thường, cho tới gần đây khi Sở có quyết định cho nghỉ việc.”

Chính thức từ 01/06, thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Hạnh đã phải ngừng việc giảng dạy.

Cô Hạnh cho biết sau khi hoàn thành thủ tục chế độ, cô sẽ về quê ở Nghệ An nhưng “chưa có dự định gì rõ ràng”.

Cô nhận định: “Việc dạy học của tôi trong tương lai có lẽ sẽ khó khăn với hồ sơ như thế”.

Được biết, cô Bích Hạnh là người Công giáo, đã tham gia giảng giáo lý tại Nhà thờ Tam Kỳ hai năm nay và từng hiệp thông với Nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội trong các vụ việc gây tranh cãi hồi năm ngoái.

“Người ta cho rằng tôi là người Công giáo, lý lịch lại không tốt vì bố tôi đã phải đi cải tạo 20 năm cho nên tôi có ‘tư tưởng khác’”.

Tuy nhiên theo cô Hạnh, điều này không được ghi trong các văn bản hồ sơ chính thức của ngành giáo dục.

Khi được hỏi liệu việc giới thiệu các website hải ngoại không được lưu hành trong nước tới học sinh có phải là vi phạm quy định hay không, cô Bích Hạnh trả lời: “Tôi không nghĩ như thế, vì nhiều giáo sư nổi tiếng của Việt Nam đều đã viết bài đăng trên các website đó”.

“Cho dù các trang web đó chưa được chính thức ở Việt Nam nhưng học trò bây giờ, dù chính thức hay không, các em vẫn đọc và đọc rất nhiều.”

“Đó là mong muốn và nguyện vọng chính đáng của các em.”

Hôm nay anh Trần Xã Đoài lại viết:

Chuyện Bích Hạnh!! Chuyện của tôi!!!


(cùng những nhà giáo dưới chế độ Việt Cộng, thân phận ra sao khi không tiền, không thân, không thế – nghĩa là không theo Việt Cộng)

Tôi sinh ra giữa lòng đất mẹ Miền Trung, miền đất cằn cỗi với gió Lào và cát trắng. Sự gian khổ của quê hương được biết đến từ thời xa xưa, một đặc trưng nổi tiếng khi nhắc đến vùng đất quê tôi là câu chuyện những ông đồ Nghệ đi khắp nơi mở lớp “gõ đầu trẻ” kiếm sống. Thiên nhiên khắc nghiệt bao trùm cuộc sống của người dân nơi mảnh đất này. Câu chuyện “con cá gỗ” là một câu chuyện rất hay về người xứ Nghệ và nó thường được dân các địa phương khác châm chọc khi nói về người Nghệ. Âu đó cũng là một câu chuyện nói lên cái tính cần kiệm, hiếu học của xứ Nghệ quê tôi. Theo dòng đời đẩy đưa, người Nghệ ra đi, hình ảnh ông đồ hiện đại đang bôn tẩu khắp mọi miền của đất nước hình chữ S.

Một năm trước, tôi cũng là ông đồ Nghệ với bao ước mơ, khát vọng dâng hiến cho lớp trẻ, cho đời.Tốt nghiệp Cử nhân Sư phạm bằng khá tại một trường Đại học danh giá nhất nhì nước về kinh nghiệm đào tạo giáo viên, tôi trở về quê trong tâm trạng khấp khởi vừa mừng vừa lo. Mừng vì đã hoàn thành một quá trình gian nan, mừng vì đã từ đây bố mẹ đỡ nặng gánh lo và mình có thể đỡ đần được bố mẹ phần nào. Nhưng! nỗi mừng chưa kéo dài được bao lâu.

Ra trường, quan trọng nhất là phải tìm cho mình một công việc cụ thể. Với bản tính năng động, tôi đã đi khắp nơi trong tỉnh gõ cửa tìm việc. Từ lâu, tôi đã nghe nói về một sự đau lòng và những hôm giong ruổi đó, tôi mới chứng kiến tận mắt.

Những nơi còn chỉ tiêu nhận người nhưng khi nạp hồ sơ thì chỉ nước chất đống trong kho vì “suất vào trường” đã được dành cho những “con ông cháu cha” hay là những người có “đạn”. Bằng giỏi, bằng khá đâu bằng đồng tiền, phong bì trong đó có những tờ xanh đỏ trở thành thứ “đạn” tối ưu nhất bắn thủng lòng tự trọng của những ông, những bà hiệu trưởng oai vệ, bề ngoài lúc nào cũng nghiêm trang, gương mẫu trước muôn vàn con mắt. Đến xin việc một nơi, ông Hiệu trưởng nọ hỏi ngay “cậu đã chuẩn bị được bao nhiêu rồi”. Hết nói!

Thôi, thì thành thật thưa chưa có. Tôi nhận được cái lắc đầu và cái đuổi khéo ra khỏi nhà. Chắc ông cũng nghĩ có thằng này điên điên, chập chập mới đi xin việc kiểu đem bằng loại ưu ra mà khoe như thế. Một người bạn vừa xin được suất đi dạy học cấp THCS (cấp 2) ở Thanh Hóa bảo phải gom góp vay mượn mãi mới được chừng 40 triệu “cống nạp” cho Hiệu trưởng mới được chiếu cố vào trường. Bậc THPT (cấp 3) ở huyện miền núi cao hơn cấp 3 chừng 20 triệu, ở đồng bằng tùy trường nhưng không dưới 60 triệu. Đó là một sự thật nhiều người biết, cơ quan chức năng như thanh tra, cơ quan kiểm tra Đảng biết sờ sờ nhưng cũng đành chịu trận bởi họ cũng “ăn” như ai.

Tiền không, tôi đành đâm đơn xin đi dạy ở một trường dân lập nọ. Trường dân lập cơ sở vật chất thiếu thốn mà học trò phần lớn ngỗ ngược, việc dạy không có nhiều thuận lợi. Một giáo viên dạy học môn xã hội, ngày ngày đập vào mắt mình bao nhiêu vấn đề lịch sử – chính trị – xã hội. Tôi dạy học sinh với tất cả tâm tình của một người thầy, người anh đi trước hướng dẫn các em nhận thức sự thật lịch sử đã xảy ra. (Ở Đại học các giảng viên cũng dạy cho sinh viên biết những sự thật này). Tôi cố gắng trình bày cho học sinh một cái nhìn mới mẻ, cung cấp cho các em những điều mới mẻ mà tôi biết đó là sự thật, kiểu những chuyện như Lê Văn Tám là hư cấu, những câu chuyện Tô Vĩnh Diện chèn pháo là một tai nạn, những chuyện đảo Hoàng Sa bị bọn phương Bắc xâm chiếm như thế nào và to gan hơn là kể mối tình của Hồ Chí Minh. …

Câu chuyện đến tai của Ban giám hiệu, tôi bị gọi lên bắt làm bản kiểm điểm. Không cảm thấy gì sai và không có gì áy náy, tôi kháng cự lại lệnh đó. Tôi đấu khẩu với ông Hiệu trưởng và Bí thư đảng ủy của Trường, tôi gửi cho họ cả những dẫn chứng chứng minh, đập lại những việc làm của họ. Kết cục của tôi như thế nào thì ai cũng hiểu. Câu chuyện của tôi ở một trường Dân lập nên cũng không có gì to tát lắm, rồi dần nó cũng qua đi.

Bây giờ làm việc ổn định tại Hà Nội trong một điều kiện mới, tiếp xúc hoạt động với anh em Công giáo nhiều hơn, được nuôi dưỡng trong tâm hồn đại gia đình Giáo hội, tôi cảm thấy mình được an ủi rất nhiều. Có lẽ Chúa đã an bài đời tôi chăng. Và tôi cũng tự nhủ rằng: việc mình can đảm nói lên sự thật mặc dù mình có thể nhận bất công về mình là việc làm đúng đắn.

Đó cũng là con đường nhiều giáo viên, nhất là có niềm tin Kitô khi đứng trên bục giảng phải nói cho những chủ nhân tương lai biết, đừng vì chính trị mà bóp méo sự thật khách quan của lịch sử; đừng vì một thế lực nào đó hay đôi lúc quá coi trọng miếng cơm manh áo mà đánh mất tự trọng nghề giáo của mình.

Tôi cảm thấy khâm phục một số thầy giáo cũ của tôi hiện đang giảng dạy ở Đại học Vinh, có những vị đã can đảm nói lên sự thật cho biết mình sẽ bị đấu tố ở những cuộc họp của Đảng bộ Khoa, Đảng bộ Trường. Họ đã truyền cho lớp giáo viên chúng tôi một niềm tin yêu, tôn trọng sự thật và biết nói lên sự thật.

Hôm nay, qua thông tin trên Internet, tôi lại chứng kiến một việc làm áp đặt sai trái của Ban Tuyên giáo, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam lên bạn Nguyễn Thị Bích Hạnh.

Với Bích Hạnh!

Tôi là người Nghệ An, tôi là đồng hương với bạn.

Tôi là người Công giáo, tôi là đồng đạo với bạn.

Tôi từng là một giáo viên dạy cấp 3, tôi là đồng nghiệp với bạn.

Một người chưa bao giờ quen biết hay chưa có dịp gặp mặt, tôi cảm thấy tự hào, tôi cảm phục những việc làm của Hạnh. Tôi cũng cảm phục mảnh đất Vĩnh Hòa nơi đã làm vun đắp nên những con người như Bạn, như ông bố Nguyễn Quốc Anh, Luật sư Lê Quốc Quân và những người vô danh khác. Hạnh đừng băn khoăn vì chọn lựa đứng về sự thật của mình. Chúa sẽ luôn dẫn bước Bạn đi trong tình yêu của Ngài. Mọi người sẽ luôn đứng bên bạn.

Xin chúc Hạnh giành lại được công lý cho mình và vững bước trong cuộc sống, trong nghề nghiệp.

Trần Xã Đoài

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt