Chứng khoán Trung Quốc bổ nhào, thị trường thế giới lao đao
Các nhật báo Pháp đều đưa tin thị trường chứng khoán Trung Quốc phải đóng cửa vì chỉ số hỗn hợp mất 7% trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016. Như vậy, lời tiên đoán về sự khởi sắc của thị trường chứng khoán trong năm 2016 được đăng trên nhật báo Le Figaro, số ra cuối tuần vừa qua, dường như chưa có hiệu nghiệm ngay lập tức.
Các nhật báo đều đưa tin này với những hàng tựa khá bi quan : “Chứng khoán Trung Quốc bổ nhào, các thị trường khác lo lắng” trên phụ trang kinh tế của báo Le Figaro, “Trung Quốc dội gáo nước lạnh lên thị trường chứng khoán thế giới“, tựa trên trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos. Le Monde : “Trung Quốc rúng động vì thị trường chứng khoán“.
Với Les Echos, năm 2016 bắt đầu bằng một tin xấu. Và nếu “mê tín” theo kiểu Trung Quốc, gặp may vào đầu năm thì cả năm sẽ được may mắn. Việc phải đóng cửa thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch đầu năm phải chăng là điềm xấu ?
Kết thúc phiên giao dịch đầu năm, thị trường chứng khoán Thượng Hải mất 7%, kéo theo các thị trường lớn trên thế giới cùng lao dốc. Tại Paris, trong suốt gần 20 năm, lần đầu tiên chỉ số CAC 40 kết thúc phiên giao dịch đầu năm tồi tệ như hôm qua. Tương tự, hôm qua cũng là ngày xấu nhất đối với thị trường chứng khoán Frankfurt kể từ khi bức tường Berin sụp đổ. Tin xấu cũng lan tới phố Wall với chỉ số mất hơn 2%.
Le Monde nhắc lại thị trường Thượng Hải và Thẩm Quyền ngừng giao dịch trong vòng 15 phút vào đầu giờ chiều hôm qua sau khi chỉ số mất 5% và đóng cửa hoàn toàn khi cán tới mốc 7%. Đây là loạt biện pháp mới nhằm khống chế tự động mọi giao dịch vừa được công bố ngày 04/12/2015 sau cuộc khủng hoảng chứng khoán hồi mùa hè năm ngoái và có hiệu lực từ ngày 04/01/2016. Trớ trêu là ngay trong ngày đầu tiên có hiệu lực, quy định này đã có hiệu quả ngay lập tức.
Bắc Kinh tìm mọi biện pháp mới để duy trì sức tăng trưởng của Trung Quốc, song nền kinh tế thứ hai thế giới lại tỏ ra có ít dấu hiệu phục hồi sau năm 2015 đầy khó khăn. Thứ nhất, tháng 12/2015 là tháng thứ 10 liên tiếp ghi nhận chỉ số hoạt động của các nhà máy giảm mạnh. Vì vậy, để bảo vệ ngành xuất khẩu của mình, Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ.
Vào tháng 11/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình ấn định mức tăng trưởng 6,5% để Trung Quốc có thể trở thành một đất nước giầu có từ nay tới năm 2020. Lần đầu tiên từ năm 2009, mức tăng trưởng của Trung Quốc thấp hơn ngưỡng 7% (đạt 6,9% vào quý III năm 2015).
Thứ hai, Bắc Kinh cũng lo ngại tới hậu quả sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thông báo tăng lãi xuất. Điều này đồng nghĩa với việc chuyển vốn về nước và chi phí tăng cao đối với các doanh nghiệp Trung Quốc vay vốn bằng đồng đô la. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh không thể lặp lại kế hoạch phục hồi hàng loạt như đã từng thực hiện để giải quyết cuộc khủng hoảng năm 2008.
Để đưa ra những giải pháp mới, chắc chắn ngân sách của Trung Quốc sẽ lại bị thâm hụt, mà trước đó, Bắc Kinh vẫn tự cho là tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Ngày 28/12/2015, chính phủ thông báo có thể nới lỏng ngân sách trong năm 2016. Báo chí nhà nước đưa ra mức thâm hụt ngân sách có thể lên tới 3% tổng sản phẩm nội địa (GDP), cao hơn so với mức 2,3% vào năm 2015 hay 2,1% vào năm 2014.
Một bản thông cáo chính thức giải thích : “Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm các loại thuế khóa và tránh để các doanh nghiệp phải gánh quá nhiều chi phí để họ thể để giành tiền. Còn chính phủ sẽ chi tiêu thận trọng hơn“.
Ý tưởng giảm bớt gánh nặng thuế khóa cho các doanh nghiệp xuất phát từ khái niệm mở rộng của chính sách trọng cung” và liên tục được đề cập trên các ấn bản chính thức trong những tuần vừa qua. Bắc Kinh không tỏ ra ngần ngại đi ngược lại với tinh thần của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi “mượn lại” khái niệm “chính sách trọng cung” (supply-side economics) có nguồn gốc từ chính quyền Tổng thống Mỹ Reagan, từ cách đây 35 năm.
Chính sách này lần đầu tiên được ông Lưu Hạc (Liu He), cố vấn kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình, đưa ra trong chuyến thăm tỉnh Quảng Đông vào tháng 10/2015. Ông cũng tuyên bố đóng tất cả các công ty ma”” đang trên đà phá sản. Công ty ma” ở đây nhằm ám chỉ các công ty nhà nước trong các ngành công nghiệp nặng, nợ chồng chất. Ngược lại, nhà nước sẽ cải thiện sức cạnh tranh đối với những doanh nghiệp trụ lại được trong nền kinh tế thị trường.
Sau đó, “chính sách trọng cung” còn được nêu lên trong phiên họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản về các chủ đề kinh tế do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì vào ngày 14/12/2015.
Từ đó, các kinh tế gia thuộc các viện nghiên cứu tập trung phân tích ý nghĩa cụ thể của đường hướng mới từ trung ương đưa xuống, đồng thời vẫn phải nhấn mạnh được vai trò trọng tâm của đảng trong mọi lĩnh vực xã hội và kinh tế.
Nguồn RFI