Tập Cận Bình sẽ được tiếp đón bằng nhiều cuộc biểu tình ở VN?
Ngay trước chuyến công du Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Hà Nội và Sài Gòn diễn ra một số hoạt động với nội dung phản đối người đứng đầu đảng và chính phủ Trung Quốc sang thăm Việt Nam khi mà Bắc Kinh có những hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh hải của Việt Nam.
Mít tinh- hội thảo tại Hà Nội
Ba đơn vị gồm Chương trình Minh Triết Làm chủ Biển Đông, Viện Nghiên Cứu Văn Hóa Biển, Viện Nghiên cứu Lý Luận và Phát Triển đồng tiến hành buổi mítting- hội thảo vể “Lịch sử Chủ quyền Biển đảo Việt Nam” vào sáng ngày 4 tháng 11 tại Hà Nội.
Theo kế hoạch sinh hoạt diễn ra từ 8 giờ 30 sáng thế nhưng trước đó nơi tổ chức sự kiện bị mất điện một cách bất thường. Ngoài ra bên ngoài khu vực còn có xe của cảnh sát, xe buýt chuẩn bị bắt người…
Tuy vậy buổi mít tinh- hội thảo cuối cùng cũng được tiến hành. Giám đốc Chương trình Minh triết Làm chủ Biển Đông, ông Nguyễn Khắc Mai, cho biết lại:
“Có khoảng ngót 100 người dự gồm nhiều nhà trí thức, có cả những quan chức ví dụ như giáo sư Đặng Hữu- nguyên ủy viên trung ương trưởng Ban Khoa giáo, tiến sĩ Thanh Giang, tiến sĩ Nguyễn Quang A, giáo sư Trần Ngọc Vương, phó giáo sư Trần thị Đoan Thanh, có rất nhiều nhà khoa học về các lĩnh vực, có nhiều cựu quan chức kể cả thành viên trong Ban tư vấn chính phủ cũng tham dự. Đặc biệt có những thành viên No-U, dân oan, những anh chị ở ngoại thành, cả dư luận viên, sinh viên, đoàn viên thanh niên cộng sản mặc áo xanh, đeo huy hiệu …
Như thế là cuộc họp mà chúng tôi gọi là một “tiểu Diên Hồng” để bàn vấn đề chủ quyền biển đảo.
Chúng tôi cũng nói rằng ngày mai ông Tập Cận Bình đến Hà Nội, hôm nay anh em tập hợp đây đã truyền một tinh thần mạnh tại khu vực Ba Đình để thấy thái độ của nhân dân Hà Nội không đồng tình và phản đối chính sách bá quyền, đại Hán, đế quốc chủ nghĩa theo kiểu Trung Hoa, thao màu sắc Trung Hoa hiện nay chứ không chỉ có vấn đề Biển Đông. Mà còn nhiều vấn đề trong các mối quan hệ với các dân tộc trên thế giới này ở Châu Á, Châu Phi… đặc biệt với Việt Nam.”
Một người tham dự và cũng là diễn giả tại buổi mít tinh- hội thảo, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc từ Sài Gòn, có đánh giá về buổi mít tinh- hội thảo tại Hà Nội mà ông tham dự trong ngày 4 tháng 11 như sau:
“ Mở đầu cuộc hội thảo, giáo sư Trần Ngọc Vương của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội có bài tổng kết rất hay chỉ ra lịch sử của Trung Quốc là lịch sử của một nhà nước nội địa, nhà nước thảo nguyên không hề có văn hóa biển. Đó là điểm rất hay để phán bác lại lời nhận vu vơ chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam là của Trung Quốc từ rất lâu đời. Và giáo sư Trần Ngọc Vương cũng chỉ ra bản chất của nhà nước Trung Quốc là một đối kháng giữa Nho giáo và pháp gia từ trước đến giờ mà gây ra nhiễu loạn trên thế giới dẫn đến chủ nghĩa bành trướng bá quyền, sô vanh đại Hán.
Phát biểu của giáo sư Nguyễn Đăng Hưng trên tinh thần của một nhà khoa học chỉ ra những sai lầm trong chính sách đối ngoại của nhà nước Trung Quốc hiện nay với chính sách bá quyền của họ. Giáo sư Hưng đặc biệt nhất mạnh Philippines là một nước nhỏ nhưng nhân dân, trí thức Philippines đã ngẩng đầu trước toàn thế giới. Mặc dầu phiên xử kiện của Tòa Trọng tài ở La Haye chưa tiến hành, nhưng Philippines ngẩng đầu vì đã đối đầu với một siêu cường như Trung Quốc.
Tôi thấy rằng hội thảo ngày hôm nay có một tiếng nói rất thống nhất yêu cầu lãnh đạo nhà nước Việt Nam khi tiếp Tập Cận Bình phải đặt vấn đề làm sáng tỏ chủ quyền Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam. Còn nếu Trung Quốc không chấp nhận phải đưa ra Tòa án Công lý quốc tế.”
Thanh niên Từ Anh Tú tham gia mít tinh- hội thảo bày tỏ cảm tưởng và ý kiến sau buổi mít tinh- hội thảo:
“ Nói chung buổi hôm nay rất tuyệt vời vì được thêm những thông tin quí về chủ quyền biển đảo của mình tại Hoàng Sa, Trường Sa; những đòi hỏi rất phi lý của Trung Quốc về hai quần đảo này.
Cần phải làm nhiều việc: trước hết phải tuyên truyền ra cho người dân biết về thông tin này, thứ hai về phía chính phủ cần phải có những động thái mạnh mẽ hơn chẳng hạn kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế. Tức là cần phải làm gì đó hơn là cứ im lặng, chính phủ không lên tiếng thì dần dần mặc nhiên Trung Quốc sẽ chiếm hai quần đảo này.”
Biểu tình- kiến nghị tại Sài Gòn
Cũng trong ngày 4 tháng 11, vào lúc 2 giờ chiều tại chân Tượng đài Trần Hưng Đạo ở Bến Bạch Đằng, thành phố Sài Gòn, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng tiến hành cuộc biểu tình theo như kế hoạch thông báo trước đó.
Ông Đinh Quang Tuyến, một nhà hoạt động tham gia cuộc biểu tình ở Sài Gòn vào chiều 4 tháng 11 cho biết lại hoạt động đó:
“ Được khoảng 100 người, hôm nay tinh thần rất mạnh mẽ. Tổ chức rất bài bản mà công an không quấy phá và cho đến lúc này anh em đang đi taxi về vẫn không có quấy phá. Người quan trọng nhất là giáo sư Tương Lai và tất cả những vị bô lão của CLB Lê Hiếu Đằng làm nòng cốt. Còn lại có nhiều bạn trẻ Thanh niên Dân chủ, Con Đường Việt Nam…
Tôi cầm cái dù vàng ( viết chữ) “Tôi yêu Việt Nam, tôi yêu Hoàng Sa, tôi yêu Trường Sa”. Còn của những người khác mỗi người một kiểu viết tiếng Hoa, tiếng Việt, tiếng Anh. Anh em viết sao cho công chúng nhận ra được thôi. Vô số biểu ngữ với nội dung “Đả đảo Tập Cận Bình’, ‘Không tiếp Tập Cận Bình ở Việt Nam”…
Hôm nay người dân được thỏa mãn khi được xem một cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra hoàn hảo. Tổng thời gian chừng 1 tiếng 10 phút: ở Tượng đài nửa tiếng và ở khu phố đi bộ nửa tiếng. Đại khái thế.”
Kêu gọi biểu tình
Trong những ngày qua trên mạng cũng xuất hiện lời kêu gọi của hơn 20 tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam về việc đón Tập Cận Bình tại Việt Nam. Theo đó vào ngày 5 tháng 11 mọi người tập trung biểu tình để đưa ra thông điệp yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông; chấm dứt hành động bắn giết ngư dân Việt Nam; nhà cầm quyền Trung Quốc phải tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Biểu tình sẽ diễn ra từ 9 giờ sáng trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn.
Vào ngày 3 tháng 11 tại Hà Nội, một số nhà hoạt động cũng xuống đường mang theo biểu ngữ phản đối chuyến thăm Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo thông báo diễn ra trong hai ngày 5 và 6 tháng 11 này.
Gia Minh (Biên Tập Viên RFA)