Chủ nghĩa Liều-Mạng phản biện chủ nghĩa Mác-Lê
“Tôi” là ai? Chuyển đổi xã hội bắt đầu từ thay đổi cá nhân. Tôi là một cơ thể cần không khí, nước, thực phẩm, nhà ở và an toàn cho gia đình. Tôi cũng muốn nước máy, điện, xe, công việc làm, chăm sóc sức khỏe và những thứ khác. Tôi có tâm trí, tinh thần, trái tim, nhận thức và lương tâm. Tôi sinh ra với thể chất, lớn lên trong môi trường, hình thành mối liên hệ với người khác, phản ứng với thất bại và làm việc hướng tới tương lai – thế giới và kinh nghiệm sống của tôi định hình thái độ và hành vi của tôi. Tôi có đức tính tốt và khuyết điểm, năng khiếu và nhu cầu, khả năng và thất bại. Tôi có thể tốt, tôi có khả năng suy luận và thường muốn sống lương thiện nhưng tôi cũng có khả năng làm việc xấu.
Là con người có nghĩa là tôi giống như tất cả những người khác, nhưng tôi là duy nhất từ kinh nghiệm sống của tôi. Điều làm cho tôi trở nên độc đáo là câu chuyện mà tôi trải nghiệm trong cuộc đời và khả năng chuyển đổi theo ý muốn của chính mình.
“Tôi” là gì? Tôi không là công cụ sản xuất mà chủ nghĩa Mác-Lê rêu rao. Tôi không là lính đánh thuê cho bọn Mác-Lê. Tôi không là lao động mà chúng xuất khẩu. Tôi không là món hàng tình dục chúng bán ra nước ngoài. Tôi không là nạn nhân để chúng bóc lột.
Chúng là ai? Chúng là giáo chúng của chủ nghĩa Mác-Lê, nhất là bọn chóp bu nói láo triền miên. Chúng là ví dụ như Nguyễn Quang Thuấn sống hai mặt. Phần bề mặt thì là phó chủ tịch Hội Đồng Lý Luận Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, lúc nào cũng ăn mặt xuề xòa kiểu “cách mạng”. Phần che dấu là đời sống hạt giống đỏ, chơi golf tiền tỉ, ăn tối với đồng bọn thì phải thuê ca sĩ, đi nước ngoài thì hàng không hạng cực sang, vợ chính vợ hai con chính con rơi trong xã hội mà đảng và nhà nước chỉ là công cụ bóc lột cho lãnh đạo.
Chúng hành động để giữ quyền và làm giàu cho thiểu số giai cấp đỏ, bao gồm hành vi bán nước cho đảng ở Trung Quốc, gây chiến tranh triền miên, hủy hoại môi trường, ly tán xã hội, giam cầm người yêu nước, hủy hoại tinh hoa của nhiều thế hệ, làm dân nghèo, làm đất nước lạc hậu và đánh mất biển Đông của ta.
Chúng dấy chiến tranh để chiếm miền Nam, đánh nhau với Mỹ, xâm lăng Campuchia rồi đánh nhau với Tàu. Chúng là tác giả của xương trắng triệu cốt khô trên quê hương. Chúng treo bảng bảo vệ môi trường để hủy hoại môi trường! Chúng hủy hoại lối sống dân ta trên đồng bằng Bắc bộ, hủy hoại đời sống nghèo của dân bám sống trên dãy đất cằn cổi miền Trung và hủy diệt đời sống thịnh vượng ngày xưa của dân ta trên đồng bằng sông Cửu Long.
Nạn nhân của chúng là ai? Tôi nghĩ về những người chết oan trong đại dịch virus Vũ Hán (Covid-19). Tôi nghĩ về những trẻ mồ côi vì những cái chết có thể tránh khỏi nếu ngành y tế không bị chúng độc quyền toàn trị. Tôi nghĩ về hàng triệu dân oan do chúng chiếm đất, chiếm nhà trong quy hoạch để chúng làm giàu cho giai cấp cộng sản. Tôi nghĩ đến dân Đồng Tâm, dân vườn rau Lộc Hưng, dân giáo xứ Cồn Dầu và những bạo tàn chúng reo rắt trên quê hương khi chúng chiếm nhà chiếm đất của dân oan. Tôi nghĩ đến hơn 10 tỉ đô Mỹ thất thoát mỗi năm ra nước ngoài và những dịch vụ y tế xã hội giáo dục bị xao lãng bởi thiếu tiền. Tôi nghĩ đến những người bệnh, những thương binh lê lết trên đường phố đói từng giờ và hàng triệu trẻ em thiếu sách vở. Tôi nghĩ đến dân tôi quằn quọi trong thảm họa môi trường do chúng tạo dựng. Tôi nghĩ đến dân miền Trung và hiểm họa Formosa Vũng Án. Tôi nghĩ đến dân Hà Nội và vụ cháy công ty Rạng Đông…
Tôi nghĩ đến dân quê tôi qua hàng chục năm lũ lụt miền Trung mỗi năm mà không có giải pháp nào để làm giảm đi hệ lụy của thiên tai. Tôi nghĩ đến dân Sài gòn chịu lụt lầy lội dơ bẩn mỗi mùa mưa và quản lý việc chung có vẻ như vô vọng. Tôi nghĩ đến dân tôi ở miền Nam phải đi mua nước uống trong khi cả đồng bằng sông Cửu Long dần dần lún sâu dưới biển. Tôi nghĩ đến hàng tỉ đô la Mỹ và cứ 1 trong 3 đồng đô Mỹ đầu tư vào các đập thủy điện ở Lào là từ tiền đầu tư thiếu suy nghĩ của chúng nó. Tôi nghĩ đến thảm họa môi trường trên đồng bằng sông Cửu Long do hệ lụy về đập thủy điện trên sông nầy mà chúng nó nhúng tay vào.
Tôi nghĩ đến hàng triệu dân đói rã rời vào thời bao cấp sau năm 1975. Tôi nghĩ đến hàng trăm ngàn tù cải tạo khi chiến tranh hai miền Bắc Nam chấm dứt. Tôi nghĩ đến hàng trăm ngàn người vượt biên, phần sống phần chết để đi tìm tự do. Tôi nghĩ đến dân miền Bắc phải cam khổ đói nghèo trong cuộc chiến tranh do chúng gây ra để xâm lấn miền Nam trước năm 1975. Tôi nghĩ đến gần một triệu người Bắc dứt bỏ quê hương để di cư tìm tự do năm 1954. Tôi nghĩ về những trẻ em học lịch sử láo của chúng viết ra. Tôi nghĩ về di hại giáo dục chính trị Mác-Lê. Tôi nghĩ về dân ta thụt lùi trong lạc hậu so với Hàn Quốc Đài Loan hay Thái Lan.
Xã hội của chúng ra sao? Tôi nghĩ về chúng vẻ nên thiên đường cộng sản nhưng thực tế là một địa ngục lầm than. Tôi nghĩ về chúng phân biệt lý lịch để tiêu diệt hết tinh hoa của nhiều thế hệ để đưa tầng lớp trung thành ngu dốt lên lãnh đạo. Tôi nghĩ về chúng lấy đấu tranh giai cấp để làm dân căm ghét nhau, tiêu diệt nhau, chia rẽ, hận thù. Tôi nghĩ về chúng dùng phương thức sản xuất năng xuất thấp và thiếu sáng tạo để độc quyền thủ lợi cho lãnh đạo. Tôi nghĩ về chúng để kinh tế lụn bại và để mất chủ quyền thương mại khiến dân ta là khổ sai và nô lệ trong nghèo đói ở nơi cư ngụ lũ lụt và suy tàn. Tôi nghĩ về chúng dùng công an trị, kiểm soát không cho dân nói lên tiếng nói trung thực về đời sống. Tôi nghĩ về chúng là giai cấp thống trị mới, đặc quyền đặc lợi, độc tài toàn trị. Tôi nghĩ về chúng dùng bạo lực, dối trá lừa bịp và các thủ đoạn gian manh để quyết duy trì quyền thống trị của giai cấp mới.
Xã hội tôi mơ ước ra sao? Tôi mơ về xã hội mới theo ý tôi. Tôi tôn trọng ước mơ về xã hội mới của mỗi và mọi người. Tôi tin rằng mọi người sinh ra bình đẳng. Tôi tôn trọng quyền làm người. Tôi tin rằng mọi người có quyền theo đuổi hạnh phúc riêng của họ. Tôi muốn chọn người đại diện cho tôi để làm luật và thi hành luật một cách công bằng. Tôi muốn xã hội lo cho những người kém may mắn về sức khỏe thể chất và tình thần cũng như những người nghèo hay mất việc vào lúc họ không lo được cho chính họ.
Tôi muốn tôi và bạn bè tôi mơ ước to để giải quyết những bất công lớn. Tôi muốn dân tôi hoàn thành những ước mơ, ví dụ như ước mơ của luật sư Ngô Anh Tuấn trong phiên tòa kết án chị Phạm Đoan Trang “Tôi vẫn luôn mơ về một ngày, sẽ không còn cảnh bắt bớ, giam cầm những người bất đồng chính kiến mà thay vào đó sẽ là đối thoại để tìm ra giải pháp giải quyết mâu thuẫn xã hội trong hoà bình…”
Chủ nghĩa Liều-Mạng là gì? Chủ nghĩa Liều-Mạng là một thực tiễn, hệ thống dấn thân và triết học để giúp tôi và bạn tôi đi khỏi gông cùm của chủ nghĩa Mác-Lê. Chủ nghĩa Liều-Mạng bao gồm nguyên tắc hợp nhất giữa phương tiện và cứu cánh, tinh thần mở, cách sống mạnh, phản kháng vi mô và năm quy trình để hiện thực ước mơ về xã hội mới.
Chủ nghĩa Liều-Mạng phản biện chủ nghĩa Mác-Lê ra sao? Chủ nghĩa Liều-Mạng dựa vào tôi; chủ nghĩa Mác-Lê tập trung vào tập thể. Chủ nghĩa Mác-Lê dùng cứu cánh của thiên đường cộng sản để biện minh việc chúng dùng phương tiện tàn bạo hằng thế kỷ; chủ nghĩa Liều-Mạng không phận biệt phương tiện và cứu cánh với cả hai phải đồng thuận trong quy trình và hành trình về tương lai. Chủ nghĩa Mác-Lê quảng cáo một thiên đường duy nhất; Chủ nghĩa Liều-Mạng nhận thức sự đa dạng của các ước mơ về xã hội tương lai từ từng người và tạo dựng một hệ thống và quy trình vận hành để hiện thực những ước mơ về những xã hội tương lai ấy. Chủ nghĩa Mác-Lê tập trung quyền lực vào thiểu số lãnh đạo; chủ nghĩa Liều-Mạng dựa vào tôi và hệ thống đồng thuận của những người dấn thân trải rộng mà mỗi cái tôi liên kết với những cái tôi khác trong mạng lưới tiềm tàng. Chủ nghĩa Mác-Lê tập trung vào bạo lực và dùng bọn trung thành ngu dốt; chủ nghĩa Liều-Mạng dùng nội lực cá nhân và cân bằng bạo lực và cảm tính trong đấu tranh. Chủ nghĩa Mác-Lê là chủ nghĩa củ kỷ lạc hậu của cuối thế kỷ 19; chủ nghĩa Liều-Mạng được tạo dựng dựa vào lý thuyết và thực tiễn xã hội trong thế kỷ 20 và 21, bao gồm chính trị định hình (prefigurative politics), giáo dục của những người bị áp bức (the pedagogy of the oppressed) và mạng kết nối cá nhân (network individualism), cũng như các ý và thực tiễn khác (thí dụ như “live free or die hard”).[1-4]
Nguyên tắc hợp nhất giữa phương tiện và cứu cánh là gì? Tôi biết mọi người muốn những tương lai khác nhau. Tôi biết cứu cánh của hành trình về tương lai phải là điểm hội tụ của mọi người. Tôi làm việc không ngừng nghĩ để thuyết phục nhiều người về những tiên đề cơ bản cho xã hội mới.
Chúng ta xây dựng một “xã hội tốt” – một xã hội không có ai bị áp bức và trong đó mọi người đối xử với nhau theo cách mà họ muốn được đối xử – một xã hội nhân bản, an toàn, công bằng, công lý cho mọi người, dân chủ, nhân đạo, nhân ái, khoan dung và bền vững về môi trường. Chúng ta tạo dựng một nền văn hóa chủ yếu thúc đẩy hành vi có trách nhiệm với xã hội như trung thực, hợp tác, khoan dung, vị tha, giải quyết xung đột bất bạo động và tự học tự làm. Chúng ta tạo dựng những cơ cấu khuyến khích – phần thưởng, hình phạt và hình thức chịu trách nhiệm – đảm bảo mọi người thường thấy rằng hành vi tốt của họ có lợi nhất cho họ. Chúng ta tạo dựng các tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội nhằm thúc đẩy giáo dục, sức khỏe, cảm xúc cá nhân, văn hóa có trách nhiệm với xã hội và thực hiện các cấu trúc khuyến khích những hành vi cá nhân và xã hội tích cực.
Chúng ta nhận lãnh trách nhiệm cá nhân về phương tiện và cứu cánh. Chúng ta không thể đấu tranh cho tự do bằng cách đàn áp những người không đồng ý với mình. Chúng ta không thể đòi công bằng xã hội trong tương lai bằng cách chửi bới và móc xé những người khác trong cộng đồng hôm nay. Chúng ta không thể chỉ trích chúng nó tham nhũng khi tôi dùng các hành vi thủ lợi cho cá nhân trên danh nghĩa làm việc chung. Chúng ta không thể sống một đời sống vô cảm trước những bất công trong cộng đồng chúng ta và đồng thời chống sự vô cảm của chúng. Chúng ta phải chân thật với chính mình. Chúng ta phải tự nhìn vào chính mình để tạo dựng giá trị, danh dự, trách nhiệm cho chính mình trong hành trình về tương lai.
Tinh thần mở là gì? Tôi lắng nghe, trao đổi và nhận ra lỗi lầm trong suy nghĩ 1 chiều. Tôi cân nhắc nhiều mặt trong của mỗi vấn đề. Tôi linh hoạt trong học tập, làm việc và đời sống hằng ngày. Tôi suy nghĩ, tôi lựa chọn, tôi vững chắc nhưng công bình trong cách đối xử với những người khác và vấn đề.
Tôi tự đào luyện khả năng tiếp thu những ý tưởng mới. Tôi có khả năng để liên quan đến cách mà mọi người tiếp cận quan điểm và kiến thức của người khác. Tôi sẵn sàng xem xét những quan điểm trái ngược một cách nghiêm túc. Tôi tự đào luyện để vượt ra ngoài hay tạm thời gác lại quan điểm của riêng mình để đưa ra một cuộc điều trần công bằng và khách quan với những quan điểm trái ngược với quan điểm của tôi. Tôi thật sự lắng nghe. Tôi xem xét một cách nghiêm túc các quan điểm thay thế.
Cách sống mạnh là sao? Tôi đào sâu, đam mê và coi cái chết rất nhẹ khi làm những việc mình muốn làm. Tôi sẵn sàng chấp nhận cái chết như là một cái giá để theo đuổi những gì tôi mơ ước. Tôi thà chết cho tự do lựa chọn thay vì sống trong nô lệ dưới mọi hình thức.
Tôi có một tinh thần lạc quan về những thay đổi và tương lai. Tôi biết thay đổi là rất khó nhưng tôi có thể làm được. Tôi không chấp nhận rằng tương lai phải như bây giờ. Tôi mang trong mình một niềm đam mê rất lớn để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai.
Tôi dấn thân! Tôi chấp nhận hành động táo bạo trong dấn thân. Tôi cống hiến bản thân cho một mục đích do tôi chọn. Tôi là người hiểu rõ nhất về giá trị của con đường tôi chọn. Tôi lúc nào cũng biết và cảm nhận việc mình làm. Tôi thà chết trong lựa chọn hơn là sống lây lất trong vô cảm, lạnh lùng và nhút nhát. Tôi chấp nhận phải đi tù khi tôi góp phần vào chuyển đổi xã hội. Tôi chấp nhận và trải nghiệm thất bại lớn nhỏ trong hành trình đấu tranh để xây dựng một xã hội tốt đẹp trong tương lai.
Tôi dần dần trở thành gan góc trong dấn thân. Tôi tạo dựng niềm đam mê và sự kiên trì cho những mục tiêu rất dài hạn. Tôi huấn luyện mình để có sức chịu đựng cho hành trình đấu tranh của mình. Tôi luôn gắn bó với tương lai, ngày này qua ngày khác. Tôi không chỉ dấn thân trong tuần, không chỉ trong tháng, mà trong nhiều năm, và làm việc thực sự chăm chỉ để biến tương lai và giấc mơ về tương lai thành hiện thực. Tôi đang sống một cuộc sống giống như một cuộc đua thế vận hội chạy đường dài, không phải là một cuộc chạy đua nước rút.
Tôi đặt tổ quốc, danh dự và trách nhiệm trên tính mạng mình và quyền lợi cá nhân. Tôi làm việc hết mình để đóng góp vào việc làm cho dân ta giàu nước ta mạnh và đất nước mình sánh vai ngang hàng với những nước giàu mạnh. Tôi sẵn sàng đổi mạng để bảo vệ quyền tự chủ của đất nước, nhất là biển Đông.
Sống mạnh không chỉ về phản kháng chế độ hiện tại của bọn côn đồ và ăn cắp. Tôi sống hùng ở mọi khía cạnh của đời sống. Tôi đam mê tới cùng trong học hành và tôi muốn tôi mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Tôi muốn lựa chọn con đường mình lớn lên, học tập và làm việc. Tôi thương yêu gia đình nhưng gia đình không thể quyết định đời tôi. Tôi kết bạn với mọi người trong và ngoài nước. Tôi là công dân của thế giới rộng mở trong chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục, thể thao, giải trí, thảo luận và yêu thương.
Phản kháng vi mô là gì? Chúng nó dùng chủ nghĩa Mác-Lê để tạo dựng bóng tối che trùm cả xã hội để thủ lợi cho cá nhân và bè lũ của chúng. Chúng nó làm 1 luật cho thiểu số bọn chúng và 1 luật khác cho đại đa số dân. Chúng ta không thể sống trong một xã hội mà hiếp dâm bởi đảng viên thì được khoan hồng trước pháp luật nhưng xâm phạm tình dục bởi ai đó thì bị xử phạt tùy tiện bởi tòa án giả tạo của chúng. Chúng ta không thể chấp nhận việc chúng phân biệt và trù dập những người không theo chúng một cách tàn nhẫn và vô nhân. Chúng ta có kiên nhẫn nhưng kiên nhẫn nầy cũng chỉ có hạng giới mà thôi. Đủ rồi!
Tôi có quyền phản kháng và chúng ta chống chúng nó và giáo điều Mác-Lê của chúng trong tiềm tàng, mỗi ngày mọi người và mọi cách. Phản kháng vi mô là đẩy lùi bóng tối từng khắc từng giây trên mọi lãnh vực sống hằng ngày. Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui trong đẩy lùi bóng tối.
Tôi hiểu hai yếu tố cốt lõi của sự phản kháng: yếu tố đầu tiên là ý thức hành động, cụ thể là ý tưởng rằng sự phản kháng của tôi bao gồm tôi hoạt động chống lại chúng nó; yếu tố thứ hai là cảm giác đối lập, nghĩa là cách tôi nghĩ và cách tôi cảm nhận là để đối lập và đấu tranh chống chúng nó và giáo điều của chúng nó.[2] Bằng cách chú ý đến những yếu tố phản kháng này, tôi dần dần hiểu rõ sự phức tạp và ngữ cảnh liên quan đến mục tiêu cho đấu tranh và thái độ không khoan nhượng với cơ cấu quyền lực của chúng nó.
Thí dụ như tôi không vào đoàn đảng của chúng. Tôi nhạy cảm và sẵn sàng quay phim hành vi bỉ ổi của chúng khi chúng đàn áp dân tôi bằng điện thoại di động của tôi. Tôi là dân làm báo chống cường quyền. Tôi đấu tranh vai kề vai với tù nhân lương tâm, dân oan đòi công lý và đòi nhà đất mà chúng quy hoạch của dân bất hợp pháp. Tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân nghèo và dân không có hộ khẩu ở các thành phố lớn. Tôi chống phân chia giai cấp đỏ đen và lợi ích nhóm khi chúng tạo ra bất bình đẳng xã hội. Tôi truy tìm và quy trách nhiệm về tác hại của chúng nó lên con người, môi trường và xã hội. Tôi tâm nguyện là không có việc gì là nhỏ và phản kháng là quyền và trách nhiệm của tôi.
Qui trình của chủ nghĩa liều-mạng là gì? Tôi nghĩ đến những quy trình mà những quy trình nầy có thể gia tăng cơ hội thành công trong việc xây dựng một trật tự xã hội mới.
Qui trình thử nghiệm – Tôi nghĩ về dấn thân giống như tôi quyết định học võ để nâng cao nội lực. Tôi đào sâu để hiểu thực sự động lực thúc đẩy mình trong dấn thân. Tôi muốn biết tôi muốn dấn thân tới mức nào. Tôi muốn biết cái giá của phản kháng là sao. Tôi cũng muốn biết cái giá của không phản kháng là sao. Tôi muốn nghĩ về việc tôi lo sợ về tù đày và đày đọa cho tôi và gia đình tôi như thế nào. Sợ hãi, lo lắng và tức giận trong tôi xáo trộn ra sao. Tôi xem xét khó khăn lúc mới vào cuộc để dấn thân là như thế nào. Tôi có cảm thấy sôi động khi dấn thân không. Tôi có phấn chấn, hy vọng và cảm nhận tôi đóng góp vào hành trình về tương lai không. Tôi hiện đang vô vọng đến mức nào. Vô vọng có phải là kẻ thù của tương lai không.
Nếu tôi không làm thì ai làm? Nếu tôi không làm thì chúng còn tàn phá quê hương tôi đến đâu?
Tôi nghĩ đến những biểu tượng cho hành động. Tôi nghĩ đến những động lực bên ngoài để tăng nội lực khi tôi nghĩ đến họ. Tôi muốn theo vết chân của họ để đấu tranh cho tạo dựng xã hội tôi ước mơ. Tôi ở trong dòng dấn thân của những người như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Thành, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Đỗ Nam Trung, Nguyễn Thúy Hạnh, cụ Nguyễn Đình Kình và dân ở thôn Đoài Đồng Tâm, Nguyễn Chí Thiện, Trần Huỳnh Duy Thức, Anh Ba Sàm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Michael Phương Minh Nguyễn, Huỳnh Thục Vy, Lê Anh Hùng, Nguyễn Anh Tuấn và những người dấn thân khác mà trí nhớ của tôi quá nhỏ để nhớ hết.
Tôi nghĩ về những động lực thúc đẩy các đảng viên cộng sản khi họ công khai tuyên bố từ bỏ đảng sau khi họ thấy đảng làm bậy quá nhiều.[5] Tôi nghĩ về sự can đảm của những người làm báo như các thành viên của nhóm Báo Sạch, các anh Trương Châu Hữu Danh, Đoàn Kiên Giang, Lê Thế Thắng, Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã. Tôi nghĩ về việc họ bị tuyên án tù tổng cộng hơn 14 năm chỉ vì họ làm những bài báo điều tra.[6]
Trong đại dịch tôi nghĩ về việc làm thiện nguyện của cô kỹ sư xây dựng trẻ rời bỏ công trình để chuyển sang chở từng bao gạo đi cứu đói cho công nhân và bà con nghèo trong từng xóm trọ.[7] Tôi nghĩ về hiệu quả hoạt động của xã hội dan sự với nhiều cá nhân, tổ chức, hội nhóm khi họ đã nhanh chóng triển khai những chuyến hàng cứu trợ tới các hẻm khắp Sài gòn.[8] Tôi nghĩ về khả năng gánh chịu rủi ro của nhóm thiện nguyện “mai táng 0 đồng” khi họ lo hậu sự cho bệnh nhân virus Vũ Hán tử vong, khi họ làm việc 24/7 theo kiểu “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”.[9]
Tôi nghĩ về hành động đốn mạc của kẻ thù của tôi. Tôi nghĩ về vụ kit xét nghiệm giả của công ty Việt Á – một công ty bình phong cho lại quả với hàng trăm tỉ hoa hồng được trả cho đảng viên từ công ty nầy để đổi lấy các hợp đồng mua những kit xét nghiệm giả tạo bởi các cơ quan quản lý y tế công. Tôi nghĩ về tác hại sai lầm và sâu rộng trong phòng chống virus Vũ Hán trên cả nước bởi các cơ quan nầy dùng thử nghiệm giả.[10] Tôi nghĩ về tác hại có tầm quốc gia của vụ tham nhũng và lừa đảo nầy. Tôi nghĩ đến các đảng viên của chúng làm tiền trên xương máu đồng bào, như ông đương kim Thủ tướng, Bộ trưởng bộ Y tế, Bộ trưởng bộ Khoa học và Công Nghệ và các giám đốc của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở 62 tỉnh trong tổng số 63 tỉnh trên cả nước.
Sau khi suy nghĩ về những tương phản giữa những người dấn thân và bọn chúng, tôi thử nghiệm những bước đầu để hiện thực xã hội mơ ước của tôi. Tôi viết ra những bước đầu và khởi sự lịch trình dấn thân của tôi với những bước nầy. Tôi nói với tôi rằng không có chuyện gì là nhỏ cả và tấm lòng của tôi thì chắc cũng không nhỏ. Những mong ước trong tôi tôi thực hành mỗi ngày với bạn bè thân của tôi.
Qui trình thảo luận – Tôi tranh luận với nhiều người về xã hội tôi ước mơ theo nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau. Tôi muốn nói chuyện với bạn tôi về những viễn cảnh và ước mơ của chính mình. Tôi muốn thay đổi cách nhìn về con người, môi trường và xã hội. Tôi lắng nghe những ý kiến khác nhau về một trật tự mới mà tôi tin rằng trật tự đó đang hình thành. Tôi khám phá, kết nối và cộng tác với mọi người.
Tôi tạo dựng hay phụ giúp để dần dần tạo dựng mạng lưới và phong trào nhân bản để theo đuổi mục đích chuyển đổi xã hội theo khả năng và môi trường sống của mình. Tôi kêu gọi bạn tôi bỏ đi cách nghĩ và cách làm cũ. Tôi cởi mở với ý kiến, quan điểm và cách làm khác nhau để giải quyết vấn đề. Tôi nói chuyện với bạn tôi về hy vọng và đừng vô vọng về tương lai. Tôi dùng các phương tiện truyền thông mới để tranh luận, làm việc và truyền tải tiếng nói mở rộng tới nhiều người và hội nhập vào nhịp sống của họ.
Qui trình xây dựng trật tự xã hội mới. Tôi sống bây giờ theo những trật tự xã hội mà tôi ráng dựng xây trong tương lai. Tôi muốn xã hội mới tôn trọng quyền con người và không phân biệt chủng tộc hay giới tính. Nơi ấy tôi tự do phát biểu, tự do viết bài trên mạng, tự do lập hội, tự do tín ngưỡng và sống mạnh trong tự do. Nơi ấy không có phân biệt lý lịch như kiểu kẻ thù tôi làm bây giờ, nhất là ưu đãi cho chỉ có hạt giống cộng sản mới thăng tiến trong xã hội. Nơi ấy không nhồi sọ trẻ em về giáo điều cộng sản. Nơi ấy quyền phản đối, xuống đường và biểu tình chống lại quyền lực được giúp đở và bảo đảm bởi lực lượng cảnh sát mới duy trì luật pháp và trật tự mới.
Nơi xã hội mới ấy người giúp người để không có ai sống trong cảnh nghèo đói. Nơi ấy dân tôi không dung thứ cho tham nhũng trong nhà nước và doanh nghiệp. Nơi ấy chính phủ mới liên kết tài nguyên trong nước và dân Việt ở nước ngoài để tạo dựng một chương trình đảm bảo thu nhập cơ bản cho những người cần tài trợ ấy. Nơi ấy xã hội coi trọng sức khỏe, phúc lợi và giá trị đời sống của dân hơn bất kỳ điều gì khác – hơn cả tiền bạc và quyền lực cho một thiểu số.
Nơi xã hội mới ấy người nầy tin vào người khác. Nơi ấy niềm tin trong xã hội rất cao. Nơi ấy nghiệp đoàn bảo vệ quyền lợi của người đi làm. Nơi ấy nghiệp đoàn có quan hệ tốt với hiệp hội của chủ nhân trong việc tìm kiếm những giải pháp về xung đột giữa người làm và người chủ. Nơi ấy mọi người được khuyến khích hiểu và tham gia vào các công việc chung và lựa chọn người đại diện cho họ để quản trị việc chung. Nơi ấy mọi người sống mạnh và sống vui. Nơi ấy mọi người cười nói thoải mái, cởi mở và thường xuyên.
Qui trình áp dụng những biện pháp can thiệp và triển khai để nâng cao cơ hội đưa đến với xã hội mới. Tôi hoạt động không ngừng nghĩ để làm lan tỏa ước mơ của mình sang người khác. Tôi làm việc thiện nguyện. Tôi lập hội của những người cùng đeo đuổi những mục đích như tôi. Tôi tham gia nghiệp đoàn mà nghiệp đoàn ấy đại diện quyền lợi của tôi và bạn tôi. Tôi tích cực bảo vệ dân oan khi chúng nó cộng sản quản chế và tịch thu nhà đất của họ. Tôi tổ chức các bạn tôi để giúp dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường. Tôi thuyết phục mọi người về triển vọng và trật tự của xã hội mới. Tôi cố gắng tạo đồng thuận trong mạng lưới chuyển đổi xã hội để nâng cao cơ hội hình thành xã hội mới ấy.
Tôi làm việc để mạng lưới chuyển đổi xã hội dần dần lớn mạnh và đa dạng. Tôi dùng và nhờ vào cách mọi người sử dụng mạng xã hội và điện thoại di động để thực hiện những biện pháp can thiệp và triển khai để tạo dựng trật tự xã hội mới.[4] Tôi thử nghiệm, diễn tập và chuẩn bị những biện pháp can thiệp như xuống đường di động để đẩy lùi ảnh hưởng xấu mà chúng nó cộng sản áp đặt lên xã hội.[1] Tôi làm việc một cách có trách nhiệm khi tham gia vào thử nghiệm và tổ chức những cuộc biểu tình bỏ túi để đẩy lùi bóng tối lên xã hội.
Qui trình khai triển chuyển đổi xã hội trên diện rộng. Tôi tạo dựng niềm tin vào tương lai và tôi lôi kéo bạn tôi trên hành trình về tương lai. Tôi làm việc không ngừng nghĩ để mạng lưới chuyển đổi và xã hội dân sự ở quê hương tôi có thể lợi dụng những cơ hội trong cuộc cạnh tranh hệ thống giữa những nước dân chủ và những nước độc tài độc quyền toàn trị. Tôi nghiên cứu khả năng chuyển đổi xã hội và khả năng sụp đổ của đảng cộng sản ở Trung Quốc. Tôi tích cực chuẩn bị để tận dụng những cơ hội có được từ cuộc cạnh tranh tổng hợp giữa phương Tây và Trung Quốc. Tôi ráng viết và kể truyện về hoạt động triển khai của xã hội dân sự ở quê tôi cho những tổ chức bạn ở những nước dân chủ liên kết chống độc tài toàn trị. Tôi tích cực chuẩn bị cho một cuộc cách mạng màu trên quê hương tôi trong ngữ cảnh của cuộc cạnh tranh toàn cầu nầy.
Khi chúng nó tìm cách dạy để tạo dựng những con người mê ăn, mê rượu, không làm chính trị, vô cảm thì chúng ta viết và trao đổi về phiêu lưu, liều chết, đam mê và theo đuổi ý tưởng mới, tình thần mở và phản kháng vi mô – làm đẹp đời sống bằng giả định là mình đã chết hay đang ở tù… Đó là chủ nghĩa liều-mạng và đó là phản kháng tới cùng.
Chúc các bạn một tuần đầy năng lực, một Giáng sinh vui vẻ và bình an và một Năm Mới may mắn.
Xin hẹn gặp lại các bạn vào dịp tới!
Mến
Tiến Sĩ Phạm Đình Bá
Đại Học Toronto, Canada
Tài liệu
- Yates, L., Rethinking prefiguration: Alternatives, micropolitics and goals in social movements. Social Movement Studies, 2015. 14(1): p. 1-21.
- Zembylas, M., The affective dimension of everyday resistance: implications for critical pedagogy in engaging with neoliberalism’s educational impact. Critical Studies in Education, 2021. 62(2): p. 211-226.
- Giroux, H.A., The scourge of illiteracy in authoritarian times. Contemporary Readings in Law and Social Justice, 2017. 9(1): p. 14-27.
- Wellman, B., The rise (and possible fall) of networked individualism. Connections, 2002. 24(3): p. 30-32.
- BBC. Bỏ Đảng, bỏ Đoàn sẽ thành phong trào? 30 tháng 10 2018; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46014980.
- VOA. Nhóm Báo Sạch kháng cáo. 17/11/2021 Available from: https://www.voatiengviet.com/a/nh%C3%B3m-b%C3%A1o-s%E1%BA%A1ch-kh%C3%A1ng-c%C3%A1o/6316925.html.
- Tieng Dan. Nó là ai. 31-8-2021; Available from: https://baotiengdan.com/2021/09/01/no-la-ai/.
- BBC. TP HCM: Thiếu rau quả giữa đại dịch, dân chung sức giúp nhau. 13 tháng 7 2021; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57803526.
- Tuoi tre. Mai táng 0 đồng ở Sài Gòn. 2021; Available from: https://thanhnien.vn/mai-tang-0-dong-o-sai-gon-post1106096.html.
- Pham Văn Bắc. Kit xét nghiệm rởm của Việt Á: Vụ lừa đảo mang tầm quốc gia, liệu Thủ tướng có bị qua mặt? 20-12-2021; Available from: https://baotiengdan.com/2021/12/20/kit-xet-nghiem-rom-cua-viet-a-vu-lua-dao-mang-tam-quoc-gia-lieu-thu-tuong-co-bi-qua-mat/.