Cho thuê dài hạn chứ có bán đâu mà sợ mất nước!?

Đồng bào trong và ngoài nước hãy nghe lới tuyên bố của một vị lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam cao nhất của một thành phố trực thuộc Trung Ương CSVN khi bị dân thắc mắc về việc thành phố cho nước ngoài thuê 50 năm quá nhiều đất ven biển, ông ta không ngại ngùng chống chế “Chúng ta chẳng phải làm gì cả mà lại có tiền thu được từ việc cho thuê đất và từ các dịch vụ kinh doanh của họ thì sướng quá chứ còn kêu ca, thắc mắc cái gì?”. Ông ta còn dám ngang nhiên tuyên bố “Thành phố chỉ cho thuê có 50 năm chứ có bán đâu mà sợ mất Nước!”.

Cho Thuê Dài Hạn
Chứ Có Bán Đâu Mà Sợ Mất Nước!?


Hiện tình đất nước

Thời gian gần đây, một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước là việc một số địa phương cho nước ngoài thuê đất dài hạn. Dư luận đặc biệt quan tâm đến việc 10 tỉnh cho các công ty của Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông thuê hơn ba trăm ngàn hecta rừng đầu nguồn để trồng rừng. Đó là các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Kom Tum, Khánh Hòa, Quảng Nam và Bình Dương.

Từ đầu tháng 2, dư luận bắt đầu xôn xao khi 2 ông tướng Việt Cộng gióng lên tiếng chuông báo động. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh viết thư kiến nghị lên Trung ương Đảng (CSVN) cảnh báo mạnh mẽ việc một số tỉnh cho doanh nghiệp nước ngoài thuê dài hạn một diện tích lớn đất rừng đầu nguồn để trồng rừng nguyên liệu. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị và cũng nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có thư gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Thường vụ Quốc hội cùng Thủ tướng (CSVN) Nguyễn Tấn Dũng.

Tiếp nối tướng Đồng Sỹ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh, ngày 27 tháng 02 Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh viết thư phản đối gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông cho biết “… trên địa bàn 10 tỉnh, miền Bắc có, miền Trung – Tây Nguyên có, miền Nam có, có cả những địa bàn hiểm yếu về quốc phòng, an ninh, kinh tế, 10 tỉnh đã cho trên 10 doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông thuê dài hạn (50 năm) đất rừng có cả rừng đầu nguồn để họ kinh doanh rừng, với diện tích trên 305.000 hecta = 3050 cây số vuông tương đương diện tích đất một tỉnh như Hà Nam”.

Theo một nguồn tin từ trong nước thì trong số các dự án mà doanh nghiệp nước ngoài đã ký với 10 tỉnh, Công ty Innov Green chiếm đa số. Báo cáo của công ty này cho biết các tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty như sau: Quảng Ninh 100.000ha, Nghệ An 70.000ha, Kom Tum 65.000ha, Lạng Sơn 36.000ha, Quảng Nam 30.000ha và Thanh Hóa 21.000ha. Tổng cộng là 349.000ha.

Một việc làm động trời như vậy mà các ông Chánh văn phòng UBND và Giám đốc sở kế hoạch đầu tư Lạng Sơn dám cao giọng cho là “Không có gì đáng lo ngại! Đã thẩm định kỹ càng! Đã cân nhắc lợi hại! Không vi phạm gì chủ trương chính sách chung”. Một vị lãnh đạo cao nhất của một thành phố trực thuộc Trung ương khi bị dân thắc mắc về việc thành phố cho nước ngoài thuê 50 năm quá nhiều đất ven biển, ông ta không ngại ngùng chống chế “Chúng ta chẳng phải làm gì cả mà lại có tiền thu được từ việc cho thuê đất và từ các dịch vụ kinh doanh của họ thì sướng quá chứ còn kêu ca, thắc mắc cái gì?”. Ông ta còn dám ngang nhiên tuyên bố “Thành phố chỉ cho thuê có 50 năm chứ có bán đâu mà sợ mất Nước!”. Trời đất! Nói vậy mà nói được!? Bán rừng bán đất cho người nước ngoài một cách trắng trợn như vậy, lại còn ngang nhiên như không có chuyện gì đáng quan tâm. Huống hồ các vị ấy lại là những người thay mặt dân, đại diện cho dân và đang ngồi trên đầu dân.

Cho thuê dài hạn là không thể được! 50 năm là quá lâu! Cho thuê dài hạn ai mà kiểm soát được! Họ không kiểm soát nổi mà có khi cũng chẳng buồn kiểm soát! Việc cho nước ngoài thuê đất rừng, nhất là rừng đầu nguồn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hiểm họa. Vậy nay mình cho nước ngoài vào thuê đất trồng rừng, liệu ta trông mong gì được ở họ? Nhà đầu tư nước ngoài họ chỉ quan tâm lợi nhuận mang về nước họ. Đất đâu phải đất của họ, rừng cũng đâu phải rừng của họ nên người nước ngoài có thể chặt phá, khai thác bừa bãi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nước VN chiều dài rất dài và chiều ngang rất hẹp. Núi và biển rất gần nhau. Độ dốc lớn. Cho nên khi có thiên tai lũ lụt thì hậu quả thật nguy hại.

Việc cho nước ngoài thuê đất, thuê rừng, thuê đất ven biển mang lại lợi nhuận khổng lồ (cho các tỉnh, thành phố và cho túi tiền riêng của các “quan”) cho nên các địa phương đã coi nhẹ vấn đề an ninh quốc gia.

Ý đồ nào khác?

Có thật là trồng rừng hay còn có ý đồ gì khác nữa? Đất rừng của VN được xem là rất giàu các loại quặng thiên nhiên mà nước ngoài luôn thèm muốn. Theo các tài liệu địa chất từ xưa, theo những nhà địa chất uy tín của người Pháp làm việc ở Đông Dương lúc trước cho tới các nhà địa chất VN sau này, tất cả đều khẳng định những tỉnh biên giới của Kom Tum, Việt Bắc và Tây Bắc của Sơn La Điện Biên là những vùng có rất nhiều loại khoáng sản thuộc kim loại màu cũng như vàng bạc. Thậm chí có cả phóng xạ nữa.

Theo ông Vũ Ngọc Tiến, một nhà địa chất của CSVN thì “Huyện Trảng Định và huyện Văn Lạng ở Lạng Sơn là hai huyện có rất nhiều những giải quặng bauxite, thế mà cho thuê rừng đầu nguồn thuộc 14 xã của huyện Trảng Đình, chắc chắn có cả bauxite trong đó. Đi sâu vào những vùng khác như Lào Cai thì có mỏ Nậm Sa, Hà Giang thì có mỏ sắt Đồng Bá đặc biệt Sơn La thì có nhiều mỏ phóng xạ và cả Uranium nữa”.

Cũng theo ông Vũ Ngọc Tiến, ở các vùng rừng núi già như Việt Bắc hay Tây Bắc thì cách tạo quặng có nhiều loại mỏ thuộc dạng biến chất trên mặt đất rất cạn cho nên họ chỉ cần dùng máy ủi đất với danh nghĩa là trồng rừng thì họ có thể đào bới lên được.

Từ trước tới nay những khu vực có mỏ kim loại quý được xem là tuyệt mật và nhà nước chưa cho phép bất cứ cơ quan nào được phép khai thác hay bán cho nước ngoài nhưng từ ngày đổi mới trung ương thả lỏng cho địa phương nên địa phương tự tung tự tác, thuê các chuyên gia địa chất vẽ lại bản đồ rồi họ dấm dúi ăn chia với nhau. Họ tổ chức khai thác rồi cho nước ngoài thuê thì đố ai mà biết được!?

Đối với VN, một nước vốn chật hẹp và người đông, việc cho thuê hơn 300 ngàn hecta đất rừng trong 50 năm là một sự điên rồ, không thể chấp nhận được. VN vốn đã có mật độ dân số rất cao, cao hơn nhiều so với cả Trung Quốc (TQ). Theo thống kê trong nước thì với mức sinh đẻ như hiện nay, cứ mỗi một năm VN sinh sôi nảy nở thêm gần 2 triệu dân, tương đương với dân số của cả tỉnh Thái Bình. Điều đó nói lên VN thiếu đất trầm trọng.

Vốn đang bị đe dọa nghiêm trọng từ việc TQ ngăn sông xây đập ở thượng nguồn nhằm khống chế các nước ở vùng hạ lưu mà trong đó VN bị ảnh hưởng nhiều nhất, nay lại cho thuê và dâng đất thuộc vị trí chiến lược và lâu dài như vậy thì thật là điên rồ và là một hành động tự sát.

Đó là chưa kể đến những yếu tố khác như tàn phá môi trường, lợi dụng quyền sử dụng để khai thác ăn cắp tài nguyên nằm sâu dưới lòng đất, đồng hoá chủng tộc (sau 50 năm sẽ có ít nhất 3 thế hệ bám rễ sinh sống ở VN), … Trong bối cảnh hiện nay, công nhân TQ gây rối, uy hiếp an ninh xã hội khắp nơi, đặc biệt là những hành động ngang ngược của hải quân TQ như bắn giết, đánh đập cầm tù ngư dân VN ngay trên biển thuộc chủ quyền của ta thì chuyện cắt xén đất cho thuê là việc làm vô trách nhiệm đối với tương lai của dân tộc, là mối đe dọa đến độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN.
Quả thật, lãnh thổ và từng thước đất biên giới mà chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu để gìn giữ thực sự không hề được các “ông” xem là cần phải gìn giữ!

Mối đe dọa về an ninh quốc phòng

Việc các “quan” ngang nhiên cho TQ thuê những khu vực “nhạy cảm”, những khu vực rừng núi có vị trí chiến lược, dọc các tỉnh biên giới phía Bắc cũng như cửa ngõ từ Nghệ An sang Lào thật đáng lo ngại! Rừng thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc và rừng Thanh Hóa, Nghệ An là những khu rừng hiểm yếu nhất mà kẻ thù từ lâu vẫn hăm he ngắm nghé. Điều ngạc nhiên và đáng quan tâm là doanh nghiệp nước ngoài họ lại chọn thuê ở nhiều địa điểm trọng yếu về an ninh quốc phòng. Cụ thể, họ thuê đất ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng là các tỉnh biên giới. Ở Nghệ An, họ thuê ở các địa điểm gần với đường 7 và 8 sang Lào. Ở Quảng Nam, họ thuê những nơi có đường thuận tiện lên Tây Nguyên và qua Campuchia. Như vậy là nắm những con đường trọng yếu của VN.

Đó là hiện tình về đất, còn nước thì sao? Trong cuộc tranh chấp biển Đông hiện nay, có ai biết được phần lãnh hải nào của VN đang được lặng lẽ cho thuê không? Chúng ta chưa có chứng cớ nhà nước CSVN cho thuê đảo và lãnh hải nhưng chúng ta ai cũng biết rằng nhiều bờ biển đẹp và thơ mộng đang được cho thuê dài hạn. Hiện nay, vô số đất ven biển Đà Nẵng cũng đã cho nước ngoài (có cả TQ và Đài loan) thuê 50 năm.

Rừng đã bị bán rồi, đất ven biển cũng bị bán luôn thì cả nước rõ ràng như có hai gọng kìm xiết chặt. Nếu rồi đây giặc trên rừng nổi dậy đánh xuống, giặc ven biển nổi dậy đánh lên và những hạm đội ngoài biển đánh vào thì dân ta còn đường nào mà rút chạy? CSVN dù có huênh hoang với tài du kích chiến của mình tới đó cũng không còn đâu căn cứ địa để mà thi thố!

Do vậy, nói gì thì nói, các quan chức CSVN có ngây ngô, có tầm nhìn hạn hẹp hay tham lam ngu xuẩn thì mối nguy cho độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, uy hiếp đến an ninh của VN là có thật và càng ngày càng hiện ra rõ rệt. Chỉ có những kẻ không bao giờ đọc một trang sử, những kẻ mưu lợi cho riêng mình, đặt quyền lợi cá nhân và gia đình trên tổ quốc, dân tộc và đất nước mới làm công việc ngu xuẩn và đưa dân tộc tới chỗ chết này.

Phản ứng của nhà cầm quyền

Trước những phản đối liên tục của người dân trong nước, nhà cầm quyền CSVN buộc lòng phải tuyên bố tạm dừng việc cho nước ngoài thuê rừng, không cấp giấy chứng nhận mới, không ký hợp đồng cho thuê đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong lãnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Ngày 9 tháng 3, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, ban hành công văn 405/TTg-KTN, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, chỉ thị cho các bộ các ngành liên hệ lập đoàn công tác để kiểm tra, đánh giá việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Quốc hội cũng đã đề cử Ủy ban Quốc phòng An ninh đi giám sát các tỉnh biên giới bị lấy cho TQ thuê rừng và chỉ định ông Lê Quang Bình làm Chủ nhiệm cầm đầu Ủy ban.

Có tin được không?

Tuy nhiên dư luận trong và ngoài nước vẫn không khỏi nghi ngờ vì Hà Nội cũng từng bị phản đối về vụ cho các công ty Trung cộng khai thác bauxite ở Tây nguyên nhưng vẫn tiếp tục tiến hành vì sợ làm mất lòng quan thầy ở Bắc Kinh. Nhiều người cho rằng đây chỉ là hành động câu giờ của các lãnh tụ Hà Nội để tìm cách hoãn binh và cũng để xoa dịu sự bất mãn của người dân trong nước. Luận điệu và miệng lưỡi của Cộng Sản thì ai cũng thừa biết rồi, lịch sử mấy mươi năm nay đã chứng minh rõ ràng điều này. Chỉ còn chờ nhìn vào việc họ làm. Hãy chờ xem …

Trần Việt Trình

Good Friday 2 tháng 4 2010

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt