Chip điện tử, trung tâm điểm cuộc thương chiến Mỹ-Trung

ZTE lệ thuộc vào chip điện tử của Mỹ để sản xuất điện thoại thông minh (Ảnh: REUTERS/Carlo Allegri)

Liên quan đến cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, thông tín viên Le Monde ở Thượng Hải nhận định “Chip điện tử, cốt lõi của cuộc thương chiến Mỹ-Trung”. Washington dựa vào sự thống trị về kỹ thuật công nghệ, còn Bắc Kinh cố gắng rút ngắn khoảng cách với Mỹ về kỹ thuật công nghệ bằng mọi giá.

ZTE bị Mỹ trừng phạt, nỗi nhục cho giới kỹ sư Trung Cộng

Hôm 29/10/2018, bộ Thương Mại Hoa Kỳ thông báo cấm các công ty Mỹ bán sản phẩm và cung cấp vật dụng điện tử cho Fujian Jinhua (Phúc Kiến Tấn Hoa), công ty start-up Trung Cộng chuyên sản xuất memory chip đã bị Công Ty Micron – một trong những công ty hàng đầu nước Mỹ về chất bán dẫn – tố cáo đã sử dụng tình báo kinh tế. Không còn mua được máy móc và phần mềm của Mỹ, công ty này suýt phá sản nếu không được tỉnh Phúc Kiến đầu tư 5 tỉ euro.

Sáu tháng trước đó, một công ty lớn hơn cũng gặp phải thảm họa tương tự: ZTE (Trung Hưng Thông Tấn), một trong những tên tuổi hàng đầu Trung Cộng về viễn thông, đã phải ngưng sản xuất, nhưng sau đó được tổng thống Mỹ Donald Trump “khoan hồng”.

Vụ ZTE đã gây chấn động lớn tại Hoa Lục. Đa số các công ty internet như Tencent, Alibaba, Baidu, Hoa Vi, start-up ByteDance sau đó đều loan báo đầu tư vào lãnh vực chiến lược này, để khỏi lệ thuộc vào thiết bị nhập khẩu của Mỹ. Trường hợp ZTE làm nổi rõ gót chân Achille của công nghiệp Trung Cộng: mặc dù thống trị về sản phẩm điện tử, từ màn hình phẳng cho đến smartphone, Trung Cộng vẫn lệ thuộc vào các nước phát triển đối với những thiết bị cốt yếu. Việc trừng phạt ZTE bị giới kỹ sư Trung Cộng coi là “một nỗi nhục”.

Chip điện tử: Đổ vào nhiều tỉ đô la, Bắc Kinh vẫn chưa tự lực nổi

Ngày nay, những con chip điện tử – mảnh silicone nhỏ chứa đầy transistor (linh kiện bán dẫn) – có mặt khắp nơi: trong điện thoại thông minh, bộ phận vi sóng, các sản phẩm điều khiển từ xa…Nhưng việc sản xuất các chip điện tử tối tân nhất nằm trong tay một số ít công ty Hoa Kỳ như Qualcomm, Intel, Nvidia, Samsung. Trung Cộng là thị trường lớn nhất thế giới, nhưng chỉ tự sản xuất được 16% chip điện tử. Linh kiện bán dẫn là mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Trung Cộng, với 276.4 tỉ đô la năm 2017, đứng trên cả dầu lửa. Đây cũng là một trong những thách thức của kế hoạch “Made in China 2025”.

Cuối tháng 10/2018, khi thăm tỉnh Quảng Đông, trung tâm kỹ nghệ điện tử Trung Cộng, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi cố gắng tự lực tự cường vì “kỹ thuật công nghệ cao ngày càng khó mua được từ nước ngoài”. Tại Quảng Đông, công ty Gree, nhà sản xuất hàng điện tử đứng đầu thế giới về máy lạnh, đã đầu tư 1 tỉ nhân dân tệ (126 triệu euro) để lập một chi nhánh sản xuất chip điện tử.

Thật ra từ thời Mao Trạch Đông, Trung Cộng đã đầu tư vào lãnh vực này. Đến 2014, Bắc Kinh lập ra Quỹ Đầu Tư Quốc Gia với 140 tỉ nhân dân tệ (17.6 tỉ euro) để hỗ trợ các start-up trong nước về bán dẫn, và hiện nay quỹ này đang huy động thêm 25.2 tỉ euro cả tư lẫn công, cộng thêm trên 80 tỉ euro từ khoảng 30 quỹ nữa ở các địa phương – theo cơ quan tư vấn Bernstein Research cho biết.

Tuy nhiên bấy nhiêu tỉ euro vẫn chưa thể đủ. Ông Paul Triolo, phụ trách địa chính trị kỹ thuật công nghệ ở Eurasia Group giải thích: “Sản xuất linh kiện bán dẫn còn khó hơn cả lãnh vực hàng không-không gian. Đó là các kỹ thuật công nghệ hết sức phức tạp. Một công ty Mỹ như Nvidia chằng hạn, có hàng nhiều ngàn kỹ sư được đào tạo chu đáo, nắm được toàn bộ chuỗi sản xuất ra một con chip điện tử. Trung Cộng không có được kinh nghiệm này. Hơn nữa, cần phải có trình độ rất cao. Bắc Kinh cố gắng đuổi theo, nhưng mục tiêu luôn di động, vì kỹ thuật công nghệ tiến bộ hết sức nhanh chóng”.

Trung Cộng đi tắt bằng cách thâu tóm hoặc ăn cắp kỹ thuật công nghệ

Để rút ngắn khoảng cách, cũng có những con đường tắt. Biện pháp hàng đầu là mua lại doanh nghiệp. Tsinghua Unigroup thuộc đại học Thanh Hoa (Tsinghua) được một quỹ nhà nước hỗ trợ, năm 2015 đã đề nghị mua lại Micron, tên tuổi số một nước Mỹ về sản xuất memory chip (bộ nhớ), với giá 23 tỉ đô la. Ủy ban đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ bác bỏ thẳng thừng: Micron là nhà sản xuất duy nhất chip điện tử cần thiết cho các loại vũ khí hiện đại.

Washington cũng tố cáo Bắc Kinh dùng đến các biện pháp khó thể thú nhận: gián điệp kinh tế. Tháng 12/2017, Công ty Micron đã kiện Fujian Jinhua vì đánh cắp sở hữu trí tuệ, và United Microelectronics Corporation (UMC) của Đài Loan vì đóng vai trò trung gian trong vụ này. Hai kỹ sư của Công ty Micron bị UMC chiêu dụ, đã nhảy sang làm cho Fujian Jinhua mang theo cả những tài liệu nội bộ về thẻ nhớ DRAM (Dynamic Read Arry Memory – một chip điện tử về bộ nhớ).

Khi trừng phạt công ty này, bộ Thương Mại Mỹ nêu ra không chỉ nguồn gốc kỹ thuật công nghệ, mà cả “mối đe dọa về lâu về dài về các thiết bị thiết yếu cho quốc phòng”. Theo Paul Triolo, Hoa Kỳ đã dấn thêm một bước khi “gắn kết an ninh kinh tế với an ninh quốc gia”.

Bắc Kinh trả đũa ngay: một tòa án ở Phúc Kiến, căn cứ địa của Jinhua, liền cấm công ty Micron bán một số sản phẩm, trong khi Hoa Lục chiếm phân nửa doanh số của công ty này.

Mối đe dọa cho phía Mỹ còn từ việc ngày càng có nhiều công ty Trung Cộng lao vào việc design chip điện tử cho riêng mình. Chẳng hạn start-up Rokid, đã dụ dỗ được giám đốc Viện bán dẫn của Samsung tại Trung Cộng sang làm cho mình, bán loại chip Kamino 18 chuyên nhận ra giọng nói, rẻ hơn thị trường đến 30%. Chuyên gia Paul Triolo cảnh báo tuy Trung Cộng hiện còn lẹt đẹt theo sau Mỹ, nhưng đã cho thấy họ tiến bộ rất nhanh.

Thương chiến Mỹ-Trung: Thời gian đang đứng về phía Washington

Cũng liên quan đến Trung Cộng, Le Monde ghi nhận “những bước tiến nho nhỏ về thương mại”, nhưng tình trạng kinh tế chậm lại có thể làm phức tạp thêm cuộc đàm phán với Mỹ.

Sau hai ngày rưỡi thương lượng, phái đoàn Mỹ rời Bắc Kinh với vẻ khá hài lòng. Không có chi tiết nào được tiết lộ, trong khi thời gian không còn nhiều nữa. Người ta chỉ biết rằng Trung Cộng cam kết mua thêm nhiều nông sản, năng lượng, sản phẩm kỹ thuật công nghệ… – theo phía Mỹ. Phó chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Myron Brilliant hoan nghênh “cuộc đối thoại mang tính xây dựng”, nhưng nhắc nhở rằng cam kết đơn phương của Bắc Kinh chưa đủ, cần có những “cải cách về cơ cấu” liên quan đến mở cửa thị trường và chuyển giao kỹ thuật công nghệ. Tuyên bố của phía Trung Cộng lại càng mơ hồ hơn.

Theo Le Monde, thời gian đang đứng về phía người Mỹ. Washington chỉ gởi đến các viên chức hạng nhì, không có mặt “diều hâu” Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ, mà chỉ có cấp phó. Tuy vậy, phó thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) lại bất ngờ xuất hiện, chứng tỏ Bắc Kinh rất coi trọng cuộc đàm phán này.

Về mặt chính thức, thì chính quyền vẫn nói cứng là cuộc thương chiến không ảnh hưởng đến kinh tế Hoa Lục, tuy nhiên đèn cảnh báo màu cam đang nhấp nháy: theo ngân hàng UBS, tăng trưởng chỉ là 6.2% thay vì 6.5%.

Không ngày nào báo chí Hoa Lục lại không kêu gào “có thêm những biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế”. Ngân hàng Trung ương cho biết sẽ bơm thêm gần 800 tỉ nhân dân tệ (102 tỉ euro), và năm nay sẽ xây dựng thêm 6,800 km đường xe lửa mới, trong đó có 3,200 km đường tàu cao tốc.

Nhà kinh tế Alicia Garcia-Herrero nhận định “Bắc Kinh không có cách nào khác là phải tung ra kế hoạch hỗ trợ ồ ạt để thúc đẩy tăng trưởng”. Vấn đề là ở chỗ: thay vì cải cách cơ cấu như phương Tây đòi hỏi, Bắc Kinh tập trung vào việc hỗ trợ các công ty quốc doanh Trung Cộng, ngược hẳn với những gì mà Washington mong muốn.

Theo Thụy My (RFI)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt