Chính trị Trung Cộng: 4 kịch bản cho Tập Cận Bình

Richard McGregor

Quyền lực tại Bắc Kinh càng tập trung, thì tiến trình chuyển giao quyền lực trong giai đoạn hậu Tập Cận Bình càng bị đe dọa. Ngay cả tại các nền dân chủ, đôi khi cũng có một sự vấp váp trong tiến trình chuyển giao quyền lực trong vòng trật tự và một cách ôn hòa. Tại một quốc gia độc đảng như Trung Cộng với một nhà lãnh đạo không ngừng thâu tóm quyền lực thì sao?

Trong bài nghiên cứu đăng ngày 22/04/2021 trên trang website của cơ quan tư vấn độc lập Úc, Lowy Institute – Sydney, chuyên gia về Đông Á Richard McGregor của trung tâm này và Jude Blanchette thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS của Hoa Kỳ phác họa bốn trường hợp Tập Cận Bình từ giã sân khấu chính trị, đi từ khả năng Tập chuyển giao quyền lực một cách êm thắm cho đến nguy cơ nhân vật quyền lực nhất trên sân khấu chính trị Trung Cộng hiện nay đột ngột ra đi, có thể là vì bệnh tật, hay một cuộc đảo chính.
Chuyên mục của RFI tóm lược những ý chính trong bài viết mang tựa đề “After Xi: Future scenarios for leadership succession in post-xi Jinping era” – Những trường hợp sắp tới cho giai đoạn hậu Tập Cận Bình.

Trong phần mở đầu, Richard McGregor thuộc trung tâm Lowy Institute và Jude Blanchette, nhà Trung Cộng học của trung tâm CSIS, nhắc lại: Tập là nhân vật chính trị quan trọng nhất đang trị vì tại quốc gia đông dân nhất địa cầu, ngự trị trên nền kinh tế và quân sự lớn thứ hai của thế giới và lại đang nắm giữ một phần kho vũ khí nguyên tử của nhân loại. Do vậy, những chuyển biến về kinh tế, hay biến động chính trị của Trung Cộng không chỉ ảnh hưởng đến 14 nước có đường biên giới chung với nước khổng lồ châu Á này mà cả với toàn thế giới.

Nhìn vào toàn cảnh chính trị tại Bắc Kinh hiện nay, sau hơn tám năm cầm quyền Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo Trung Cộng quyền lực nhất kể từ thời Đặng Tiểu Bình. Nhưng điều đó đang gây bất ổn trong guồng máy chính trị Trung Cộng và hủy hoại mô hình chuyển giao quyền lực tại Bắc Kinh vốn được áp dụng từ những thập niên 1980.

Tập Cận Bình rời ghế lãnh đạo năm 2022?

Jude Blanchette trung tâm CSIS Hoa Kỳ

Liệu rằng sau giai đoạn “tập trung quyền lực” từ cuối năm 2012, có thể nào tính đến khả năng Tập Cận Bình quay trở lại với con đường từng được cố lãnh đạo Trung Cộng Đặng Tiều Bình vạch ra, có nghĩa là “chuyển giao quyền lực một cách có trật tự” sau Đại Hội Đảng năm 2022?

Theo hai tác giả bài nghiên cứu, để thực sự chứng minh không ham hố quyền lực, Tập Cận Bình trong trường hợp này sẽ phải “nhường lại ít nhất hai trong số ba chức vụ đang nắm giữ”, tức là tìm người thay thế vào chiếc ghế Tổng Bí Thư và chủ tịch Quân ủy Trung ương. Câu hỏi kế tiếp là động cơ nào có thể thúc đẩy Tập chọn giải pháp “về mặt chính thức lui vào hậu trường”? Lý do thứ nhất được Richard McGregor và Jude Blanchette nêu lên là mặc dù đã khóa chặt tiến trình tìm người kế thừa sự nghiệp, Tập Cận Bình cũng đã dành ra rất nhiều thời gian và công sức để củng cố guồng máy của Đảng và giờ đây ông có thể tự mãn là đã hoàn thành nhiệm vụ để có thể từ bỏ những chức vụ ở thượng tầng cơ quan quyền lực.

Lý do thứ nhì thường được các nhà nghiên cứu về các chế độ chuyên chế nêu bật, đó là những nhà độc tài chỉ từ bỏ quyền lực trong trường hợp bất khả kháng, có nghĩa là khi họ cảm thấy an ninh của chính mình bị đe dọa.

Tránh để những thành phần bất mãn lâm vào cảnh “tức nước vỡ bờ”, Tập có thể tính đến khả năng “nghỉ hưu sớm”. Nhiều nhà quan sát cũng đã thiên về trường hợp này. Tuy nhiên cần có hai điều kiện tiên quyết để viễn cảnh chuyển giao quyền lực một cách êm thắm tại Bắc Kinh trở thành hiện thực: đó là Tập phải được bảo đảm rằng sẽ không bị phiền toái, hay đấu tố một khi về hưu và hai là ông phải được quyền chỉ định người kế vị. Câu hỏi kế tiếp: ai sẽ là người kế thừa Tập Cận Bình?

Từ bỏ quyền lực vào năm 2027 hay 2032?

Trong trường hợp số 2, Richard McGregor và Jude Blanchette dựa trên giả thuyết Tập Cận Bình “thành thật” khi tuyên bố “tiến trình chuyển giao quyền lực là cách tốt nhất để thẩm định về tính dân chủ và hiệu quả của một hệ thống chính trị”.

Có thể là vì “công việc còn dang dở” nên chưa kịp trao lại trọng trách điều hành đất nước vào năm tới, nhưng 2027 hay cùng lắm là 2032 là thời điểm để Tập ra đi. Một lần nữa câu hỏi quan trọng nhất vẫn là điều gì khiến ông “an tâm” để nhường lại chiếc ghế lãnh đạo cho một người khác?

Hai đồng tác giả bài nghiên cứu đề xuất một trong những khả năng có thể trấn an Tập Cận Bình: để ông này vẫn giữ chức vụ chủ tịch nước, hay chức chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ngoài ra trong giai đoạn từ 2022 đến 2027 hay 2032 có thể là thời gian Tập Cận Bình tiếp tục phát động chiến dịch bài trừ tham nhũng, loại hết những đối thủ chính trị để chỉ giữ lại những thành phần thực sự trung thành với mình. Khi đó, việc ông ra đi không còn là một vấn đề. Ở hậu trường, Tập vẫn là một “thái thượng hoàng” có quyền sinh sát trong tay.

Đảo chính  tại Bắc Kinh hay quyền lực bị thách thức

Những âm mưu lật đổ Tập Cận Bình không chỉ nẩy sinh từ những đầu óc có trí tưởng tượng phong phú. Bài nghiên cứu của cơ quan tư vấn Úc Lowy Institute coi đây là trường hợp thứ 3 từng được chính đương kim Tổng Bí Thư, chủ tịch Quân ủy Trung ương và chủ tịch Trung Cộng nêu lên. Trong một tài liệu lưu hành nội bộ năm 2016 Tập Cận Bình đã nhắc đến “những hoạt động âm mưu chính trị” nhằm “tiêu diệt và chia rẽ Đảng”.

Cùng năm, một số quan chức Nhà nước Trung Cộng đã bị thất sủng với cáo buộc “âm mưu cướp chính quyền”. Richard McGregor và Jude Blanchette đưa ra hai con số không mấy khả quan về số phận những nhà lãnh đạo cai trị đất nước với bàn tay sắt: 73 % những nhà độc tài bị lật đổ hoặc bị mất mạng, tù đầy hay phải sống lưu vong.

Quyền lực của Tập Cận Bình được củng cố một cách đáng khiếp phục nhưng “ngay cả những người quyền lực nhất cũng chỉ giữ được ghế nhờ các nhóm trung thành” mà nhóm này “thờ một đấng quân vương” để đổi lấy một số những quyền lợi. Vẫn theo các tác giả bài viết: mọi người biết rõ Tập đã thương lượng những gì với những phe nhóm chính trị, với bên quân đội hay với những tác nhân  kinh tế quan trọng tại Trung Cộng. Nhưng “gió xoay chiều” là trường hợp hoàn toàn có thể xảy ra. Richard McGregor và Jude Blanchette thậm chí còn nêu lên trường hợp một “cuộc đảo chính” cho dù đây là điều khó có thể xảy ra tại một quốc gia có bộ máy kiểm duyệt và kiểm soát tinh vi như Trung Cộng.

Tập gặp chuyện chẳng lành

Trong trường hợp thứ tư, hai nhà nghiên cứu về Trung Cộng nêu lên một yếu tố ngoài tầm kiểm soát của đảng Cộng Sản Trung Cộng hay của chính Tập Cận Bình. Đó là chuyện sinh tử và sức khỏe trời cho mỗi người. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như lãnh đạo Trung Cộng lâm vào cảnh bệnh tật hay vị hoàng đế đỏ này băng hà? Trên giấy tờ, tiến trình chỉ định người kế thừa khá đơn gian. Nếu Tập gặp chuyện chẳng lành, Ban Chấp Hành Trung Ương sẽ được triệu tập và chỉ định một trong số các ủy viên lên thay thế vào hai chức vụ Tổng Bí Thư và chủ tịch Quân ủy Trung ương. Thực tế phức tạp hơn vậy nhiều.

Richard McGregor và Jude Blanchette dự báo: Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Cộng sẽ lâm vào cảnh “xâu xé lẫn nhau”. Những phe nhóm từng ủng hộ Tập sẽ chia bè chia phái, để phò những minh chúa  khác nhau. Đó là chưa kể những thành phần từng là nạn nhân của Tập.

Để kết luận hai tác giả bài nghiên cứu về những trường hợp cho giai đoạn hậu Tập Cận Bình thận trọng ghi nhận: bên cạnh bốn trường hợp vừa nêu, còn nhiều khả năng khác. Bài viết này không thiên về một giả thuyết nào trong số những trường hợp vừa nêu, mà chỉ nhằm “nêu lên những vấn đề cho giai đoạn chuyển tiếp chính trị tại Trung Cộng (…) Nhiều thập niên từ sau ngày Mao Trạch Đông qua đời, hệ thống chính trị Trung Cộng càng lúc càng có vẻ ổn định (…) Nhưng nay, con đường mà Trung Cộng đã chọn có vẻ đang mở ra nhiều bất trắc”.

Nghiên cứu này không là một quẻ bói về vận mệnh chính trị Trung Cộng trong tương lai. Mục tiêu của bài viết nhằm báo động “từ cấp chính phủ đến các giới chức quân sự và cả các doanh nghiệp trên thế giới cần bắt buộc quan tâm đến viễn cảnh bất ổn chính trị tại Trung Cộng”.

Theo Thanh Hà (RFI)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt