Chính Sách Quốc Phòng Mới Của Nhật Bản

Sau khi bị hai trái bom Nguyên Tử của Mỹ năm 1945, Nhật Bản (Japan) đầu hàng vô điều kiện trong tình trạng khánh kiệt. Nhật ký hiệp ước với quân đồng minh không được có quân đội riêng, bộ quốc phòng thành đội bảo vệ. Nhưng với tinh thần bất khuất của con cháu Thái Dương Thần Nữ, với tự hào một nước Nhật hiện đại hoá đã đánh thắng hải quân Hoa Kỳ ở Trân Châu Cảng năm 1941, họ đã chuyển hướng đi cho tổ quốc như thế nào để có nước Nhật ngày nay? Chỉ sau 20 năm sau, từ một quốc gia thất trận khánh kiệt, Nhật Bản trỗi dậy trong thời bình, xóa tan mặc cảm chiến bại, trở thành một cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới với nền kỷ nghệ tối tân bậc nhất…ngày nay, nước Nhật đã khôn khéo vận dụng kỹ thuật tiên tiến vào quốc phòng….và chúng ta không ngạc nhiên rằng nếu có chiến tranh xẩy ra thì Nhật sẽ là một cường quốc quân sự không kém bất cứ một quốc cường quốc nào trên thế giới……bài bình luận của Nguyễn Minh về “Chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản” cho ta cái nhìn khác về quốc phòng của Nhật.

Chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản

Nguyễn Minh

Từ sau Thế chiến II, Nhật Bản có lẽ là quốc gia độc đáo nhất trên thế giới có hiến pháp không chấp nhận chiến tranh, không cho phép có quân đội tham chiến ở nước ngoài. Hiện nay nền an ninh của Nhật Bản do Mỹ bảo vệ, qua Hiệp ước an ninh hỗ tương Mỹ-Nhật. Nhật Bản cũng là quốc gia không có quân đội chính qui (Army) mà chỉ có đội tự vệ (Safe Guard), toàn bộ năng lực của xã hội Nhật tập trung vào phát triển kinh tế và văn hóa thay vì quốc phòng. Nhưng từ 5 năm trở lại đây, nhất là trong năm 2005, khuynh hướng tái võ trang đang phát triển mạnh trong quần chúng cũng như giới chính trị gia Nhật Bản. Lý do là Nhật Bản không thể trông cậy mãi vào sự bảo vệ của Mỹ, nhất là mối đe dọa quân sự của Trung Quốc đối với Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á khác ngày càng lộ liễu.

Mối đe dọa quân sự của Trung Quốc đối với Nhật Bản

Từ 10 năm trở lại đây, nhất là sau khi trở thành một cường quốc kinh tế mới, Trung Quốc đang bành trướng thế lực trên Biển Đông và trong khu vực Đông Nam Á trong mục đích dò tìm và khai thác các nguồn năng lượng và nguyên liệu mà nền kinh tế Trung Quốc đang rất thiếu. Sự bành trướng này đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Nhật Bản, vì trên đường trung phân chia lãnh hải giữa hai nước có rất nhiều tài nguyên khoáng sản dưới lòng biển, đặc biệt là dầu hỏa và khí đốt.

Từ cuối năm 1995 đến nay, nhiều tranh chấp lớn giữa hai nước đã xảy ra trong khu vực phân chia lãnh hải hai nước trên Biển Đông, quanh quần đảo Sansaku-shoto (Ngư Câu, Tiên Đảo và Bát Trùng Sơn), phía Bắc Đài Loan, phần lớn do phía Trung Quốc khởi xướng.

Nhắc lại, từ ngày 1-12-1995 đến 15-2-1996, tàu dò tìm dầu khí “Càng Thâm 3”, thuộc Cục điều tra địa chất Thượng Hải, đã xâm nhập liên tục vào sâu trong lãnh hải Nhật Bản 570 m, bất chấp lệnh cảnh cáo của Sở Bảo vệ an ninh trên biển của Nhật, và chỉ chịu treo cờ trắng rút lui ra khỏi vùng giữa tháng 2-1996. Vào trung tuần tháng 4-1996, cũng ở chỗ quá cảnh đường trung gian Nhật-Trung này, phía Trung Quốc đã kéo theo tàu điều tra hải dương “Atlante” của Pháp để dò tìm dầu khí ; tất cả đều bị đội tuần dương Nhật bắt đưa về Naha (Okinawa) rồi giải về nước. Từ tháng 9-1996 đến tháng 6-1999, các tàu dò tìm dầu khí “Hải dương 4”, “Hải dương 13”, “Càng đấu 7”, “Càng 407” đã liên tục xâm phạm hải phận Nhật trong cùng mụch đích.

Trầm trọng nhất là năm 2004. Ngày 11-2-2004, tàu “Hướng Dương Hồng 9” của Trung Quốc đã xâm nhập hải phận Nhật giữa quần đảo Ngư Câu. Ngày 10-11-2004, tàu ngầm nguyên tử “Trường chinh 5” đã vào sâu trong hải phận Nhật Bản giữa quần đảo Tiên Đảo và quần đảo Bát Trọng Sơn vì “đi lộn đường”.

Trước sự liều lĩnh dò tìm năng lượng mới của Trung Quốc, dư luận Nhật Bản rất lo ngại cho an ninh lãnh thổ của mình, nhất sau cuộc diễn tập quân sự Trung-Nga từ 15-8 đến 25-8-2005 gần bán đảo Sơn Đông. Trong cuộc diễn tập này, phía Nga chỉ tham dự 3 tàu chiến, trong khi Trung Quốc động viên tới 26 chiến đấu cơ, 40 máy bay trực thăng, 4 khu trục hạm chống tàu ngầm, 6 tàu đổ bộ, 2 tàu ngầm, 2 tàu cảnh bị.

Thái độ nghi ngờ ý đồ bành trướng của Trung Quốc đã manh nha trong dư luận Nhật từ 10 năm trước sau khi lãnh hải ở khu vực quá cảnh bị liên tục xâm phạm. Sự nghi ngờ càng được thực tế chứng minh trong năm 2005 khi Trung Quốc cho khai thác hai mỏ khí đốt tại Bành Hồ và Xuân Thiên trên Biển Đông, và mỏ Thiên Ngoại Thiên ngay đường trung gian giữa hai nước. Để đối lại, Nhật cho công ty dầu hỏa Teikoku khai thác 4 mỏ Kikyo, Tsukushi, Suzukake và Bạch Đàn cạnh đường trung gian về phía Nhật. Từ đó lực lượng hải quân hai nước đối đầu trực tiếp với nhau.

Sửa đổi hiến pháp và hiệp ước an ninh hỗ tương Mỹ-Nhật

Gần đây dư luận Nhật rất khó chịu trước những hành động của Bắc Kinh xúi giục dân chúng chống Nhật tại những thành phố lớn của Trung Quốc tháng 4-2003. Từ đó giới tư bản và chính phủ Nhật quyết định giảm đầu tư và viện trợ ODA cho Trung Quốc. Dư luận và giới chính trị Nhật cũng suy nghĩ về chính sách quốc phòng mới để đối phó với sự đe dọa của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Thủ tướng Koizumi, thủ lãnh đảng Tự do Dân chủ, đã hoàn tất dự án sửa đổi hiến pháp Nhật và đang tranh thủ sự ủng hộ của Liên Đảng cầm quyền, trong đó có đảng Công Minh (Komei) là đảng chính trị của các cư sĩ Phật giáo thuộc giáo phái Sokagakkai, thờ kinh Pháp Hoa chủ trương tích cực nhập thế để bảo vệ hòa bình và sinh mệnh con người. Đầu năm 2006, dự luật sửa đổi hiến pháp cho hợp với chỗ đứng của Nhật trên thế giới có triển vọng được thông qua. Tất cả đều đồng ý giữ lại mục 1 : “Nhật từ bỏ dùng vũ khí như phương tiện chính để giải quyết các tranh chấp giữa các nước” vốn là một điểm son của nước Nhật hòa bình, nhưng chưa đồng ý về chi tiết việc sửa đổi điều 9 hiến pháp cả. Về mục thứ hai : “Nhật không có quân đội, chỉ có đội tự vệ để bảo vệ tính mạng, tài sản của dân trong trường hợp bị quân đội nước ngoài xâm chiếm”, đảng Tự Do Dân Chủ đề nghị đổi danh xưng “đội tự vệ” (Safe Guard) thành “quân đội Nhật Bản” (Japan Army). Nếu được thông qua, Nha Tự Vệ (Safe Guard Agency) sẽ trở thành bộ quốc phòng, chính quyền có thể gởi quân đội Nhật tham gia các hoạt động quân sự ngoài lãnh thổ mà không phải thông qua quốc hội.

Sau Thế chiến II, các chính quyền Nhật rất tha thiết với những hoạt động đóng góp cho hòa bình thế giới. Mặc dù không phải là quốc gia thành viên trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đóng góp của Nhật cho Liên Hiệp Quốc lúc nào cũng cao (19% của toàn thế giới). Nhưng trước những hoạt động khiêu khích liên tục của Bắc Triều Tiên (bắt cóc dân Nhật và đe dọa vũ khí hạch nhân) và Trung Quốc (xâm phạm lãnh hải để giành tài nguyên), ý chí bất khuất của dân tộc Nhật đã được đánh thức.

Như một con nhà võ bị từ lâu cấm cung trong chùa “hòa bình vĩnh viễn” với vòng càn khôn “không được tái võ trang”, nay được dư luận quốc tế, đặc biệt là Mỹ, khuyến khích tái võ trang thì sự vùng dậy này sẽ rất ngoạn mục.

Trong chiến lược chuyển hóa (transformation), nghĩa là thay thế dần sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Đông Á, ưu điểm của quân đội Nhật là không quân. Không quân Nhật đang thay thế phi đội F16 của Mỹ từ căn cứ Kadena (Okinawa) chuyển qua đảo Guam, với một phi đoàn FA22 có hiệu năng cao hơn. Phi đoàn này đặt căn cứ tại Yokota, ngoại ô Tokyo, do quân đội Mỹ giao lại cho phía Nhật. Ngoài ra không quân Nhật còn được trang bị các loại chiến đấu cơ F16E có hiệu năng cao hơn các phi đoàn F16K của Mỹ tại Đại Hàn và F16T tại Singapore, và có tầm hoạt động xa và cao hơn các loại chiến đấu cơ F104, F4 và F86 của Mỹ.

Ba trục chiến lược Virginia, Alaska và Hitkan (Hawai) của Mỹ chỉ hoạt động hữu hiệu khi có thêm bốn căn cứ Misawa (Aoomori), Yokotu (Tokyo), Ube (Yamaguchi) và Kadena (Okinawa) của Nhật để làm chủ toàn bộ vùng trời từ quần đảo Sakhaline (Nga) qua bán đảo Triều Tiên đến tận đảo Hải Nam (Trung Quốc). Không quân Nhật còn được trang bị các loại máy bay vận tải C17 (có tốc độ gấp đôi và sức trọng tải gấp bốn lần máy bay C130) qua lại thường trực giữa Hitkan và Yokota. Tuy chưa sản xuất các loại phi cơ có hiệu năng cao như F3500 tối tân nhất của Mỹ, công nghệ quốc phòng Nhật cũng đã tự chế các loại chiến đấu cơ F2, có tốc độ Max2 (2 lần tốc độ âm thanh), tàu ngầm có hiệu năng gấp đôi Trung Quốc và phi đạn Patriot (3 lần vận tốc siêu âm).

Ngân sách quốc phòng của Nhật năm 2006 tăng từ 3 đến 5% do giảm chi phí chi cho các thiết bị quân sự của Mỹ đóng ở Nhật, giảm viện trợ ODA cho Trung Quốc và tiền đóng góp cho Liên Hiệp Quốc.

Kết hợp quốc phòng với phát triển kỹ thuật, kinh tế

Nét độc đáo của việc tái võ trang của quân đội Nhật Bản là biết kết hợp quốc phòng với kinh tế. Nhờ cách kết hợp này mà Nhật không bị hụt hơi trong cuộc chạy đua về kỹ thuật quân sự mới.

Nhắc lại trong thời chiến tranh lạnh, các tổ hợp lớn của Nhật rất được Liên Xô chú ý vì làm chủ được các kỹ thuật tấn công bằng điện tử, di chuyển của tàu ngầm không gây tiếng động dưới biển, viễn thông, vệ tinh, v.v. Từ thập niên 1990 đến nay, các tổ hợp lớn của Nhật tiếp tục đầu tư nghiên cứu vào các lãnh vực quốc phòng cao cấp như hệ thống radar mới, sản xuất các tàu chở dầu tiếp tế lớn trên đại dương cho các hạm đội Mỹ hay các tuần dương hạm Aogis của Nhật, máy phản lực, v.v.

Nhưng quan tâm chính của giới chiến lược gia Nhật Bản là lãnh vực không gian. Họ tin rằng nếu xảy ra một cuộc chiến trong tương lai, phe nào làm chủ được không gian thì phe đó sẽ thắng. Chính vì thế các tổ hợp lớn của Nhật dành một ngân sách lớn để nghiên cứu khả năng này. Cho đến nay Nhật là một trong vài quốc gia dẫn đầu về lãnh vực sản xuất máy bay thám thính không người lái (drone), mà gần đây hãng Yamaha bị chỉ trích đã bán cho Trung Quốc loại máy bay này để rải thuốc trừ sâu.

Về khả năng sản xuất các loại máy bay phản lực siêu âm, các công ty công nghiệp nặng Ishikawa, Mitsubishi, Kawasaki, dưới tên gọi chung “Tổ hợp nghiên cứu kỹ thuật hệ thống thúc đẩy máy bay vận tải siêu âm” (ESPR), và Cơ quan khai thác và nghiên cứu hàng không vũ trụ Nhật (JAXA) đang hợp tác mật thiết với kỹ nghệ hàng không Pháp để sản xuất máy bay vận tải siêu âm SST (super sonic transport) thay thế máy bay Concorde. Tổ hợp này còn hợp tác với hai công ty hàng không quân sự lớn của châu Âu và Pháp là FAPS và SAFRAN để sản xuất loại máy bay vận tải mới có tốc độ Max2 (2.448 km/giờ). Trong trường hợp có chiến tranh, tổ hợp này đủ khả năng sản xuất những loại oanh tạc cơ hạng nặng để dội bom hay chuyên chở quân trang, quân dụng và binh sĩ trong vài tháng. Ba công ty Mitsubishi, Kawasaki và Fuji đang hợp tác tốt với công ty Boeing của Mỹ để chế tạo máy bay chuyên chở khổng lồ B787. Riêng công ty Mitsubishi đang sản xuất các loại chiến đấu cơ phản lực F2 tối tân nhất cho quốc phòng Nhật và Mỹ. Ngoài ra ngành vật liệu lắp ráp, trang bị phụ tùng điện tử cho các loại máy bay quân và dân sự cũng đang rất phát triển. Từ 5 năm qua ngành này đã cung cấp phụ tùng cho các công ty Boeing và Airbus.

Trong khi chờ đợi có chiến tranh, ngành hàng không Nhật tiếp tục sinh lời bằng cách bán máy bay và phụ tùng, đặc biệt là máy dò tìm tàu ngầm P3C1, máy bay vận tải cỡ trung TC1J và trực thăng săn tàu ngầm TSH60KJ, cho các nước Đông Nam Á, đang gia tăng chi phí quốc phòng để đối đầu với sự đe dọa của Trung Quốc. Ngoài ra ba công ty Mitsubishi, Honda và Shin Meiwa đang nghiên cứu sản xuất các loại máy bay chuyên chở cỡ nhỏ, có khả năng chuyên chở với từ 50 đến 90 chỗ ngồi, hãng Mitsubishi hiện đang sản xuất các loại máy bay phản lực khu vực như YS-II 50 chỗ ngồi, YS-33 70-90 chỗ ngồi cho nhu cầu dân sự, tất cả có thể chuyển sang quân sự bất cứ lúc nào.

Hiện nay Nhật Bản và Trung Quốc đang cạnh tranh ráo riết trong lãnh vực hàng không. Nhưng cuộc chạy đua này không cân xứng vì Nhật Bản đang vượt xa Trung Quốc vài chục năm về kỹ thuật cũng như khả năng sản xuất hàng loạt những loại tàu ngầm, tàu chiến, quân xa, máy bay và vũ khí tinh khôn đủ loại. Nếu ngay bây giờ xảy ra cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản thì chỉ trong một thời gian toàn bộ lực lượng không quân và tàu chiến của Trung Quốc sẽ bị tiêu diệt. Chính vì thế khách hàng lớn nhất hiện nay của Nhật về quốc phòng (trá hình) vẫn là Trung Quốc.

Nguyễn Minh

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt