Chiêu trò dân quân biển của Trung Cộng ở Biển Đông…

Đảo Thị Tứ thuộc Trường Sa của Việt Nam nay Trung Cộng bồi đáp và xây phi đạo và công sự trên đó

Tuần qua rộ tin đồn đội tàu cá dân quân của Trung Cộng đã bao vây đảo Thị Tứ, đuổi ngư dân Philippines ra khỏi ngư trường vốn quen thuộc với họ.
Thực hư của câu chuyện này vẫn đang là đề tài tranh cãi, nhưng có một sự thực không ai có thể phủ nhận: Đó là Trung Cộng đang dùng những đội tàu cá có vũ trang để “lách luật” trong tranh chấp lãnh hải với các nước nhỏ hơn.
Thị Tứ là một đảo san hô thuộc quần đảo Trường Sa, là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Cộng. Hòn đảo bị quân đội Philippines chiếm đóng từ năm 1960 đến nay. Trước đó, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã dựng một tấm bia tên đảo Thị Tứ, thỉnh thoảng có ghé ngang nhưng lại không đặt quân đồn trú thường trực như một số đảo khác.

Philippines đã lén lút đưa quân tới chiếm giữ. Trên đảo có phi đạo dài 1,260 mét mà Philippines cho sửa chữa lại trong thời gian qua. Họ có kế hoạch tân trang thêm cho phi đạo trong đầu năm nay thì bị Bắc Kinh cho các tàu tới phá rối.

Ngư dân nói có

Một bài báo xuất bản lúc 1 giờ 57 phút sáng thứ Ba (5/3) của hãng tin AFP cho biết ngư dân Philippines tố cáo tàu Trung Cộng ngăn chặn không cho họ tiến gần đảo Thị Tứ để đánh bắt hải sản trong vùng đánh cá quen thuộc của họ.

Trước đó, một bài báo ngày 4/3 của trang tin tức nổi tiếng của Philippines, Inquirer.net, đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Thị trưởng Kalayaan, ông Roberto del Mundo. Kalayaan là một thị trấn ở Palawan, được chính phủ Philippines giao nhiệm vụ quản lý đảo Thị Tứ, mà tiếng Philippines gọi là đảo Pag-asa.

Ông Del Mundo xác nhận việc các tàu cá của ngư dân Philippines bị các tàu Trung Cộng đuổi đi mỗi khi họ cố tiếp cận những bãi bồi gần đảo Thị Tứ.

Có 3 bãi bồi nằm giữa đảo Thị Tứ và Đá Subi, nơi Trung Cộng đã thực hiện cải tạo trái phép. Những bãi bồi này cách đảo Thị Tứ chừng 3km. Những bãi bồi này chỉ mới nhô lên trong những năm gần đây.

“Hiện tại sự hiện diện của thuyền Trung Cộng đang ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt cá của chúng tôi. Điều này không giống như trước đó. Khi ngư dân của chúng tôi chuẩn bị đến gần Bãi bồi 3, đó thực sự là ngư trường của chúng tôi, một tàu Trung Cộng sẽ ngay lập tức đến xua đuổi để chúng tôi không thể đến gần hơn nữa”, ông Del Mundo nói với Inquirer.net.

Một bức ảnh phóng to được chụp vào ngày 31/1 năm nay cho thấy khoảng một chục tàu dân sự Trung Cộng đang đi ra từ một bên đảo Thị Tứ.

“Khi tôi ở đó từ ngày 11/1 đến ngày 2/2, số lượng tàu của họ tăng lên. Tôi đếm được khoảng 50 tàu ở phía bên trái của đảo. Người Trung Cộng chỉ ở quanh khu vực cạn của bãi cạn. Họ không thể chiếm giữ bãi cạn vì sẽ làm hỏng thuyền của họ”, ông Del Mundo nói.

Ông nói rằng ông vẫn chưa báo cáo các sự cố mới cho Bộ Tư lệnh miền Tây, đơn vị chịu trách nhiệm về tuyên bố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông.

Để tránh mạo hiểm đối đầu, thị trưởng cho biết một số ngư dân Philippines thay vào đó sẽ khám phá ngư trường nằm ở phía bên kia của hòn đảo, nơi đánh bắt cũng phong phú như vậy.

Quân đội nói không

Ngay trong ngày 5/3, ABS CBN đưa tin Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines bác bỏ thông tin nói trên của AFP và Inquirer.

Chỉ huy cơ quan này nói rằng họ không nhận được thông tin nào về việc ngư dân Philippines bị Trung Cộng ngăn chặn không cho đánh cá hoặc tiếp cận các bãi cát quanh đảo Thị Tứ, Trường Sa. Đây không phải lần đầu tiên các lực lược chính quy của Philippines né tránh các thông tin khiêu khích với Trung Cộng. 

Nghị sỹ Magdalo Gary Alejano, một cựu sỹ quan quân đội, là người đầu tiên báo cáo sự hiện diện của các tàu Trung Cộng gần Thị Tứ và sự quấy rối của họ đối với ngư dân Philippines vào năm 2017, nhưng chính phủ đã gọi các báo cáo là sai sự thật.

Cùng năm đó, Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh cho quân đội ngừng xây dựng một nơi trú ẩn được cho là của ngư dân Philippines trên Sandy Cay, một trong ba bãi cát, sau khi Trung Cộng phản đối vì một thỏa thuận trước đó không chiếm các điểm mới ở Biển Đông .

Phó Đô đốc Rene Medina (quân phục trắng), chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines. (Ảnh: Manila Bulletin)

Trung Cộng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các vùng biển mà Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.

Họ đã từ chối thừa nhận phán quyết tháng 7/2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ở The Hague, một phán quyết quan trọng bác bỏ cơ sở pháp lý cho yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Cộng, cũng là một chiến thắng lớn sau đơn kiện của Philippines và sự ủng hộ của đồng minh Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, Tổng thống mới đắc cử hồi tháng 5/2016 của Philippines, ông Rodrigo Duterte đã đảo ngược chính sách thân Mỹ của những người tiền nhiệm. Sau khi bị Mỹ và các nước phương Tây chỉ trích về chiến dịch càn quét ma túy đẫm máu, khiến hàng ngàn người bị giết hại ngoài pháp luật, ông Duterte đã công khai tuyên bố ý định “chia tay Mỹ” để xây dựng mối quan hệ ấm cúng hơn với Trung Cộng. 

Trong chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh hồi tháng 10/2016, ông Duterte phát biểu rằng phán quyết của tòa án quốc tế về Biển Đông chỉ là “mảnh giấy” và sẽ không đề cập đến vấn đề này trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình.

Chiến lược vùng xám

Chuyên gia hàng hải Jay Batongbacal cho biết việc sử dụng tàu đánh cá chống lại tàu Philippines là một ví dụ về chiến lược vùng xám của Trung Cộng.

Trong chiến thuật này, các tàu dân sự được sử dụng để tránh trách nhiệm trực tiếp bằng cách lập luận rằng đây là những tàu [không phải của chính phủ], ông Batongbacal nói.

“Đây là những tàu đánh cá dân sự để đe dọa hoặc ngăn cản tàu của chúng ta đến quá gần”, ông nói.

“Việc ngăn chặn có chủ ý có thể trái với quy tắc tốt và chuẩn mực quốc tế. Đây có thể là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, tương tự với những gì Trung Cộng bị cho là đã vi phạm trong phán quyết của trọng tài quốc tế”, ông nói thêm.

Tháng 12/2015, người Philippines xếp hình thành dòng chữ ‘CHINA OUT’ (tạm dịch: Trung Quốc hãy biến đi) – trên bãi cát ở đảo Thị Tứ. (Ảnh: AFP)

Cùng với chính sách phát triển lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, Trung Cộng đã và đang tập trung đầu tư, phát triển lực lượng dân quân biển. Trong chuyến thăm thị trấn đánh cá Đàm Môn tỉnh Hải Nam năm 2013, Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình từng tuyên bố lực lượng dân quân biển “không chỉ dẫn đầu các hoạt động đánh bắt cá, mà còn thu thập thông tin về biển và hỗ trợ việc xây dựng các hòn đảo và rạn san hô”.

Tính đến thời điểm hiện nay, Trung Cộng là một trong số ít nước trên thế giới có dân quân biển. Lực lượng này gồm các tàu đánh cá thực hiện rất nhiều chức năng khác nhau như cứu hộ các thuyền mắc cạn, vận chuyển lính đổ bộ lên các đảo hay thực hiện nhiều nhiệm vụ “ném đá giấu tay” của Trung Cộng ở Biển Đông.

Về cơ cấu tổ chức: Dân quân biển Trung Cộng là lực lượng không chính quy, được tuyển chọn từ ngư dân địa phương vừa làm việc kiếm sống vừa được đào tạo để chờ thực hiện nhiệm vụ do chính quyền giao, song có những địa phương cũng tuyển chọn cả cựu binh hải quân.

Tuy không thuộc lực lượng vũ trang, song Dân quân biển Trung Cộng do Chính phủ xây dựng, quản lý, kiểm soát hoạt động, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ huy quân sự địa phương.

Về cơ bản, dân quân biển Trung Cộng là lực lượng địa phương, được tổ chức, tài trợ hoạt động bởi chính quyền các tỉnh. Quy định chính sách về hoạt động của lực lượng Dân Quân Tự Vệ địa phương Trung Cộng do Cục Dự Bị Động Viên thuộc Quân Ủy Trung Ương Trung Cộng soạn thảo, ban hành, dưới sự chỉ đạo của Tổng Tham Mưu trưởng quân đội Trung Cộng.

Chính quyền trung ương Trung Cộng hỗ trợ về kinh phí hoạt động cho lực lượng này, trong khi chính quyền địa phương bảo đảm trực tiếp về lương, kinh phí huấn luyện hoặc kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam khi đang hoạt động trong khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam. (Ảnh Nghiencuuquocte)

Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng biên chế của lực lượng dân quân biển Trung Cộng vẫn còn là một ẩn số đối với cộng đồng quốc tế. Theo trang Daily Caller có trụ sở tại Mỹ, một báo cáo vào năm 1978 ước tính lực lượng dân quân biển của Trung Cộng có 750,000 người và 140,000 tàu. Theo Sách Trắng Quốc Phòng năm 2010 của Trung Cộng, nước này có 8 triệu đơn vị dân quân, song không rõ lực lượng dân quân biển có được tính hay không.

Thời gian gần đây, số lượng dân quân biển của Trung Cộng đã được mở rộng về quy mô và nâng cao về chất lượng. China Daily dẫn lời một giới chức thuộc Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Bắc Hải, Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây khoe rằng số lượng dân quân biển tăng gấp 10 lần chỉ trong 2 năm qua, từ dưới 2% lực lượng quân sự địa phương vào cuối năm 2013 lên tới trên 20% vào năm 2016.

6 nhiệm vụ

Theo Nghiên cứu Quốc tế, dân quân biển Trung Cộng có 6 nhiệm vụ chính: Thứ nhất, đóng vai trò tiên phong tạo áp lực trong các vụ va chạm, xung đột nhỏ với tàu cá, tàu khảo sát thăm dò, tàu chấp pháp của các nước ở Biển Đông.

Thứ hai, tham gia các vụ đụng độ, khiêu khích trên vùng biển quốc tế theo sự chỉ đạo của quân đội Trung Cộng, trong một số trường hợp là theo lệnh chỉ huy tạm thời của Lực lượng Chấp pháp biển Trung Cộng.

Thứ ba, bảo vệ, thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ, “các quyền và lợi ích biển” và hỗ trợ Hải quân Trung Cộng khi xảy ra chiến tranh.

Thứ tư, hỗ trợ lực lượng an ninh nội địa trong việc bảo đảm ổn định xã hội, cũng như tham gia cứu trợ khi thiên tai xảy ra.

Thứ năm, cung cấp các báo cáo tình hình hoạt động của tàu nước ngoài ở Biển Đông cho Cơ quan Ngư chính Trung Cộng.

Thứ sáu, vận chuyển vật liệu xây dựng lên các đảo, đá ở Biển Đông, góp phần hỗ trợ quá trình cải tạo phi pháp các thực thể nhân tạo; hỗ trợ sự hiện diện của Trung Cộng trong các khu vực có xung đột lãnh thổ hay đổ bộ lên các đảo đang tranh chấp.

Tàu cá dân quân là chiêu bài lách luật của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. (Ảnh Internet)

Theo giáo sư Andrew Erickson (Trường Chiến tranh hải quân Mỹ) Nhà nước Trung Cộng chi trả rất hậu cho lực lượng dân quân biển, thông thường một thuyền viên được Nhà nước Trung Cộng trả 13.000 USD/năm, trong khi thuyền trưởng được trả 25.000 USD/năm.

Tại các địa phương đều có chính sách hỗ trợ và thúc đẩy dân quân biển riêng, ví dụ như Chính quyền Hải Nam có chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân chuyển từ tàu gỗ sang tàu vỏ sắt thông qua hình thức trợ giá, hỗ trợ tài chính, trang bị miễn phí hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu…

Lập lờ đánh lận

Theo Giáo sư James Kraska, nhà nghiên cứu của Trung tâm Luật quốc tế Stockton thuộc Đại học Hải quân Mỹ, lực lượng dân quân Trung Cộng đã xóa nhòa ranh giới trong định nghĩa giữa tàu chiến và tàu dân sự theo luật hải chiến. Theo Luật hải chiến, các tàu cá không bị bắt hoặc bị tấn công khi có xung đột vũ trang.

Mặc dù tàu chiến có thể tấn công các tàu cá dân sự hỗ trợ quân đối phương nhưng về lý thuyết, khó có thể phân biệt được đâu là tàu cá dân sự thuần túy với đâu là tàu cá hỗ trợ hải quân. Bất kể tàu dân quân có đóng vai trò quan trọng trong chiến trận hay không, sự hiện diện của chúng trên chiến trường cũng khiến đối phương rơi vào thế lựa chọn khó khăn về tác chiến và pháp lý.

Việc sử dụng tàu đánh cá như một lực lượng hỗ trợ hải quân là hành vi vi phạm nguyên tắc phân biệt dân và quân sự, vốn là yếu tố then chốt của luật nhân đạo quốc tế. Luật này nêu rõ rằng dân thường và các mục tiêu dân sự phải được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công vũ trang. Mục đích của nguyên tắc này là để bảo vệ dân thường và giảm bớt tác động chiến tranh lên họ. Tuy nhiên, bất chấp điều này, đội tàu dân quân Trung Cộng đã làm xóa đi ranh giới để phân biệt giữa tàu cá dân sự và tàu có chức năng hải quân.

Giáo sư Alan Dupont (Đại học New South Wales, Australia) phân tích rõ chiến lược bành trướng của Trung Cộng ở Biển Đông là cho các tàu cá dọn đường, thăm dò, gây hấn với tàu cá nước khác dưới sự bảo kê của tàu hải cảnh. Sau đó, hải cảnh tiếp tục tạo vòng vây phong tỏa khu vực, ngăn cản tàu nước khác đến gần nhằm tiến hành bồi đắp, xây dựng phi pháp và cuối cùng là quân sự hóa.

Giới chuyên gia, học giả và truyền thông quốc tế đều nhận định đây là một trong những lực lượng nguy hiểm của Trung Cộng.

tauca Subi

Bức ảnh vệ tinh này được chụp vào tháng 8/2018 cho thấy rạn san hô Zamora (Subi) với những chiếc thuyền đánh cá bên trong đầm phá. (Ảnh: Khai thác truyền thông hàng hải Á Châu)


Nhìn chung, lực lượng dân quân biển Trung Cộng đã, đang ngày càng phát triển và được Nhà nước Trung Cộng hậu thuẫn tối đa (về cả kinh tế, pháp lý, nhân lực) nhằm thực hiện những âm mưu, ý đồ độc chiếm Biển Đông. Thời gian tới, Trung Cộng sẽ tiếp tục mở rộng vai trò của dân quân biển, biến lực lượng này thành một “hạm đội” đánh cá mới ở Biển Đông.

Hành động này của Trung Cộng sẽ gây thêm căng thẳng trong khu vực tranh chấp, gióng lên hồi chuông cảnh báo các nước cần đoàn kết và có biện pháp thích đáng lên án, xử lý các tàu dân sự trá hình này.

Theo Trung Dung

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt