Chiến trường Ukraine qua một khúc quanh mới…

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Năm 2020, một cuộc diễn tập duyệt binh ở Moscow có sự xuất hiện của hỏa tiễn nguyên tử chiến thuật RS-24 Yars, của Nga (Ảnh: Sergei Ilnitsky/EPA, via Shutterstock)

Ba dấu hiệu thấy Nga hạ giọng

– Sau khi Nga dùng đủ những chiêu trò hù dọa Mỹ và khối NATO ở châu Âu là sẽ dùng vũ khí nguyên tử, đã bị Washington đáp trả bằng những tuyên bố quyết liệt: “khi Nga dùng vũ khí nguyên tử chiến thuật ở Ukraine thì nhận sự đánh trả tức khắc và phải trả giá rất đắt chưa từng thấy”. Người đứng đầu ngoại giao châu Âu ông Josep Borrell cũng có những phát biểu cứng rắn tương tự nên Nga biết hù dọa không có hiệu nghiệm!

– Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Nga-Trung Á, trả lời trong cuộc họp báo tại thành phố Astana thủ đô Kazakhstan, Putin đã dịu giọng, đính chính rằng Nga không lập lại một đế chế [thật ra Nga có khả năng đâu mà lập lại đế chế, chỉ xâm lăng Ukraine mà không xong thì sức đâu mà lập lại đế chế], đồng thời Putin tuyên bố ngưng mở thêm những đợt phóng hỏa tiễn liên lục địa vào Ukraine tàn sát dân lành khắp nơi như ngày 10/10 vừa rồi [vì đã hết hỏa tiễn nên Putin lên giọng đạo đức giả].

– Bên cạnh đó, Bộ Trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm 11/10 cho biết Moscow sẵn sàng đàm phán với phương Tây về cuộc chiến ở Ukraine. Lời tuyên bố này bị Washington bác bỏ vì cho rằng Nga tiếp tục tấn công hỏa tiễn liên lục địa bừa bãi vào các thành phố của Ukraine ngày 10/10 vừa rồi.

Ba điều trên: hù dọa không có giá trị, tuyên bố không xây dựng đế chế Cộng Sản Liên Xô hay Nga Hoàng trở lại và bắn tiếng sẵn sàng đàm phán với Tây Phương về chiến tranh Ukraine, thấy Nga đã mềm đi và dịu giọng…

Ba dấu hiệu thấy Nga chưa dám [chưa chứ không phải không] dùng nguyên tử ở Ukraine:

Sau nhiều lần tuyên bố cho rằng nếu Ukraine và NATO “vượt lằn ranh đỏ”, Nga sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử. Thế nhưng đã ba lần vượt lằn ranh đỏ mà Nga chưa dám sử dụng vũ khí nguyên tử:

Cầu Crimea (Kerch) bị đánh sập ngày 8/10/2022

–    Thứ nhất, Nga tuyên bố nếu Mỹ và châu Âu viện trợ vũ khí tối tân cho Ukraine thì Nga sẽ dùng nguyên tử. Mỹ đã viện trợ giàn phóng pháo HIMARS tối tân làm đảo ngược chiến trường ở Ukraine mà Nga chưa dám sử dụng vũ khí nguyên tử.

–    Thứ hai, nếu ai tấn công vào lãnh thổ Nga thì Nga đáp trả bằng nguyên tử. Việc Nga sáp nhập 4 vùng đất Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine vào lãnh thổ Nga ngày 28/09/2022, vậy là Nga xem 4 vùng này như lãnh thổ Nga. Sau đó vài hôm, quân Ukraine đánh chiếm lại những vùng đất ở Kherson, Leyman ở Donetsk, coi như tấn công vào lãnh thổ Nga, mà Nga không dám sử dụng vũ khí nguyên tử.

–    Thứ ba, giật sập cầu Kerch (Crimea) là vượt “lằn ranh đỏ” mà Nga tuyên bố sẽ dùng vũ khí nguyên tử. Nhưng khi cầu Kerch bị đánh sập ngày 8/10/2022, Nga cũng chẳng dám sử dụng vũ khí nguyên tử.

Sự bất quá tam, cho thấy Nga sử dụng nguyên tử có tính toán chứ không sử dụng bừa bãi như Kremlin thường hăm dọa. Nga biết rằng họ sẽ nhận trả một thiệt hại khôn lường vào lãnh thổ Nga vốn đang thất bại sẽ thành một nước Nga tê liệt!

Giờ đây, hình như Mỹ và các nước châu Âu hù dọa ngược lại. Hôm qua ông John Bolton, cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, trả lời trên truyền hình Mỹ nói rằng: “nếu Nga sử dụng vũ khí nguyên tử thì Mỹ sẽ ám sát Putin!” Lời tuyên bố “tóe lửa” này không biết Mỹ có làm được hay không, nhưng Putin cũng phải rợn tóc gáy! Mỹ có khả năng giết chết trùm khủng bố Al-Qaeda, Al-Zawahiri tại thủ đô Kabul của Afghanistan vào tháng 8/2022, và giết tướng Soleimani của Iran vào tháng 5/2020 bằng máy bay không người lái thì cũng có khả năng đó với Putin.

1)  Hai sự kiện thấy Nga thay đổi chiến lược trên chiến trường Ukraine để kéo dài cuộc chiến

Thứ nhất, Nga thay tướng và thay đổi cách tổ chức chiến tranh:

Nga thay tướng đặc trách toàn bộ chiến trường Ukraine (1), chứ không phải như trước đây chỉ có tướng chỉ huy từng mặt trận trên chiến trường, không có người chỉ huy duy nhất.

Ngày 8/10/2022, Putin bổ nhiệm đại tướng đầu trọc Sergei Surovikin làm tư lệnh chiến trường Ukraine. Đây là tướng được Nga cho là xuất sắc và nhiều kinh nghiệm nhất trong hàng tướng của Nga và cũng là tên tướng tàn bạo nhất được thấy từ những chiến trường mà ông ta từng chỉ huy.

 Tướng Nga Sergei Surovikin (đầu trọc) bắt tay Putin

Sergei Surovikin sinh ngày 11 tháng 10 năm 1966 tại Novosibirsk, Siberia nước Nga. Năm 1987 lúc 21 tuổi, Sergei Surovikin tốt nghiệp Trường Chỉ Huy Quân Sự Cao Cấp Omsk (Omsk Higher Military Command School). Năm 1991, tham gia chiến trường Afghanistan với cấp bậc đại úy tiểu đoàn trưởng, năm 1995 tham gia chiến trường Tajikistan với cấp bậc trung tá Trung Đoàn Trưởng. Năm 2004 làm tư lệnh sư đoàn rồi tư lệnh quân đội viễn chinh Nga tại Chechnya. Năm 2017 tư lệnh quân viễn chinh Nga tại Syria.

Tại Syria, Surovikin có tiếng là tàn bạo trong các trận đánh. Khi TT Syria Bashar Al-Assad gần như sắp bị phe cách mạng lật đổ thì Sergei Surovikin đã đảo ngược tình thế, lấy lại nhiều chiến trường đã mất và giúp Al-Assad duy trì quyền lực độc tài cho đến ngày nay. Đừng quên rằng lúc Sergei Surovikin tư lệnh quân đội viễn chinh Nga tại Syria là lúc nhiều bom hóa học được dùng ở Syria.

Cuối năm 2017, Tổng Thống Putin bổ nhiệm tướng Surovikin làm Tư lệnh Lực Lượng Hàng Không Vũ Trụ là lực lượng không gian thuộc bộ quốc phòng Nga, có nhiệm vụ điều phối quân binh chủng và vũ khí tổng hợp cho quân đội Nga.

Nhìn quá trình của Sergei Surovikin trong quân đội Nga, đầu tiên là một tướng lục quân, sau này lãnh đạo ngành hàng không vũ trụ Nga là cơ quan đầu tiên trong lịch sử quân đội Nga dùng để thực hiện việc hợp đồng binh chủng Hải-Lục-Không Quân- và Không Gian Mạng một cách nhuần nhuyễn nhằm đạt kết quả chiến thắng ngoài chiến trường.

Việc thay tướng Sergei Surovikin, là một tướng giỏi nhất của quân đội Nga, có khả năng phối hợp vũ khí và binh chủng làm tư lệnh chiến trường Ukraine. Tướng này vừa có kinh nghiệm chỉ huy lục quân vừa có khả năng về không quân và phối hợp tác chiến. Như vậy là Nga sửa soạn cho một chiến trường mới ở Ukraine với diện mạo chiến tranh khác chứ không như 9 tháng qua. Đó là binh chủng không quân dùng máy bay có người lái và không người lái phối hợp với hỏa tiễn tầm xa là mũi tấn công chính, bộ binh theo sau tiến vào chiếm và giữ đất và bám thành trì. Không phải dùng bộ binh là mũi nhọn tấn công chính như từ 9 tháng qua.

Thứ hai, quân Belarus sắp tấn công Ukraine ở mặt biên giới phía Bắc.

Chiến xa Belarus tập trận gần biên giới Belarus-Ukraine

Biên giới Belarus-Ukraine dài chừng 1100km giáp phía Bắc Ukraine. Gần đây Nga chuyển 25,000 quân đến Belarus cùng phối hợp với 40,000 quân Belarus áp sát biên giới Ukraine. Quân Belarus được trang bị tối tân như quân Nga và không quân Belarus có trang bị hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử trên chiến đấu cơ SU-25.

Quân Ukraine hiện có chừng 20,000 phòng thủ ở biên giới, những cây cầu bắt qua sông giữa Belarus và Ukraine bị Ukraine đánh sập.

Nếu lực lượng Nga và Belarus tấn công thì họ có khả năng tấn công thủ đô Kyiv một lần nữa, vì Kyiv cách biên giới Belarus chừng 100km.

Nếu Nga và Belarus tấn công vào Ukraine thì quân của Ukraine đang tập trung ở vùng Đông Bắc (Kharkiv) và miền Nam (Kherson) phải lui về tăng viện cho mặt trận phía Bắc và thủ đô Kyiv, như vậy quân Ukraine bị yếu đi ở vùng Kharkiv và Kherson, Nga có thể lợi dụng cơ hội đó chiếm lại các thành phố đã bị Ukraine đánh chiếm ở xung quanh Kharkiv và Kherson từ đầu tháng 9/2022.

Hình như Ukraine và NATO đã nhìn ra được nước cờ của Nga thay đổi chiến lược xâm lăng, Cho nên Mỹ và Đức vội vàng viện trợ hỏa tiễn phòng không tối tân cho Ukraine để đối phó với chiến trường mới. Mỹ viện trợ hệ thống NASAM và Đức viện trợ hệ thống IRIS-T đáp ứng với sự “thay đổi diện mạo cuộc chiến” của Putin.

NASAMS (National Advanced Surface-to-Air Missile System) là giàn hỏa tiễn phòng không tối tân của Mỹ dùng để phóng các loại hỏa tiễn khác nhau, được lắp trên cùng chung một giàn phóng và bắn ra cùng một lúc. Hiện Mỹ đang dùng NASAMS để bảo vệ Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài, đủ biết hỏa tiễn phòng không NASAMS rất hữu hiệu và chính xác. Còn IRIS-T (InfraRed Imaging System Tail/Thrust Vector-Controlled) là giàn hỏa tiễn phòng không tối tân của Đức có thể theo dõi và tiêu diệt hàng loạt máy bay trên chiến trường, đồng thời được điều chỉnh để bảo vệ các tài sản có giá trị và các khu vực đông dân cư.  

Chiến tranh của Ukraine trong những ngày tới sẽ chuyển qua một hình thức khác, một loại chiến trường mới, khốc liệt hơn, tàn bạo hơn do không quân và pháo hỏa tiễn của Nga làm chủ… Nhìn thấy Nga cũng như Ukraine đang chuẩn bị hơn thua đủ với nhau, ngày hòa bình lặp lại tại Ukraine còn rất xa vời!

Texas ngày 16 tháng 10 năm 2022
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

 ———————————————————————————————

(1) https://www.theguardian.com/world/2022/oct/08/russia-appoints-notorious-general-sergei-surovikin-ukraine

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt