Chiến tranh Trung-Mỹ : Khó xảy ra nhưng vẫn có thể…
Rand Corporation, một tổ chức tư vấn (think tank) tại California, đã đưa ra một giả thuyết ít có cơ xảy ra: một cuộc chiến bất ngờ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Dù căng thẳng thường xuyên diễn ra, nhưng cho đến nay, cả hai cường quốc đối thủ vẫn nỗ lực kiềm chế để tránh đối đầu trực tiếp.
Trong bài viết “Chiến tranh Trung-Mỹ: Khó xảy ra nhưng vẫn có thể” trên mục ” Ý Kiến & Thảo luận” của nhật báo kinh tế Les Echos (15/09/2016), nếu một cuộc chiến xảy ra giữa hai nước, lợi ích chính trị, kinh tế, thậm chí là xã hội do dân cư Trung Quốc di chuyển đến châu Mỹ sẽ là những hậu quả thảm hại. Thảm họa không chỉ đến với riêng với hai nước này, mà còn có thể là với vùng Đông Á và toàn thế giới. Cuộc chiến gần đây nhất giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên trong những năm 1950. Từ đó, hai cường quốc tránh trực tiếp đối đầu nhau, mà tham gia vào chiến tranh ủy nhiệm, như cuộc chiến ở Việt Nam.
Tuy nhiên, không nên ảo tưởng vào những nụ cười rạng rỡ tại thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu của nguyên thủ hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tại Washington, người ta hình dung ra điều tồi tệ nhất, như kết quả của một nghiên cứu được công bố vào mùa hè năm 2016 của Rand Corporation, một think tank được thành lập ngay sau Thế Chiến II và được đánh giá là có quan hệ mật thiết với giới quân sự Mỹ. Theo khẳng định trong bản nghiên cứu của “think tank” này, hiện nay, mối căng thẳng trong vùng đã đạt đến cấp độ có thể “dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự, thậm chí khốc liệt, giữa hai cường quốc”.
Theo tài liệu này, cả hai nước đang tập trung lực lượng quân đội trong những vùng, nơi căng thẳng ngày càng leo thang. Vì thế, phải nghĩ đến “điều không tưởng”: đó là một cuộc chiến, không phải do hành động “được chuẩn bị sẵn” từ hai phía, mà do sự cố hay tính toán sai lầm từ bên này hoặc bên kia. Tổ chức Rand Corporation xem xét mọi “mầm mống nhen nhóm” có thể dẫn đến một cuộc xung đột.
Chẳng hạn, tại Biển Đông, Bắc Kinh đã bồi đắp các đảo nhân tạo, xây dựng các đường băng, nhiều cơ sở hạ tầng và tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế (ZEE) 200 hải lý xung quanh các đảo này. Tham vọng của Trung Quốc khiến Philippines và nhiều đồng minh khác của Mỹ trong khu vực tức giận. Hơn nữa, vùng Biển Đông lại là tuyến đường hàng hải huyết mạch trung chuyển đến 40% hàng hóa toàn cầu.
Tháng 07/2016, Bắc Kinh giận dữ vì phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye cho rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines. Cho đến hiện nay, cuộc xung đột mới chỉ thể hiện trong ngôn từ. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) từng nói: “Đừng biến Biển Đông thành cái nôi chiến tranh”.
“Vạn lý Trường thành trên biển”
Căng thẳng với Nhật Bản trên biển Hoa Đông cũng không lắng dịu, mà còn đi xa hơn. Mùa hè năm 2016, do nguồn hải sản trong các vùng biển Trung Quốc bị giảm đi, khoảng 230 tầu cá của Trung Quốc, được gần chục tầu hải cảnh hộ tống, đã ùa đến đánh bắt xung quanh quần đảo Senkaku/Điều Ngư đang có tranh chấp với Nhật Bản.
Tháng 11/2013, Trung Quốc lập “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) bao trùm khu vực từ miền nam Nhật Bản đến Đài Loan. Đây là “bức trường thành thứ tư của Trung Quốc, ở trên không”, theo nhận định trong một nghiên cứu mới đây của Jun Osawa, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế ở Tokyo (IIPS). Cho tới nay, các hãng hàng không dân dụng và không quân các nước vẫn bỏ qua yêu cầu xin phép Bắc Kinh để được bay qua khu vực này. Tuy nhiên, ông Jun Osawa lưu ý, chỉ cần một sự cố nhỏ cũng “có thể gây ra một tính toán sai lầm” của Trung Quốc hay của các nước láng giềng ở Biển Đông.
Bối cảnh hiện nay khả dĩ hơn một chút. Tổng thống Barack Obama bước vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ thứ hai nên tỏ ra hòa dịu. Đối với Rand Corporation, Washington và Bắc Kinh phải hình dung ra được khả năng xảy ra một cuộc xung đột kéo dài với những hậu quả nặng nề về con người và kinh tế.
Tại Washington, viễn cảnh đáng báo động này không nhận được hết sự đồng thuận của giời chuyên gia. Theo nhận định của Anthony Cordesman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Hoa Kỳ và Trung Quốc vừa là đối thủ, vừa là những đối tác tiềm tàng. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng những thay đổi trong lực lượng quân sự và việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc là kết quả trực tiếp của ý chí “bảo vệ lợi ích của quốc gia này trong một vùng đầy biến động”. Thế nhưng, trở thành cường quốc số 1 thế giới cũng không nhất thiết phải tiến hành chiến tranh.
Thu Hằng